WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tản mạn về chiếc áo dài

Trong một tùy bút viết trước năm 1975, nhà văn Võ Phiến kể chuyện hồi năm 1970 ông Nguyễn Cao Đàm, nhiếp ảnh gia nổi tiếng của miền Nam thời ấy, có dịp đến Nhật để dự hội chợ quốc tế Osaka. Tại hội chợ, ông được thưởng lãm cuộc trình diễn trang phục truyền thống phụ nữ của nhiều quốc gia và theo ghi nhận của ông thì chiếc áo dài của thiếu nữ VN đã luôn được khán giả suýt soa tán thưởng mỗi khi xuất hiện trên sân khấu.

Cân đong so sánh kỹ mọi ưu, khuyết những kiểu quốc phục mà phụ nữ các nước đã mang ra thi thố tại hội chợ này, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm phân tích nguyên nhân thắng lợi tuyệt đối của chiếc áo dài VN chính là nó gợi cảm và nhất là nó “cho thấy gió”. Nó gợi cảm khi thân áo bó sát phần trên cơ thể làm nổi bật một cách tinh tế các đường cong tuyệt mỹ của thiếu nữ, đồng thời với tà áo dài lượn lờ theo “gió” bên dưới nó tạo cho cơ thể thiếu nữ  một sự  nhẹ nhàng thanh thoát mỗi khi chuyển động. Đặc điểm đó đã giúp nó ăn đứt chiếc áo Kimono của người Nhật hay chiếc áo Hanbok của người  Hàn quốc quá nặng nề kín kẽ…cùng các kiểu trang phục truyền thống  không có “gió” của phụ nữ các quốc gia khác. Qua đó nhà văn Võ Phiến tin rằng chiếc áo dài Việt Nam ắt sẽ có một tương lai hết sức rực rỡ. Vài chục năm đã trôi qua kể từ khi bài tùy bút về chiếc áo dài của nhà văn Võ Phiến ra đời thế nhưng giờ kiểm nghiệm lại thì  thấy sự việc chẳng hề xảy ra cho chiếc áo dài Việt Nam đúng như nhà văn dự báo.

Chiếc áo dài thiếu nữ VN mà ông Nguyễn Cao Đàm nhìn thấy tại hội chợ Osaka năm 1970 chắc chắn khác biệt rất xa với chiếc áo dài mà Chúa Nguyễn Vũ Vương ( 1739-1765) ban sắc dụ định hình và chính thức công nhận là quốc phục : “…Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ, mở…” (Đại Nam thực lục tiền biên). Nó khác với thời Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát đã đành, nhưng nếu so với chiếc áo dài cách tân táo bạo của họa sĩ  Cát Tường hoặc họa sĩ Lê Phổ khiến xã hội ta vào đầu thập niên 1930 phải một phen nhốn nháo xôn xao thì sao? Không khác biệt mấy! Sự cách tân được xem là táo bạo của chiếc áo dài thời  ấy chính là thân trên ôm sát đường cong cơ thể trong khi hai tà áo xẻ ra ở bên dưới tha hồ tạo ra “mây gió”. Hai mặt mạnh đó của chiếc áo dài những năm 1930, về cơ bản vẫn tiếp tục được “phát huy” cho dù sau đó các nhà thiết kế hậu sinh có táy máy “cách tân” theo kiểu “cổ hở, cổ tròn, cổ vuông, cổ cao, cổ thấp…” hay “tà dài, tà ngắn” hoặc để hở thêm một tí da thịt “giết người” phía trên vòng eo khiến cho nam giới phải hồn xiêu phách lạc…

38 năm sau, tức năm 2008, tính từ lúc chiếc áo dài VN chinh phục quần hùng tại  cuộc “luận áo Osaka”, nó vẫn tiếp tục là món đặc sản quốc hồn của dân ta. Xem ra nó còn được tôn vinh hơn trước qua các cuộc thi hoa hậu và người mẫu ngày càng nở rộ. Thậm  chí  người ta còn ưu ái dành riêng hẳn cho nó một cuộc thi “Hoa hậu áo dài” hàng năm nữa chứ! Không chỉ xuất hiện ở các cuộc thi sắc đẹp quốc nội, nó còn thường xuyên theo người đẹp của ta vươn ra quốc ngoại tại các cuộc thi hoa hậu quốc tế hằng năm. Mà không chỉ có thí sinh người Việt sử dụng nó trong các cuộc thi sắc đẹp  đâu nhá! Đã có 30 người đẹp từ 30 quốc gia đủ mọi châu lục mặc nó để cùng đọ sắc tại cuộc thi “Hoa hậu Trái đất” với phần thi đặc biệt tại Việt Nam diễn ra ở Nha Trang đầu tháng 11. 2007, trong đó có phần thi mặc áo dài VN. Kết quả hết sức bất ngờ! Người mặc áo dài VN đẹp nhất trong cuộc thi ấy không phải là người đẹp chủ nhà Việt Nam mà là người đẹp đến từ nước Brasil, cô Patrica Silva, cao 1m79 với số đo ba vòng: 88-65-92, một thể hình cực kỳ lý tưởng để làm nổi bật những điểm mạnh nhất của chiếc áo dài VN mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm đã phân tích tại hội chợ Osaka 38 năm trước. Tiếc thay, chiếc áo dài VN mà 30 người đẹp với thể hình cực kỳ lý tưởng đó sử dụng trong hội thi  đã không cho thấy các điểm mạnh của nó. Nó không cho thấy “gió” mà cũng chẳng cho thấy đường cong tuyệt mỹ gì  ráo của các mỹ nhân. Nó rộng thùng thình, không eo iết, mặc vào giống như trẻ con mặc “bính” áo người lớn hoặc giống chiếc áo của những phụ nữ khổ hạnh muốn che giấu tất cả những gì có thể gợi lên những suy nghĩ tội lỗi nơi giới mày râu. Chiếc áo dài đó được nhà thiết kế đặt tên là “Long Hoa hội tụ”. Kiểu “Long Hoa hội tụ” ấy có vẻ không gây khó khăn gì cho các thành viên ban giám khảo trong việc chọn lựa người mặc áo “Long Hoa” đẹp nhất nhưng chắc chắn nó gây bối rối rất nhiều cho những người như cụ Nguyễn Cao Đàm. Làm sao không bối rối khi tiêu chí cái đẹp của chiếc áo dài ngày nay trái ngược hẳn với những gì cụ thấy hồi 38 năm trước? Và cụ ắt sẽ tiếc rẻ: “Chiếc áo dài VN hồi  đó mà có được 30 mỹ nhân khắp năm châu với chiều cao và số đo các vòng cực chuẩn như vầy mặc vào trình diễn thì có khi nó làm cho nhân loại khắp trái đất phải ngã lăn quay vì “gió và vì sự gợi cảm kinh người của nó ấy chứ!”.

Tàn cuộc thi ở Nha Trang ra về, 29 người đẹp quốc ngoại kia hẳn được giữ cho mình chiếc áo dài “Long Hoa” đã mặc ở cuộc hội thi này. Về lại quê nhà, các người đẹp ấy có khi thỉnh thoảng mặc nó vào để “trình diễn” với thân bằng quyến thuộc. Dưới mắt họ, những người nước ngoài xa lạ ấy, chiếc áo “Long Hoa” không tạo nên ấn tượng như thế hệ cô, dì của nó hồi ở Hội chợ Osaka về “gió” hay sự “gợi cảm” mà sẽ tạo được ấn tượng “ngộ nghĩnh”! Thế cũng quí hóa rồi!.

May thay những chiếc áo dài kiểu Long Hoa, hoặc những kiểu áo dài mang những cái tên bí hiểm phương Đông khác như “Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ…” của các nhà tạo “mốt” ngày nay chỉ “sống” trên sân khấu mà không “sống” trong đời thực. Trong đời thực, những chiếc áo dài  thỉnh thoảng xuất hiện trên đường phố vẫn tiếp tục gợi cảm cho phái mạnh và vẫn có “gió” nhờ chất liệu tạo ra nó vẫn là chất liệu truyền thống như lụa, gấm, nói chung là các loại vải mỏng, mềm rũ chứ không là thổ cẩm hay thứ vải dày cứng nhắc như nó thường được “cách tân” trên sân khấu.

Tiếc là ngày nay trong đời thường, chiếc áo dài không còn được phụ nữ ta thường xuyên sử dụng như giữa thập niên 70 về trước. Thời đó hầu như nó có mặt ở mọi nơi mọi lúc, thậm chí  ở một số vùng miền Trung nó còn được phụ nữ sử dụng cả khi gánh quà rong đi bán.

Tại sao thời nay, thời bước chân ra ngõ gặp ngay hoa hậu, thời chiếc áo dài được tôn vinh tưng bừng trên sân khấu trình diễn mà nó lại vắng bóng trong đời thực ngoại trừ những dịp lễ, tết? Ngay cả pháo đài bảo vệ cuối cùng của nó ở các trường trung học cấp 2,3 cũng có nguy cơ bị tấn công khi một số người, trong đó có cả một vị giáo sư tiến sĩ mỹ học uy tín, lên tiếng công kích vì cho rằng nó không tiện lợi cho các nữ sinh trong hoạt động học tập.

Nó trở thành biểu tượng lạc hậu trong tiến trình hội nhập văn minh nhân loại hiện đại chăng? Nó “hổng giống ai” trong thời đại “a còng”, thời của nhạc “rap”, “disco”, của mái tóc nhuộm màu vàng hoe cho giống các thiếu nữ phương Tây chăng?

Vì lý do gì đi nữa thì  sự thật hiển nhiên là chiếc áo dài  đã ngày càng ít xuất hiện trong sinh hoạt đời thường của người Việt. Và giờ đây khi mọi người, trong đó có phụ nữ chúng ta, đều buộc phải đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, chiếc áo dài truyền thống ấy có thể sẽ biến mất trên đường phố. Sự mềm mại của nó làm sao có thể đánh bạn với chiếc nón tân thời mạnh mẽ kia được.

Từ vinh quang trong cuộc “luận áo Osaka” vào năm 1970, nhiếp ảnh gia Nguyễn Cao Đàm cũng như nhà văn Võ Phiến hẳn không bao giờ nghĩ đến số phận của chiếc áo dài Việt Nam chỉ trong 38 năm sau lại hẩm hiu đến vậy trong đời thường của dân tộc!.

Bài do tác giả gửi đến Đàn Chim Việt Online

Phản hồi