WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tình chiến hữu

(Chuyện đầu năm 2011 viết tặng ông đại tá Tập thể Nguyễn Mạnh Tường)

Chuông gọi hồn ai

Đại tá Nguyễn Mạnh Tường, hai hình ảnh, một con người…

Bước vào đầu năm 2011, chiến hữu B.M.Hùng từ Washington, D.C gửi ra một bản tin hết sức đau lòng. Tin đại tá Nguyễn Mạnh Tường sắp qua đời trong cô đơn tại nhà thương Bascom, San Jose. Nhắn tin vợ ông đã ly dị và 2 con bên Úc mau mau liên lạc. Bản tin tiếp theo của liên hội cựu quân nhân Bắc Cali, nhắn anh tổng thư ký, xin chuẩn bi ma chay cho người chiến binh cao niên sắp ra đi.

Kèm theo bản tin rất ngắn nhưng vô cùng đau đớn là một bài viết về cuộc đời chinh chiến của đại tá Nguyễn Mạnh Tường. Người viết là chiến hữu Trần Thúc Vũ, một sĩ quan đã từng phục vụ lâu dài tại chiến trường Bình Định. Bài báo hết sức chi tiết, hết sức sôi nổi, hết sức nồng nàn. Không những nêu cao thành tích của của ông Tường, mà phô diễn một tình cảm vô cùng trân quý của cấp dưới đối với niên trưởng trong tình huynh đệ chi binh.

Bài báo này xứng đáng là một thiên anh hùng ca của ông đại tá quê Thái Bình. Trong suốt một tuần lễ Email nhận được tới tấp đến sốt cả ruột về chuyện tử sinh của người hùng mặt trận Bình Định. Sau cùng nhận được cả Email của phu nhân đề đốc tập thể Hồ Văn Kỳ Thoại. Chưa hết cô con gái út của tôi, chẳng đọc Email Việt ngữ bao giờ mà cũng nhận được lời nhắn gửi tìm gia đình cho ông già nằm bệnh viện. Cháu đẩy qua cho bố để tiếp tay. Tin bên Úc cho biết đang lụt lớn nhưng xem chừng vẫn có anh em lội nước đi tìm vợ con cho đại tá Tường. Chưa có kết quả.

Đi thăm người cô đơn

Chẳng biết đầu đuôi, tôi bèn tìm vào thăm. Điện thoại phòng bệnh không ai trả lời, bèn rủ bạn cùng khóa Cương quyết là ông Nguyễn Đình Tạo lên đường. Chúng tôi học khóa 4 phụ Cương Quyết II Đà Lạt 1954. Ông Tường khóa 5 Vì Dân,1955. Có lẽ cùng một đợt tuổi, Chẳng quen biết nhiều nhưng gặp mặt chắc nhận ra.

Ông Tạo nói rằng:

“Sao nghe nói có tin “lui” đi rồi”.

“Mình cứ vào Bascom thử coi.”

Hỏi tới hỏi lui ở cái nhà thương mới sửa lại khá vĩ đại, sau cùng người ta tra sổ và cho số phòng.

“À, còn số phòng là còn sống. May quá, nhưng sao lại nằm ở khu bị cháy. Chẳng hiểu tai nạn làm sao.”

Chúng tôi tưởng tượng sẽ gặp một ông già cô đơn buồn tủi, nằm nhà thương cả tháng vợ con không biết tin, anh em cũng chẳng có ai. Nhưng không phải. Đại tá khóa Vì Dân nằm trong phòng đặc biệt. Dây, ống đầy người. Đã 2 tuần rồi chưa tỉnh. Ông bị phỏng nặng phải cho thuốc dịu đau ngày đêm nên mê man thường trực. Lại thêm bệnh tiểu đường nên việc điều trị khó khăn. Phải đến tận nơi mới thấy Nguyễn Mạnh Tường không hề cô đơn. Hỏi chuyện cô y tá thường trực nên biết đầu đuôi. Nằm tại khu này được 3 tuần lễ mà đã có hơn 100 lần thăm viếng. Có bạn đứng ngoài phòng kính ngó vào. Có bạn trang bị đồ nhà thương vào luôn bên trong. Ai cũng hỏi han chi tiết. Nhà thương không biết ông già này là ai mà các giới chức vào thăm mệt nghỉ. Luật chỉ cho mỗi lần vào 2 người. Y tá trưởng đặc cách cho vào một lần 4 người. Vì bên ngoài còn chờ nhiều quá.

Số người thăm viếng, hỏi han được lập thành danh sách. Anh em nhà binh đọc qua thấy tên tuổi bằng hữu quen thuộc. Lại nhận ra anh này anh kia, tưởng đã đi xa mà vẫn còn quanh đây. Riêng phần bệnh nhân, chưa có gia đình về thăm, chứ còn phần chiến hữu thì ông đã có quá nhiều. Thừa cán bộ để bổ sung cho mặt trận Bình Định. Dù nằm im một chỗ trong cơn hôn mê, nhưng Nguyễn Mạnh Tường không hề cô đơn.

Nhắc lại từng kỷ niệm

Khi chúng tôi đến thăm, lại nhân dịp gặp mấy sĩ quan trực. Đại úy nhẩy dù tới lui nhiều lần cùng với cô vợ. Đại úy thiết giáp thì lên phiên trực một mình. Cả 2 anh em đều hết lòng thương mến và ca tụng ông thầy. Tôi chưa từng thấy bao giờ anh em lại nhiệt tình với tấm lòng huynh đệ chi binh như thế. Thường chỉ thấy bạn bè cùng trang lứa, cùng chiến đấu, cùng ăn nhậu hết mình. Hoặc đôi khi thầy trò giúp đỡ nhau nên trở thành ơn nghĩa. Nhưng anh em đi với ông thầy Nguyễn Mạnh Tường thì chỉ có từ chết đến bị thương. Vậy mà sao lại hết lòng với nhau, dù cho cuộc binh đao đã có đến 35 năm xưa cũ.

Hai vợ chồng ông nhẩy dù kể chuyện ông thầy anh hùng và xuất sắc vang cả nhà thương, tôi phải kéo anh em ra một góc. Ông thiết giáp đem quân từ Pleiku xuống duyên hải tham dự trận giải cứu căn cứ không quân đã hạ một câu nhẹ nhàng.

“Ông Tường là mãnh sư của Bình Định.

Khi ông còn trung tá mà đã chỉ huy các đại tá.”

Trong cuộc chiến tại Việt Nam, mong được cấp tướng khen cấp tá để đường công danh thuận buồm suôi gió. Nhưng hơn một phần ba thế kỷ đã qua đi, cấp úy khen cấp tá mới thực là tấm huy chương vàng ngọc. Ông già mãnh sư một thời, nằm khò khè bất động là người nhận được những tấm huy chương cao quý đó. Anh em bảo tôi, bác phải đọc câu chuyện của Trần Thúc Vũ.

Đọc lại Tiểu sử

Nghe lời anh em, tôi về đọc lại tài liệu.Trước tiên là tiểu sử ông này hết sức đặc biệt. Bắt đầu từ trung úy nhẩy dù đã tham gia đảo chánh ông Diệm. Trong lúc tư lệnh Nguyễn Chánh Thi và ông Liễu chạy qua Cambốt, thì ông Tường và anh em bị đi tù Côn Đảo cùng cụ Phan khắc Sửu. Trải qua 4 năm từ 1960 đến 1964 mới trở lại quân đội, sau cùng về sư đoàn 22 bộ binh với cấp bậc trung tá.

Đại tá công binh Nguyễn văn Chức về làm tỉnh trưởng Bình Định bèn yêu cầu tổng tham mưu và quân đoàn đưa về mấy chục ông trung tá để tăng cường cán bộ cho mặt trận duyên hải của vùng II chiến thuật. Từ đó trung tá Nguyễn Mạnh Tường trở thành anh hùng của vùng đất ngày xưa là quê hương Bắc Bình Vương, Nguyễn Huệ. Sau Bình Định ông về làm đại tá tư lệnh phó cho tướng Lê Nguyên Vỹ, sư đoàn 5 và trải qua 13 năm tù cải tạo. Cho đến năm 93 còn bị kết án thêm 12 năm tù phản nghịch. Mãi đến 1998 mới được quốc tế can thiệp rồi HO qua Mỹ 1999. Ông xa gia đình từ 1975, vợ con vượt biên đi Úc, và từ ngày đó đến nay chưa gặp lại.

Những trang chiến sử

Tiểu sử Nguyễn Mạnh Tường đã ly kỳ khác biệt, nhưng trang chiến sử của ông mới thực là phi thường. Đất tung hoành của ông một thời là Quy Nhơn, Bình Định. Một tỉnh lớn nhất của miền Nam với 14 quận, 10 ngàn cây số vuông, 120 cây số dọc từ Cù Mông xuống Bình Khê, 90 cây số ngang từ biên giới Pleiku xuống bờ biển Phương Mai. Đây là chiến trường thử lửa của các đơn vị danh tiếng nhất của cộng sản và liên quân Việt Mỹ. Các đơn vị Hoa kỳ lần lượt tham chiến tại Bình Định là Sư đoàn không kỵ số 1, Sư đoàn 101 bộ binh, Lữ đoàn dù 173, và sư đoàn Mãnh hổ Đại Hàn. Phía Việt Nam có 2 Trung Đoàn của sư đoàn 22 bộ binh, 18 tiểu đoàn địa phương quân, 12 đại đội biệt lập, 620 trung đội nghĩa quân. Bình Định cũng là nơi có trên 10 tiểu khu trưởng thay phiên nhau. Trước sau chỉ có một mình tiểu khu phó Nguyễn Mạnh Tường là nổi bật.

Thành tích của ông Tường là sử dụng địa phương quân đánh giặc như tổng trừ bị của tổng tham mưu. Ông cả gan giả lệnh của quân đoàn để điều động thiết giáp tham chiến. Xin biệt động quân qua đường đi huấn luyện để tham dự hành quân.

Với quyết tâm và tài dùng binh của cấp sư đoàn, ông đã tạo chiến thắng Ba Gi lừng danh vùng II chiến thuật. Với mưu trí và nhiệt huyết can trường, ông đã cứu được căn cứ không quân Phù Cát thoát khỏi trận tấn công khốc liệt của cộng sản.

Và cũng chính con người đó, say men với binh đoàn, nên vợ con từ Saigon ra thăm, chờ đợi 2 tuần không gặp phải quay về. Phải chăng đây là nguyên nhân sự tan vỡ gia đình không hàn gắn được 35 năm sau.

Đoạn kết của câu chuyện tình

Trong số anh em cùng khóa, anh Thọ Đan là một trong những người thân tín và biết nhiều về bạn Tường. Anh biết từ đầu đến cuối cuộc tình và cũng là người được Tường ủy nhiệm chính thức về các quyết định y khoa khi người bệnh không tỉnh lại. Từ Côn Đảo trở về, chính cụ Phan khắc Sửu làm mai mối cho anh Tường lập gia đình với con một ông Bang Trưởng người Việt gốc Hoa. Cuộc tình duyên như thế phải chăng là lý do cho định mệnh chia cắt sau này.

Anh chị sinh được 2 con, một trai, một gái. Cuối tháng 4 năm 75, một lần nữa anh bỏ cơ hội ra đi cùng gia đình để lên sống những giờ cuối cùng với Sư đoàn 5. Sau này, khi anh đi tù thì chị và gia đình gốc Hoa vượt biên qua Úc. Từ đó không hề liên lạc. Khi anh được trả tự do, đã vào chùa ở Saigon đóng vai cư sĩ. Tại đây anh có dịp cưu mang giúp đỡ một cô bé bất hạnh. Cô này hiện đã trưởng thành, có gia đình bên Đức và là dưỡng nữ còn liên lạc với cha nuôi. Khi HO vào Mỹ, anh Tường đã có lần qua Úc nhưng vẫn không gặp được vợ con. Chuyện gia đình phức tạp và hết sức tế nhị chỉ còn lại những tin tức rất mong manh. Con trai Nguyễn Mạnh Tuân hiện là bác sĩ, cô con gái Nguyễn Tường Ngọc Hương trở thành phi công lái máy bay thương mại. Chẳng hiểu duyên cớ vì sao mà bây giờ các con chưa tìm gặp lại thân phụ. Hay là phép lạ trùng phùng chưa đến lúc xẩy ra vào giây phút cuối. Từ Việt Nam qua Hoa Kỳ, Nguyễn mạnh Tường vẫn nương náu cửa chùa. Từ chùa Saigon đến chùa San Diego. Rồi tuổi già đưa anh vào nursing home.

Sau cùng bạn Vì Dân, Thọ Đan đưa ông Vì Dân, Mạnh Tường từ San Diego về Half Moon Bay, tại dưỡng đường cao niên ở miền Nửa vừng trăng khuyết.

Tại đây lại có cuộc tao ngộ trùng phùng của 2 tay đảo chính, Đại tá Phạm văn  Liễu, gốc thủy quân lục chiến đã nằm chờ đại tá Nguyễn Mạnh Tường, gốc nhẩy dù. Một ông đã ngoài 80 và một ông đã hơn 7 chục. Trong tình chiến hữu thì vẫn là huynh đệ chi binh. Lại thêm hoàn cảnh cũng là những tay hảo hán Bắc Kỳ, một thời chọc trời khuấy nước.

Cùng nằm một phòng tại quán trọ cao niên cạnh ghềnh đá của thị trấn bên con đường liên tỉnh lộ số 1, ngó ra biển Thái Bình. Mãnh sư mũ đỏ và cọp biển mũ xanh bây giờ đều là những anh hùng thấm mệt. Bằng hữu một thời tuy còn lai vãng nhưng chẳng thể nào gần nhau như trong doanh trại ngày xưa. Một ông vợ chết ngồi xe lăn, đẩy ra đẩy vào lại gặp ông bị vợ bỏ.

Rồi sau cùng bác Phạm văn Liễu ra đi cũng âm thầm như khi ông đến bãi biển Nửa vừng trăng khuyết.

Khi anh em tổ chức tưởng niệm ông Liễu ở San Jose thì ông Tường đến dự. Rồi tai nạn xảy ra. Ghé ở nhà anh bạn trẻ vong niên, đêm khuya ông lúng túng một mình, nước sôi nhà tắm lột mất nửa người. 911 gọi đến để Bascom đón người anh hùng vào nằm ở phòng hồi sinh đã mấy tuần mà vẫn chưa tỉnh.

Tình chiến hữu

Anh em thăm viếng ngồi chờ tại bệnh viện Bascom, San Jose.Nhắc đến tình chiến hữu chung quanh ông Tường, anh Thọ Đan nói rằng người nối vòng tay lớn chính là Vì Dân, Vũ trọng Mục. Ông Mục nốt kết anh em từ trong ngục tù ra ngoài thế giới tự do. Từ tiểu khu Bình Định đến sư đoàn 5, và ông động viên cả con cháu trong nhà. Kỹ sư Oánh ở Union City cũng phải công nhận. Tình chiến hữu còn hơn anh em ruột thịt.

Câu chuyện anh hùng xưa, nhớ thời niên thiếu đến đây xin tạm ngưng. Nhưng càng tìm hiểu càng thấy mối tình chiến hữu trong buổi hoàng hôn thật hết sức lạ lùng. Mỗi ngày đều có anh em kể chuyện mới về ông Tường và gửi hình ảnh của các bạn đến thăm ngồi dài ở nhà thương Bascom.

Còn chuyện bên hành lang mới thực là ly kỳ. Số là khi 2 ông Liễu và Tường vào nhà dưỡng lão bên bờ biển, Mỹ hỏi là nếu có chuyện thì các bác muốn sống bằng máy nằm chờ hay chấp nhận đi luôn. Hai ông già nói rằng bây giờ còn nằm chờ gì nữa. Xin chọn đi luôn. Mỹ bèn đeo vào tay 2 ông colonel mỗi ông một chiếc vòng để khi hữu sự không cần sống bằng máy móc. Xin để chúng tôi đi luôn. Bác Liễu thì đã đi luôn nhẹ nhàng, nhưng bác Tường may mà có chiến hữu vào kịp để chạy giấy tờ đại diện tháo cái vòng đi luôn. Nhờ vậy ông còn được chạy chữa đến hôm nay.

Chuyện hành lang lại kể rằng, bác Tường có qua Úc thăm vợ con. Nhưng vợ không nhận chồng. Thấy bà đi ngang qua rồi đi thẳng. Con Mãnh sư chiến trường Bình Định bây giờ đã thành một cư sĩ hiền lành, đành nuốt lệ quay về.

Chàng có thể nghĩ rằng:

“Em đi qua đời anh, không thấy gì sao em?”

Nàng đã có suy tư khác.

“Ông trở về dang dở đời tôi”.

Cũng tại hành lang nhà thương, chiến hữu lại bàn. Bây giờ nếu thầy Tường qua khỏi phải chăng lại về Half Moon Bay. Nếu ông đi luôn, rồi đây ai chẳng đi luôn, thì tang lễ làm sao. Nghe các ông khóa Vì Dân nói rằng sẽ không hỏa thiêu. Anh em chúng tôi sẽ chôn cất để sau này gia đình còn viếng thăm. Chuyện gia đình, không ai biết chắc được, có thể họ bay qua kịp thời. Nếu không sau này các con ông sẽ đến thăm, nếu không con thì các cháu sẽ đến thăm. Và các chiến hữu sẽ đến thăm.

Câu hỏi nêu lên là, vậy sẽ đem thầy về nằm tạm ở đâu. Các bạn Vì Dân lại nói rằng, dưới Nam Cali có chỗ rồi, Bác Tường về đây nằm với chúng tôi. Hơn 50 năm trước, anh em ta đã Vì Dân mà ra đời thì nay ta lại Vì Dân mà nằm xuống bên nhau.

Không đưa ông về được Thái Bình, không về được Quy Nhơn, cũng chẳng về được Bến Cát, thì ta về đất Bolsa.

Đó là nói chuyện sau này, bây giờ xin cầu cho ông tháo được cái vòng “Đi luôn” đeo ở tay rồi trở về với quán trọ bên đường ở miền Nửa vừng trăng khuyết.

Ở đó vẫn còn các bạn Tây Đầm chờ ông thầy ra tay huyệt đạo chữa bệnh cao niên mỗi khi trái gió, trở trời. Ông sẽ ngồi xe lăn cho trọn kiếp trầm luân, ngày ngày ngó xuống phía Nam Bán Cầu, theo dõi bước chân của cô vợ Tàu lai và 2 đứa con đã trưởng thành bên Úc. Vợ đành như cơn gió thoảng, con đành như hơi rượu cay.

Ngày xưa ông đã bỏ vợ con để sống chết với binh đoàn, ngày nay ông chỉ còn mong được bao bọc tấm thân già trong chút tình chiến hữu.

© Giao Chỉ, San Jose

© Đàn Chim Việt

12 Phản hồi cho “Tình chiến hữu”

  1. Minh Hoa says:

    Kính gởi Ô. Nguyen Huu Vien:
    - Ong ĐT Tường không tham gia đão chánh, khi biến cố đó xãy ra, Ông Tường là SQ trực tại BCH/Nhảy Dù nên bị qui trách nhiệm liên can (điều nầy do chính ĐT Tường nói lại).
    - Ông ĐT Nguyễn Mạnh Tường không bị kết thêm án 12 năm tù về tội âm mưu lật đổ CS mà người bị kết án là Ông Trần Thúc Vũ ( Bùi Kim Đính) tác giả của bài viết ” Chiến Trường Bình Định….” bài viết được trích đăng nhiều lần, nhiều nơi, một số người đọc vội vàng Comment sai, khiến một số người đọc khác hiểu sai và tưởng là thật… Nay Kính.

  2. vu quach says:

    Để có thể tìm thân nhân cho Ông T.Xin qúi vi nào biết tên của bà vợ ông ĐT Tường thì xin xác nhận có phải bà họ LỤC hay không ? . Tôi đi cùng tàu với một người đàn bà có gia cảnh gióng như vậy . Bà đến Sydney vào tháng 6/1978.

  3. AN says:

    Toi de nghi: Neu vi DaiTa “Manh Ho” nay co co may duoc hoi phuc, cac Chien huu hay dem bai ” Thien Anh hung Ca ” cua tac gia Tran Thuc Vu DOC cho Ong Nghe. Toi nghi do la bai Vinh Danh ong truoc khi Gan cho ong mot HUAN CHUONG DANH DU NHAT. truoc khi ong Tu Gia Ban Be./ Coi doi.

  4. Sau khi thoát tù CS, Nguyễn Mạnh Tường đã tìm vào chốn thiền môn với Hòa thượng Trúc Lâm và có pháp danh Chánh Tinh Tấn
    Dưới đây là bài thơ của Chánh Tinh Tấn Nguyễn Mạnh Tường viết trong tập sách viết tay về Thiền học(thủ bút của Nguyễn Mạnh Tường)
    Nhờ nhân duyên tôi còn giữ được (ai cần đến xin liên lạc):

    Giải thoát
    Giải thoát , đại giải thoát,
    Chỉ là tâm tự tai.
    Ngoài không nhiễm sắc thinh..
    Trong không sinh vọng niệm
    -> Căn trần không dính mắc
    ->Niệm niệm vào vô sanh
    Tâm, cảnh đều quên hết,
    Không trụ tất cả chỗ,
    Chỗ nào tâm ràng buộc?
    Tự tại “vô sở đắc”
    Ấy “vô vị chân nhân”
    Trở về với thế tuc.
    “Bình thường tâm thị đạo”
    Giải thoát không nghĩ bạn
    Chánh Tinh Tấn Nguyễn Mạnh Tường

    • Nguyễn Cẩm Mậu says:

      Đại Tá Nguyễn mạnh Tường và Chiến trường Bình định. .

      Thời điểm Tướng Ngô Dzu làm Tư lệnh Quân Đoàn và Đại Tá Nguyễn văn Chức làm Tỉnh Trưởng Bình Định . Nông trường 3 Sao vàng xua quân đánh chiếm ba Quận Bắc Bình Định . Cuộc di tản đau thương của Quân Dân Bắc Bình Định để lại dấu ấn khó phai mờ . Dân chúng Thị Xã Qui nhơn tự động di tản gần hết vào Nha trang . Quận Phù mỹ trở thành địa đầu giới tuyến . Thực hiện mưu đồ chiếm trọn nửa Tỉnh còn lại , Sư Đoàn 3 Sao vàng với sự tăng cường một Trung Đoàn Pháo , mở một cuộc tấn công vào Chi khu Phù mỹ và BCH Trung Đoàn 41 tại Căn cứ Trà Quang. Trung Tá Nguyễn mạnh Tường được điều động từ Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn về Tiểu khu Bình định để thành lập Bộ Chỉ huy Chiến Thuật tại Phù mỹ . Có mặt tại tuyến đầu Phù mỹ , Ông đã điều nghiên tình hình , biết trước ý định tấn công của địch . Với tài dụng binh mưu lược , Trung Tá Tường đã góp phần to lớn vào chiến thắng lừng lẫy của Quân Dân Bình định . Sau khi thị sát mặt trận An lộc , Kontum và Quảng trị Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đến thị sát mặt trận Bình định, Ông nhiệt liệt khen ngợi Quân Dân Bình định và tuyên bố “ Cùng với Bình long Anh Dũng , với Kontum Kiêu Hùng , với Trị Thiên Vùng Dậy , với Bình Định Quật Khởi , Quân Dân Miền Nam đã thật sự đánh bại cuộc xâm lược của Cộng sản” .
      Để phát huy truyền thống kiêu hùng và danh hiệu QUẬT KHỞI do Tồng Thống trao tặng, Tiểu Khu Bình định âm thầm chuẩn bị cho một cuộc hành quân qui mô tái chiếm lãnh thổ . Cuộc hành quân mang tên của vị Anh hùng aó vải “ Hành Quân Bắc Bình Vương”. Thiếu Tướng Nguyễn văn Tòan được chỉ định làm Tư lệnh Quân Đoàn II và Đại Tá Hoàng đình Thọ được bổ nhậm làm Tỉnh Trưởng Bình định. Với sự cộng tác nhiệt thành của Trung Tá Tường , một Bộ Tham Mưu Hỗn Hợp được thành lập . Chỉ trong vòng một tuần lễ của cuộc Hành Quân thần tốc , ba quận Bắc Bình định đã được giải phóng , tiêu diệt và bắt sống hàng trăm địch quân , buộc chúng tháo chạy tản mác về Căn cứ Địa 226 .
      Tướng Toàn và Đại Tá Thọ đã nhìn thấy khả năng tham mưu và dũng lược của Đại tá Tường trong các chiến tích vừa qua . Tướng Toàn yêu cầu Đại tá Thọ giao Tiểu khu lại cho Trung tá Nguyễn mạnh Tường . Ông chính thức đảm nhiệm chức vụ Tiểu khu Phó với Toàn Quyền Quân sự và An ninh. Lần đầu tiên trong lịch sử của TKBĐ , một Tiểu khu Phó được phép hành xử quyền hạn như một Vị Tiểu khu Trưởng.
      Trong một cuộc mạng đàm với Đại tá Thọ , Ông nói “Đại tá và Tôi về đây , cầu Danh thì được , cầu Lợi thì không ở được cái đất Bình định nầy” . Đại tá Thọ hỏi “ Tôi phải làm cách nào? !” . Ông trả lời “ Việc trước tiên là Đại tá hãy đưa Bà Vợ của Đại tá về Sài gòn , khi nào đi phép thì về thăm , đừng cho các bà ở đây , mình sẽ khó lòng làm việc”.Trong tình huống quân sự và chính trị khó khăn của Tỉnh nhà . Là một người khôn ngoan và có nhiều kinh nghiệm xử dụng nhân sự trong lúc cần thiết , Đại tá Thọ đã chấp mọi đề nghị của Trung tá Nguyễn mạnh Tường .Là thanh niên trưởng thành trong cơn sốt độc lập, nhưng lại chứng kiến chính sách khủng bố những người Quốc gia trong hàng ngũ kháng chiến yêu nước của tập đoàn Cộng sản trong đệ tam quốc tế .Giải pháp Đôc lập , Dân Vi Quý của Bảo Đại đã thu hút nhiều thanh niên yêu nước. Nguyễn mạnh Tường gia nhập Quân Đội Khoá 5 VÌ DÂN. Quan niệm lý tưởng của Quân đội là phục vụ nhân dân ,và ý thức đây là cơ hội cho Ông thực hiện ước vọng của mình , Trung tá Tường đề ra ,kế hoạch rèn cán , chỉnh quân để tăng cường và phục hồi chức năng đơn vị . Ông từ chối Dinh thự , dành riêng cho Vị Tiểu khu Phó . Chỗ ngủ của Ông là một cái giường bố tại Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu , ăn uống tại chỗ ,giản dị như binh lính . Ngoài các công tác tham mưu và hành quân thường nhật , Ông lặng lội và bất ngờ đi sâu đến từng thôn xóm để tìm hiểu về đời sống gia đình của từng Anh Em Nghĩa quân , quan sát tình hình và đời sống dân chúng. Ông cần mẫn làm công việc đó cho tới khi nào nắm vững được các mặt tiêu cực của các quan chức , cán bộ quân đội và chính quyền xã ấp để chuẩn bị lên kế hoạch thích hợp . Tự nhận biết mình đã từng vướng mắc những sai lầm trong quá trình chính trị cá nhân , Ông tâm sự , cách mạng không phải là đảo chánh , cách mạng là sửa đổi cung cách lãnh đạo trong phục vụ quần chúng . Tiểu khu Bình định , có một lãnh thổ rộng lớn với hàng triệu dân số , 14 Quận và Chi Khu ,2 Liên Đoàn ĐPQ , Một BCH Pháo Binh Diện Địa với 3 Khẩu Đội , một Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp vận , .18 Tiểu Đoàn ĐPQ , 12 Đại Đội Biệt lập , 620 Trung đội Nghĩa quân cùng với Lực lượng NDTV và Xây dựng nông thôn . Ngoài Trung đoàn 41 đóng tại Phù mỹ và Trung đoàn 40 đóng tại Căn cứ Đệ đức . Tiểu khu còn được tăng phái 2 Liên Đoàn BĐQ để đáp ứng nhu cầu hành quân chiến thuật . Với một quân số phức tạp trên 2 Sư đoàn và nhằm gia tăng khả năng phối hợp với quân bạn Ông đề ra kế hoạch rèn Cán chỉnh Quân.cho các đơn vi trực thuộc của TKBĐ .
      Bảng cấp số Chi Khu Trưởng là Trung Tá , Ông tuyển chọn những Sĩ quan cấp Thiếu Tá có khả năng Chánh trị , Hành chánh và Quân sự để đề nghị bổ nhiệm hầu khuyến khích họ năng nổ làm việc .
      Về các Tiểu đoàn Trưởng ĐPQ , Ông tuyển chọn những Sĩ quan cấp Đại Úy có khả năng và đạo đức để giúp Ông thực kế hoạch rèn luyện Cán bộ , chỉnh trang , huấn luyện đơn vị và tạo cơ hội thăng tiến cho họ ..
      Các đơn vị phải được luân phiên hoán chuyển một cách công bằng để hành quân chiến thuật và bồi dưỡng huấn luyện
      Ông đích thân soạn thảo các tài liệu học tập đạo đức cán bộ, vai trò lãnh đạo chỉ huy và kỷ luật Quân đội. Ông cho thiết lập họp thư Quân ý để tìm hiểu ý nguyện của quân sĩ ngõ hầu soạn thảo các kế hoạch thích hợp, Ông nói , thu thập càng nhiều ý kiến của quân sĩ,càng củng cố vững mạnh vai trò lãnh đạo của cấp chỉ huy . Ông phê phán quan niệm phòng thủ thụ động với việc tăng cường và thiết lập đồn bót trong phối trí lãnh thổ , với Ông theo dõi địch và lưu động đánh địch , chứ không phải ngồi trong đồn chờ địch tới đánh mình . Ông đặt biệt lưu tâm vai trò lãnh đạo của Chi khu và Phân Chi Khu để tác động hữu hiệu đến các hoạt động thường xuyên của nghĩa quân , tránh chủ quan , lơ là khinh địch . Khi Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn triệt thoái về nước , Quân Đoàn đang lo lắng làm cách nào để có lực lượng thay thế , Trung Tá Nguyễn mạnh Tường đã làm ngạc nhiên các giới chức Quân Đoàn . Ông trình bày kế hoạch thay thế Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn bằng 36 Trung đội Nghĩa quân hoạt động hiệu quả hơn , và Ông đã hoàn thành lời hứa một cách xuất sắc .
      Về các hoạt động điều phối tại Bộ Tham Mưu Tiểu Khu . Ông cho rằng Sĩ quan Tham Mưu không phải là công cụ để thực hiện chính sách của Đơn vị Trưởng . Ông nhận thấy đó là một thực thể hiện hữu không mấy tốt đẹp . Ông nói , ngay cả Đơn vị trưởng nhiều khi cũng hạn chế về khả năng hoặc lạm dụng quyền lực . Vì vậy Sĩ quan Tham mưu phải quan niệm phục vụ lợi ích quân đội trong phạm vi đặt thù chuyên môn . Ông cũng bác bỏ quan điểm nguyên tắc là nguyên tắc , theo Ông , nguyên tắc chỉ có mục đích biện minh cho tính minh bạch.. Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn , Ông yêu cầu các Phòng Ban nghiên cứu các phần vụ kế họach và sẵn sàng trả lời các câu hỏi của Ông .
      Ông cũng đã tiên liệu trước việc lần lượt triệt thoái của các lượng lượng Đồng Minh , kèm theo việc cắt giảm quân viện , Ông yêu cầu Phòng 4 Tiểu Khu thiết lập và trình bày kế hoạch tiết kiệm và xử dụng hiệu quả quân trang dụng , Ông lưu ý các sĩ quan điều phối tiếp vận phải kiểm tra thường xuyên , chú trọng đặt biệt việc xử dụng đạn dược phải tương ứng với các thành quả chiến thắng . Pháo binh chỉ được xử dụng khi có yêu cầu chính xác của chiến trường , chấm dứt việc bắn quấy rối như trước .
      Ông cũng bác bỏ kế hoạch thiết lập và thông báo các lịch trình thanh tra thường niên . Thanh tra phải được thực hiện bất ngờ và phải được báo cáo kịp thời .Mục đích của thanh tra là phát hiện sai phạm và ngăn ngừa kịp thời sự lạm dụng . Ông luôn dò hỏi , tìm kiếm những cán bộ liêm chính bổ nhiệm vào các chức vụ thanh tra .
      Xuyên suốt quá trình thực hiện kế hoạch Rèn Cán Chỉnh Quân , cơ cấu tổ chức , cơ cấu lãnh đạo đơn vị đã thực sự đi vào nề nếp , tạo thành quả hữu hiệu chưa từng có trong các hoạt động an ninh của Tỉnh nhà . Càng ngày BCH Tiểu Khu càng nhận được các thành quả chiến thắng từ các Chi Khu , Liên Đoàn và Tiểu Đoàn ĐPQ đầy khích lệ , đặt biệt là những thắng lợi của nghĩa quân trong công tác an ninh lãnh thổ .
      Trước giờ ký kết Hiệp định đình chiến Paris tháng giêng năm 1973, Cộng quân xua một Trung Đoàn chiếm cứ Cữa khẩu Đề gi , nơi đặt Bản doanh của BCH Duyên Đoàn 21 Hải quân . Vì tính cách nghiêm trọng của vi phạm Hiệp định đình chiến , Tổng Thống Thiệu đã yêu cầu Quân đoàn , Khu 22 Chiến thuật và Tiểu khu Bình định bằng mọi cách phải chiếm lại Cữa khẩu . Trước sự ngần ngại của vị Tư lệnh khu 22 Chiến thuật và theo đề nghi Tư lệnh Quân đoàn , Tổng Thống Thiệu đã chỉ định Trung Tá Nguyễn mạnh Tường làm Tư lệnh Mặt trận Đề gi , kèm theo chỉ thị tránh gây thiệt hại cho dân chúng .
      Cuộc hành nầy mang tên “ AN DÂN” , được chỉ huy bỡi một cưụ SVSQ khóa 5 VÌ DÂN là Trung tá Nguyễn mạnh Tường . Các lực lượng chủ lực tăng phái được lệnh phải nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh của Tư lệnh Chiến trường . Ông cho lệnh một đơn vị BĐQ bất thần tấn công chớp nhoáng chiếm giữ Đài Kiểm Báo , Cùng lúc đó một Đại đội ĐPQ của Trung Úy Phước chớp nhoáng chiếm giữ Núi Ghềnh . Bị tấn công bất ngờ vào ban đêm buộc địch tháo chạy và bỏ lại nhiều xác chết và vũ khí . Tiếp theo là cuộc đổ bộ bất ngờ 3 Tiểu Đoàn của Sư Đoàn 22 Bộ Binh từ chân núi Bà phối hợp với một Chi Đoàn Thiết Quân vận đổ bộ từ biển vào . Hai gọng kềm siết chặc ,với lối điều binh thần tốc , đánh địch từ sau lưng và cạnh sườn , buột địch quân co cụm ,một số bị giết , địch phải tự mở đường máu chạy thoát , số còn lại hết đường chạy ra bãi biển và bị ta bắt sống . Phụ giúp Ông trên trực thăng Chỉ huy gồm có Đại Úy Bùi trọng Thủy , Đại Úy Nguyễn cẩm Mậu . Từ không trung Ông vừa điều hợp chính xác các phi vụ không yểm , các tác xạ pháo binh yểm trợ , ngay cả việc tãn thương quân bạn . Trận chiến kết thúc Ông yêu cầu Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình chiến lập biên bản ghi nhận VC vi phạm Hiệp định và yêu cầu Ủy hội ký vào biên bản . Thắng lợi của cưộc hành quân Vì Dân theo Ông : đó là một cuộc hành quân không gây thiệt hại đến tánh mạng và tài sản của người dân . Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và Đại Tướng Cao văn Viên một lần nữa đến thị sát mặt trận Đề gi . Tuyên bố trước đông đảo phái đoàn ngoại giao và báo chí Quốc tế Tổng Thống nói “ Mặc dù đã đặt bút ký vào Hiệp định Hòa bình ,Cộng sản lại tiếp tục vi phạm Hòa bình . Nhưng với tinh thần Quyết chiến , Quyết thắng , Quân Dân Bình định một lần nữa đã đánh bại chúng .Với danh hiệu BÌNH ĐỊNH QUẬT KHỞI đã được trước đây , hôm nay Quân Dân Bình định nhận thêm một danh hiệu mới , Đó là BÌNH ĐỊNH QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG” . Nguyễn mạnh Tường đúng nghiêm đón nhận lời tuyên dương của Vị Tổng Tư lệnh Tối cao . Nhưng bên cạnh Tổng Thống còn có thêm Vị Tướng bốn sao , người đã từng vùi dập Ông trong quá trình quân ngũ . Phần thưởng cho Ông không hề có gì ngoài lời khen và sự thán phục .Tuy vậy Nguyễn mạnh Tường vẫn âm thầm chịu đựng và tiếp tục kiên nhẫn phục vụ .
      Kế tiếp là chiến tích của Ông bẻ gãy âm mưu tiêu diệt Phi trường Phù cát , nơi đặt bản doanh Căn Cứ 60 không Quân Chiến Thuật , là một trong những căn cứ không yểm quan trọng của Quân khu 2 , nhưng lại là nơi có phòng thủ yếu nhất. Là người giải mã được đặc lệnh truyền tin của địch . Ông yêu cầu Trung Tá Nguyễn hồng Tuyền ra lệnh cấm trại 100% . Ông tức tốc đặt ngay BCH Hành Quân của Ông tại Phi trường Phù cát , điều động tức khắc trong đêm Chi Đoàn Thiết giáp đang đóng tại đèo An khê của Trung Uý Huỳnh văn Mỹ và Liên đội Trinh Sát của Trung Úy Hồ Khuynh . Hai đơn vị nầy là nỗ lực chính đánh vào cạnh sườn của địch nhằm bẻ gãy hướng tấn công . Dự đón chính xác ý định của địch , với tài dụng binh mưu lược , Ông đã gây thiệt hại nặng nề cho địch. Trung Tá Nguyễn hồng Tuyền và toàn thể Quân nhân các cấp của Căn cứ từ đây xem Ông như là một Chiến hữu ân nhân .
      Lần nầy , thượng cấp không thể làm ngơ . Ông được chính thức thăng cấp Đại Tá tại mặt trận và được ân thưởng Đệ tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu . Tuy muộn màng nhưng cũng làm cho THUỘC CẤP và NHỮNG AI mến phục Ông tạm hài lòng . Dù bị bệnh viêm tai nặng do quá trình lâu dài bay bổng chỉ huy hành quân , nhưng Ông không hề khai bệnh . Tuy nhiên công lao của Ông cũng chỉ tồn tại với thời gian nhất định , khi mà nạn mua quan bán tước lại bắt đầu tái diễn . Quân Dân Bình định lại phải mất đi một nhân tài , một cán bộ mẫn cảm !. Ông cáo bệnh từ quan , xin nhập viện vì bệnh viêm tai . Chiến hữu dưới quyền nhiều người đến thăm viếng Ông . Với nụ cười đượm nét ưu phiền , Ông nói “ không thể làm việc được nữa thì phải đi , tôi đã nói lời cảm ơn Ông Thọ đã đến thăm tôi hôm qua” .

      Cà Mâu . .

  5. Người đa sự says:

    Khi ta lên voi,( ừ! ) mi là cỏ rác
    Khi ta xuống chó, (à) ta vẫn là ta !
    Trách người phải nghĩ đến cái oan gia
    Tại sao phụ rẫy tình ta thế này?

    Ô hay !
    Phu thê tình nghĩa sao đây?
    Bên trong ai biết tình này thực hư!

  6. sontungdaosi says:

    Anh Tường ơi! chắc anh cũng đã tỏ( “tường”!)
    Tôi anh cũng đã sống cùng “đường”…
    Thương tiếc mà chi khi tình phụ!!!
    Khi (đã) vào cửa Phật để dựa nương..
    .
    ***
    Tôi (AET), anh hai kẻ đã một thời…
    Tung hoành trận mạc khắp nơi nơi…
    Tôi nay “tạm ổn” nơi cửa Phật.
    Anh còn đau khổ bởi” thói đời “!!!

    ***
    Thói đời đen bạc vốn là thường…
    Quên đi quá khứ chuyện bi thương!!!
    Chúc anh “niệm Phật”,TAM^ VO^ NGẠI.
    Đến khắc lâm chung vãng Tây phương.

    ***
    Kính gởi đến anh để anh “Tường”!!!
    Nhất tâm buông bỏ chuyện “bi thương”!!!
    “Chân trời tối hậu” anh sẽ thấy(kiến tánh).
    “Ngộ” rồi… anh được Phật “thừa đương”(thọ ký).
    Nam mô A di đà Phật !

    • Ly Dalat says:

      Xin cho nghe bài Thơ Hoài hương của thi hào Đức HoLderlin đi Bác Viện !
      Với lại cái nổi lòng Của Bậc sư Chu Văn An là sao hở Bác Viện.Làm ơn giúp con cháu đi Bác.Kính Chúc Bác Viện Một Năm mới Tân-Mão dzui dzẽ,khõe mạnh,có bồ nhí .

  7. Cu Tý says:

    Thắp nén hương lòng buồn vời vợi,
    Thương người chiến hữu bỏ cuộc chơi.

    Khí hùng còn đó chói ngời !!!

  8. Thế Phan says:

    Ông Tường đang đau, mà nói nọ kia, thế nào ấy.
    Tuy nhiên, nhận thấy rằng, sự việc ông Tường ở
    trong quân ngũ xưa, mà cũng như ông cựu
    Đại tá Liễu, cùng vô đảng Đại Việt để chống lại
    Cụ Diệm. Vậy các ông là gì ? các ông muốn chi?
    Đời quân ngũ sau này của các ông, ít ra cũng là
    đại tá, khá cao cấp rồi; tuy các ông bị chánh phủ
    dư biết các ông là ” đảng viên X” nên nghi ngại
    các ông. Cho các ông thăng cấp rồi trao cho
    cấp…sư đoàn để các ông…đảo chánh hay sao.
    Nay chiều rối, các ông đi tu thân , là đúng.. (TP)

  9. son tung dao si says:

    Thương tiếc chi một đời sương,nắng gió…
    Gát kiếm cung vẫn lụy bởi nghiệp tình!!!
    Thôi thì thôi,,,một thời của chiến chinh,
    Xin “vô niệm”để thần thức “vô ngại”…

  10. Than chuc anh Tuong than tam an lac o bat cu noi nao.

Leave a Reply to Minh Hoa