WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Của bóng hình và thân thể

We all have our spriritual home in this world (Hegel)

Ivan Kriloff, một hiền nhân của Nga vào cuối thế kỷ thứ 18, có kể một câu chuyện ngụ ngôn ngắn, “The Man and His Shadow” như vầy. Có kẻ nọ, ở một xứ kia, mong muốn bắt được chiếc bóng của mình. Hắn bước tới chiếc bóng vài bước, chiếc bóng lại đi trước chàng ta vài bước. Hắn chạy nhanh lên; thì chiếc bóng cũng nhanh lên. Hắn càng gia tốc thì chiếc bóng càng tăng tốc. Chiếc bóng cứ thật gần nhưng mà thật là xa.  Càng theo đuổi nó, chiếc bóng lại càng chạy trốn. Đến khi hắn ta thất bại bỏ cuộc, quay lưng lại với chiếc bóng và đi về hướng mặt trời, thì lạ thay, chàng ta lại thấy chiếc bóng đi theo mình.  Hắn thử chạy nhanh để trốn chiếc bóng thì chiếc bóng cũng càng chạy nhanh sát nút. Cuối cùng thì kẻ kia đứng lại, nhìn lên mặt trời và nhận thức ra bản chất của bóng với hình.

Kriloff, nhân chuyện này mới diễn giải về ý nghĩa của cuộc đời. Giàu sang và danh vọng cũng như là chiếc bóng. Kẻ nào quay mặt lại với chân lý, tức là mặt trời, để tìm bắt chiếc bóng của mình thì sẽ bị chiếc bóng dẫn đầu và không bao giờ bắt được.  Kẻ nào từ bỏ bóng mờ của mình để tìm theo hướng của chân lý, thì chiếc bóng sẽ tự nhiên đi theo ta và sẽ được ta hướng dẫn. Bao nhiêu kẻ quanh năm tìm cách làm ra tiền nhưng đồng tiền vẫn như bóng mờ xa cách. Còn có kẻ thì làm ăn cứ như là giỡn chơi thì tiền bạc lại đến đầy tay. Thành ra vấn đề không phải là thành công hay thất bại, giàu có hay sạt nghiệp trên thương trường, mà là ý thức đúng đắn về bản chất của cuộc đời và tiền của vật chất.

Năm 2008 là năm mà ở khắp nơi, giới nhà giàu, từ đại gia tài phiệt đến các nhà đầu tư vào địa ốc, nhận chân ra được sự thực tồn hữu cho tài sản của họ.  Hầu hết những gì mà họ có được từ gía trị gia tăng của cổ phiếu chứng khoán đến bất động sản đều đã tan biến như là chiếc bóng của mình bị mất đi dưới đám mây che khuất mặt trời. Tới đầu năm 2009 thì hầu hết các  thành phần tư bản, từ Á sang Âu, từ Nga sang Mỹ, mới thấy sự giàu có của mình chỉ là những con số ảo ảnh trên giấy mà chỉ cần một sự lay động về hoàn cảnh kinh tế thế giới thì những ảo ảnh giàu có này đã biến mất trong vòng khoảnh khắc.

Từ đó, một số những người “từng giàu có” đang đi vào khủng hoảng tâm thần. Có kẻ thì đi vào lối thoát điên cuồng, như là tự tử. Trong các cộng đồng Á Châu, không ít người mang vào mình chủ nghĩa bi quan, yếm thế, muốn tìm về con đường tôn giáo trốn thoát cuộc đời. Chưa bao giờ mà Phật và Chúa có vẻ lại hiện ra rõ nét trong tâm thức họ như thế.

Đối với nhân loại ngày nay thì “chân lý đến từ chỉ số giàu có, tự do được đo lường bằng hiện kim, quyền lực bằng khả năng tín dụng.” Sự giàu có tự nó là một niềm khoái lạc đặc thù riêng biệt. Nó giải phóng con người ra khỏi ước mơ vật chất bình thường. Nói như Karl Marx thì con người giàu có đã được thoát ly khỏi “quốc vương của thiết yếu” để vươn về “cõi tự do.”  Người giàu có mang luôn cả quyền lực và những khoái lạc vật chất khác. Ngày xưa người mình có câu, “Miệng nhà quan có gang có thép;” chứ ngày nay thì, “Miệng thằng giàu mạnh hơn thép hơn gang.” Không ngạc nhiên gì, vì lẽ đó, mà mục tiêu duy nhất của con người đời nay là chỉ muốn làm giàu. Khi mà “gốc rễ của con người chính là con người” thì hạnh phúc của hắn chỉ có ở trần gian này mà thôi. Thiên đàng và địa ngục là hai khuôn mặt của thực tại kinh tế. Giàu có là thiên đàng; nghèo khó là địa ngục. Phải vậy không?

Cái khôn ngoan vừa phải ở đời cho ta thấy rằng tiền của vật chất dĩ nhiên không là tất cả – nhưng cơ bản kinh tế cho cá nhân và gia đình thì, bao giờ và bất cứ ở đâu, cũng phải là điều kiện cần có cho hạnh phúc. Vì vậy, dù rằng không có gì là tuyệt đối, cái gì nếu đến một mức độ nào đó cũng chỉ là ảo ảnh, nhưng có phải đã đến lúc chúng ta đồng công nhận rằng, người giàu có vật chất là người nhận chân ra được chân lý và ý nghĩa cuộc đời nhiều hơn là kẻ nghèo khó? Cái khổ của con người giàu có nhưng bị phá sản còn được cái kinh nghiệm thất bại – còn hơn là kẻ quanh năm nghèo khó không hề nếm được phút thành công. Cây cổ thụ dù bị bão giông làm đổ gãy vẫn còn giá trị hơn là đám cỏ lau luôn chìm trong vũng nước.

Không có cái khổ nào tệ hơn là cái khổ của nghèo khó, túng thiếu. Nó đày đọa nhân cách và suy tưởng; nó làm cho lý tưởng bị thui chột và giam lỏng con người vào những ước mơ một chiều. Nghèo khó là mối hiểm nguy đầu tiên cho sức khoẻ thân xác và tinh thần. Tóm lại, nghèo khó không thể là chân lý và càng không thể là con đường dẫn đến sự thật.

Từ đó, như bao nhiêu bậc hiền triết đã dạy, rằng chân lý là con đường ở giữa, ở mức độ vừa phải. Sự thật của hạnh phúc nằm ở nơi sự nhận thức ra tính tương đối của nghèo khó và giàu sang. Nghèo khổ có thể là địa ngục, nếu ta không biết tránh nó; giàu sang có thể chỉ là bóng mờ chủ quan nếu ta không biết nhìn thấy bản chất của vấn đề. Tất cả là tuỳ theo ánh sáng của nhận thức, mà chủ quan tính là bóng mờ của thân thể mình.

Khi một kẻ nghĩ đến cái chết, hay đi tu giải thoát, vì thất bại trên thương trường thì kẻ đó tuyệt đối hóa thế gian và tiền của. Mặt khác, kẻ nào nghĩ rằng tiền của vật chất chỉ là ảo ảnh để rồi ca ngợi nghèo khổ thì họ là người tuyệt đối hóa cái viển cảnh vượt trần gian và cuộc sống. Cả hai vế chủ quan đó chỉ là là một chiếc bóng của thân xác và ý chí. Thường thì sự yếu đuối và bất lực trước thử thách của cuộc đời lại đưa cá nhân vươn vào ảo ảnh “giải thoát” để làm biện minh cho khổ đau thường nhật. Cái chết không đồng nghĩa với tôn giáo. Sự mềm yếu của ý chí không thể là chủ thể động cơ cho cuộc đời.

Trong kinh Ấn giáo, Bhagavad Gita, có kể lại chuyện khi Krishna (hiện thân Thượng đế) nhìn thấy chàng hoàng tử Arjuna muốn bỏ vũ khí để quỳ xuống đầu hàng trước quân địch vì bi quan đến chuyện chiến tranh, Ngài đã khuyến dụ chàng ta hãy “đứng dậy để mà chiến đấu.” Krishna nhấn mạnh rằng, mỗi cá nhân sinh ra đã có một chiến trường chờ sẵn cho hắn xung trận. Hắn phải thắng ở thế gian đã, trước khi đòi cửa thiên đàng được mở. Hễ kẻ nào thất bại ở trần gian thì hắn sẽ phải trở lại chiến đấu, từ kiếp này sang kiếp khác, cho đến khi hắn chiến thắng xong chuyện cuộc đời thì mới được giải thoát. Phải chiến đấu bằng ý chí quyết thắng. Và nhớ rằng, thắng và thua không là vấn đế. Điều tối quan trọng là ý chí quyết chiến thắng cuộc đời.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, may mắn thay cho những ai không bị rơi vào khủng hoảng đời sống vật chất. Trong chúng ta cũng có nhiều chiến sĩ xung trận kinh tế như là chàng Arjuna của Ấn giáo. Không gì khổ sở, lo buồn hơn là khi chúng ta đứng trước nguy cơ bị mất nhà vì mất việc. Nhưng đó là bản chất của chiến trường thế cuộc. Tôi mong bạn hãy đứng dậy chiến đấu lần nữa. Đừng bi quan, u sầu. Đừng nghĩ đến những lối thoát tiêu cực. Dù thắng hay thua, hãy lắng nghe lời Krishna. Điều quan trọng là chúng ta không bao giờ chấp nhận thất bại như là một câu trả lời tối hậu. Thân thể tay chân dù có bị thương chảy máu – nhưng đầu cổ ta không hề cúi thấp.

Bạn thấy chưa? Chiếc bóng mà mình bắt không kịp, chạy không thoát trong ẩn dụ của Kriloff ở trên thực ra là cuộc đời này – với một chiến trường kinh tế mà ta sinh ra để mà chiến đấu. Có thể rằng Kriloff không muốn nói ra, nhưng điều để chúng ta chú ý là muốn chiến thắng thì phải luôn ngẩng đầu cao. Vì sao? Không những là để biết rõ về bản chất của chiếc bóng của mình – mà đồng thời bằng quyết tâm chủ ý rằng, với ý chí chiến thắng và hiếu sống, ta sẽ phải dẫn chiếc bóng của cuộc đời đi theo ta về hướng mặt trời. Từ đó, vâng, thưa Krishna, ta sẽ chiến thắng vinh quang.

© 2009 Đàn Chim Việt

Phản hồi