WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nơi bến đò Nguyễn Văn Trỗi

Từ phía trái
Quảng Bình, 17/7.  Hôm nay, gia đình chúng tôi đi xe thuê từ Ái Tử ra Quảng Bình để thăm động Phong Nha.  Chiếc xe van Toyota Innova chạy thông suốt với tốc độ hơn 100 km/g trên xa lộ Hồ Chí Minh vắng người, ít xe, giữa khoảng Đông Hà ra Đồng Hới.  Đường mòn Bắc Nam gian khổ thuở nào nay đã là quốc lộ thẳng tắp.  Tôi đi giữa  mùa hè ở vùng giới tuyến cũ chan hòa nắng.   Đất Quảng Trị đầy gió Nam Lào thổi sớm.

Chúng tôi thức dậy từ 5 giờ sáng trong tiếng kèn, chuông và trống của làng Bích La đang làm lễ tế cầu an hằng năm.  Đây là lần cầu an làng mà tôi được tham dự kể từ năm 1972.  Trên mâm cỗ giữa đình, khói hương nghi ngút, các cỗ heo, xôi, rượu đế tràn ngập lời tế văn, kèn, trống, phèng.  Các cụ, các ông, các bà trong áo dài đen, trắng, đỏ trầm ngâm đắm chìm trong nghi lễ.  Tiếng kèn vang dậy những gì linh thiêng, những gì não nuột.  Người bạn ấu thơ của tôi nay là chủ tế.  Hắn ngâm nga, cao to giọng văn đầy ngôn từ thần linh sành điệu.  Lễ tế khá lâu.  Từ 5 đến 8 giờ sáng mới xong.  Khi chuông trống đi vào hồi kết thúc, bác thôn trưởng mời vợ chồng tôi lên lạy tạ tổ tiên trong tiếng kèn trầm xuống hồi nhạc kết thúc.  Tôi cảm thấy mình tràn ngập một niềm an lạc và hạnh phúc trong sinh hoạt văn hóa làng xã quê hương.

Sau lễ tế là phần ẩm thực.  Trường mẫu giáo mà tổ chức VNHelp từ Mỹ về xây nay được dùng như là đình làng.  Con heo, sau khi thần linh thưởng thức xong, được đem xuống, cắt thành mười mâm cỗ. Chúng tôi cùng nhau hăng hái ăn vội những lát thịt heo mỡ cắt lớn với xôi đậu xanh, uống từng ly rượu đế khề khà.  Khi đã no, đã say, chúng tôi lên xe từ giã bà con, làng xóm, tiếp tục cuộc hành trình xuyên đất nước, trực chỉ ra miền Bắc.  Quê nhà như chén rượu cay.  Uống vào nghiêng ngữa cơn say năm nào.

Tôi ngồi băng trước của xe, ngắm nhìn cảnh vật thụt lùi cùng thời gian và tốc độ, đắm chìm trong suy tưởng về quê nhà và lịch sử.  Khoảng chốc sau, khi ngang qua khu vực của Nghĩa trang Trường Sơn, tôi lại được đánh thức trong liên tưởng về một bi kịch chiến tranh lớn lao của vùng đất này.  Ở đây, bốn mươi năm trước là Khe Sanh, Cam Lộ, Bến Hải – vùng bom đạn, chết chóc, hận thù, xươmg máu.  Nhưng nay thì núi rừng, làng mạc, đồng lúa xanh rờn, yên bình, thanh thản, và xinh đẹp lạ lùng.  Nếu ai còn ký ức, còn trí nhớ, còn vết thương của quá khứ mới thấy được dưới vẻ đẹp ngút ngàn trước mặt là cả một chuỗi dài đầy những đớn đau kinh hoàng mà vùng đất xứ Quảng này đã phải đi qua.  Tôi lắc đầu cố đánh thức chính mình về với hiện tại.  Bà mẹ Gio Linh ơi!  Thế hệ mới với đầy những hồn nhiên khác đang trở về thăm Mẹ. Hai bên đường là những đồn điền cao su còn mới, cây lá xanh tươi lạ lùng.  Tôi có cảm tưởng như là đang đi qua rừng cao su Long Khánh, thay vì là vùng địa đầu giới tuyến của Quảng Bình, Quảng Trị.  Thiên nhiên Trường Sơn Đông ở bốn mươi năm trước đã được đánh thức từ bom đạn và tình yêu nước hồn nhiên, nhiệt thành thưở nào; nay đang được chuyển hóa sang ước mơ công nghệ và kinh tế.  Rừng cây cũ xưa đã bị đốt cháy thành tro trong lửa khói bom đạn; nay con người xứ Quảng biến cây rừng thành công trường sản xuất cho lợi nhuận thời đại.  Trong màu sắc xanh rờn của cây cành, từ hàng vạn thân cây cao su bị cắt đứt ngang mình, từ vết thương rĩ nhựa, những giòng “thác” của nhựa cây keo đặc và bền bĩ đang âm thầm tiết ra liên tục như là một thể loại phản ứng tái tạo và hàn gắn thương tích đầy tự nhiên trong cõi thực vật.

(Tôi cảm thấy trong thâm tâm chính mình, như là một thân cây cao su kia, cũng đang rĩ ra những giòng chữ viết nhằm chữa lành và hàn gắn lại những vết thương chiến tranh xưa cũ.  Mong rằng những gì tôi viết không là văn tế về quá khứ – mà là những sợi nhựa cao su hàn gắn tan vỡ nhằm để sẽ được chuyển hóa thành những bánh xe dai dẵng và bền bĩ chịu đựng sự va chạm với mặt đường của cuộc sống cay nghiệt).

Khi xe đi vào địa giới Quảng Bình thì bị cảnh sát giao thông chận lại vì chạy quá tốc độ.  Anh tài xế xuống phân trần, dúi tay viên cảnh sát hai trăm ngàn đồng để được đi tiếp ngay.  Đó là số tiền mà anh làm được trong ba ngày lái xe cho chúng tôi.  Xưa kia, khi đang chiến tranh, máu xương đã đổ vì đường mòn Hồ Chí Minh không thỏa mãn ước mơ tốc độ vận hành của bộ đội và vũ khí tiến vào Nam; nay thì đường quốc lộ Hồ Chí Minh quá tốt, xe quá êm, con người du hành ra Bắc không có đủ kiên nhẫn để chạy chậm lại theo vận tốc quy định.  Xưa kia, khi đang chiến tranh, máu xương chiến binh đã đổ cho lòng yêu tổ quốc; nay thì đồng tiền của bác tài xế phải bị cắt rời khỏi khúc ruột cho lòng tham cán bộ.  Mọi thứ đều có cái thời của nó.  Cái gì đi lên phải đi xuống.  Cái gì thăng hoa sẽ phải héo tàn.

Tôi quay lưng nhìn lui các băng sau.  Mấy đứa con của tôi nhắm mắt ngủ gà, ngủ gật.  Bọn chúng không chịu mở mắt ra để nhìn quê cha, đất tổ.  Chúng không cần biết đến Quảng Trị, Quảng Bình.  Tôi cố gắng giải thích về lịch sử, về cuộc chiến vừa qua, và lý do tại sao mà tôi vẫn cứ trở về xứ này.  Đứa con gái lớn gạt ngang tôi, đại ý nói rằng, đây là quê hương của tôi, còn nó là người Mỹ, không cần mang nặng tình cảm quá khứ.  Chỉ có những kẻ ngu xuẩn, điên khùng mới đem ra mà giết nhau trong một vùng núi rừng xinh đẹp như thế kia.  Tôi nửa thì bực mình, nửa lại đồng tình.  Đúng vậy, tôi muốn bước qua nỗi ám ảnh của thời gian và lịch sử.  Còn các con của tôi!  Hạnh phúc thay cho một thế hệ không có nhiều sử tính – nhất là sử tính Việt Nam.

Ba tiếng đồng hồ sau, chúng tôi đến Đồng Hới.  Đáp thuyền ngược giòng sông xanh và sâu vô núi để tham quan động Phong Nha.  Giòng sông tấp nập du khách.  Hai bên bờ là những con trâu, bầy trẻ tắm sông.  Ba năm trước, tôi đã về đây, ngôi nhà thờ Công Giáo tựa vách núi hồi đó còn rêu mốc, nay đã được tu bổ, sơn son, thếp vàng rực rỡ.  Các nhà tranh lưa thưa nay đang được thay bằng các nhà ngói đỏ thô sơ.  Đi ngang bến đò Nguyễn Văn Trỗi, nơi là cứ điểm tiếp vận cho đoàn quân chinh chiến vào Nam hồi trước, tôi không tìm thấy vết tích chiến tranh nào, dù bom đạn máy bay của Mỹ đã đổ xuống vùng này khá nhiều.  Nếu không có một bảng viết đánh dấu di tích lịch sử chiến tranh đó thì bến đò xương máu này chắc là ít du khách nào biết đến.  Đất Quảng Bình mang nhịp đập của trái tim Việt Nam thời tao loạn cho một chuyện anh hùng ở tận tuốt trong Nam.  Ha!  Nguyễn Văn Trỗi!  Một huyền thoại chiến tranh trong cuồng nhiệt và ngây thơ.  Một anh hùng đích thực của tuổi trẻ Việt Nam thuở nào.  Vâng!  Thế còn hôm nay?  Tôi nghĩ đến, viên cảnh sát giao thông đứng tuổi kia ở quốc lộ Hồ Chí Minh, nếu đã có chính trực để không nhận số tiền đút lót từ anh tài xế thì anh ta có thể sẽ là một Nguyễn Văn Trỗi mới -  một thể loại anh hùng đích thực cho thời đại hôm nay.  Nhưng không, Nguyễn Văn Trỗi đã là chàng trai trẻ hùng anh cho Việt Nam trong thời chinh chiến.  Làm người đàn ông, như Trỗi, cái khó khăn không phải là chịu đựng gian khổ, hay hy sinh thân mạng cho lý tưởng, mà là, như anh cảnh sát giao thông kia, khả năng vượt qua cám dỗ vật chất, khoái lạc. Trong chế độ chính trị Việt Nam rất là đàn ông này, ngày nay đã không còn có người hùng.  Nguyễn Văn Trỗi, người hùng cuối cùng của cuộc chiến, đã gục chết trong tiếng hô cao “Hồ Chí Minh muôn năm!” không phải là ở pháp trường Sài Gòn năm 1964, mà ở nơi với những cuộc làm tiền trắng trợn của cảnh sát giao thông trên quốc lộ mang tên Hồ Chí Minh và khắp trên các ngã đường đất nước.

Tôi liên tưởng tiếp, miên man như giòng sông Lệ Thuỷ (nước mắt) đầy ắp chảy từ rừng cao vươn về biển lớn.  Các đứa con của tôi thì đang vui vẻ nói chuyện đùa vui náo nhiệt với các bạn vừa mới làm quen trên đò.  Cùng chung một khoang thuyền, hai thế hệ của gia đình tôi nhìn về hai hướng, quá khứ và tương lai.  Dù trong tôi, cũng như quê hương Bình Trị này, đã không còn một con sông Bến Hải làm biên giới chia cách, nhưng với xa lộ Hồ Chí Minh thẳng tắp kia, vẫn đang cố gắng nối thông được một quá khứ Bắc Nam vốn còn hằn trên tâm tưởng ở giữa giòng sông lịch sử này.

© Nguyễn Hữu Liêm

Phản hồi