WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cách mạng là gốc, chính trị là ngọn

Người cộng sản thường sử dụng từ kép cách mạng vào công cuộc cướp chính quyền của họ. Lật đổ chế độ cũ, có thể là thối nát, để thay bằng chủ nghĩa xã hội tiến đến vô sản hoá hoàn cầu, mong tạo lập thiên đường cộng sản đại đồng thế giới là ước mơ của những người Mác-xít.

Xã hội loài người từ ngàn xưa đã diễn tiến theo biện chứng có khoa-học-tính để phát triển và tiến hoá hướng thượng luôn mãi.

Phải chăng những người Mác-xít đã làm cách mạng thực sự, đáp ứng đúng nguyện vọng quần chúng?

Nghe hai chữ cách mạng, người ta liên tưởng ngay đến một sự đổi thay, từ cũ ra mới, từ xấu xa đến tốt đẹp, từ lạc hậu sang văn minh. Nói cách khác, “cách mạng là một công cuộc xoay chuyển thời đại, tu chỉnh và cải tiến xã hội cũ sang xã hội mới hy vọng, hợp lý, tiến bộ hơn, phù hợp với nguyên tắc tiến hoá, [viễn kiến] một tương lai của lý tưởng [đã được] hàm dưỡng tự sâu xa. Mỗi công cuộc cách mạng sản sinh ra một xuất lộ cho dân tộc, quốc gia và xã hội” (1)

Nhìn vào định nghĩa trên, điều được gọi là cách mạng vô sản vừa qua của quốc tế cộng sản đã hoàn toàn thất bại và bị phá sản toàn diện, cả hình thức lẫn nội dung. Thay vì gọi đó là cuộc cách mạng, nhân loại phải phê đậm ba chữ phản cách mạng vì nó đã không đưa đến xã hội mới tốt đẹp hơn xã hội cũ, không đưa đến tiến bộ và cũng không phù hợp với quy luật tiến hoá của loài người. Một biện chứng què quặt!

Về chính trị, phải chăng nhân loại tranh đấu từ ngàn xưa đến nay để không cần chính phủ khiến đất nước dễ rơi vào rối loạn, chẳng ai buồn lo vì tình trạng cha chung không ai khóc? Thế tại sao các đảng cs đều cố gắng cướp cho được chính quyền khắp nơi, không từ một thủ đoạn chính trị đê tiện nào? Một khi đã nắm được quyền lực lại không bao giờ nhả, không chấp nhận chia sẻ công việc thiết kế xã hội với toàn dân.

Về kinh tế, làm theo khả năng và hưởng theo nhu cầu có hợp với ý tưởng loài người? Trước hết, vô sản mong muốn triệt tiêu ý thức hữu sản nơi con người. Đây là một trong những sai lầm cơ bản. Cứ nhìn sự phát triển tự nhiên của trẻ em sẽ thấy. Từ nhỏ chúng đã có ý thức hữu sản, muốn dành giật đồ chơi  của những đứa khác về chúng, cho mình chúng. Dục vọng tham lam quá độ của con người là một vấn đề khác. Tư duy làm theo khả năng sẽ cản trở sự tiến bộ của loài người vì cảnh cha chung nói trên. Công mình nhiều mà hưởng ít, hoặc tệ hơn, nhọc công cho kẻ khác hưởng thì tội gì phải làm cho lắm (tắm cũng ở truồng)? Rồi ai sẽ điều hợp sinh hoạt kinh tế? Những sản phẩm nào cần sản xuất, phải sản xuất ngay, hay sản xuất nhiều nhằm cung ứng cho nhu cầu? Chỉ nêu vài câu hỏi sơ đẳng đã thấy chủ nghĩa cs bí lối. Hưởng theo nhu cầu ư? Với tình trạng vô chính phủ, vô tôn giáo, ai ngăn chặn lòng tham không đáy?

Về sự tiến hoá của nền văn minh nhân loại: Thế giới đại đồng không cần nhân dân và biên giới quốc gia? Mác đã chẳng hiểu gì về nguyên tắc giúp thành lập dân tộc và nhân loại sinh hoạt hoà hợp với nhau nằm trong cơ năng, bản vị học thuyết (2). Với thuyết này, mỗi dân tộc là một cơ năng thành phần tạo nên bản vị nhân loại. Nơi đây, vườn hoa văn hoá muôn màu muôn sắc của xã hội loài người được thành lập bởi sự đóng góp chung từng nền văn hoá mỗi dân tộc. Nhờ vậy, cơ năng dân tộc và bản vị nhân loại sinh hoạt hòa hài, hỗ trợ lẫn nhau. Vì tư duy sai lầm nên Mác kêu gào xóa bỏ biên cương, cả biên giới thể chất lẫn biên giới văn hoá tinh thần, nhập chung thành một loại văn hoá hỗn tạp vô sản?

Chỉ trong tư duy nhân loại là một mà dân tộc thì nhiều, với cơ năng - bản vị học thuyết nói trên mới mong tránh khỏi sự tàn sát ghê rợn của cả chủ nghĩa cộng sản quốc tế lẫn chủ nghĩa tập quyền vụ lợi tư bản.

Trong quá trình cách mạng, những nguyên nhân nội tại tiềm ẩn từ lâu, gây bế tắc trong xã hội buộc con người phải đứng lên đạp đổ sự thối nát hầu tạo lập xã hội mới.  Cuộc cách mạng 1789 há chẳng là kết tinh từ những yếu tố nội tại thoát thai tận thế kỷ XVI, từ Diderot, Voltaire, Montesquieu, Rousseau khởi đi? Khi đã đến giai đoạn thành thục chín mùi, kết hợp hai yếu tố chủ quan bên trong và khách quan bên ngoài, buộc phải bùng vỡ cách mạng, tháo nút bế tắc cho xã hội tiến hoá.

Một cuộc cách mạng thường bao gồm hai thành tố: phá đổ và kiến thiết.

Sự phá đổ phải có giới hạn để kịp tiến đến giai đoạn kiến thiết, nhanh chóng đưa đất nước từ xấu sang tốt. Đây chính là sai lầm của chế độ cộng sản. Họ đạp đổ xã hội thối nát cũ nhưng luôn luôn đi quá đà, gây ra biết bao đau thương và tang tóc. Đã chậm bước vì mải mê hận thù giật sập truyền thống cũ, khi sang đến giai đoạn kiến thiết họ lại càng mù tịt. Những nguyên tắc của cộng sản như đấu tranh giai cấp, dân chủ tập trung, độc tài đảng trị, kinh tế chỉ huy, văn hoá đại đồng xoá bỏ biên cương dựa trên bạo lực…  hoàn toàn không phù hợp với xã hội loài người, không đáp ứng được nhu cầu đất nước và thời đại nên đã thất bại thảm hại trong quá trình xây dựng. Nó không hợp với quy luật tiến hoá hướng thượng của nhân loại nên đã bị nhân dân Liên Xô và Đông Âu dứt khoát dẹp bỏ.

Xã hội loài người tiến triển theo dạng thức đường xoáy trôn ốc lên cao (như Loa Thành An Dương Vương). Vì luôn có những lực cản, hay ác lực khiến xã hội không tiến hoá theo đường thẳng, mà biểu thị bằng đường cong, nhưng nó hướng lên. Hướng thượng là ý chí chung của con người. Đường cong tiến hoá này không phải lúc nào cũng suông sẻ. Có những thời điểm các lực cản sự tiến bộ vượt trội, biến thành nút thắt trôn ốc nhỏ trên đường cong lớn ấy. Đó là lúc cần thiết một cuộc cách mạng nhằm phá vỡ nút xoáy bế tắc kia để dân tộc/nhân loại tiếp tục phát triển luôn mãi. Nhưng không hẳn cuộc cách mạng nào cũng có đổ máu. Sau khi cách mạng thành công, tiến đến giai đoạn chính trị tức sự thành lập nhà nước với hiến pháp, luật pháp, nghĩa vụ, quyền lợi và những định chế ràng buộc.

Lịch sử con người tiến hoá hướng thượng từ xa xưa, khởi đầu là thần quyền – đa thần hay độc thần – sang chế độ phong kiến, quân chủ, kinh qua giai đoạn thoái trào phát xít và cộng sản, bây giờ mới đạt tới xã hội dân chủ, mất đến cả mấy chục ngàn năm chứ không dễ dàng, thênh thang thẳng tuột một đường đâu! Đã tốn phí bao nhiêu máu và nước mắt để nhân loại tiến đến thời điểm hiện tại?

Khi nhận thức được như vậy thì chính trị phải lấy cách mạng làm gốc. Những “thủ đoạn chính trị” phải dựa vào viễn kiến nhân đạo của cách mạng mà thi hành. Gốc cách mạng có vững chắc và tô bồi bằng tình tự yêu thương dân tộc, ngọn chính trị mới vươn toả cao rộng, thơm ngát hương hoa nhân ái phục vụ con dân.

Nhận định sai lầm của chủ nghĩa cộng sản: Cứu cánh của họ là thế giới vô sản đại đồng, xoá bỏ giai cấp và biên cương quốc gia với phương thức cướp chính quyền khắp nơi khiến họ không từ bỏ thủ đoạn bỉ ổi nào, miễn đạt được mục đích. Phương châm của cs là cứu cánh biện minh cho phương tiện nên những thủ đoạn chính trị bất nhân được áp dụng tùy tiện. Hãy xác định lại điểm này. Đáng lý ra, nó phải là cứu cánh nào, phương tiện nấy. Cứu cánh có nhân đạo, phương tiện, hay thủ đoạn chính trị mới nhân đạo được. Lâu nay, những người cs sử dụng bạo lực, dối trá và trấn áp quen tay buộc mọi người nhìn “thủ đoạn chính trị” theo nghĩa xấu. Phải hiểu đây là những phương thức hợp pháp mà mỗi con dân, mỗi tổ chức có quyền khai thác triệt để nhằm đạt mục tiêu chính trị cho mình, hoặc cho tổ chức.

Vì cứu cánh là cướp lấy chính quyền nên họ bất chấp thủ đoạn, tiêu diệt đối lập bằng mọi cách; vì cứu cánh là vô sản nên họ quốc hữu hoá nhà đất mà không đền bù thỏa đáng; vì cứu cánh là vô thần nên tự do tôn giáo chỉ có trên giấy tờ; vì cứu cánh là dân chủ tập trung nên đảng phái đối lập, báo chí tư nhân và xã hội dân sự không được phép sinh hoạt; vì cứu cánh là kinh tế chỉ huy nên nhà nước nắm mọi phương tiện sản xuất và các ngành kinh doanh “mũi nhọn.”

Họ còn sai lầm trong định nghĩa giai cấp. Đúng ra, phải hiểu đây là các giai tầng trong xã hội nhằm phân công nhiệm vụ cho hợp lý. Giai tầng chính trị gia thì lo thiết kế xã hội; giai tầng bác sĩ lo cứu chữa bệnh nhân; giai tầng công nhân thì lo sản xuất hàng hoá; giai tầng nông dân sản xuất nông sản v.v…

Nếu giai tầng công nhân tiêu diệt và lãnh đạo các giai tầng khác, xã hội sẽ phân chia nhiệm vụ ra sao? Bế tắc! Nếu không còn chính phủ, ai sẽ điều hợp quốc gia? Bế tắc! Nếu là kinh tế chỉ huy thì ai nắm phương tiện sản xuất hoặc quyết định mặt hàng nào cần sản xuất ngay, hàng hoá nào cần có nhiều để đáp ứng sự “hưởng theo nhu cầu?” Bế tắc!

Tất cả mọi câu hỏi đều gặp bế tắc không giải quyết nổi, làm sao xã hội hướng thượng và tiến hoá?

Một nhận định sai lầm nữa của những người Mác-xít là họ tin tưởng và hãnh diện cho rằng chủ thuyết cộng sản là nấc thang tiến hoá cuối cùng mà nhân loại đạt đến! Đây là kiểu tư duy chết và đã bị đóng khung. Bất kỳ một tư tưởng, một xã hội nào cho rằng mình là đỉnh chót, duy nhất đúng, đều có khả năng đưa loài người đến “tận thế,” vì nó không cho phép con người tiến hoá thêm nữa. Sự tiến hoá bị “đụng trần,” còn chỗ đâu cho “công bằng, dân chủ, văn minh?” Từ ngữ trong câu châm ngôn vừa rồi cũng bị đặt sai vị trí. Không có dân chủ, làm gì có công bằng và văn minh; tại sao “công bằng” lại đứng trước “dân chủ?”

Chủ nghĩa cs, do vậy, chỉ có giá trị biểu kiến, tức mong muốn xã hội công bằng hơn chế độ tư bản rừng rú thời Mác, chứ không có giá trị thực tiễn. Con người luôn mơ ước tiến hoá và hướng thượng, buộc họ chỉnh sửa chế độ tư bản cho hợp với ý chí hướng thượng của loài người.

Từ thực tế cuộc sống, muốn chỉnh sửa nền chính trị trên ngọn cho hợp đạo lý Việt, phải có dân chủ, phản biện và đối lập, lấy cách mạng dân tộc làm gốc. Chưa quốc gia nào thành công sửa đổi các chế độ vô sản cả. Nó không cho phép phản biện, không cho những tiếng nói khác biệt cất tiếng. Ta chỉ có thể thay thế nó mà không thể sửa chữa, ngoại trừ họ chấp nhận lột xác, chấp nhận cuộc chơi dân chủ phổ quát, không phải thứ dân chủ tập trung hiện tại.

Đảng CSVN phải nhận ra những điều trên mà dứt khoát từ bỏ tư duy lạc hậu này.

Họ biết rõ, nhưng vẫn cố bám víu làm bình phong nắm quyền lực, vẫn nhờ cậy vào “tư tưởng dỏm” HCM – người đã tuyên bố thẳng thừng chẳng có tư tưởng gì – để tiếp tục độc quyền hưởng lợi trên đầu trên cổ toàn dân.

Những đảng viên Mác-xít nào đã phản tỉnh và có tinh thần tiến bộ, nhìn ra những nhược điểm không thể giải quyết của chủ nghĩa xã hội hãy khẩn trương kết hợp hàng ngũ, tìm về với quốc dân để cùng thế hệ thanh niên và tầng lớp 98% đáy tầng nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc thời đại 2000 đang còn dang dở, ngăn cản bởi cuộc nội chiến khốc liệt huynh đệ tương tàn kia.

Người Việt Nam ở cả hai phía hãy mở rộng tầm nhìn, cố gắng hiểu rõ vấn đề, bám lấy gốc cách mạng chứ đừng theo ngọn chính trị hầu nhanh chóng hăng hái, hồ hởi tìm về bên nhau, sưởi ấm cho nhau trong cơn buốt giá của cuộc Chiến tranh Lạnh vừa qua, mà con dân và đất nước chúng ta đã bất hạnh gánh chịu hoàn cảnh chiến tranh nóng cho cả loài người được thụ hưởng hoà bình.

© Tạ Dzu

© Đàn Chim Việt

(1) Huyết Hoa, Thái dịch Lý Đông A, Nhóm nghiên cứu văn hoá dân tộc Việt, 1986, tr 4

(2) Sách đã dẫn, tr 200

3 Phản hồi cho “Cách mạng là gốc, chính trị là ngọn”

  1. NON NGÀN says:

    CHÍNH TRỊ VÀ CÁCH MẠNG

    Ở đời đạo đức mới hay
    Chớ còn chính trị nói ngay chỉ thừa
    Không đạo đức chỉ gạt lừa
    Nói toàn xạo xự quả là chính em

    Đó là cách mạng lèm nhèm
    Phỉnh phờ bọn dốt có nhằm gì hay
    Giống như Các Mác cùi đày
    Đưa ra học thuyết cướp ngày vậy thôi

    Nhân danh giai cấp trên đời
    Mà phi đạo đức cũng thời ra chi
    Trước sau bạo lực ai bì
    Cướp rồi phân lại nhiều khi tức cười

    Lại toàn xuyên tạc chuyện người
    Hô hào giai cấp gạt đời thế sao
    Nhân danh cách mạng tào lao
    Mà phi khoa học lẽ nào đúng đâu

    Trăm năm chừng ấy mạng người
    Giết đi trăm triệu toàn cầu hay chi
    Tuyên truyền nói láo thường khi
    Hỏi xem nhân cách còn chi ở đời

    Vậy nên chẳng nói nhiều lời
    Ngôn từ cách mạng quả thời nói suông
    Bởi khi đạo đức buông tuồng
    Trở thành chính trị tuồng luông hại người

    Nên điều chính đáng ở đời
    Không ngoài khoa học chẳng ngoài nhân văn
    Con đường khoa học thẳng băng
    Con đường nhân đạo cũng hằng vậy thôi

    Chính em chính chị nếu tồi
    Nhân danh cách mạng cũng hầu điêu toa
    Lợi mình để bịp mọi nhà
    Bịp xong nắm chóp quả là gian tham

    Phải điều đạo đức nên làm
    Để không gian dối lại càng tự do
    Thế nên dân chủ trong đời
    Chính điều đạo đức hỡi người thế gian

    BIỂN NGÀN
    (28/10/15)

  2. Ngàn Khơi says:

    LỜI VỚI ÔNG CÁC MÁC

    Trời sinh ông Mác ít duyên
    Bởi ông vốn nói huyên thuyên trên đời
    Những điều ông nói nhằm chơi
    Chớ còn áp dụng cuộc đời kêu than !

    Việc xong giờ thấy rõ ràng
    Trăm năm ngần ấy thế gian kêu trời
    Ôi ông ơi, hỡi ông ơi
    Những người tâng bốc ông thời đâu ra ?

    Ấy là trong cõi ta bà
    Nhiều người nhìn cuốc hóa gà xưa nay
    Huyên thuyên lập luận ai tày
    Cũng toàn khẩu hiệu đọa đày thế gian !

    Muốn lên thế giới thiên đàng
    Nào hay càng chỉ bộn bàng thêm ra
    Chuyện đời giữa cõi người ta
    Lại thêm ông Mác thật là vô duyên !

    Anh hùng khó gặp thuyền quyên
    Địa đàng khó thể nên duyên ở đời
    Chỉ mong giữa chốn con người
    Ta cùng xây dựng cuộc đời vui chung !

    Võ Hưng Thanh
    (11/8/11)

Phản hồi