WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nguyễn thị Hoài Thanh

Sông Cấm. Nguồn: nguyentl.free.f

Trong những phụ nữ thuộc thế hệ chị và mẹ của mình, tôi rất thương chị Thanh và dì Bẩy. Khi còn đôi tám, người ta thường gọi dì là con Bẩy.

“Giọng hát của con Bẩy đưa đò khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh; giọng ấy lúc buông trầm xuống thì như hơi gió xao động cả dòng sông, chuyển rung mặt nuớc.” (Sơn Nam. “Con Bẩy Đưa Đò”. Hương Rừng Cà Mau. 51-52).(*)

Tài sắc, cũng như đức hạnh, không mấy khi mang lại hạnh phúc và may mắn cho những kẻ sống trong thời ly loạn. Cuộc đời cô Bẩy (rất) không may và (hoàn toàn) không hạnh phúc.

Ở tuổi thanh xuân, cổ gặp (và yêu) một người trên sông Cái Lớn. Chàng từ Bình Thủy xuống, đẹp trai, lịch thiệp, và hò hát cũng rất hay. Chỉ có điều đáng tiếc là người ta không phải thường dân, nên không chịu cùng cô Bẩy kết duyên đôi lứa, và sống an phận thủ thường – như những đám lục bình trôi, nơi ao hồ sông rạch. Chàng quyết chí đi theo tiếng gọi của non sông.

“Nghe qua con Bẩy bùi nghùi tấc dạ; từ chỗ kính mến đến chỗ yêu thương chàng trai đó cũng không xa mấy. Con Bẩy nhìn vầng trăng khuyết vừa hé lên khỏi ngọn bần.”

- Bao giờ chàng trở lại em xin chờ.
“Chàng cười mà đáp:
- Cảm ơn.
- Lời em hứa là chắc. Hay là chàng không tin nơi lời nguyền của gái đưa đò.
- Đâu phải vậy. Chỉ sợ tôi không giữ đúng lời hứa … Chí trai bốn biển là nhà…
“Dứt lời chàng đứng dậy cất mái chèo. Con Bẩy xúc động rưng rưng nước mắt. Duyên may một đời chưa chắc gặp hai lần.”
- Vậy thì xin chàng dậy cho em một hai câu hò để em nhớ đời.
- Cô hò đã hay mà lại có duyên. Tôi còn biết gì mà dậy thêm. Họa chăng chỉ có một tấm lòng này…


“Một tấm lòng! Con Bẩy mãi suy nghĩ về ba tiếng đó, chừng giựt mình nhìn lại thì chàng đã khuất dạng trong lớp sương khuya”
(Sơn N. sđd, trang 57).

Con Bẩy chờ hoài, chờ hủy nhưng người xưa không bao giờ trở về bến cũ. Thời gian thì đâu có chịu đợi ai. Tuổi đời khiến con Bẩy Đưa Đò phải chuyển nghề bán thịt, ở chợ Vàm, bên sông Cái Lớn. Thịt heo luộc của dì Bẩy nổi tiếng là “ngon hết biết” luôn.

Một hôm, có người năn nỉ xin chỉ cho cách luộc thịt. Dì Bẩy thoáng ngậm ngùi:

- Cái việc hò hát cũng như cái việc luộc thịt heo vậy. Ai làm cũng được. Cách thức dễ ợt. Nhưng mà công phu lắm.
- Công phu là thế nào dì Bẩy?
- Ở đây, hồi đó có người nói là cần “một tấm lòng” (Sơn N. sđd trang 59).
Chao ơi (là) một tấm lòng! Sống không có nó (ngó) cũng kỳ mà có thì phiền lắm và (đôi khi) phiền lớn. Cũng như dì Bẩy, chị Thanh lao đao lận đận – suốt cả cuộc đời – cũng chỉ vì một tấm lòng thủy chung, và đôn hậu của mình.

Bà Nguyễn Thị Thêu, một người bạn ấu thời của chị, kể lại rằng: ”Sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước, gia đình tôi ra Hải Phòng để chờ ngày di cư vào Nam. Hoài Thanh vốn là người Hải Phòng nên ba tháng hè chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Tôi rủ Hoài Thanh di cư vào Sài Gòn nhiều lần, nhưng Hoài Thanh bảo:

- Tao chờ anh Trúc ở ngoài kháng chiến về.”
(Nguyễn Thị Hoài Thanh. “Luyến Tiếc”. Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2007. 121**).

Thành phố Hải Phòng của Việt Nam, hồi đầu thập niên 1950, cũng như thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha (vào cuối những năm 1940) là ngưỡng cửa của sự tử sinh. Nhiều người dân Âu Châu liều mình (và đã bỏ mạng) để đến được Lisbon, bến cảng mà người ta có thể từ đó vượt thoát khỏi sự săn đuổi chủ nghĩa phát xít. Tương tự: nhiều người Việt cũng đã bỏ ruộng vườn, tài sản, mổ mả ông bà chạy đến Hải Phòng – để có thể lên tầu di cư vào Nam, trốn chạy hiểm họa cộng sản. Riêng chị Thanh thì khác. Chị ở lại (chỉ) để chờ một người về.

Không một ai trở lại, như chị Thanh và dì Bẩy đã ngong ngóng đợi mong. Người đời rồi cũng dần lãng quên cái giọng hát “khi cất lên cao thì cao hơn tầm bay bổng của con cò, con vạc, cao vút tận mấy vì sao đêm lấp lánh” của cô gái đưa đò (xuân sắc) năm xưa. Và thời gian thì để mặc cho dì Bẩy sống hết đời mình, trong cô đơn và lặng lẽ, ven một bến sông êm đềm, ở miền Nam.

Chị Thanh, tiếc thay, đã không có được sự “may mắn” tương tự như dì Bẩy – hai muơi năm trước. Cái giá mà chị phải trả cho tấm lòng trung hậu của mình không rẻ vậy đâu. Ở miền Bắc, nơi mà (“miếng thịt lợn chao ơi là vĩ đại”) thịt thà không phải là thực phẩm thường dùng nên chị Thanh bán than:

Em lội giữa đống than như con cá mắc cạn
Cố vẫy vùng cho vượt khỏi gian truân…

(Chu Tất Tiến. “Viết Về Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Hoài Thanh.” Hoa Phượng. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2007. 153).

Sống “giữa lòng cách mạng,” muốn “vượt khỏi gian truân” e hơi (bị) khó. Lý lịch trích ngang của Nguyễn Thị Hoài Thanh được Bùi Ngọc Tấn tóm tắt, như sau:

“Có việc gì mà không trải qua. Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ long…Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm … Đồng luơng không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con … (Bùi Ngọc Tấn. “Một Mơ Ước Về Kiếp Sau.” Viết Về Bè Bạn. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2005. 105***).

Chưa hết, còn có “huyền thoại” là chị Thanh có hai ông anh đã di cư: Nguyễn Xuân Vinh và Nguyễn Cao Kỳ. Cả hai đều (từng) là tư lệnh không quân của miền Nam. Huyền thoại này chỉ đúng năm chục phần trăm. Quả thực, chị là em của ông Nguyễn Xuân Vinh. Ở miền Bắc, có một ông anh cỡ đó cũng đủ chết (mẹ) rồi. Đâu cần đến cả hai.

“Dường như biết rằng có những dư luận bất lợi cho mình và mọi người nhìn mình bằng con mắt nghi kỵ xa lánh nên chị không chủ động thân thiết gần gũi với một ai.” (Bùi N.T. sđd, trang 99).

Chị sống thui thủi một mình là phải:

Sau hổi kẻng tan ca
Tôi ngã vào vòng tay lạnh lẽo của mùa đông.

Chị Thanh có một người em, cùng ở lại miền Bắc, tên Nguyễn Xuân Đăng. Ông mất sớm và được an táng ở Ninh Hải. Từ thành phố Hải Phòng, phải đi qua chợ Cầu Rào mới tới nghĩa trang này. Vì thế, trong tập Hoa Phượng, có một bài thơ thắm thiết tựa là “Chợ Cầu Rào”:

Em nằm bên kia sông
Chợ Cầu Rào chiều hôm nắng tái
Qua chợ dùng dằng
nửa muốn đi nửa toan ghé lại
Định mua quà cho em nhưng nào biết mua chi
Em nằm bên kia
Bên đây chợ lao xao kẻ mua người bán
Chỉ một thứ chẳng ai cần bán mua là nước mắt
Em mặc cả với đời mang nó đi theo …

Đời sống của cái gia đình nhỏ bé, riêng của chị Thanh, lại là thảm kịch khác. “Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba muơi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa…”

“Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và vuợt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy”
(Bùi N.T. sđd, trang 101 -104).

Thì quả có “như vậy” thật nhưng sao, đôi lúc, tôi vẫn mơ hồ nghe như có tiếng chị thở dài – dù (rất) khẽ:
Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi, với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?

Sông Cấm, đã có lúc, mang “nguyên vẹn” hình bóng của người thơ ra biển. Nhưng chính chị Thanh đã không giữ được nguyên vẹn hình hài, cho chính mình, như thế mãi.

“Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy… Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình” (Bùi N.T. sđd, trang 111-112).

Sau đó, sau khi bị thương tật – ở tuổi sáu muơi – chị Thanh sẽ không bao giờ còn được “khổ như” nhiều người dân Việt (trung bình) khác nữa. Có lẽ, chỉ còn có cách ăn xin để sống còn – như chị đã từng nghĩ thế.

Nhưng lòng tự trọng quá lớn đã không cho phép chị Thanh làm như vậy. Loay hoay một thời gian rồi chị cũng nghĩ ra một cách sinh nhai khác, lịch sự hơn. Chị vào Nam đi … mót!

Với dân Việt thì gặt lúa, bẻ bắp, rỡ khoai, rỡ lạc là những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Mót lúa, mót bắp, mót khoai, mót lạc …cũng là những sinh hoạt quen thuộc khác – với những nông dân khốn khó hơn, như trường hợp của chị Thanh.

Có chiều, ở Đồng Xoài, trong khi chờ người ta thu hoạch lạc xong để mót, chị đang ngồi chơi vẩn vơ đùa nghịch với những cây hoa mắc thì ý thơ chợt đến:

Chiều lặng ngồi trên cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh mặt lại đây
Có gì đâu mà mắc cở
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.

Có gì đâu mà mắc cở? Vậy mà tôi cứ xấu hổ mãi, sau khi đọc xong tập thơ Hoa Phượng – nhất là những bài chị Thanh viết về Di Linh, Đức Trọng, Tùng Nghĩa … Đó là những nơi tôi cũng đã sống qua, một cách rất vô tình, và đã đành đoạn bỏ đi – cũng vô tình không kém!

Chị Thanh thì khác. Từ Bắc vào Nam, không một người thân quyến, chị không đi để “nhận họ nhận hàng” với bất cứ ai. Chị đi qua từng vùng đất xa lạ của quê hương, với tấm lòng phơi phới:

Khi ta đến Di Linh chiều rất trẻ
Tiếng nắng về dát bạc dưới lòng thung…

Chị Thanh của tôi đến với tất cả chân thành và thiết tha, khi chia tay cũng thiết tha và chân thành – không kém:

Tạm biệt nhé Di Linh thôi chào nhé
Ở chưa quen đã vội vã ra về …

Trong chị Thanh chỉ có một tấm lòng, chứ tuyệt nhiên không có “những bức tường lòng” phân cách Bắc/ Nam – như rất nhiều người Việt khác. Tình cảm của chị tinh khiết, trong veo, như con suối nhỏ – len lách, róch rách – xuyên suốt cả ba miền đất nước…

Nhưng (thôi) đó lại là chuyện khác. Mà đêm thì sắp tàn rồi. Tôi “hứa” sẽ trở lại chuyện Bắc/Nam và chị Nguyễn Thị Hoài Thanh, trong những trang sổ tay kế tiếp, cũng trên diễn đàn này, khi có dịp.

© Tưởng Năng Tiến


Ghi chú:
(*) Sách được in lại (và in lậu) tại hải ngoại, tuyệt nhiên không có ghi một chi tiết nào về nhà xuất bản hay năm xuất bản.
(**) Tác phẩm Hoa Phượng của Nguyễn Thị Hoài Thanh, ấn phí và bưu phí 12 U.S.A dollars. Sách có thê đặt mua trực tiếp từ nhà xuất bản qua địa chỉ: uyenthao1@juno.com, hoặc Tủ Sách Tiếng Quê Hương P.O.Box 4653 Falls Church, VA 22044.
(***) Tác phẩm Viết Về Bè Bạn của Bùi Ngọc Tấn, ấn phí và bưu phí 20.00 U.S.A dollars, địa chỉ liên lạc như trên.

Phản hồi