WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Medvedev ‘dẫn điểm’ trước Putin

Tác giả Wacław Radziwinowicz viết từ Moscow. Bài viết đăng trên Wyborcza với tựa đề Miedwiediew przed Putinem

 

Ngày càng nhiều khả năng là Dmitry Medvedev sẽ tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm tới, và khả năng trở lại vị trí này của thủ tướng Vladimir Putin ngày càng ít hơn.

Hôm thứ Hai vừa rồi ở Nga đã xảy ra một chuyện chưa từng có – đó là tranh chấp công khai giữa 2 người đứng đầu nhà nước. Và Medvedev lại là người thắng cuộc.

Tranh chấp xảy ra khi Putin mạnh mẽ lên án quyết định của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho phép can thiệp quân sự vào Libya. Ông đã gọi đó là một quyết định sai lầm giống như việc kêu gọi “một cuộc thánh chiến”.

Bằng cách này, thủ tướng Putin đã gián tiếp phê phán đường lối ngoại giao của Tổng thống Nga, người đã đồng tình với chiến dịch can thiệp của LHQ qua việc không dùng quyền phủ quyết – vốn thường được nước Nga sử dụng để chống lại việc dùng sức mạnh quân sự với các thể chế độc tài.

Medvedev đã phản ứng nhanh nhẹn một cách khác thường. Ngay trong cùng ngày thứ Hai, ông đã lên tiếng, việc dùng từ “thánh chiến” là không thể chấp nhận được, nó dễ dẫn tới sự “xung đột giữa các nền văn minh”. Và rằng, Nga không phủ quyết quyết định của Hội Đồng Bảo An LHQ vì cho rằng nó phù hợp với quyền lợi của đất nước.

Bất ngờ với cuộc khẩu chiến này, những phóng viên nước ngoài đưa ra nhận định “đã bắt đầu cuộc chiến giành vị trí quyền lực nhất“. Thêm vào đó, hôm thứ Ba, phát ngôn viên của Putin nói rằng, những lời nhận xét của Thủ tướng về nghị quyết của Liên Hiệp Quốc chỉ là “ý kiến riêng” của ông, rằng quyết định việc này là người đứng đầu nhà nước. Vài giờ sau, chính Putin nói với các phóng viên rằng, chính sách đối ngoại  là do Tổng thống quyết định và ông ấy sẽ tìm ra đường hướng phù hợp nhất cho sự phát triển của đất nước.

Đây  là sự vi phạm nguyên tắc cơ bản trong lãnh đạo từ 3 năm nay: Đó là luôn thể hiện trước công chúng sự thống nhất tuyệt đối. Dưới góc độ của châu Âu, điều này có vẻ kỳ lạ, nhưng với nước Nga, đó là điều cần thiết. Ở Nga, người ta rất sợ những cuộc tranh cãi công khai giữa các lãnh tụ tối cao bởi dân chúng thường nhầm lẫn giữa con người và bộ máy quyền lực, họ thường bị chia rẽ và dẫn tới những ‘rắc rối’ hoặc sai lầm. Cấp dưới trong trường hợp đó cũng không còn biết phải nghe theo ai.

Do đó, Medvedev và Putin thường công khai khẳng định rằng, họ không hề bị chia rẽ, họ luôn gần gũi nhau, rằng họ thậm chí “giống nhau từ trong máu“. Các cộng sự của họ cũng nói, 2 người là một khối thống nhất, không có bất kỳ sự khác biệt nào. Và họ sẽ tiếp tục như vậy ít nhất là tới cuối năm 2011, khi còn vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống thì người ta sẽ thông báo ai sẽ là người lãnh đạo đất nước.

Nhưng sự khác biệt, không chỉ trong phong cách mà còn trong ý thức hệ, giữa Medvedev và Putin đã lộ ra rõ  rệt. Và cuộc tranh chấp hôm thứ Hai vừa rồi giữa Thủ tướng và Tổng thống là một minh chứng rõ nhất, đó không phải là trường hợp ngẫu nhiên.

Vào tháng Bảy năm 2010, ngay tại Moscow, Medvedev đã nói với các đại diện Ngoại giao Nga trên toàn thế giới rằng, cần “hỗ trợ để thúc đẩy nhân quyền ở mọi nơi trên thế giới“. Vì lợi ích của nền dân chủ Nga phù hợp với các giá trị dân chủ của các quốc gia khác. Điều này đã giải thích lý do tại sao Tổng thống Medvedev lại không phủ quyết nghị quyết về Libya.

Trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của Putin từ năm 2000 tới năm 2008, Moscow đã cứng rắn và nhất quán trong việc thực hiện chính sách không can thiệp chống lại các thể chế độc tài. Lý lẽ họ đưa ra để thuyết phục dân Nga là, bất cứ việc sử dụng vũ lực nào nhân danh việc bảo vệ các nguyên tắc dân chủ đều làm tổn hại tới quốc gia đó và mở đầu cho việc chiếm đóng của Mỹ với các quốc gia này để kiểm soát nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.

Do vậy, hôm thứ Hai vừa rồi, nhân sự kiện ở Libya, Putin muốn gửi tới một thông điệp đơn giản rằng, để tránh cho các nạn nhân một số phận bi thảm của cuộc “thánh chiến”, Nga cần phải tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chiến lược của mình.

Điều đó cũng cho thấy rõ sự khác biệt trong chương trình tranh cử sắp tới của 2 nhân vật đứng đầu này. Một tuyên ngôn chính trị tương tự dành cho Medvedev, mang tên “Hãy nắm bắt tương lai” đã được đưa ra một tuần trước đây. Dường như thông điệp đó đưa ra mà không có sự đồng ý và và phê duyệt của người đứng đầu nhà nước, nhưng thật khó  tin, bởi vì đó là sản phẩm của Viện nghiên cứu Phát triển đương đại (INSOR) mà Tổng thống là người chủ trì Hội đồng Giám hộ.

Đó là những quy định do các chuyên gia của tổng thống, qua những như cầu thực tế, trong thời kỳ cầm quyền của của ông Putin đã đưa vào. Họ đề nghị khôi phục lại các cuộc bầu cử thống đốc và các thành viên của Hội đồng Liên bang và hội đồng tối cao quốc hội. Họ cho rằng cần thiết phải phân cấp quản lý đất nước, tự do hóa pháp luật, đem lại sự độc lập thực sự cho nền tư pháp. Chỉ có bằng cách này, mới có thể thực hiện hiện đại hóa đất nước một cách đúng đắn và chống tham nhũng – mối đe doạ lớn nhất đối với Nga.

Bản tuyên ngôn chính trị của Putin đã được viết vào mùa thu năm 2010 bởi đạo diễn phim Nikita Mikhalkov. Theo quan điểm của ông, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của chính quyền là bảo vệ nền văn hóa của đất nước chống lại những ảnh hưởng nguy hại của phương Tây. Sẽ là mạo hiểm một cách không cần thiết khi thực hiện những cải cách chính trị; nhất thiết nên duy trì một chính quyền trung ương mạnh.

Medvedev đã dần dần đạt được các mục tiêu quan trọng trước khi cuộc chạy đua bầu cử bắt đầu.

Vũ khí chính trị hiệu quả nhất hiện nay là hệ thống truyền hình Nga, đặc biệt là 2 kênh truyền hình Quốc gia. Đây là những kênh có lượng khán giả lớn cả trong và ngoài nước, thu hút tới 90% người Nga.

Cho tới gần đây, thời lượng phát hình trên các kênh truyền hình này, liên quan tới Putin và Medvede, gần như ngang bằng nhau, thậm chí tính bằng giây. Nhưng gần đây, tổng thống đã đạt được lợi thế nhất định. Hôm chủ nhật, người Nga đã xem Tổng thống phát biểu trong chương trình tin tức trên kênh truyền hình hàng đầu này với thời lượng gần 10 phút mà không thấy mặt mũi Putin đâu. Còn hôm thứ Ba, vẫn trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Medvedev xuất hiện hơn 30 phút, trong khi Thủ tướng Chính phủ chỉ có hơn 4 phút.

Tổng thống cũng tìm cách xuất hiện thường xuyên trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là trong lực lượng vũ trang – lực lượng giữ ảnh hưởng rất lớn ở Nga. Các sỹ quan trẻ trong bộ máy cảnh sát và quân đội không bao lâu nữa, sẽ nhận được mức lương lớn gấp 3 lần hiện nay và những người lính trong các doanh trại được nhận những khẩu phần ăn tốt hơn nhiều so với năm ngoái.

Medvedev – trái ngược với Putin- cư xử cứng rắn với các tướng lĩnh. Mới đây, ông đã cho về vườn 50 quan chức trong ngành công an. Động thái này đã nhận được sự đồng cảm của lực lượng cán bộ trẻ và những sỹ quan cấp dưới vốn đánh giá thượng cấp của mình như những kẻ yếu kém và tham nhũng.

Một trong những cách mà Medvedev nâng cao vị thế của nước Nga là xóa bỏ hình tượng của Stalin, qua đó giúp cho Nga chính thức đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản. Đó là việc thay đổi toàn bộ sách giáo khoa phổ thông, tên của đường phố, các quảng trường, phá bỏ các tượng đài của sỹ quan Bolshevik, mở tung các kho lưu trữ và xây dựng đài tưởng niệm dành cho những nạn nhân của các cuộc thanh trừng cộng sản.

Vì vậy, ngày nay, nếu bạn hỏi ý kiến của các chuyên gia Nga, ai sẽ là ứng viên ngồi vào chiếc ghế quyền lực Tổng thống vào năm sau, sẽ rất ít người cho rằng, người đó không phải là Medvedev.

Người phụ trách Viện Nghiên cứu Chiến lược Phát triển của Nga (viết tắt là INSOR), Igor Jurgens, tin rằng kịch bản của Medvedev có ít nhất 70% cơ hội thành công. Còn Gleb Pavlovsky, cố vấn của điện Kremlin trong nhiều năm (bao gồm cả trong nhiệm kỳ tổng thống Putin), cho rằng tháng ba năm 2012, người chiếm ưu thế cho chiếc ghế quyền lực ở Nga sẽ chính là người đứng đầu nhà nước hiện nay.

© Mạc Việt Hồng (Bản tiếng Việt)

© Đàn Chim Việt

 

17 Phản hồi cho “Medvedev ‘dẫn điểm’ trước Putin”

  1. Truong sa says:

    Cặp bài trùng trên chính trường nga đang diễn trò trên sân khấu chính trị Nga, kẽ tung người hứng và ngược lại… của hai nhân vật trao đổi quyền lực, đang có âm mưu từ trước một nhiệm kỳ,của 2 con bài là : Putin và Med vedev .Nhìn chung nước Nga vẫn còn thiếu dân chủ ,đang còn bị nhóm quyền lực thao túng chi phối lũng đoạn chính trị .Vẫn còn mang hơi hướng của mùi chính trị độc quyền .

Phản hồi