WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về một tập tài liệu liên hệ tới các cố vấn Tầu ở Việt Nam

trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 – 1954)

LTS: Giữa tình hình hiện tại với những lấn lướt ngạo ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và với thái độ lúng túng khó hiểu của chính quyền cộng sản Việt Nam, bài viết này có thể soi sáng phần nào những nguyênủy sâu xa bắt nguồn từ những sự kiện lịch sử xảy ra trong bóng tối từ hơn 60 năm qua.

Bài viết sẽ cho thấy người khai sáng cho thời kỳ lệ thuộc của cộng sản Việt Nam với Trung Quốc chính là Hồ Chí Minh. Sự lệ thuộc còn có thể được giải thích bằng câu nói quái ác của Stalin: Trung Quốc giúp cho Việt Nam một con gà thì Việt Nam có thể trả lại cho Trung Quốc một trái trứng.

Phải chăng tình hình hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc chính là hiện thân của trái trứng ấy? Và cái tội nợ “nửa anh em nửa kẻ thù” mà đảng cộng sản Việt Nam đang gánh hiện nay phải chăng là từ cái “tội tổ tông” do ông Hồ gây ra?

(Diễn Đàn Thế Kỷ)

Tập tài liệu được nói tới ở đây là một tập hợp những bài viết của “một số lão đồng chí đã từng công tác trong Ðoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 50 của thế kỷ 20” theo lời của Nhóm biên tập sách viết trong Lời Cuối Sách vào tháng 12 năm 2001. Tập sách có nhan đề Ghi Chép Thực Về Việc Ðoàn Cố Vấn Quân Sự Trung Quốc Viện Trợ Việt Nam Chống Pháp (Hồi ký của những người trong cuộc) do Nhà Xuất Bản Lịch Sử Ðảng Cộng Sản Trung Quốc ấn hành ở Bắc Kinh năm 2002, bản dịch tiếng Việt của Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy với Dương Danh Dy cũng là người hiệu đính. Bản dịch này không ghi nơi xuất bản cũng như tên nhà xuất bản với lý do được ghi là tài liệu lưu hành nội bộ và được gửi từ trong nước ra hải ngoại qua thư điện tử. Cũng vậy, ghi là nội bộ nhưng sách cũng không được ghi rõ là nội bộ của cơ quan nào.

Tập tài liệu này dày 280 trang qua thư điện tử và gấp đôi tức 560 trang theo khổ sách in nhỏ, gồm tổng cộng 10 bài, thêm hai trang Lời Cuối Sách. Tác giả đầu tiên là La Quý Ba, người được Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc bí mật cử sang Vịêt Nam đầu năm 1950 làm đại diện liên lạc giữa Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc và Trung Ương Ðảng Cộng Sản Ðông Dương, sau này là Ðại Sứ đầu tiên của Cộng Sản Trung Quốc ở Việt Nam. Bài này ngắn và có tính cách tổng quát, được viết để tưởng nhớ Mao Trạch Ðông. Tác giả thứ hai là Trương Quảng Hoa. Ông này xuất thân làm công tác ở văn phòng cố vấn quân sự của Ðoàn, lo về thống kê nên nắm vững tình hình giao nhận vật tư để báo cáo cho lãnh đạo của Ðoàn. Trương Quảng Hoa có cả thảy bốn bài, đồng thời giữ vai trò sửa chữa và hiệu đính, kể cả sửa chữa và hiệu đính cho phần “Ðại Sử Ký” tức phần niên biểu các sự kiện chính ở cuối sách trong đó có bài viết tổng quát và một bài viết về vai trò có tính cách quyết định của tướng Trần Canh trong trận Ðông Khê – Thất Khê. Chủ truơng của Trần Canh cũng như của các cố vấn Tầu đối nghịch với chủ trương ban đầu của các chỉ huy trưởng Việt Nam, trong đó có các Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 102 Nguyễn Hữu An và Trung Ðoàn 88 Thái Dũng. Người có bài thứ ba là Vu Hoá Thuần, viết về Vi Quốc Thanh trong cả hai trận Ðông Bắc và Ðiện Biên Phủ, một vai trò cũng quyết định giống như vai trò của Trần Canh trong chiến dịch Ðông Bắc. Vương Nghiên Tuyền nguyên ở trong ban tham mưu của Tướng Trần Canh và là cố vấn cho Ðại Ðoàn 308 trong thời chiến, năm 1956 lại trở sang Việt Nam làm tổ trưởng Tổ Chuyên Gia Quân Sự cho đến năm 1957. Ông này có hai bài dài và coi như nòng cốt của tập sách. Tiếp theo là các bài của Ðộc Kim Ba và của Như Phụng Nhất mà tiểu sử không được ghi dù là gián tiếp. Cuối cùng là một niên biểu liệt theo ngày tháng tiến trình hoạt động của Ðoàn Cố Vấn Trung Quốc từ ngày được thành lập, từ tháng Giêng và tháng Hai năm 1950 cho đến trung tuần tháng Ba năm 1956.

Nói tới Chiến Tranh Pháp – Việt Minh (1946 – 1954) không ai là không biết tầm quan trọng của viện trợ của Cộng Sản Trung Quốc cho Cộng Sản Việt Nam kể từ sau khi Ðảng Cộng Sản Trung Quốc chiếm được toàn thể Trung Hoa Lục Ðịa, hay chậm hơn và đúng hơn chút nữa là từ trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn, một do Vi Quốc Thanh và Ðặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Ðăng Ninh đón tiếp và thuyết trình. Ðây là thời điểm then chốt. Nó mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Chiến Tranh Ðông Dương Lần Thứ Nhất, trong đó viện trợ của Trung Quốc đóng vai trò quyết định. Sau thời điểm này quân đội của Tướng Giáp không còn phải “chiến đấu trong vòng vây”, không còn chỉ đánh du kích nữa mà đã chuyển sang vận động chiến rồi sau đó là công kiên chiến để đánh bại địch quân của họ, theo sách lược của Mao Trạch Ðông và kinh nghiệm của Quân Ðội Nhân Dân Trung Quốc. Hồi ký của các nhà lãnh đạo Việt Minh trong đó có Tướng Giáp, Tổng Tư Lệnh Quân Ðội, có Ðặng Văn Việt, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 174, con Hùm Xám của Ðường Số 4, đều nói tới nguồn viện trợ duy nhất và thiết yếu này nhưng nói tương đối ít. Những chiến thắng của Việt Minh từ các trận Ðông Khê và Cao Bằng trong chiến dịch Việt Bắc tới trận Ðiện Biên Phủ theo các chỉ huy người Việt này là do sự hoạch định chiến lược và chiến đấu của chính người Việt. Các cố vấn Trung Quốc trong tập Ghi Chép Thực kể trên đã gần như nói ngược lại. Không những thế họ còn viết nhiều hơn nữa, không riêng về quân sự như cung cấp dư dả súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tái tổ chức lại quân đội với chủ trương đặt nặng vai trò của chinh trị trong quân đội, thành lập và võ trang những đại đơn vị mới như các Ðại Ðoàn 316, 320, 325, 351 và một trung đoàn công binh bên cạnh các đại đoàn 304, 308, 312 và một số trung đoàn đã có từ trước, mà còn giúp Việt Minh giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chánh, đặc biệt là về tiền tệ, lương thực để Việt Minh từ thế gần như thụ động, bị bao vây trên nhiều mặt, sang chủ động làm chủ chiến trường. Các cố vấn Tàu còn cho biết họ đã soạn thảo các chiến lược và trực tiếp tham gia chiến trận cùng với quân đội của Tướng Giáp từ đó đã giúp cho Cộng Sản Việt Nam toàn thắng.

Một cách tóm tắt, khi đọc tài liệu này ta có thể ghi nhận được những sự kiện sau đây:

Thứ nhất: Viện trợ của Trung Quốc cho Cộng Sản Việt Nam là do Cộng Sản Việt Nam yêu cầu qua văn thư của Hồ Chí Minh và Trung Ương Ðảng Cộng Sản Ðông Dương gửi Mao Trạch Ðông và Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc, tiếp theo hai chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng năm 1950 và vào mùa đông năm 1951. Lần đi thứ nhất, khi Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh thì Mao Trạch Ðông và Chu Ân Lai đã đi Moscow để ký “Hiệp Ước Tương Trợ Ðồng Minh Hữu Nghị Trung – Xô” từ trước nên ông chỉ được Lưu Thiếu Kỳ đón tiếp rồi sau đó được Lưu Thiếu Kỳ thu xếp để sang Moscow. Câu hỏi được đặt ra là trước khi đi Mao và Lưu có biết là Hồ sẽ sang Bắc Kinh hay không? Ðặt ra nhưng câu trả lời phần nhiều là có. Nếu vậy tại sao hai người lại không đợi Hồ Chí Minh sang để cùng đi? Câu trả lời phần nào có thể được thấy nếu người ta theo dõi những gì đã xảy ra sau đó. Thứ nhất là trong buổi tiệc do Bộ Chính Trị Trung Ương Ðảng Cộng Sản Liên Xô tổ chức để khoản đãi Hồ Chí Minh khi họ Hồ mới tới Moscow tối ngày 6 tháng Hai, Staline đã không đến dự và Staline chỉ tiếp ông này nhiều ngày sau đó và tiếp ở phòng làm việc của mình với sự có mặt của nhiều người khác trong đó có cả Vương Gia Tường là đại sứ Trung Quốc ở Liên Xô. Thứ hai là trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Ðông, Châu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng được mời, có thể là không chính thức. Lợi dụng cơ hội này và khi Staline rất vui, Hồ Chí Minh đã ngỏ ý xin được ký một hiệp ước tương tự như hiệp ước Trung – Xô Mao Trạch Ðông đã ký trước đó. Staline đã từ chối.

Trương Quảng Hoa đã kể lại cuộc đối thoại giữa hai người như sau:

“Staline rất vui, trong bữa tiệc luôn luôn trò chuyện với khách. Hồ Chí Minh nắm lấy thời cơ này cười hỏi Staline: ‘Ðồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không?’ Staline cười: ‘Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà!’

“Hồ Chí Minh lại nói: ‘Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước!’ Staline nói: ‘Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra? Chúng tôi giải thích như thế nào?’ “Hồ chí Minh nói: ‘Ðiều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao?’

“Staline cười lớn nói: ‘Ðó là quá sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Ðông các anh’.” (trang 21) Họ Trương ghi tiếp là “Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên.” Chi tiết này chứng tỏ cuộc đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Staline là công khai trước mặt mọi người. Nhưng xét toàn bộ người ta thấy Staline tỏ ra rất lạnh nhạt, không có tôn trọng Hồ Chí Minh, đã mỉa mai khi trả lời những câu hỏi nghiêm chỉnh và quan trọng của Hồ, kể cả đem những đề nghị của Hồ ra làm trò cười cho những người có mặt trong buổi chiêu đãi và thẳng thừng từ chối những lời yêu cầu của Hồ, trong đó có đề nghị ký một hiệp là điều ông này rất mong muốn. Tại sao vậy?

Theo Trương Quảng Hoa “Staline lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, là Ti Tô thứ hai.” Nhưng đọc kỹ chi tiết hơn, người ta thấy hai điều. Một là Staline có chủ trương muốn Hồ Chí Minh đẩy sớm hơn và mạnh hơn cách mạng xã hội và kinh tế thay vì chỉ lo đánh Pháp và hai là Staline đã cùng Mao Trạch Ðông, và ngay cả trước đó không lâu, Lưu Thiếu Kỳ, trong một chuyến đi bí mật sang Nga, đã từng thảo luận và đồng ý với nhau về vai trò viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam của Trung Quốc rồi. Đây là lý do chính và Hồ Chí Minh sang Moscow chỉ là để nghe một chuyện đã được sắp xếp rồi. Riêng về cá nhân Hồ Chí Minh, xuyên qua cuộc đối thoại này, người ta thấy phần nào bản chất thực tế, kiên nhẫn, chịu đựng đến độ lì lợm, sẵn sàng dùng những biện pháp lừa dối như ông đã thường làm ở Việt Nam của ông. Cuối cùng thì chuyến đi Liên Xô của Hồ Chí Minh hoàn toàn thất bại, không giành được gì từ phía Liên Xô, không được coi trọng như Mao Trạch Ðông để từ đây ông và Ðảng Cộng Sản Vịêt Nam nghe và hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Trung Quốc.

Về chủ trương giữ bí mật cho những chuyến đi của Hồ Chí Minh và sau này là về Ðoàn Cố Vấn Trung Cộng cũng là điều người ta cần chú ý. Phía nào thực sự chủ trương giữ bí mật và tại sao phải giữ bí mật? Câu hỏi cần phải được đặt ra, cũng như Hồ Chí Minh có hứa hẹn gì với Mao Trạch Ðông và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc để đánh đổi lấy viện trợ của Trung Quốc không? Cũng vậy có thật viện trợ này là không hoàn trả và hoàn toàn vô vị lợi dựa trên nghĩa vụ quốc tế giữa các đảng cộng sản hay không, hay ngược lại, có liên hệ gì tới sự nhượng bộ của Cộng Sản Việt Nam đối với Cộng Sản Trung Quốc sau này không? Về điều này người đọc nên để tới gợi ý của Staline là Trung Quốc giúp cho Việt Nam một con gà thì Việt Nam có thể trả lại cho Trung Quốc một trái trứng.

Con gà là quân sự, là kinh tế, tài chính, là lương thực, là tiền tệ, còn trái trứng là cái gì? Và cũng vậy sự giữ bí mật này có liên hệ gì tới cách giải thích sự thỏa hiệp với Pháp của Hồ Chí Minh hồi năm 1946 trước đó, đại khái là thà ngửi c… thằng Tây ít năm còn hơn là làm nô lệ thằng Tầu thêm một ngàn năm nữa, hay những gì họ Hồ và Ðảng Cộng Sản đã lên án phía Việt Quốc, Việt Cách trong thời gian này? Hay giữ bí mật theo yêu cầu của Nga và của Tầu hay tất cả? Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.

Thứ hai: Viện trợ cho Việt Nam không phải chỉ vì nhu cầu của Việt Nam mà cả Trung Cộng cũng có nhu cầu đánh đuổi quân Pháp nhằm bảo đảm biên giới phía Nam của mình chống lại tàn dư của quân Quốc Dân Ðảng. Ðiều này cũng được các tác giả nói tới. Chiến dịch Ðông Bắc và sau này đánh Tây Bắc và sang Lào thay vì đồng bằng sông Hồng mà các cố vấn Trung Quốc đã áp lực các nhà chỉ huy quân sự Việt Minh phải chấp nhận cũng nhằm mục tiêu này. Chi tiết rõ hơn được trình bày trong phần kế.

Thứ ba: Có một sự khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh, trong đó có mục tiêu tấn công như đánh để tiêu diệt địch hay đánh để chiếm các cứ điểm hay các thị trấn, địa điểm tấn công, đánh nơi nào trước, Cao Bằng hay Ðông Khê, đồng bằng sông Hồng hay Lai Châu, Tây Bắc và Lào, đánh nhưng vẫn phải lưu tâm tới hoàn cảnh của các chiến sĩ anh em, đồng bào của mình hay đánh để thắng với bất cứ giá nào. Cuối cùng các cố vấn Trung Cộng khi không thuyết phục được các tướng tá Việt Minh đã luôn luôn báo cáo về cho Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc và Mao Trạch Ðông để Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc liên lạc với Trung ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Hồ Chí Minh và cuối cùng đã thắng thế. Chủ trương của họ đã được Hồ Chí Minh và Trung Ương Ðảng Cộng Sản Vịêt Nam chấp nhận và may mắn cho họ, kết quả là chiến thắng. Ðọc các bài viết này người ta có cảm tưởng là các chiến thắng của Việt Minh từ Ðông Bắc đến Ðiện Biên Phủ hoàn toàn là do công lao của các cố vấn Trung Quốc, từ đầu đến cuối, từ hoạch định chiến lược, lựa chọn địa điểm để đánh, trực tiếp tham gia theo dõi, chỉ huy trận đánh, can thiệp ngay khi cần. Các tướng tá Việt Nam đều là thiếu kinh nghiệm, nhút nhát, không dám chấp nhận gian khổ. Chẳng hạn như trong chiến dịch Việt Bắc, Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã nghiên cứu tỉ mỉ phòng tuyến Quốc Lộ 4 của Pháp để đưa ra đề nghị đánh Ðông Khê trước thay vì Cao Bằng. Ðề nghị này đã được Hồ Chí Minh lúc đó lên thị sát mặt trận, trực tiếp phê chuẩn thay vì qua Tổng Tư Lệnh Võ Nguyên Giáp. Hồ còn chỉ thị thêm rằng: “Chiến dịch này chỉ được thắng, không được thua!”, đúng như chủ trương của Trần Canh. Lý do là vì họ Hồ đã quen biết Trần Canh từ lâu trước đó, từ năm 1925 – 26, đã yêu cầu Mao Trạch Ðông cử Trần Canh sang giúp và tin cậy ở Trần Canh và biết rõ nhu cầu Trung Viện. Chỉ được thắng, không được thua hay thắng bằng bất cứ giá nào, bất kể sự hy sinh của binh sĩ là chủ trương của Trần Canh, khác với chủ trương của Võ Nguyên Giáp và của Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 174. Trong trận Ðông Khê, khi vị Trung Ðoàn Trưởng này vì bộ đội bị thương vong quá nhiều định rút lui, Vi Quốc Thanh đã điện thoại cho cố vấn Trương Chí Thiện của trung đoàn này, thúc đẩy vị chỉ huy của trung đoàn này, điều chỉnh bố trí và đánh tiếp. Giữa Trần Canh và Võ Nguyễn Giáp tối ngày 4 tháng 10 năm 1950 cũng đã tranh cãi nặng qua điện thoại khi quân Việt Minh tấn công chiếm núi Cốc Xá sau ba ngày liên tiếp và bị thiệt hại nặng, Bộ Chỉ Huy Tiền Phương ra lệnh cho bộ đội tạm ngưng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn. Tranh cãi nặng qua điện thoại đến độ Trần Canh có lúc đã nói to: “Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn.” Và nói tiếp: “Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi” và dập mạnh điện thoại xuống. Nhưng sau đó Trần Canh đã liên lạc với Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản Trung Quốc và Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho bộ đội tiếp tục, còn Mao Trạch Ðông thì  khuyến cáo “phải nhanh chóng tiêu diệt địch cho dù thương vong quá lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động.” (trang 41) Những chi tiết này Tướng Giáp và Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 174 là những nhân chứng còn sống có thẩm quyền xác hay phủ nhận.

Thứ Tư: Trong việc giúp Việt Minh huấn luyện và tổ chức lại quân đội, các cố vấn Trung Cộng còn giúp và rất có thể đã áp lực các nhà lãnh đạo của họ thực hiện một cuộc chỉnh huấn mà trong tài liệu được gọi là “chỉnh quân chính trị”. Công tác này đã được các cố vấn này lưu ý từ ngay những ngày đầu, nhưng mãi đến mùa hè và mùa thu năm 1953 mới trở thành qui mô toàn diện. Nó nằm trong chủ trương cách mạng căn bản của Mao Trạch Ðông và luôn cả của Staline qua khuyến cáo của Staline khi Staline tiếp Hồ Ghí Minh đầu năm 1950, với những dấu hiệu đầu tiên đã lộ rõ qua những nhận xét của các cố vấn Trung Quốc về các cấp chỉ huy của bộ đội Việt Minh khi họ thấy những vị chỉ huy này có trình độ học vấn cao, ghi chú nhanh, học giỏi, nhưng “nặng đầu óc tư sản, nhút nhát, sợ gian khổ, sợ khó khăn, không có tầm nhìn chiến lược…” trong khi các binh sĩ cấp dưới ít học và không được thăng thưởng. Những ngôn từ như tố khổ, giác ngộ giai cấp… đã được Vu Hóa Thầm nhắc tới trong bài viết của tác giả này (trang 63). Chiến dịch chỉnh huấn quân sự, chính trị qui mô này đã được phối hợp với phong trào cải cách rộng đất lúc này đang được tiến hành ở các cứ địa của Việt Minh ở Việt Bắc. Những sĩ quan xuất thân là các sinh viên, học sinh, những thành phần trí thức, quan lại, tư sản đã tham gia Vệ Quốc Ðoàn từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo thuần túy chỉ vì yêu nước, không còn được phục vụ như xưa nữa. Ngay danh xưng Vệ Quốc Ðoàn cũng bị thay thế. Một giai đoạn trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Minh đã đi qua kèm theo với tất cả những gì đẹp đẽ nhất và lãng mạn nhất của nó. Trung Ðoàn Trưởng Ðặng Văn Việt, Con Hùm Xám Của Ðường Số 4, thay vì trở thành tướng vì đã đánh bại không phải một mà hai đại tá của quân Pháp, đã bị gửi qua Trung Quốc làm tân khóa sinh của một trường sĩ quan. Cũng may là ông hãy còn được để cho sống sót.

Trên đây chỉ là một vài nhận xét mà người đọc tài liệu này trong một thời gian ngắn ngủi có dịp đọc. Hy vọng tác phẩm này sẽ được phổ biến hơn và được nhiều người đọc hơn, nhất là những người được các tác giả bằng cách này hay bằng cách khác nói tới, hầu có thể đóng góp thêm sự thực về một giai đoạn cực kỳ khó khăn và cực kỳ tế nhị nhưng không phải là không có những nét đẹp riêng của lịch sử của người Việt.

© PCD

9 Phản hồi cho “Về một tập tài liệu liên hệ tới các cố vấn Tầu ở Việt Nam”

  1. cố hương says:

    ………….

    Tháng 01 năm 1950 , Hồ chí Minh bí mật sang Tàu xin viện trợ , được Lưu Thiếu KỲ tiếp Vì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai qua Liên Xô. Sau Mao về Tàu gặp Hồ , hứa viện trợ . Mao triệu tập quân ủy trung ương rồi sai :
    - La QuÝ Ba 罗贵波 làm đại biểu liên lạc trung ương của Trung Cộng ,
    - Vi Quốc Thanh 韦国清 làm đoàn trưởng đoàn cố vấn ,
    - Mai Gia Sinh 梅嘉生 , Đặng Dật Phàm 邓逸凡 làm phó đoàn cố vấn
    sang Bắc Việt xây dựng quân sự và chỉ huy tác chiến.

    Không lâu , Mao sai Trần Canh 陈赓 làm đại biểu , phụ trách thống nhất xử lÝ
    viện trợ quân sự và tổ chức chỉ huy chiến dịch biên giới……

    Trang : 中国与胡志明-越南-越南旅游博客

  2. cố hương says:

    ………….

    Tháng 01 năm 1950 , Hồ chí Minh bí mật sang Tàu xin viện trợ , được Lưu Thiếu KỲ tiếp Vì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai qua Liên Xô. Sau Mao về Tàu gặp Hồ , hứa viện trợ . Mao triệu tập quân ủy trung ương rồi sai :
    - La QuÝ Ba 罗贵波 làm đại biểu liên lạc trung ương của Trung Cộng ,
    - Vi Quốc Thanh 韦国清 làm đoàn trưởng đoàn cố vấn ,
    - Mai Gia Sinh 梅嘉生 , Đặng Dật Phàm 邓逸凡 làm phó đoàn cố vấn
    sang Bắc Việt xây dựng quân sự và chỉ huy tác chiến.

    Không lâu , Mao sai Trần Canh 陈赓 làm đại biểu , phụ trách thống nhất xử lÝ
    viện trợ quân sự và tổ chức chỉ huy chiến dịch biên giới……

    Trang : 中国与胡志明-越南-越南旅游博客

  3. vn says:

    Để biết rõ chi thiết nên tìm đọc ” China and Vietnam wars 1950-1975″ của Qiang Zhai. Tác phẩm này nói rõ TQ đã viện trợ cố vấn và tài lực cho Bắc Việt như thế nào. Lưu thiếu Kỳ cũng khẳng định đó là việ̣n trợ phải hoàn lại, chứ không cho không.Sách có thể tìm qua Google search

  4. Anonymous says:

    Nguyên tác sách này hiện lưu trữ trong thư viện các trường đại học tại Mỹ thì kể như được TQ phát hành rộng rải, tại sao sách dịch bản Việt ngữ lại chỉ lưu hành nội bộ ??

  5. Du Nguyen says:

    Tai lieu nay da duoc Tap chi TRUYENTHONG Montreal in lai trong so 32, Ha Thu 2009 voi day du hinh anh illustration.
    Du Nguyen

Leave a Reply to cố hương