WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngồi lại bên nhau

Họp khóa ngậm ngùi

Những cuộc họp bỏ túi hàng năm

Mặc cho những dao động về chính trị và kinh tế tại Hoa Kỳ. Mặc cho những lao xao về đủ mọi tin tức trong cộng đồng Việt Nam, từng nhóm anh em vẫn đi tìm hình ảnh quá khứ để ngồi lại bên nhau.

Mỗi độ Xuân về, các Hội đồng hương họp mặt đón Xuân. Sau Tết, các binh chủng chào mừng tân niên. Hè về anh em ta kéo nhau ra công viên Picnic. Hải Quân họp mặt theo từng khóa. Không Quân xum họp theo phi đoàn. Từ hai miền Nam Bắc Cali, quanh năm đều có những sinh hoạt tùy theo từng quê quán, quân trường,trường học và trường đời, đủ các sắc thái…

Năm nay bọn này họp ở San Jose, năm tới chúng tôi xuống chơi quận Cam. Xe đò Hoàng chạy tới chạy lui. Có ngày tăng cường thêm chuyến buổi chiều.

Riêng cái khóa Cương Quyết II Thủ Ðức và Ðà Lạt của chúng tôi cũng cùng chung một nhịp sống. Cũng Nam Bắc Cali họp đi họp lại.

Năm 2004 chúng tôi kỷ niệm 50 năm của một khóa quân trường. Năm 54 vào trường Ðà Lạt có 300 sinh viên. Về gặp lại sau nửa thế kỷ có 70 ông cụ. Ðược coi là thành tích vẻ vang.

Tiếp đến, năm 2009, kỷ niệm 55 năm, lần đầu tiên chúng tôi họp mặt Cương Quyết II gồm cả Thủ Ðức và Ðà Lạt tại San Jose. Gọi là họp khóa lúc hoàng hôn nhưng thực ra là họp khóa ngậm ngùi. Một anh bạn chúng tôi, trung tá Lê Xuân Ðịnh nguyên giám đốc cơ sở USCC tại Los Angeles đã đưa được xe lăn lên phi cơ mà đến với anh em. Khi đêm về, chúng tôi thắp nến lung linh để tưởng niệm bạn cùng khóa đã ra đi.

Ðó là chuyện năm ngoái. Cuối tuần này, anh em chúng tôi lại kéo nhau xuống miền Nam để tiễn đưa Lê Xuân Ðịnh lần cuối. Chúng tôi không muốn gọi là đi đưa đám. Ðây cũng là họp khóa. Dù trong tang tóc, dù còn lại chẳng được bao nhiêu, nhưng mỗi lần gặp mặt là một lần họp khóa.

Lê Xuân Ðịnh ra đi năm nay, vào cuối tháng 7-2010. Cái tháng 7 có quá nhiều kỷ niệm. Năm 1954, cũng vào tháng 7 chúng tôi ngồi trong Hội trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt nghe tin Genève chia đôi đất nước. Bây giờ cũng là giây phút chia tay anh em.

Bạn Ðịnh năm nay 77 tuổi. Nếu 70 năm đầu, anh có thể tung hoành ngang dọc thì 7 năm cuối cùng tất cả trăm sự nhờ vợ. Nhà thơ Hồng Phượng của khóa chúng tôi, đã dành 7 năm nuôi chồng ngồi trên xe lăn. Và tháng 7 cuối cùng, chị đã ngồi bên anh cho đến giây phút lâm chung trong bệnh viện.

Ðầu thập niên 70, chiến trường miền Trung đã lấy đi một anh bạn cùng khóa. Khi tiễn đưa Ðại Tá Nguyễn Thế Nhã,Trung đoàn trưởng Sư Ðoàn 1 Bộ binh, tôi đặt một vòng hoa có băng tang chạy ngang hàng chữ:

Thương tiếc Nguyễn Thế Nhã, anh hùng

Gần 40 năm sau, chúng tôi đã già nua và khiêm tốn hơn. Lần này chúng tôi chỉ ghi rằng :

Thương tiếc Lê Xuân Ðịnh, tử tế

Một chiếc xe lăn cô quạnh đặt cạnh bàn thờ, anh Ðịnh nằm yên nghỉ trong quan tài. Chúng tôi đứng chung quanh, chúng tôi họp khóa thêm một lần nữa. Chúng tôi là những người anh hùng mỏi mệt, chúng tôi chỉ còn cố gắng sống như những người tử tế. Tiễn đưa một người tử tế nhất trong anh em vừa ra đi.

Khóa Trần Hưng Ðạo

Chuyện họp khóa của chúng tôi tuy có Cương Quyết nhưng vẫn là chuyện buồn. Tại San Jose chuyện họp khóa của ông Bùi Quý Ngọc là chuyện vui và trẻ trung hơn nhiều.

Khóa Thủ Ðức mang số 12 được Tổng Thống Diệm đặt tên là khóa Trần Hưng Ðạo, so ra còn nhiều phong độ. Vào trường năm 61 ra truờng ngày 1 tháng 8-1962. Tổng số 1560 sinh viên, được may mắn tốt nghiệp 100% chuẩn úy, không anh nào bị đeo trung sĩ cánh gà.

Ông Ngọc Bùi hiện là người tình nguyện phụ trách chương trình tiệc Việt Nam cho homeless Hoa Kỳ tại San Jose đã trên 15 năm.

Ông và các bạn hăng hái tổ chức họp khóa cuối tuần này, nhưng đây chỉ là buổi sơ giao để chuẩn bị cho giấc mơ vĩ đại vào năm 2012 mới đúng là họp mặt sau 50 năm.

Trong các câu chuyện ngồi lại bên nhau, trường nào, khóa nào, quê hương nào cũng tự coi là đặc biệt hơn cả. Khóa 12 Thủ Ðức của Ðức Thánh Trần cũng như vậy. Tôi được nghe  anh em nói rằng đây là khóa động viên đầu tiên của nền đệ nhất Cộng Hòa.

Khóa của người ta khi vào Ðà Lạt là tuổi trẻ trên dưới 20. Ða số là 18 hay 19 tuổi.

Khóa động viên này tuổi từ 18 mà lên đến ngoài 30. Anh thì có bằng cấp, anh có vợ con, anh có chức phận, có những anh thật giàu và cũng có anh thật nghèo.

Nhiều anh từ bên Tây bên Mỹ du học về, đem theo vợ đầm tóc vàng sợi nhỏ. Mỗi lần thăm viếng, cô vợ đầm ngồi khóc kiểu Tây. Anh em sinh viên độc thân cùng khóa kéo nhau ra xem mắt xanh nhỏ lệ chung tình. Khóa động viên đầu thập niên 60 có nhiều tay danh tiếng. Nào là Châu Kim Nhân, Ngô Khắc Tịnh, Hà Xuân Trừng, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Ngọc Linh…

Vào thời đó, bạn Nguyễn Ngọc Linh của tôi cao ráo, sạch sẽ lại nói được tiếng Tây, tiếng Mỹ nên tướng Lam Sơn chọn làm thủ khoa.

Sau này những tên tuổi của khóa 12 đều trở thành các thành phần quan trọng trong chính phủ.

Tôi hỏi chuyện anh em là các sinh viên võ khoa 12 có học hỏi gì được ở các vị chỉ huy trưởng hay không? Anh em ai nấy đều cười mà nói rằng chúng tôi tự học lấy trong trường đời. Nếu theo gương các vị chỉ huy trưởng thì chỉ có từ chết đến bị thương. Hỏi đi hỏi lại mới biết rằng thời đó anh em vào trường có tướng Hồ Văn Tố chỉ huy. Nữa đường ngài đứt gánh giữa khi lâm trận trăng hoa nên tướng Lam Sơn lên thay.

Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký lệnh động viên nên đã nhiều phen lên Thủ Ðức thăm sinh viên và ông giảng giải cả buổi về tác phong đạo đức sĩ quan. Chuyện tướng Tố bị thượng mã phong ngay giữa chốn quân trường xảy ra như thế, ông Diệm giận biết chừng nào. Tôi hỏi nhỏ anh em là các cậu có biết ai là người báo cáo cho Tổng thống biết đầu đuôi câu chuyện đã diễn tiến như thế nào?

Nhưng rồi mọi việc cũng trôi qua. Ngày mãn khóa 1560 chuẩn úy xếp hàng chờ đợi khá lâu. Tổng thống cố gắng đi duyệt qua tất cả các hàng quân. Ông bắt tay hàng trăm sinh viên. Tuy là đã huấn nhục 10 tháng, nhưng anh em sinh viên thuộc hàng trí thức, vác súng Garant đứng nghiêm cả giờ đồng hồ, chịu không nổi đã có một số bị té sỉu.

Hàng phía sau, anh nào sỉu thì khiêng ra, phía trước ông tổng thống cứ nhẩn nha đi bắt tay anh em. Chính những câu chuyện kỷ niệm nhỏ bé như thế làm các bạn cùng khóa nhớ mãi suốt đời.

Bác Ngọc Bùi sẽ ghi nhận để cùng anh em chia sẻ ngọt bùi cho kỳ họp khóa 50 năm vào tháng 8 năm 2012. Năm nay tháng 8-2010 chỉ mới là chuẩn bị. Hỏi rằng hy vọng năm 2012 sẽ về được bao nhiêu.

Trả lời rằng nếu về được 20% thì sẽ có 300 người. Nếu về được 10% thì sẽ có 150 người. Kể cả Nam Bắc Cali. Dù là 10% hay 20% thì chắc chắn sẽ có mặt sinh viên sỹ quan Lê Bá Bình. Anh vẫn ngồi chờ sẵn tại San Jose từ năm 1991 đến nay.

Thủy quân lục chiến Lê Bá Bình

Trong số 1560 chuẩn úy động viên khóa 12 Thủ Ðức, khi ra trường có 60 tân sỹ quan về thủy quân lục chiến.

Trung tá MX Lê Bá Bình

Chuẩn úy Bình cầm danh sách cùng anh em về trình diện bộ chỉ huy mũ xanh. Ðây là lớp trung đội trưởng về nhận các đơn vị thay cho hàng trung sĩ đang nhận chức tạm thời. Chuẩn úy Bình ở lại với binh chủng từ 62 cho đến 75. Một đời lính là một đời thủy quân lục chiến. Trong quãng đời binh nghiệp lâu dài đó, anh đã từ chuẩn úy trung đội trưởng mà lên đến Trung tá Tiểu đoàn trưởng của Tiểu đoàn 3. Ðơn vị anh hùng của Thủy quân lục chiến đã thay quân biết bao lần. Năm 62 ra trường với cấp bậc chuẩn úy trừ bị, 24 tuổi khóa động viên Thủ Ðức cho đến 10 năm sau, năm 72 Tiểu đoàn Trưởng Lê Bá Bình đã từng đón nhận biết bao nhiêu đợt sỹ quan đàn em về trình diện. Nhìn các tân sỹ quan, chuẩn úy Thủ Ðức, thiếu úy Ðà Lạt, các em dưới 20 tuổi, niên trưởng thấy xót xa cho thân phận, cho binh đoàn và cho đất nước.

Những tiếng kèn khải hoàn ca vang lên trong các dịp lễ thăng thưởng, gắn huy chương dưới sân cờ vẫn không át được tiếng khóc của vợ con lính từ khu gia binh vọng về. Có lần Tiểu đoàn 3 bị mất luôn cả Trung đội súng nặng. Khu gia binh ở liền nhau cả dãy dài, chủ gia đình chết chẳng còn ai. Tiểu đoàn trưởng ngồi trong văn phòng đứt ruột nghe tiếng khóc rền rĩ của đàn bà trẻ con trong canh khuya mãi mãi chưa dứt.

Anh Bình gốc gia đình là Bắc kỳ nhưng cha mẹ đã vào Nam trước cuộc di cư. Sinh năm 1937 anh có 24 năm tuổi trẻ Saigon và 14 năm thủy quân lục chiến. Nếu xét công bình cứ một năm lính là một năm tù cộng sản thì Lê Bá Bình vẫn còn nợ cộng sản một năm tù. Anh bị tập trung cải tạo mới hơn 13 năm. Như thi sĩ Hà Thượng Nhân đã viết “ Những mái đầu cất cao, không một lời than thở”.

Thực sự, chuẩn úy Bình, Thủ Ðức khóa 12 ra trường năm 1962 không có điều gì than thở. Anh là lính chiến, nhưng ăn nói từ tốn nhẹ nhàng. Sống độc thân cho đến khi lên Thiếu Tá mới lập gia đình. Anh chị được một cháu gái 2 tuổi vào ngày đứt phim. Những năm ngoài Bắc, vợ thăm chồng được 6 lần, coi như thành tích phi thường. Năm 91 vợ chồng và con gái qua San Jose theo diện HO. Ði làm điện tử 15 năm, nay đã về hưu, chở cháu ngoại đi học. Suốt một đời chinh chiến mũ xanh, biết bao nhiêu kỷ niệm chiến trường nhưng ngày nay hình ảnh và câu chuyện của tiểu đoàn trưởng Lê Bá Bình vẫn chỉ được nhắc đến nhờ báo chí và sách vở Hoa Kỳ nói về thành tích của Tiểu đoàn 3 TQLC giữ cầu Ðông Hà trong chiến dịch mùa Lễ Phục Sinh 1972.

Cầu Đông Hà (The Bridge at Ðông Hà)

Năm 1972, trận mùa hè bắt đầu, thiếu tá Lê Bá Bình chỉ huy tiểu đoàn 3 TQLC với sự phối hợp của thiết đoàn 20 kỵ binh Việt Nam giữ phòng tuyến Ðông Hà. Bình ra lệnh giữ Ðông Hà bằng mọi giá. Cầu Ðông Hà là con đường huyết mạch trên trục Nam tiến của Bắc quân.

Chiến xa PT 76 và T 54 của cộng sản ào ào tiến tới. Cờ đỏ của địch phất phới trên cần câu truyền tin của đoàn xe tăng. Chiến xa địch tiến nhanh đến nỗi bộ binh cộng sản theo không kịp. Hai xe tăng của cộng sản từ bờ Bắc chạy ào lên cầu Ðông Hà. Chiến binh TÐ 3 TQLC hạ luôn một lượt 2 chiếc nằm chết cứng trên cầu. Không còn lối cho xe của địch tiến quân. Hai bên Nam Bắc nằm 2 bên bờ sông, bắn nhau suốt 2 tuần lễ. Mỗi đêm đều có tấn công thăm dò. Lúc thì quân Bắc đánh qua, lúc thì quân Nam đánh lại. Lòng sông cạn , muốn thử thách cứ việc chờ đêm xuống là lội qua. Có lần mặt trận TÐ 3 đã bị vỡ nhưng lại hàn gắn lại. Ðịch bỏ xác đầy bờ sông. Và câu chuyện cầu Ðông Hà lên sách vở báo chí Mỹ là nhờ Đại úy TQLC Hoa Kỳ John W. Ripley. Một loạt hình ảnh ngoạn mục được các cố vấn chụp được khi Ripley, đơn thương độc mà đu người dưới dạ cầu để hoàn tất việc gài mìn Ðông Hà. Lúc đó anh đại úy TQLC Hoa Kỳ này là cố vấn duy nhất của Thiếu tá Lê Bá Bình.

Khi gài mìn xong, lính của Thiếu tá Bình phá cầu Ðông Hà, tuyệt đường tiến quân của cộng sản, ít ra cũng được một thời gian.

The Bridge at Ðông Hà được viết thành sách. Tác phẩm Ride the Thunder, trên lưng sấm sét. Ðại úy Ripley trở thành người anh hùng cô đơn của US Marine trong trận chiến mùa Phục Sinh 1972. Thiếu tá Bình với lời tuyên bố giữ Ðông Hà bằng mọi giá được in trên sách báo Mỹ đã trở thành tuyên ngôn rất đáng ngưỡng mộ. Sau cùng nhờ trấn giữ và phá cầu Ðông Hà, Thiếu tá Bình thăng cấp trung tá mặt trận tiếp tục chiến dịch mùa hè cho đến khi trận tái chiến Cổ thành bắt đầu thì ông bị thương và đưa về hậu cứ. Báo Mỹ ghi rằng ông bị thương lần thứ 9. Sau đó trận rút lui 1975 ông lại ra làm Tiểu đoàn trưởng TÐ 6 TQLC để cùng chịu trận tan hàng tại Ðà Nẵng, tái hợp tại Cam Ranh và tái tổ chức tại Vũng Tàu. Ngày 39 tháng tư oan nghiệt ông cùng anh em xếp hàng vào trại tập trung.

Suốt một đời TQLC, suốt một đời tù đầy và suốt một đời di tản, Lê Bá Bình rất ít khi xuất hiện ồn ào. Cùng với Bùi Quý Ngọc và hàng ngàn sinh viên Thủ Ðức động viên khóa 12, được nhận là con cháu Ðức Trần Hưng Ðạo, các anh không có đặc san, không có đại hội huy hoàng.

Suốt một đời quân ngũ, tù đầy di tản, dù là thương binh tử sĩ hay vẫn còn tồn tại trên cõi đời, các anh mãi mãi vẫn là sỹ quan trừ bị. Tháng 8 năm 1961, tưởng là phải lính thì đi. Sau vài năm quân dịch rồi trở về. Thấm thoát 48 năm qua vẫn chưa có giấy giải ngũ. Ðành phải chờ đến năm 2012, cho đủ 50 năm dâu bể một đời. Anh em ta họp lại rồi sẽ ký giấy giải ngũ cho nhau.

© Giao Chỉ

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Ðộc giả của Giao Chỉ xin đón coi nay mai, bài viết dành riêng cho 35 năm nhìn lại. Với tựa đề: “Kịch bản viết lại lịch sử”.

Xin quí vị cùng chúng tôi, ngồi vào ghế Tổng thống của Trung tướng Nguyễn văn Thiệu vào ngày 13 tháng 3 năm 1975. Ðó là ngày Ban Mê Thuột hoàn toàn bị Bắc quân tràn ngập. Ngày hôm sau, ông Thiệu đơn phương quyết định ra lệnh rút quân tại quân đoàn II và quân đoàn I.

Hoàn cảnh của đất nước giữa tháng 3-75 chúng ta đều biết rõ.

Ðịch: Sau trận thăm dò chiếm Phước Long, Lê Duẩn hạ lệnh tổng tấn công, dự trù lạc quan nhất cũng phải mất 2 năm 75 và 76 mới thành công.

Bạn: Nixon đã từ chức. Mỹ hoàn toàn bỏ rơi Việt Nam. Không một nước nào khác có khả năng cứu VNCH.

Chính trị Sài Gòn: Không khí chủ bại, muốn hòa giải.

Quân Lực VNCH, thành phần nòng cốt: Tuy giao động nhưng vẫn còn ổn định. Nếu giữ vững tinh thần, dù khó khăn vẫn còn đủ phương tiện tiếp tục chiến đấu từ 8 tháng đến 1 năm. Sau đó sẽ ra sao?

Nếu bạn là Tổng thống Nguyễn văn Thiệu vào ngày 13 tháng 3-75, thay vì rút quân và sau cùng bỏ cuộc, bạn quyết định ở lại chiến đấu. Nếu Trung tướng Nguyễn văn Thiệu chọn giải pháp quyết liệt ở lại chiến đấu, ông sẽ phải hành động ra sao trong những giờ phút oan nghiệt đó để cứu đất nước.

Bạn là Tổng thống, Bạn sẽ làm gì. Ðó chính là nội dung của “Kịch bản viết lại lịch sử” .

Trong thời hạn là 50 ngày cuối cùng, với những nhân vật có thật, với những đường lối tích cực nhưng hợp lý, với những phương tiện hoàn toàn thực tiễn, với những giải pháp khả thi, chúng ta cùng viết lại kịch bản lịch sử mới cho miền Nam.

Xin đón đọc, góp ý và cùng lấy ước mơ đem vào cuộc sống ngõ hầu giải thích cho thế hệ tương lai hiểu rõ những sai lầm của cha anh trong quá khứ.

Kịch bản viết lại lịch sử” sẽ trả lời tất cả các câu hỏi  “tại sao”  suốt 35 năm qua.

Địa chỉ liên lạc :

IRCC, Inc.1445 Koll Circle #110

San Jose, CA 95122 – USA

Emails:     irccsj@yahoo.com

giaochisanjose@sbcglobal.net

Phản hồi