WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thư gửi bạn bên nhà (số 6)

Diễn văn thắng cử, áng văn chương mang dấu Obama

Một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ trong 4 năm có không biết bao nhiêu bài diễn văn, trong đó những bài quan trọng nhất là :

- Diễn văn chấp nhận việc đảng của mình đề cử làm ứng cử viên tổng thống đọc trước Đại hội đảng họp vào đầu năm bầu cử, thường gọi tắt là Diễn văn chấp nhận đề cử;

- Tiếp đó là Diễn văn thắng cử thường được đọc ngay đêm bầu cử, sau khi kết quả được chính thức công bố, khi thắng lợi đã rõ ràng, dứt khoát, không có nghi ngờ và khiếu kiện gì nữa, được đọc trước một cuộc họp quần chúng đông đảo, là những ủng hộ viên của mình;

- Sau đó là Diễn văn khai mạc nhiệm kỳ được đọc vào trưa ngày 20 tháng giêng năm sau trước toàn thể Quốc hội gồm Thượng Viện và Viện Dân biểu cùng bộ máy nhà nước ở Trung ương, được tổ chức ở ngoài trời trên khán đài lớn dựng trên thềm trước của trụ sở Quốc hội trên Đồi Capitol, ngay sau khi Tổng thống mới tuyên thệ nhận chức, tay đặt trên cuốn Kinh Thánh; sau đó là cuộc duyệt binh của Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang; buổi lễ khai mạc nhiệm kỳ kết thúc bằng cuộc đi bộ lớn dọc theo Đại lộ Pensylvania, đưa Tổng thống mới từ Đồi Capitol đến Nhà Trắng, nơi ở và làm việc của Tổng thống . Những năm sau, vào ngày 20 tháng giêng, Tổng thống lại đọc báo cáo trước 2 Viện và Chính phủ, gọi là Bản báo cáo hàng năm về Tình hình liên bang.

Các bài diễn văn nói trên, mỗi loại, mỗi bài đều có tầm quan trọng riêng, tuỳ theo tình hình và hoàn cảnh lịch sử. Theo kinh nghiệm của 44 đời tổng thống Mỹ kéo dài hơn 200 năm, các nhà bình luận chính trị, thời sự, văn học, lịch sử … cho rằng các bài Diễn văn Thắng cử thường được quan tâm đánh giá, phân tích, bình luận nhiều nhất.

Trước hết vì Diễn văn Thắng cử  thường là được thảo ra trong một thời gian kỷ lục rất ngắn, chỉ trong vài tiếng đồng hồ để hoàn thành, đưa ra đọc tức thì, còn nóng hổi.

Vì cuộc bỏ phiếu diễn ra phần lớn trong có 1 ngày chính thức, trong khắp 50 bang và thủ đô Washington; sáng sớm hôm bỏ phiếu, không có vị ứng cử viên tổng thống nào có thể tự coi mình là nhất định trúng cử để viết sẵn bài Diễn văn Thắng cử. Dù cho có chuẩn bị kỹ càng đến đâu thì người viết vẫn chỉ là đóng kịch, đóng vai giả làm như đã trúng cử, như mình đã là tổng thống, trong khi cuộc bỏ phiếu chưa diễn ra xong xuôi và kết quả chưa được công bố. Người viết trước về mặt tâm lý không thể có sự xúc động chân thực, không thể có sự hứng khởi chân thực để  nảy ra những ý tưởng chân thực.

Thêm nữa, một số cuộc tranh cử còn mang kịch tính cao; trong quá trình kiểm phiếu các nơi, gom dần lại, một ứng cử viên có khi hồi hộp, hy vọng và thất vọng, thành và bại , nổi lên và chìm xuống nối tiếp nhau, do đó khả năng sẽ đọc diễn văn thắng cử hay sẽ không đọc cũng thay thế nhau, cho đến khi ngả ngũ rõ rệt. Khi ngả ngũ rõ rệt là ứng cử viên thắng cử chỉ còn nghĩ đến bài diễn văn thắng cử, tập trung tất cả tinh lực vào đó.

Tuỳ theo phong cách của từng người; trong thời gian cực kỳ gấp gáp, có người vốn có trình độ và năng khiếu ” văn hay chữ tốt “, tự tin, tự mình thảo lấy diễn văn.

Cũng có người phải dùng đến 1 hay vài chuyên viên làm công việc thảo diễn văn cho mình, đó là những “speech writer” chuyên nghiệp, những thợ viết, chấp bút nhanh, hay, đẹp, tất nhiên là theo gợi ý và chỉ đạo của tổng thống vừa thắng cử.

Đêm 4-11 vừa qua, theo nhiều nhà bình luận Mỹ, tổng thống trúng cử Obama đã tự mình thảo lấy bài Diễn văn Thắng cử của mình. Ông chỉ có chừng 2 đến 3 tiếng để làm công việc nặng nề gấp rút này. Vài ngày sau các nhà báo Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật… đều có bình luận, nhận xét thuận lợi, khen và đánh giá cao bài diễn văn gần như là ứng khẩu, mang tính chất hùng biện và sinh động này. Các báo Mỹ và Pháp cho rằng Obama  tỏ rõ tài hùng biện khá là đặc biệt ngay từ khi bắt đầu tranh cử. Obama có cách nói lưu loát, dễ hiểu, lập luận chặt chẽ, lại hay dùng hình ảnh và so sánh, đưa ra dẫn chứng thực tế có sức thuyết phục; ông lại có duyên ở chỗ biết nói hóm hỉnh, gây cười một cách thâm thuý. Như khi ông McCain cố tình chụp cho ông là muốn xây dựng “chủ nghĩa xã hội” ( ngụ ý là đáng sợ như ở Liên xô, Trung quốc hay Việt nam …), Obama mỉm cười đáp lại rằng : sao không nói luôn là tôi có ý định xây dựng “chủ nghĩa cộng sản” ngay từ khi còn ở vườn trẻ, vì lúc ấy tôi coi bánh kẹo, đồ chơi là của sở hữu chung hết !

Bài diễn văn thắng cử đêm 4-11 của Obama chỉ có 3 trang giấy. Mở đầu ông nói ngay rằng những ai hoài nghi về khả năng phát triển của nền dân chủ Mỹ, để biến mọi ước mơ thành hiện thực, thì hôm nay đã có câu trả lời. Ông nhắc đến cảnh toàn dân nô nức, sắp hàng chờ đợi 3, 4 tiếng để cùng nhau mang lại Thay đổi, Hy vọng cho Hợp chúng quốc Hoa kỳ. Ngay sau đó ông nhắc đến, cám ơn từng người : cặp tranh cử McCain – Palin, bạn liên danh Biden, bà vợ Michelle, 2 con gái nhỏ, ông nhắc đến bà ngoại vừa mới ra đi, bố mẹ, các anh chị em, rồi những chuyên gia, cố vấn trong ban tham mưu tranh cử.

Ông nhắc lại bước khởi đầu tranh cử rất khiêm tốn, rất ít tiền bạc, ít nhân vật danh tiếng ủng hộ; để rồi đông đảo cử tri góp những món tiền riêng nhỏ mọn, từ hàng triệu người Mỹ tự nguyện tập họp, tổ chức lại trong cuộc vận động của dân, do dân và vì dân.

Về nhiệm vụ trước mắt, Obama đưa hình ảnh rất ấn tượng : ” ngọn núi ta trèo rất dốc “, để rồi khẳng định : “Tôi hứa với Tổ quốc : cả dân tộc sẽ đến đích”. Bằng cách : Tái thiết từng ngôi nhà, từ từng viên gạch, bằng từng bàn tay nối nhau, nhằm dựng lại nước Mỹ.

Obama khẳng định vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ. Ông nghiêm khắc cảnh cáo : chúng ta sẽ đánh bại những kẻ muốn phá huỷ thế giới. Ông nhấn mạnh lý tưởng dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng là ngọn Hải đăng của Hoa kỳ.

Để truyền đến mọi người niềm tin vững, Obama tả hình ảnh của bà cụ 106 tuổi  Ann Nixon Cooper ông gặp khi bà xếp hàng chờ bỏ phiếu. Cả cuộc đời bà nói biết bao điều. Bà ra đời khi ô tô và máy bay chưa có, khi chế độ nô lệ còn khắp, lớn lên bà không được bầu vì là đàn bà, lại da đen. Thế rồi bà được hưởng tất cả những điều ấy. Bà chứng kiến bi kịch Trân Châu cảng bị bom, nền độc tài quốc tế Đức – Ý – Nhật, để thấy chúng bị loại, nền dân chủ được bảo vệ. Bà chứng kiến Con Người lên Mặt Trăng, bức tường Berlin sập, và hôm nay bà bỏ phiếu bằng đưa ngón tay chạm lên màn hình máy bầu cử hiện đại. Một đời người, biết bao thử thách ghê gớm, cũng biết bao thay đổi, tiến bộ, thành công.

Từ hình ảnh sinh động cuộc đời bà Ann Cooper, Obama kết luận: thách thức, cơ hội trước mắt, thời điểm này là của chúng ta, chúng ta hy vọng và vững tin thực hiện Giấc Mơ Mỹ để phục hồi sự Thịnh vượng và gìn giữ Hoà bình. Thành công đang ở phía trước.

Được biết tối 4-11, trước khi đọc bài Diễn văn thắng cử này, Obama gọi điện cho bà cụ Ann xin phép được nói về cụ trong diễn văn sắp đọc.

Mời các bạn tìm đọc toàn bài; các bạn biết tiếng Anh ở bên nhà nên tìm đọc nguyên bản. (có thể bấm Google  -  Obama , Victory Speech ).

Đúng như Giải Nobel Văn học Toni Morrison nhận xét : “Obama là con người nhân hậu, dấn thân cho đất nước, nhưng vẻ đẹp nhất ở ông là ở chỗ ông là một nhà thơ, một nhà văn, là con người của chữ nghĩa, làm vẻ vang cho ngòi bút “.

Một nhà báo Nhật còn cho biết Obama am hiểu khá sâu văn hoá châu Á và châu Phi.

Diễn văn thắng cử của Tổng thống Obama là một áng văn chương đẹp.

Paris 16-11-2008.

© 2008 www.danchimviet.com

Phản hồi