WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Xem World Cup, nghĩ về những mê tín trong bóng đá

Paul dự đoán Tây Ban Nha thắng Hà Lan ở chung kết. Ảnh AP

Trong giải World Cup lần này, có một “nhân vật” rất đặc biệt, được các hãng thông tin lớn và các cơ quan truyền thông lớn, từ truyền hình, truyền thanh đến báo in, báo mạng, facebook và blog đưa tin và thu hút sự chú ý của vô số người trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, dĩ nhiên.

“Nhân vật” này có một cái tên rất gọn: Paul.

Không có họ. Chỉ Paul thôi.

Để khỏi lẫn lộn với hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người mang tên Paul khác, người ta thêm trước hoặc sau cái tên Paul ấy mấy chữ: hoặc là nhà tiên tri Paul hoặc là nhà tâm linh Paul hoặc là, với mức phổ biến cao hơn, Paul bạch tuộc.

Vâng, Paul là tên của một con bạch tuộc hiện đang được nuôi tại Trung tâm triển lãm thuỷ sinh (Sea Life Aquarium) tại Oberhausen ở Đức.

Để biết được sự tiên tri của Paul, người ta thả vào bể kính hai hộp thức ăn trên đó có in hình lá cờ của Đức và lá cờ của nước đối thủ. Người ta ghi nhận: trong giải Vô địch châu Âu năm 2008, Paul chọn hộp thức ăn có lá cờ nước nào, đội bóng của nước ấy thường thắng trận. Chỉ có một lần sai duy nhất: Đó là trong trận chung kết giữa Đức và Tây Ban Nha, Paul “đoán” Đức thắng nhưng kết quả ngược lại, đội vô địch lại là Tây Ban Nha. Như dù sao mức độ chính xác trong toàn bộ giải vẫn rất cao: đến 80%.

Trong giải World Cup kỳ này cũng vậy. Cho đến nay, mọi sự “tiên đoán” của Paul đều đúng. Trước trận bán kết giữa Đức và Tây Ban Nha một ngày, Paul “đoán” Tây Ban Nha thắng. Rất nhiều người Đức, nhất là các cổ động viên bóng đá, không tin. Người ta hy vọng Paul sẽ sai như hai năm trước. Nhưng rồi kết quả trận đấu giữa Đức và Tây Ban Nha vào ngày 7 tháng 7 lại xác nhận là Paul đúng: Đội Đức thua đội Tây Ban Nha 0-1.

Trong khi có thể khác nhau ở cách giải thích, hầu như mọi người đều cho đó là một hiện tượng thú vị. “Tên tuổi” của Paul xuất hiện trên cả những tờ báo lớn và rất uy tín. Paul trở thành một trong những “ngôi sao” được nhắc nhở nhiều nhất trong mùa giải kỳ này.

Dĩ nhiên không ít người xem đó chỉ là chuyện mê tín.

A! Mê tín. Có một điều cần lưu ý: trong thời hiện đại, hầu như không có lãnh vực nào lại có nhiều người mê tín như trong lãnh vực thể thao, đặc biệt trong bóng đá.

Trong mấy bài “Xem World Cup” trước đây, tôi đã nêu lên mấy đặc điểm chính của bóng đá: đó là nơi xu hướng toàn cầu hoá và địa phương hoá song hành một cách hài hoà nhất, nơi tài năng cá nhân và tinh thần tập thể bổ sung cho nhau và cũng là nơi nuôi dưỡng và phát huy những mầm mống văn hoá cho một xã hội dân sự. Có thể thêm một số đặc điểm khác: đó còn là nơi kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học, và cũng là nơi óc mê tín từ thời xa xưa vẫn còn đất dụng võ.

Có thể thấy sự mê tín ấy ngay trong hình ảnh của Joachim Loew, huấn luyện viên tài hoa của đội tuyển Đức. Trong giải World Cup này, trước khi đi vào trận chung kết, hầu như ông chỉ mặc chiếc áo len xanh cổ trái tim duy nhất. Tại sao? Tại vì trong trận đầu, lúc Loew mặc chiếc áo ấy, đội Đức chiến thắng một cách vang dội, các cầu thủ và Ban huấn luyện của đội tuyển Đức đã yêu cầu ông mặc cái áo đó cho đến hết giải. Không những không thay áo khác, ông cũng không giặt cái áo ấy vì sợ vận may sẽ bị tan theo bọt xà phòng. (Chỉ sau khi Đức thua Tây Ban Nha ở lượt tứ kết, vào chung kết, người ta mới thấy ông thay áo khác.)

Loew không phải là người duy nhất tin như vậy đâu. Rất nhiều huấn luyện viên và cầu thủ cũng tin như vậy. Chỉ có điều là mỗi người tin và thực hành niềm tin ấy một cách khác nhau. Có người không thay áo sau khi gặp may mắn như trường hợp của Loew. Có người khác thì không thay đồ lót hay không thay vớ. Có người chỉ ăn những món ăn mà họ nghĩ là mang lại may mắn cho họ. Có người cầu nguyện. Hình ảnh dễ thấy nhất trên tivi là rất nhiều người làm dấu thánh giá trước khi bước vào sân thi đấu.

Trong vòng loại của World Cup năm 1986, trước trận đấu đầu tiên ở Mexico, huấn luyện viên Carlo Bilardo của đội tuyển Argentina mượn týp thuốc đánh răng của một cầu thủ để dùng. Trận ấy thắng. Từ đó đến cuối giải, ông giữ thói quen mượn thuốc đánh răng và cũng giữ nguyên cái cà vạt ông đeo trong trận đấu ngày hôm ấy. Ông không dám thay đổi, sợ mất hên.

Liên quan đến cà vạt, trong World Cup 2006, huấn luyện viên của đội tuyển Pháp Raymond Domenech và huấn luyện viên đội tuyển Mexico Ricardo La Volpe đều nghe lời thầy bói đeo cà vạt có hình con rồng. Riêng ông Domenech, sau trận thắng đầu tiên, buộc mọi cầu thủ không được thay đổi bất cứ điều gì: quần áo không được thay đổi; cả chỗ ngồi trên xe buýt của họ cũng không được thay đổi; riêng chuyến xe buýt chở đội tuyển từ khách sạn đến sân vận động thì phải giữ nguyên lộ trình của ngày đầu tiên ấy, không được thay đổi, bất chấp mọi lý do, kể cả kẹt xe. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu các cầu thủ trong đội không được ăn gì khác ngoài thịt gà. Cũng cần nên biết Domenech nổi tiếng là mê tín. Người ta đồn là tiêu chuẩn đầu tiên của ông khi chọn lựa đội tuyển không phải là tài năng mà là theo tuổi. Ông hỏi cặn kẽ ngày tháng năm sinh của từng cầu thủ rồi tính toán độ may của cầu thủ ấy cũng như sự hoà hợp giữa cầu thủ ấy và cả đội. Điều này thì ông phủ nhận nhưng hầu như mọi cầu thủ trong đội tuyển đều tin là nó có thật.

Liên quan đến thức ăn, nhà chiến lược của đội tuyển Argentina năm 1986, Carlos Bilardo ngược lại với Domenech, lại cấm cầu thủ ăn thịt gà vì ông nghĩ thịt gà xui. Mỗi lần ra sân đấu, ông đều mang theo một bức tượng Đức Mẹ nhỏ. Một lần, trên đường từ khách sạn đến sân vận động, xe buýt bị hư, cả đội phải đổi sang tắc xi. Trận ấy thắng. Từ đó, lúc nào ông cũng cho cả đội đi tắc xi để giữ hên.

Huấn luyện viên đội Leeds United Don Revie cũng y như vậy. Trong nhiều giải, ông chỉ mặc một bộ quần áo duy nhất, di chuyển trên một lộ trình duy nhất. Huấn luyện viên Luis Aragones của Tây Ban Nha thì sợ màu vàng. Nếu cầu thủ nào vào sân tập mà mặc áo màu vàng thì ông yêu cầu họ phải thay áo ngay tức khắc. Khi đội tuyển đến Đức dự giải World Cup 2006, được tặng một bó hoa lớn màu vàng, ông từ chối, không chịu nhận vì sợ xui.

Huấn luyện viên người Ý Fabio Capello thì không bao giờ nhận hoa cũng như không bao giờ thích nghe ai nói “Chúc may mắn” vì ông sợ… xui. Khi làm huấn luyện viên đội AC Milan, ông tổ chức họp báo hàng tuần ở một địa điểm giống nhau tại Milanello, yêu cầu ba nhà báo hỏi cùng một câu hỏi giống nhau theo một trật tự giống nhau. Tuần này sang tuần khác. Không thay đổi. Khi cả đội bay đi nơi khác để thi đấu, ông luôn luôn đòi ngồi hoặc trên ghế số 3A hoặc trên ghế số 4A. Khi làm huấn luyện viên đội Estudiantes La Plata năm 2003, trước một trận đấu, ông được một phụ nữ xa lạ người Brazil chúc may mắn. Bình thường, ông không thích nghe những lời chúc như thế. Nhưng trận đó, đội ông thắng. Lại thắng một cách oanh liệt với tỉ số 4-1. Ngay sau đó, ông yêu cầu nhân viên tìm số điện thoại của người phụ nữ từng chúc ông may mắn ấy. Từ đó, trước mỗi trận đấu, ông đều gọi người phụ nữ ấy để bảo đảm sự may mắn sẽ không bị vụt mất.

Nhưng sợ nhất là sự mê tín của huấn luyện viên đội Southern Division One của Zimbabwe. Tháng 10 năm 2009, sau một số trận đấu thất bại, ông dẫn cả đội đến sông Zambezi để làm lễ tẩy rửa mọi xui xẻo. Mọi người phải nhảy xuống sông tắm. Mà con sông ấy lại đầy cá sấu. Hậu quả là: một lát sau, trong số 17 cầu thủ, chỉ có 16 người lên bờ. Còn một người thì biến mất!

Không phải chỉ có huấn luyện viên mới mê tín. Rất nhiều cầu thủ, kể cả những cầu thủ nổi tiếng, cũng mê tín.

Cầu thủ Adrian Mutu của Romanie thì lúc nào cũng mặc quần lót trái trong lúc thi đấu. Cầu thủ David James thì, trước khi ra sân vận động thi đấu, không hề mở miệng nói năng với ai cả, hơn nữa, còn vào nhà vệ sinh đi tiểu rồi khạc lên tường. Cầu thủ Bobby Moore, đội trưởng đội tuyển của Anh trong thập niên 1960 và 1970 thì, trong phòng thay quần áo trước khi ra sân, bao giờ cũng là người cuối cùng mặc quần áo. Có lần, một người bạn nghịch ngợm, sau khi thấy Moore mặc đồ xong, bèn cởi chiếc quần soọc đang mặc ra để đổi cái khác. Moore cũng lại cởi quần ra rồi đứng chờ. Đến khi người bạn ấy mặc xong, anh mới chịu mặc quần vào.

Mario Gómez của Đức thì, trong phòng tập hợp trước khi ra sân đấu, bao giờ cũng đi tiểu ở phòng vệ sinh xa nhất phía tay trái. Phòng ấy có người, anh kiên nhẫn đứng chờ chứ nhất định không vào phòng khác. Giờ khai mạc trận đấu, anh cũng không bao giờ chịu hát quốc ca. Nguyên nhân là, hồi nhỏ, trong một đội bóng thiếu niên, một lần vô tình không hát quốc ca, anh lại ghi được bàn thắng. Từ đó anh tin việc từ chối không hát quốc ca sẽ được hên.

Sergio Goycochea, thủ môn của Argentina thì, trước mỗi lần bị phạt đền, đều đứng đái trong khung thành. Anh thanh minh là anh thường làm việc đó một cách kín đáo và tế nhị nên không ai phàn nàn điều gì cả.

David Beckham, cầu thủ nổi tiếng và có giá nhất trên thế giới cả gần chục năm nay thì, trước mỗi mùa giải quan trọng, đều bảo đảm là mọi thứ trong tủ lạnh đều được giữ nguyên trật tự ban đầu. Và không có gì lẻ cả. Nếu có bốn lon Pepsi, uống xong một lon, còn lại ba, anh sẽ vất một lon để mọi thứ trong tủ lạnh đều là số chẵn.

Cristiano Ronaldo thì lúc nào cũng hớt tóc ở một tiệm giống nhau, bởi một thợ duy nhất tại Wilmslow và Cheshire vì anh tin là họ mang lại hên cho anh. Anh, giống như Gary Lineker của Anh, cũng không bao giờ đá bóng vào khung thành trong những giờ làm nóng (warming up) trước trận đấu vì không muốn làm phí việc phá lưới.

Cầu thủ Juan Sebastian Veron của Argentina một lần bị thương ở đầu gối. Vết thương nhẹ thôi. Bác sĩ dán một miếng bandage vào đầu gối rồi anh chơi tiếp. Sau đó anh ghi được bàn thắng. Anh tin bàn thắng ấy đến từ cái bandage kia, thế là, từ đó, lần nào anh cũng ra sân với một miếng bandage trên đầu gối, dù anh chẳng bị thương tích gì cả!

Laurent Blanc, đội trưởng đội tuyển Pháp, trong World Cup 1998, trước mỗi trận đấu, đều hôn lên cái đầu cạo trọc của thủ môn Fabien Barthez để lấy hên! Hình ảnh ấy được chiếu trên truyền hình khắp thế giới.

Bóng đá Úc cũng đầy những chuyện mê tín. Nổi tiếng nhất là vụ Úc bị một pháp sư người Mozambique yểm bùa vào năm 1969.

Câu chuyện được tường thuật khá rộng rãi trên đài truyền hình SBS và nhiều tờ báo ở Úc vào tháng 11 năm 2005 đại khái như sau: Năm ấy đội tuyển Úc đấu vòng loại để tham dự World Cup 1970. Các trận đấu đều trầy trật. Từ huấn luyện viên đến cầu thủ đều nản chí. Trước trận đấu với đội Rhodesia (bây giờ là Zimbabwe), vài cầu thủ Úc nghe một pháp sư người Mozambique nói là ông có thể giúp đội Úc thắng. Đang tuyệt vọng, họ bèn đến gặp vị pháp sư ấy. Ông nói ông sẽ yểm bùa các đối thủ của Úc. Giá mỗi lần là 1000 bảng Anh. Úc đồng ý. Vị pháp sư đem một ít xương đến chôn dưới khung thành và đọc lời nguyền trù yểm đội đối thủ. Trận ấy Úc thắng 3-1.

Có điều các cầu thủ Úc vẫn không tin hẳn nên không chịu trả tiền. Trận sau đó, cả ba cầu thủ Úc ngã bệnh nên họ bị thảm bại.

Bốn năm sau, Úc qua khỏi vòng loại, được đến Đức dự World Cup. Nhưng chỉ chuốc lấy thảm bại.

Sau đó cũng thảm bại. Hết giải World Cup này đến giải World Cup khác. Lúc nào cũng thảm bại.

Một số người tin là sự thất bại của bóng đá Úc là do vị pháp sư Mozambique yểm bùa để trả thù. Johnny Warren, một cựu cầu thủ và huấn luyện viên, người chứng kiến vụ yểm bùa năm 1969, viết thẳng điều đó trong cuốn tự truyện “Sheilas, Wogs And Poofters” xuất bản năm 2002.

Sau khi đọc cuốn sách của Johnny Warren, năm 2004, phóng viên John Safran lặn lội đến tận Mozambique tìm đến vị pháp sư nọ. Nhưng ông đã chết. Safran bèn tìm một vị pháp sư khác. Vị pháp sư ấy đồng ý giải bùa cho đội Úc. Mọi người đến cái sân vận động từng bị bỏ bùa năm 1969 lúc đội Úc đấu với đội Zimbabwe. Vị pháp sư giết một con gà rồi vấy máu khắp nơi, kể cả trên người của Safran. Sau đó Safran đến một sân vận động khác chùi sạch máu bằng vài miếng đất sét mà vị pháp sư kia cho.

Năm sau, đội Úc thi đâu thắng đó. Cuối cùng, được vào vòng trong của giải World Cup 2006 tại Đức.

Nhiều người tin thắng lợi ấy không phải nhờ tài của huấn luyện viên hay cầu thủ. Mà chủ yếu là nhờ lời nguyền đã được giải. Trên đài SBS, phóng viên thể thao nổi tiếng của Úc, Craig Foster cho là trước việc đội tuyển Úc được lọt vào vòng trong của World Cup 2006, người đầu tiên cần được dân chúng Úc cám ơn chính là John Safran!

Chuyện có vẻ như huyền bí. Nhưng cũng có khá nhiều người tin.

Vấn đề là: Tại sao người ta lại tin như thế?

Bạn nghĩ sao?

Nguồn: Blog Nguyễ Hưng Quốc (VOA)

Phản hồi