WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Định Mệnh Tokyo: Can đảm đối mặt với thảm họa

Courage in the Face of Disaster

Walter Mayr, SPIEGEL, 29/3/2011

Nhiều người nước ngoài đã rời bỏ Tokyo. Nhưng người Nhật đang đối mặt với mối đe dọa đang tiếp diễn đặt lên nhà máy hạt nhâ Fukushima với sự trộn lẫn lo âu và bình thản. Niềm tin của họ vào khả năng vượt qua của đất nước không hề suy suyển.

Ảnh: Reuters

Shinkansen trông như một con rồng sặc sỡ không có cánh trên những đường ray khi nó lao đi từ sân ga 25 của nhà ga xe lửa Osaka trong buổi sáng sớm hôm nay ngay sau lúc mặt trời mọc. Nhân viên phục vụ trên tàu cứng nhắc trong các bộ đồng phục và đeo găng tay trắng đi mời khách đồ ăn thức uống.

Nhưng đoàn tàu thưa khách. Nó đang thẳng hướng lên phía bắc – đến Tokyo.

Ngày hôm trước, thủ đô đã rung động vì những dư chấn mới. Các báo cáo về nước uống bị nhiễm phóng xạ – đến mức mà nước máy không thể dùng để pha sữa cho trẻ em nữa – cũng làm cho cư dân xao động. Hơn hai tuần sau khi trận động đất mạnh 9,8 độ và cơn sóng thần kéo theo nó tàn phá miền bờ biển đông bắc đảo Honshu, theo báo cáo hơn 27.000 người đã chết hoặc mất tích. Các lò phản ứng bị tàn phá ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima lại tiếp tục nhả khói và hơi nước.

Nói cách khác, đó là những tin buồn cho những người khách lầm lì trong những bộ đồ mầu xẫm khi họ lao nhanh đến bờ biển với tốc độ đến 300 km/giờ để làm việc ở Tokyo. Bên ngoài cửa sổ, những ngôi nhà ít ỏi cuối cùng trên vùng ngoại ô Osaka, dân cư 2,7 triệu, lướt nhanh qua. Những ngày này, những ai ở lại thành phố này là có lựa chọn.

Osaka, trên bờ biển Thái Bình Dương Nhật Bản – được yêu cầu nhiều những ngày này – chẳng khác gì một ghế trong hàng ghế thoát hiểm trên máy bay. Anh lên máy bay rồi, nhưng sẵn sàng ra bất cứ lúc nào. Thành phố này cách thảm họa hạt nhân đang tiếp diễn ở Fukushima khoảng 600 kilomet, và có một sân bay quốc tế và những chuyến tàu cao tốc giảm giá.

Người đầu tiên ra đi

Những người nước ngoài, lưu ý đến những lời khẩn nài và cảnh  báo từ nhà, là những người đầu tiên rời khỏi Tokyo. Các đại sứ Đức, Áo, và Thụy Sĩ tạm thời dời đến Osaka, cũng như nhân viên của nhiều công ty quốc tế. Từ lúc đó, họ luôn theo dõi truyền hình Nhật từ một khoảng cách an toàn – những hình ảnh của các nạn nhân cuộc động đất mạnh được vây bọc bởi hàng núi mảnh vụn, hay những người mẹ mỉm cười dùng nước đóng chai pha sữa cho con. Từ Osaka, chúng là những  hoạt cảnh từ một cơn ác mộng trong một thế giới khác.

Các hành khách đọc kỹ các báo buổi sáng, khi con tàu lao vụt qua cố đô Kyoto. Tin tức không mấy tốt lành: ô nhiễm phóng xạ trên biển; các vấn đề về cung cấp điện do 20 phần trăm sản xuất điện hạt nhân ở Nhật Bản đang ngừng hoạt động; và những rối loạn trong các công ty Nhật Bản. Riêng Toyota đã giảm sản xuất 10.000 xe con mỗi ngày.

Tuy nhiên, vẫn có một thông điệp giữa các dòng chữ. Những người trốn chạy khỏi các vấn đề như thế, những người ngồi ở Osaka để đợi cho chúng qua đi, chắc chắn là một gaijin – một người không-Nhật hay người ngoài cuộc. Một ai đó không hiểu rằng bây giờ hơn bao giờ hết, mỗi cái răng trong một bánh răng đều có giá trị. Một ai đó né tránh trách nhiệm của mình trong khi một anh hùng như Nakamura Junichiro liều thân để làm nguội các lò phản ứng ở Fukushima.

Con tàu Shinkansen đến ga Tokyo lúc 9 giờ 43 sáng. Mạch của thủ đô đang đập đều nhưng chậm hơn bình thường. Các đường phố không đông đúc như thường lệ, các máy bán vé tại một số ga xe điện ngầm không làm việc, như một phần của cố gắng chung tiết kiệm điện. Trong các quầy hàng ở quận buôn bán Shinjuku, nhân viên công sở nhìn chằm chằm vào màn hình vô tuyến đang đưa tin tức cập nhật từng giờ từ khu vực thảm họa. Bình thường mọi năm vào thời điểm này, các báo cáo tường thuật về mùa hoa anh đào đã tràn ngập các làn sóng điện.

Trong cả thành phố không hề có một người biểu tình phản đối.

Ít có dấu hiệu hoảng loạn

Điều này thật đáng kinh ngạc nếu ta lưu ý rằng người Nhật hoàn toàn biết rõ rằng Fukushima cuối cùng có thể biến thành một Chernobyl mới. Nhưng những cảnh báo càng lớn tiếng thì người ta càng chạy đi xa hơn khỏi các vùng thảm họa: đến tận châu Âu xa xôi và đến tận Hoa Kỳ. Ở Tokyo lớn hơn, nơi trú ngụ của 35 triệu người, giống như các vùng khác của đất nước, ít có chứng cứ hoảng loạn.

Khả năng xảy ra một thảm họa hạt nhân chưa bao giờ là một vấn đề thật sự ở Nhật Bản. Mặt khác, ký ức về những trận động đất và chiến tranh, sóng thần và bão tố, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dường như cái chu trình không đổi phá hủy và dựng xây này là một phần của huyền thoại dân tộc. Phần lớn Tokyo đã bị phá hủy trong một trận động đất năm 1923 và một lần nữa trong các cuộc oanh tạc của không quân Hoa Kỳ năm 1945. Trong cùng năm ấy, những trái bom nguyên tử Mỹ đã phá hủy phần lớn Hiroshima và Nagasaki. Nhưng sau mỗi bi kịch, kể cả trận động đất Kobe năm 1995 làm chết 6.400 người, Nhật Bản lại xây dựng lại.

Nhà chuyên gia về châu Á Ian Buruma viết, các lực lượng phá hủy của thiên nhiên “trong một chừng mực nhất định là một phần của văn hóa Nhật Bản.” Điều này tạo ra mảnh đất màu mỡ cho một thuyết định mệnh Nhật Bản đã phát triển xuyên suốt lịch sử và lên đến cực điểm trong thành ngữ “shikata ga nai” có nghĩa là “chịu chết, không làm gì được.” Một sản phẩm khác là niềm tin phổ biến rằng không có cái gì đẹp trên trái đất này là vĩnh cửu, và rằng nhân dân Nhật Bản phải xiết chặt hàng ngũ trong những thời khắc nguy khốn của thảm họa quốc gia.

Các lãnh đạo chính trị Nhật Bản là hiện thân vật chất của thiên hướng này khi họ xuất hiện trước ống kính camera trong những bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh cực kỳ sạch và luôn được là ủi phẳng phiu, ăn mặc như những đốc công của dân tộc – ngay cả khi họ chỉ cung cấp những mảnh vụn của sự thật cho nhân dân của họ. Họ là hình ảnh phản chiếu của một hệ thống thành công dường như đã vượt qua chính nó từ lâu.

“Một thế hệ ăn bám”

Cường quốc kinh tế lớn thứ ba thế giới này nay đã là nước nợ nhiều nhất trong tất cả những nước công nghiệp phát triển, với 200 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của đất nước. Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản trong hơn nửa thế kỷ trước khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) và đương kim Thủ Tướng Naoto Kan lên nắm quyền năm 2009, để lại đằng sau một xã hội già nua bởi nạn chạy khỏi nông thôn, thanh niên thất nghiệp và thói cậy thân cậy thế.

Tuy nhiên, người Nhật vẫn ngại biểu lộ tức giận đối với giai cấp thống trị, bao gồm những người trong chính quyền và các đồng minh của họ trong những vị trí then chốt trong kinh tế, và những người điều hành trong những công ty như TEPCO, công ty điện lực chịu trách nhiệm về những lò phản ứng bị phá hủy ở Fukushima.

Có vẻ như giới trẻ Nhật Bản không coi thảm họa hiện nay là một bước ngoặt – chắc chắn là những ai áo quần tươm tất đi dạo trên những đường phố buôn bán của quận Harajuku Tokyo; những cậu trai trông như pêđê với những kiểu đầu manga và những cô gái son phấn trang điểm kỹ lưỡng trông gần như những búp bê, thì lại càng không. Ngay cả khi những cơn gió tây bắc thổi từ Fukushima mang theo mưa, họ vẫn dạo bước qua các cửa hiệu, khoảng một phần ba mang mặt nạ – để phòng ngừa phấn hoa, không phải phóng xạ.

Những đứa con này của các bậc cha mẹ siêng năng làm lụng, mang tiếng là “thế hệ ăn bám” phi chính trị, chỉ là một dấu hiệu của những gì mà thống đốc Tokyo, Shintaro Ishihara, con người luôn gây nhiều tranh cãi, gần đây phê phán như một sự xuống dốc các giá trị đạo đức, khi ông nói rằng những đồng bào Nhật này của ông đã đầu hàng chủ nghĩa vị kỷ. “Cơn sóng thần là một dịp tốt để tẩy rửa thói tham lam này, và chúng ta phải lợi dụng nó,” ông nói. “Thật tình, tôi nghĩ nó là sự trừng phạt của thánh thần.”

Thời khắc khó khăn nhất của Nhật Bản

Cho dù sau đó ông đã xin lỗi, việc cho rằng ông già Ishihara 78 tuổi, hiện đang vận động tái cử, đang cố gắng lôi kéo cử tri bằng lời chỉ trích này nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, giọng nói của ông chọc thủng cái im lặng nặng nề đã bao trùm đất nước. Không có ai khác là Ishihara đã giáng một đòn phản đối Thủ tướng trong tuần trước, về những cáo buộc rằng các lính cứu hỏa Tokyo đã bị bắt buộc phải dấn thân vào công việc hiểm nghèo ở các lò phản ứng Fukushima và bị đe dọa trừng phạt nếu họ không hợp tác.

Vị quan chức bị lên án vì đã đưa ra lời đe dọa là Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Banri Kaieda, phản ứng ngay lập tức. Câu trả lời của ông với lời lẽ thận trọng như một lời thú tội điển hình của người Nhật, cùng với yêu cầu đồng thời cho phép ông được ở lại cương vị cũ. “Nếu những lời lẽ của tôi xúc phạm đến các chiến sĩ cứu hỏa,” Kaieda nói, “Tôi xin được nói lời xin lỗi”

Nếu có điều gì đó đã làm tổn thương Trung úy Nakamura Junichiro, thì không phải những lời lẽ của vị bộ trưởng mà chính là phóng xạ nghe nói rò rỉ từ lò phản ứng số 3 đặc biệt nguy hiểm. Junichiro lúc đó đứng cách lò 25 mét.

Ông là một người đàn ông nhã nhặn, 45 tuổi, có vợ và một con gái, và trong sáu năm qua, là thành viên kiêu hãnh của “Hyper Rescue” một đơn vị tinh hoa của cục cứu hỏa Tokyo. Junichiro đã đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima chín lần sau khi sóng thần cao 14 mét đổ vào vùng bờ biển này. Ông đội mũ bảo hiểm, đeo dụng cụ đo quanh cổ và mặc bộ áo liền quần chống phóng xạ màu trắng làm bằng polyethylene.

“Bổn phận của tôi”

Ông cùng với năm chiến sĩ cứu hỏa khác đặt những ống mềm xuống bờ biển và đưa các bơm vào vị trí, cho đến khi, cuối cùng, nước biển chảy rào rào xuống các lò phản ứng bị quá nhiệt. Dụng cụ đeo quanh cổ Junichiro ghi được mức phóng xạ 16 millisievert sau 80 phút. Mặc dầu đấy là mức phóng xạ cao hơn sáu lần so với mức một người bình thường hấp thụ trong cả năm dưới những điều kiện bình thường, nó vẫn chỉ là một phần nhỏ của giới hạn mới được điều chỉnh gần đây áp dụng cho các kỹ thuật viên và công nhân làm việc ở lò phản ứng.

Junichiro nói rằng ông không do dự một giây trước khi làm phần việc của mình. “Đây không phải là lựa chọn của tôi, nhưng tôi muốn đến đó. Đây là giờ phút khó khăn nhất của Nhật Bản. Nó là bổn phận của tôi.”

Những tin tức hôm thứ Sáu tuần trước rằng thùng cách ly cho lò phản ứng số 3 , nơi Junichiro đang làm việc, có thể đã hư hỏng gây ra một sự xôn xao. Trong khi người vận hành nhà máy vật lộn để đối phó, Thủ tướng Kan quyết định, như một sự phòng trước, lên nói với nhân dân trên truyền hình. Ông nói rằng ông muốn cám ơn tất cả những ai đang “liều thân mình” ở Fukushima, kể cả các chiến sĩ cứu hỏa, binh lính và những nhà kỹ thuật.

Tuy nhiên, vẫn còn bối rối rằng trong lãnh vực của các kỹ sư phần mềm và các nhà chế tạo robot, không ai biết chính xác những con người quên mình trên tuyến đầu ở Fukushima đang phải đối phó với chuyện gì. Ngay cả Robert Gale, bác sĩ Hoa Kỳ là người được chính phủ Liên Xô dưới thời Tổng thống Gorbachev mời đến để khám cho các nạn nhân Chernobyl, và bây giờ đang được coi như là nhà tiên tri sống về hạt nhân ở Tokyo, cũng không biết.

Gale nói rằng lúc này Nhật Bản đang theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” Mặc dầu phạm vi của thảm họa vẫn còn chưa được biết, những đã rõ rằng “những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng là vấn đề chính.” Ông nói thêm rằng có lẽ ông phải kiểm tra nhà máy bị hư hại này để đi đến một sự đánh giá tình hình chính xác hơn.

100 lần cao hơn bình thường

Giáo sư Mikiso Iwasa, 82 tuổi, không hoàn toàn quan tâm đến việc xem xét trực tiếp thảm họa. Ngồi trong phòng làm việc giản dị của ông ở trung tâm thương mại Tokyo, Iwasa kể câu chuyện về thời trẻ, ông đã thoát chết qua cảnh cháy rừng rực ghê sợ như địa ngục ở thành phố quê hương Hiroshima của ông, bằng cách lặn xuống một bể chứa đầy nước. Ông là một Hibakusha, thuật ngữ Nhật Bản chỉ những người sống sót sau các cuộc đánh bom nguyên tử của Mỹ. Ông hiến dâng phần còn lại của đời mình cho cuộc đấu tranh chống vũ khí hạt nhân.

Sự hủy diệt Hiroshima và Nagasaki đánh dấu sự mở đầu của thời đại nguyên tử, và không chỉ đối với Iwasa. Nhưng rồi Fukushima sẽ có ý nghĩa gì? “Loài người biết phóng xạ là gì, và chúng tôi những người sống sót qua Hiroshima đặc biệt biết rõ.” Vị giáo sư già mỉm cười nói khi ông đẩy đĩa sushi bữa trưa của ông sang một bên. “Tôi tin rằng chính phủ Nhật Bản biết nhiều sự thật về Fukushima hơn nó sẵn lòng thú nhận.”

Chẳng hạn, không có các giải thích về các phép đo phóng xạ ở Thái Bình Dương cho thấy các mức cao hơn bình thường 100 lần tại một số điểm. Và cũng không có thông tin về những người công nhân đã phơi ra trước các mức phóng xạ trong nước đọng cao hơn bình thường 10.000 lần hôm thứ Năm tuần qua. Các giới chức chính phủ ở Tokyo đang chỉ đưa ra những thông tin tối thiểu. Ngay cả Tổng Giám đốc Cơ quan Nguyên Tử Năng Quốc tế (IAEA), Yukiya Amano, người đã từng lãnh đạo Vụ Giải trừ quân bị, Hạn chế các vũ khí hủy diệt hàng loạt và Khoa học của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cũng mím chặt môi.

Lúc này, Tokyo có vẻ đã chấp nhận số phận của nó, dù điều gì xảy ra. Những người bán hàng ở thị trường cá Tsukiji nổ tiếng của thành phố nhất quyết từ chối tiết lộ hải sản tươi của họ đến từ đâu, mặc dầu đầu bếp Dobashi ở Nhà hàng Sushi-Dai ở góc phố bên kia dường như bình thản khi ông thái lát cá ngừ mềm như bơ. Quầy hàng trước mặt ông đầy những thực khách. Các tiệm ăn phản ứng mềm dẻo, ông nói. “Chúng tôi hiện giờ lấy nhiều cá từ miền Bắc xa xôi, từ Hokkaido.”

Niềm tin điềm tĩnh

Thay đổi thật sự đã diễn ra ở thủ đô Nhật Bản chỉ trở nên rõ ràng sau khi đêm xuống, khi những biển hiệu bằng đèn neon tắt hết vì thiếu điện, khi các cửa hàng truyền thống trong khu trung tâm thương mại đóng cửa sớm hơn bình thường ba giờ, và khi cuộc sống trở nên ngưng đọng trong những vùng ngoại ô của thành phố.

Chính ở đó đứng bộ xương của một cấu trúc khổng lồ – vượt cao hơn tất cả mọi tòa nhà khác trong đất nước này: Tokyo Sky Tree, (cây chọc trời) được xây dựng với kinh phí hơn nửa tỷ ơ rô, một thí dụ ấn tượng về niềm tin điềm tĩnh của người Nhật vào sự vĩ đại của đất nước và dân tộc mình.

Khi đất rung chuyển ở Tokyo ngày 11 tháng Ba, các cần cẩu xây lắp quay vươn cao lên Sky Tree. Tám ngày và một vài cuộc kiểm tra an toàn sau đó, những chuyên gia thiết kế thông báo rằng họ đã đạt được độ cao đề ra. Với chiều cao 634 mét, Sky Tree bây giờ là cấu trúc không có giá đỡ cao thứ hai trên thế giới.

Nó là một dấu chấm than tạo ra bởi bàn tay con người ở giữa một vùng động đất.

© Hiếu Tân

2 Phản hồi cho “Định Mệnh Tokyo: Can đảm đối mặt với thảm họa”

  1. lotxac says:

    Giả sử; nếu Việt-Nam dưới chế độ cho nhà cầm quyền CSVN hiện tại xảy ra vụ ĐỘNG ĐẤT hay Tsunami như ỡ Nhật Bản trong hơn một tháng trước thì câu hỏi đặt ra:
    LIỆU NHÂN DÂN VIỆT NAM CÓ ĐƯỢC PHẦN NÀO CAN ĐẢM ĐỂ ĐỐI MẮT TRƯỚC THẢM HOẠ ?
    -Câu trả lời; chắc chắn là không; nhưng nó còn tệ hại hơn gấp trăm ngàn lần hơn nước NHẬT; vì sao ?
    Dưới chế-độ CSVN không ai TIN ai ! không ai nghe ai ! không có ĐẠO ĐỨC cá nhân cho đến Đảng Uỷ; mạnh a nấy sống; ích kỷ; trộm cướp; đi ăn cắp của hôi, và có thể giết người cướp của để mà sống. Chúng dẫm đạp lên nhau để mà sống… rồi cuôí cùng chúng cùng phải chết vì không ai nhường ai. Đó là một nước mà Pháp Luật không có; Đạo Đức không có trong một chế độ :” sống chết kệ bây “.
    Tuy nhiên; chỉ có DÂN có ĐẠO; dân sống trong tinh thần ĐẠO ĐỨC của từng vùng; họ đùm bọc lẫn nhau để bảo vệ sự sống LÁ RÁCH ĐÙM LÁ NÁT.
    Ngược lại những kẻ VÔ ĐẠO thì họ thi nhau xô vào hố thẩm của tuyệt vọng trong sự chết thảm qua cơn sóng THẦN.

  2. thanhtam says:

    “Thức khuya mới biết đêm dài, Sống lâu mới thấy lòng người có Nhân”
    Câu sau có lẽ áp dụng thích nghi cho sự kiên nhẩn chịu đựng và lòng Nhân của người Nhật đối xử với nhau trong cơn hoạn nạn- không hề có trộm cướp, hôi của, giành giật phẫm vật cứu trợ.
    Nhìn lại những lụt lội thiên tai ở Việt nam thì lại là lúc Chánh quyền Cộng Sản oang oang kêu gọi quốc tế cứu trợ. Khi tiền cứu trợ đến thì bọn cầm quyền tranh nhau cắt xén bớt cho vào tài sản riêng của mình… Các đoàn thể bên ngoài về cứu trợ thì tìm cách ngăn cản hay “cướp công” cứu trợ. Nhục nhả thay Chánh quyền Cộng Sản Việt nam
    Xin có lời cãm phục và chúc an lành đến người dân Nhật đang bị thiên tai.

Leave a Reply to thanhtam