WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thế Giới bước qua năm 2011

Phỏng Đoán Tình Hình Thế Giới Trong Năm 2011

2011 sẽ là năm các nhà nghiên cứu về số lấy làm thích thú, với những ngày (, tháng & năm) viết thành 01:01:11, 01:11:11, 11:01:11, và 11:11:11. Tuy nhiên con số đáng nhớ nhất trong năm 2011 sẽ là con số Hai. Vì năm mới sẽ là năm có hai thế giới kinh tế khác nhau: Một bên là thế giới của những quốc gia giầu có trước đây, bây giờ phải chật vật, khốn khổ vì tình trạng thất nghiệp, với sự phục hồi kinh tế rất yếu; và một thế giới khác gồm những nước có nền kinh tế đang vươn lên, mức phát triển lại gấp ba, bốn lần các nước đã có công nghệ phát triển. Âu châu sẽ bị phân chia làm hai cực giữa một nhóm các nước ở vùng trung tâm thuộc nhóm dùng đồng Euro, bao quanh bởi khối các nước bên lề đang bị suy yếu, lung lay. Ngay cả trong tình hình kinh tế nhiều quốc gia, cũng có sự phân biệt giữa hai khu vực: một bên phát triển mạnh nhờ dựa vào mức phát triển bộc phát của Trung Cộng, bên kia thì phát triển chậm hơn; Thí dụ điển hình là kinh tế Úc Đại Lợi, nơi có sự phát triển không đều của hai thành phần khác nhau.

Mở đầu năm mới, vào ngày 19 tháng Giêng, chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ tới Hoa Kỳ trong một chuyến thăm viếng chính thức đầu tiên của lãnh đạo Trung Cộng kể từ năm 2006. Hai tuần sau khi Quốc hội khóa 112 của Mỹ nhậm chức, tổng thống Obama sẽ nghênh đón một phái đoàn hùng hậu gồm rất nhiều doanh gia Hoa lục với các hợp đồng với doanh nghiệp Mỹ lên tới cả chục tỷ đô la. Nhưng bên cạnh kinh tế, nhiều hồ sơ khác, cả chính trị và an ninh, giữa hai cường quốc Thái Bình Dương sẽ được mặt đối mặt, thảo luận; Quan hệ giữa hai nước –  tình hình Đông Á cũng vậy – trong năm 2011, có thể được đặt trên căn bản từ dịp gặp mặt này. Trước khi họ Hồ tới Mỹ, tổng trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ thăm Bắc Kinh trong bốn ngày, mùng 9 tới 12, để đàm phán với vị tương nhiệm là tướng Lương Quang Liệt rồi ghé Tokyo gặp tổng trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa. Không phải ngẫu nhiên mà nhật báo lớn nhất của Nhật là Asahi Shimbun loan tin ngày cuối năm 2010, rằng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch thôn tính các hải đảo ngoài Đông hải, mà Trung Cộng gọi là Trung Nam hải – xin hiểu là Hoàng Sa và Trường Sa – trước khi nhắm vào các đảo Senkaku của Nhật mà Trung Cộng gọi là Điếu Ngư đài. Trước đó một ngày, đô đốc tư lệnh Hạm đội Thái Bình dương của Hoa Kỳ cũng cảnh báo về sự lớn mạnh của Trung Cộng như một đại cường quân sự Thái Bình dương, với khả năng dùng phi đạn tấn công hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, hậu thuẫn ý đồ biến Biển Đông thành ao nhà của mình.

Nhìn vào mặt kinh tế, siêu cường Hoa Kỳ một năm sản xuất ra hơn 14 ngàn tỷ Mỹ kim, trong số này tiêu thụ chiếm đến 70%; Khi sản xuất đình đọng, người ta ưa nghĩ đến việc nâng sức tiêu thụ để kích thích sản xuất, với hậu quả là lại gia tăng sự vay mượn, và nâng cao bội chi ngân sách. Có lẽ đây là lúc nên nghĩ đến kích thích sản xuất hơn là tiêu thụ, nghĩa là giải tỏa những ứ đọng hành chính và giảm bớt gánh nặng thuế khóa để nâng số cung hơn là chỉ nghĩ đến số cầu. Ngược lại, ta nên công bằng nhìn vào một sự thể khách quan khác: Đó là trong tổng sản lượng Mỹ hơn 14 ngàn tỷ, tiêu thụ chiếm hơn 11 ngàn, và dân Mỹ kiếm ra trăm bạc thì tiêu mất 94 đồng, cho nên thị trường tiêu thụ Mỹ lớn nhất thế giới, là nguồn sống cho nhiều quốc gia xuất khẩu. Cả ba quốc gia có kinh tế giàu nhất sau Mỹ, là Trung Cộng, Nhật, và Đức, đều ráo riết đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi, và họ không hài lòng với việc Mỹ kim sụt giá. Trung Cộng và Nhật đều can thiệp vào thị trường ngoại hối để nâng mức cạnh tranh, và thực tế để dễ xuất cảng hàng vào Mỹ.

Về mặt kỹ thuật thì nước Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng và quay trở lại với con đường tăng trưởng, thế nhưng đó là một tỷ lệ tăng trưởng èo uột, và nhất là không đả thông bế tắc trên thị trường nhân dụng.
Kinh tế Hoa Kỳ hồi phục rất chậm. Tổng sản lượng nội địa (GDP) sụt hơn 4% vì 18 tháng suy trầm thì vẫn chỉ tăng được có từ 1 đến 2%. Cả năm nay thất nghiệp mấp mé 10% và hiện nay là 9,8% dân số lao động. Trong số hơn 15 triệu người thất nghiệp có 6 triệu bị mất việc trên sáu tháng, và đáng chú ý nhất: thành phần mất việc lại là người có chuyên môn và lợi tức hạng trung lưu, loại chuyên viên làm việc ở bàn giấy, có văn phòng, chứ không chỉ có công nhân áo xanh như trước đâỵ Phải năm năm nữa, may ra mức thất nghiệp mới xuống lại tỷ lệ 5% trước khi bị suy trầm. Song song, tài sản của nhiều người là ngôi nhà thì sụt giá vì nạn bể bóng gia cư từ năm 2006. Năm qua còn mất thêm hơn 4%. So với đỉnh cao năm 2006 thì mất một phần tư. Vì vậy, đa số đều thấy là mình nghèo đi. Về ngân sách thì chính quyền đã hai lần bơm tiền kích thích trị giá 185 tỷ thời tổng thống Bush và hơn 800 tỷ thời tổng thống  Obama mà chưa có kết quả. Cuối năm 2010, lại thêm 858 tỷ được quyết định bơm thêm trong hai năm tới. Chưa biết kết quả ra sao thì ngân sách năm qua đã bội chi 1,400 tỷ, gần 10% GDP và còn bội chi nữa, nên chính phủ phải đi vay dù đã mắc nợ tới 87% tổng sản phẩm nội địa. Vì thế, dân chúng, từ tỷ phú tổng quản trị đến nhà đầu tư cò con, từ các gia đình ‘lấy đuôi này đắp đầu kia (making ends meet)’ đến người đang kiếm việc, đều nhìn thấy rất nhiều rủi ro trước mắt. Người người đều tìm cách hạn chế chi tiêu để trả nợ và do dự rất lâu khi phải quyết định bung ra làm ăn vì những bất trắc trước mặt. Các doanh nghiệp đang ngồi trên một núi hiện kim trị giá nhiều ngàn tỷ đô la mà không dám đầu tư – và vì vậy, vẫn chưa tuyển lại ngườị Liều lĩnh lắm thì thuê người theo kiểu bán thời, vừa dễ sa thải vừa nhẹ gánh an sinh, phúc lợi hay bảo hiểm. Thành phần lạc quan tin tưởng rằng lợi tức năm tới sẽ khá hơn năm nay chỉ là thiểu số, chừng 25%.

Tuy thất nghiệp chưa sụt giảm, mức độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ đã tăng trở lại được gần 4%, cao hơn nhịp độ trung bình của thế giới trong ba thập niên vừa qua (GDP toàn cầu tăng trung bình 3,5% trong giai đoạn 1980-2009). Các doanh nghiệp Mỹ đang có mấy ngàn tỷ bạc trong tay mà không dám bung ra làm ăn và tuyển dụng vì chưa yên tâm về chánh sách của nhà nước. Với Quốc hội mới, tình hình sẽ khá hơn và kinh tế có hy vọng tiếp tục  mức tăng trưởng chừng 4% vào năm 2011.

Nhìn trong trường kỳ thì quốc gia quá trẻ này (mới có 234 tuổi) có hai phản ứng trái ngược, mà lại dễ hiểu. Dân Mỹ vững tin vào định mệnh ưu việt của một quốc gia giàu mạnh nhất nên lạc quan cho rằng Hoa Kỳ có thể làm được mọi chuyện. Và người nào trên thế giới cũng chỉ mong thành người Mỹ, kiên nhẫn xếp hàng xin giấy nhập cảnh vào Mỹ. ‘Giấc mơ Hoa Kỳ’ cũng là mộng ước của nhân loại trên toàn cầu; Thế hệ di dân thứ hai là có thể thành triệu phú, hay phi hành gia thám hiểm không gian. Vì vậy, họ sẵn sàng chấp nhận cho quốc gia ra tay cứu khổn phò nguy ở mọi điểm nóng trên thế giới, có khi bị đả kích là Đế quốc mà không hiểu vì sao.

Nhưng cũng dân Mỹ đó, khi gặp chuyện bất ngờ thì hốt hoảng tự hỏi “Tại sao tôi lại bị nhỉ (Why me)?” Các dân tộc khác đều đã có thể bị ngoại xâm hay khủng bố – nhiều lần – và nếu có bị ngập lụt trong khủng hoảng kinh tế thì thắt lưng buộc bụng, rau cháo có nhau. Người Mỹ thì chưa trải qua những thế kỷ u ám đó. Vì vậy, sau cơn hốt hoảng thì chính người Mỹ lạc quan hôm qua lại trở thành người Mỹ bi quan hôm nay.

Sau cả trăm năm đề cao tự do mậu dịch là giải pháp kinh tế lý tưởng cho mọi quốc gia, cho kẻ mua lẫn người bán, đa số dân Mỹ ngày nay bỗng hoài nghi và thủ thế bằng phản ứng ‘bảo hộ mậu dịch’. Yêu nước Mỹ thì phải mua hàng của Mỹ, để tạo ra công ăn việc làm cho người Mỹ. Viên kỹ sư tại Ấn Độ đang trả lời thân chủ mua vé máy bay Mỹ là người đã cướp mất việc làm của một kỹ sư Mỹ! Các chính khách mau mắn nhảy vào khai thác tinh thần thụt lùi đó, ra cái điều quan ngại cho quyền lợi của người dân. Từ đó mới có ‘Quốc sách Xuất cảng’ (được tổng thống Hoa Kỳ thông báo hồi đầu năm 2010 trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang, và khởi động từ tháng Ba): Xuất cảng là nhiệm vụ chiến lược của chính phủ. Ngoài chức năng cố hữu của bộ Thương mại, Hội đồng Thương mại Quốc tế hay Ngân hàng Xuất nhập cảng ExImBank, v.v. các phủ bộ như Hội đồng An ninh Quốc gia bên Tổng thống hay cả bộ Ngoại giao từ nay cũng phải góp phần đẩy mạnh xuất cảng. Bành trướng thị trường không là tính toán tự phát của các doanh nghiệp mà thuộc trách nhiệm của chính trường, của nhà nước. Chính sách kinh tế mới này của Hoa Kỳ thấy nào có khác gì các quốc gia nhỏ & nghèo, mới phát triển?

Hậu quả? Xưa nay, Hoa Kỳ dùng ngoại thương làm đòn bẩy để tranh thủ lòng người. Quốc gia nào có lập trường ngoại giao thân hữu với nước Mỹ sẽ dễ làm ăn buôn bán, nhất là bán cho một thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ đã giúp hai đối thủ cũ là Đức, và Nhật theo hướng đó, và cũng dùng ngoại thương làm đòn bẩy với cả các quốc gia Cộng sản. Đế quốc đầy từ tâm mua hàng của thiên hạ để mua phiếu các nước khi cần giải quyết thiên hạ sự. Bây giờ, Đế quốc ngập nợ và hốt hoảng này sẽ … tranh ăn với thiên hạ. Sẽ mua ít hơn, và bán nhiều hơn, để còn trả nợ và tìm việc cho dân thất nghiệp. Phản ứng bi quan khiến ngoại thương từ nay sẽ chi phối ngoại giao. Chuyện phân định bạn thù lại có thêm một tiêu chuẩn mới. Nghĩa là Hoa Kỳ là một quốc gia đang lâm chiến, lại hoang mang về chuyện bạc tiền và sẽ trải qua nhiều năm xoay trở trong một vòng luẩn quẩn!

Tóm lại, ta không nên qúa lạc quan về viễn ảnh 2011, năm Mão có khi còn dữ hơn năm Dần cho nước Mỹ, trong khi gánh nợ vẫn chưa nhẹ hơn vì đã vay mượn quá nhiều lúc lạc quan, sẽ còn vay mạnh hơn khi bi quan!

Pages: 1 2 3 4 5

1 Phản hồi cho “Thế Giới bước qua năm 2011”

  1. Nguyen Giao says:

    To Dan Chim Viet Editorial Staff:

    What happened to the photo of laywers Nguyen Van Dai, and Le Thi Cong-Nhan inside a vanh mong ngua at a Hanoi court?

    Regards,
    Nguyen Giao
    San Diego, Kalee4nah

    BBT: Chúng tôi không thể lấy được ảnh ra theo cách gửi của ông/ bà.

Phản hồi