WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nghịch tử

Vành móng ngựa

Khuỵu chân, đổ gục. Vành móng ngựa. Mắt Kinh nhoè nhoẹt. Kể từ ngày chỉ còn một con mắt, Kinh không có cách gì phân biệt được cái chất dịch cứ thỉnh thoảng rỉ ra nơi mắt mình là nứơc mắt, huyết tương hay máu.

Cũng không thể nhìn rõ hết các gương mặt. Không phân biệt được già trẻ trai gái. Thứ Kinh nhìn rõ nhất là những nắm đấm. Như vô số chiếc vồ đập đất. Bạt ngàn cánh tay. Thực ra là một rừng dùi đục bằng thịt, đang vung cao, theo nhịp của tiếng thét căm hờn từ đám người ngồi dứơi kia.

Ngoài sân, bao quanh khuôn viên toà án, cũng đông đặc những nắm đấm, những chiếc vồ đập đất và những chiếc dùi đục được đẽo bằng xương, gân và rốt cục, được bọc bằng da người.

*

Mười bảy tuổi. Kể từ khi mẹ cho nhìn thấy mặt trời, Kinh đã nhận được vô số thức ăn.

Thức ăn hàng ngày, món cơm tẻ của mẹ con Kinh, là những lời chửi rủa xóc óc. Nắm đấm cũng là cơm bữa. Và những cú đạp. Những cục gạch củ đậu. Những vũng máu đọng lại, chảy xuống từ đầu, miệng hoặc bất kỳ chỗ nào trên thân thể của ba mẹ con Kinh.

Nắm đấm thì có gì lạ.

Kinh thở hắt.

Cả một biển người đang vung nắm đấm dưới kia.

Đủ kiểu da người bọc lấy những bàn tay làm thành nắm đấm. Nhăn nheo sạm đen. Trắng mỡ màng. Nhờn dầu. Ngón tay dài thư lại. Ngón trỏ mòn thế kia là của những bàn tay hay xỉa tiền. Sần sùi, nứt nẻ. ..Có cả những nắm đấm nhỏ nhắn của đàn bà. Kìa bà kia, không nhớ hôm nọ tôi đã phải liều thân xông vào gỡ ngón tay túm gáy của ông chồng bà ư? Hôm ấy nắng. Bà đến nhà nghỉ Hồng Hoa đánh ghen. Chồng bà comple bóng lưỡng đi ra cùng một gái. Bà xông vào túm tóc gái ấy thì chồng bà bóp gáy bà và dập đầu bà vào tường. Liên tục dồn dập như đập lúa . Đơn giản thế nhỉ. Lúc ấy tôi đang giao những bình nước màu xanh cho nhà nghỉ ấy. Với tôi, những chuyện đàn ông bóp cổ vợ cũng không lạ. Tôi chỉ hơn người ở chỗ biết cách  gỡ những ngón tay gọng kìm của bố ra khỏi cổ mẹ tôi. Thấy chuyện xảy ra ngay bên chân mình thì cũng phải động tay thế thôi.

Hôm ấy, mặt bà đã tím ngắt. Máu tuôn đôi dòng đỏ từ hai lỗ mũi. Bảo vệ bảo kê của nhà nghỉ đi ăn cơm chưa về. Chỉ có tôi trông thấy, cực chẳng đã phải cứu bà.

Thế mà bây giờ, bà cũng vung cao nắm đấm đòi phải tử hình tôi ư?

Trông bà thật cả quyết. Thật căm hờn. Mặt bà sau ba tháng chưa hết sưng tím. Bà lại về ôm ấp ông chồng đã vì bênh gái mà suýt giết bà. Bà có dịp chứng tỏ tình yêu vô điều kiện với vị chúa của bà. Vị chúa của bà đang đứng bên cạnh. Mặt và các mạch máu ông ta phồng căng vì căm hờn. Nhìn vẻ mặt, tôi biết ông ta không nhận ra tôi. Yết hầu phập phồng. Bà được gì trong nắm đấm này, thưa bà.

Vâng, các ngài là cha là mẹ. Tôi là thằng nghịch tử. Tôi thách thức và đe dọa quyền gia trưởng của các vị. Tử hình tôi, là tử hình kẻ dám vì quyền sống mà dám chống lại quyền gia trưởng.

Gió lạnh đầu mùa tràn về. Sống lưng các vị ớn rét. Tử hình ngay thằng nghịch tử để xác lập lại vị trí chúa tể. Để đổ bê tông thêm lần thứ một trăm lẻ một ngàn cái thành luỹ gia đình của các vị. Trong thành lũy bê tông đó là một thế giới kẻ mạnh, kẻ hung ác tha hồ thao túng, hoành hành, thiết lập nhà tù, mua sắm và mài sắc dụng cụ tra tấn. Các vị chúa tể thực tập tha hồ cách tra tấn ở đó để trả thù cuộc đời đen bạc, trả thù những kẻ cứơp ngày, những kẻ hung hãn mạnh hơn các vị ở ngoài đời.

Hôm ấy, cách đây hai tháng, tôi bắt gặp cha tôi ngoài vỉa hè. Vây quanh cha tôi là những đại bàng vừa ra tù, nét mặt hung hãn. Chúng nhổ vào mặt cha tôi. Chúng bắt ông liếm bãi nứơc bọt của chúng để trừ nợ thua đề và uống rượu chịu. Cha tôi nhìm khắp lượt những con mắt trừng trừng. Rồi từ từ quỳ xuống, từ từ thè lưỡi, liếm chỗ nứơc bọt ấy. Cha tôi nôn oẹ. Lập tức những bàn chân dận xuống lưng và ngực. Cho đến khi cha tôi không còn gì để nôn ọe nữa, ông liếm sạch chỗ nứơc bọt đã thấm gần khô xuống đất. Chúng lại cung cấp thêm một vài bãi nước bọt mới. Cha tôi nhẫn nại liếm sạch.

Tôi không ăn được, nôn oẹ suốt, ngay cả sau này, khi đã ở trong trại tạm giam mỗi khi nghĩ đến cảnh đó. Và hôm ấy cha tôi lử khử đi về. Đêm  ấy là đêm em tôi bị chém xả đầu. Tôi bị đấm móc mất con mắt phải. Cổ mẹ tôi bị xoắn như xoắn giẻ. Chỉ bởi hai bàn tay có ngón tay cái như gọng kìm thép làm thành nắm đấm của cha tôi.

*

Trước con mắt nhoè nhoẹt của Kinh, những nắm đấm cứ dài ngoẵng mãi ra, nghển cao, quờ quạng quăng quật trên đầu Kinh như những con mãng xà đang uốn lượn ngoằn ngoèo khắp phòng xử án.

Những nắm đấm câm như hến, chỉ biết lên gân và nghiến răng vọt tới. Chúng sẽ thoi vào mặt Kinh. Ngay, ngay bây giờ, và còn thoi vào linh hồn dật dờ của Kinh, mãi mãi nhiều năm sau khi hồn Kinh đã lìa khỏi xác.

*

Chủ toạ phiên toà:

-  Tội ác của bị cáo, thật trời không dung đất không tha!

Thế là muôn ngàn con mãng xã cùng đồng loạt há mịêng, vung vít quờ quạng lên tận trần nhà:

- Giết! Tử hình!

- Giết! Băm xác ném xuống sông…

- Giết trăm lần không đền được hết tội!

- Đồ nghịch tử !

Mắt Kinh khiếp hồn nhắm lại. Chỉ nhắm được con mắt trái.

Con mắt phải đã bị một nắm đấm đấm móc ra cách đây hai tháng. Nay nên gọi nói là hốc thì đúng hơn. Chỉ là một hốc tối đen, tròng mắt dính vào đáy mắt bởi một mẩu thịt cứng đờ. Con mắt phải ấy đã xa chơi dưới gót chân của cái người kia. Cái người đang mỉm cười trong khung ảnh viền vải đen. Trông thật là đẹp mã. Trông hiền lành, hoà thuận với muôn người và muôn nắm đấm. Trông như trong đời chưa từng nói nặng với ai, chưa từng chửi ai, chưa từng bóp cổ và làm đổ máu ai, chưa từng đập đầu ai vào tường toé máu, chưa từng đấm móc làm rụng cả một con mắt của người ta.

Người trong di ảnh ấy bây giờ được họ hàng nhà bà nội của Kinh khênh đến đây. Được muôn ngàn nắm đấm công kênh. Đi. Đi và đi. Người đó đến, ngồi cười như không, để cho muôn ngàn nắm đấm nhìn mà thấy tiếc thương mà phẫn nộ mà gây sức ép với toà để phải tử hình kẻ nghịch tử. Một đứa con giết cha! Thật trời không dung đất không tha. Tử hình ngay lập tức. Không nương tay một mi li nào. Nếu không tử hình, làm sao chúng tôi còn dạy bảo được lũ con ở nhà. Con gì nuôi được là thịt được. Quyền huynh thế phụ. Chồng chúa vợ tôi. Thọ Mai gia lễ đã dạy cả ngàn năm nay rồi. Giấy rách giữ lề. Giết giết giết.

-  Tử hình! Tử hình! Tử hình ngay!

Những cái đầu mãng xà quăng quật. Những tiếng thét phẫn bức.

Chủ toạ phiên toà rung chuông:

-  Trật tự! Đề nghị bảo vệ làm việc.

Người hiền trong di ảnh viền vải đen mỉm cười.

Chủ toạ phiên toà chợt nghĩ: trông cái tay này còn hiền hơn cả mình. Thế mà bị đứa nghịch tử giết! Không biết thằng nghịch tử nhà mình, suốt ngày vùi mặt trong quán net, chơi game bùm bùm chát chát hự hự thâu đêm suốt sáng, nó nghĩ gì nhỉ?

*

Hốc mắt phải Kinh nhức. Mũi lao đâm cũng chỉ đau đến thế này. Mình có thể sống đến hết phiên toà này không? Máu trộn lẫn huyết tương chảy ra từ vết thương chỉ mới lên da non vừa  bung vỡ. Đằng nào cũng chết thôi. Mặt trời ơi! Trời xanh ngạo nghễ hé một vệt ác độc qua phòng xử án.

“Lần sau có muốn làm người thì chọn chỗ mà làm con nhé”. Trời bảo.

Con oán hận kẻ đã mang con đến nơi này.

*

Con mắt trái. Con mắt sống sót mở to, ngơ ngẩn, lông mi dài, xanh biếc đáy mà tròng trắng đục như mắt bò.

Chao ôi là trời xanh!

*

Nhìn chằm chằm dưới kia.

Một bé gái mười tuổi tóc cắt trọc nửa đầu . Một đừơng khâu chân rết, mang màu nâu đỏ của con cuốn chiếu, vắt ngang cái sọ trắng xanh chân  tóc mới mọc. Một phần ba lông mày cũng đã bị cắt vẹt mất bởi một vết sẹo dài.

Bé gái mặt ngờ ngờ ngẫn ngẫn, nghe toà xôn xao, thấy mẹ khóc, bà nội khóc, họ hàng chửi, ông anh trai đứng chảy máu mắt trước vành móng ngựa thì cứ cười khanh khách như bị ai cù nách.  Tiếng cười của bé gở như giọng ma. Bé không mặc quần. Giữa hai chân bé buộc một đùm giẻ rách. Từ người bé toả ra mùi khai nứơc tiểu, mùi mồ hôi chua ngột ngạt cả gian phòng.

Các vị thẩm phán và đại dịên viện kiểm sát chun mũi, lấy khăn tay phẩy đi phẩy lại.

Ôi trời sao trời nực nội thế này còn cơ man nào là vụ phải xử vắt cả bốn chân lên cổ thì cũng chỉ xử hết hơn một nửa số vụ trời ạ nẩy nòi đâu ra lắm kẻ hơi một chút là rút dao thí mạng làm sao cho mau xong con giết cha thì phải đền tội thôi chúng ta đều đã là cha là mẹ mang nặng đẻ đau cha là núi Thái Sơn riêng công tao ngủ với mẹ mày đẻ ra mày đã là công núi Thái Sơn rồi con ạ nếu không chúng mày đâu được làm người mạng sống là mạng vô giá sống ở trên đời mới là cái quý giá nhất người ta đặt ra cái án tử hình làm gì nếu không cách cái mạng thằng tặc tử  nay mai lũ trẻ làm loạn nổi lên giết cha mẹ mối  hoạ  không chặn ngay từ gốc đến thằng con mình ở nhà cũng nổi loạn từ cái loạn này cháy lan sang cái loạn khác con phải nghe cha dù cha có đánh chửi tệ mạt đến mấy thì vẫn  là cha mày đấy con ạ con mà không nghe cha dân mà không nghe quan cấp dưới không nghe cấp trên vô điều kiện cứ bày trò dân chủ phán xét thì loạn quá loạn quá vợ lại càng phải nghe chồng mà làm gương phục tùng trong nhà cho lũ con cái giống đàn bà được đằng chân lân đằng đầu lâu ngay nghe hơi nồi chõ cứ tớn lên đòi bình đẳng bình đẳng là bình đẳng thế nào là đàn bà phải giữ cho nồi cơm luôn đầy canh luôn ngọt dù bất kỳ hoàn cảnh nào phải có trách nhiệm kiếm tiền và làm vịêc nặng nhọc ngang đàn ông còn cái món tề gia nội trợ, chăm sóc con cái là quần áo cho chồng chu đáo đương nhiên là thiên chức đàn bà đàn ông nào có đòi bình đẳng để rồi cướp mất của các bà mà thời đại mới rồi hễ đàn ông mở mắt ra là khối cô non nõn chào mời vợ phải thơm tho sạch sẽ đẹp cả ở nhà lẫn khi đi ra ngoài làm sang cho chồng vợ mà không tự học lấy kỹ thuật của một ả điếm trên giường thì làm sao chồng nó chịu ngủ ở nhà cơ chứ có gì tiên trách kỷ hậu mới trách nhân mà đã học lại phải biết dừng gái điếm trên giường, nhưng đi ra ngoài phải hết mực đoan trang sang trọng chỉ biết có mỗi ông chồng trên đời này thế mới bõ công gọi là vợ.

Ôi nóng quá ba mươi bảy độ ngoài trời mau mau cho xong cái con bé đầu trọc dở ma dở người kia khai khú  quá xử cho cái bọn này thật lõm. Con giết cha nhà nghèo kiết đến không có nổi cả cái chậu lành ối ông bà ông vải ơi rằm mồng một con thắp hương cầu ông bà rồi đi cả đền chùa miếu mạo cầu các vị cứ cho con xử những vụ án kinh tế rồi tai nạn giao thông con nhà giàu ngon nhất là những vụ tham nhũng thực ra tham nhũng cũng chỉ là ăn cướp mà lại cướp ngày cũng tính chất trộm cắp cướp đoạt nhưng với dân thì gọi là trộm cắp cướp đọat còn với quan thì lại gọi là tham nhũng cho sang  cho nhẹ đã có lần mình buột miệng tại toà thưa các vị cướp ngày bịt miệng lại không kịp đã thấy vị đại diện cho các thế lực án bỏ túi lừ mắt cảnh cáo lỡ mồm lỡ miêng thế nên mới mỏi mòn ở cái ghế quèn này chứ như người ta thì lên cao đến đâu rồi tuần này toàn xử những vụ bạo lực gia đình toàn những vụ ném con xuống giếng con giết cha cha giết con chồng giết vợ lũ dân cùng đinh bị người ngoài ức hiếp không làm gì được thì về nhà nó đánh giết nhau còn  nước mẹ gì để bỏ tiền ra xin giảm án!

*

Mắt thằng Kinh vẫn không rời đứa em gái ngớ ngẩn.

Hai tháng trước đây, nó là đứa em ngoan, học giỏi và xinh nhất làng. Đi đâu ai cũng xuýt xoa khen, bảo là nó giống mẹ nó hồi còn trẻ.

Mẹ nó? Con mắt sống sót của thằng Kinh rời vết sẹo hình con rết trên sọ đứa em, nhìn sang cái mặt đang trĩu xuống và đôi tay của mẹ đang cố khoá chặt để đứa em khỏi vùng chạy ra ngoài.

Mẹ nó là cái mặt nghiêng lệch trên cần cổ ngoẹo. Mẹ nó là cái miệng méo, trông thật quái gở dưới một cái mũi cũng vẹo, phần cuống mũi chưa vẹo thì rất thanh tú. Trên nữa, dưới  đôi lông mày ngài, đôi mắt đen thắm hình lá tre đọng máu tím bầm.

Cái cổ ngoẹo đó chỉ mới ngoẹo từ hai tháng trước.

Cái cổ ba ngấn của mẹ nó, cách đây hai tháng, đã bị một bàn tay xoắn vặn như cách người ta vắt một mớ giẻ.

Những lần trước, cái cổ đó chỉ mới bị chẹn họng, bị bóp đến mức mẹ nó trợn mắt lên, thè lè cả lưỡi, mặt sưng đỏ lên chuyển màu tím ngắt.

Nó nhiều khi may mắn về kịp, để liều mạng xông vào gỡ cái bàn tay có nắm đấm như cái vồ đập đất, có ngón cái hợp với ngón trỏ cứng chắc như đôi gọng kìm ra khỏi cổ mẹ nó.

Nhưng hai tháng trước đây, nó về muộn. Cái cổ mẹ nó đã bị xoắn vặn. May mà xương cổ chưa gẫy lìa. Mẹ nó nằm trên đất ngắc ngoải và vẫn còn kịp ngáp ngáp miệng khi nhìn thấy nó.

Mẹ nó cũng đã kịp nhìn thấy cha nó lao vào nó, đấm đạp liên hồi rồi thoi một nắm đấm móc hẳn con mắt phải của nó bắn ra, lung liêng nối với hốc mắt chỉ bằng một sợi gân thịt.

Mẹ nó cũng kịp nhhìn thấy nó hét lên man dại và vồ lấy con dao đâm đại vào ngực bố nó.

Mẹ nó chỉ bị ngoẹo cổ thôi và dậy đi lại được sau hai tháng nằm viện, kịp về nhà dìu đứa con gái mười tuổi đã trở thành ngớ ngẩn vĩnh viễn, hễ trái nắng trở trời lại lên cơn kinh giật. Con bé bị bố nó bổ cho một nhát dao vào đầu nhưng lúc đấy bố nó đã say xiêu vẹo nên con dao chỉ kịp làm lõm hộp sọ và rách da đầu.

Trước khi lịm đi, mẹ nó đã kịp tố cáo với nhà chức trách là thằng Kinh đã giết bố.

Và trở về từ bệnh viện, mẹ nó kịp đến hầu toà. Để kể lại, ngọn ngành, sự việc xẩy ra cách đây hai tháng.

Mẹ thoả mãn chưa mẹ?

*

Kinh nhìn thấy tất cả.

Nó còn nhìn thấy bà nội già còng lưng, áo rách. Bà ngồi trên ghế thân nhân bị cáo tại phòng xử án mà tay vẫn phải chống gối vì đau.

Trong hai tháng qua, con trai bị cháu giết chết, con dâu nằm liệt ở bệnh vịên, con bé bị khâu mười hai mũi, khi ra viện thì ngớ ngẩn lâu lâu lên cơn động kinh. Cái thằng cháu đích tôn vốn hiền như cục đất thì ở trong tù sau khi đâm chết cha nó.

Bà cụ khóc mờ mắt, chân thấp chân cao đi cầu cứu hết bà con họ hàng xa gần, rồi hết cách, đành ngồi bệt ở ngã năm đường, bất kể mưa nắng, ngửa nón mê xin ăn, được miếng nào về nuôi con cháu. Hôm nào trái gió trở trời, bà cụ lại đau. Bà mếu máo nhớ lại những trận đòn gãy lưng của ông chồng. Thời ông ta còn sống, thằng con trai bà, cái thằng trong di ảnh, đang mỉm cười hiền lành ấy, cũng từng bị bố nó tặng cho bất cứ cái gì ông ta vớ được vào mặt, vào đầu.

Bà nội thằng Kinh nhìn cháu. Nhìn con dâu. Nhìn con cháu gái. Mặt không ra mặt. Sao làm kiếp người khổ thế hở giời.

Thằng Kinh cháu bà cũng đang nghĩ đến trời đến phật. Người ta bảo trời đấy phật đấy. Khắp nơi thiên hạ cúng trời phật xì xụp. Bà nó và mẹ nó, nhà hàng xóm cũng quỳ cũng vái liên tục, giỗ tết ăn uống linh đình. Nó nửa tin nửa ngờ, cũng thỉnh thoảng chắp tay lại, cầu trời khấn phật giúp mẹ nó khỏi khổ.

Mà trời phật có nghe không nhỉ?

Vì sao không nghe?

Bố nó thường cười khẩy: Trời phật của mấy người ở trong phong bì, ở trong hòm công đức ấy. Cúng làm gì. Đến đó mà tìm.

Mày có biết cách người ta bắt phật rời toà sen nhốt vào phong bì và nhốt trong hòm công đức như thế nào không?

Bố nó cười khả ố, trong một lần trông thấy nó chắp hai tay thành kính đứng trong góc nhà, mịêng lẩm nhẩm.

Bố nó hỏi, tay dốc chai rượu vào cổ. Nhìn nó mắt vằn đỏ. Bàn tay không cầm chai rượu, hễ trông thấy mẹ con nó là tự động hình thành một  nắm đấm.

Nó há miệng, không biết nên trả lời không hay có.

Nếu nói có, bố nó sẽ hỏi: Có là thế nào? Rồi cật vấn nó đến mức nó không trả lời được và ông ta sẽ đấm rồi dùng chân đạp nó.

Nếu nói không, bố nó sẽ dùng cái chai đập vào đầu nó, miệng gào lên: đồ ngu…Ngu như mẹ con nhà mày, chết đi cho rồi. Tao hoá kiếp cho mày như kiếp chó cho rảnh. Tao miễn cho mày việc phải làm người là quá may cho mày con ạ. Cảm ơn tao đi thằng nghiệt tử.

Cách gì thì nó cũng bị đánh.

Bố nó đi làm thợ hồ. Năm ngoái bố nó làm thợ xây. Rớt giàn giáo tay phải bị tật, chuyển xuống chức thợ hồ..Năm trước năm ngoái bố nó làm thầu xây dựng, đặt sổ đỏ của nhà để vay ngân hàng bỏ vốn đối ứng làm công trình nhà cao tầng với một công ty nhà nứơc. Làm xong rồi không lấy được  tiền vì tay giám đốc công ty đó tham nhũng năm ngàn tỉ, công ty vỡ nợ thì hắn ta đã được chuyển lên chức cao hơn để phụ trách những cái công ty đại loại như cái công ty ấy.

Năm trước năm ngoái của năm ngoái bố nó làm gì? Nó không thể nhớ nổi. Nó chỉ biết rằng bố nó ngày càng tục tĩu. Bố nó suốt ngày nã tiền của mẹ nó, chè chén say sưa, số đề rồi gái gú. Không còn tiền để cho bất cứ thú vui nào nữa, bố nó đem nó, mẹ nó, em nó, kể cả bà nội nó làm cái bồ đựng chửi và đánh đập mấy mẹ con như cách tra tấn kẻ thù.

*

Hốc mắt thằng Kinh đã khô.

Nó cam phận chết. Nó không mong điều gì từ những nắm đấm mãng xà đang giơ lên.

Mảng trời xanh khe khắt hé lộ qua cửa sổ phòng xử án khiến nó buốt ruột.

Nó thầm kêu lên: Trời ơi! Trời có biết tôi mới mười bảy tuổi được ba ngày không?

Thằng Kinh không mong điều gì.

Nó chỉ theo dõi một điều duy nhất. Như một kẻ sắp chết trôi bám vào cọng rều cuối cùng.

Nó chỉ nhìn chằm chằm vào nắm tay mẹ nó.

Nắm tay của mẹ  có vung lên hô “giết giết, tử hình tử hình”

không?

“Sao con lại giết cha mày hở con?”

“Ối làng nứơc ơi! Thằng kinh nó giết cha nó chết rồi bà con ôi!”

Kinh nghe rõ mồn một tiếng gào của mẹ nó, khi nó vồ lấy con dao. Con doa ấy cha nó vừa chém xả đầu em gái nó. Nó lao vào để cứu cái cổ đang bị xoắn vặn của mẹ nó. Con dao cũng đâm vào ngực. Cái bộ ngực mà cả đến ngàn lần nó tự hỏi cái đang chứa trong bộ ngực ấy là tim, là da thịt hay là môộ chiếc đe sắt nung đỏ. Con dao đâm vào, vô tình cũng  để tiễn con mắt phải của nó vừa bị cha nó đấm móc văng ra.

Mẹ mang đến cho con một người cha thế à mẹ?

Đó mà là cha tôi ư?

Nó nhìn thấy mẹ nó, nằm ngoẹo cổ, bên vũng máu của cha nó, không lết đi được, tiếng gào khóc lí nhí trong cổ họng và không quên tố cáo tội ác của  nó với nhà chức trách.

Tố cáo thế, thà mẹ mất con. Còn hơn mẹ bị gia đình nhà chồng và xóm giềng nguyền rủa.

Bạo chúa của mẹ vừa chết. Mẹ bơ bơ hụt hẫng vì kiếp nô lệ của mẹ đột ngột bị chấm dứt.

Nô lệ ngọt ngào. Mẹ mút máu trộn nước mắt để sống và nhốt chúng con trong thành luỹ bê tông ấy.

Bởi vì, thà nô lệ. Thà nhục nhã. Thà bị đánh đạp chà đạp đêm ngày, còn hơn là mạo hiểm và chấp nhận rủi ro.

Đó là đạo của mẹ và cộng đồng của mẹ.

*

Mẹ nhầm rồi đấy, bà mẹ khốn khổ à.

Mẹ giết con đấy mẹ ơi! Từ khi cha con đánh mẹ, nhiều lần máu chảy thành vũng trên nền nhà này.

Kể từ khi cha con trói sấp mẹ vào phản bằng thừng buộc trâu. Tóc mẹ xoã tung rủ xuống tận nền nhà, và cha vung con dao lên nhằm gáy mẹ chặt xuống, con đã biết sẽ có ngày này.

Mẹ nhìn cánh tay quằn sẹo này đi. bao nhiêu lần con đã lao vào đón con dao từ tay cha để cứu mẹ.

Mẹ có nhớ lần ấy, cha nhìn trộm qua khe cửa, thấy mẹ giấu một bọc tiền lẻ dưới chân giường. Tiền bán con lợn còi, mẹ giấu cha để nộp tiền học cho con. Con đã học được lên cao đẳng rồi đó mẹ nhỉ. Mẹ giấu. Cha mà biết, cha sẽ nã bằng được mang đi uống rượu.

Cha trông thấy. Cha biết tỏng. Mẹ có quen nói dối đâu.

Lần đầu tiên cha gọi mẹ thật ngọt ngào.

Cha gọi:

Em ơi! vào đây anh bảo.

Mẹ sững người. Mẹ đứng lên, ngẩn ngơ nhìn quanh.

Mẹ tưởng tiếng gọi từ cõi ma. Mẹ nghe nhầm.

Cha lại gọi:

Em ơi! Vào đây a…anh…anh bảo.

Trời ơi! Tiếng anh em ngọt xớt. Thứ tiếng mà với mẹ, đó là tiếng vọng thiêng liêng từ cõi Niết bàn.

Thứ tiếng đó không dành cho mẹ. Dành cho mẹ là những tiếng đại loại “mày không bằng con đĩ”…và đòn roi, âm thanh bụp bụp tắc nghẹn của tay đấm chân đạp.

Chân mẹ run lẩy bẩy. Kìa cha đang gọi.

Nứơc mắt mẹ tuôn. Em ơi! Vào đây anh bảo.

Anh ấy thay đổi rồi!

Nước mắt mẹ chảy tràn. Gói tiền còm lăn ra đất.

Mẹ hân hoan lẫm chẫm bứơc tới, nhìn cha biết ơn như một con chiên vừa thấy chúa hiện hình toả sáng trước mặt.

Em ơi vào đây anh bảo.

Giọng cha ngân lên. “em…em…e…m…a…anh…a…nh…anh…”

Mẹ vẫn hân hoan lẫm chẫm bứơc vào.

Mẹ đã đến, vừa tầm tay cha, mắt ngước lên ngóng ân sủng chúa.

Hai bàn tay cha thu sau lưng. Đôi môi nhoẻn cười khuyến dụ. Mặt trông đẹp mã. Trông hoà thuận với cả thế giới này.

Nào ân sủng chúa. Xin hãy giáng lâm.

Một nhát xà beng bổ xuống đầu mẹ.

May mà chiếc xà beng vướng vào cánh màn đang mắc trên chiếc giường của cha nên máu trong người mẹ chưa kịp rủ nhau trốn hết xuống đất.

Máu con cùng nhóm máu mẹ. Kết cục là mẹ lại được cứu sống.

*

Mẹ nhìn cái sọ trọc hếu của em con kia. Em con không biết thằng anh nó sắp bị đem đi tử hình, vẫn ngơ ngẩn cười.

Trước khi mẹ bị cha xoắn cổ như xoắn giẻ, em con còn chơi đùa. Tiếng cười em lanh lảnh trước sân. Em không biết cha đã ngật ngưỡng về từ lúc nào. Cha không đủ tiền để uống cho đã rượu. Tiếng cười em đánh thức đôi mắt cay cay nửa ngủ nửa thức của cha.

Cha tóm lấy em giơ xếch ngược lên, quật xuống đất. Con dao cha vung lên.

*

Con biết có ngày này từ lâu rồi mà mẹ.

Con biết sẽ có ngày này, khi bà nội thấy cha đánh mẹ, bà nội vào can và chửi mắng cha. Cha đã xông vào bóp cổ bà nội. Con đã cứu bà nội bằng bàn tay đầy sẹo này.

Mẹ có biết không. Đêm đêm con ngắm nhìn đôi tay của mình.

Con khóc và hát ru đôi tay.

Con trộm ngắm đôi tay của cha rồi so nó với đôi tay của con.

Tay con giống tay mẹ. Những ngón tay thanh tao và nhỏ nhắn dù làm lụng vất vả đến đâu.

Nhưng ngón tay cái lại giống tay cha.

Ngón tay cái của con thô, khi xoè ra, trông nó cũng giống một nửa gọng kìm.

Ngón cái bên bàn tay phải của con bị cụt. Mẹ tưởng đó là do máy cưa cắt.

Không phải đâu mẹ. Mẹ vô tư quá.

Con đã dùng chiếc đục. Con mài thật bén. Con đưa tay miết lên lưỡi đục. Nó toát ra ánh xanh lạnh buốt.

Con kê bàn tay vào thớt gỗ. Dựng đứng cái đục và giữ nó bằng một khe gỗ.

Đập một nhát thật mạnh. Nhiều nhát. Ngón tay cái lìa bàn tay.

Con đã để máu trong người con tự do chảy.

Cái bàn tay này từ nay sẽ không giống bàn tay tàn ác của cha.

Bàn tay này sẽ không thể biến thành đôi gọng kìm để bóp cổ người khác.

Con băng ngón tay cái lại. Cầm máu.

Nhưng sau chốc lát suy nghĩ, con lại dứt bỏ băng cầm máu.

Ngón tay cái đã chặt. Nhưng máu trong người con thì sao?

Máu đó, vẫn một nửa là dòng máu cha. Dòng máu của con người đã chửi mắng bà, từng bóp cổ người sinh ra mình, đã nhiều lần suýt giết chết con và vợ bằng những cơn nộ khí xung thiên bất ngờ, đang vui vẻ bỗng quay ngoát lại, mổ một nhát chí tử, như con hổ mang bành chợt phun nọc độc vào giết chết những kẻ xung quanh.

Ai là người xung quanh mẹ nhỉ?

Đó là những người gần cha nhất. Những người nuôi cha, nâng giấc cho cha khi cha ốm, cung cấp tiền rượu chè cho cha và luôn luôn bị cha đe dọa lấy mất mạng.

Con sẽ chết. Cho dòng máu ác độc trong người con chảy hết. Thế mới triệt cái nọc độc ác đang chảy ngày ngày trong huyết quản con.

Kìa máu chảy kìa máu chảy. Rỉ rả ra khỏi ngón tay cái. Mệt mỏi đê mê. Rã rời êm dịu. Giấc ngủ vùi sắp đến. Con nghỉ ngơi thôi. Mệt quá mệt quá rồi mẹ ơi!

Nhưng con lại bật dậy.

Sao mẹ cứ không để yên cho con ngủ.

Con nghe tiếng khóc rấm rứt của mẹ.

Con lại uể oải vớ lấy cuộn băng cầm máu.

Con ngủ thì ai cứu mẹ?

Mẹ hãy tìm một người nào đó cứu mẹ đi. Con thèm ngủ lâu lắm rồi.

Sao các người nỡ thả tôi vào cuộc đời này?!

*

Mẹ ơi!

Con đã biết có ngày này.

Sao mẹ không thương lấy mẹ và thương lấy chúng con. Sao mẹ con mình không dắt díu nhau bỏ đi. Tha phương cầu thực. Chết đường chết chợ. Sa hầm sẩy hố. Thú dữ hùm beo nhai cả xương! Chết nát bấy dưới bánh xe lửa. Diều tha quạ mổ, còn hơn là sống trong cảnh mỗi ngày con thề sẽ giết cha ba lần rồi lại phải dùng kìm rứt vào thịt mình để tự rủa xả và kìm hãm cơn điên hiếu sát đó.

Tại sao mẹ không tự cứu mình, cứ bắt con phải chứng kiến và phải liên tục lăn xả vào cứu mẹ, em và bà, để đến mức cha công khai coi con là kẻ thù và luôn rình mò con?

Con đã cố gắng nhặt than và chở nứơc để học. Con học đến chảy máu mắt. Để mong một ngày kiếm được tiền mang mẹ, em và bà nội đi xa.

Đi thôi. Nếu ta đủ mua bốn cái vé tàu và tiền ăn đường.

Ta đi xem làm một con người thì nó ra thế nào mẹ nhỉ.

Mẹ không cứu mẹ. Không cứu con. Sức chịu đựng của mẹ thật phi thường. Mẹ ở lại. Mẹ không nhảy xuống giếng. Không lao vào gầm xe.

Ngày ngày mẹ kiên cường băng bó vết thương. Nấu cơm, nhặt rác, nuôi lợn. Đem những đồng tiền còm về cung đốn cho bạo chúa của mẹ. Mẹ hối lộ  bạo chúa mong được yên thân.

“Em ơi vào đây anh bảo…”.

Trong tiếng sấm sét choáng người của cái xà beng cha choảng xuống đầu, bằng một cú đánh trộm nhục nhã nhất của bạo chúa, mẹ vẫn tự ru mình bằng dư âm “a…anh …anh anh….e…em…emmm…”.

Vì mẹ thế, mẹ còn sống, con cũng không thể để cho máu trong người con chảy hết ra đằng ngón tay cái.

*

Làm người nó ra thế nào mẹ nhỉ?

*

- Bị cáo Phạm Văn Kinh!

Nó giật nẩy mình, ngẩng mặt.

-  Bà và mẹ và hàng xóm của bị cáo khai rằng bị cáo giết cha do bức xúc lâu ngày việc cha của bị cáo đã nhiều lần rượu say chửi bới đánh đập. Tại sao bị cáo nỡ làm một viêc ác độc trời không dung đất không tha là giết cha, không báo cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp giúp đỡ mà lại dùng luật rừng tự xử?

Nó ngẩn mặt.

Đốm lửa còn lại trong mắt trái đã tắt.

*

Con biết nói gì đây thưa toà.

Con biết làm gì được khi không dưới vài chục lần con vừa khóc vừa chạy vừa ngã đi cầu cứu hàng xóm.

Hàng xóm từ ngày bị cha con chửi, cầm dao đe không ai được can thiệp chuyện nội bộ gia đình thì mỗi khi con gọi, hàng xóm đều vờ ngủ hoặc đi vắng hết. Sao họ ngủ khoẻ thế không biết. Có người đổ máu sắp chết bên này mà họ vẫn ngủ. Cả bà cán bộ phụ nữ kia nữa. Ai thế chấp sổ đỏ vay lãi thì không gọi bà ấy cũng biết, đến ngay, còn mẹ con bị bóp cổ kêu ằng ặc nhiều bận, kêu cứu,  thì bà ấy nói rằng không biết. Bà ấy nói rằng trăm công nghìn việc. Một sự nhịn chín sự lạnh. Mình là phụ nữ mình phải ngọt ngào. Nhịn chồng mình chứ nhịn chồng ai mà sợ. Cả bà cán bộ phụ nữ cả chính quyền đều mắng con, bảo rằng bây giờ đang có dự án chống bạo lực gia đình. Mày mà lộ ra còn bạo lực gia đình là người ta bắt trả lại hàng mấy trăm triệu đồng. Mày có đền được không? Chưa kể là mày lại còn làm mất danh hiệu khu dân cư văn hoá, thôn xã chi hội điển hình…Dặn mẹ mày đấy. Không có tiền nộp thì tù mọt gông.

Con chạy sang phía đông. Phía đông có nhà ông trưởng thôn. Ông đó nói rằng không có lửa làm sao có khói. Mẹ con mày phải thế nào thì bố mày mới thế. Mẹ con mày phải biết nghe lời mày ạ. Dù tệ đến mấy đó cũng là bố mình.

Con chạy sang phía tây. Phía tây có nhà chú công an. Chú ấy ngáp, treo dùi cui lên cái đinh trên tường, nói rằng bây giờ trộm cướp đĩ điếm đầy rẫy. Tao vừa đi xử lý mấy vụ tày trời về đây. Mệt muốn chết. Đấy hôm nọ chúng nó còn giết nhau chặt cả đầu cả mười ngón tay, thây chết thối trong chung cư cao cấp kia kìa. Người ta loa loa trên báo đầy đường mày không nghe à. Vụ lớn thế thì chúng tao mới làm, chứ thời gian đâu đi giải quyết những chuyện xích mích gia đình nhỏ bằng con tôm riu. Nhà nào chẳng có chuyện đánh nhau mẻ đầu mẻ bát. Thế nhưng đêm đến lại rúc vào nhau đấy. Mày bao nhiêu? Mười bảy hả? Biết đàn bà  chưa? Có biết nửa đêm giường bố mẹ mày kẽo kẹt là gì không? Tuổi này đi tìm gái được rồi mày ạ. Nhiều cái khoái  hơn là đi mách chuyện bố mẹ mày đánh nhau. Hí hí hí hí.

Con chạy sang hứơng bắc. Hướng bắc là một ổ tiêm chích và một ổ chơi game. “Chát chát ùm ùm chéo chéo chết này. Mục xương con ơi…”cả ngày lẫn đêm.

Con chạy sang hứơng nam. Hướng nam là bệnh viện cạnh một trường học. Con vào bệnh viện, thấy những người ngồi vạ vật, bón cháo cho những cái đụn thịt xương nửa chết nửa sống, không mặc nổi quần. Tai  nạn giao thông, đâm chém nhìn đểu, vợ chồng đánh nhau, ung thư truyền nhiễm cúm gà tả lỵ thương hàn… nằm ba bốn người một giừơng trên những chiếc  ga giừơng vấy phân và máu.

Con chạy sang trừơng học. Ôi chu cha. Chân con khựng lại. Cái phản xạ cứ đến cửa trừơng là nhớ. Con nhớ đến cái phong bì mà con phải mang đến nộp vào ngày mai để qua môn thi lại. Hôm đó con không đến thi được vì phải đưa mẹ vào bệnh viện khi cha nó đập trộm xà beng vào đầu mẹ.

Em…e…m em…a…nh…anh…anh! Con phát sốt lên khi nghe giai điệu ấy. Nghe ai gọi nhau bằng anh em, cứ rợn cả sống lưng như sắp bị bổ xà beng vào đầu.

- Bị cáo, sao vẫn ngoan cố không trả lời toà.

Thằng Kinh nghĩ, nghĩ, rời mắt khỏi em nó, mẹ nó, bà nó.

Mùi nứơc tiểu từ đứa em ngớ ngẩn mất kiểm soát bài tiết nồng nặc khắp gian phòng.

Con mắt độc nhất của thằng Kinh mở đứt tròng, như một hòn than bắn ra ngoài hốc mắt.

Nó gào, quá nhỏ nhưng đủ cho mọi người nghe thấy:

- Các người! Hãy giết tôi đi!

Bụp! Một tiếng  nổ tung trong ngực. Bỏng rẫy.

Thằng Kinh đổ xuống. Giẫy giẫy. Cái gì đó vừa nổ tung thổn thức, lượn vè vè trên phòng xử án. Một hòn máu rơi rớt những mảng tâm thất và tâm nhĩ:

- Làm phúc cho tôi thoát khỏi cuộc đời này.

Tạ ơn án tử hình của các người!

Tháng 7/2010

© Võ Thị Hảo

© Đàn Chim Việt

8 Phản hồi cho “Nghịch tử”

  1. TaTon says:

    Sống và chết như đêm ngày, sáng tối
    Mẹ và cha cũng ”đực”, ”cái” tìm nhau thôi!?,
    Kẻ bấtxứng, sống hưhèn, đốnmạt
    Để trên đời chật chỗ, tốn cơm, tồi!!!

    Ngutrung, nguhiếu, thêm tộilỗi
    Nhân, nghĩa, lễ, trí , tín,.. đầu môi…

    Vứt hết, vứt hết, đồ thối!!!

  2. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Sorry xin sửa lai câu thơ Bút Tre thứ hai về đại tướng Võ Nguyên … Giáp ta như sau.

    NGÀY XƯA ĐẠI TƯỚNG CÔNG ĐỒN (*)
    NGÀY NAY ĐẠI TƯỚNG BỊT L.. CHỊ EM (*)

    Ghi chú :
    (*) Công đồn đả viện là chiến thuật phía Việt Minh, tức CS hay áp dụng xưa nay. Đó là điều nghiên kỹ càng trên sa bàn để đánh đồn nhổ bốt địch. Nếu địch có đem quân đến cứu viện thì chận đánh không cho hai bên tiếp ứng lẫn nhau.

    Ông Giáp thành danh nổi tiếng khắp thế giới nhờ trận chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, đã vây hãm để cầm chân một bộ phận quân tinh nhuệ của lính Pháp, cũng như thành công không cho tiếp cứu từ đường bộ đến đường hàng không, khiến quân phòng thủ sau nhiều ngày đêm cầm cự phải đầu hàng vô điều kiện, góp phần quyết định nơi bàn thảm xanh hoà đàm Genève 1954.

    Nhưng rồi ông Giáp bị hạ bệ, hạ nhục bởi đối thủ trong đảng CS, bằng sự thay vì cho về ngồi chơi sơi nước đuổi gà cho vợ, lại cố tình bổ nhiệm trông coi về sinh đẻ có kế hoạch (family planning) !
    Bởi thế mới có thơ chế diễu ông tướng này đã nhịn nhục quá Hàn Tín, lúc chưa tham chính đã phải muối mặt luồn trôn thằng hàng thịt ! Hàn Tín còn an ủi là sau làm nên nghiệp lớn; còn ông Giáp đang từ nghiệp lớn thành nghiệp nhỏ, ti tiện. Ông mần thế để sống còn cho mình và đem an toàn cho toàn gia nhà mình. Nhờ thế mà Võ Điện Biên mới thành đại gia sau này.
    Bảo các ông nhớn CS xưa nay như “ông bình vôi” rất đúng. Cũng một kiếp người, nhưng họ càng sống lâu càng … tồi bại!

    Cái hay của văn chương chữ nghiã ở chồ, câu trên với từ ngữ CÔNG ĐỒN, đối lại với từ BỊT L.. câu sau. Cùng vần ỒN, mà công là đánh (tới tấp), còn bịt ở đây là ngăn cản, không cho đánh, cho nhổ cho xịt … nước miếng, nước dãi và cái gì gì đó vô l.., hahahaaaaaaa

    Lão Ngoan Đồng

  3. Miền Trung says:

    Đường cùng rồi mình phải đứng lên giải quyết ĐCS bán nước , đè đầu người dân này thôi.
    Mình coi khinh CSVN lắm rồi!
    Công dân Việt!

  4. Nguyễn Mãi Quốc says:

    Nhân vật cha chồng trong truyện sao mà giống nhu Bác Hồ va Đảng quá xá!!!! Như vậy là rất phản động

  5. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Kính qúi đồng hương,

    1/
    Chính quyền xưa nay luôn được (dân ta) coi là bậc cha mẹ (phụ mẫu chi dân) !
    Chính quyền CS qua ngòi bút của Võ Thị Hảo giống như người cha ác độc, đã tàn nhẫn dồn cả gia đình mình vào đường cùng, đối xử với mẹ nó (đất nước) và con cái (toàn dân) như phường nô lệ, bắt cống hiến tất cả tài sản, sức lực và trí tuệ cho chúng.
    Bởi thế thằng Kinh phải mang tội giết bố nó, thằng bố độc ác và phản động nhất lịch sử Việt Nam.
    Thế mà có những kẻ ngu si vào hùa, bênh vực bọn CS và kết tội những dissidents tranh đấu cho dân chủ tự do .

    2/
    Lão Tử đã bảo: Dân vi qúi, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân là vốn qúi, kế đó là đất nước, còn vua quan (tầng lớp cai trị) chỉ là đồ bỏ.
    CS cũng luôn luôn bảo: Cán bộ nhà nước là đầy tớ nhân dân. Nhưng thời thế đổi dời, cho nên đám Osin ngày nay lộng hành, làm cha mẹ của chủ nhân !

    3/
    Dân như nước và nhà nước như thuyền.
    Chở thuyền là nước, mà lật thuyền cũng là nước !
    Ăn ở ko phải đạo với dân, thì bị trời chu đất diêt là điều đương nhiên !

    Lão Ngoan Đồng

    • maison says:

      Trích:
      Lão Tử đã bảo: Dân vi qúi, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Dân là vốn qúi, kế đó là đất nước, còn vua quan (tầng lớp cai trị) chỉ là đồ bỏ.

      Thực ra lời nói trên là của ông Mạnh Tử. Câu này là để cho người cầm quyền hãy tự đánh giá mình. Dân vi quí, lo cho dân là quan trọng nhất. Xã tắc thứ chi, giữ gìn lãnh thổ là việc thứ nhì, còn đối với chính mình thì hãy coi nhẹ đi, bỏ bớt cái tôi của người cầm quyền đi.

    • Nguyên Anh says:

      “Dân Vi Quý, Xã Tắc Thứ Chi, Quân Vi Khinh…”
      là lời Mạnh Tử, không phải Lão Tử !

  6. Vũ Trung Thực says:

    Đọc mà thấy kinh hồn. Cái cô văn sỹ này viết hiện thực phê phán còn tởm hơn cả Tắt Đèn cuả Ngô Tất Tố, Bước Đường cùng cuả Nguyễn Công Hoan, Cơn Thầy Cơm Cô cuả Vũ Trọng Phụng…..
    Nhưng như vậy là rất phản động. Xã hội chủ nghiã ưu việt cuả chúng ta không có những con người ấy, hoàn cảnh ấy, môi trường sống ấy. Có chăng là ở xã hội Mỹ hội Anh, các xã hội phong kiến đế quốc hay vào những thời tiền sử xa xưa nào đó, khi ” Nhân loại chửa thành người/ Đêm ngàn năm man rợ…”*
    Nước ta có đảng lãnh đạo lại được thấm nhuần tư tưởng Bác Hồ ” Yêu thương tất cả chỉ quên mình”
    Một xã hội có những cán bộ biết yêu thương chia xẻ và hy sinh vì nhân dân. Nhân dân cũng noi gương cán bộ mà làm chủ, lại vưà được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra thì….Xã hội VN ta là cõi Điạ Đàng từ lâu rồi…
    Đọc qua bài này, tôi mong đồng chí văn sỹ Võ Thị Hảo xem lại tư tưởng và hành động cuả mình. Không nên nên có những bài viết bôi bác chế độ ta. Không được bôi đen xã hội, xã hội chủ nghiã cuả chúng ta…..

Leave a Reply to Nguyên Anh