WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tên Tổng Thống Bush lại thành thời sự

Tên Tổng Thống Gorges W. Bush sẽ được nhắc nhở nhiều lần trong mấy tuần tới; không phải vì ông đang chuẩn bị xuất bản hồi ký, nhưng vì Quốc Hội Mỹ sẽ bàn luận, tranh cãi về những đạo luật cắt giảm thuế mang tên ông. Dân Mỹ sẽ lắng nghe các đại biểu bàn chuyện giảm thuế hay tăng thuế.

Ðây không phải là chuyện lạ. Nước nào cũng vậy, cả guồng máy nhà nước sống được là nhờ thuế của dân. Ai cũng muốn mình kiếm ra đồng nào thì được giữ đồng ấy để chi tiêu, nghĩ đến đóng thuế lợi tức là đau cắt ruột! Và dân Mỹ thì tự do, tha hồ bàn chuyện nhà nước.

Khác với dân Mỹ, các đại gia ở Việt Nam và ở Trung Quốc không phải lo lắng gì về việc đóng thuế lợi tức hết. Họ sướng hơn các anh nhà giầu ở Mỹ nhiều. Khi nhà nước cộng sản thâu thuế thì không phân biệt giầu nghèo, toàn dân ai cũng đóng như nhau. Những món tiền nhà nước cộng sản thu lấy như thuế mở hàng ăn hay tiệm hớt tóc, tiền mãi lộ các ông cảnh sát đầu đường, thuế nhập cảng, tiền hối lộ để được chích thuốc trong bệnh viện, thuế trị giá gia tăng, vân vân, ai cũng chịu như nhau. Anh đạp xe xích lô hay anh làm tổng giám đốc Vinashin, khi mua cây cà rem hay uống một chai bia thì trả cùng một thứ thuế tiêu thụ! Các đại gia kiếm ra tiền tha hồ tiêu pha, mua xe hơi, nhà nghỉ mát, mua cả máy bay, hoặc xây nhà thờ tổ thật lộng lẫy để “ông cha lừng lẫy bốn phương trời!”

Các ông bà nhà giầu ở nước Mỹ không được “tự do, hạnh phúc” như vậy. Mỹ là một nước dân chủ từ lâu, ý thức về công bằng xã hội đã được nuôi dưỡng như một lý tưởng và được thí nghiệm dần dần trong đời sống, bằng pháp luật. Một bước tiến tới của công bằng xã hội là quyết định đánh thuế lợi tức. Ðến năm 1913 dân Mỹ mới chính thức phải đóng thuế lợi tức, sau khi hiến pháp được tu chính (Tu chính án số 16). Các đại gia nước Mỹ thời đó cũng đã phản đối dữ, có người dọa sẽ bỏ nước ra đi, nhưng không bảo được Quốc Hội vâng lời! Một bước thứ hai tiến gần tới lý tưởng công bằng hơn là đánh thuế lợi tức lối lũy tiến. Thời 1913 người nghèo đóng 1% trên lợi tức kiếm được, người giầu đóng 7%. Thời 1950, người giầu có lúc phải đóng thuế 80% tới 90% lợi tức! Thuế lũy tiến là khí cụ để nhà nước lấy tiền người giầu nhiều hơn người nghèo, đem chi cho tất cả mọi người cùng hưởng.

Câu chuyện thuế năm nay lại nổi lên thành đề tài tranh cử vì các đạo luật cắt thuế do Tổng Thống Gorges W. Bush ký những năm 2001 và 2003 sắp hết hạn. Câu hỏi là Quốc Hội có cho triển hạn hay không, và nếu có thì triển hạn cho ai? Trong một năm bầu cử (chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa) đây sẽ là chuyện cả làng muốn lắng nghe và muốn góp ý kiến.

Năm 2001 khi Tổng Thống Bush chấp chánh, hầu như cả nước Mỹ ủng hộ việc cắt giảm thuế lợi tức. Cắt thuế là giảm bớt số thu của nhà nước; vì lúc đó ngân khố Mỹ dư tiền: Ngân sách thu nhiều hơn chi. Theo chính sách thời đó, người ta ước tính trong 10 năm số thặng dư ngân sách sẽ lên tới 5 ngàn 600 tỷ Mỹ kim! Mấy năm sau đó tình hình khác hẳn, số thặng dư đó tan ra mây khói. Nhà nước chi nhiều hơn số thu; năm nay chính phủ liên bang sẽ thiếu hụt một ngàn 340 tỷ đô la.

Ðạo luật cắt thuế năm 2001 mang tên ông Bush giảm thuế cho tất cả mọi người. Những người giầu nhất và đóng thuế nặng nhất, suất thuế từ 39.6% được hạ xuống 35%; hạng thứ nhì giảm từ 36% xuống 33%. Theo đạo luật năm 2003 suất thuế đánh trên tiền lời do đầu tư và cổ tức (các công ty chia tiền lời cho chủ nhân cổ phần) đều được giảm từ 20% xuống 15%. Các đạo luật đó đều bị giới hạn, chỉ được áp dụng cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2010. Tại sao Tổng Thống Bush không thừa thắng xông lên, cho cắt thuế như vậy mãi mãi? Vì thủ tục Quốc Hội Mỹ bắt buộc muốn giảm một món thuế nào vĩnh viễn thì phải ấn định sẽ tăng những món khác, hoặc cắt bớt chi tiêu, để chúng cân bằng lẫn nhau. Vì việc đó khó được Quốc Hội đồng ý, rồi không muốn làm mất lòng ai, cho nên lúc đó mới ấn định thời hạn 10 năm thì các đạo luật đó hết hiệu lực. Trước cuối năm nay, Quốc Hội Mỹ phải quyết định có gia hạn hay không. Nếu họ không làm gì cả thì hiệu lực chấm dứt, cả nước sẽ bị tăng thuế lợi tức. Tất nhiên các nghị sĩ và dân biểu không muốn trở về đơn vị nghe toàn dân chửi vì tăng thuế, cho nên họ phải bàn sẽ gia hạn các luật của ông Bush hay không, và gia hạn như thế nào.

Khi các đạo luật của Tổng Thống Bush đem áp dụng, năm 2001 mọi người Mỹ tự dưng có nhiều tiền chi tiêu hơn nhờ được bớt thuế. Một gia đình trung lưu lãnh lương hơn 52,000 đô la một năm thấy mình được đem về nhà thêm hơn 1,000 đồng – đủ để mua hai cái xe đạp cho cả hai vợ chồng. Những người thuộc 1% dân số kiếm nhiều tiền nhất, lợi tức từ 350,000 đến nhiều triệu đồng một năm chẳng hạn, thì được bớt thuế 72,000 đô la, đủ mua một chiếc xe Lexus mới.

Bây giờ, ngân sách Mỹ đang khiếm hụt trầm trọng, có thể tăng các suất thuế trở lại thời trước năm 2001 để chính phủ bớt phải vay nợ hay không?

Cả nước Mỹ lại bàn chuyện thuế là vì như vậy. Tổng Thống Barack Obama đề nghị Quốc Hội gia hạn luật cắt thuế của Tổng Thống Bush, nhưng không cho tất cả mọi người. Ông chỉ cho những người kiếm từ 200,000 đô la, và những cặp vợ chồng lợi tức từ 250,000 đô la trở xuống được hưởng suất thuế Bush mà thôi. Còn những ai kiếm nhiều tiền hơn thì sẽ bị đánh thuế theo suất thuế cao hơn, như trước thời ông Bush. Cộng với những biện pháp khác được giữ lại, dự án Obama sẽ giữ nguyên 82% tổng số các khoản cắt thuế của Tổng Thống Bush, cho 98% dân đóng thuế ở nước Mỹ được hưởng. Những người kiếm lợi tức cao nhất, 2% tổng số, sẽ phải trả theo suất thuế cao như trước năm 2001 (39.6% thay vì 35%). Số người bị tăng thuế nặng nhất là những ai may mắn kiếm được từ 600,000 Mỹ kim trở lên mỗi năm, họ chiếm 1% tổng số toàn dân đóng thuế. Một gia đình kiếm ra 1.8 triệu Mỹ kim sẽ phải đóng thêm 53,675 đô la. Nước Mỹ có khoảng 120,000 người giầu nhất, khai báo lợi tức trung bình trên 8 triệu Mỹ kim một năm, mỗi vị này sẽ phải đóng thêm 310,140 đô la tiền thuế theo dự án Obama. Chủ trương của chính phủ Obama là đánh thuế người giầu để tăng thu, bớt khiếm hụt ngân sách, trong khi vẫn bớt thuế cho người trung lưu, như ông Bush đã bớt.

Hầu hết, không phải tất cả các nghị sĩ, và các dân biểu đảng Dân Chủ ủng hộ ý kiến của ông tổng thống. Tất cả các đại biểu Cộng Hòa không đồng ý, cộng với dăm nghị sĩ Dân Chủ nữa. Họ muốn gia hạn toàn bộ luật cắt thuế của Tổng Thống Bush, không chừa ai cả. Nếu phe chống đối quyết tâm thì đảng Dân Chủ không đủ 60 phiếu trên Thượng Viện, phe chống có thể dùng thủ tục nói không dứt (filibuster) để ngăn cản không cho Thượng Viện biểu quyết, tức là sẽ không có đạo luật mới theo ý kiến của ông Obama. Bây giờ là lúc người ta tố cáo lẫn nhau, cho dân Mỹ phán xử.

Phe Dân Chủ tố cáo phe Cộng Hòa muốn bảo vệ việc cắt thuế cho những người giầu, để sau cùng Quốc Hội sẽ không biểu quyết được đạo luật gia hạn giảm thuế cho 98% dân chúng, và như thế thì cả giới trung lưu sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.

Ngày Chúa Nhật vừa qua, lãnh tụ phe thiểu số (Cộng Hòa) ở Hạ Viện, Dân Biểu John A. Boehner (CH-Ohio), bị ép hỏi ông có muốn “bắt giới trung lưu làm con tin” để bảo vệ quyền lợi của người giầu hay không, trên ti vi ông Boehner đã nói ông có thể sẽ biểu quyết ngưng giảm thuế cho nhà giầu nếu đó là cách duy nhất để cho giới trung lưu khỏi bị tăng thuế. Ngày hôm sau, Nghị Sĩ Mitch McConnell (CH, Ky), trưởng khối Cộng Hòa ở Thượng Viện đã bác bỏ ý kiến của ông Boehmer, và Dân Biểu Eric Cantor (CH-Va.), nhân vật Cộng Hòa số 2 ở Hạ Viện hoan nghênh ý kiến của ông McConnell. Họ chứng tỏ các đại biểu Cộng Hòa ở cả 2 viện vẫn cùng một ý kiến. Họ chỉ trích chính phủ đã tăng thuế trong lúc kinh tế suy yếu làm nản lòng giới đầu tư, đặc biệt là bắt những nhà kinh doanh nhỏ phải đóng thêm thuế sẽ khiến họ không thể tuyển thêm nhân viên, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp rất cao.

Những ý kiến chống đối trên sẽ được dân Mỹ suy nghĩ trong gần 2 tháng trước khi bỏ phiếu. Trong đảng Dân Chủ có nhiều đại biểu phân vân, không ủng hộ ông tổng thống phe mình, vì họ bị áp lực cử tri không muốn tăng thuế trên lợi tức, dù chỉ tăng với những người giầu nhất.

Ðầu tuần trước, ông Peter Orszag, cựu giám đốc Ngân Sách Tòa Bạch Ốc của Tổng Thống Obama đã gợi ra ý kiến mới: Tiếp tục giảm thuế cho cả những người lợi tức cao, cùng với giới trung lưu, nhưng chỉ trong vòng 2 năm; đến năm 2012 sẽ bãi bỏ. Ông Martin Feldstein, cựu cố vấn kinh tế thời Tổng Thống Reagan cũng đồng ý. Ông Alan Greenspan, cựu chủ tịch Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang thì cảnh cáo rằng nếu gia hạn tất cả luật giảm thuế của Tổng Thống Bush mà không giảm bớt số chi tiêu tương đương thì sẽ vô cùng tai hại. Nếu tiếp tục giảm thuế cho tất cả mọi người, thì trong 10 năm ngân sách sẽ thu về ít đi 3 ngàn tỷ Mỹ kim. Nếu chỉ giảm cho giới trung lưu trở xuống, chỉ có 2% giầu nhất bị tăng thuế thì sẽ tăng số thu thêm được 700 tỷ Mỹ kim.

Một câu hỏi là: Tiếp tục giảm thuế cả những người giầu nhất nước có hiệu quả kích thích trong lúc kinh tế suy yếu này hay không? Phần lớn số tiền thuế được giảm cho những người giầu nhất hưởng, họ có thêm tiền sẽ không đem ra tiêu pha ngay như những người nghèo hơn. Ngược lại, nếu thu thêm thuế của họ để có tiền trợ giúp các tiểu bang chi tiêu, bớt sa thải nhân viên; hoặc giúp các xí nghiệp tuyển thêm người, thì sẽ kích thích số tiêu thụ nhiều hơn. Tính ra, một đồng kích thích kinh tế có hiệu quả gấp 3 lần một đồng giảm thuế cho những người trong số 2% giầu nhất nước. Ðối với các doanh nghiệp nhỏ, hầu hết hiện nay không có lợi tức đủ để phải đóng thuế. Chỉ có 3% doanh nhân nhỏ kiếm được 250,000 đô la một năm trở lên thôi. Nếu tuyển nhân viên, tiền lương nhân viên sẽ giúp họ trừ vào lợi tức đóng thuế.

Cuộc tranh luận về thuế sẽ ngày càng ráo riết hơn trong những ngày gần tới lúc bỏ phiếu. Không nhà chính trị nào muốn bị mang tiếng là tăng thuế giới trung lưu. Không ai muốn bị coi là thủ phạm làm ngân sách khiếm hụt hơn. Ðảng Dân Chủ sẽ bị chỉ trích là tăng thuế trong lúc này sẽ làm kinh tế càng suy yếu. Ðảng Cộng Hòa sẽ bị chỉ trích là chỉ bảo vệ quyền lợi những người giầu. Lý luận nào sẽ chinh phục được nhiều người dân Mỹ, điều đó sẽ quyết định sang năm đảng nào sẽ chiếm đa số ở Quốc Hội.

Trong khi đó, ngày hôm qua, sau nhiều tháng bị trì hoãn, Thượng Viện đã đồng ý sẽ thông qua dự luật cấp 30 tỷ đô la tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ khó vay tiền, sau khi được hai nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ, không còn lo bị “filibuster.’ Ðó là một tin mừng, vì các doanh nghiệp đó sẽ tuyển thêm người để hưởng trợ cấp. Có một tin kinh tế khích lệ khác, nói số thương vụ của các cửa hàng bán lẻ tăng thêm được 0.4% trong tháng 8, tỷ lệ tăng cao nhất trong 5 tháng qua. Tin mừng này hỗ trợ lời tỷ phú Warren Buffett tuyên bố ngày hôm trước, rằng ông tin kinh tế Mỹ sẽ chỉ có đi lên, không sắp bị suy thoái lần nữa như nhiều người lo ngại.

Nguồn: Nguoi-viet.com

1 Phản hồi cho “Tên Tổng Thống Bush lại thành thời sự”

  1. Tại sao Bin-La-Dem mãi không bị bắt?
    Hôm qua (14/9), một quan chức tình báo phương Tây tiết lộ, trùm khủng bố Osama bin Laden đã có thể bị bắt chỉ vài năm sau thảm họa khủng bố 11/9 nếu chúng ta để ý. Để minh chứng cho điều này, một quan chức giấu tên đã đưa ra một dẫn chứng cụ thể. Trong khoảng thời gian từ năm 2003-2004, một cơ sở tình báo nằm vùng của phương Tây tại vùng biên giới Afghanistan-Pakistan đã cung cấp tin tức về các động thái của Bin Laden. Tuy nhiên, hầu như không ai để ý đến thông tin này và nó đã bị lãng quên. Gần 9 năm trước, Bin Laden và những cộng sự của mình trong mạng lưới al-Qaeda đã ẩn náu tại vùng núi Tora Bora giáp biên giới Pakistan. Và những thông tin này tình báo phương Tây biết rất rõ. Một đơn vị đặc nhiệm đã theo dõi tất cả các động thái của Bin Laden, hắn gặp ai và làm gì. Một sơ đồ chi tiết về vùng núi hiểm trở Tora Bora cũng đã được đội đặc nhiệm này vẽ rất chi tiết. Hơn thế, đội đặc nhiệm còn nắm được thời gian cũng như địa điểm Bin Laden gặp gỡ kẻ đồng chủ mưu vụ khủng bố 11-9 Khalid Sheikh Mohammed trước khi tên nay bị bắt vào tháng 2/2003. Tuy nhiên, đội đặc nhiệm này đã không tóm được hắn. Cách đây vài tháng, vào tháng 6/2010, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta nói rằng, Mỹ và phương Tây có rất ít thông tin về Bin Laden và nhân vật số hai của al-Qaeda là Zawahiri. Vì vậy, tiết lộ mới này hoàn toàn mâu thuẫn với thông tin mà Leon Panetta đưa ra.
    Nhiều người đã giải thích rất chính xác và đầy khoa học là nếu Mỹ bắt Bin-la-Den thì còn gây chiến tranh ở Trung đông, hay trên thế giới này làm sao được nữa và bán vũ khí giờ cho ai? Cũng như nhờ đem I-ran ra hù doạ các nước nay Mỹ mới ký được món lời bán hơn 60 tỷ đô-la vũ khí cho A-Rập Sa-u-di. Thật là võ này cũng khá hiểm, chỉ có người Việt nam là không bị lừa thôi.
    Nguyễn Hoàng Hà

Phản hồi