WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mỹ quay lại biển Đông, dân Sài Gòn ‘hồ hởi phấn khởi’

Gió đã đổi chiều?

SÀI GÒN – Thời gian qua, nhiều người quan tâm đến thế sự ở Sài Gòn cảm thấy có “mùi lạ” khi bảo nhau đọc bài trả lời của Luật Sư Cù Huy Hà Vũ trên VOA tiếng Việt: Ðồng hành quân sự với Hoa Kỳ là mệnh lệnh của thời đại…

Người bên phải có âm mưu đánh chiếm phần còn lại của Trường Sa, nhưng bị người bên trái làm cho “việt vị,” dân Sài Gòn kháo nhau như vậy. (Hình: Frederic J. Brown/AFP/Getty Images)

“Tôi không tin, tin sao được, lại gạt dân nữa chớ có gì mới!” Một ông lão từng là giáo viên trước 1975 bình luận khi nghe luận điểm của con trai cựu Bộ Trưởng Văn Hóa chế độ Cộng Sản, ông Cù Huy Cận.

Những người hiểu rõ chế độ này đều biết, không một cá nhân nào, dù là cực kỳ thế lực, dám mở miệng nói giọng hiệu triệu giới trí thức và quan quyền chế độ, về một chiến lược ngoại giao mới, mà không được Ðảng cho phép. Nhất là lại nói ngay trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ – VOA.

Chuyện gì đang xảy ra?

Trong một quán cà phê wifi, một thanh niên – công dân mạng Internet – mở laptop đọc tin tức, anh nói: “Chuyện biển Ðông bỗng nhiên xoay chóng mặt luôn, chẳng biết thật hư đến đâu!” Nhưng, ở một quán khác, cánh phóng viên và cộng tác viên các báo trong nước đều vô cùng “phấn khởi hồ hởi” khi biết tin bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bất ngờ xác định “lợi ích quốc gia của Mỹ ở biển Ðông…”

Và câu nói trên của bà ngoại trưởng Mỹ như một dòng chảy ngoài luồng, làm rạng rỡ hầu hết những gương mặt từng bế tắt, đau buồn bởi nguy cơ mất biển, mất nước vào tay Trung Quốc. Một tay phóng viên chuyên viết về giáo dục nói: “Bất ngờ quá anh, nhưng đã có chuyện để nói với mấy ông bạn thầy giáo và những học sinh đang chán nản vì ghét Trung Quốc.”

Ðúng là gió đã đổi chiều! Giải thích rõ hơn về điều này, một nhà thơ, không muốn nêu tên, nói với chúng tôi: “Thông thường, thời gian trước đại hội Ðảng là thời gian ai cũng muốn tự khóa miệng, nhưng bây giờ người ta nói tràn lan: nào là bà Clinton đã cứu cho Việt Nam một bàn; nào là không có Mỹ, chắc mấy ngày vừa rồi Trung Quốc đã chiếm mấy hòn đảo Trường Sa; nào là ‘bọn nó’ chỉ bốn ngày sau khi Mỹ tuyên bố biển Ðông đã có ngay cuộc tập trận bắn đạn thật; chúng nó chuẩn bị đâu ra đó để chiếm đảo của mình đó chớ, nhưng Mỹ làm cho chúng việt vị; nào là vân vân và vân vân…”

Cũng có một luồng dư luận khác tiếp tục hoài nghi. Một ông, từng là sĩ quan quân đội VNCH, vì “học tập” về sớm, không đủ tiêu chuẩn đi HO, ông dựa trên bằng chứng bỏ rơi đồng minh còn nóng hổi của Mỹ mà hoài nghi: “Chờ coi! Mỹ chỉ đáng tin khi nào Mỹ có lợi. Chờ coi biển Ðông có lợi với Mỹ ở mức độ nào. Chớ Cộng Sản thì có lợi giữ yên chế độ rồi đó.”

Nhiều người sống ở miền Nam Việt Nam, từ bài học lịch sử của chế độ VNCH đã nhớ lại: Trước đây vì ngăn chặn hiểm họa Cộng Sản ở Ðông Nam Á mà Hoa Kỳ và đồng minh can thiệp vào Việt Nam. Lúc đó sự hiện diện của Mỹ được nhấn mạnh ở yếu tố lý tưởng nhiều hơn quyền lợi, và rồi, lá cờ bảo vệ tự do, dân chủ, cuối cùng cũng phải cuốn lại.

Hiểm họa Cộng Sản, mà cụ thể là Cộng Sản Trung Quốc, đã thắng. Nhưng sau chiến tranh, quan hệ đồng chí Trung-Việt bỗng gãy gánh – sụp hầm, và cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 là đỉnh điểm.

Nghi vấn về tham vọng cho Trung Quốc của Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào được đặt ra từ năm 2006, khi ông này qua Việt Nam dự thượng đỉnh APEC nhưng không tới ngay Hà Nội, mà đáp xuống Ðà Nẵng, đi thăm phố cổ Hội An và các cơ sở địa phương như trong hình, đi thăm nhà máy có chủ nhân Hong Kong, trước khi bay lên Hà Nội. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Quốc gia là cốt lõi

Ngày nay, Mỹ không nhìn Trung Quốc qua lá cờ Cộng Sản nữa, mà coi đó là đối thủ chính, một siêu cường mới, cạnh tranh toàn diện với Mỹ trong những thập niên tới về vị trí siêu cường số một thế giới. Rõ ràng, ngày nay và tương lai thể chế Cộng Sản Trung Quốc hay Cộng Sản Việt Nam chỉ còn là hình thức. Bây giờ, lá cờ Mỹ trở lại biển Ðông-Việt Nam. Lần này, tinh thần tự do dân chủ chỉ là yếu tố phụ, quyền lợi Mỹ mới là chính.

Trong chiến lược duy trì thế mạnh số một ở Châu Á, Thái Bình Dương, chuyện siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington và tàu khu trục USS John McCain đến bờ biển Ðà Nẵng ngay sau lời tuyên bố của ngoại trưởng Hoa Kỳ, phần nào đó nhìn bề ngoài giống như sự kiện quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam năm 1965.

Dân tộc Việt Nam hiện nay và tương lai không cho phép chế độ này hay bất cứ chế độ cầm quyền nào khác dâng đất nước vào tay Trung Quốc. Và tham vọng của Trung Quốc muốn chiếm biển Ðông và Việt Nam thì không phân biệt cái nước Trung Hoa là chế độ Cộng Sản hay Dân Chủ, bởi vì đó là quyền lợi “cốt lõi” của Hoa Lục và vị trí siêu cường của họ. Dư luận còn nhớ, cách đây không lâu, ông Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào khi dự hội nghị APEC, thay vì đáp chuyên cơ xuống Hà Nội đã chọn đặt chân trước xuống Ðà Nẵng. Dư luận lúc đó cho rằng, đó là một dấu hiệu tham vọng xấu từ đế chế phương Bắc mới.

Dư luận trong nước, trong mấy ngày qua, là: hơn 30 năm sau biến cố 1975, điều trớ trêu, Việt Nam lại trở thành tâm điểm tranh chấp chiến lược toàn cầu của hai siêu cường. Thời điểm mà chính sách mới của Hoa Kỳ xác định: Quyền lợi Mỹ ở biển Ðông. Ðây thời điểm bước ngoặt trọng yếu của Việt Nam.

Ðối với nhiều người Việt Nam, phía trước, điều bất hạnh hoặc điều tốt lành cho đất nước đều có thể diễn ra. Có người nói: Phải chờ sau đại hội Ðảng coi phe thân Trung Quốc ra sao rồi mới biết. Người khác, lạc quan hơn, thì khẳng định: cục diện chiến lược biển Ðông và Việt Nam trên bàn cờ toàn cầu đã vận hành theo hướng của Mỹ, đó là tất yếu.

Nhưng, một thức giả Sài Gòn sống ẩn dật lại nghĩ rộng hơn. Trước hiện trạng tha hóa hiện nay, thay đổi kiểu nào cũng tốt. Nếu chẳng may, lại bị nạn ông Tàu xấu xa thì sẽ đánh thức tinh thần quật khởi cả một dân tộc. Nếu thay đổi tốt thì Việt Nam sẽ như con chim phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn. Ði cùng với cộng đồng thế giới dân chủ – văn minh, lúc nào cũng là điều tốt nhất.

Nguồn: Trần Tiến Dũng/Người Việt

Phản hồi