WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khi mê tín được gắn dấu Quốc Gia

Từ “mê tín” được từ điển Wiktionary định nghĩa như sau:

1. (danh từ) Lòng tin không căn cứ, cho rằng có những sự việc nhất định đem lại hạnh phúc hoặc gây ra tai họa.

2. (động từ) Tin một cách mù quáng.

Ảnh: internet

Tôi cho rằng: Mê tín là nằm trong một dãy trạng thái tâm lý nhân loại, từ “niềm tin” qua “tín ngưỡng”, đến “mê tín”; các trạng thái này tất nhiên nương tựa nhau, chuyển hóa nhau; “mê tín” có thể bị tăng tiến hay được thuyên giảm nhờ “niềm tin” được điều chỉnh; mà sự điều chỉnh ấy lại là kết quả tác động của nhận thức, của tri thức.

Đương nhiên, con người thuộc những xã hội phát triển thấp sẽ mang tâm thức mê tín nhiều hơn con người ở những xã hội phát triển cao hơn. Người Âu Tây ít mê tín hơn người ở các phần còn lại của thế giới, − ấy là do những thành tựu phát triển tri thức khoa học và phát kiến kỹ nghệ rất sớm sủa (người ta tính từ thời Phục hưng, tức từ thế kỷ XIV) ở khu vực của họ đã tác động vào nhận thức, vào tư duy của từng con người và vào nếp tư duy của cộng đồng, khiến họ trở thành bộ phận sớm nhất trong nhân loại đã rời bỏ những nếp nghĩ mông muội có xuất xứ từ ngẫu tượng giáo và vật linh luận nguyên thủy.

Phần thế giới ngoài Âu Tây, do tiếp xúc với tư duy duy lý khoa học Âu Tây, sau một vài thế kỷ, cũng đã bắt kịp Âu Tây trên một số phương diện cơ bản. Chẳng hạn ở Việt Nam, từ thời điểm kẻ dám thông báo về sự tồn tại của loại “đèn treo ngược” (đèn điện) còn bị coi là đáng tội “khi quân” (giữa thế kỷ XIX) đến thời điểm bùng nổ công nghiệp hóa (cuối thế kỷ XX), tư duy con người ở một số vùng, một số giới tiên tiến đã đạt tới những chuẩn duy lý gần như ngang bằng với các dân tộc của thế giới hiện đại. Tất nhiên cũng đã có những giai đoạn, các chuẩn “duy lý” thông tục bị thô thiển hóa đã lấn át những tập quán và tín ngưỡng cổ truyền, đẩy chúng vào khu vực hoạt động giấu diếm, phi pháp.

Tình hình đã khác đi từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, khi các lễ hội xưa dần dần được phép hoạt động công khai trở lại, hơn thế, còn trở thành niềm hứng khởi của cả dân gian lẫn các giới quan chức, bởi chúng được coi như nguồn bổ sung cho những niềm tin đang lung lay trước các làn sóng văn minh của thời đại.

Song, chính sự tái bùng nổ của lễ hội cũng chính là nguồn khích lệ cho sự trỗi dậy của các loại “mê tín” vốn chưa bao giờ rời bỏ cộng đồng cư dân từ thượng cổ đến hiện tại vốn chủ yếu chỉ sống với nghề nông, phụ thuộc vào nắng mưa ấm lạnh của thời tiết và những biến động xã hội mà người ta khái quát thành sức mạnh của ông Trời.

Hầu hết các lễ hội đều gắn với những “mê tín” nhất định, mà một trong những biểu hiện nổi bật là ở khát vọng của công chúng thủ đắc những “tín vật”, “linh vật” nhất định.

Nắm được “bí kíp” này, các nhà tổ chức các loại lễ hội khác nhau đều đang ra sức khai thác tâm lý mê tín của công chúng, làm sống lại những “linh vật”, “tín vật” vốn có từ xa xưa, thậm chí táo bạo “sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới.

Tờ giấy hoặc mảnh vải có đóng “quốc ấn” (tân tạo) quân chủ, chiếc túi đựng một ít hạt ngũ cốc được xem là “lộc” của triều đình quân chủ, − ấy là những “linh vật” được phục chế từ những tín điều đã tồn tại từ thời quân chủ: tin vào vận may do vua quan ban phát, xem nó là “lộc trời”, “lộc vua” − một niềm tin mà chẳng biết do định hướng nào, các nhà tổ chức lễ hội ngày nay lại muốn khơi dậy trong tâm thức cư dân hiện đại? Giá trị văn hóa truyền thống ư? Loại “giá trị” tuân phục vua quan, cầu lộc rơi lộc vãi từ tay các giai tầng thống trị, − đâu có phải hệ giá trị cần được dung dưỡng, duy trì trong thời đại giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thời đại của các nguyên lý dân chủ, công bằng, văn minh?

Hơn thế, các nhà tổ chức lễ hội hiện đại ở ta còn muốn “sáng tác” ra những “linh vật”, “tín vật” mới, như là vừa muốn làm sống lại vừa muốn tạo thêm ra càng nhiều càng hay những sinh hoạt của thời trung đại trong ý thức và đời sống của cư dân.

Ngọn lửa lấy từ một nơi nào đó được xem là gốc tích một truyền thống nào đó, ít lâu nay đã trở thành “linh vật” hiện đại cho nhiều lễ hội thể thao, văn hóa, thậm chí lễ hội chính trị.

Trong hội thơ xuân Tân Mão này, người ta còn sáng tác thêm hai loại linh vật: ấy là “nước” ở nguồn Pác Bó và “đất” ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.

"Xuân đã cạn ngày, nhưng dư âm của một mùa lễ hội thì vẫn còn đấy". Ảnh minh hoạ: soixam.com

Trong số những người làm thơ hẳn có những kẻ cảm thấy cội nguồn thơ Việt, − qua  chuyện xác định “tín vật”, “linh vật” này, − bị thu rút ngắn hẳn lại: nó chỉ có độ sâu quá khứ chưa đầy trăm năm, chứ không còn là độ sâu ngàn năm, bởi người ta không đến lấy đất ở Trường An, Ninh Bình, nơi nhà sư Đỗ Pháp Thuận từng đáp vua Lê Hoàn bằng thơ “Quốc tộ như đằng lạc…”, cũng không đến lấy nước từ sông Như Nguyệt, nơi xuất hiện thơ thần “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, cũng không đến lấy nước từ giếng cổ trong hoàng thành Thăng Long vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới…

Tất nhiên chuyện lựa “đất” nào “nước” nào, dầu sao cũng chỉ là tiểu tiết; điều chính yếu ta quan sát được ở đây vẫn là nỗ lực tạo thêm những “tín vật”, “linh vật”: có vẻ như người ta đang gắng làm cho chúng tràn ngập đời sống hiện tại. Sống với thế giới linh vật, tín vật cả cũ lẫn mới ấy, khó mà nói cư dân chúng ta sẽ trở thành cái gì: con người của thế giới hiện đại hay con người của quá khứ trung cổ?

Một điều đáng nói là hầu hết những lễ hội kể trên đều gắn với hoạt động tham dự thậm chí chủ trì của quan chức cao cấp, hoặc do các tổ chức chính thống chủ trì, với tư cách những lễ hội chính thống ở tầm quốc gia. Tức là những tín ngưỡng, những “mê tín” ấy đã mặc nhiên được đóng dấu quốc gia.

Trong một tình thế như vậy, không khó để thấy trước rằng, tâm lý chuộng “mê tín” chỉ càng ngày càng gia tăng. Bởi khi giới những người quản lý xã hội, quản trị cộng đồng cũng mang những niềm tin, “tín ngưỡng”, “mê tín” ngang với mức của công chúng dân cư, thì không có cách gì làm vơi bớt hay phai nhạt sự “mê tín” của số đông cư dân được cả.

© Lại Nguyên Ân

4 Phản hồi cho “Khi mê tín được gắn dấu Quốc Gia”

  1. Edward Nguyen says:

    Một trong những tín điều căn bản của chủ nghĩa cộng sản là vô thần song song với vô sản, xã hội hóa tất cả tài sản v v….bây giờ điều rõ ràng ai cũng thấy là việt cộng trở nên mê tín dị đoan một cách không tưởng tượng được, đảng viên, đầu đảng và gia đình đi cúng vái tùm lum để xin bỗng lộc và bình an, học sinh đi thi thì vào Văn Miếu rờ đầu rùa để được thi đậu, thương gia đi vay tiền Bà nầy Chúa nọ để phát tài phát lộc…… Đất nước đã trở lại thời mê tín hoang sơ, đảng cộng sản đã đến lúc cáo chung.

  2. lotxac says:

    Hãy trở lại “BÀI HỌC CỦA TÂY” sau khi biết mình không còn giữ cầm được người VN nữa; thì Tây họ muốn lấy lòng lại người Viet; họ cho người VIET ăn chơi; nhảy nhót; đồng bóng; lễ Hội để quên đi ” THẦY TU ” đảo lại là “THÙ TÂY”.
    Bài học này ;nay được CSVN học lại TÂY; họ biến Cán Bộ thành ” THẦY-TU” trong ṃoi AM-TỰ; trong mọi CHÙA CHIỀN… ngày mặc áo ” THẦY TU” đêm ăn chơi theo kiểu ĐẢNG.
    Thấy việc xảy ra như thế thì THIÊN HẠ nói rằng : QUỈ LỘNG SÂN CHÙA. Nhưng ; nhìn với mắt TIÊN TRI thì đây là DẤU HIỆU ngày tàn của CSVN như TÂY ngày xưa trước khi kéo LÍNH LÊ DƯƠNG VỀ PHÁP.

  3. hongha123 says:

    Từ lúc lòng tin vào cộng sản giảm sút ,người ta cần đến một đức tin để sống ,trong điều kiện bưng bít mọi thông tin của độc tài cs,chỉ còn lại thánh thần…
    Càng đói khổ, tuyệt vọng ở đời thực ,người ta càng nuôi dưỡng đức tin chốn tâm linh,mong được giải thoát.
    Đến thời kinh tế thị trường đời sống khá hơn, phú quí sinh lễ nghĩa ,mê muội càng ngày càng đi đến sông mê bến lú.
    Với chính sách ngu dân của cộng sản muốn người dân quên đi thân phận bị áp bức đọa đầy,vô tình chắp cánh cho sự băng hoại văn hóa đánh mất cội nguồn, dẫn đến một xã hội hư hỏng từ thượng tầng,tham nhũng tràn lan ,con giết cha ,vợ giết chồng ,thầy hiếp trò ,trộm cắp như rươi ,không ngày nào không có.
    Xã hội sẽ đi về đâu nếu không phải là thay đổi nó-chế độ cộng sản thối nát !

  4. 1/86 tr. con chim says:

    Người ta có câu nói rằng, “dân tộc nào thì chính quyền đó”!
    Chỉ tội cho lớp thanh niên- trẻ tuổi. Ở cái thế kỷ này rồi mà vẫn cứ sống theo kiểu lởm khởm của những nhà trức trách, quan huyện, già làng .v.v. toàn một lũ lởm khởm, chưa ra khỏi lũy tre làng, không giám nhìn xa hơn cái vành mũ cối. Nhưng rất thích làm lãnh đạo, thích chỉ đạo!
    Nền kinh tế thì sắp “chết đuối”, không biết tương lai con-cháu sẽ đi về đâu. Suốt ngày lễ với lạt tiêu tốn tiền đóng góp của dân xong ngồi ba hoa phét lác tưởng thế là hay, là sáng kiến.

    Vậy các bạn trẻ, nếu muốn sống một kiếp người như loài người văn minh thì hãy hành động đi. Bây giờ là thời điểm thuận lợi!

Leave a Reply to 1/86 tr. con chim