WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

1968: Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Phạm Hùng, Trần Nghị, Xuân Thủy

CWIHP

19-06-1968

Mô tả: Chu Ân Lai bàn về vai trò của Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc cách mạng Campuchia.

Chu Ân Lai: Tôi muốn nói rằng, tôi không biết làm thế nào những người Cộng sản Khmer giải quyết mâu thuẫn giai cấp giữa họ và các lực lượng phản động tại Campuchia. Đảng Cộng sản Khmer tiến hành một cuộc đấu tranh vũ trang tại khu vực giáp biên giới với Việt Nam. Chính quyền Khmer đàn áp họ và cũng không muốn cung cấp gạo cho các lực lượng cách mạng Việt Nam đi qua ngả Campuchia. Vì vậy, các đồng chí Việt Nam phải đối mặt với khó khăn.

Người ta nói rằng vũ khí mà Trung Quốc gửi cho các đồng chí Việt Nam đã có lần rơi vào tay Cộng sản Khmer và Sihanouk không hài lòng về điều này. Chuyện đó có thực sự xảy ra, hay những người cộng sản Khmer đã tịch thu vũ khí của Trung Quốc mà lực lượng vũ trang của chính phủ Khmer đã sở hữu?

Tài liệu cũ. Ảnh minh họa

Các ông có gặp những người cộng sản Khmer khi các ông đi ngang qua Campuchia? Đồng chí Sơn Ngọc Minh (2) không có bất kỳ mối liên lạc nào với các đồng chí của ông ấy ở trong nước Campuchia phải không? Chúng tôi không muốn Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia có bất kỳ mối quan hệ nào với Đảng Cộng sản Khmer vì vấn đề này quá phức tạp.

Gần đây, đại sứ quán của chúng tôi ở Campuchia báo cáo, Đảng Cộng sản Khmer phàn nàn rằng các đồng chí Việt Nam không cung cấp vũ khí cho họ khi cơ hội đấu tranh vũ trang chín muồi. Sẽ tốt nếu thời cơ đến. Nhưng nếu thời cơ chưa tới và một cuộc đấu tranh vũ trang bắt đầu bằng cách nào đó, thì sẽ không tốt.

Chúng tôi đã nói với đồng chí Phạm Văn Đồng và sau đó với Hồ Chủ tịch rằng, chúng tôi không có các mối quan hệ trực tiếp với các đồng chí Khmer. Sẽ dễ dàng hơn nếu các đồng chí Việt Nam có thể trực tiếp trao đổi ý kiến ​​với họ. Đồng chí Phạm Văn Đồng nói rằng, chúng ta không nên can thiệp vào công việc nội bộ của Đảng Cộng sản Khmer. Tuy nhiên, tôi nghe họ phàn nàn rằng các đồng chí Việt Nam có thái độ Sô-vanh, không muốn giúp đỡ, thảo luận với họ, hoặc cung cấp vũ khí cho họ. Vấn đề này rất phức tạp. Ngay cả khi các ông có vũ khí, vẫn khó để cung cấp cho họ. Có phải là do các cán bộ Việt Nam ở cấp thấp hơn? Họ có thái độ không thích hợp trong việc đối phó với các đồng chí Khmer, nên gây hiểu lầm? Có lẽ các ông nên dạy cho quân lính Việt Nam đi ngang qua Campuchia cần chú ý nhiều hơn về vấn đề quan hệ với Đảng Cộng sản Khmer.

Dĩ nhiên không phải tất cả các quân lính liên quan đến các mối liên hệ này. Nhưng các ông nên để cho các viên chức phụ trách các vấn đề chính trị ở vài cấp biết về vấn đề này và yêu cầu họ thể hiện thái độ bình đẳng, và giải thích rõ chính sách của Đảng [CS] Việt Nam. Các ông nên làm cho họ hiểu được toàn bộ bối cảnh, nhận thức được nhiệm vụ lớn hơn là đánh bại Mỹ. Đánh bại Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng Campuchia. Tóm lại, các ông nên làm cho họ hiểu được cách tiếp cận quốc tế và hiểu rằng một nước không thể chống lại nhiều kẻ thù cùng một lúc.

Tôi đề nghị các ông báo cho Hồ Chủ tịch và BCH Trung ương, và xin phép [họ] thông báo cho một số cán bộ phụ trách chính trị của vấn đề này để tránh gặp rắc rối. Chúng tôi phải đối mặt với một tình huống mà người dân Campuchia có thể xin vũ khí khi quân Việt Nam hành quân qua Campuchia. Các ông sẽ cung cấp vũ khí cho họ? Nếu các ông cung cấp, Sihanouk sẽ không hài lòng. Nếu các ông không cung cấp, những người làm cách mạng ở Campuchia sẽ nghĩ gì?

Vấn đề thật là phức tạp. Các đồng chí Campuchia muốn phát triển đấu tranh vũ trang. Sihanouk sẽ đàn áp họ, và các ông không thể đi qua Campuchia. Và nếu Sihanouk đàn áp những người Cộng sản Campuchia, Trung Quốc không thể cung cấp vũ khí cho Campuchia.

Nếu toàn bộ Đông Dương tham gia các nỗ lực để đẩy Mỹ ra khỏi Việt Nam, lúc đó cách mạng Lào và Campuchia sẽ thành công, mặc dù không nhanh như mong đợi. Cán bộ của chúng tôi tại Đại sứ quán [Trung Quốc] ở Campuchia không có chức vụ cao, chúng tôi không muốn họ liên lạc với những người Cộng sản Campuchia. Vì vậy, tôi đề nghị các ông nên xem xét tình hình và nếu phù hợp, các ông nên mời các đồng chí Campuchia đến Tây Ninh hoặc Tây Nguyên [cao nguyên trung phần] để thảo luận cách tham gia chống lại người Mỹ trước, và sau đó chống lại các lực lượng phản động ở Campuchia. Các ông cũng nên xem, liệu điều này có lợi hơn hoặc sẽ tốt hơn nếu mỗi bên tiến hành cuộc đấu tranh theo cách riêng của mình.

Tôi nghe từ đồng chí Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Khmer hiện tại tốt nghiệp tại Pháp và và thường đến Hà Nội.

————————————————-
Ghi chú:

1. Phái đoàn Việt Nam gồm có Phạm Hùng, Ba Long, Ngô Minh Loan, và Trần Văn Quang.

Phạm Hùng (1912-1988), ủy viên bộ chính trị Đảng Lao Động Việt Nam từ năm 1957, từ năm 1967 chỉ huy cuộc chiến ở miền Nam, là Bí thư Trung ương Cục miền Nam (COSVN) và là Chính ủy Các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam (PLAF). Phó Thủ tướng từ năm 1976 và Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam từ tháng 6 năm 1987 cho đến khi chết vào năm 1988.

Ba Long: bí danh Lê Trọng Tấn, Lê Trọng Đê (Để, Đề?) được huấn luyện quân sự ở Trung Quốc và Liên Xô, và là chỉ huy sư đoàn QĐND Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương. Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân năm 1954-1960, Phó Tham mưu trưởng 1961-62. Vào miền Nam phục vụ với chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam 1964-1969 và đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong các chiến dịch miền Trung, miền Nam Việt Nam và Lào 1970-1975, đáng chú ý nhất là chức Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh hồi tháng 4 năm 1975. Ba Long kế nhiệm Văn Tiến Dũng làm Tham mưu trưởng QĐND VN, sau này trở thành Bộ trưởng 1978-1980.

Trần Văn Quang: bí danh Trần Thúc Kinh (1917-), cựu chiến binh cuộc cách mạng năm 1945 ở phía Bắc Trung phần Việt Nam, ủy viên BCH TW Đảng Lao Động VN 1960-1976. Phó Tổng Tham mưu QĐND VN năm 1959-1961, đóng một vai trò quan trọng ở Trung ương Cục miền Nam trong nửa đầu thập niên 1960. Sau giữ các chức vụ quan trọng ở miền Trung Việt Nam trong khi là ủy viên Quân ủy Trung ương ở Hà Nội. Trở lại làm Phó Tổng tham mưu trưởng năm 1974-1977, và chỉ huy các lực lượng Việt Nam ở Lào năm 1978-1981. Năm 1992 được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

2. Sơn Ngọc Minh: lãnh đạo Cộng sản Campuchia, nhiều năm sống lưu vong ở Hà Nội. Ông đã mất liên lạc với đảng ở Campuchia khi Pol Pot lên cầm quyền Đảng Cộng sản Campuchia thời gian từ năm 1960-1963.

Ngọc Thu dịch từ: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034CD02-96B6-175C-9F3D20B75A8C3115&sort=Collection&item=Vietnam%20%28Indochina%29%20War%28s%29

————————————————–

CWIHP

Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Trần Nghị và Xuân Thủy

07-05-1968 (*)

Mô tả: Chu Ân Lai dựa vào sự khác biệt giữa chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, là cách cho thấy tầm quan trọng của chiến thuật đàm phán mạnh mẽ ở Việt Nam. Ông ta cũng yêu cầu Xuân Thủy giữ các cuộc đàm phán bí mật với Liên Xô.

Chu Ân Lai: Tình hình đàm phán về vấn đề Triều Tiên khác với tình hình của các ông. Lúc đó, [vấn đề Triều Tiên] liên quan đến một nửa Triều Tiên, nhưng tình hình mà các ông đang phải đối mặt hiện nay liên quan đến sự thống nhất Việt Nam. Phân nửa Việt Nam là vấn đề [chúng ta đã đối mặt] mười bốn năm trước đây. Khi đồng chí Mao Trạch Đông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần cuối (2) ông ấy nói rằng có thể việc ký Hiệp định Geneva [1954] của chúng tôi là một sai lầm.

Sau khi chúng tôi ký hiệp định, nhiều người lính miền Nam Việt Nam rút về miền Bắc. Hoa Kỳ từ chối ký vào hiệp định. Nếu chúng tôi cũng từ chối ký hiệp định, chúng tôi có lý do để làm như vậy. Nhưng Hồ Chủ tịch nói rằng có quyền lợi liên quan đến việc [ký hiệp định]. Làm như thế, sau thời kỳ khó khăn, thời kỳ Ngô Đình Diệm bắt bớ, giam giữ, và đàn áp, gây ra cái chết của hơn 200.000 người dân miền Nam Việt Nam, với kinh nghiệm đau thương này, đã đánh thức để làm cuộc cách mạng, dẫn với tình hình hiện nay. Do đó, tình hình các cuộc đàm phán Triều Tiên khá giống với tình hình quanh Hội nghị Geneva năm 1954. Các cuộc đàm phán Triều Tiên được tiến hành trên chiến trường.

Cuộc chiến kéo dài gần ba năm và các cuộc đàm phán kéo dài hai năm. Nhưng khi vấn đề Triều Tiên đã được thảo luận tại Hội nghị Geneva năm 1954, chiến tranh đã chấm dứt, và lúc đó rất khó để giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Bất cứ điều gì chúng tôi nói, họ sẽ không đồng ý. Do đó, các cuộc đàm phán Triều Tiên chỉ dẫn đến đình chiến, và không có thoả thuận chính trị nào khác đạt được. Về vấn đề rút quân [nước ngoài] khỏi Triều Tiên, họ đã từ chối thảo luận. Chúng tôi đã rút quân [khỏi Triều Tiên] năm 1958, nhưng họ không chịu rút quân của họ. Tình huống mà các ông đang đối mặt lần này thì khác.

Các ông đang đàm phán với Mỹ từng bước một. Điều này có thể tốt. Bước một bước và các ông có thể quan sát bước kế tiếp. Nhưng vấn đề cơ bản là, điều mà các ông không thể có được trên chiến trường, cho dù các ông có cố gắng thế nào đi nữa, các ông sẽ không nhận được tại bàn đàm phán. Điện Biên Phủ dựng lên vĩ tuyến 17, do đó Hội nghị Geneva có thể đạt được thỏa thuận.

Có lẽ đồng chí Phạm Văn Đồng đã truyền đạt thái độ của chúng tôi sau khi trở về Việt Nam. Ý kiến ​​của chúng tôi là, các ông đồng ý [thương lượng] quá nhanh và quá vội vàng, có thể gây cho người Mỹ một ấn tượng rằng các ông sẵn sàng thương lượng. Đồng chí Mao Trạch Đông đã nói với đồng chí Phạm Văn Đồng rằng, có thể chấp nhận đàm phán, nhưng [trước tiên] các ông phải duy trì một lập trường trên cao. Thứ hai, những người Mỹ, những nước lệ thuộc, và những tên bù nhìn có một lực lượng quân sự hơn 1.000.000, và trước khi họ bị gãy xương sống, hoặc trước khi năm, sáu ngón tay của họ bị gãy, họ sẽ không chấp nhận thất bại, và họ sẽ không rời bỏ.


Trần Nghị: Các ông không cần phải thông báo cho Liên Xô về tiến triển trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ bởi vì họ có thể thông báo cho Hoa Kỳ.

Chu Ân Lai: Các ông không cần phải thông báo cho họ điều mà các ông dự định làm vì có những trường hợp những người xét lại công bố bí mật quân sự và ngoại giao. Các ông nên thật thận trọng.

——————————————
Ghi chú:

1. Xuân Thủy (1912-1985), lúc đầu là một nhà báo và là quan chức cấp cao cửa các tổ chức mặt trận cộng sản trong chiến tranh Đông Dương. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao năm 1962-1965, bộ trưởng nội các và là người đứng đầu phái đoàn Bắc Việt trong các cuộc đàm phán bốn bên tại Paris 1968-1973.

2. Không rõ lúc nào, nhưng có thể vào mùa Đông – Xuân năm 1968, khi ông Hồ được báo cáo đã ở Bắc Kinh để chữa bệnh. Chúng tôi cám ơn ông William Duiker giúp làm rõ điểm này.

(*) Một tài liệu khác ghi cuộc thảo luận này bắt đầu lúc 9:45 tối ngày 7 tháng 5 năm 1968, tại Đại lễ đường Nhân dân, Bắc Kinh.

Ngọc Thu dịch từ: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034CCF3-96B6-175C-99A9847E3B931464&sort=Collection&item=Vietnam%20%28Indochina%29%20War%28s%29

————————————————-

CWIHP

Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh

07-02-1968

Mô tả: Chu Ân Lai đề nghị Việt Nam tổ chức các quân đoàn bổ sung để thực hiện các công tác hoạt động ở các căn cứ xa nhà.

Chu Ân Lai: Từ khi chiến tranh Việt Nam đã đạt đến giai đoạn hiện tại (1), [các đồng chí Việt Nam] có thể xem xét việc tổ chức một, hai, hoặc ba quân đoàn được hay không? Mỗi quân đoàn gồm 30.000-40.000 binh sĩ, và mỗi hoạt động chiến đấu phải nhằm mục đích loại bỏ 4,000-5,000 quân địch trong toàn đơn vị. Các quân đoàn này có thể thực hiện các nhiệm vụ hoạt động ở xa căn cứ của họ, và có thể tham gia vào các hoạt động trong khu vực chiến tranh này, hoặc khu vực khác.

Khi họ tấn công các lực lượng đối phương riêng lẻ, họ có thể làm theo chiến lược tiếp cận kẻ thù bằng các đường hầm dưới lòng đất. Họ cũng có thể theo chiến lược chiến đấu ban đêm và chiến đấu tầm ngắn, để máy bay ném bom của địch và pháo binh sẽ không được ở vị trí quan trọng. Trong khi đó, các ông có thể xây dựng các đường hầm ở dưới lòng đất, khác với các đường hầm đơn giản dưới lòng đất, ba hoặc bốn hướng [xung quanh kẻ thù], và sử dụng chúng để chuyển quân và vận chuyển đạn dược. Các ông cũng cần để dành một số đơn vị để đối phó với quân tiếp viện của địch.

——————————————-
Ghi chú

1. Cuộc đàm thoại này được tổ chức trong bối cảnh trận chiến Khe Sanh, bắt đầu ngày 21 tháng 1, và cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân, bắt đầu vào ngày 31 tháng 1.

Ngọc Thu dịch từ: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034CCA4-96B6-175C-9CB9353E8C7FFFEC&sort=Collection&item=Vietnam%20%28Indochina%29%20War%28s%29

© Ngọc Thu

Phản hồi