WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tản mạn về hai chữ “Chính Thống”

 Denver, Colorado

Anh Đặng văn Âu thân mến,

Chắc anh cũng biết, trong Quân chủng của chúng ta có một nhân vật mà tôi rất phục văn tài hay viết những bài “tản mạn” thật có ý nghĩa, thật là lý thú, bàn về số mạng trong cuộc đời, về những ngày làm việc trong quân ngũ, lại cả về chuyện te-nít nữa,… Nay nhân đọc thư anh viết cho tôi vào ngày 7 tháng 9 năm 2010, trong đó anh đề cập đến chuyện lấy lại vị thế “chính thống” cho Việt Nam Cộng Hòa của thời tháng Tư, 1975 về trước, bắt chước “Ông Tản Mạn” có đôi “Mắt Thần” của Không Quân chúng ta, tôi cũng xin được “tản mạn” cùng anh thêm đôi chút về hai chữ “chính thống” cho rộng đường chữ nghĩa.

Ngay sau khi cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam cuối tháng 4, 1975, Cộng Sản Bắc Việt đã gọi quân đội và chính quyền miền Nam là Ngụy Quân, Ngụy Quyền. Ngay cả những người dân thường cũng được họ phân biệt bằng cách gán cho hai chữ Ngụy Dân. Chữ “Ngụy” ở đây không chỉ bao hàm ý nghĩa khinh khi, miệt thị mà cái ý đồ chính của Cộng Sản Bắc Việt là để tước bỏ cái “chính thống” của Việt Nam Cộng Hòa, cái chế độ đã đứng vững gần 20 năm, được sự công nhận của hàng trăm quốc gia trên thế giới, đối nghịch với cái chế độ độc tài tàn bạo ở miền Bắc. Cũng tựa như vua Gia Long sau khi thống nhất được đất nước đã gọi nhà Tây Sơn là Ngụy Triều, mặc dù nhà Tây Sơn có đủ ý nghĩa xứng đáng là một triều đại chính thống, đã được vua Càn Long nhà Thanh chính thức thừa nhận. Để tận diệt cái chế độ chính thống này, trên mặt thưc tế, đảng Cộng sản bắt đi tù sỹ quan các cấp trong quân đội, các giới chức trong chính quyền, các lãnh tụ các đảng phái quốc gia. Cùng lúc, các văn công của họ đã tung ra những cuốn như “Những tên biệt kích văn nghệ miền Nam”, “Chân dung các tướng Ngụy”, “Đọc hồi ký của các tướng Ngụy”… để bôi đen, nhục mạ những nhà văn nhà thơ tự nguyện chống Cộng và những người từng bảo vệ cho cái chế độ chính thống đó. Họ còn phát động phong trào gọi là tiêu diệt văn hóa Ngụy bằng cách cho đi từng nhà xục tìm đốt bỏ hết các sách báo, các sáng tác phẩm của Miền Nam mà họ lên án là văn hóa đồi trụy và phản động. Lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, thì đã có tên cán bộ hậu cần và tên vệ binh trong trại cải tạo lao động mặc quần lót may bằng lá cờ đó để hạ nhục, bêu riếu cái chế độ đối kháng với họ như nhà văn Hà Thúc Sinh đã tả trong hồi ký lao tù cộng sản “Đại Học Máu”.

Cho nên, như anh đã nhận xét rất đúng, nếu năm 1991 Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu có đề nghị về Việt Nam để góp sức cùng nhà cầm quyền đương thời gây dựng lại đất nước, nhân danh là người đại diện hợp hiến hợp pháp của nền Đệ Nhị Cộng Hoà Miền Nam trước kia thì có thể hiểu rằng ông cũng cùng lúc muốn lấy lại cái vị thế “chính thống” của Việt Nam Cộng Hòa. Đáng tiếc là ông đã đi trước thời thế nên đã không được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam chấp nhận. Năm 1991 là thời kỳ chế độ Cộng Sản ở Nga Sô và Đông Âu mới bị sụp đổ, và Cộng Sản Việt Nam do những thực trạng suy thoái về kinh tế nên, muốn sống còn, đã bắt buộc phải chập choạng đi vào con đường đổi mới, mở cửa đón nhận quốc tế đầu tư, thay thế nền kinh tế bao cấp bằng đường lối kinh tế thị trường. Tuy nhiên vì còn rụt rè, e ngại, có thể do tranh chấp nội bộ nên nhà cầm quyền Hà Nội vẫn phải cố thòng theo mấy chữ “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” ở sau đuôi coi rất ngây ngô và vô nghĩa. Trong nội bộ, phe bảo thủ còn nhiều thế lực, còn nhiều sức mạnh, thành ra thiện chí xin về giúp nước của Tổng Thống Thiệu chắc đã gặp nhiều chống đối, vì thế đã không được đáp ứng thích đáng.

Hơn 10 năm sau, tình hình Việt Nam đã thay đổi rõ rệt. Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như với nhiều quốc gia khác đã trở thành chính thức. Khi ông Nguyễn cao Kỳ về nước vào đầu năm 2004 theo lời mời của Bộ Ngoại giao Việt Nam và qua những lời tuyên bố của ông Kỳ tại đây mà tôi không cần nhắc lại thì hiển nhiên ông đã lấy lại được cái vị thế chính thống cho chế độ Việt Nam Cộng Hoà của Miền Nam trước kia. Khi ông dõng dạc tự minh danh giới thiệu “Tôi nguyên là Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa” mà các giới chức chính quyền tại Việt Nam đón tiếp ông đã chấp nhận qua thái độ đứng yên lặng nghe thì phải hiểu là họ đã đồng ý với cái danh xưng Phó Tổng Thống của ông Nguyễn cao Kỳ, và mặc nhiên đồng ý là cái chế độ của Miền Nam Việt Nam trước kia hẳn phải là “chính thống”. Ông Nguyễn cao Kỳ từng là Thủ Tướng, là Phó Tổng Thống của Việt nam Cộng Hòa, vậy trong con mắt nhà cầm quyền cộng sản, ông Kỳ là một tên “Ngụy” loại đầu sỏ của Miền Nam chứ còn gì nữa? Thế nhưng nay họ đã thay đổi hẳn cách đối xử, long trọng mời mọc nghênh đón. Như thế quả là họ đã phải tự ý xóa bỏ cái chữ “Ngụy” mà họ đã áp đặt lên những người quân, cán, chính của chúng ta trước kia. Ông Kỳ đã lấy lại cái thế chính thống của Miền Nam.

Trong khi đó thì ở hải ngoại này, một số người Việt đã nỗ lực dùng lá cờ vàng như là một biểu tượng cho Hải Ngoại, đối kháng với lá cờ đỏ của chính quyền Việt Nam đang hiện diện tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn và tại các thành phố có các tòa Lãnh Sự hay Tổng Lãnh Sự của cộng sản. Biểu tình nào cũng rợp một rừng cờ vàng để áp đảo lá cờ đỏ. Hội họp nào cũng phải có cờ vàng để dương cao chính nghĩa “Người Việt Quốc Gia”. Phải vinh danh lá cờ vàng. Phải thi đua tranh đấu tại các địa phương để cờ vàng được công nhận là lá cờ chính thức, cũng là để tạo ra cái “chính thống” tượng trưng cho Việt Nam Cộng Hoà được tiếp nối ra hải ngoại này. Thế nhưng mặt khác chính các người Việt hải ngoại này lại ra sức chống đối việc về nước của ông Nguyễn cao Kỳ, dù rằng việc ông Kỳ về nước, nhân danh là một cấp lãnh đạo của Việt Nam Cộng Hoà, đã thực sự lấy lại được ngay trong nước cái vị thế chính thống của Miền Nam trước kia. Cùng có một mục đích là lấy lại cái vị thế “Chính Thống” cho Việt Nam Cộng Hòa, tại sao người Việt hải ngoại thì làm được mà ông Kỳ về trong nước làm thì lại không chấp nhận? Tại sao lại có sự nghịch lý đến như thế?! Những gì người ta quai mồm ra vu cáo ông Nguyễn cao Kỳ một cách vô tội vạ, tôi không cần nhắc lại ở đây, anh đã nhiều lần đề cập tới rồi với đầy đủ những nhận xét. Chỉ xin được nói thêm rằng, khi chế diễu ông Kỳ với những từ ngữ như “khom mình, xun xoe, nịnh hót” thì có ai đưa ra được hình ảnh nào cho thấy Ông Kỳ có những cử chỉ đó không? Có ai chứng minh cho biết ông Kỳ thực sự từ miệng ông nói lên những lời lẽ có tính cách như thế ở đâu, lúc nào không? Rồi lại có những kẻ, với tâm địa nông nổi, thiếu suy xét, hay có thể là do đầu óc thiếu chất xám, đã vội vã hể hả phát tán đi lung tung những lời chỉ trích vô căn cứ này. Thậm chí có những chuyên viên “đeo mặt nạ chống cộng” còn phong cho ông Kỳ chức “Việt Gian” trong cái danh sách mấy chục người do các ông Hai Nguyen, ông Thổ Thần Bolsa ở California năm nào đã chế ra để lên án những người ở hải ngoại chỉ vì ông Kỳ đã tham dự các buổi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính quyền Việt Nam khi họ đi công du ở Hoa Kỳ, kể ngay cả những người có nhiệm vụ đi làm phóng sự buổi họp mặt trong công tác truyền thông nghề nghiệp. Vạch rõ tên từng người để kết án là Việt Gian, nhưng các ông mang tên Hai Nguyen hay Thổ Thần nào đó lại không dám đưa tên thật, mặt thật của mình cho công chúng biết. Sao lại ngược đời một cách hèn hạ đến như thế? Hơn nữa, các ông nằm trong danh sách “Việt” Gian, ngay cả các ông Hai Nguyen và Thổ Thần Bolsa nữa, đa số hẳn đã là công dân “Mỹ”. Có lý nào một công dân Mỹ này lại có thể kết án một công dân Mỹ kia là “Việt” Gian. Sao lại ngớ ngẩn đến như thế, nếu không muốn nói là ngu xuẩn đến như thế! Há chẳng biết chỉ có người Việt ở trong nước mới có chính danh lên án người này người kia là Việt Gian hay sao?

Đến đây, tôi nhớ lại một diễn biến chính trị xảy ra giữa Nam và Bắc Hàn đáng cho chúng ta suy nghĩ. Năm 2000, Tổng Thống Nam Hàn Kim Dae Jung đã đến thủ đô Bình Nhưỡng đích thân gặp Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Il để mở đầu cho công cuộc hoà hợp hòa giải giữa hai miền Nam Bắc. Năm 2007, Tổng Thống Nam Hàn lại Bắc du một lần nữa để xúc tiến thêm công cuộc trên. Giữa hai nước Hàn thì Nam Hàn có ưu thế hơn Bắc Hàn rất xa về mặt kinh tế. Vậy tại sao Tổng Thống Nam Hàn không đòi hỏi Bắc Hàn phải từ bỏ ngay chế độ cộng sản như một điều kiện tiên quyết trước khi đi đến việc cùng nhau nói chuyện về vấn đề đất nước. Tại sao nhân dân Nam Hàn không gọi Tổng Thống của họ là “Hàn Gian”? Là bởi vì Tổng Thống và nhân dân Nam Hàn muốn giúp cho người dân miền Bắc, cũng là đồng bào ruột thịt, ngay trước mắt có thể có được một cuộc sống tương đối ấm no hơn. Là vì họ cũng có đủ thông minh và có sự hiểu biết thực tế hơn để hiểu rằng chuyện cộng sản không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà sẽ là một cuộc chuyển hóa dần dần. Đó là do óc sáng suốt biết nghĩ xa cho đất nước, do lòng vị tha biết thương người đồng chủng. Những người mang tinh thần rực lửa hùng hục chống cộng ở hải ngoại này như đã đề cập tới ở trên thì nghĩ trái hẳn lại, theo cái cách của họ mà tôi có thể gọi là “sống chết mặc bay”.         

Thực ra, mục đích tối hậu cho đất nước là gì?  Thực tế, tôi cho là làm sao để người dân có đủ cơm ăn, áo mặc, và họ cũng chỉ mong có thế. Bất cứ chế độ nào, chính quyền nào mang lại cho họ được như thế thì họ chấp nhận. Xin đừng nói đến những gì cao xa như tự do, dân chủ, quốc gia, nhân dân, chủ nghĩa này, chính sách nọ, những từ ngữ mang tính cách “đao to búa lớn” nhưng hết sức mơ hồ mà nhiều chính trị gia đã sử dụng chỉ với mục đích mị dân. Người ta đã chỉ trích ông Kỳ về nước là hợp tác với chính quyền trong nước để giúp chế độ đàn áp người dân, gây tác hại cho đất nước? Ông Kỳ từ khi về nước lần đầu tới nay đã trên 6 năm. Thử nhìn xem ở Việt Nam lúc này so với hơn 6 năm về trước, ông Nguyễn cao Kỳ có làm cho dân chúng phải chịu cảnh lầm than hơn không, có giúp cho guồng máy kềm kẹp của chính quyền xiết lên đầu cổ người dân chặt chẽ hơn không? Không nói đến những chuyện khác, chỉ thấy là mấy năm gần đây đã có ông Hà sĩ Phu công khai gọi Đảng Cộng Sản là Đảng Ăn Cướp, nhạc sĩ Tô Hải viết “Hồi ký của một Thằng Hèn” năm 2007 trong đó ông tố cáo “cái gọi là chủ nghĩa Cộng Sản chính là một tà giáo đại bịp nhất trong lịch sử loài người”; nặng hơn ông còn thẳng tay lên án thủ lãnh thần tượng cuả cái đảng ấy rằng “Công của ông ta toàn là Tội. Không có ông Hồ, không có cái Đảng này thì đâu đến nỗi cả dân tộc tôi bị chiến tranh tàn phá, anh em họ hàng đâu đến nỗi chia lìa, chém giết lẫn nhau”. Đây chỉ là vài trong số hàng chục, hàng trăm thí dụ cho thấy người dân trong nước dần dần đã dám nói lên điều họ đã nghĩ, đã tin tưởng, mà chính quyền không dám thẳng tay trừng trị như những năm truớc kia.  

Anh Đặng văn Âu thân mến,

Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã muốn về nước nói chuyện với chính quyền Cộng Sản từ năm 1991, nhân danh một nhà lãnh đạo trước kia của Việt Nam Cộng Hòa. Thiện chí mong muốn giúp nước của ông Thiệu đã xảy ra quá sớm, không đúng thời cơ, nên đã lặng lẽ trôi đi như nước chảy qua cầu.

Hơn 2 năm sau, đến lượt ông Tổng Thống Ba Ngày Dương văn Minh (làm Tổng Thống từ 28 đến 30 tháng 4 năm 1975) mưu toan về Việt Nam hòa hợp hòa giải với chính quyền trong nước. Manh tâm này do chính Võ Long Triều, được coi như là quân sư của ông Dương văn Minh ở hải ngoại, đã tiết lộ và kể ra rành mạch trong cuốn “Hồi ký Võ Long Triều” đăng trên báo Người Việt hồi cuối năm 2006. Từ nhận định là cộng sản Việt Nam, do những khó khăn trong nước, nên đã phải đưa ra chủ trương hòa hợp hòa giải những mong được tiếp tục cai trị, quân sư họ Võ đã xúi dục ông Dương văn Minh lợi dụng thời cơ đưa ra 4 điều kiện hòa giải và đòi hỏi chính quyền tại Việt Nam phải có thư mời về nước nói chuyện. Kỹ sư Dương văn Đức, con trai ông Dương văn Minh được cử đóng vai trò sứ giả về nước đưa điều kiện và lấy thư mời. Được gặp Võ văn Kiệt, nhưng thư mời thì không có. Về nước lần thứ nhì, không còn đòi hỏi điều kiện nữa, chỉ cần thư mời thôi. Lần này, Dương văn Đức chỉ được gặp chánh văn phòng của Võ văn Kiệt, và xin thư mời xuông không xong. Xuống cấp một lần nữa, ông Dương văn Minh lúc này sẵn sàng về nước mà không cần cả thư mời. Nhưng quân sư Võ Long Triều bây giờ lại từ chối không chịu cùng về với ông Thầy qua lý do phải ở lại hải ngoại “làm ống loa” cổ võ cho chuyến về nước này. Tất nhiên là ông Dương văn Minh phải đánh bài lùi! Rút cục, mưu toan về nước hòa giải với chính quyền cộng sản của ông Dương văn Minh, được Võ Long Triều đánh trống khua chiêng ầm ĩ, nhưng có khác gì “cơn bão tố trong một ly nước”, rồi cũng sớm tan như bọt sóng thủy triều đập vào bãi cát, không một tiếng vang.

Qua hai chuyện kể trên, tôi có một nhận xét. Tổng Thống Thiệu dự tính về nước âm thầm quá, cho nên không mấy ai được biết. Nhưng Tổng Thống Dương văn Minh mưu toan hòa giải với cộng sản ngay từ những năm 1993, 1994, chuyện đã minh bạch rõ ràng qua những lời kể dài dòng trong Hồi Ký của Võ Long Triều. Hẳn phải rất nhiều người đã đọc và đã biết. Nhưng tôi lại không thấy có ông chống Cộng nào lên án hai ông Dương văn Minh và Võ Long Triều là khúm núm, qụy lụy, xin xỏ chính quyền cộng sản, là phản dân hại nước, là đâm sau lưng chiến sĩ, đồng bào, như họ đã kịch liệt chỉ trích ông Nguyễn cao Kỳ? Muốn giải đoán cách đối xử đầy kỳ thị này thì cũng dễ và giản dị thôi. Thực ra thì ở hải ngoại này, có nhiều người đã từng ở trong những cảnh ngộ cực kỳ đau khổ, phải chịu đọa đầy vào những năm sau tháng 4, 1975 dưới ách cộng sản, cho nên họ còn mang nặng lòng căm thù oán hận. Lại còn có những người gọi là chống Cộng chuyên nghiệp, tuy nhiều người chưa từng sống một ngày dưới chế độ cộng sản, nhưng lúc nào cũng ồn ào  huyênh hoang nói chuyện quang phục quê hương, giải phóng đồng bào thoát ách cộng sản độc tài. Những người này, như có dị ứng với hai chữ cộng sản, hễ nghe thấy những gì dây dưa dính dáng tới là phản ứng chống lại mà không chịu tìm hiểu để phân biệt từng trường hợp, từng hoàn cảnh khác nhau. Còn nữa, trước cái chính sách đổi mới trong nước, không thiếu gì người, không thiếu gì đoàn thể đang muốn được về nước âm mưu thông đồng với nhà đương quyền lập đảng đối lập “cuội” những mong chia miếng đỉnh chung, nhưng họ chưa dám há miệng công khai nói ra ý muốn trở về. Ông Dương văn Minh đã xin và đã không được chính quyền trong nước cho về, như vậy là đã thất bại. Thấy người ta thất bại trong ý đồ mà mình cũng thầm đang theo đuổi, đang mong muốn thì trong lòng ngấm ngầm thích thú, vậy thì can cớ chi mà phải mất công chửi bới. Trái lại, ông Nguyễn cao Kỳ được nhà nước Việt Nam mời về, nghênh đón, đưa đi đó đi đây, thảo luận với cấp lãnh đạo này nọ, trong khi mình dài cổ ra thèm thuồng trông ngóng mà không được thì sinh lòng đố kỵ, đâm ra ghen tức, do đó mới lồng lộn lên bôi đen nói xấu. Lại xúi bẩy hoặc được tiếp tay bởi những kẻ thuộc loại “mắt sành, lưỡi gỗ, đầu óc bã đậu” lên tiếng theo đuôi. Nhưng thói đời là như vậy, có gì là lạ?! Hơi sức đâu mà đếm xỉa đến cho mất thời giờ!    

Anh Đặng văn Âu thân mến,    

Tôi ‘tản mạn’ với anh dường như đã quá dài, nay xin trở lại với hai chữ “chính thống” để kết luận theo chủ đề mà anh đã nêu ra.

Vào khoảng giữa năm 2007, chủ tịch Nguyễn minh Triết của nước Việt Nam và phái đoàn, khi sang thăm Hoa Kỳ, đã được chính quyền Hoa Kỳ và các tổ chức thương mại tiếp đón tại nhiều địa phương. Nếu muốn tranh đấu chống Cộng một cách đứng đắn, đường hoàng, và tích cực, nếu muốn biểu dương cái chính thống của lá cờ vàng tượng trưng cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại, tại sao những người chống Cộng không họp nhau lại để tổ chức một buổi tiếp tân  

và chính thức mời lãnh đạo cộng sản đến dự để công khai đặt vấn đề với người đang có trách nhiệm với quốc dân? Trong tư thế là công dân Hoa Kỳ, dân của một quốc gia đã đặt mối quan hệ ngoại giao với kẻ thù cũ, người Mỹ gốc Việt có vị trí chính thống để nghiêm khắc lên án sự chà đạp nhân quyền của lãnh đạo Việt Nam. Tại sao người Mỹ gốc Việt không hành xử như những nhà chính trị chững chạc, có trình độ đấu tranh đầy bản lĩnh, đặt vấn đề quốc kế dân sinh với Nguyễn Minh Triết thì có phải chúng ta làm cho người cầm quyền không thể tiếp tục chơi trò nói một đàng làm một nẻo nữa không? Nếu Nguyễn Minh Triết từ chối lời mời đến dự buổi tiếp tân của chúng ta, thì cộng sản đã tỏ ra không có chính nghĩa vì không dám đối diện với những vấn đề của đất nước. Thực hiện điều này, người Việt chống cộng sẽ đẩy lùi đối thủ vào thế bị động, sẽ không dám bày trò Nghị quyết 36 để chia rẽ chúng ta.

Nếu Nguyễn Minh Triết chấp nhận đến, thì trước sự hiện diện của đông đủ giới truyền thông quốc tế không bao giờ bỏ qua một cuộc trình diễn hứa hẹn đầy hào hứng, gay go như thế, người Việt hải ngoại có cơ hội, nhân danh toàn thể cộng đồng, ngang nhiên tranh luận với các lãnh tụ cộng sản về chuyện nhân quyền, tự do dân chủ, yêu cầu giải thích về những vụ đàn áp các nhà tranh đấu, tố giác tình trạng tham những tạo ra khoảng cách giầu nghèo giữa những người dân ngày càng cách biệt, lên án những vụ bán đất, nhường biển cho ngoại bang…

Tụ tập với nhau đứng bên ngoài vung cờ vàng chõ mồm vào chửi đổng, hò la đả đảo, chửi bới xuông là hình thức phản kháng của kẻ yếu thế, trong khi chúng ta đang ở thế thượng phong. Có người nghi ngờ, không hẳn là vô lý, rằng các nhà tranh đấu này, khi đứng trước đối thủ thì chỉ biết miệng ngậm hột thị, không biết nói năng đối đáp ra sao. Đứng từ xa xa đấu tranh tuy coi bộ tiêu cực thật nhưng về phương diện tranh luận thì an toàn hơn là cái chắc. Có cái gọi là “Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản” đi đâu mất tiêu không thấy chường mặt ra đương đầu một cách chính thống với những tên đầu sỏ cộng sản khi họ xuất hiện ngay trên địa phương của mình để rồi khi cộng sản về từ khuya thì mới họp nhau lập ra danh sách “Việt Gian” lên án một số Mỹ kiều.

Đúng là một hoạt cảnh rẻ tiền. Mà cũng thật là đáng hổ thẹn.

Thân ái,

© Đỗ văn Minh

© Đàn Chim Việt

4 Phản hồi cho “Tản mạn về hai chữ “Chính Thống””

  1. Dao Cong Khai says:

    Nội dung bài viết nhằm trình bày sự kiện hơn là chủ đích cho đề tài “chính thống”

    Đại khái thì tác giả chê bai những người cầm cờ vàng chống cộng, nhưng lại biện minh cho chữ Ngụy, coi việc VC xử dụng chữ đó là không đúng. Tuỳ độc giả, tác giả nói lòng vòng mơ hồ; rõ ràng chưa vững lập trường… muốn chống cộng nhưng không thích những người chống cộng gốc …Ngụy .
    Thực tế xã hội nó như thế. Trước hết bàn về chữ Ngụy, đã có từ lịch sử Tàu để danh từ này được trở thành tĩnh từ và động từ luôn. Ngụy là nước của Tào Tháo, vì bại trận nên Ngụy được sử sách Tàu gán cho đủ thứ tội ác và gian manh xấu xa trên trên thế giới. Chưa biết phe nhà Hán của Lưu Bang có gì tốt đẹp hơn bên Nguỵ hay không, tại sử Tàu của nhà Hán cố tình bôi nhọ bên Ngụy như thế nên không thể nói bên nhà Hán là tốt đẹp hơn Ngụy được. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng phe nhà Hán mới chính là những kẻ gian ác và Ngụy thì lương thiện hơn (nếu không thì đâu có các cuộc khởi nghĩa của Triệu Đà, Lý Bôn,.. toàn là những quan cai trị của Tàu và gốc Tàu).

    Ở VN, nhà Nguyễn gọi Tây Sơn là Ngụy, sau đó cũng gọi nhóm cách mạng Lê văn Khôi là Ngụy, bắt được chôn sống hàng ngàn người ở Gia Định, gọi là Mả Ngụy. Bây giờ VC goi VNCH là Ngụy … OK, tôi vô tư, tôi sinh ra thời VNCH cho nên tôi là dân VNCH, bởi vậy tôi cũng tự hào mình là DÂN NGỤY .

    Tác giả nói ông cựu Phó TT VNCH Nguyễn Cao Kỳ được bộ ngoại giao VN mời về nước xây dựng tổ quốc, cái này mà ông ta đọc được chắc sướng lắm. Tôi thấy điều đó không sáng tỏ, ông ta trước khi về chỉ làm quen được với vài người cùng quê ở Sơn Tây, họ đi VC và làm lớn trong chế độ; nhờ họ bảo kê và khuyến khích về bên đó, ngoài ra tôi không biết rành và chỉ nghĩ là tác giả phóng đại chuyện ông ta được bộ ngoại giao VC mời.

    Vấn đề dân tị nạn hải ngoại ghét ông Kỳ thì mỗi người ghét ông ta một cách khác nhau, tác giả không nên vơ đũa cả nắm khi lý luận một chiều, cái lý luận đó của tác giả giống y chang của báo VC. Đồng ý với tác giả là có những người chửi ông Kỳ là vì họ ghen tức không được VC ưu đãi như ông Kỳ, có những người không thích ông ta vì bị ông ta cua mất gái của mình…. Nhưng tác giả không nên nghĩ ai cũng như vậy. Đa số chúng tôi ghét ông Kỳ là vì ông tuyên bố trên báo chí những câu nói chà đạp lên lý tưởng chống cộng của chúng tôi. Điển hình là:

    “ĐÂY LÀ CUỘC CHIẾN TRANH CỦA NGƯỜI MỸ VÀ CHÚNG TÔI LÀ KẺ ĐÁNH THUÊ” (Wikipedia.vn), nếu ông ta không dùng chữ “chúng tôi” mà dùng chữ “tôi” thì người ta không cần thiết phải nguyền rủa ông ta như vậy. Và còn nhiều nữa…

    Bản tin ngày 15-1-2004 của đài Á châu Tự do tường thuật “Lấy trường hợp của các nước Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc để so sánh với Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố chính phủ hiện hành tại Hà Nội do một đảng duy nhất lãnh đạo là thế mạnh để duy trì trật tự ổn định, là yếu tố cần thiết để Việt Nam thọat khỏi sự nghèo đói.” Và “Vẫn theo lời ông Kỳ, ưu tiên của Việt Nam phải là xây dựng kinh tế, xây dựng một giai cấp trung lưu rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện cải tổ chính trị.”

    “Được hỏi ông có chống đảng Cộng sản không và có muốn thấy cải tổ chính trị ở Việt Nam không, ông Kỳ quay sang chỉ trích những ngừơi Việt đang họat động chính trị ở Mỹ, nói rằng theo ý ông thì thật là sai lầm khi một số ngừơi ở hải ngọai, đặc biệt là ngừơi Mỹ gốc Việt, đến giờ vẫn còn hô hào và đòi hỏi Việt Nam phải tiến tới một nền dân chủ mà họ đang được hưởng ở Hoa Kỳ…”

    Tôi đồng ý với tác giả về thái độ của TT Nam Hàn là khôn ngoan, nhưng nếu hai bên tổ chức thống nhất đất nước thì chưa chắc TT Nam Hàn đã chấp nhận, trừ phi ông ta duoc quyền đưa người ra Bắc Hàn để kiểm soát sự tự do bầu cử bên thế giới CS. Mỗi người có một phương cách đấu tranh khác nhau tuỳ nơi và tuỳ lúc, tác giả đừng vội kết án những người đã từng mất mát xương máu hoặc tù đầy dưới chế độ VC là họ không sáng suốt, và đừng vội nghĩ rằng những người biểu tình chống cộng ở hải ngoại là chưa hề sống dưới chế độ CSVN. TÁC GIẢ ĐÃ LẦM LỚN, 90% dân biểu tình chống cộng là những người sống và kinh nghiệm xương máu với VC rồi.

    Nếu tác giả ở hải ngoại, tác giả có quyền dâng kiến nghị lên nói chuyện với Nguyễn Minh Triết khi hắn ra hải ngoại, tôi không phản đối. Nhưng tôi đứng ngoài không thèm “dâng” kiến nghị, đó là quyền của tôi. Khi nào tác giả hành động thành công thì hãy nên phê phán phương cách đấu tranh của kẻ khác. Công dân VN ở trong nước người ta đưa kiến nghị đòi đất, đòi tài sản của người ta bị cán bộ cướp hàng ngày, có ai được trả lại đâu. Bọn tôi công dân đế quốc Mỹ với thực dân Pháp thì nhà nước VC làm sao quan tâm bằng công dân VN được? Vấn đề lại còn một số quan lại của Mỹ nhúng tay vào các quan hệ bóc lột dân VN của chế độ VC bên đó nữa qua những hợp đồng xây cất hãng xưởng mà nhà nước cho phép họ xây cất trên chính những ruộng đất mà chính phủ VC cướp được của dân. Cho nên đấu tranh chống VC không đơn giản đâu, các ông ở bên VN thì cứ kiến nghị đi coi nó tới đâu; đừng vội phê bình người ta nhé! Đâu phải bên đây người ta không làm như thế, trước đây thiếu gì người đã từng kiến nghị VC, nó cũng Ừ. Nhưng OK là một chuyện, nhưng có làm hay không lại là chuyện khác.

    Còn tác giả hỏi tại sao không biểu tình chống Dương Văn Minh muốn hoà hợp hoà giải với VC. Tôi có thể trả lời, người ta, người công giáo VN thuộc giáo xứ Tân Sa Châu (cũng cạnh xứ đạo mà ông Kỳ đến hô hào sẽ ở lại VN chỉ huy cuộc chiến đấu chống cộng) đã biểu tình ngay cổng Bộ Tổng Tham Mưu VNCH hồi năm 1964 về chuyện hoà hợp hoà giải đó rồi, Dương Văn Minh trả lời bằng cách ra lệnh cho binh sĩ nổ súng giết 8 người công giáo. Vụ đó sau đó chính phủ phải lên tiếng xin lỗi và bồi thường cho những nạn nhân bị giết. Vụ tác giả vừa kể ở Mỹ tôi nghĩ người ta không biết hoặc DVM núp trong bóng tối không xuất hiện thôi; nếu hắn xuất hiện thì không những người ta chống mà còn “BỀ HỘI ĐỒNG” hắn nữa. Vì tôi biết, sau khi DVM được VC miễn cải tạo nhưng cho đi Mỹ (diện HO ?) thì hắn núp kỹ lắm, rất sợ dân tị nạn phát hiện ra địa chỉ của hắn.

    Nói chung tôi đồng ý với tác giả rằng những người vỗ ngực chống cộng chưa hẳn là họ thực sự chống cộng mà chỉ là lợi dụng và lường gạt người khác để thủ lợi. Tuỳ người thôi, nhưng tác giả không thể kết án một người chống công nào đó bất luận (như tôi chẳng hạn) khi tác giả chưa biết rõ họ là ai. Chúng ta có thể nghi ngờ mọi người, nhưng không có quyền kết án người ta khi chưa chắc chắn họ là kẻ có tội. Quan điểm tác giả muốn cho rằng chống cộng là sai lầm hoặc là giả dối, thì tôi cho đó là quan niệm hoàn toàn sai. Nếu tác giả muốn hoà giải với VC thì phải đánh nhau với VC trước đã. Bản chất bẩm sinh của bạn là VC, hoặc thân cộng hay hoà hợp với VC sẵn rồi; thì có gì xích mích với VC nữa mà phải hoà giải? Và những người chống cộng “quá khích” có ghét bạn thì cũng đâu có gì quá khích lắm. CS nó mới nghi ngờ người ta là đủ để nó giết nạn nhân rồi, vậy thì làm sao có thể đối xử với VC nhân đạo hơn thế được?

  2. ĐẠI HẢI says:

    TẠI SAO LẠI TRÉO NGOE ?

    Nếu miền Bắc trước kia cũng “quốc gia” như miền Nam, việc gọi chính quyền miền Nam là “ngụy” cũng chẳng có gì đáng nói. Vì có nghĩa “nó” không phải là quốc gia chính thống như mình, nên mình cho nó là thằng “ngụy”. Đằng này. Đằng này rõ ràng miền Bắc đi theo hệ thống XHCN quốc tế, có tự công khai thừa nhận rõ ràng, thế nên gọi chính quyền miền Nam cũ là “ngụy”, có cái gì đó không ăn khớp, hay đúng ra là trật chìa, hơi giống kiểu lạm ngôn. Bởi nếu cùng “quốc gia” với nhau, gọi nhau là ngụy, tức không cho là chính thống như mình, thì mới đúng. Đằng này mình thừa nhận là “cộng sản”, sao lại gọi cái tự cho nó là “quốc gia”, thì quả có hơi kỳ. Vì chỉ khi nào mình cũng “quốc gia” như nó, nhưng chê nó không chính thống như mình, thì việc gọi nó là “ngụy”, mới hữu lý được. Danh không chính thì ngôn không thuận, ấy là như thế đó.

    ĐẠI HẢI

  3. sigma says:

    Cac bac nen nghi ngoi di thoi,ngay xua quyen hanh trong tay ma da chang nen com chao gi !!!!!!
    thoi hay de cho tui chau may thang “nhoc” da sinh ra va lon len chi biet co vang cho nen chung chau
    chi co to quoc la VNCH . Tui chau tinh so tui no ,cac Bac yen tam.

  4. Tri Dan says:

    …tot nhat la khong nen mat nhieu thoi gian va tri tue cho nhung viec dai loai nhu vay…may chuc nam cam quyen chong cong san xay dung quoc gia ma van chi hieu co den vay thoi sao? …. hanh dong cu the nam ngay o trong con nguoi moi nguoi chinh thong va dung bao gio ca tin ngay tho voi nhung ke cam quyen cong san. Cong san cuop duoc chinh quyen, cuop duoc tai san bang muu luoc thu doan nen chung luon biet cach phinh lua va mua chuoc…giua nhung nguoi muon che do cs sap hay dung mat thoi gian thanh minh va to cao lan nhau, nhu vay se chi co roi vao chong cua cs… Hay nen nho la chung ta luon mac benh ngay tho va ca tin vi cai chat cua nhung nguoi chinh thong la co cai chat that tu trong tam nen de bi su gia doi lua…va it nhieu nhung nguoi chinh thong deu co it nhieu thong minh nen hay mac benh day doi va chi duong cho su gian manh va ngu dot cua nhung ke thong tri bang thu doan…

Phản hồi