WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ở tận cùng vực thẳm của ảo tưởng


Vui là vui là vui, chúng mình vui nhiều

Vui là vui là vui chúng mình vui quá!

Vui là vui là vui, chúng mình vui nhiều

Vui là vui chúng mình quá vui! (Bài hát của học sinh, sinh viên miền Nam trước ’75)

Năm nay Việt Nam lại ăn mừng hai ngày Giáng Sinh và Tết Tây cùng với chuyện ăn mừng giải vô địch Bóng Đá Á châu, Asean Football Federation (AFF) Suzuki Cup 2008. Không khác gì giải Tiger Cup (tên một hãng bia của Singapore) – công ty tài trợ cho các giải túc cầu Asean bắt đầu từ năm 1996, khi các quốc gia ở Đông Nam Á khởi sự cuộc tranh tài SEA Games, giải Suzuki Cup bắt đầu tài trợ bóng đá Asean từ 2007, rất thích hợp với Việt Nam, một nước tiêu thụ nhiều bia (Heineken) và xe máy (Honda) nhất Đông Nam Á. Tiger Beer, Suzuki Motorcycles cho đến đủ các loại bia và xe máy nhiều thương hiệu khác nhau, Việt Nam chẳng thiếu một món ăn chơi nào!

Lẽ ra, nói Việt Nam ăn mừng chiến thắng quán quân bóng tròn Thái Lan trong giải bóng đá AFF thì đúng hơn, vì nhà nước Việt Nam chính thức không công nhận hai ngày lễ rất Tây phương: Noel và New Year (Năm Mới dương lịch) này trong tinh thần bình đẳng, tôn trọng các tôn giáo như nhau. Đồng bộ và nhất quán không tôn vinh, đề cao bất cứ một tôn giáo nào trong lịch ngày nghỉ hay lễ lạc của quốc gia, cho dù đó có là Phật Đản hay Giáng Sinh. Khái niệm không thiên vị đạo giáo nào trong nguyên lý phân chia đạo giáo và chính quyền “separation of church and state”, rõ ràng là Hoa Kỳ thua béng Việt Nam rồi đấy nhé! (1)

Đêm giao thừa Giáng Sinh, (December 24, 2008), trong một buổi tiệc Xmas eve ở tư gia của phóng viên AFP Frank Zeller ở Hà Nội, nhiều phen hội chúng tôi đã bị lôi cuốn bởi những tiếng hò reo và chiêng trống của đám đông xuống đường ăn mừng chiến thắng 2 -1 với Thái Lan, dọn đường cho Việt Nam vào chung kết tuần lễ sau (chủ nhật, 28 tháng 12 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, với kết quả 1-1, dành phần thắng cho Việt Nam).

Trong lúc tiếng chuông nhà thờ Hàm Long ở đường Ngô Quyền đổ từng hồi rộn rã cùng với những bài thánh ca và lời rao giảng của cha được khuếch âm vang vọng đến tai chúng tôi, thì tiếng ồn ào náo nhiệt của các người “đi bão” bóng đá như những đội âm binh từ khắp các nẻo đường Hà Nội đã rần rật đổ về vang dội thành phố, át hẳn tiếng kinh cầu cho những tâm hồn lạc lõng như tôi, lặn lội nửa vòng thế giới để chứng kiến một đêm thánh vô cùng, trộn lẫn, hòa quyện với đám đông bóng đá xe cộ hỗn loạn làm bế tắc cả đường cả xá!

Chẳng bù với 10 năm trước đây (September 2, 1998) khi Việt-Nam thắng Thái Lan 3-0 ở trận bán kết trong giải Tiger Cup, dân chúng Việt Nam đổ xô ra đường reo hò chiến thắng (nhưng rốt cuộc thua Singapore 1-0 trong trận chung kết, September 5, 1998). Hè năm đó, ngoài những vụ cụp lạc như phim cinê:

Đoàng – đoàng, hai tiếng nổ chát chúa, tôi còn chưa kịp định thần thì đoàng! một phát nữa, anh Trình đã nhanh trí táp ngay chiếc Honda Dream vào bờ cầu tay phải. Bên trái chúng tôi, ở giữa cầu, một người mặc thường phục, co chân đạp xối xả vào đám xe máy đang bu quanh giữa cầu, tay phải chĩa súng lục lên trời nổ súng. Vẫn còn bàng hoàng tôi thốt lên: “Băng đảng xã hội đen à?” Anh Trình trả lời: “Không phải, CA dẹp đám bóng đá đang quậy”. Thì ra chúng tôi vừa chạy về đến cầu Trương Minh Giảng cũ, gần chợ (Lê văn Sỹ mới), thì đám đông đã ùn ùn kéo tới, họ lượn từng vòng rồi rú ga kéo đến giữa cầu làm anh CA phải nổ súng thị oai, giải tán đám lô cố theo đóm ăn tàn chiến thắng.

người viết còn chứng kiến một cảnh tượng hào hứng đến hãi hùng.

Sau đó, khi đến điểm hẹn gần nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố Sàigòn, vừa bước ra khỏi taxi tôi đã nghe nhiều tiếng động cơ xe máy gầm thét, gào lên cấp bách và thống thiết, vang dội cả đường phố, một tiếng rú kéo dài từ đường Nguyễn Du từ phía Hai Bà Trưng, bổng nhiên ầm một tiếng, tiếng sắt thép va chạm vào nhau chát chúa, tôi chỉ kịp quay lại: trước mắt mình, một người trai trẻ bay vút trên không, cờ đỏ sao vàng quấn vào người phất phới trong gió, ụych một tiếng, đầu anh va vào mặt đường cách chỗ tôi không đầy 3 thước. Vết máu loang dần thấm đỏ, ướt cả sao vàng. Anh ta đua xe quá tốc độ, tông vào cảng một xe hơi, xe máy nằm vất vưởng một nơi, thân thể anh nằm sóng soài một chỗ khác, vỡ sọ chết tươi, cán cờ còn xỏ trong lưng quần, lá cờ như vải liệm che và lót mặt với nhựa đường, hứng máu từ đầu đổ ra.

Tôi không hiểu ngày xưa Nam Bắc chiến tranh à l’ assault (a-lát xô) nhau như thế nào, nhưng tôi có thể mường tượng đến chuyện “máu” (hăng máu) của người chiến sĩ, và cho đến hôm sau khi truyền hình chiếu lại cảnh cầu thủ Việt Nam quấn cờ đỏ vào người chạy vòng chiến thắng quanh vận động trường, tôi không khỏi rùng mình hình dung lại cảnh lá cờ tẩm đầy máu của người trai xấu số đó cũng như ý nghĩa của nó.

Đã 10 năm nay, nhiều lúc tưởng đã quên đi cảnh tượng một thập kỷ trước, chỉ biết năm nay khi tinh thần quốc gia và niềm tự hào dân tộc lên cao, trong một giây lát hứng thú, tôi rủ một người bạn “đi bão” thành phố Sài Gòn sau khi Việt Nam chiến thắng Thái Lan. Trước khi anh bạn đèo xe chở mình đi lượn một vòng thành phố, tôi cũng mua bằng được vòng khăn Việt Nam Chiến Thắng để chít quanh đầu. Khi người đàn bà ở vệ đường chìa cho tôi một lá cờ đỏ sao vàng to quá khổ, người bạn tôi thúc mua, bỗng nhiên cảnh tượng năm xưa lại trở về. Tôi vỗ vai anh ta bảo đi thôi. “Bộ tính mang về Mỹ sao mà sợ? Đeo vòng khăn chiến thắng này là đủ làm bia cho một viên đạn ngay giữa sọ rồi, cần gì?” anh bạn cười nói. Tôi lắc đầu, dơ máy ảnh lên, lấy cớ thoái thác.

Sau khi “đi bão” đến khuya, người bạn chở tôi về khách sạn. Ngồi tán dóc với bạn bè đến hơn ba giờ sáng tôi mới lên phòng. Lời một ngưởi bạn Việt kiều còn văng vẳng bên tai: “Phải chi những chuyện hăng máu của bọn trẻ này thay vì được dồn vào chuyện bóng đá, chuyển sang những chuyện tích cực hơn thì tốt biết mấy…” Tôi không hỏi thêm anh muốn ngụ ý chuyện gì, nhưng tối sau đó, ngồi nói chuyện với những người bạn Tây (Âu Mỹ) ở Q Bar, trước mặt khách sạn Caravelle, một người phát biểu: “Công An ở đây nhiều lúc bất lực không ngăn chận được đám đông.” Tôi không đồng ý với anh ta và đưa ra thí dụ biểu tình Hoàng Sa, Trường Sa khi những bloggers chuyển tin/text message đến nhau bằng di động, rốt cuộc điểm hẹn giờ chót cũng bị phát hiện và không ai biểu tình chống Trung quốc (ngoại trừ mấy ngày đầu khi nhà nước cố tình làm lơ, cũng như cảnh sát giao thông trong mấy ngày bóng đá vừa rồi cũng đã làm ngơ cho dám thanh niên làm tắc nghẽn đường xá một cách vô tội vạ).

Dân tình thế thái có thể vô tình và vô trách nhiệm đến thế sao hay là họ quá mê bóng đá? Của đáng tội: hệ thống Công An Cộng sản rất tinh vi, họ cho người dân lối thoát trong những chuyên vô thưởng vô phạt nhưng đã vội dập tắt rất nhanh từ trong trứng nước những chuyện nhạy cảm, nguy hại đến nhà nước bằng cách trà trộn trong đủ các thành phần dân chúng. Người ta chỉ cần bị ùn tắc giao thông hay chịu khó ngồi kẹt cứng trong xe cộ khoảng hai tiếng đồng hồ là thấy ngay được cái vô lý của chế độ. Tha hồ đi bão bóng đá làm tắc nghẽn giao thông cả thành phố, nhưng chúng mày chớ có lộn xộn chống chuyện mất đất mất biển cho Trung quốc nhé. Chẳng khác gì mấy biểu ngữ treo gần Dinh Độc Lập nhân ngày 10 tháng 12, 2008, kỷ niệm 60 năm bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền: Dân chủ và nhân quyền gắn liền với kỷ cương, phép nước. Vế trước chửi mẹ nó vế sau. Nói đi, đòi đi nhưng mà manh nha dấy động là ông đập cho b. mẹ!

Nghe nói đã 49 năm rồi Việt Nam mới giành được giải vô địch bóng tròn Á châu, không hiểu đến khi nào thi nước ta mới giành được những quyền khác? Đêm giao thừa Giáng Sinh ở Hà Nội ở lầu hai nhìn xuống đường phố ùn tắc, một người đã hỏi tôi: Anh cho rằng tất cả những người xuống đường đi bão đều bị áp bức à? (nguyên văn: Do you think all those people down there are oppressed?) Chủ nhật ngày 28 tháng 12, tôi nhìn các cô gái trẻ cầm cờ uốn éo và nhảy nhót trên mui xe đột nhiên trong đầu hình dung đến cuộc cách mạng Pháp 1789 với tranh vẽ La Liberté Guidant Le Peuple /Liberty Guiding The People/TựDo Dẫn Đường cho Dân Tộc của Eugène Delacroix với người đàn bà để lộ nhủ hoa tay phất cờ tam tài dẫn đường phá ngục Bastille. Nếu không mơ tưởng đến tận cùng vực thẳm của ảo tưởng thì còn gì nữa để nói bạn nhỉ?

© 2008 Đàn Chim Việt Online

Chú thích:

(1) Chính ra khái niệm “separation of church and state” đến từ Tu chính án Thứ nhất trong Hiến chương Hoa Kỳ. Nguyên văn như sau: Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances. Xin tạm dịch: Quốc hội không được ban hành pháp lệnh tôn vinh sự thành lập của một tôn giáo nào, hoặc ngăn cấm chuyện hành đạo ấy, hoặc giới hạn quyền tự do ngôn luận hay tự do báo chí; hoặc quyền tụ tập (biểu tình) ôn hoà của dân chúng, kể cả quyền khiếu kiện Nhà nước để sửa sai các điều oan trái.

Phản hồi