WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thuyết Domino trong chiến tranh Việt Nam

Sự hình thành.

Domino

Các tự điển bách khoa định nghĩa Domino là lý thuyết chỉ đạo chính sách ngoại giao Mỹ trong thời chiến tranh lạnh cho rằng một nước bị Cộng Sản chiếm các nước lân bang sẽ bị mất theo. Người đầu tiên dùng chính sách này là Tổng thống Truman từ năm 1947, các tổng thống kế tiếp Eisenhower, Kennedy, Johnson… cũng nhắc tới thuyết Domino để biện minh cho việc can thiệp của họ vào Đông Nam Á nhất là  chiến tranh Việt Nam.

Trước Thế chiến thứ hai, cuối năm 1938 tại Hội nghị Munich Anh Pháp cho phép Hitler lấy Sudetenland của Tiếp Khắc, gần hai năm sau Hitler thôn tính Ba Lan, Đan mạch Na Uy, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Bỉ, Pháp… Nhiều người cho Tây phương đã sai lầm hồi đó không ngăn chặn Hitler khi Đức chưa mạnh.

Sau thế chiến thứ hai Staline con người tàn bạo nổi bật lên, y cai quản nước Nga và Đông Âu, là con người nguy hiểm hơn Hitler vì uy quyền nhiều hơn, đế quốc rộng hơn. Năm 1949 Nga có bom nguyên tử, Trung Cộng chiếm được nước Tầu đã làm lệch hẳn cán cân giữa Thế giới tự do và khối CS. Người ta bắt đầu lo sợ hiểm họa CS, năm 1947 Dean Acheson Bộ trưởng ngoại giao của Truman khuyên Quốc hội trợ giúp Hy Lạp vì sợ CS chiếm và đã được Quốc hội nghe theo. Người ta ví như một quả táo thối có thể làm hư nguyên một thùng, mất Hy Lạp có thể đưa tới mất Iran và các nước Trung Đông và dần dần tới châu Phi qua Ai cập và Âu châu, Ý, Pháp, ở đây đảng CS đã hoạt động mạnh.

Thủ tướng Tây Đức Adenauer viết hồi ký về những năm 1945-1953, ông nói tôi đoan chắc Staline có quyết định chiếm Tây Đức với ít tàn phá nhất trong những năm hậu chiến. Chính sách của ông không đạt kết quả mong muốn nhưng tôi quả quyết ông ta không từ bỏ ý định. Nếu Staline thành công trong việc kiểm soát được Tây Đức với ít tàn phá nhất ông ta sẽ gây ảnh hưởng được tới Pháp, Ý trong khi hai nước này tình hình chính trị không vững và hai nơi này có đảng CS hoạt động. Nếu Xô Viết cai trị được Tây Đức, Pháp, Ý sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới về kinh tế, quân sự, chính trị, có nghĩa là CS sẽ thắng cả thế giới trong đó có nước Mỹ. Chính sách của tôi là vạch rõ âm mưu của Xô viết, họ còn sợ Mỹ vì có bom nguyên tử. Năm 1949 Xô Viết đã làm được bom nguyên tử, họ chờ cho tới khi sản xuất được nhiều bom hơn khi nào võ khí nguyên tử hai bên cân bằng, trên thực tế cả hai đều không dám sử dụng vũ khí nguyên tử khi ấy lục quân và không quân sẽ là lực lượng quyết định.

Rồi thuyết này lan truyền sang Á châu khi cuối 1948 Mao thắng thế bên Tầu, Việt Minh nổi lên chống Pháp mới đầu gặp khó khăn nhưng tới 1950 nhờ viện trợ của Trung Cộng VM thắng thế bằng du kích chiến, Mã Lai cũng có du kích chiến nhưng nhỏ hơn. Năm 1948 CS cũng nổi lên ở Nam Dương, tháng 11-1948 Tống Mỹ Linh sang Mỹ xin viện trợ nói nếu mất Trung Hoa, Á Châu sẽ mất về tay CS, tháng 12-1948 chính phủ Tưởng Giới Thạch lại gửi văn thư cho Hoa Kỳ nói nếu Trung Hoa mất Á châu sẽ mất về tay CS rồi châu Âu cũng mất. Nhiều người cũng nghĩ như vậy nhưng cũng không thuyết phục được giới lãnh đạo Mỹ.

Người Pháp đầu tiên đã nghĩ ra thuyết này cho rằng mất Đông Dương hay một phần Đông Dương về tay CS thì sẽ mất nhiều hơn thế nữa. Tháng giêng năm 1949 Tổng thống Pháp Vincent Auriole có bàn về một đề nghị Pháp thương thuyết hòa bình với Hồ chí Minh. Ông từ chối đề nghị ấy và lý luận nếu thương thuyết với Hồ, tay sai của Mạc Tư Khoa sẽ đưa tới việc mất Đông Dương và cả Đông Nam Á nữa, rồi chẳng khác nào giao Âu châu cho CS. Tuy người Pháp muốn phổ biến lý thuyết này, về sau nó phát triển mạnh ở Hoa Kỳ là do người Mỹ nghĩ ra chứ không phải do ảnh hưởng của Pháp.

Thập niên 50, 60 thuyết địa lý chính trị cho Việt Nam là cái trục tại Đông Nam Á, nếu Nam Việt Nam bị mất về tay Cộng sản thì các nước tự do khác ở Đông Nam Á như Lào, Miên, Thái Lan… và ngay cả Đại Hàn, Đài Loan, Miến Điện, Ấn Độ cũng sẽ mất về tay Cộng Sản.

Người đầu tiên đề xuất là Tổng thống Eisenhower năm 1954, ông nói một nước có thể ảnh hưởng về chính trị đối với nước láng giềng. Ta có một hàng quân cờ domino, nếu đánh đổ quân thứ nhất thì sẽ nhanh chóng những quân khác sẽ bị đổ hết cho tới quân cuối, đó là sự khởi đầu của tan rã. Lý thuyết này được dùng để biện minh cho sự can thiệp của các chính phủ Mỹ thập niên 50, 60 vào Việt Nam cho rằng nếu mất VN thì sẽ mất các nước láng giềng.

Đến Kennedy và Johnson quả quyết hơn cho rằng Mỹ phải cương quyết với Nga, Tầu, kế hoạch tầm ăn dâu của họ đụng chạm tới quyền lợi của Mỹ. Johnson nói cuộc chiến tranh chống Cộng Sản của Mỹ tại Đông Nam Á phải quyết liệt để thắng lợi nếu không Mỹ sẽ mất Thái Bình Dương và sẽ phải lập phòng tuyến tại bờ biển. Nếu không ngăn chặn Cộng Sản tại các nước Phi Luật Tân, Nhật, Đài Loan… an ninh sẽ mất khiến cho Thái Bình Dương trở thành biến đỏ. Việt Nam Thái Lan là điểm nóng của Mỹ, chúng ta phải giúp họ hết mình nếu không sẽ mất hết để rồi phải rút về phòng thủ tại San Francisco.
Trong khoảng từ 1945 tới 1975 nhiều người nói phải ngăn chận Cộng Sản không phải vì sợ mất Việt Nam nhưng vì để ngăn chận CS bành trướng sang các nước khác. Tổng thống Eisenhower trong cuộc họp báo  ngày  mồng 7 tháng 4-1954 nói về Domino, ông cho biết trong ván bài domino nếu mất quân đầu thì sẽ mất nguyên một hàng cho tới quân cuối. Vài tháng trước cuộc họp báo của Eisenhower, Donald R. Heath đại sứ Mỹ tại Đông Dương nói nếu Pháp không giữ được Đông Dương chỉ có những kẻ mù mới không tin rằng CS sẽ nuốt chửng Đông nam Á

(Only the blind could doubt the immediate Communist engulfment of Southeast Asia – answer.com).
Năm 1969 khi Mỹ bắt đầu rút khỏi VN, Walt W. Rostow, cựu cố vấn  an ninh của TT Johnson, một người quá khích đã nói.

“Không ai tại Á châu mà không hiểu rằng nếu ta rút khỏi VN là ta đã rút khỏi Á châu, khu vực sẽ sụp đổ
(“There’s nobody in Asia who doesn’t understand that if we pull out of Vietnam, we’d have to pull out of all of Asia, the place would fall.” – answer.com)

Sau 1975, VNCH sụp đổ nhưng Á châu vẫn tồn tại y nguyên vì Mỹ đã bắt tay được Trung Cộng và giải quyết được tận gốc của vấn đề, tận gốc thuyết Domino.
Trong những năm cuối của nhiệm kỳ Truman, Bộ ngoại giao và Bộ tham mưu liên quân nói mạnh dạn tháng 4-1950: Đông Dương mất có thể đưa tới mất lục địa Đông Nam Á và rồi Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương  sẽ rơi vào tay CS. Eisenhower làm Tổng thống năm 1953 cử Foster Dulles làm Bộ trưởng ngoại giao, ngày 31-3-53 trong một buổi họp Hội đồng an ninh Quốc gia đưa ra những điểm quan trọng như các nước ngoại biên như Nhật, Đông Dương, Ấn độ, Hồi quốc, Iran, NATO… nếu một nước nào mất sẽ sẽ ảnh hưởng tới chỗ còn lại.

Diễn văn của Phó TT Nixon tháng 12 năm 1953 nói.

“Nếu Đông Dương mất, Thái Lan sẽ đặt trong tình trạng bế tắc. Mã Lai một nước nhiều thiếc, cao su và Nam Dương cũng sẽ như vậy. Nếu toàn bộ Đông Nam Á chịu ảnh hưởng CS hay rơi vào tay CS, nước Nhật sống vì thương mại buôn bán với các nước ấy, muốn tồn tại cũng phải nghiêng về phía CS”
(If Indochina falls, Thailand is put in an almost impossible position. The same is true of Malaya with its rubber and tin. The same is true of Indonesia. If this whole part of South East Asia goes under Communist domination or Communist influence, Japan, who trades and must trade with this area in order to exist must inevitably be oriented towards the Comumunist regime)
spartacus.school.net.co.uk.

Tổng Thống Eisenhower (1953-1960)

Năm 1953 TT Eisenhower còn nói mạnh hơn về sự đe dọa như sau: Nếu Đông Dương mất bán đảo Mã Lai khó tồn tại, Ấn độ sẽ bị bao vây, Miến Điện sẽ không phòng thủ được. Ông nói ta cần phải ngưng ngay diễn biến của những biến cố này, nếu không ngăn chặn CS tại Đông Dương sau này ta sẽ phải trả giá đắt hơn. Đầu năm 1954 Pháp bắt đầu yếu thế tại Đông Dương, Đô Đốc Arthur RadFord Tổng Tham mưu trưởng ban tham mưu liên quân đề nghị nước Mỹ nên gửi quân tham chiến tại Đông Dương. Ông dùng thuyết Domino làm lý luận nói nếu CS kiểm soát đồng bằng Bắc Việt họ sẽ thắng tại Đông Dương sau đó sẽ chiếm được Đông Nam Á, có thể mất Nhật, ông nói Mỹ cần phải can thiệp bằng lực lượïng mạnh.

Hồi ấy dư luận báo chí ủng hộ thuyết Domino nhưng không ồn ào lắm. Ngày 6-4-1954 tại phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia, Eisenhower tỏ ra lo sợ nói nếu mất Đông Dương có thể mất Đông Nam Á. Thập niên 1940 Mỹ không giúp Trung Hoa ngăn chận CS vì Trung Hoa là một nước quá lớn, Mỹ sẽ tốn nhiều tiền và nhân mạng hơn còn Đông Dương nhỏ họ sẽ tốn kém ít hơn nên Mỹ có khuynh hướng bảo vệ Đông Dương.

Pháp thua trận Điện Biên Phủ người ta có cảm tưởng quân cờ domino mất, khi ấy Eisenhower chưa thất vọng lắm, trả lời phỏng vấn ngày 12-5-1954 ông nói quân cờ domino mất chưa chắc đã sập nguyên hàng, trước đó ông Dulles nói các nước bị lâm nguy nếu liên kết với nhau thì không sợ sụp đổ như ván cờ domino. Người Mỹ thời ấy coi VN là một nước có tầm mức quan trọng trung bình (a country of moderate importance), họ cố gắng cầm chừng để giúp VN thoát khỏi sự xâm lấn của CS. Năm 1961 khi sắp bàn giao chức vụ cho Kennedy, Eisenhower nói với Kennedy nếu Lào mất về tay CS thì Nam VN, Miên, Thái Lan, Miến Điện… cũng sẽ mất, chỉ là vấn đề thời gian.

Thập niên 60.

Trong giai đoạn này Hoa Kỳ đã tiến sâu vào thuyết Domino, các chính khách cao cấp của Mỹ tin vào Domino hơn dưới thời Eisenhower năm 1953, 54 vì cường độ xâm lấn của CS tại Á châu ngày càng rõ rệt từ Cao Ly sang Việt Nam, trong đó một số người điển hình là McNamara sau này lại cho thuyết Domino là sai lầm. Thập niên 60 thuyết này được tin tưởng rất nhiều, người ta cho rằng nếu để mất Nam VN hay Lào vào tay CS thì Hoa Kỳ sẽ bị mất uy tín (credibility), các nước khác sẽ không tin vào sự giúp đở của Mỹ và sẽ đầu hàng CS khi bị xâm lược. Các nước CS sẽ không còn e sợ Mỹ và sẽ càng gây hấn hơn, tư tưởng này phổ biến trong những năm 60. Năm 1961 Bộ quốc phòng và Ngoại giao Mỹ trình TT Kennedy một báo cáo: Mất Nam VN, Đông Nam Á sẽ tiến gần lại CS hơn, Domino đã được nhấn mạnh nhiều hơn thời 1954. Năm 1961 Phó TT Johnson có nói với Kennedy:

“Cuộc chiến đấu chống CS tại Đông Nam Á phải dứt khoát và mạnh mẽ để mang kết quả tốt nếu không Mỹ sẽ dâng Thái Bình Dương cho CS và ta sẽ phải phòng thủ ngay tại bờ biển Hoa Kỳ…. VN Thái Lan là những nơi trực tiếp – và điểm quan trọng nhất – nó là những địa điểm nguy kịch và xáo động đối với Mỹ. Chúng ta phải quyết định giúp họ hết mình trong khả năng của chúng ta hay chấp nhận thất bại tại đó và rút về phòng thủ tại San Francisco”…

(“The battle against Communism must be joined in Southeast Asia with strength and determination to achieve success there—or the United States, inevitably, must surrender the Pacific and take up our defenses on our own shores…

…”Vietnam and Thailand are the immediate—and most important—trouble spots, critical to the U.S… We must decide whether to help these countries to the best of our ability or throw in the towel in the area and pull back our defenses to San Francisco – answer.com.)

Tổng Thống Kennedy 1961-1963

Năm 1960 Kennedy đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 năm 1960, trong diễn văn nhậm chức ông nói sẽ tiếp tục chính sách của TT Eisenhower ủng hộ chính phủ Ngô Đình Diệm của VNCH, ông nói nếu miền nam VN thành nước CS thì các nước không CS trên thế giới sẽ bị lâm nguy. Nếu nam VN mất thì các nước Lào, Miên, Miến Điện, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc… sẽ bị mất theo. Nếu ta không ngăn chặn CS kịp thời ở VN nó sẽ lan rộng trên thế giới, ông cho rằng đây là thử thách lớn lao hơn hết cả mà ta cần phải đương đầu, an ninh của ta sẽ bị mất dần theo chiến lược tầm ăn dâu, ông nói ta cần phải sẵn sàng yểm trợ đồng minh để chống lại kẻ thù của ta bằng bất cứ giá nào dù nặng nề tới đâu để bảo đảm sự sống còn.

(“No other challenge is more deserving of our effort and energy… Our security may be lost piece by piece, country by country.” Under his leadership, America would be willing to: “pay any price, bear any burden, meet any hardship, support any friend, and oppose any foe to assure the survival and success)
Spartacus.school.net.co.uk

Năm 1964 lên làm Tổng thống, Johnson đặt ưu tiên chương trình xã hội trước quốc phòng, ông cũng lo ngại việc đưa lực lượng lớn của Mỹ vào cứu VNCH, một số viên chức nghiên cứu tình báo thuộc Hội đồng thẩm định quốc gia của CIA (CIA’s Board of National Estimates) cho biết thuyết này không đúng vững chắc. Nhưng đa số các các viên chức cao cấp như Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng quốc phòng McNamara, Giám đốc sở Tình báo trung ương John McCone và Tham mưu trưởng liên quân đều nhìn nhận thuyết này đúng, Tham mưu trưởng là người quả quyết mạnh nhất. Khi trợ lý ngoại trưởng Viễn đông sự vụ nghi ngờ thuyết này hỏi Tham mưu trưởng có thể lập một phòng tuyến khác để thi hành Domino không, ông ta nói không có vị trí nào hơn tại Đông Nam Á. Cả hai viện quốc hội đều tin ở thuyết này.

Năm 1965 khi Nixon chưa làm Tổng thống đã ủng hộ nhiệt tình thuyết Domino, ông cho biết nếu VNCH mất vì Mỹ rút quân thì Miên, Lào, Thái Lan, Nam Dương cũng mất theo, nếu Mỹ bỏ VN thì Á châu sẽ bỏ Mỹ và Thái bình dương sẽ thành biển đỏ
(“If the United States gives up on Vietnam, Asia will give up on the United States and the Pacific will become a Red sea – answer.com). Ông cũng nói nếu VN mất thì Á châu cũng mất vì họ sẽ theo CS trước khi CS chiếm họ (if Vietnam is lost, all of Southeast Asia is lost…  -  answer.com.)

Tháng 2 năm 1965 theo thăm dò của Viện Harris đại đa số tức 78% người Mỹ cho rằng nếu họ rút khởi VN thì CS sẽ chiếm hết Đông Nam Á chỉ có 10% là không tin như vậy, thuyết Domino kêu gọi hành động và Johson không còn cách nào hơn là đưa đại binh vào VNCH năm 1965. Sau này năm 1969 Tướng Wesmoreland cho biết nếu Mỹ không đổ quân vào Đà Nẵng hồi ấy thì sẽ mất trong sáu tháng, Tướng Ngô quang Trưởng cũng nói năm 1965 rất nguy kịch, trung bình một tuần VNCH mất một quận và một tiểu đoàn (Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh 1972). Người dân ủng hộ lý thuyết này nhưng với điều kiện cứu VN với cái giá vừa phải thôi, về sau cái giá phải chăng đã vượt quá cao tới 500,000 quân và từ đó số người ủng hộ tụt thang nhanh chóng. Năm 1968 vẫn có người tin vào thuyết Domino nhưng ít hơn trước, thuyết cũng đã bị chê cười không được tin tưởng như trước nũa

1970 và những năm sau

Khi Domino trở thành vấn đề tranh phiếu, những người chủ trương bèn cải biến nó nhẹ bớt đi một tí, những người đối lập chế nhạo cho là thuyết này vô lý. Năm 1970 TT Nixon không nói như năm 1965: Nếu VNCH mất các nước khác sẽ mất theo nhưng ông nói các nước không CS ở Á châu sẽ mất tinh thần, CS Nga Trung Cộng sẽ lên tinh thần.

Năm 1975 VNCH sụp đổ nhưng Đông nam Á không bị mất như chuỗi con cờ domino. Căm Bốt mất trước VN, Lào bị mất nhưng thực ra đã bị CSBV chiếm từ trước, nước Mỹ không phải đương đầu với CS, không phải rút về một phòng tuyến lùi lại phía sau. CS Đông Dương không tiếp tay với Trung Cộng xâm lăng Thái Lan trái lại thập niên 80 Thái Lan và Trung Cộng hợp tác với nhau để chống lại CSVN. Những người chống lại thuyết Domino nói VNCH mất đã không khiến Đông Nam Á bị lâm nguy. Những người ủng hộ thuyết này cho rằng Domino đã mô tả đúng thực trạng thập niên 60. Nước Mỹ đã bảo vệ VNCH và đã đưa cái khiên ra che chở cho Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương… không bị Trung Cộng hung hăng gây chiến. Thập niên 70 khi cái khiên (shield) được cất đi thì Đông Nam Á đã mạnh hơn và Trung Cộng đã dịu đi không còn gây chiến. Nhờ Mỹ giúp VNCH các tướng lãnh chống Cộng Nam Dương vững tinh thần đã đè bẹp cuộc nổi dậy của CS năm 1965.

Sau cuộc chiến tranh lạnh, một dòng thác đánh sập chế độ CS Đông Âu thập niên 80, 90 chứ không phải bị CS chiếm như thuyết Domino chủ trương. Năm 1989 Gorbachev không muốn giữ chế độ CS tại Đông Âu, CS đã sụp đổ tại Đông Âu và Xô Viết từ năm 1989 tới 1991.

Những người bênh vực

Như trên các người chủ xướng thuyết Domino thập niên 50, 60 đều đã nêu ra những lý do chính đáng để can thiệp vào Đông Dương trải qua các thập niên 50, 60. Các nhà hành pháp Mỹ trong các giai đoạn trên đã thực hiện thuyết Domino cụ thể bằng viện trợ quân sự và gửi quân sang tham chiến tại VN. Hầu hết các chính khách lập pháp cũng như hành pháp đều ủng hộ lý thuyết trong những thập niên này.
Sau này những người bênh vực Domino như Walt Rostov, phụ tá TT Johnson, Lý Quang Diệu Thủ tướng Tân Gia Ba cho rằng Mỹ can thiệp vào Đông Dương đã cho các nước Đông Nam Á củng cố và phát triển kinh tế chống lại ảnh hưởng của thuyết Domino. Mc George Bundy cố vấn TT Kennedy và Johson nói thuyết Domino ảnh hưởng mạnh thập niên 50 và 60, năm 1965 nó yếu đi sau khi Nam Dương tiêu diệt được phong trào CS trong nước. Những người chủ xướng Domino cho rằng kế hoạch ngăn chận (containment) đã đưa tới sụp đổ Xô Viết chấm dứt chiến tranh lạnh.

Vài người ủng hộ thuyết này cho rằng trong lịch sử CS đã viện trợ cho các nước lân bang như Trung Cộng giúp BV về tiếp liệu, Nga Sô giúp BV xe tăng, vũ khí nặng.  BV lại giúp Khmer đỏ và Pathet Lào, Mặt trận giải phóng.

Những người chống đối.

Những người chống đối thuyết này cho rằng thuyết này kỳ lạ, chưa hề có chuyện một nước bị mất kéo theo một lô các nước khác mất theo, tại sao người ta nghĩ tới một hậu quả khi mất VN còn hơn hậu quả đã mất Trung Hoa. Nhiều người cũng nghĩ tại sao Trung Hoa sụp đổ không gây ra sụp đổ cho những nước khác mà một nước nhỏ như VN có thể gây sụp đổ nhiều nước hàng loạt.

Có ý kiến phản bác cho rằng Trung Hoa mất 1949, Miến Điện nằm sát Tầu mà không bị mất về tay Trung Cộng thế mà Đông Dương chỉ chỉ bằng 1/8 diện tích nước Tầu, dân số chỉ bằng 5% dân Tầu không có biên giới với Miến Điện không có đường chở vũ khí sang Miến Điện như Tầu với Miến làm sao chiếm Miến được. Radford nói mất đồng bằng Bắc Việt sẽ mất Miến Điện trong khi BV chỉ bằng 2% dân số Trung Hoa.  Đông Dương chỉ là nước nhỏ nếu mất Đông Dương tại sao họ đủ sức chiếm Đông Nam Á. Thuyết Domino nói nếu Đông Dương, BV mất, thế giới thấy Mỹ không ngăn chận CS thì họ sẽ làm tới, các nước không CS sẽ không tin tưởng Mỹ mất tinh thần, nhiều người cho có sự mơ hồ về chữ CS, mất Đông Dương CS sẽ chiếm Đông nam Á, CS nào? CS Nga hay Tầu hay CSVN?

Chứng cớ VNCH sụp đổ các nước Đông Nam Á không bị mất theo khiến những người này cho rằng chiến tranh Đông Dương có tính quốc gia hơn là do CS, thí dụ như trong chiến tranh chống Pháp không có vấn đề CS quốc tế như người ta tưởng. CS lúc ấy đã có tính quốc gia như Nga, Tầu chia rẽ trầm trọng, CS Miên và CSVN chia rẽ, một theo Tầu, một theo Nga đưa tới chiến tranh giữa CSVN và CS Miên thập niên 80, CSVN và Trung Cộng giao tranh với nhau năm 1979.

Những người này cho rằng Domino đã diễn tả sai thực trạng của sự chống đối mạnh của người dân đối với chính quyền do Mỹ yểm trợ, chính quyền này thối nát áp bức người dân nhất là ở miền nam VN. Những người không ủng hộ như giáo sư Alistair McMillan cho rằng thuyết này phóng đại không để ý tới những yếu tố đặc biệt của từng quốc gia. Những người chống lại Domino cho rằng nhiều nước Đông Nam Á không có biên giới với Việt Nam làm sao có thể mất hàng loạt như trong ván cờ domino được.

Domino với CS ngoài Á châu.

Michael Lind, nhà văn Mỹ lý luận mặc dù thuyết Domino không ảnh hưởng với các nước lân cận nhưng có một trào lưu quốc tế CS lên cầm quyền tại Benin, Ethiopia, Guinea-Bissau, Madagascar, Cape Verde, Mozambique, Angola, Afghanistan, Grenada, và Nicaragua thập niên 70. Ảnh hưởng toàn cầu của Domino như trên dựa trên ý nghĩa tinh thần, uy tín của thuyết có nghĩa là sự thành công của các nước CS mặc dù nó đã không viện trợ cụ thể vật chất nhưng đã có ảnh hưởng tinh thần.

Nhà cách mạng Argentine Che Guevara năm 1967 nói cần có một, hai hoặc nhiều Việt Nam trên toàn thế giới. Sử gia Max Boot nói cuối thập niên 70 kẻ thù Mỹ nắm quyền tại Mozambique cho tới Iran và Nicaragua. Khmer Đỏ bắt giữ tầu Mỹ SS Mayaguez ngoài khơi hải phận quốc tế, Iran bắt giữ các nhà ngoại giao Mỹ tại Teheran, Hồng quân chiếm Afghanistan… mặc dù không có liên hệ tới chiến tranh VN nhưng điều chắc chắn là một siêu cường như Mỹ bị bại trận đã khiến kẻ địch khinh thường và gây hấn.

Ngoài ra thuyết cũng được chứng tỏ qua những cuộc khủng bố của nhóm khuynh tả tại Tây Âu do chính quyền CS yểm trợ từ thập niên 60 tới 80. Tại Ý kể cả việc bắt cóc sát hại cựu thủ tướng Ý Aldo Moro và việc đạo quân đỏ bắt cóc cựu Thiếu tướng Mỹ James L. Dozier. Tại Tây Đức có khủng bố của những toán quân Đỏ, tại Anh có khủng bố do Nga yểm trợ…

Năm 1977 Nixon xác nhận Chí lợi và Cuba có thể khiến châu Mỹ Latin vào vòng CS, thập niên 80 Domino lại được Regean dùng để để can thiệp vào Trung Mỹ và vùng vịnh Caribbean.

Năm 2003 chính phủ Bush nói đem quân sang Iraq để đem dân chủ tự do sang cho lan truyền ra tại Trung Đông, người ta nói đây là thuyết Domino đảo ngược (reverse Domino theory)

Nhận xét

Trước Thế chiến Thứ Hai 1939-1945 trên thế giới chỉ có một mình nước Nga theo chế độ Cộng sản, nhưng sau 1975 đã có 17 nước xã hội chủ nghĩa do chính sách xâm lấn theo kiểu tầm ăn dâu của CS. Khác với Trostky, nhà lãnh đạo Đệ Tứ Quốc Tế người bất đồng chính kiến với Staline chủ trương phải nhanh chóng tiến lên vô sản hóa toàn thế giới đã bị giết tại Mễ Tây Cơ năm 1940, Staline chủ trương chỉ tiến lên xã hội chủ nghĩa tại nước Nga mà thôi. Sau Thế chiến Thứ hai 1945 cơ hội bất ngờ do sự tình cờ của lịch sử đưa tới, Staline lại đi theo con đường của Trostky để nhanh chóng tiến lên vô sản hóa toàn thế giới.

Tháng 6 năm 1944, Mỹ đổ bộ Normandie tiến quân vào Tây Âu. Người Mỹ nhượng bộ cho Nga gần như toàn bộ Đông Âu phần vì họ nằng nặc đòi hỏi và đưa lý do đã phải hy sinh quá nhiều, hơn hai mươi triệu dân và lính Nga đã chết trong cuộc chiến, phần vì Mỹ muốn tiết kiệm xương máu nhờ Nga giúp một tay đánh quân Nhật ở mặt trận Á châu mà họ dự trù còn kéo dài hai năm nữa. Thế là chế độ CS tự nhiên bành trướng thật nhanh trên thế giới nhờ chiếm được một nửa Âu châu và rồi lại tiến sang châu Á.

Năm 1949 nhờ Nga giúp vũ khí tối đa Mao đã nhanh chóng chiếm được nước Tầu. Mỹ bỏ rơi Trung Hoa đã khiến cho cán cân lực lượng trên thế giới lệch hẳn di, CS quốc tế không ngừng ở đây mà tiếp tục gây chiến tại Triều Tiên tháng 6-1950 khiến Mỹ phải lấy danh nghĩa Liên Hiệp Quốc nhẩy vào can thiệp cho tới tháng 7-1953 mới chấm dứt. Ngay sau khi Mao thắng Tưởng 1949, CS quốc tế lại tiếp tục yểm trợ vũ khí cho Việt Minh dưới danh nghĩa giải phóng dân tộc để nhuộm đỏ Đông Dương. Năm 1948 Việt Minh thành lập được 32 tiểu đoàn chính qui, năm 1950 lực lượng VM tăng vọt lên 127 tiểu đoàn.

Trước nguy cơ Cộng Sản tràn xuống Đông Nam Á, cuối tháng 10-1950 Mỹ nhẩy vào vòng chiến viện trợ quân sự cho Pháp 300 triệu đô la, 40 máy bay chiến đấu. Năm 1954 Pháp thất trận Diện Biên Phủ ký Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Năm 1955 Mỹ hất cẳng Pháp nhẩy vào Đông Dương để kịp thời ngăn chận bước tiến của CS, người Mỹ muốn chứng tỏ cho CS quốc tế biết họ không chịu nhượng bộ, không chịu bỏ dù là một tấc đất.

Cuộc chiến tranh Đông Dương không ngừng ở đó mà tiếp tục tại phần đất còn lại dưới vĩ tuyến 17. Sau khi lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm cuối 1963, cường độ chiến tranh ngày càng mở rộng gấp bội trước. Cuộc chiến VN giai đoạn 1955-1975 rộng lớn hơn trước, về hình thức bên ngoài là cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc VN nhưng thực ra nếu nói về hỏa lực, vũ khí thì nó là cuộc chiến giữa Mỹ và CS quốc tế gồm Nga, Trung Cộng, và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Bắc Việt chỉ là con tốt lợi hại của CS quốc tế.

Theo tiết lộ của Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN ngày 15-4-2006 (BBC.com) trong thời gian 1960-75 CS quốc tế gồm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã viện trợ cho BV:

Súng bộ binh: 3,609,863 khẩu.
Súng chống xe tăng: 65,626 khẩu.
Súng cối: 27,936 khẩu.
Đạn tên lửa: 10,169 quả.
Máy bay chiến đấu: 458 chiếc.
Ngoài ra trong cuốn “5 Đường Mòn Hồ Chí Minh” của Đặng Phong trang 120 dựa theo Đại Tá CSBV Trần Tiến Hoạt trong bài “Nguồn viện trợ to lớn  của Liên Xô, Trung Quốc và Các nước XHCN” có nói rõ thêm nhiều chi tiết, chúng  tôi xin sơ lược  như sau:
Pháo hoả tiễn: 2,430 khẩu.
Pháo mặt đất: 2,770 khẩu.
Pháo cao xạ: 3,229 khẩu.
Tên lửa SA 75M: 23 quả.
Tên lửa VT 50v: 8,686 quả.
Tên lửa Hồng Kỳ: 1 trung đoàn.
Tên lửa S125: Hai trung đoàn.
Đạn tên lửa K681: 960 quả.
Tầu chiến hải quân: 82 chiếc.
Tầu vận tải hải quân: 148 chiếc.
Xe tăng các loại: 1,249.
Xe bọc thép: 970 chiếc.
Xe xích kéo pháo: 2,412
(Chúng tôi đã cộng lại số viện trợ của các nước)

Khi mới đưa quân vào VNCH  từ những năm 1964 là 23,300 người và 1965 là 184,300 người Hoa Kỳ tưởng rằng với hỏa lực hùng hậu họ sẽ đè bẹp đối phương nhanh chóng nhưng thực tế cho thấy hỏa lực của CS quốc tế viện trợ cho BV không đến nỗi tệ như họ nghĩ. Cho tới  cuối năm 1966 có 832 chiếc máy bay Mỹ bị địch bắn rơi (Đoàn Thêm, 1966, Việc Từng Ngày trang 223), toàn bộ cuộc chiến có 2,251 chiếc bị CS bắn hạ (en.wikipedia.org). Ngày 16-12-1972 tại cuộc Hòa đàm Paris, BV bỏ không thèm họp tiếp mặc dù bị Mỹ hăm dọa oanh tạc ồ ạt điều này chứng tỏ họ đã được Nga cung cấp một lực lượng phòng không hùng hậu nên mới dám hung hăng như thế, trong trận oanh tạc Giáng Sinh 1972, CSBV đã bắn hạ 15 B-52 và 12 phi cơ chiến thuật khác.

Từ sau khi miền Nam VN sụp đổ đến nay rất nhiều chính trị gia, chuyên viên Hoa Kỳ lên án cuộc phiêu lưu sai lầm của nước họ tại một lãnh thổ xa xôi ở bên kia nửa vòng trái đất.

Vào ngày 10-3-2006 hằng trăm chuyên viên, chính trị gia nghiên cứu về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tề tựu tham gia cuộc hội thảo tại thư viện Kennedy thành phố Boston để thảo luận đề tài “Chiến tranh Việt nam và các Tổng thống Hoa kỳ”. Họ cho rằng đó là một cuộc chiến sai lầm mang lại nhiều tai hoạ. Bà Giám đốc thư viện nói các vị Tổng thống Hoa kỳ đã dìm nước Mỹ ngày càng lún sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam, các vị đó đã tin rằng điều mình đang làm là phải nhưng thật ra chỉ là một sự liều lĩnh, theo bà một sử gia nói nó chỉ là một sự tính toán sai lầm về chính sách trong lịch sử đối ngoại của Hoa Kỳ. Một sử gia là diễn giả trong buổi hội thảo nói có một vài cuộc chiến tranh là chính đáng, theo ông cuộc chiến tranh Việt Nam không chính đáng.

Năm 1995 cựu bộ trưởng quốc phòng McNamara viết hồi ký In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam (Hồi tưởng, Thảm kịch và những bài học VN)   nói ông và các cộng sự viên đã hoàn toàn sai lầm theo đuổi cuộc chiến tranh như thế. McNamara nay xác nhận thuyết Domino là sai lầm trái với những năm đầu thập niên 60 ông là một trong những người ủng hộ nó mạnh mẽ nhất.

Nếu nói cuộc chiến tranh VN là sai lầm hoặc thuyết Domino là sai có nghĩa là nước Mỹ đúng ra không đổ quân can thiệp vào VN thập niên 60 nhất là năm 1965, có nghĩa là phải bỏ rơi Đông Dương từ hồi ấy chứ không phải từ 1975. Như chúng ta đã thấy ở trên thập niên 60 tại Mỹ nhất là năm 1965, từ hành pháp cho tới lập pháp người ta đều thấy mối nguy cơ CS đang bành trướng tại Á châu, gần 80% dân chúng ủng hộ chính phủ cho rằng nếu rút khỏi VN thì sẽ mất Á Châu. Người Mỹ đã lo ngại nếu để Đông Dương lọt lào tay CS thì các nước Đông Nam Á sẽ sẵn sàng đầu hàng theo CS vì không còn tin vào sự giúp đở của Mỹ. Người Mỹ đổ quân vào VNCH là vì quyền lợi của đất nước họ trong giai đoạn ấy, điều này trên thế giới ai cũng đều thấy cả.

Nay nhiều người Mỹ cho rằng thuyết Domino sai, họ lý luận sau khi VN và Đông Dương bị CS chiếm năm 1975 các nước Đông Nam Á vẫn tồn tại, không có nước nào bị sụp đổ như trong ván cờ domino. Họ giải thích hoàn toàn sai diễn tiến của sự kiện vì từ 1972 hành pháp Mỹ đã bắt tay hòa hoãn được với Trung Cộng, đã giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề, đã giải quyết tận gốc ảnh hưởng cũng như  tác hại của thuyết Domino.

Thập niên 1960 thuyết Domino vẫn đúng vào thời điểm đó, giả sử trường hợp năm 1972 Mỹ không hòa được với Trung Quốc thì thuyết Domino vẫn còn vững mạnh, họ vẫn tiếp tục cuộc chiến chống CS quốc tế xâm lăng và như vậy chuyện bỏ Đông Dương từ những năm 1962, 1963… 1965… là hoàn toàn không tưởng, họ vẫn còn nhiều quyền lợi tại Đông Dương, quyền lợi ấy do tương quan “môi hở răng lạnh”. Cuộc chiến VN không thể tránh được trong giai đoạn đầu thập niên 50 và 60 trong khi CS quốc tế đang gây hấn và bành trướng thế lực khắp nơi, Mỹ không thể nào bỏ Đông Dương vì quyền lợi của chính họ trên thế giới bị đe dọa nghiêm trọng lúc ấy, từ người dân cho tới chính phủ và quốc hội đều đã nhất trí với nhau như vậy.

Nếu Mỹ đã không phản ứng quyết liệt với CS quốc tế trong cuộc chiến 1960-75 này thì còn lâu mới hòa hoãn được với Trung Cộng, chỉ sau khi quá mệt mỏi phải chi viện cho BV, Trung Cộng mới chịu hòa hoãn, năm 1966 báo Sài gòn cho biết theo một nguồn tin ngoại quốc hàng năm Trung Cộng đã viện trợ khoảng 2 tỷ Mỹ kim nhiên liệu cho BV.

Báo Tân Văn số 21 tháng 4-2009 có đăng bài điểm sách của giáo sư James G. Blight về cuốn “McGeeorge Bundy Và Con Đường Dẫn vào Cuộc Chiến Tranh Ở Việt Nam” do ký giả Gordon M. Goldstein biên soạn. Bundy là cố vấn an ninh (1961-1966) cho TT Kenndy và Johnson, tác giả Goldstein cho biết ông đã phỏng vấn Bundy và tham khảo nhiều hồ sơ giải mã, giải mật năm 2008. Nội dung cuốn sách có những điểm chính như Kennedy dự định bỏ VN từ tháng 11-1961, McNamara và Tướng Taylor đề nghị rút cố vấn về nước, Kennedy bắt đầu rút quân ra khỏi VN từ cuối 1963 ông không muốn sa lầy vào cuộc chiến tranh VN, Bundy đã sai lầm khi xúi dại TT Johson đổ quân vào VN 1965.

Tháng 2-1965 Bundy thăm VN, lên thăm căn cứ Mỹ tại Pleiku đã bị VC tấn công sau đó ông về Mỹ khuyên TT Johnson đưa quân vào VN, Bundy sau này rất ân hận đã xúi dại TT Mỹ đưa quân vào VN, một quyết định có thể coi như tai hại nhất trong lịch sử nước Mỹ đó là quyết định của Johnson gửi quân Mỹ đi chiến đấu thay thế cho quân đội VNCH.

Mặc dù tác giả Goldstein nói đã từng phỏng vấn Bundy, từng nghiên cứu các hồ sơ giải mã giải, mật nhưng các sự kiện chính nêu trên trong cuốn sách lại tỏ ra sai lịch sử. Năm 1960 McNamara nhận chức Bộ trưởng quốc phòng, được toàn quyền điều khiển cai quản Bộ quốc phòng và được coi như nhân vật số hai của hành pháp Mỹ thời Kennedy cũng như thời Johnson, điều này ai cũng đều biết cả, trong khi Bundy chỉ là tay cố vấn thầy dùi ít được nghe nói tới. Người có ảnh hưởng nhiều nhất tới Johnson là McNamara chứ không phải thầy dùi Bundy. Năm 1961 trước tình hình CS gia tăng áp lực, Tổng thống Kennedy cho gia tăng quân số VNCH từ 170 ngàn người lên 200 ngàn người tăng cố vấn quân sự lên 3,200 người, viện trợ 2 chi đoàn thiết giáp M-113, ba đại đội trực thăng, 16 phi cơ vận tải C-123. Nhờ viện trợ quân sự của Hoa Kỳ chính phủ VNCH đã bình định được miền Nam. Nếu Kennedy cho rút quân về nước bỏ VN thì tại sao phải làm đảo chánh cuối năm 1963 để lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm? Thật là mâu thuẫn hết chỗ nói.

Bundy nói ông đã xúi dại TT Johnson đổ quân vào VNCH năm 1965 để chiến đấu thay quân đội VNCH là hoàn toàn sai. Ngày 6-4-1969 Tướng Wesmoreland, cựu Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ tại VN và Đô đốc Sharp cựu tổng tư lệnh Mỹ tại Thái bình dương công bố bản phúc trình 347 trang về chiến cuộc tại Việt Nam trong 4 năm chỉ huy. Theo các Tướng nếu Hoa Kỳ không đưa quân sang VN năm 1965 thì VNCH chắc đã mất trong thời gian 6 tháng. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh 1972) cũng nói y như vậy, giữa năm 1965 trung bình một tuần VNCH mất một quận và một tiểu đoàn, nếu Mỹ không đổ quân vào cứu nguy thì đã mất từ cuối năm 1965 nguyên do viện trợ quân sự Mỹ cho VNCH không đủ để tự vệ. Trong suốt cuộc chiến tranh hỏa lực VNCH do Mỹ viện trợ luôn luôn thua kém hỏa lực BV do CS quốc tế viện trợ, theo ông Cao Văn Viên năm 1972 nếu không có B-52 yểm trợ thì VNCH đã mất Quảng Trị, Kontum, Bình  Long.

Như đã nói ở trên năm 1965 thực trạng của tình thế đã đòi hỏi người Mỹ phải đổ quân vào VNCH chứ không phải quyết định riêng của Johnson hay McNamara, 78% dân chúng, lưởng viện quốc hội Mỹ đều muốn họ phải can thiệp vào VN không phải do lời cố vấn của Bundy. Theo thuyết định mệnh  lịch sử của văn hào Léon Tolstoi trong Chiến Tranh Và Hòa Bình, vĩ nhân không có ảnh hưởng gì tới lịch sử, họ chỉ là quân cờ của lịch sử huống hồ Bundy không phải là một vĩ nhân, chỉ là một tay thầy dùi ít ai biết tới. Năm 1965 người Mỹ phải đổ quân vào VNCH là một tất yếu lịch sử, họ tự cứu chính đất nước họ, vì quyền lợi của chính họ trước nhất.

Hai mươi năm sau khi chiến tranh VN chấm dứt, Kissinger trong cuốn Diplomacy xuất bản 1995 có nói về nguyên nhân hậu quả cuộc chiến tranh VN như sau:

“Nước Mỹ, với bất cứ giá nào đã phải trả giá cho cuộc phiêu lưu tại miền Nam của mình, cái giá phải trả này không tỉ lệ với những gì mà nước Mỹ đã thu được. Rõ ràng đây là một lỗi lầm vì đã đặt trọng tâm quá nhiều vào một nguyên nhân không được định nghĩa rõ ràng . . . .
. . . Quá lý tưởng để đặt chính sách của mình trên quyền lợi quốc gia, và đặt trọng tâm quá nhiều trên những điều kiện của một cuộc chiến tranh tổng thể và quan niệm chiến lược của mình, nước Mỹ không thể xoay trở được trong khó khăn  về chiến lược lạ lùng mà trong đó những mục tiêu về chính trị và quân sự kết liền nhau. Với niềm tin vào giá trị chân thật của mình, nước Mỹ đã đánh giá một cách hết sức sai lầm những trở ngại để dân chủ hóa một xã hội chịu ảnh hưởng bởi lý thuyết Khổng Mạnh.
. . . . . .
. . . . Lý tưởng của Mỹ đã khiến cả hai phía chính quyền và đối lập quan niệm một cách sai lầm rằng xã hội VN có thể được biến đổi một cách dễ dàng và nhanh chóng thành một thể chế dân chủ theo lối Mỹ. Một khi hy vọng lạc quan này sụp đổ và VN cho thấy còn rất xa một nền dân chủ thì sự chán nản là một điều không thể tránh được”

Nguyễn Đức Phương trích dịch, Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 52

Kissinger nói Mỹ quá lý tưởng để đặt chính sách của mình trên quyền lợi quốc gia, ông đã tô vẽ cho sự can thiệp của Mỹ vào VNCH một cách gượng gạo, thuyết Domino đã một thời thúc đẩy Hiệp Chúng Quốc từ người dân đến lập pháp, hành pháp vào con đường bảo vệ quyền lợi cho chính đất nước của họ chứ chẳng phải vì một lý tưởng nào. Nếu Mỹ vào VN vì lý tưởng dân chủ hóa, bảo vệ tự do độc lập cho VN thì tại sao họ đã không được các đồng minh Anh, Pháp ủng hộ và yểm trợ? Các đồng minh này biết rõ Mỹ chỉ vì quyền lợi riêng của mình. Nếu vì lý tưởng dân chủ thì tại sao Hoa Kỳ không đem quân vào các nước độc tài CS như Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc, Miến Điện… để biến các nước ấy thành một nước dân chủ tự do mà phải dân chủ hóa miền Nam VN?
S.A Herington, một sĩ quan Mỹ đã nhận định trong cuốn Peace With Honor? xuất bản năm 1983.

“Một đồng minh thiếu nhẫn nại trong một cuộc chiến tranh dài hạn, tại một quốc gia xa xôi, theo ý kiến các nhân tôi, là nguyên nhân duy nhất đưa đến sự tàn lụi của VNCH. Cố gắng của chúng ta để cứu Miền Nam VN khỏi tay CS đã biến thành một sứ mạng mông lung kéo dài cho đến khi cử tri Mỹ quá mệt mỏi, chán nản và bắt đầu đi tìm một lý do để quên đi. Lý do trong trường hợp này là kết luận rằng Miền Nam VN không đáng được cứu vớt”
Nguyễn Đức Phương trích dịch, Chiến Tranh VN Toàn Tập trang 53.

Cũng như nhận định của Kissinger, ông sĩ quan này cũng đề cao vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tranh VN, sự can thiệp của người Mỹ vào Đông Dương chẳng qua chỉ là để đẩy biên giới của Hoa Kỳ càng xa càng tốt chứ chẳng phải để cứu ai cả. Nay đã hòa được với CS quốc tế nhất là Trung Quốc thì vấn đề khỏi phải đặt ra. Bây giờ người dân Mỹ, hành pháp, lập pháp đều nhất trí với nhau rằng thuyết Domino đã được giải quyết tận gốc, quyền lợi của họ tại VN không còn thì “tẩu vi thượng sách”.

Ngày 2-8-1990 Saddam Hussein đem quân chiếm Kuwait, Mỹ đem quân tới mở chiến dịch Desert Storm giải phóng Kuwait bằng một lực lượng vĩ đại gồm 959,000 quân, 1,820 máy bay chiến đấu, 3,300 xe tăng, 8 hàng không mẫu hạm, 47 tầu chiến (Gulf war- en.wikipedia.org). Chiến dịch bắt đầu từ 23-2-1991 đến 28-2-1991 đã thành công, giải phóng được Iraq. Nếu mất Kuwait, sẽ mất Saudi Arabia, Iran, Ai Cập… và dần dần mất hết các mỏ vàng đen tại Trung Đông, Bắc Phi  về tay Saddam Hussein, như vậy không phải do thuyết Domino thì là cái gì? Chẳng lẽ Mỹ đem quân để cứu nước Kuwait vì độc lập tự do? Khi nào thuyết Domino mang lại lợi ích thì đúng, còn khi nào không có lợi coi như sai lầm.

Năm 2003 Mỹ đổ quân chiếm Iraq nếu là để dân chủ hóa đất nước này thì tại sao lại bị đồng minh Pháp, Đức phản đối, đó là cuộc chiến vì vàng đen mà ai cũng đều biết cả nhưng nhiều người Mỹ cho rằng TT Bush đem dân chủ tự do sang cho lan truyền ra tại Trung Đông, người ta nói đây là thuyết Domino đảo ngược (reverse domino theory), thật là diễu hết chỗ nói.

Kết Luận.

Vào những năm đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương giai đoạn hai người Mỹ hăm hở đổ quân vào VN nói là để cứu nguy đồng minh nhưng họ không Việt Nam hóa chiến tranh sớm hơn để miền Nam khỏi bị mất chính nghĩa. Quân phí hàng năm của Mỹ tăng dần như sau:

“Năm 1964: 403 triệu MK
Năm 1965:  646,1 triệu MK
Năm 1966: 5,8 tỷ MK
Năm 1967: 20,1 tỷ MK
Năm 1968: 26,5  tỷ MK.
Năm 1969: 28,8 tỷ MK”
(Đoàn Thêm “1969 Việc Từng Ngày”, trang 338)

Viện trợ quân sự của CS quốc tế cho BV cũng tăng nhanh như sau: Giai đoạn 1955-60 là 45,480 tấn vũ khí, giai đoạn 1961-64 lên 70,065 tấn vũ khí, giai đoạn 1965-68 lên 411,779 tấn vũ khí, giai đoạn 1969-72 lên 684,666 tấn vũ khí… (BBC.com)

Mới đầu người Mỹ tỏ ra khinh địch và quá ỷ lại vào hỏa lực của mình nên đã bị sa lầy dần, không phải CSBV có chiến thuật chiến lược hay mà số lượng vũ khí của CS quốc tế viện trợ cho họ không đến nỗi tệ. Ít có người Mỹ nào chịu nhìn nhận họ thất bại mà chỉ đổ thừa cho đồng minh thối nát, cuộc chiến sai lầm, thuyết Domino không đứng vững.

Cuộc chiến VN giai đoạn hai trên thực tế chỉ là sự đụng độ giữa Mỹ và CS quốc tế, BV chỉ là con tốt lợi hại, sau hơn mười năm mệt mỏi và tốn kém, cả Mỹ và Trung Cộng đã hòa hoãn với nhau. Nhưng ta thấy Mỹ chỉ có thể hòa hoãn, bắt tay được Trung Cộng sau khi họ đã chống chọi quyết liệt với chính sách, kế hoạch tầm ăn dâu của CS quốc tế, bằng cứ là họ không thể bắt tay với Trung Cộng từ những năm 1964, 1965, 66…

Cũng nhờ xương máu của quân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu lâu dài Hoa Kỳ đã hòa được với Trung Cộng, ít có người Mỹ nào nhìn nhận như thế hoặc giả vờ không nhìn thấy sự thật. Kissinger nói nước Mỹ đã phải trả giá cho cuộc phiêu lưu tại miền Nam của mình mà không thu được gì cả, sự thực không phải thế, cái mà họ thu được là đã giải quyết được tận gốc rễ thuyết Domino và đã được một thị trường rộng lớn nơi cung cấp cho họ nhiều chục triệu sức lao động rẻ mạt tuy phải trả giá cuộc chiến khá cao. Người Mỹ cũng nên biết CS quốc tế cũng đã trả giá tương đương nhưng không bao giờ có một lời than thở.

Nhân dân miền Nam biết ơn người bạn Đồng Minh Hoa Kỳ đã đem xương máu, vũ khí tài lực để bảo vệ miền Nam VN được sống thoải mái một thời gian khá dài nhưng người Mỹ cũng nên biết rằng nhờ sự hy sinh gian khổ, nhờ máu và nước mắt của nhân dân Miền Nam VN mà họ đã hòa hoãn được với CS quốc tế, Trung Quốc đã giải quyết được tận gốc rễ thuyết Domino, đã thay đổi cả một kỷ nguyên. Người Mỹ vẫn chưa nhìn nhận sai lầm của họ ngay từ đầu, họ không bao giờ chi viện vũ khí cho miền nam VN tương đương với hỏa lực mạnh mẽ của BV mà chỉ muốn viện trợ cầm chừng nên bao giờ VNCH cũng phải phụ thuộc vào yểm trợ của không lực Mỹ. Ngoài ra Mỹ thua trận vì đã để lộ sự yếu kém của mình, Bắc Việt đã thấy được cái “tẩy” của anh nhà giầu là “sợ chết”, họ sẵn sàng lấy 16 mạng cán binh đổi một mạng lính Mỹ để giành chiến thắng.

Cho tới nay đa số người Mỹ đã nhìn nhận cuộc chiến này là sai lầm, sai lầm nếu có là họ đã tham gia một cuộc chiến không cân xứng giữa một anh nhà giầu sợ chết và thằng nghèo đói đánh thí mang cùi. Người Mỹ không nhìn nhận thất bại của họ mà chỉ cho đó là sai lầm, mặc dù đã bắt tay được Trung Hoa đỏ nhưng đã phải trả cái giá cao về thể diện.
Khoảng 7 giờ rưởi chiều ngày 28-4-1975, đài BBC Luân Đôn trong bài bình luận cho biết ông Dương Văn Minh đã được cử lên giữ chức vụ Tổng thống để chuẩn bị cho một cuộc đầu hàng, bằng giọng mỉa mai cay đắng người xướng ngôn viên nói:

“Người Mỹ đang chuẩn bị rút lui êm thắm, họ cố gắng bằng mọi cách để giữ gìn thể diện dù phải tháo chạy nhưng Hà Nội đang ra sức làm cho người Mỹ phải bị bẽ mặt đến cùng để còn rêu rao cho cả Á châu được thấy…”

Hoa Kỳ bị mất thể diện và gần 60 ngàn lính vì cuộc chiến tranh VN nhưng miền Nam VN còn mất mát gấp bội lần như thế:

Đất nước mất về tay Cộng Sản, khoảng trên 200 ngàn quân nhân tử trận, vài trăm ngàn thường dân bị thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị trả thù, bị giam giữ trong các trại tập trung lâu dài, hàng mấy trăm ngàn người bỏ xác dưới đáy biển trên đường vượt biên chạy trốn CS.
Miền Nam VN đã trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ mà cuối cùng đã bị mất trắng tay tất cả, chẳng còn gì để thu lại.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

(Trích trong Cuộc Chiến Việt Nam Dưới Nhiều Khía Cạnh, xuất bản 2010)
——————–
Tài Liệu Tham Khảo:

www.answer.com/topic/domino-theory: Domino theory.
www.spartacus.schoolnet.co.uk/cold.domino.htm: Domino theory.
Wfps.k12.mt.us/…/carmichaelg/vietnam_domino_theory.htm:Vietnam Domino Theory.
en.wikipedia.org/wiki/Domino_theory: Domino theory.
www.martinfrost.us/htmlfiles/april-2009/domino-theory-html: Domino theory.
www.faqs.org/qua/qua-3818.html: What is the Domino theory.
www.english.illinois.edu/maps/vietnam/causes.htm: The causes of the Vietnam war.
en.wikipedia.org/wiki/aircraft_losses_of_the_Vietnam_war: Aircraft losses of the Vietnam war.
www.gwu.edu: operation desert storm.
En.wikipedia.org: Gulf war.
Google: Research at the National Archives, Statistical information about casualties of the Vietnam war.
Leo. Tolstoy: War And Peace, The Maude translation, W.W Norton & Company, Inc 1966.
BBCVIETNAMESE.Com: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiến Tranh, 10-5-2006.
Đặng Phong: 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trí Thức, Hà Nội 2008
Những Bài Học Về Một Thảm Họa, McGeorge Bundy Và Con Đường Dẫn Vào Cuộc Chiến Tranh Ở Việt Nam – McGeorge Bundy and the Path to War in Vietnam – sách mới của tác giả Gordon M. Goldtein, 300 trang – bài điểm sách  của Giáo sư James G. Blight, C.D Lạc Long Tư  dịch, Tân Văn  số 21 tháng 4-2009.
Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006.
Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa, Vietnambibliography, 2003.
Đoàn Thêm: 1966 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.
Đoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.
Nguyễn Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975, Tiếng Quê Hương 2006.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.
The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman – General Editor, A Bison-book 1985.
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 991.

5 Phản hồi cho “Thuyết Domino trong chiến tranh Việt Nam”

  1. Minh Đức says:

    Trích: “Kissinger nói Mỹ quá lý tưởng để đặt chính sách của mình trên quyền lợi quốc gia, ông đã tô vẽ cho sự can thiệp của Mỹ vào VNCH một cách gượng gạo, thuyết Domino đã một thời thúc đẩy Hiệp Chúng Quốc từ người dân đến lập pháp, hành pháp vào con đường bảo vệ quyền lợi cho chính đất nước của họ chứ chẳng phải vì một lý tưởng nào”

    Bàn về đoạn văn trên .Thật ra cũng có những người Mỹ mong muốn các chế độ Mỹ giúp được dân chủ chứ không phải chỉ vì quyền lợi mà thôi. Trước chiến thuật của CS là hễ đảng CS nào thành công trong việc đoạt quyền lực tại nước mình thì sẽ giúp các đảng CS tại nước khác cướp chính quyền, cứ thế mà lan ra trên toàn thế giới cho đến khi CS hoàn toàn chiếm thế giới thì Mỹ tìm cách ngăn chận. Mỹ ngăn chận sự bành trướng theo kiểu quân bài Domino ngã . Lý do Mỹ ngăn cản CS bành trướng theo kiểu Domino là vì Mỹ không thể buôn bán đầu tư tại các nước theo kinh tế bao cấp kiểu Liên Xô. Khi các nước CS lan tràn trên thế giới thì vùng Mỹ buôn bán, đầu tư, khai thác nguyên liệu bị thu hẹp, vùng khai thác kinh tế của Liên Xô mở rộng thêm. Mỹ giữ miền Nam trong khu vực kinh tế thị trường là để có cơ hội đầu tư, buôn bán, nghĩa là vì quyền lợi của nước Mỹ. Việc Mỹ muốn miền Nam có chế độ dân chủ tuy gọi là vì lý tưởng dân chủ nhưng xét sâu xa thì cũng là vì quyền lợi của Mỹ vì nước dân chủ, đời sống dân được nâng cao thì có nhiều người mua hàng hóa, dùng các dịch vụ ngân hàng thì có lợi hơn cho tư bản nói chung trong đó có Mỹ. Nước độc tài chỉ có một thiểu số giàu, còn đa số dân nghèo thì sức mua kém, tư bản bán không được bao nhiêu hàng hóa. Nước có chính quyền dân chủ sẽ sử dụng tiền viện trợ và tiền vay nợ có hiệu quả hơn, so với nước mà viên chức tham nhũng lấy tiền viện trợ và vay nợ bỏ túi. Mỹ và các nước giàu đem tiền giúp cho các nước nghèo để các nước này xây hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống dân chứ không muốn để các viên chức bỏ túi, đem cất ở ngân hàng ngoại quốc. Buôn bán, đầu tư vào nước mà dân khá giả có lợi hơn là buôn bán, đầu tư vào nước dân nghèo, kém học thức. Nước dân khá giả có tiền mua hàng, dân có học thức thì cung cấp được chuyên viên cho các ngành kỹ thuật cao hơn là chỉ cung cấp nhân công rẻ . Trung Quốc buôn bán mới Nam Hàn một năm 175 tỉ đô la trong khi buôn bán với Bắc Hàn chỉ có 5 tỉ đô la. Dân Nam Hàn giàu hơn nên Trung Quốc có lợi hơn trong việc buôn bán. Việc ông Kissinger nói muốn xây dựng chế độ dân chủ tại miền Nam tôi cho là thực tâm cũng như nhiều người Mỹ khác. Nhưng để đối phó với việc CS dùng chiến tranh để bành trướng thì loại người có khả năng quân sự chống lại CS thì thường là loại người lạm dụng quyền hành, tham nhũng. Còn người trong sạch có tinh thần dân chủ thì lại có khi không giỏi cầm quân đánh nhau. Mỹ đành tạm chấp nhận ủng hộ loại người quân nhân cầm quyền để khi tình thế khả quan hơn thì nước đó trở thành dân chủ hơn. Nam Hàn, Đài Loan, Chi Lê, Tây Ban Nha từng có chính quyền độc tài nay đã trở thành nước dân chủ. Sau khi các ông Thiệu, Kỳ ổn định được tình hình vào 1967 thì Mỹ đề nghị tổ chức bầu cử. Việc ông Thiệu bám vào địa vị là do ông ta tự ý làm, không phải là người Mỹ bảo ông ta làm. Lúc đó nếu miền Nam bầu lên người khác thì Mỹ cũng tiếp tục làm việc với người được bầu lên.

  2. Minh Đức says:

    Đây là một bài viết công phu và đầy đủ về thuyết Domino. Công phu vì tác giả đọc và dẫn chứng nhiều sách, đầy đủ vì tác giả trình bày cách nhìn thuyết Domino của nhiều nhóm người và thành phần khác nhau và trình bày khá khách quan và chính xác. Điều đáng khen là tác giả trình bày thuyết Domino thay đổI như thế nào qua thời gian từ thập niên 40 cho đến thập niên 70.

  3. tina says:

    HANG TRIEU NGUOI CHET, BI THUONG TAT VA MAT TICH TRONG 20 NAM CHIEN TRANH: CON SO MAT MAT CUNG QUA IT OI:

    DAN TOC VIET NAM DA MAT TIEU HET BAO NHIEU THE HE ROI CAC ONG OI.

    DUNG TINH TOAN LAN NHAN NUA.

    CAM ON.
    (BBT: Mời ông bà vào vpskeys.org tải phần mềm gõ tiếng Việt miễn phí)

  4. Trong Dat says:

    Trả lời ông Trinh
    Năm 1972 báo đăng theo tin Ngũ giác đài VNCH có 185 ngàn người tử trận, Mỹ 58 ngàn, BV và VC 1 triệu 100 ngàn người thiệt mạng . Năm 1995 CSVN (theo Ng đức Phương trong Chiến tranh VN tòan tập ) cho biết họ mất 1 triệu quân trong cuộc chiến, phía VNCH là 250 ngàn người.
    Theo các tài liệu khác của của Bộ Tổng tham mưu VNCH, của ông Cao văn Viên, của nhiều tác giả khác, của phía Mỹ… thì không thống nhất lắm, nó trên dưới 200 ngàn nhưng không có sách vở nào nói số tử thương của VNCH là một triệu cả
    TD

  5. LeQuocTrinh says:

    Thân chào ông Trọng Đạt,

    Tôi hơi nghi ngờ con số thương vong của miền Nam do ông trích dẫn:

    “Đất nước mất về tay Cộng Sản, khoảng trên 200 ngàn quân nhân tử trận, vài trăm ngàn thường dân bị thiệt mạng, hàng trăm ngàn người bị trả thù, bị giam giữ trong các trại tập trung lâu dài, hàng mấy trăm ngàn người bỏ xác dưới đáy biển trên đường vượt biên chạy trốn CS.

    Miền Nam VN đã trả cái giá quá đắt cho cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ mà cuối cùng đã bị mất trắng tay tất cả, chẳng còn gì để thu lại”.
    …………………………………..

    Tôi thầm nghĩ con số này phải lên đến hàng triệu sinh mạng, với hàng tăm tỷ US$ đổ vào VN, nửa triệu binh lính ngoại quốc hiện diện trên mảnh đất hình chữ S, trong 10 năm chiến tranh sử dụng những loại vũ khĩ hiện đại thời đó (B-52, F-111, PhanTom, SAM) thì không có lý gì chỉ có vài trăm ngàn hy sinh và thương vong.

    Các bạn độc giả khá nghĩ sao, có thể cung cấp dữ liệu chính xác hơn và thực tế hơn chăng ?

    Cám ơn,

Leave a Reply to Trong Dat