WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hải cảng Cam Ranh và Liên bang Nga

Cảng Cam Ranh của Việt Nam nằm ở cực nam tỉnh Khánh Hòa cách phía nam thành phố du lịch Nha trang 50km là một hải cảng lớn từng liên hệ đến các biến chuyển quốc tế.

Sau khi người Pháp thiết lập xong nền đô hộ tại Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp biết giá trị của cảng Cam Ranh. Nhưng một mặt không có nhu cầu, một mặt không đủ khả năng tài chánh nên người Pháp không có chương trình khai thác. Vào những thập niên cuối của thế kỷ 19 (1880-1900) chỉ có Anh quốc có khả năng đe dọa quyền lợi của Pháp trong vùng Thái Bình Dương, nhưng Anh đang bận xâu xé nước Tàu ở phương Bắc và mặc nhiên chấp nhận chủ quyền của Pháp ở phía Nam. Ngoài Anh, còn Nhật Bản, nhưng Nhật Bản cũng đang bận tranh chấp với Nga và làm thịt con mồi Trung quốc lớn hơn.

Trong suốt thời gian trên dưới 130 năm từ khi Pháp đặt chân đến Việt Nam cho đến hôm nay, Cam Ranh chỉ đựợc dùng khi có nhu cầu quốc tế, và khi hết nhu cầu Cam Ranh lại trở về sự yên tĩnh thiên nhiên cố hữu của nó.

Nhưng không biết Cam Ranh còn được yên tĩnh bao lâu nữa!

Năm 1895 Nhật Bản chiếm Đài Loan, và ảnh hưởng của Nhật Bản vào đầu thế kỷ 20 càng ngày càng lên ở Đông Á, người Pháp lo ngại nên năm 1930 cho chiến hạm Malicieuse ra chiếm quần đảo Spatleys (Trường Sa). Tuy nhiên người Pháp không xây cất hay tuyên bố gì để xác định chủ quyền. Ngay cả việc chính quyền Pháp ở Đông Dương có ý xây cất một căn cứ tàu ngầm tại Cam Ranh để bảo vệ Trường Sa Paris cũng không chấp thuận cho là không cần thiết (Chương 2, The South China Sea dispute, page 28, by Geoffrey Till, trong cuốn “Security and International Politicsin the South China Sea” do Sam Bateman & Ralf Emmers chủ biên)

Mùa hè năm 1940 Đức quốc xã chiếm nước Pháp. Chính quyền Vichy thân Đức được thành lập, và chính quyền Pháp tại Đông Dương theo chính phủ Vichy. Tháng 12/1941 Nhật tuyên chiến với Hoa Kỳ, tấn công Trân Châu Cảng làm tê liệt hạm đội Mỹ tại Thái Bình Đương và hải quân Nhật hoàn toàn làm chủ Thái Bình Dương trong đó có biển Đông. Chính quyền Pháp tại Đông Dương thuộc phe Trục (Đức, Ý, Nhật) được Nhật Bản cho tiếp tục cai trị Đông Dương. Nhật chiếm những cứ điểm của Pháp tại Trường Sa (như đảo Itu Aba) và xây cất một căn cứ tàu ngầm tại đảo Itu Aba nhường cho Pháp quản lý đảo Woody trong quần đảo Hoàng Sa cho đến ngày 9/3/1945 khi Pháp đảo chánh Pháp tại Đông Đương.

Trong cuộc tranh hùng với hải quân Hoa Kỳ trong trận Thế giới đại chiến II (1941-1945) Nhật không dùng căn cứ Cam Ranh một cách thường xuyên. Nhật chỉ xử dụng Cam Ranh một lần năm 1942 làm nơi tập trung hải đội chuẩn bị xâm lăng Malaysia.

Sau trận Midway tháng 6/1942 hải quân Nhật thua đậm, Hải quân Hoa Kỳ trở lại làm chủ Biển Đông. Tháng 1/1945 đô đốc William Halsey Jr. đưa một hạm đội vào tảo thanh biển Đông để yểm trợ cho cuộc đổ bộ của tướng McArthur lên Vịnh Lingayan. Trong suốt 11 ngày hành quân đô đốc Halsey đánh đắm hằng chục chiếm hạm nhỏ của Pháp và tiêu diệt đơn vị đặc nhiệm 39 của hải quân Nhật và phá hủy căn cứ Cam Ranh không cho Nhật sử dụng.

Cam Ranh từng có duyên nợ với Nga, Nhật, Mỹ và khi có những tranh chấp quốc tế đe dọa Việt Nam, Cam Ranh đều trở thành một cứ điểm quan trọng.

Tháng 4/1905 một hạm đội  hùng hậu của Nga Hoàng Nicolas đệ II gồm 28 chiến hạm do đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy trên đường từ biển Baltic theo đường vòng qua mủi Hảo vọng của lục địa Phi châu được Pháp cho cắm neo nghỉ ngơi tại vịnh Cam Ranh trước khi tiếp tục hành trình lên phía Bắc để tranh hùng với hạm đội Nhật Bản (TBN: Nga và Nhật tuyên chiến năm 1904 và đang giành nhau kiểm soát Triều Tiên. Ai kiểm soát eo biển Tsushima – eo biển Đối Mã- giữa Triều Tiên và Nhật Bản sẽ có thế thượng phong chiếm Triều Tiên).

Năm 1964 Hải quân Hoa Kỳ bắt đầu nghiên cứu địa hình cảng Cam Ranh chuẩn bị mở rộng cuộc chiến bảo vệ miền nam Việt Nam ra miền Bắc. Và đầu năm 1965 sau khi Hải quân Hoa Kỳ và hải quân Việt Nam Cộng Hòa phát hiện và đánh đắm một chiếc tàu trọng tải 100 tấn của Bắc Việt chở vũ khí tiếp tế cho bộ đội cộng sản ở miền Nam tại Vũng Rô (trong vùng Đèo Cả thuộc tỉnh Phú Yên) Hoa Kỳ quyết định xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ Hải Không quân.

Từ năm 1965 đến năm 1973 Cam Ranh là một cứ điểm quan trọng của Hoa Kỳ. Quân đội và tiếp liệu cho toàn cuộc chiến đều ra vào qua cảng Cam Ranh. Sau Hiệp Định Paris 1973 Hoa Kỳ rút các lực lượng ra khỏi Cam Ranh, và giao lại cho quân đội VNCH. Việt Nam không có phương tiện duy trì Cam Ranh như một căn cứ và chỉ sử dụng phi trường Cam Ranh một cách giới hạn.

Vào đầu tháng 4/1975 cảng Cam Ranh còn được sử dụng trong 3 ngày (từ 1 đến 3/4/75) để đổ người tị nạn từ Đà Nẵng vào, sau đó chuyển tiếp đi Phú quốc. Ngày 3/4/1975 quân đội VNCH rút khỏi Cam Ranh.

Sau khi chiếm miền Nam, Hải quân Bắc Việt một phần không có nhu cầu, một phần không có khả năng nên căn cứ Cam Ranh bỏ trống.

Năm 1979 khi Trung quốc đánh qua biên giới phía bắc Việt Nam, Nga – theo yêu cầu của Hà Nội – đưa một hạm đội đến tuần hành vùng biển giữa đảo Hải Nam và bờ biển Bắc Việt để phòng ngừa Trung quốc đổ bộ lên Thanh Hóa đánh từ phía nam lên. Hạm đội Nga dùng nhóm đảo Macclesfield Bank (nằm phía Đông quần đảo Hòang Sa khoảng 200 km, lúc đó đang do Trung quốc kiểm soát) làm nơi thả neo nghỉ ngơi và tiếp tế ((Chương 2, The South China Sea dispute, page 32, by Geoffrey Till, trong cuốn “Security and International Politicsin the South China Sea” do Sam Bateman & Ralf Emmers chủ biên).

Thấy bất tiện Hà Nội sắp xếp cho hạm đội Nga dùng căn cứ Đà Nẵng và ký một khế ước mật cho Nga thuê căn cứ Cam Ranh 25 năm (TBN: điều khoản của khế ước là hai bên sẽ thương thuyết lại sau 14 năm). Sau khi ký khế ước Nga biến Cam Ranh thành một căn cứ hải quân lớn ngoài lãnh thổ Nga. Nga cho xây thêm tại Cam Ranh 5 cầu tàu, 2 bãi đưa tàu lên cạn để bảo trì và sửa chữa, xây thêm cơ sở cho tàu ngầm ẩn núp, kho chứa dầu, nhà máy điện, doanh trại và kéo dài phi đạo. Mục đích chính yếu của căn cứ là ngăn ngừa một cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung quốc.

Sự hiện diện của Nga tại Cam Ranh chỉ được công bố cho thế giới biết vào năm 1988 khi bộ trưởng ngọai giao Nga Eduard Shevardnadze cho biết Nga có ý muốn rút khỏi Cam Ranh (vì quá tốn kém) sau năm 1993. Năm 1990 Hải quân Nga giảm dần sự hiện diện tại Cam Ranh.

Năm 1991 Liên bang Xô viết sụp đổ, Việt Nam và Trung Quốc làm lành với nhau và Việt Nam không còn cần sự hiện diện của Nga tại Cam Ranh. Năm 1993 khi thương thuyết lại khế ước, Nga chỉ muốn duy trì tại Cam Ranh một trạm điện tử để nghe ngóng tin tức. Việt Nam ra giá 200 triệu mỹ kim một năm. Nga chê mắc và quyết định rút khỏi Cam Ranh. Ngày 2/5/2002 toàn bộ nhân sự Nga rút khỏi Cam Ranh.

Từ đó đến nay Cam Ranh bỏ trống.

Ai cũng đóan khi Nga ra đi, Trung Quốc ve vãn Hà Nội để thuê cảng Cam Ranh, nhưng Hà Nội vẫn còn đủ tỉnh táo để không “bán” Cam Ranh cho Trung Quốc.

Những năm gần đây Hà Nội cho chuyển phi trường dân sự Nha Trang vào Cam Ranh dùng cho các chuyến bay nội địa. Và gần đây hơn có những tin tức và biến chuyển đáng quan tâm, và vai trò của căn cứ Cam Ranh trên bàn cờ Biển Đông lại được dư luận thế giới quan tâm.

Ngày 10/12 (theo bản tin Việt ngữ đài BBC) chính quyền Việt Nam cho khánh thành đài tưởng niệm “quân nhân Liên xô” từng hy sinh tại Việt Nam tại khu cảng hàng không Cam Ranh.

Đài tưởng niệm cao 21 mét, nặng trên 800 tấn do Liên doanh Dầu khí Vietsopetro tài trợ với số vốn gần 1 triệu mỹ kim.Trên đài tưởng niệm có khắc tên 44 bộ đội Liên Xô – Nga và 176 quân nhân Việt Nam đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại căn cứ Cam Ranh và khu vực miền Trung Việt Nam. (TBN: dư luận tự hỏi không biết các quân nhân Nga chết tại Việt Nam trong hoàn cảnh nào?)

Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam tặng thưởng một số nhân viên công ty Vietsovpetro vì đã tham gia xây dựng các giàn khoan dầu ở quần đảo Trường Sa, vinh danh họ đã góp phần khẳng định chủ quyền và bảo vệ biên giới Việt Nam trên biển Đông.

Hai ngày sau (12/12/09) hãng hàng không dân sự Nga Transero Airliens bắt đầu những chuyến bay nối liền Cam Ranh và thành phố Vladivostock của Nga mỗi tuần 2 chuyến, và hai chính phủ Việt-Nga đang bàn tính mở những chuyến bay trực tiếp Cam Ranh và Mạc Tư Khoa  (bản tin BBC ngày 8/12/09).

Ngày 14/12/09 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Mạc Tư Khoa (trên đường đi dự hội  nghị thời tiết tại Đan Mạch) hội đàm với thủ tướng Putin thảo luận về “tăng cường hợp tác toàn diện và đối tác chiến lược” trong đó có việc tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga sẽ đầu tư khoảng 319 triệu đôla để phát triển năng lượng tại Việt Nam và việc Nga sẽ ký kết hợp đồng bán cho Việt Nam 12 chiến đấu cơ Sukhoi và 6 tàu ngầm loại Kilo.

Các hoạt động dồn dập liên quan đến cảng Cam Ranh không khỏi tạo sự tò mò cho giới quan sát quốc tế, và dù vô tình cũng có thể thấy được đây là một lời nhắn cho Trung quốc biểt những trăn trở của Việt Nam trước áp lực càng ngày càng cao của Trung Quốc.

Liên bang Nga trở lại sử dụng căn cứ Cam Ranh để giải tỏa áp lực của Trung Quốc đối với Việt Nam như Nga đã làm năm 1979 không? Không ai nghĩ điều này sẽ xẩy ra vì mối quan hệ tay ba Nga-Trung Quốc-Việt Nam hiện nay khác với quan hệ giữa 3 nước vào năm 1979. Hiện nay quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc tuy căng thẳng bên trong do tranh chấp ngấm ngầm về hải đảo nhưng bên ngoài vẫn là hai nước đồng minh nên Việt Nam chưa thấy cần Nga để trấn áp Trung quốc. Hơn nữa nếu cần Hoa Kỳ có thể triển khai lực lượng hải quân của mình để khống chế không cho Trung Quốc dùng sức mạnh chiếm hữu biển Đông chẹt đường biển huyết mạch từ Ấn Độ Dương lên qua eo biển Mã Lai Á.

Những chuyển vận xích lại gần nhau giữa Việt Nam và Nga nên được hiểu là Việt Nam dù dưới áp lực nào của Trung Quốc cũng sẽ không nhượng Cam Ranh cho Trung Quốc.

Và trong hướng chiến lược này Việt Nam được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, khối các nước ASEAN và cộng đồng thế giới.

Bàn về sự sử dụng dân sự của cảng Cam Ranh, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong một buổi nói chuyện khá thẳng thắn và cởi mở với (có lẽ) Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam ngày 2/11/2004 đã phát họa kế hoạch mở cảng Cam Ranh thật quy mô có khả năng nhận hàng hóa từ Âu châu, Ấn Độ sau khi đã có đường cao tốc (freeway) băng qua nam Á châu để chở hàng lên Nhật Bản, Trung Quốc, Nga thì cảng Cam Ranh sẽ giúp  thu ngắn  thời gian chuyển vận nếu phải chở suốt bằng đường biển qua eo biển Malacca.

Cục diện trước mắt như thế cho thấy vùng biển Đông có cơ trở thành một vùng biển quốc tế với sự trọng tài của hải quân Hoa Kỳ (TBN: cuộc thăm viếng của khu trục hạm Lassen do Trung tá Lê Bá Hùng một người Mỹ gốc Việt chỉ huy viếng thăm Đà Nẵng tháng 11/2009 vừa qua là một thông điệp đầy tự tin về vai trò trọng tài này) và cảng Cam Ranh nhìn ra Biển Đông sẽ là trung tâm sinh hoạt kinh tế có lợi cho toàn vùng.

Tạm thời khi chưa đủ mạnh để đối đầu với hải quân Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận cục diện này. Nhưng trong vòng 10 hay 20 năm nữa khi Trung quốc cảm thấy đủ mạnh chưa chắc Trung Quốc chịu nhận vai trò trọng tài của Hoa Kỳ.
Nhưng đến lúc đó lại là một câu chuyện “chiến tranh hay hòa bình” khác.

Dec 23, 2009

Bài do tác giả gửi đăng

1 Phản hồi cho “Hải cảng Cam Ranh và Liên bang Nga”

  1. Tôi đánh giá cao những ý tưởng sáng của bạn trong bài viết này. Great làm việc! chuỗi hạt ngọc trai của tôi mới thực sự tỏa sáng, tôi không thể không nói.

Phản hồi