WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngày Xửa, Ngày Xưa

Cũng như nhiều người khác có dịp đi làm ở ngoại quốc, thời gian tôi ở Hà Nội cũng là thời gian mà tôi có nhiều bạn bè ngoại quốc đến thăm. Phần vì Việt Nam lúc ấy vừa mới mở cửa nên ai cũng hiếu kỳ muốn ghé qua cho biết. Phần vì tôi thuộc loại người đi đâu cũng có bạn nên tuy ở Hà Nội chưa đến 6 tháng nhưng tôi đã có gần mười đứa bạn ghé thăm, luôn tiện xin ở nhờ để khỏi tốn tiền khách sạn

Thôi thì đủ mọi thành phần, trai gái từ khắp bốn bể đổ về. Khi thì bạn bè luật sư của tôi ở Úc bay qua thăm viếng. Có lúc tôi lại phải đón tiếp những thằng bạn ở xa tít bên Anh vừa… đạp xe đạp vòng quanh thế giới tới Hà Nội để ghé nhà chơi. Tôi còn nhớ chỉ cần nghe tên những quốc gia mà nó vừa đạp xe qua thôi cũng thấy đủ ớn chứ đừng nói gì phải còng lưng đạp xe xa đến từng ấy.

Người cuối cùng đến thăm tôi trong khoảng thời gian đó là bà Barbara gốc người Canada da trắng lúc đó đang định cư ở Hồng Kông. Tôi gọi “bà” vì Barbara chỉ hơn tôi gần… 50 tuổi đời. Tóc bạc phơ nhưng tinh thần lẫn thể xác của bà lúc ấy vẫn còn rất mạnh khỏe. Tôi quen bà trong một dịp chúng tôi cùng vào trại cấm High Island ở Hồng Kông để dắt các em bé tỵ nạn Việt Nam ra ngoài chơi lúc tôi còn làm việc thiện nguyện ở bên ấy.

Sau này một số em và gia đình bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam nên nhân dịp tôi làm việc ở Hà Nội, bà sẳn một công hai chuyện vừa bay sang thăm tôi, vừa có dịp gặp lại một số em nay đã về ở Kiến Sơn, Kiến Thụy gần Đồ Sơn, Hải Phòng.

Thế là vào một ngày đẹp trời cuối tuần, sau một đêm nghỉ lại nhà tôi ở Hà Nội, bà Barbara và tôi đã cùng nhau bắt xe lửa đến Hải Phòng để gặp lại các em sau gần 4 năm mất liên lạc.

Gặp lại nhau ngay tại ga xe vì tôi có điện thoại báo trước, thấy các em chỉ có 3, 4 năm sau mà đã cao lớn hơn nhiều bà Barbara rất vui và bảo phải chi bà đến sớm hơn để có dịp chia sẻ với các em lúc gia đình vừa mới trở về và còn gặp nhiều bỡ ngỡ trong cuộc sống.

Nhưng mà thôi, như thế này là đã tốt lắm rồi, tôi tiếp lời bà.

Liền sau đó đám nhỏ và một số anh chị tôi cũng từng quen biết trong trại cùng tôi và bà Barbara dắt nhau về quê của họ ở Kiến Sơn cách thành phố Hải Phòng khoảng trên một giờ đi xe. Và cũng như bao cuộc họp mặt khác giữa những người bạn lâu năm không có dịp gặp nhau, chúng tôi đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm ngay tại nhà của họ.

Từ những ngày chúng tôi quen nhau trong trại cấm cho đến những thay đổi lớn lao trong cuộc sống của họ từ khi bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam.

Nhưng vui như thế chúng tôi cũng không quên là ở Việt Nam bất kỳ ai muốn nghỉ lại qua đêm ở nhà người quen cũng phải lên phường khai báo đầy đủ. Và thể theo qui định, chúng tôi đã làm y như thế.

Sáng đến sáng hôm sau nhóm chúng tôi khoảng hai, ba mươi người tụ họp ở nhà một người bạn vẫn còn mải mê dông dài nhắc lại chuyện xưa mãi cho đến khi có hai anh công an phường bước vào, lúc đó chúng tôi mới tạm ngừng nói chuyện để mời họ vào nhà uống nước.

Họ bảo họ đến để tìm hiểu xem tôi và bà Barbara đã quen với những người tỵ nạn trong trường hợp nào và làm thế nào chúng tôi biết để liên lạc xuống thăm những người này.

Tình thật, tôi trả lời tôi và bà Barbara đã quen họ nhân lúc chúng tôi làm việc thiện nguyện trong các trại cấm và từ khi tôi về Việt Nam đi làm thì tôi đã chủ động liên lạc lại.

“À, thì ra là thế”, một anh công an vừa gật đầu vừa trả lời tỏ ý anh hiểu.

“Thế nhưng ai cho phép anh vào các trại cấm để làm việc”, anh kia hỏi tiếp.

“Dạ, không có ai cho phép ạ. Em làm việc thiện nguyện cho một tổ chức phi chính phủ và vì vậy em được tự động vào trại cấm dắt các em ra ngoài chơi”, tôi thành thật trả lời.

“Không cần ai cho phép anh vào à? Thế thì ai cho phép anh sang Hồng Kông làm việc?” cũng cùng anh công an đó tiếp tục chất vấn.

“Dạ, cũng không có ai cho phép ạ. Em nghỉ hè tự động mua vé máy bay sang Hồng Kông làm việc, không phải xin ai ạ”. Vừa trả lời tôi vừa nghĩ thầm trong bụng chả lẽ họ đang muốn làm tiền?

“Anh trả lời như thế mà anh nghĩ chúng tôi tin anh à? Đây xem ra là có vấn đề đấy. Xin mời anh về phường để chúng tôi có thể làm rõ hơn”.

Đến lúc này thì cả hai anh cùng đứng dậy mời tôi và bà Barbara về văn phòng làm việc.

Nói thật đến lúc ấy tôi vẫn nghĩ chắc không có chuyện gì đâu. Họ hỏi điều gì mình trả lời thành thật điều đó thì sẽ xong thôi. Chỉ là họ không hiểu cách thức làm việc ở ngoại quốc, đi đâu không ai cần xin phép, thế thôi, tôi đã tự an ủi mình như vậy.

Nhưng không. Tôi đã lầm. Lầm to là khác. Sau hơn một giờ làm việc ở phường hình như họ vẫn không tin những gì tôi khai là sự thật. Đó là tôi đã không làm việc cho bất cứ tổ chức “phản động” nào hoặc nhận tiền của ai để sang Hồng Kông làm việc thiện nguyện. Tôi cũng chẳng có bất kỳ sự liên hệ mật thiết nào ngoài tình đồng hương thương mến, cảm thông nhau lúc những người Việt tỵ nạn còn bị giam trong các trại cấm ở Hồng Kông.

Chẳng ăn thua. Tôi trả lời đến đâu cũng nghe câu hỏi được lập lại: Anh nói thế mà anh nghĩ chúng tôi tin anh à?

Từ công an phường tôi được giải lên công an Huyện Kiến Thụy. Nhưng sau hơn 4 tiếng đồng hồ cùng với 3 anh công an huyện làm việc cật lực, câu nói cuối cùng tôi nghe vẫn là “đây là có vấn đề”, mặc dù tôi cứ thắc mắc: “Ý anh nói ‘vấn đề’ là vấn đề gì vậy anh?”.

Đôi khi nghĩ lại tôi thấy lúc đó mình ngây thơ thật. Ngây thơ đến độ chính mình đang gặp rắc rối mà cũng không biết đó là rắc rối!

Vì sau gần 6 tiếng bị quần, tôi và bà Barbara đã được chuyển từ huyện lên tỉnh. Bằng một chiếc xe thùng trực chỉ đồn công an thành phố Hải Phòng.

Lúc ấy, chúng tôi đã không được cho biết mình sẽ đi đến đâu hay đã phạm tội gì mà lại bị giữ lâu đến thế. Lẽ ra tối hôm đó chúng tôi phải bắt chuyến xe lửa cuối cùng về lại Hà Nội để hôm sau tôi đi làm. Nhưng lại một lần nữa, người tính không bằng trời tính, tối hôm đó chúng tôi đã được sắp xếp cho ở lại ngay tại nhà nghỉ của…Bộ Công An sau khi toàn bộ giấy tờ bị tịch thu và được thông báo phải… trả sòng phẳng tiền ở trọ (hình như là khoảng 20 đô cho mỗi đêm!).

Thế mới gọi là đáng nhớ phải không bạn? Trên đời này đố bạn tìm được ai vừa bị bắt một cách vô lý, đã vậy còn phải tự mình trả tiền phòng giam giữ cho chính mình!

Như bà Barbara đêm hôm ấy trước khi ngủ bảo tôi: it only happens in Haiphong. Đúng là chuyện chỉ có thể xảy ra ở Hải Phòng. Nhưng lúc ấy cả hai chúng tôi vẫn nghĩ chắc chắn ngày mai sẽ xong chuyện vì những gì mình biết mình đã khai báo thành thật hết rồi.

Nhưng không. Lại một lần nữa chúng tôi đã lầm. Và cũng lại là lầm to. Vì chúng tôi không những bị giam và hỏi cung cả ngày kế tiếp, tiếp nữa, và tiếp nữa…cho đến ngày thứ năm mới được thông báo là quá trình điều tra đã hoàn tất mà ngay sau đó chúng tôi đã được thông báo là chúng tôi phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 tiếng đồng hồ và mỗi người bị phạt 15 triệu đồng vì – hãy lắng nghe cho kỹ – chúng tôi đã phạm tội…“gặp gỡ người hồi hương không xin phép”!

Trời. Có thiệt không đây trời? Sau 5 ngày làm việc và trả lời thành thật tất cả những gì chúng tôi bị hỏi, từ chuyện công cho đến chuyện tư, từ lý lịch cá nhân cho đến tên và ngày sinh tháng đẻ của ông bà, cha mẹ, anh em, cô dì chú bác lẫn bạn bè … họ vẫn không thấy là họ đã bắt lầm người à? Thế là thế nào?

Tôi nhớ lúc ấy tuy vẫn còn ngây thơ nhưng tôi hăng cãi lắm (cũng có lẽ vì tôi ngây thơ nên mới thích cãi!). Vì vậy sau khi nghe được quyết định chính thức từ một anh công an tên Minh làm việc cho Cục quản lý xuất nhập cảnh đọc xong và hỏi tôi có thắc mắc gì không, tôi đã ngay lập tức có thắc mắc:

“Thưa anh, trong giấy quyết định này anh ghi tội của em là ‘Gặp gỡ người hồi hương không xin phép’ nhưng mà thưa anh trong cả năm vừa qua ở Hà Nội, em đã gặp rất nhiều bạn là người tỵ nạn hồi hương nhưng đâu thấy có vấn đề gì?”

“Ở Hà Nội khác, ở đây khác!” Minh trả lời cụt ngủn.

“Nhưng thưa anh trong giấy quyết định này sau khi ghi là em đã ‘gặp gỡ người hồi hương không xin phép’ sau đó lại mở ngoặc ghi thêm là ‘trực tiếp liên lạc, tổ chức gặp gỡ người hồi hương không xin phép’ thì không đúng như vậy vì tuy là em có trực tiếp liên lạc nhưng tổ chức thì hoàn toàn không”, tôi cố giải thích.

“Thế thì làm cách nào anh hẹn gặp được những người này?” Minh hỏi ngược lại tôi.

“Dạ thì như đã khai em liên lạc bằng điện thoại trước để hẹn nhau gặp ở ga Hải Phòng”. Tôi thành thật trả lời.

“Thì đấy. Đấy là tổ chức đấy!”. Minh bình thản giải thích.

Oh! Thì ra là vậy. Tuy tai tôi nghe nhưng tôi đã không thể nào tin nổi những gì tôi vừa được cho biết.

Trông có vẻ sốt ruột vì quá trình điều tra đã hoàn tất, Minh gặng hỏi tôi lần cuối: Thế anh còn gì thắc mắc nữa không?

Vừa buồn, vừa tức, vừa giận, lúc ấy có lẽ tôi nên can tâm chấp nhận sự thật phủ phàng là mình sẽ bị trục xuất ra khỏi quê hương của mình. Nhưng không, cái máu luật sư trong người nó lại tiếp tục nổi lên muốn tìm ra cho được lẽ phải. Tôi hỏi tiếp và chẳng cần xưng “anh”’, “em” gì nữa:

“Trong quyết định ghi là tôi đã vi phạm hành chính nhưng anh có thể cho tôi biết điều khoản của nghị định nào hay thông tư nào ghi rõ gặp gỡ người hồi hương là vi phạm hành chính không?” Lúc ấy tôi biết chắc là chẳng có điều khoản nào nhắc đến vấn đề này vì chính tôi đã đọc qua đọc lại rất nhiều lần những quy định liên quan đến người nước ngoài qua công việc làm mỗi ngày.

Nhưng một lần nữa tôi lại bị hụt hẫng khi nghe câu trả lời cộc lốc của Minh nay đã gằn xuống: “Nếu anh không còn thắc mắc gì khác thì chúng ta ngưng tại đây. Anh không có quyền chất vấn tôi về những gì đã quyết định”.

Ah! Thì ra là thế.

Đến lúc đó tôi mới hiểu.

Là đối với công an, hỏi vậy nhưng không hẳn là vậy. Ở Việt Nam thấy vậy mà không hẳn là vậy. Nhiều khi nó còn tệ hơn vậy.

Đừng mơ tưởng nếu mình vô tội thì sẽ được xử vô tội. Vì rất có thể không những mình bị xử có tội mà chính mình còn phải trả tiền công giam giữ cho…chính mình!

Vậy mới có chuyện để nói. Về ngày xửa ngày xưa. Cho đến hôm nay vẫn thế.

Không biết các bạn có muốn nghe tiếp chuyện tôi mới bị trục xuất không nhỉ?

© Trịnh Hội

22 Phản hồi cho “Ngày Xửa, Ngày Xưa”

  1. Quá khứ đã chứng minh cho tư cách cũa tên TH nầy! Bây giờ nơi nào cũng chê nên lại một lần nữa :
    KHÓC! Kế khổ nhục – chước 33 cũa Tôn Tử đó bà con ơi!

Phản hồi