WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lề phải

Cảnh sát giao thông. Ảnh mang tính minh họa

Chuyện xảy ra cách đây đã mấy chục năm… lúc ấy tôi đang học trung học. Bữa đó có đoàn cán bộ Trung ương đột xuất về thăm, vậy là quân tướng trong Thành nháo nhác hết cả lên. Đã thành thông lệ: Chỗ nào có “các cụ” đột xuất đến thăm là đám con dân sẽ phải teo mỡ vài tháng. Nhà cửa, đường phố, quán xá tất tật đều đi vào trật tự một cách lý tưởng. Mọi vỉa hè, mọi đầu đường, mọi ngóc ngách, mọi cây cối, … đều được chỉnh đốn nghiêm trang. Các hàng cây, cột đèn, cột điện được vội vã khoác lên mình màu vôi trắng toát. Nơi nơi đều rạng rỡ trong những tấm pano: Nhiệt liệt chào mừng phái đoàn cấp cao Trung ương về thăm; Ta nhất định thắng, địch nhất định thua; Quyết tâm xây dựng thành phố trở thành một điển hình tiên tiến trong cả nước; Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng; Không có gì quí hơn độc lập tự do; An toàn là bạn, tai nạn là thù; Yêu xe như con, quí xăng như máu và Sống chiến đấu lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại…v.v. Nhìn vào khung cảnh cờ hoa rực rỡ như vậy, chỉ có những kẻ tâm thần mới không nhận ra và không tin là thành phố nơi tôi đang sống vô cùng giàu có và tươi đẹp… Nhưng thôi. Chuyện quan trọng là câu chuyện “lề phải”.

Như đã nói. Ngoài việc trang hoàng cờ hoa rực rỡ, các đường phố chính đều được kẻ vôi (phân lề cho người đi bộ, xe cơ giới và xe đạp). Các ngã ba, ngã tư đường trung tâm được gấp rút dựng lên những bùng binh bằng gỗ. Trên nó được đội ngũ hoạ sĩ tài ba gấp rút kẻ, vẽ những sơ đồ giao thông quan trọng cho các phương tiện và khách bộ hành. Trên những bùng binh ấy sẽ có những đồng chí công an giao thông, với những bộ quân phục là cháy… li, và nụ cười thường trực trên môi để điều khiển dòng người qua lại. Xa xa là một tiểu đội “giao thông đặc nhiệm”, súng ống chỉnh tề, ngồi trên chiếc com-măng-ca trong tư thế sẵn sàng… chiến đấu.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu buổi trưa hè hôm đó không có một bà trung niên, quần phíp đen nhầu nhĩ, áo bà ba cũ, sờn, sẫm ướt mồ hôi, đầu đội nón lá sụp kín mặt, người ngoại tỉnh hùng dũng, cong mông phi thẳng xe đạp qua đường bùng binh khu trung tâm, nơi có đồng chí cảnh sát giao thông đang đứng ngay như tượng để điều khiển. Ngay lập tức chiếc còi trên môi đồng chí “tượng công an” đã rú lên một hồi vang và… dài, hệt như hồi còi của trọng tài kết thúc một trận đấu banh căng thẳng. Nghe tiếng còi lanh lảnh vang lên như vậy, đám dân tình đạp xe qua và đám khách bộ hành đều vội vã dừng ngay lại, rồi bâu tròn quanh bùng binh, nơi đồng chí công an giao thông đang toe toe toét toét thổi.

- Chuyện gì thế hả chú?

- Chúng tôi đang đi ngon lành sao lại thổi còi ách lại thế?

- Lại phạt vi cảnh hả chú?

- Tôi đi đúng biển chỉ đường mà chú?

- Tôi đi bộ chứ có đi xe đâu mà bắt tôi đi đúng biển hả chú?

- Mọi khi đâu có biển chỉ đường, sao bây giờ vẽ ra làm gì hả chú?

- Tôi đi đúng đường có được đi tiếp không hả chú?

Không để ý những lời dị nghị. Đồng chí công an trên bùng binh khoát tay về trạm “trực chiến” hét lớn:

- Bắt con mẹ vượt ẩu kia lại.

Ngay lập tức chiếc com-măng-ca cùng ba chiến sĩ công an ngồi trên đã rú ga, lao thẳng về phía người đàn bà vượt ẩu nọ.

- Chị kia! Dừng lại! Dừng lại ngay!

Nghe tiếng quát lớn cùng tiếng xe gầm rú phía sau, người đàn bà ngoại tỉnh nọ vội ngoảnh cổ lại, rồi chưa kịp định thần thì chiếc com-măng-ca đã ập tới. Hai đồng chí công an ngồi trên xe nhanh như chớp, lao xuống đường. Một đồng chí nhảy bổ tới ghì chặt ghi đông xe của người đàn bà nọ. Một đồng chí khác chụp mạnh vào gác-ba-ga sau xe, vậy là người đàn bà nọ chỉ còn kịp nhảy… lò cò trên cáng xe đạp một đoạn, rồi hốt hoảng la to.

- Ối giời ơi, các chú làm ăn, đi đứng kiểu gì thế này?

- Chị nói gì đấy? – Đồng chí công an đang giữ ghì chiếc ghi-đông xe nói sẵng. Chị có biết chị phạm tội gì không?

Người đàn bà còn dạng háng trên cáng xe, ngơ ngác hỏi.

- Các chú nói vậy là sao? Tôi đi thăm chồng tôi cấp cứu ngoài viện, sao lại bảo tôi phạm tội?

Đồng chí công an lái xe nói lớn.

- Không dài dòng. Giải con mẹ này về đồn, lập biên bản đã.

Nghe nói lập biên bản, người đàn bà nọ tay chân run lẩy bẩy, miệng níu lưỡi nói.

- Ối giời ơi các chú ơi. Chồng tôi đang cấp cứu ngoài viện, còn đang chờ tôi đến để giải quyết. Bây giờ các chú lại không bằng, không cớ giữ xe tôi lại, rồi lại bắt tôi về đồn để lập biên bản, vậy là ra thể thống nào?

- Ghô cổ con mẹ này lại. Đồng chí công ngồi trên com-măng-ca nói gần như hét – Phạm tội, bỏ chạy, giờ bị giữ lại còn bao biện, rồi chối bay chối biến.

Chỉ chờ có vậy, hai đồng chí công an nọ, kẻ kéo, người lôi xềnh xệch chiếc xe và người đàn bà nọ về phía bùng binh.

Đám người hồi nãy chừng như hiểu ra chuyện bèn tản rộng ra, rồi bâu quanh bùng binh để xem người nhà nước thi hành công cụ.

- Chị kia! – Đồng chí công an trên bùng binh nhảy huỵch xuống mặt đường, nói như quát – Chị có biết chị phạm tội gì không?

Người đàn bà nọ chân tay còn run như cầy sấy, mặt mũi xám ngoét nói.

- Ối giời ơi các chú ơi! Rõ khổ cho thân tôi. Nào tôi có tội tình gì mà các chú gô cổ tôi lại thế này. Chồng tôi thì…

- Á à…! Phạm tội còn đổ lỗi cho người chức năng phải không?

- Nhưng tôi phạm lỗi gì hả giời? – Người đàn bà vừa nói vừa khóc rống.

- Có câm miệng lại không? – Đồng chí công an ngồi trên com-măng-ca lúc này bèn bước lại, tay xăm xăm mở chiếc xà cột, nói. – Chị có biết mình phạm tội gì không?

Người đàn bà vẫn khóc toáng.

- Không! Giời ơi là giời! Tôi đi đường thì có tội gì cơ chứ?

- Chị không biết hay chị cố tình không biết? Đồng chí công an cầm xà cột hỏi sẵng.

- Ối giời ơi, bà con làng nước ơi, nào tôi có tội tình gì mà bảo tôi cố tình biết mới không biết, hả giời?

- Không dài dòng làm gì. – Đồng chí công an đứng trên bùng binh, nói gắt. – Một là phạt vi cảnh, hai là gô cổ về đồn nếu có hành vi cưỡng lại.

Đồng chí công an cầm xà cột hỏi.

- Chị biết tội của mình chưa?

- Nhưng tôi mắc tội gì hả giời?

- Chị không cần hỏi giời. Ở đây đã có chúng tôi. Chị không biết tội, để tôi chỉ tội cho chị.

- Phải đấy. – Đám dân bâu quanh đồng thanh lên tiếng.

- Nhà chị ấy mắc tội gì thì nói rõ cho người ta biết, còn không thì thả cho người ta đi thăm chồng con cấp cứu chứ?

- Trật tự! – Đồng chí công an cầm xà cột khoát tay ra hiệu, rồi quát lớn. – Các người muốn phạt vi cảnh về tội nói leo phải không?

Thị uy đám dân xong, đồng chí công an quay lại nói. – Chị phạm tội đi trái đường.

Người đàn bà nghe vậy, bèn ngưng bặt khóc, rồi nói một thôi một hồi.

- Khổ thân tôi chưa hả giời. Bao nhiêu năm nay, vẫn con đường này, tôi đạp qua đây mà có thấy ai hoạnh họe vì tội đi trái đường đâu?

- Bố láo! Đồng chí công an đứng trên bùng binh, quát lớn. – Chị bảo ai hoạnh hoẹ? Chị có biết tại sao có cái bùng binh này không? Chị có biết tại sao có vạch chỉ đường trắng kia không? Chị có biết tại sao tôi phải đứng trên bùng binh chỉ đường không? Chị có biết tại sao có chiếc com-măng-ca đậu đầu đường đằng kia không?

Dường như đã lấy lại bình tĩnh. Người đàn bà nọ nhìn thẳng vào mặt đồng chí công an vừa hỏi mình, nói.

- Chú công an hỏi tôi vô hồi tại sao, tại sao thì tôi biết trả lời thế nào?

Đồng chí công an trên bùng binh không trả lời mà quay sang đám đông, hỏi.

- Ở đây có ai biết, hôm nay muốn rẽ trái qua trạm bùng binh này phải làm gì không?

Đám đông chợt ồ lên.

- Ồ, vậy là toi rồi.

- Vừa nãy tôi thấy nhà chị ấy phóng thẳng bên trái.

- Thế thì khổ rồi.

- Phạt vi cảnh là cái chắc.

- Không khéo không có tiền, lại bị phạt chạy quanh bùng binh thì chỉ có đứt.

Nghe mọi người bàn ra, tán vào, đồng chí công an giơ cao xà cột, nói lớn.

- Trật tự! Quay sang người đàn bà nọ, đồng chí công an mở xà cột, rồi kéo bút, xăm xăm trực ghi. – Chị biết tội của mình chưa?

Người đàn bà nọ ngơ ngác hỏi.

- Chứ chú bảo tôi đi ngả trái là phạm tội à?

- Chị định lục vấn tôi đấy à? Đồng chí công an cầm xà cột, gắt. – Chị đi lề phải thì tôi giữ chị lại làm gì? Bây giờ thế nào? Chịu phạt vi cảnh hay tập đi theo đúng luật?

Nghe nói vậy, người đàn bà nọ vội đưa tay lần ruột tượng, chợt nhớ còn phải lo chuyện đại sự, nên chẹp miệng, bảo.

- Thôi thì các chú cho chị tập đi theo đúng luật, chứ phạt vi cảnh chị không đủ tiền.

Đồng chí công an cầm xà cột nhăn đanh mặt, quát.

- Tôi cảnh cáo chị lần đầu. Ở đây chỉ có công an làm công vụ. Không có chú cháu. Không có chị em nào hết. Phạt vi cảnh hay tập đi đúng luật?

Người đàn bà nọ lại rơm rớm nước mắt, nói.

- Thì tôi tập đi đúng luật vậy, chứ phạt vi cảnh thì tôi móc đâu ra?

- Được rồi. Biện pháp nhẹ chị không muốn. Giờ thì chị đừng kêu ca. Đồng chí công an cầm xà cột khẽ hất hàm cho đồng nghiệp đứng trên bùng binh trở lại vị trí “chiến đấu”, kế đó khoát tay, ra hiệu cho đám đông tản ra xung quanh bùng binh. – Bây giờ chị muốn bắt đầu từ đâu?

Người đàn bà nọ đáp.

- Thì tôi đi từ đầu đằng kia, rồi rẽ thẳng bên trái.

Đồng chí công an.

- Vẫn thích đi theo bên trái phải không?

Người đàn bà.

-  Khổ quá! Nếu biết hướng thì tôi đâu bị bắt tội?

Đồng chí công an.

- Phát ngôn cẩn thận. Công an không bắt dân vô tội. Bắt đầu từ hôm nay cấm không được đi tắt ngả trái, bắt buộc phải đi vòng qua bùng binh rồi mới được rẽ. Hiểu chưa? Bây giờ tôi phạt chị đi vòng tròn qua bùng binh này 30 vòng. Nếu đi đúng luật thì được tha, còn không thì đi đến bao giờ thuộc lòng thì thôi.

Chiếc xe đạp của người đàn bà được một đồng chí công an khác dắt đến, rồi dặn dò: Chị thuộc lòng luật qua đường chưa?

Người đàn bà mếu máo đáp.

- Chú để cho tôi thử, chứ tôi đã đi bao giờ đâu mà bảo thuộc lòng.

- Nghe này! Đồng chí công an đứng trên bùng binh tuýt còi, rồi khoát tay ra hiệu. Vòng thứ nhất.
Nghe vậy, người đàn bà vội chụp chiếc nón lên đầu, quáng quàng nhảy lên xe, rồi gò lưng đạp xe chạy vòng quanh bùng binh…

Trời bắt đầu đứng bóng. Cơn nóng hắt xuống mặt đường nhựa lấp loá như những thuỷ tinh thể. Đám đông đứng bâu quanh, hồi hộp vừa xem, vừa cổ động cho người đàn bà nọ tập chạy xe đúng luật. Đồng chí công an cầm xà cột cùng mấy đồng nghiệp, đứng sát bùng binh rồi vừa ghi số vòng, vừa thị sát. Đi chừng được 8 vòng, chiếc xe đạp của người đàn bà đột nhiên loạng choạng, rồi đổ uỳnh xuống lòng đường. Ngay lập tức tiếng còi phía bùng binh vang lên.

- Chị kia! Đứng dậy ngay! Đừng trốn tránh nhiệm vụ.

Nghe tiếng còi, người đàn bà nọ lồm cồm bò dậy, định nhấc xe nhưng dường như không còn đủ sức, nên cả người và xe lại đổ vật xuống đường.

Thấy cảnh đó, đám dân đứng xem xung quanh vội vàng lên tiếng.

- Đổ cây chuối thế kia là say nắng rồi.

- Tha cho người ta đi các chú ơi.

- Người ta còn chồng đang cấp cứu. Tha được cho người ta thì tha đi.

- Bắt người ta đi giữa trưa hè tới 30 vòng thì bằng giết người ta còn gì.

Nghe đám dân lời ra, tiếng vào, đồng chí công an trên bùng binh nhét vội còi vào mồng, thổi một hồi dài, rồi quát.

- Chị kia! Có đứng dậy không hay đi lại từ đầu?

Thấy người đàn bà đã không còn đủ sức để gắng gượng, mấy người dân đứng coi bèn chạy lại, kẻ dắt xe, người xốc nách người đàn bà nọ đứng dậy, rồi hỏi.

- Chị còn đủ sức để đi tiếp không?

Người đàn bà thều thào.

- Tôi chết mất thôi. Đầu tôi bây giờ nó quay như chong chóng. Từ hôm qua tới giờ tôi đâu có hột cơm nào trong bụng đâu. Đạp được vài vòng mắt mũi tôi đã hoa cả lên, đâu còn biết đường trái, đường phải nào đâu mà tập.

Nói xong người đàn bà nọ cố lết về phía bùng binh, rồi quì mọp dưới chân mấy đồng chí công an, khẩn thiết xin.

- Tôi lạy các chú! Các chú muốn làm tình làm tội tôi thế nào thì làm. Còn bắt tôi đi đúng luật thì tôi chịu. Tôi hoa mắt, chóng mặt lắm rồi.

- Chị kia! – Đồng chí công an đứng trên bùng binh bèn nhảy xuống, quát. – Chị muốn chạy tội phải không? Khôn hồn thì chị chạy bằng đủ 30 vòng. Bằng không, chị đừng hòng đi khỏi nơi này.

- Ối giời ơi là giời! – Người đàn bà đột nhiên khóc toáng. – Thân tôi tàn tạ thế này, bụng chẳng có một hạt cơm, chồng còn đang sống dở chết dở, chờ tôi đến để cấp cứu. Bây giờ tôi còn phải ở đây để học luật tới sa sầm mày mặt. Thế này thì tôi chết đi cho xong, chứ sống làm cái nỗi gì hả giời.

Nhìn cảnh thê lương như vậy, đám dân đứng xem bèn xúm lại, nói đỡ.

- Tha cho người ta đi các chú ơi.

- Phạt vạ thế là đủ rồi.

- Phạt cảnh cáo để người ta có ý thức, chứ ai lại bắt tội người ta như thế.

- Nắng nôi thế này mà cứ chạy vòng tròn, đến thanh niên cũng quị chứ cứ gì đàn bà yếu đuối.

Nghe đám dân bàn tán chừng như cũng rác tai, nên mấy đồng chí công an bèn kéo nhau ra một nơi để hội ý. Một lát sau đồng chí công an cầm xà cột bèn bước lại, nhìn người đàn bà nọ từ đầu đến chân, nói.

- Bây giờ chúng tôi sẽ lập biên bản chị cố tình đi trái đường. Khi được nhắc nhở còn định bỏ chạy. Khi được học tập đã không cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ công dân. Chị có chịu không?

Thấy người đàn bà còn ngần ngừ chưa muốn nhận. Mấy người đứng gần bèn kéo áo, nói nhỏ.

- Nhận đại đi, để người ta tha cho mà đi thăm chồng. Nóng bức thế này, sức không có, còn định ở lại để chạy vòng tròn à?

Mấy đồng chí công an nhìn nhau, tủm tỉm cười. Đồng chí cầm xà cột, làm mặt nghiêm, hỏi bẳn.

- Chị chịu nhận tội về mình không?

- Vâng! Thì các chú bảo sao, tôi nhận vậy, chứ tôi còn biết làm gì bây giờ.

Đồng chí công an cầm xà cột cắm cúi ghi biên bản, một hồi, ngẩng lên, giọng răn đe.

- Chị nghe đây. Đây là biên bản lập tội đi trái đường của chị. Xét lý do chị có chồng đang cấp cứu, lại vi phạm lần đầu, nên chúng tôi tha. Lần sau tái phạm chị sẽ bị phạt hành chính.

Nghe nói vậy mấy người dân đứng sau lưng người đàn bà bèn đẩy nhẹ vào lưng, bảo.

- Nhận đại đi để người ta tha cho còn đi thăm chồng.

Người đàn bà nọ mếu máo giơ tay nhận tờ biên bản, rồi chắp tay trước ngực, nước mắt vòng quanh, nói.

- Các chú tha, tôi xin. Một lần đi trái đường tôi đã suýt mất mạng. Làm gì tôi dám có lần sau nữa.

© Việt Hà

© Đàn Chim Việt

3 Phản hồi cho “Lề phải”

  1. tran van binh says:

    Đối với CSVN chó mèo ra đường còn phạm lỗi huống chi là con người, muốn thở không khí cũng phải theo luật của CSVN

  2. lotxac says:

    Tôi già rồi thì ghét, và làm biếng đọc bài dài dài như tác giả Việt- Hà viết; hơn nữa câu chuyện gì thì thích đọc; chứ câu chuyện về CSVN mà nhiễm vào đầu ta; chắc không thể nào clean được; mà đời ta đã phai dần với những gì chỉ êm đẹp trong đất nước tuy có chiến tranh; có chết chóc; nhưng đẹp hơn nhiều; phải nói đẹp quá nhiều hơn là một đất nước gọi là GIẢI-PHÓNG sau 1975.
    Ta chỉ khoái có hai chữ mà VIỆT HÀ dùng ở đây ” CÁC-CỤ ” dùng cho các tên nhóc con đứng đường làm tiền người dân.
    Ông bà mình từ xưa thường dạy: CON NHÀ TÔNG;KHÔNG GIỐNG LÔNG THÌ CŨNG GIỐNG CÁNH. Xưa kia HCM vào tiếp thu miền BẮC trước năm 1954. Tuôỉ đáng em út của ông già mình mà cũng bắt mọi người tung hô là: BÁC HỒ CHÍ MINH; MUÔN NĂM CU HỒ CHÍ MINH; làm cho nước việt-nam quang-vinh; đó là bài ca TUNG HÔ CU mà lão này còn nhớ.
    Sao mà tácx giả VIỆT HÀ nói đúng chỗ ngứa của mình quá; nên ngứa miệng mà khen hay quá.

  3. Dean van vu says:

    Thanks mr. V.Ha , hoan ho dan toc VN. nghu dan , sao ma dan toc kho so qua vay ? chung co khac gi , vi du chung di tieu chung cung cam .

Phản hồi