WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tôi đọc cuốn “Nửa Thế kỷ Việt Nam “ của tác giả Song Nhị

Tôi sinh sống cùng với gia đình tại miền Nam California, nhưng cũng hay có dịp lên thăm gia đình con gái và cháu ngoại tại San Jose, nên được gặp gỡ sinh hoạt khá thường xuyên với anh chị em trong giới văn nghệ sĩ tại miền Bắc California.

Trong số đông văn nghệ sĩ tại đây, tôi chú ý nhiều đến sinh hoạt của Cơ sở Thi Văn Cội Nguồn do các anh Diên Nghị, Song Nhị và các chị Huệ Thu, Ngọc Bích, Cung Diễm, Diễm Hương… chủ trương và kiên trì theo đuổi đã trên 15 năm nay. Cơ sở đã cho xuất bản được trên 40 tác phẩm thơ, văn và đến 50 cuốn tạp chí Nguồn, và đặc biệt là điều hành được một tờ báo điện tử “Cội Nguồn”, cung ứng cho độc giả khắp nơi những bài vở thật đa dạng khởi sắc, những thông tin thật là phong phú, kịp thời trên internet.

Vào cuối năm 2009 vừa đây, lúc đang ở San Jose, tôi được tác giả Song Nhị đích thân trao tận tay cuốn sách mới nhất của anh, nhan đề thật trịnh trọng: “Nửa Thế kỷ Việt Nam – Bút ký & Tự truyện”. Sách trình bày trang nhã, dễ đọc, dài tới trên 450 trang với khổ chữ đủ lớn phù hợp với thị giác đã suy yếu của lớp độc giả cao niên như người viết bài này.

Nói chung, thì cuốn sách này chứa đựng khá nhiều chứng từ khả tín về những sự việc, mà chính bản thân tác giả đã trải qua, đã đích thân chứng kiến như là một nạn nhân, nhiều hơn là một người khách bàng quan, ngoại cuộc vô tư. Cụ thể như là các vụ đấu tố địa chủ trong chiến dịch Cải cách Ruộng đất hồi giữa thập niên 1950 tại làng quê của gia đình tác giả trong tỉnh Hà Tĩnh thuộc Liên khu IV, ở phía bắc vĩ tuyến 17. Cả người cha và mẹ của tác giả đều bị đưa ra đấu tố và bị cầm tù trong hoàn cảnh rất tàn bạo, khắc nghiệt. Những mô tả này ăn khớp với nhiều chứng từ khác mà chúng ta đều biết đến suốt trên 50 năm nay, kể cả những chuyện của các bà con thân thiết trong gia đình, mà bị kẹt lại ở miền Bắc sau năm 1954 và khi vào nam sau 1975 đã kể lại chi tiết cho các bà con ruột thịt của họ.

Đáng thương tâm hơn cả là trường hợp của người anh (con ông bác và là người đỡ đầu) của tác giả, tên là Trần Kim Phú đã bị chính quyền cộng sản “xử tử hình”, sau khi anh cầm đầu toán Biệt kích nhảy dù về Bắc, bị bắt khi vừa đặt chân xuống tọa độ. Trước đó, anh từng nhiều lần vượt biên giới Lào-Việt về Việt nam để đưa một số gia đình địa chủ vượt biên tị nạn. Có lần quân đội Pathet Lào (Lào cộng) bắt dẫn độ anh trở lại quê nhà và trao anh vào tay chính quyền địa phương xử lý. Những chuyện đau thương như thế tại một vùng nông thôn ở Hà Tĩnh đều được mô tả với giọng văn bình tĩnh, khách quan mà trung thực, thì càng có sức lôi cuốn và thuyết phục đối với số đông độc giả muốn tìm hiểu sự thực trong giai đoạn lịch sử đen tối ảm đạm này, tại miền Bắc Việt nam hồi thập niên 1950-60.

Nhờ sự bố trí khôn khéo và cương quyết của người cha, mà cả gia đình đã trốn thoát được sang bên quốc gia láng giềng là nước Lào, rồi cuối cùng vào đầu thập niên 1960, thì tới định cư được tại miền Nam Việt nam. Nơi đây, tác giả đã có cơ hội tiếp tục việc học tập lên tới bậc Đại học và đã tham gia sinh hoạt khá sôi nổi trong các lãnh vực văn hóa xã hội và giáo dục.

Vào cuối thập niên 1960, thì giới học sinh sinh viên miền Nam tham gia sinh hoạt chính trị xã hội rất sôi nổi, trong đó có một bộ phận rất năng nổ do cộng sản tổ chức giật dây, nên đã diễn ra nhiều cuộc trực diện đối đầu căng thẳng với cơ quan anh ninh, nhiều khi đưa đến chuyện bạo động. Tác giả vừa là sinh viên, vừa là giáo sư dậy học tại các trường trung học, nên đã bị lôi cuốn vào trong cơn lốc xoáy của lớp thanh niên trẻ của đô thị giữa một tình huống chiến tranh đang mỗi ngày càng leo thang tàn khốc.

Tiếp theo, tác giả lại gia nhập hàng ngũ quân đội theo tiếng gọi Tổng động viên đối với các thanh niên còn ở dưới tuổi 33. Và với lập trường quốc gia vững chắc, được trui rèn qua bao nhiêu năm sống trong lòng chế độ cộng sản ở quê nhà tại Hà Tĩnh, viên sĩ quan trẻ tuổi này đã phân biệt thật rõ ràng được những thủ đoạn thâm độc, tinh vi khôn khéo của các tổ chức ngoại vi của cộng sản, mà được ngụy trang dưới chiêu bài đấu tranh cho tự do dân chủ, hòa giải hòa hợp nhằm tiến tới hòa bình, với sự chủ động của giới lãnh đạo chóp bu ở Hanoi. Nhờ vậy mà anh đã không để cho mình bị biến thành quân cờ bung xung cho phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt nam, như một số người nhẹ dạ khác đã từng bị ngả theo.

Nhưng phần chứng từ quan trọng với đày đủ chi tiết “bi hài” ngộ nghĩnh nhất, lại là những đoạn viết về tình hình sinh hoạt của các tù nhân trong các “ trại cải tạo “ dành riêng cho giới sĩ quan và viên chức của Việt nam Công hòa bị bắt đi “trình diện học tập” kể từ sau ngày 30 Tháng Tư 1975 oan nghiệt đau thương đó.

Các mẩu chuyện mô tả ở phần này rất là sinh động, đôi khi hóm hỉnh, nhưng chủ yếu là rất trung thực trong cố gắng tường thuật những chi tiết rất đáng ghi nhớ trong cách đối xử của “ cán bộ quản giáo coi tù” đối với “các học viên” là “ tù nhân, phạm nhân”. Cũng như tác phong của một thiểu số những “học viên vì quá hèn nhát, nên đã tiếp tay với lũ cai tù để mà hành hạ, phản bội anh em đồng cảnh ngộ với mình”.

Tác giả rất bình tĩnh, nương nhẹ chứ không có giọng điệu khắt khe hận thù gì đối với những con người yếu đuối hèn nhát này. Tuy vậy, các chứng từ rải rác trong khắp cuốn sách đều phù hợp với các tài liệu về tù nhân chính trị vốn được coi là có giá trị khả tín rất cao, mà đã được công chúng biết đến từ nhiều năm qua.

Vắn tắt lại, dù đây chưa phải là một tài liệu lịch sử được biên soạn theo phương pháp nghiêm ngặt, chặt chẽ của khoa sử học, thì cuốn sách “Nửa Thế kỷ Việt nam” của tác giả Song Nhị rõ rệt là một đóng góp rất có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về cái thời đại nhiễu nhương của dân tộc chúng ta trong suốt trên nửa thế kỷ qua. Tác giả vừa là một chứng nhân và cũng là một nạn nhân của cái nền độc tài chuyên chế tệ hại nhất trong lịch sữ 4000 năm của đất nước ta vậy. Nên đã viết ra những chứng từ rất chính xác và chân thực.

Có thể nói trong đại gia đình dân tộc Việt nam chúng ta, thì phải có đến hàng chục triệu người vừa là nạn nhân bất hạnh, vừa phải đích thân chứng kiến những cảnh man rợ tàn bạo do người cộng sản gây ra, trong suốt trên 60 năm qua tại quê hương đất nước ta. Nhưng ít có người đã trung thực và bình tĩnh kể lại chi tiết những chuyện đau thương khổ ải, đọa đày mà rất ư là tàn tệ độc ác, như tác giả Song Nhị đã ghi lại trong cuốn sách quý giá này. Người viết xin được ghi nơi đây lời cảm ơn chân thành đến với tác giả vì đã cống hiến cho các bạn đọc một tác phẩm biên soạn rất công phu, gọn gàng chu đáo, mà lại hết sức trung thực như vậy.

Sau cùng, về phương diện hình thức văn học, tác giả đã sử dụng thể loại “Bút ký – Tự truyện”, với một bút pháp khá nhẹ nhàng, bình thản để chuyên chở đến người đọc những điều tai nghe mắt thấy, những nỗi nhục nhằn vất vả của một tù nhân, cùng với những cảm nghĩ chân thực đày tính nhân đạo, khoan dung của mình, ngay cả đối với kẻ đã hành hạ áp chế tập thể những tù nhân như mình. Thái độ cao khiết như thế có thể gọi là “Can trường trong chiến bại”, là một từ ngữ đã được dùng như là một nhan đề cho cuốn sách của một vị sĩ quan thuộc binh chủng Hải quân vừa xuất bản vài ba năm gần đây vậy.

California, Tháng Ba 2010

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Phản hồi