WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhà văn Chu Lai: “Cái gì đã qua thì cho qua”

LTS (Bay Vút): Nhân dịp kỷ niệm 36 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4), Bay Vút đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Chu Lai, một cây bút quân đội đã có nhiều tác phẩm văn học viết về chiến tranh và những người lính trong chiến trận, về vấn đề hòa giải dân tộc.

Nhà văn Chu Lai. (Hình ảnh do nhân vật cung cấp)

Bay Vút: Thưa ông, khi còn là một người lính tham gia chiến trận, ông có cái nhìn như thế nào về những người lính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) khi đó?

Chu Lai: “Đó là một cái nhìn hai chiều. Chiều thứ nhất nằm trong quy luật chiến tranh một mất một còn, tức là theo bản năng tự vệ, nếu tôi không diệt anh thì anh sẽ diệt tôi. Chiều thứ hai thường xảy ra hơn, đó là chúng ta đều là con người, cũng buồn vui, cũng tâm trạng, cũng mang những nỗi niềm trăn trở, khắc khoải như nhau Tình thế buộc chúng ta phải nằm trong thế đối địch nhưng tự trong thâm tâm vẫn là người trong một nhà, máu đỏ da vàng, cầm súng nã đạn vào ngực nhau cũng thấy khổ tâm lắm.Ví dụ như tôi là lính đặc công nên đã có nhiều đêm bò rào, nằm ngay dưới chân đối phương, nghe họ nói, họ ca vọng cổ, họ nhắc về vợ con, mà chỉ muốn đứng dậy vỗ vào vai họ và nói rằng: Thôi, nện nhau vậy đủ rồi, giờ ra quán làm một tô hủ tiếu cho ấm bụng đi, đói lắm rồi. Thế nhưng, chiến tranh mà”.

Bay Vút: Và đến bây giờ, ở ngoài đời thực lẫn trong cái nhìn văn học, hình ảnh đó có gì thay đổi không, thưa ông?

Chu Lai : “Không, vẫn một chiều cảm thông như thế, thậm chí còn cảm thông sâu sắc hơn. Tôi thường nói: Không ai dễ bỏ qua chuyện cũ hơn những thằng lính đã từng nện vào mặt nhau và khi bỏ qua rồi coi như hòa để sau đó tập trung đầu óc vào chuyện làm ăn. Thực chất, chiến tranh dù với bên này hay bên kia đều là bi kịch, là mất mát. Vì vậy, khi chiến tranh qua rồi, nhắc lại mãi làm gì. Cuộc sống trường tồn mới là tất cả. Cho nên trước những người lính bên đối lập dù lúc này đang ở trong nước hay đã di cư sang nước khác, tự trong thâm tâm tôi không thấy có một điều gì lấn cấn hay xa cách cả. Thậm chí có những người, bằng tư cách của họ, tôi còn tri ân hơn cả những người bạn bình thường bởi đã có cùng nhau những ngày nhọc nhằn và bôn ba trên xa trường”.

Bay Vút: Có ý kiến cho rằng vấn đề hận thù dân tộc vẫn còn đó âm ỉ trong lòng nhiều người. Ông có nghĩ rằng chỉ khi nào thế hệ của những người trực tiếp tham gia chiến trận ‘nằm xuống’ thì vấn đề hận thù dân tộc mới được giải quyết hết không?

Chu Lai: “Không, sao lại muộn thế? Vấn đề đó phải được giải quyết ngay từ bây giờ, giải quyết ngay sau khi không còn cầm súng. Tại sao lại thù hận khi chuyện đó chỉ là một khoảng rất ngắn trong lịch sử mà tình thương yêu đùm bọc, tình nghĩa đồng bào, tính cốt nhục là trường tồn mãi mãi. Hết chiến tranh, tức là hết biện pháp tình thế rồi mà vẫn còn khư khư ôm lấy điều cũ rích, trái quy luật, ngược lại ý tưởng ông cha, là một hiểm họa khôn lường và cũng ngược lại với bản tính nhân ái của người Việt Nam. Chính cái nhân tình đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc Việt Nam vượt qua hết những chặng đường giông gió này đến chặng đường bão tố khác”.

Bay Vút: Chúng ta vẫn thường nghe câu “lịch sử thuộc về những người chiến thắng”. Tuy nhiên, những kiểu rao giảng hiện nay đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông dễ làm cho người ta có cảm giác những người lính Việt Nam Cộng Hòa là những người vô cùng độc ác. Trong sách giáo khoa lẫn truyền thông đều gọi họ bằng những cái tên như “hắn”, “bọn”, “tên”. Theo ông thì làm sao để thay đổi được điều này?

Chu Lai: “Lịch sử thuộc về tất cả chứ không thuộc về bên nào. Ngay khái niệm chiến thắng cũng chỉ nên gọi trong trường hợp chống ngoại xâm. Như thời Trịnh Nguyễn phân tranh, ai thắng ai bại hay chỉ còn là nối đau trăm năm không muốn nhắc tới. Chính thế, phải nhìn nhận người một thời phía bên kia, dù họ không thắng, chỉ là một sai lầm về địa dư chí, địa chính trị và ý thức hệ. Non sông liền giải rồi, cả nước chỉ có một chủ thuyết đi lên hạnh phúc ấm no, nếu ai đó, cơ quan truyền thông nào đó còn cực đoan gọi họ bằng những cái tên hắn, nó, bọn… thì chính họ đã tạo nên một vết hằn thâm thù vẫn còn chưa lên da non trong lòng dân tộc. Còn tôi, ngay trong văn học, tôi chưa bao giờ miệt thị người phía bên kia bằng cách gọi và bằng cả những kiểu miêu tả võ đoán xấu xa, thô bạo, độc ác thậm chí nhân vật của tôi còn cả những tướng Sài gòn về một mặt nào đó, trí tuệ, tâm hồn, phong cách còn dễ chịu hơn người bên này. Họ thua vì chủ thuyết và con đường đi”.

Bay Vút: Những năm gần đây có vẻ như hai bên đều muốn hòa giải, kể cả chính quyền. Nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở việc đứng ở xa cười xã giao chứ chưa thấy bên nào tiến tới bắt tay nhau. Theo ông, đâu là nguyên do của vấn đề này? Và nếu để làm được việc này thì chúng ta nên bắt đầu từ đâu và làm như thế nào?

Chu Lai: “Tôi đã từng dùng một hình ảnh trong tác phẩm điện ảnh: Bà mẹ liệt sĩ vào thành cổ Quảng Trị thắp hương cho đứa con độc nhất của mình đã lặng lẽ thắp hương cho cả kẻ đã giết con mình, khiến cho bà mẹ kia quỳ xuống nghẹn ngào.

Câu thơ nổi tiếng của một chiến sĩ thành cổ còn sống: “Đò xuôi thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” không hiểu người lính ấy có biết không, dưới đáy con sông ấy có cả xác người bên này và cả người bên kia? Cho nên, vào những ngày kỷ niệm chiến thắng, người tổ chức nên có những câu nói, những hành động chia sẻ, những sự thăm hỏi cả những người bên kia đã ngã xuống bởi họ cũng có cha mẹ, vợ con. Chẳng lẽ cứ mỗi lần bên này reo vang thì bên kia ngậm ngùi cúi đầu hổ nhục?”

Bay Vút: Một nhà quân sự đã từng nói: Đỉnh cao của xung đột là thỏa hiệp. Tuy vấn đề mâu thuẫn dân tộc ở Việt Nam không có cao trào và nóng bỏng như ở các nước Hồi Giáo nhưng nó âm ỉ trong thâm tâm nhiều người, dẫn đến cách đối xử đôi khi vẫn chưa thực sự được ‘thoải mái’. Vậy trong chuyện này đâu là thái độ hợp lý và nhân văn, thưa ông?

Chu Lai: “Âm ỉ ư? Tôi không tin. Người Việt mình đôn hậu lắm. Ngay đến cả phi công Mỹ, lính Mỹ gây nhiều khổ đau là thế nhưng khi họ trở lại vẫn được sự nhìn nhận, đón tiếp chân tình từ các bà mẹ thì huống chi là người Việt mình với nhau. Tất nhiên vẫn có những hận thù, những ám ảnh khó gỡ nhưng cùng với thời gian và dòng chảy cuộc sống, nhất định mọi sự sẽ qua và có lẽ cho đến bây giờ đã qua nhiều lắm. Cũng như con em những người vào diện HO đang sống ở hải ngoại, họ đâu còn khái niệm gì về chiến tranh bên này bên nọ. Họ chỉ mong làm ăn yên ổn và thỉnh thoảng được trở về thăm quê mẹ. Và thái độ duy nhất lúc này là cái gì đã qua thì cho qua, cùng nhau bắt tay xiết cánh đưa dân tộc lên một đỉnh cao mới, đó chính là hòa hợp. Thái độ này không chỉ nằm trong sâu thẳm trái tim người trong cuộc mà còn phải nằm ở tư duy, tầm nhìn của các cấp lãnh đạo và nằm cả ở những người một thời là phía bên kia”.

Bay Vút: Vâng, xin cám ơn Ông.

Nguồn: Bayvut

49 Phản hồi cho “Nhà văn Chu Lai: “Cái gì đã qua thì cho qua””

  1. Lão Ngoan Đồng says:

    Xin Ban Biên Tập cho tôi được nhắc lại nơi đây với bạn đọc và ông nhà văn lề phải Chu Lai bài thơ CHÍNH SỰ dài nhưng cực hay của nhà thơ NGUYỄN DUY nhé.

    Thành thật cám ơn rất nhiều.

    Lão Ngoan Đồng

    =====

    Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Ông là một nhà thơ hiện đại trong nước, có nhiều bài thơ chính sự rất nổi tiếng trong và ngoài nước vào thập niên 80 và 90.
    Ông thuộc lớp văn nghệ sĩ trẻ của phong trào Phản Tỉnh và Phản Kháng cuối năm 1980; cùng thời với Trần Tiến, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương.
    Lúc trẻ ông có bài thơ về cây tre, được đưa vào chương trình giáo dục học sinh trung học.

    Ngoài tài làm thơ ông còn có tài hội hoạ và từng mưu sinh bằng vẽ thiệp Noel, thiệp Tết và lịch nữa.

    WIKIPEDIA:

    Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

    Nguyễn Duy còn có bộ 3 bài thơ theo thể tự do nổi tiếng được công chúng biết tới viết về những trăn trở, suy nghĩ của ông về tương lai đất nước, tương lai của con người và môi sinh. Bài thơ đầu mang tên Đánh thức tiểm lực viết từ năm 1980 đến 1982 với những suy tư về tiềm lực và tương lai của đất nước. Bài thơ thứ hai được viết lúc ông đến thăm Liên Xô và đến năm 1988 mới hoàn thành mang tên “Nhìn từ xa…Tổ quốc”. Bài thơ viết về những trì trệ, bất cập mà ông mắt thấy tai nghe trong thời kì bao cấp, với những câu thơ rất mạnh mẽ, “như những nhát dao cứa vào lòng người đọc” (Lê Xuân Quang). Bài thơ thứ 3 viết sau đó chục năm, mang tên Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vẫn cùng thi pháp với 2 bài thơ trước nhưng chủ đề lại rộng hơn: những suy nghĩ về thiên nhiên, không gian và tương lai con người.

    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói như sau: “Hình hài Nguyễn Duy giống như đám đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đám đất hoang đó.”

    ========

    NHÌN TỪ XA … TỔ QUỐC

    Ðối diện ngọn đèn
    trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng

    Ðêm bắc bán cầu vần vụ trắng
    nơm nớp ai rình sau lưng ta

    Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
    xa vắng
    núi và sông
    và vết rạn địa tầng

    Nhắm mắt lại mà nhìn
    thăm thẳm
    yêu và đau
    quằn quại bi hùng

    Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
    cột biên giới đóng từ thương đến nhớ

    *

    Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
    ai cứ sau mình lẩn quất như ma

    Ai ?
    im lặng

    Ai ?
    cái bóng !

    A… xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
    bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà

    Thôi thì ta quay lại
    chuyện trò cùng cái bóng máu me ta

    *

    Có một thời ta mê hát đồng ca
    chân thành và say đắm
    ta là ta mà ta cứ mê ta[1]

    Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm
    hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
    mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm

    Vâng – một thời không thể nào phủ nhận
    tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng

    thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
    ợ lên thum thủm cả tim gan

    *

    Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
    nỗi day dứt không nguôi vón sạn gót chân
    nhói dài mỗi bước

    Thời hậu chiến vẫn ta người trong cuộc
    xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày ?

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen đấm ngực

    *

    Xứ sở nhân tình
    sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
    nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng

    Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
    ma cụt đầu phục kích nhà quan

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen quều quào giơ tay

    *

    Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
    ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
    quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài

    Ðêm huyền hoặc
    dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
    mắt ai xanh lè lạnh toát
    lửa ma trơi

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen ngửa mặt lên trời

    *

    Xứ sở linh thiêng
    sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
    đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

    Giấy rách mất lề
    tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
    Thiện – Ác nhập nhằng
    Công Lý nổi lênh phênh

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen tọa thiền

    *

    Xứ sở thông minh
    sao thật lắm trẻ con thất học
    lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

    Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
    tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
    tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

    Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
    mở mắt… bóng nhân tài thất thểu

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh

    *

    Xứ sở thật thà
    sao thật lắm thứ điếm
    điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…

    Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
    điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

    Vật giá tăng
    vì hạ giá linh hồn

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen vò tai

    *

    Xứ sở cần cù
    sao thật lắm Lãn Ông
    lắm mẹo lãn công

    Giả vờ lĩnh lương
    giả vờ làm việc

    Tội lỗi dửng dưng
    lạnh lùng gian ác vặt
    Ðạo Chích thành tôn giáo phổ thông

    Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
    buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…
    quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen nhún vai

    *

    Xứ sở bao dung
    sao thật lắm thần dân lìa xứ
    lắm cuộc chia li toe toét cười

    Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
    chen nhau sang nước người làm thuê

    Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
    nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen rứt tóc

    *

    Xứ sở kỷ cương
    sao thật lắm thứ vua

    vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
    vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…

    Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
    lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa

    Luật pháp như đùa như có như không có
    một người đi chật cả con đường

    Ai ?
    không ai

    Vết bầm đen gập vuông thước thợ

    *

    ?…
    ?…
    ?…

    *

    Ai ?
    Ai ?
    Ai ?

    Không ai !
    Không ai !
    Không ai !

    Tự vấn – mỏi
    vết bầm đen còng còng dấu hỏi

    *

    Thôi thì ta trở về
    còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
    còn chút gì le lói ở trong lòng

    *

    Ðôi khi nổi máu lên đồng
    hồn thoát xác
    rũ ruột gan ra đếm

    Chích một giọt máu thường xét nghiệm
    tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
    tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
    phật và ma mỗi thứ tí ti…

    Khốn nạn thân nhau
    nặng kiếp phân thân mặt nạ

    Thì lột mặt đi lần lữa mãi mà chi
    dù dối nữa cũng không lừa được nữa
    khôn và ngu đều có tính mức độ

    *

    Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
    miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
    mất vệ sinh bội thực tự hào

    Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi
    bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
    biết thế nhưng mà biết làm thế nào

    Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
    thầy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội

    Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
    lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy
    xin đừng hót những lời chim chóc mãi

    Ðừng lớn lối khi dân lành ốm đói
    vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn

    Ðổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
    máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?

    *

    Thật đáng sợ ai không có ai thương
    càng đáng sợ ai không còn ai ghét

    Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
    ta là gì ?
    ta cần thiết cho ai ?

    *

    Có thể ta không tin ai đó
    có thể không ai tin ta nữa
    dù có sao vẫn tin ở con người

    Dù có sao
    đừng khoanh tay
    khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối

    Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn ?
    những người tốt đang cần liên hiệp lại!

    *

    Dù có sao
    vẫn Tổ Quốc trong lòng
    mạch tâm linh trong sạch vô ngần
    còn thơ còn dân
    ta là dân – vậy thì ta tồn tại

    *

    Giọt từng giọt
    nặng nhọc

    Nặng nhọc thay

    Dù có sao
    đừng thở dài
    còn da lông mọc còn chồi nảy cây.

  2. thanh says:

    cũng chỉ là cách nói thôi, tại sao lại dùng hình tượng bà mẹ bên này thắp hương cho bên kia rồi bên kia sụp lạy ? hóa ra bên kia là tội đồ à ?

  3. Lão Ngoan Đồng says:

    Này này ông Chu Lai ơi,

    Chẳng một ai có thể quên dễ dàng như Chu Lai khuyên, một khi CÁI ÁC VẪN CÒN NGỰ TRỊ TRÊN QUYỀN LỰC VÀ ĐANG TÁC OAI TÁC QUÁI KHIẾN ĐẤT NƯỚC TỤT HẬU, NGHÈO ĐÓI, LÂM NGUY VỈ HOẠ NGOẠI XÂM PHƯƠNG BẮC !

    Tôi lại phải cho nghe lại bài hát TRẦN TRỤI 87 của Trần Tiến để nhắc nhở ông nhiều điều.
    Mong ông sau này đừng chơi trò đặc công phá hoại như thế nữa. Thời chiến ông phá nhiều rồi!
    Nên ngưng lại bàn tay đặc công phá thối hơn là xây dựng như Trần Tiến, một người lính như ông !

    ĐỐI THOẠI 87

    NS: Trần Tiến

    Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga
    Bạn tôi xây bao công trình cho Mỹ
    Người Việt tài năng lang thang nơi đâu
    Xa dấu quê nhà
    Anh có đau không?
    Chị có đau lòng không?

    Tôi đã thấy bà mẹ năm xưa nuôi từng đứa con
    Mẹ mang mo cơm theo đoàn chiến sĩ
    Bà mẹ giờ đây lang thang xin ăn trên những toa tàu
    Anh có đau không?
    Chị có đau lòng không?

    Tôi đã thấy người Việt năm xưa con Rồng, cháu Tiên
    Thật thà yêu nhau xây dựng nước
    Người Việt nào giờ đây lo toan riêng tư
    Khôn quá hóa hèn
    Anh có đau không?
    Chị có đau lòng không?

    Thôi, đừng hát, đừng mãi ngợi ca
    Những lời hát nhàm chán
    Ru quê hương ta vinh quang thăng hoa trong bao niềm kiêu hãnh
    Mà quên đi áo cơm và hoa hồng!
    Những người lính nằm xuống
    Không hề mong nhìn thấy
    Quê hương hôm nay
    Đôi tay ăn xin gào xé tim ta

    Xin đừng nói giả trá!
    Đâu rồi những bàn tay năm xưa gian lao
    Nay ta bên nhau, xây lại đời mới
    Vì tự do, áo cơm và hoa hồng!

    Những ngươi lính nằm xuống
    Vẫn chờ mong nhìn thấy
    Quê hương sau bao năm gian lao được no ấm, yên lành
    Hãy quay lại nhìn rõ chính mình!…

    =====

    LAMBADA QUÊ TA

    Quê em đấy thôn tương bần có còn mặc áo tứ thân
    Quê em đấy thôn tương bần có còn chơi điệu trống quân
    đêm trăng sáng đi tây về quê nhà em chơi điệu lambada

    Quê ta lắm bà già thích nhảy điệu lambada
    Quê ta lắm ông già yêu điệu lambada
    quê ta nhiều honda, nhiều cocacola
    nhiều những bữa dưa cà

    quê ta nhiều villa, nhiều xe toyota,
    nhiều đứa bé không nhà
    quê ta người ta yêu tình yêu thương bao la bao la
    bao la theo kiểu lambada

    ơi cô gái năm canh dần có còn mặc áo tứ thân
    ơi cô gái năm canh dần có còn chơi điệu trống quân
    đêm trăng sáng đi tây về quê nhà em chơi điệu lambada

    Quê ta lắm bà già thích nhảy điệu lambada
    Quê ta lắm ông già yêu điệu lambada
    quê ta nhiều honda, nhiều cocacola
    nhiều những bữa dưa cà

    quê ta nhiều villa, nhiều xe toyota,
    cỏn mát xa, còn sida, còn đứa bé không nhà
    quê ta người ta yêu tình yêu thương bao la bao la
    bao la theo kiểu lambada

  4. Trung Kiên says:

    Kính thưa Nhà văn Chu Lai

    Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng Ông mà cả tôi và “có thể” đại đa số nhân dân Việt Nam đều rất mong muốn rằng: “Cái gì đã qua thì cho qua

    Thế nhưng liệu nhà nước csvn có để cho nó qua đi không?

    Đó là câu hỏi rất lớn đang làm bận tâm những ai còn quan tâm đến TỔ QUỐC và dân tộc!

    Chỉ khi nào chính quyền hiện nay thực tâm quên đi dĩ vãng, xoá bỏ hận thù thì chính họ sẽ chủ động khởi xướng và thực hiện. Ngược lại, cho dù đại đa số nhân dân ước muốn, thì cũng sẽ bị nhà nước thọc gậy bánh xe và tìm mọi thủ đoạn để phá bĩnh!

    Mong Ông hãy bớt chút thời giờ nghe ông Lế Hiếu Đằng tỏ bày tâm sự:

    Xin bấm vào đây –> Không tưởng niệm liệt sỹ chống TQ là ‘vô ơn’ !

    Vì vậy, đề nghị với Ông nên trả lời thẳng thắn vào các câu hỏi mà PV Vút Bay đặt ra, cũng như kiến nghị và đặt vấn đề thẳng với nhà nước csvn về vấn đề này thì tốt hơn!

    Rất mong đọc được ý kiến phản hồi của Ông!

  5. Paramita says:

    Anh bạn này vốn là Văn Nô, những tờ báo của mà anh ta được thủ bút tại VN khg ai đọc
    Như tờ Nhân Dân, Tờ báo Công An … báo của đảng
    Xin đừng tiếp tục nói dóc > hảy cho chúng tôi thấy là các anh có thiện chí hòa hợp hòa giải dân tộc
    Hảy tôn trọng Nhân quyền, hảy tôn trọng dân chủ, hảy làm sao .. cho chúng tôi có thể tin tưởng được các anh và làm cho câu nói : Nói dóc như vẹm được chìm vào quá khứ

Phản hồi