WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tôi theo chồng tới Nhật

Tôi lên xe hoa theo chồng về xứ người khi vừa rời giảng đường đại học năm 2005. Chồng tôi là một người Nhật Bản, làm việc trong lĩnh vực truyền hình. Trong một lần sang Việt Nam làm phim về người dân tộc thiểu số, chồng tôi đã gặp và yêu tôi. Sáu năm trời cho một cuộc theo đuổi, cuối cùng anh ấy đã “bắt” được tôi về làm vợ.

Tôi theo chồng sang Nhật Bản với vốn tiếng Nhật bằng không, hiểu biết về nền văn hóa Nhật nếu ghi ra giấy tất thảy chỉ vừa đầy một khổ A4. Va li của tôi mang nặng bánh chưng, thịt ruốc, giò xào, phở gói và nước mắm. Tất cả chỉ có thế.

Ngày đi, tôi mặc một chiếc áo dài.

Ảnh minh họa: spaces.live.com.

Lúc máy bay hạ cánh, từ trên cao nhìn xuống, tôi thấy nhấp nhô những ngôi nhà màu xám thấp lè tè được bao bọc bởi những bờ rào mà những bông hoa còn giấu mình đâu đó. Tự nhiên tôi tưởng tượng ra những căn nhà lợp giấy dầu yên bình trong cơ quan bố mẹ tôi những năm 80 của thế kỷ trước.

Sân bay quạnh hiu, vắng bóng người đưa – đón, chỉ có hành khách vội vã lao đi như tên bắn. Người Nhật đi nhanh, nói khẽ và ít cười. Trên chuyến tàu từ sân bay Narita về ga Ogikubo đầy ắp người nhưng tôi không nghe thấy tiếng cười nói, chỉ nhẹ nhàng những tiếng sột soạt mở sách báo. Trên đường, từng đoàn ô tô nối đuôi nhau chờ qua phố. Nhưng tôi không nghe thấy tiếng động cơ gầm rú hay tiếng còi xe inh ỏi. Tất cả đều lặng lẽ.

Chỉ có đất là ồn ào. Tôi đặt chân đến Tokyo chưa đầy một ngày mà đã chứng kiến hai trận động đất. Lần thứ nhất khi đang phụ giúp mẹ chồng chuẩn bị bữa cơm trưa sau khoảng hai giờ đặt chân đến Nhật thì bất ngờ tôi bị loạng choạng. Mẹ chồng tôi bấu chặt vào tay vịn cầu thang vừa chạy từ tầng hai xuống vừa la hét. Tôi chưa hiểu điều gì đang xảy ra thì mẹ đã vội lao đến tắt bếp ga và kéo tôi ngồi xuống. Vừa hay tiếng chồng tôi kêu: “Động đất! Động đất! Có động đất!”. Cơn động đất qua nhanh như một cái chớp mắt, tôi chưa kịp sợ sệt.

Đến nửa đêm thì tôi bị thức giấc bởi căn nhà bỗng dưng rung chuyển, người tôi xóc nảy lên như ngày còn ở Việt Nam mỗi lần ngồi trên xe buýt bác tài cố tình phóng ẩu qua những lằn đường cần phải giảm tốc… Tôi nghe có tiếng đổ vỡ. Người tôi bị lăn về phía góc phòng. Tôi nằm co rúm dưới chân bàn. Chồng tôi loạng quạng tìm tôi trong đêm tối. Đất gầm gừ chừng mười phút rồi lại lặng lẽ như đang trong giấc ngủ. May thay lúc đó người mới chỉ dọa chứ chưa đang tâm nuốt chửng tất cả. Từ đó đến sáng, tôi không tài nào chợp mắt. Tôi rúc đầu vào ngực chồng như đứa con nép vào lòng mẹ tìm điểm dựa.

Tôi sang Nhật Bản được ít ngày thì gia đình nhà chồng tổ chức lễ báo hỷ tại một nhà hàng sang trọng ở tỉnh Chiba, quê hương bố mẹ chồng tôi. Chúng tôi đã làm lễ cưới chính thức ở Việt Nam trước đó ít ngày. Có khoảng 30 khách mời, tất cả đều là họ hàng ruột thịt của chồng tôi. Trừ một bé gái 3 tuổi con của chị họ chồng, trong tiệc báo hỷ tôi là người trẻ nhất. Tôi duyên dáng trong tà áo dài nên càng trở thành tâm điểm.

Điều tôi ngạc nhiên là mọi người ai ai cũng cố gắng nói với tôi một vài câu tiếng Việt nhưng tôi thì không thể nào nói tiếng Nhật dù chỉ một vài từ. Thế là mọi người yêu cầu tôi hát bài hát tiếng Việt. Tôi muốn hát một bài nào đó có hai tiếng “Việt Nam” nhưng giọng tôi dở ẹc, tôi không thể nào cất cao lời bài hát. Cuối cùng tôi hát “Quốc ca”. Tôi đồ rằng trên thế giới này chỉ có mình tôi hát Quốc ca trong tiệc cưới. Tôi đã chọn bài hát sai hoàn cảnh, nhưng đó là bài hát duy nhất tôi có thể hát đúng nhạc, đúng lời. Tôi được mọi người tán dương. Đáp lại tấm thịnh tình của mọi người, tôi bóc lá, dùng dây gói, cắt bánh chưng, giò xào mời mọi người. Hôm ấy là mùng 6 tháng giêng âm lịch. Ở quê nhà ắt hẳn hoa đào chưa kịp phai sắc thắm, không khí đón tết cũng chưa kịp tàn.

Chồng tôi rủ bạn bè học đại học cùng thời tụ tập tại một quán ăn Việt Nam ở trung tâm Tokyo. Mọi người gọi gỏi cuốn, nem rán và cơm rang. Tất cả đều tấm tắc khen ngon, chỉ có chồng tôi lắc đầu cười. Tôi thì không tin được đây là món ăn Việt Nam đắt đỏ trong nhà hàng vì chất lượng thậm chí còn nghèo nàn hơn những món trong quán cơm bụi sinh viên ở quê nhà. Ăn xong, mọi người cùng vui vẻ trả tiền. Chồng tôi trả tiền cho hai phần ăn, các bạn của chồng tôi ngăn lại nói hôm nay mọi người khao, coi như quà mừng đám cưới. Chồng tôi thản nhiên cất tiền vào ví. Rồi chồng tôi kể với bạn bè, ngày ở Việt Nam hay được mọi người rủ đi ăn, khi tính tiền ai cũng tranh phần trả nhưng không ai chịu… móc ví. Mọi người phá lên cười. Tôi bấm nhẹ vào tay chồng ngầm trách. Chồng tôi tỉnh bơ: “Thật đấy! Cứ như người Nhật, vui vẻ chia tiền ra trả, chẳng ai nợ ai…”. Trong một chừng mực nào đấy tôi thấy chồng có lý.

Thời hạn nghỉ phép đã hết. Chồng tôi bắt đầu quay trở về với công việc. Bố chồng tôi làm ở Đài Phát thanh và Truyền hình NHK nên công việc cũng ngập đầu. Chỉ tối mịt hai người đàn ông trong gia đình mới trở về nhà. Mẹ chồng tôi là giáo viên, đã nghỉ hưu, ngoài việc chăm sóc gia đình, mẹ dệt vải tìm nguồn vui. Mẹ thuê một căn phòng cách nhà chừng hai kilômét, khi chuẩn bị bữa cơm sáng cho cả gia đình xong, ai vào việc nấy là mẹ đạp xe đi. Đến giờ chuẩn bị cơm chiều thì mẹ trở về. Nhưng từ ngày tôi về làm dâu, mẹ tạm xa khung cửi để hướng dẫn tôi làm quen với cuộc sống mới. Hôm mẹ dẫn tôi đến thăm phòng làm việc của mẹ, mạng nhện đang giăng đầy. Khung cửi của mẹ nằm nghênh nghênh buồn thiu.

Em gái của chồng tôi hơn tôi hai tuổi, sống độc thân trong một căn hộ ở khu chung cư gần nhà. “Giặc bên Ngô, không bằng bà cô bên chồng”, ấy là ở Việt Nam, mọi người hay chua chát như thế, chứ tuyệt nhiên em chồng tôi không có tâm địa tối đen. Ngược lại, từ hồi tôi sang, em chồng tôi hay về nhà hơn. Về là để trò chuyện vui đùa, mặc dù những câu chuyện của chúng tôi thường xuyên ngắt quãng vì không kịp… mở từ điển.

Mẹ tôi đưa tôi đến lớp học tiếng Việt của mẹ. 20 đô la mỗi người một buổi học. Lớp học có 6 người, nhà tôi chiếm 3 (gồm: bố, mẹ và em chồng). Cô giáo là một sinh viên người Việt, vừa đi học, vừa đi dạy thêm. Khi tôi bước vào lớp, cô giới thiệu: Tôi là người Việt Nam. Gia đình tôi sống ở Hà Nội. Năm nay tôi hai mươi nhăm tuổi. Tôi nở một nụ cười để không ảnh hưởng đến không khí lớp học. Khi biết tôi cũng là người Việt Nam, những học viên khác yêu cầu tôi giới thiệu về mình bằng tiếng Việt. Tôi nói: “Tôi tên là Yến Lê. Năm nay tôi hai mươi ba tuổi. Tôi vừa tốt nghiệp đại học. Tôi đã có gia đình. Chồng tôi là người Nhật Bản. Anh ấy hơn tôi năm tuổi. Tôi mới theo chồng sang Nhật Bản. Tôi rất vui khi được làm quen với các bạn”. Tôi nghe có tiếng vỗ tay nhè nhẹ. Có người bảo giọng tôi dễ nghe. Mọi người líu ríu nói với tôi bằng tiếng Việt ngọng ngịu. Buổi học tiếng Việt ở trung tâm hôm đó tôi giống như một cô giáo.

Ba thành viên trong gia đình tôi vẫn đến lớp học tiếng Việt đều đặn một tuần hai buổi. Đến lớp là để học ngữ pháp, còn khi về nhà mọi người nhờ tôi rèn cách phát âm. Thời gian mọi người đi học tiếng Việt thì tôi ở nhà ôm cuốn “đàm thoại tiếng Nhật cấp tốc”. Hồi học phổ thông, tôi học tiếng Pháp. Ở trường đại học, tôi học tiếng Anh. Bây giờ, để giao tiếp với gia đình chồng tôi phải học tiếng Nhật. Tôi không có năng khiếu học ngoại ngữ trong khi phải nhồi nhét vào đầu quá nhiều thứ tiếng nên nhiều khi tôi bị loạn ngôn ngữ. Nhưng cứ nghĩ đến cảnh bố mẹ chồng tôi đầu bạc, em chồng tôi bận rộn mà vẫn phải dành thời gian đi học tiếng Việt để giao tiếp với tôi, khiến tôi không cho phép mình lười biếng.

Ở gia đình chồng, tôi được cưng như trứng mỏng. Nhưng thỉnh thoảng bố chồng và chồng tôi đi làm qua đêm. Em chồng có khi mải vui bạn bè cũng không về. Chỉ còn tôi và mẹ đối mặt với nhau mà chẳng biết nói nhiều. Hai bóng đen câm lặng trong căn nhà thênh thang rộng. Nỗi buồn mênh mông dư thừa cơ hội xâm lấn tâm hồn tôi. Vì vậy, thỉnh thoảng mẹ chồng tôi mời cô giáo người Việt đến nhà ăn cơm. Những cuộc gặp gỡ chóng vánh nhưng cũng làm cho căn nhà thêm rộn rã.

Yến Lê (VnExpress)

Phản hồi