WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhân ngày11/9: tưởng nhớ anh bạn Mỹ Max

Tôi có anh bạn Mỹ là một cựu chiến binh ở Việt nam. Chúng tôi gặp nhau, quen nhau rất tình cờ.

Anh là Max J. Beilke, thượng sỹ nhất, là một cán bộ ngành hậu cần trong Bộ chỉ huy quân sự Mỹ MACV đóng ở Sài Gòn.

Tôi là thành viên trong đoàn đại biểu quân sự Việt nam Dân chủ Cộng hòa kiêm Người phát ngôn của đoàn, trong Uỷ ban Liên hợp quân sự 4 bên, được thành lập theo Hiệp định Paris tháng 1-1973, làm việc tại Sài Gòn.
Theo hiệp định, quân chiến đấu Mỹ sẽ rút hết trong 60 ngày, ngày rút quân cuối là 29-3-1973, chỉ để lại một số cố vấn quân sự.

Tướng Lê Quang Hoà cử tôi làm tổ trưởng tổ kiểm tra rút quân Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất, để nhân đó có thể có tài liệu viết báo về sự kiện này.
Từ sáng cho đến khuya ngày 29-3-1973, sân bay Tân Sơn Nhất tấp nập lạ thường. Máy bay lên xuống không ngừng. Nhiều nhất là máy bay vận tải cỡ lớn C130 Mỹ, rồi máy bay của Pháp, Anh, Hà lan, Bỉ, Canađa được Mỹ thuê, rồi cả máy bay Philipin, Thái lan, Úc, Tân tây lan, Đại hàn sang đón quân nước họ.

Các nhà báo quốc tế kéo đến đông, nhiều nhất là báo Mỹ, Nhật, Pháp, Anh …

Xế chiều lúc 17g40 chiếc C130 chở toán quân nhân Mỹ cuối cùng sắp cất cánh. Sẽ còn nhiều chuyến chở toàn thiết bị quân sự, quân dụng nối đuôi nhau. Theo hướng dẫn của tốp sỹ quan Mỹ trong “Tổ 4 bên kiểm tra rút quân”, tôi đọc tên cuối cùng trong danh sách, thượng sỹ nhất – Sergeant Major Max Beilke, 42 tuổi, quê ở bang Minnesota. Anh M. Beilke ở hàng cuối, mặc áo quần rằn ri, vai khoác balô nhẹ, bước đến. Tôi hỏi : ông là Max Beilke? Đáp : vâng – yes, Sir!

Tôi chìa tay bắt tay anh, rồi đưa tặng anh một bức tranh nhỏ bằng mành tre in hình Chùa Một Cột màu sáng. Anh rụt rè một chút rồi chìa tay đón nhận với lời cám ơn. Tôi nói thêm : mong anh trở lại như một khách du lịch!
M. Beilke gật đầu mỉm cười nhìn bức tranh rồi bước lên máy bay, trước ống kính của 2 phóng viên Nhật và 1 phóng viên Đức.

Nhiều lần sang Mỹ tôi vẫn mong có dịp được gặp anh Max Beilke. Tôi được biết anh đã từng đóng quân bên Đức, rồi tham gia chiến tranh Triều tiên rồi sang Việt nam, là chuyên viên về bảo quản vũ khí kỹ thuật và quân dụng; năm 1974 anh về hưu sớm, do đã có 22 năm tuổi quân. Anh về sống với vợ và 2 con gái ở một thị trấn nhỏ thuộc giáo xứ Saint Anthony, bang Minnesota. Anh cưới cô Lieselotte Kols năm 1958, có 2 con gái và 3 cháu ngoại đều con trai. Anh còn là ông bàu của đội bóng đá nổi tiếng ở Minnesota.

Về hưu Max vẫn đi học tiếp, năm 1977 được bằng Master về quản lý nhân lực của trường Đại học Michigan.

Tôi từng ghé qua Bắc và Nam California, Nevada, Texas, Illinois – Chicago, New York, Maryland, Virginia, Washington DC… nhưng chưa có dịp đến Minnesota. Hoa kỳ rộng quá, đến hơn 50 bang ! Nhà báo Stanley Karnow và anh sỹ quan hải quân Daniel từng hướng dẫn tôi thăm Học Viện Hải quân Hoa kỳ có ý định tổ chức cho Max và tôi gặp nhau. Max cũng qua điện thoại tỏ ý mong được gặp tôi, còn mời tôi về quê anh nghỉ vài tuần, cho biết bức tranh tre Chùa Một Cột anh vẫn giữ như một bảo vật, và anh thích thú đọc một vài bài báo của tôi trên báo Mỹ. Cuối năm 2000 tôi được biết anh hoạt động đều ở Lầu năm góc, gần thủ đô Hoa kỳ, trong cơ quan tình nguyện chuyên trách về quyền lợi quân nhân về hưu. Tôi nghĩ ngày gặp anh bạn Mỹ chắc chắn sắp đến. Sẽ thú vị biết bao.

Đột nhiên đêm 13-9-2001, nhà báo S. Karnow ở Maryland điện thoại cho tôi báo tin Max đã mất trong cuộc tấn công ngày 11-9-2001 của bọn khủng bố vào Lầu năm góc, làm chết 74 quân nhân, trong đó có Max, giữa lúc Max cùng một thiếu tướng và một trung tướng thảo luận với nhau về tình hình cựu chiến binh ở cơ quan về nhân lực của Bộ quốc phòng. Max mất khi 69 tuổi. Anh cùng đồng đội được mai táng trọng thể trong nghĩa trang lớn Arlington, thủ đô Washington DC.

Mới đây, đầu tháng 7-2009, Linh mục Joachim Lê Quang Hiền cai quản Giáo xứ Saint Anthony gửi email cho tôi, báo tin gia đình Max, cháu họ của Max, em gái và vợ của Max có nhờ Linh mục liên lạc với tôi, chúc sức khoẻ, nhắc lại tình bạn của Max đối với tôi và mời tôi có dịp ghé thăm và có thể nghỉ ngơi vài tuần ở một vùng rất tươi xanh trong lành này của nước Mỹ. Tôi cảm kích lắm.

Linh mục còn cho biết tin vui là cử tri vùng này đang vận động công luận để một bệnh viện dành cho cựu chiến binh Mỹ đang được xây ở thị trấn Alexandria – Minnesota sẽ mang tên Quân y viện Max Beilke, nhằm vinh danh và ghi nhớ tinh thần phục vụ quân đội, phục vụ cựu chiến binh, phục vụ cộng đồng cho đến khi nằm xuống của Max Beilke. Tôi rất mong đề nghị này được hưởng ứng rộng rãi.

Tôi viết bài này, nhân ngày 11-9 sắp đến như một nén hương, một lời cám ơn chân thành gửi đến gia đình anh bạn Mỹ Max Beilke của tôi, và đến Linh mục Joachim Lê Quang Hiền quý mến.

Cầu mong anh bạn M.Beilke yên nghỉ trong Tình Thương Vĩnh Hằng của Chúa.

Paris,   10 tháng 9-2009.

Phản hồi