WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Walter Cronkite, Robert Mc Namara và Chiến tranh Việt-Nam

Walter Cronkite (Trái) và Robert Mc Namara. Nguồn: wikipedia

Khi dịch bản tin của Washington Post về cái chết của Walter Cronkite, một người trụ cột của ngành truyền thông Mỹ, tôi có nhắc đến lời nhận định bất hủ của ông – một câu nói mà trong sử liệu, phim ảnh cũng như các chương trình TV Mỹ thường hay được trích dẫn như nhắc nhở đến sự sai lầm của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam:

“Khi nói rằng chúng ta sắp đạt được chiến thắng ở Việt Nam hôm nay, trong khi phải đối đầu với những chứng cớ, là mặc nhiên tin vào những kẻ lạc quan (tếu) mà trước đây đã từng bị chứng minh là mình sai,” ông Cronkite nói, và lời phê bình đó đã cấy vào tâm trí hàng triệu người Mỹ sự hoài nghi về các bản báo cáo chính thức của chính quyền Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Khán giả của ông Cronkite đoan chắc rằng ông không bao giờ nói láo với họ, trong khi Nhà Trắng và Bộ Quốc Phòng lại không đạt đến mức độ tin tưởng cao như ông.” (1)

Mục đích của tôi không phải chỉ muốn nhắc lại chuyện quá khứ, nhưng đã gần 45 năm trôi qua một số truyền thông Mỹ vẫn ngoan cố bóp méo sự thật của cuộc chiến đó. Mỗi khi có một nhân vật quan trọng có liên hệ với cuộc chiến Việt Nam ra đi vào cõi vĩnh hằng, thì y như rằng những nhận định sai lầm của họ vẫn được truyền thông Mỹ nhắc lại như là một nguyên lý hiển nhiên!

Như vậy người Mỹ có trách nhiệm phải giải thích ra sao về những tồn đọng của nghịch lý và lấn cấn trong cuộc tham chiến của họ? Gạt miền Nam sang một bên để lý giải rằng chuyện sai lầm của mình là không ý thức được “tinh thần quốc gia” của phía Cộng sản như ông Mc Namara đã làm sau 40 năm là một chuyện tối nghĩa và ti tiện!

Trước khi mạn bàn đến chuyện cũ (chiến tranh Việt Nam), tôi xin khẳng định lập trường: cá nhân tôi từ lâu vẫn tin rằng cuộc đổ bộ và leo thang ào ạt của quân đội Mỹ vào Việt Nam là một chuyện phản tác dụng (1a), đi ngược lại tính chính thống của cuộc chiến Quốc-Cộng, vì miền Nam vốn là tiền đồn nối dài ý nghĩa và chính nghĩa “quốc gia dân tộc” trong cuộc bảo vệ chống lại sự bành trướng của Cộng sản Quốc tế (được ủy nhiệm cho Hồ chí Minh và lãnh đạo Hà nội).

Tuy nhiên sau nền Đệ Nhất Cộng Hòa các lãnh tụ miền Nam đã nương tựa quá nhiều vào Mỹ, khiến cho lý tưởng và cứu cánh của cuộc đấu tranh bị giảm đi, góp thêm vũ khí tuyên truyền cho Cộng sản (và MTGPMN) miền Bắc. Có lẽ từ đó, chính thể của miền Nam đã nằm chênh vênh bên bờ trơn trợt của hố sâu vực thẳm. Thế cuộc đã chia cho miền Nam những lá bài xấu, nhưng điều đó không bắt buộc miền Nam phải thua. Lẽ ra, thất bại vì chính nghĩa không phải là một chuyện tiệt nhiên được định phận tại thiên thư!

Đương nhiên, như ông Bùi Tín nhận xét trong quyển From Enemy to Friend (Từ Thù Đến Bạn) cuộc chiến Việt Nam không như một ván bài, người ta không thể xóa đi và đánh lại. Miền Nam đã chiến bại, có ví von, giá như Mỹ đừng bỏ cuộc hay miền Nam đừng quá tin vào Mỹ, ông Thiệu đừng ‘dọa’ Nixon rút quân về Sàigòn (bỏ ngõ vùng I Chiến thuật quá vội vã) thì cục diện không như vầy. Vấn đề ở đây, tôi chỉ phân tích chuyện cũ để phản biện với những nghịch lý của các nhân vật Hoa Kỳ then chốt trong lịch sử.

Cái khó của một người Việt dạy sử Hoa Kỳ như tôi là những lúc phải đương đầu với những câu nói của Daniel Ellsberg (The Pentagon Papers, hồ sơ Mật Ngũ Giác Đài) Walter Cronkite hay Robert Mc Namara trong lúc giảng dạy cũng như khi trích dịch hay viết những bài tương tự. Không những các nhà báo kỳ cựu như ông Walter Cronkite, Peter Jennings (ABC), David Halberstam  (New York Times) mà đến cả những phóng viên đương đại như Thomas Friedman của tờ New York Times, một columnist 3 lần đoạt giải “Pulitzer Prize”, đều có những nhận định sai lầm về chiến tranh Việt Nam.

Trong một bài viết so sánh Iraq với Việt Nam, ông Thomas Friedman cho rằng Mỹ chưa thuộc bài học Việt Nam, nên tiên đoán, vì kinh nghiệm Việt Nam cho thấy, Mỹ sẽ thua, ngụ ý cho rằng Iraq và Việt Nam có những điểm tương đồng. Thật là một điều sỉ nhục! Đối với tôi và những người Việt ý thức được cuộc tranh đấu của Việt Nam — cho một nền dân chủ dù phôi thai chống lại một chủ nghĩa Cộng sản quốc tế đã mượn lá cờ dân tộc làm chiêu bài thu hút dân chúng — đã khởi nguồn gần nửa thế kỷ trước khi Mỹ đổ quân vào Việt Nam! Trong khi ở Iraq, sau khi lật đổ Saddam Hussein, Hoa Kỳ chỉ mới khai mào một cuộc kháng chiến với sự tham gia của các sắc dân Hồi giáo Sunni và Shi’ite. Iraq và Việt Nam không có một điểm tương đồng nào, từ nguyên do cho đến lý tưởng cũng như các thành phần tham gia hai cuộc chiến.

Ông Friedman (và một số các đồng nghiệp) còn đi xa hơn, ví sự thất bại của Mỹ ở Haditha (Iraq) với cuộc tổng công kích Mậu Thân, một trận đánh mà ông cho là Mỹ và quân đội miền Nam phải bỏ đến hơn một năm để dẹp loạn. Không hiểu vào thời chiến tranh Việt Nam ông ở đâu và làm gì, (còn học trung học St Louis Park High School ở Minnesota và Brandeiss University ở Massachusetts) để bây giờ bổng nhiên trở thành một nhà chuyên môn về chiến trường Việt Nam?

Sau này tình cờ vào mạng Wikipedia, tôi chợt phát hiện sự trùng lập về ngày tháng của trận Mậu Thân giữa ông Friedman và Wikipedia, thật đúng với cái biệt danh “Wikipedian journalist” mà tôi đã gán cho ông trong một bài viết Anh ngữ. Ngày nay, trong giới báo chí và học giả hiểu biết của Hoa Kỳ, ai cũng đều công nhận trận Mậu Thân là một sự thất bại nặng nề cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Quân đội miền Nam và Mỹ đã đánh tan địch quân trong vòng một tháng. Sau này bộ đội chính quy miền Bắc phải được xung công vào miền Nam để thay thế những tổn thất này.

Nhưng vào thời đó, hình ảnh  (được truyền hình đến các gia đình ở Mỹ), các anh Việt Cộng chạy lung tung trên đường phố ở các thành phố miền Nam, và những trận đánh sáp lá cà, từ nhà này sang nhà khác đã làm dân chúng Hoa Kỳ kinh hoàng, kể cả hình ảnh những anh lính Việt Cộng chui cống đột nhập vào tòa đại sứ Mỹ cuối cùng bị Quân Cảnh (Military Police) Mỹ cho nổ lựu đạn và lôi xác lên.

Những cuộc nổi dậy, những cuộc đồng khởi, chứng minh sự hậu thuẫn dân tộc mà Cộng sản có được ở miền Nam, không xảy ra như lãnh đạo miền Bắc tuyên truyền, nhưng nó đã xảy ra trên giấy tờ, và sau ngày 30 tháng Tư trên những tên đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ), Đồng Khởi (Tự Do cũ) để người dân phải ứng khẩu thành hai câu thơ:

“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên diệt Tự Do”

Khi ông Cựu bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Mc Namara qua đời hai tuần trước đây, người ta cũng nhắc lại lời nhận lỗi gián tiếp của ông là ông không hiểu ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. Ý ông muốn đồng hóa Đảng Cộng sản Việt Nam với dân tộc Việt Nam!

Trong phim tài liệu đoạt giải Academy, “The Fog of War”  (Sương mù chiến tranh) của Errol Morris, ông Mc Namara cho rằng Cộng sản Việt Nam là tiếng nói cũng như đại diện chính thống của dân tộc Việt. Một đoạn phim cho thấy ông cựu Tổng trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (lúc ấy đã bát tuần) tranh cãi và bào chữa cho lý tưởng Cộng sản (đội lốt quốc gia) của mình. Ông nắm tay và đấm mạnh trong không khí, mặt ông căng ra, gân cổ nổi lên, ông nhe cả răng lợi. Ông đóng kịch hăng say và tài tình đến nỗi ông Mc Namara đã mô tả lại cuộc tranh luận giữa hai người như thể chúng tôi “sắp choảng nhau.”

Đó là vào năm 1995 sau khi Hoa kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau, và đã tổ chức một cuộc họp ngoại giao cao cấp nhất giữa hai cựu thù địch. Ông Mc Namara qua Hà Nội để thử giả thuyết của mình: “Hai nước có thể đạt được mục tiêu của họ mà không phải tổn thất về nhân mạng cao như thế?”

Nguyễn Cơ Thạch:  “Ông ạ, ông sai hoàn toàn, chúng tôi chiến đấu để giành độc lập, trong khi các ông chiến đấu để nô lệ hóa chúng tôi.”

Robert McNamara: “Ông định nói thế nào, cuộc chiến không phải là một thảm họa cho đất nước ông à, Việt Nam tổn thất hơn 3.400.000 mạng người mà so với tỷ lệ dân số Hoa Kỳ, tương đương với con số 27.000.000 người? Việt Nam đã đạt được cái giải gì? Các ông cũng không thu thập được gì hơn những điều mà chúng tôi đã sẵn sàng giao nhượng cho các ông lúc bắt đầu chiến tranh? Ông có thể có tất cả những gì các ông muốn: độc lập, thống nhất đất nước.”

Nguyễn Cơ Thạch: Thưa ông McNamara, ông không đọc sử. Nếu có, thì ông đã biết chúng tôi không phải là con cờ của Trung quốc hay Liên Xô. McNamara, ông có biết điều đó không? Bộ ông không biết là chúng tôi đã tranh đấu chống Trung Hoa trên cả nghìn năm nay sao? Chúng tôi chiến đấu giành độc lập, và chúng tôi có thể tranh đấu cho đến người cuối cùng, một điều chúng tôi quyết chí hy sinh cho đến chót. Không một số tiền nào, không một áp lực nào của Mỹ có thể ngăn cản được chúng tôi.” (2)

Người ta đã “thấy” gì qua cuộc tranh luận trên?

a) Không phải chờ đến ngày nay — khi nhà nước Cộng sản đã cắm mốc biên giới chính thức hóa các vụ nhượng đất, cắt biển, (năm 2000) mở đường cho Trung quốc điềm nhiên vào xâm chiếm Việt Nam (không tốn đến một phát súng!) với cuộc khai thác Bô xít trên Tây nguyên (2009), cũng như cho các nạn Tàu phỉ hà hiếp dân lành, mở các làng Trung quốc trên đất nước Việt Nam, lặng yên cho tàu “lạ” (3) đâm ngang các tàu đánh cá, giết hại và bắt bớ ngư dân Việt trên hải phận mình –  ngoại trưởng Ung văn Khiêm (1956) và thủ tướng Phạm văn Đồng đã chính thức ký kết những vụ nhượng đất, nhượng đảo, công nhận chủ quyền Trung quốc từ những năm 1956 và 1958.

b) Ông Nguyễn cơ Thạch đến tuổi già đã lú lẫn chăng hay ông thật tình không nhớ hay không biết đến những ký kết trên để chúng ta có thể “thấy” điều c)?

c) một tín hiệu cho Mỹ thấy cánh ngoại giao (phe thân Mỹ) của Việt Nam khẳng định mình vẫn nhận thức được cái hiểm họa ngàn đời của Bắc triều và muốn xích gần lại Mỹ hơn?

Từ 1995 đến nay (2009) đã có nhiều biến chuyển trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, người dân không thể hiểu được những chuyện ‘cực kỳ’ hèn hạ và bạc nhược gần đây của nhà nước Việt Nam (đối với các hành vi ngang ngược của Trung quốc), ngoại trừ người ta có thể suy đoán việc lãnh đạo Cộng sản đã ăn tiền và bỗng lộc của Bắc triều quá nhiều nên sự tồn vong của đất nước chỉ là một cuộc trao đổi trâng tráo?

Sau khi đạt được ý nguyện (lật đổ Nhu Diệm) Mỹ chủ động chuyện lèo lái chiến tranh Việt Nam theo ý muốn và quy định của mình. Nhưng rốt cục, khi miền Nam bắt đầu quen thuộc với cuộc chiến leo thang và tăng tốc của Mỹ, thì Hoa Kỳ đã vội rút lui và sau đó cắt đứt mọi viện trợ. Mỹ coi thường những lãnh đạo như ông Thiệu và đã sớm gạt miền Nam ra khỏi phương trình thương thuyết với Hà Nội. Trong một khí thế lãnh đạo hỗn độn Mỹ-Việt, Hoa Kỳ đã tạo ra một môi trường mà kẻ hèn kém, mưu mô lấn lướt người tài giỏi, ngay thẳng, để sau cùng khi Mỹ rút lui, những tiền đề như: Hoa Kỳ là đồng minh giúp mang lại quyền tự quyết cho miền Nam, miền Nam là tiền đồn, là thành lũy chống Cộng cao nhất Đông Nam Á chỉ là những câu nói trêu ngươi của phường tuồng mà nhiều người có trọng trách đã quên đi.

Khác hẳn khi Hoa Kỳ nhập cuộc và bắt đầu leo thang, họ đã đưa ra một mệnh đề khác, (tôi xin trích dịch bản cáo phó của The Associated Press (4):

“…  ông Mc Namara, tổng thống Johnson và các viên chức Hoa Kỳ đánh giá chiến tranh Việt Nam là một trận chiến cần thiết trong Chiến Tranh Lạnh, một cuộc chiến ủy nhiệm nhằm ngăn chận Cộng sản Quốc tế cai quản Đông Nam Á. Tuy rằng trước đó họ cho là chiến tranh Việt Nam là một mặt trận tỉ thí, đối đầu giữa Hoa Kỳ và Liên Xô (ủng hộ Bắc Việt), ông McNamara về sau (2005) lại nhìn nhận là mình đánh giá thấp tinh thần quốc gia (dân tộc) cũng như sự chống lại chính quyền Sàigòn được Mỹ ủng hộ.” (Hết trích)

Đây là một nghịch lý. Đầu tiên, vào năm 1965, ông Mc Namara cho là cuộc chiến chống Cộng sản là “một cuộc chiến ủy nhiệm nhằm ngăn chận Cộng sản Quốc tế cai quản Đông Nam Á”. Nhưng sau 30 năm để lý giải chuyện thất bại trong vai trò cố vấn của mình, Mc Namara:

a) đồng hóa cuộc chiến xâm lăng miền Nam của Cộng sản với tinh thần quốc gia (nationalism).

b) Hãy nghe ông Mc Namara lý giải với CNN bào chữa cho sự thiếu kém của mình: “Cuộc chiến trong miền Nam tự nó mang đầy đủ đặc tính của một cuộc nội chiến nhưng nói chung chúng ta (Hoa kỳ) không coi nó là một trận nội chiến và chúng ta không thẩm định thành quả của mình theo đúng nghĩa của một cuộc nội chiến.” (5)

Tháng 11, 1965, trong một trận đụng độ lượng sức nhau, phía Hoa Kỳ, một sư đoàn bộ binh phối hợp với yểm trợ không lực, phía Hà Nội huy động một sư đoàn chính quy dự bị của Bắc Việt (đề tài cho cuốn sách và phim: ‘We were Soldiers’ (Once and Young). Tuy nhiên sau trận đánh lớn đầu tiên đó ở Ia Drang (Trung nguyên) hai bên đều gánh nhận tổn thất nặng nề, ông McNamara được tổng thống Johnson biệt phái qua Việt Nam để nhận định tình hình chiến sự Việt Nam. Sau khi họp với đại tướng Westmoreland, (tham mưu trưởng quân đội Mỹ ở Việt Nam) Đại sứ Henry Cabot Lodge, một số các nhà ngoại giao và tình báo Hoa Kỳ, ông đích thân bay lên An Khê để tham vấn với chuẩn tướng Hal (Harold) Moore, chỉ huy trưởng bộ binh Mỹ trong trận đánh Ia Drang vừa qua. Trên chuyến bay về Hoa Thịnh Đốn ngày 30 tháng 11, 1965, Mc Namara đọc một bản báo cáo tối mật cho tổng thống Johnson, nói lên quan điểm của mình:

“Đề án 1: Chúng ta có thể tìm bất kể một phương thức ngoại giao nào để Hoa Kỳ có cớ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

Đề án 2: Chúng ta có thể gởi thêm cho tướng Westmoreland 200.000 quân như ông đã yêu cầu và trong trường hợp này, tính đến 1967, chúng ta sẽ có đến 500.000 quân nhân ở miền Nam, và sẽ có khoảng 1.000 người chịu tử thương mỗi tháng. Chúng ta có chỉ có thể mong đợi được một sự bất phân thắng bại nhưng ở một mức độ đẫm máu hơn nhiều.”

Đến tháng 12, 1965 nội các Johnson triệu tập những quân sư giỏi nhất và họp hai ngày liên tiếp, kết quả họ đã chọn giải pháp 2, leo thang chiến tranh vì họ không muốn mất mặt với các đồng minh trong khối Tự do (Chiến tranh Lạnh), khi McNamara vẫn cho rằng Mỹ sẽ không đạt được thắng lợi ở Việt Nam.

Đối với nhiều lãnh đạo dân sự (triều đại tổng thống) Hoa Kỳ, người viết chỉ có thể đi đến một kết luận cuối cùng, Việt Nam là một sự “đã rồi”, một fait accompli, ngay cả trước khi cuộc chiến bắt đầu. Hoa Kỳ không có giải pháp cho miền Nam. Hoa Kỳ không hiểu gì về lịch sử hay bối cảnh Việt Nam (từ thời Pháp thuộc đến Cộng sản-Quốc gia). Khi bật đèn xanh cho các tướng lãnh miền Nam hạ bệ hai anh em Diệm-Nhu để đổ bộ quân Mỹ vào miền Nam (đảo ngược chính sách của ông Diệm-Nhu) sự hiện diện của quân đội Mỹ đã làm mất đi chính nghĩa dân tộc của miền Nam.

Nếu người Việt không chủ động được định mệnh mình, người ta có thể hỏi:

Hoa Kỳ, với đầu óc chủ bại trước khi lâm chiến, rồi lại gặp sự chống đối của dân chúng phản chiến Mỹ đã dành cho số phận dân chủ của Việt Nam một định mệnh đen như mõm chó?

© 2009 Đàn Chim Việt Online

(1a) Tuy nhiên trong địa bàn chính trị (geopolitics) của thời Chiến tranh Lạnh, viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam là cần thiết.

(1) http://www.washingtonpost.com/wp-yn/content/article/2009/07/17/AR2009071703345_pf.html

(2) http://www.vietamericanvets.com/Page-Diaspora-VCPMandate.htm

(3) tàu lạ-tàu quen

…“tàu lạ” chuyên húc tàu Ta

Ngư dân khốn khổ, chém cha giặc…“tàu”!

Ta Tàu hai đảng hôn nhau

Sao không nhờ “bạn” đem tàu giúp Ta ?

Biển Đông “bạn” vẫn tuần tra

Ắt tường “tàu lạ” hay là “tàu quen”!

*

Thắp nhang cúi lạy tổ tiên

Sao mười sáu chữ leo lên bàn thờ?

Cha đời cái bọn nhuốc nhơ

Thênh thang biển rộng bây giờ…về đâu?

Thái Hữu Tình

20-7-2009

(4) He, Johnson and other U.S. officials portrayed the war as a necessary battle in the Cold War, a proxy struggle to prevent communism from taking control of all of Southeast Asia. But while they saw the conflict as another front in the standoff between the United States and the Soviet Union, which backed communist North Vietnam, McNamara acknowledged later that they underestimated Vietnamese nationalism and opposition to the U.S.-backed government in Saigon.

(5) “The conflict within South Vietnam itself had all of the characteristics of a civil war, and we didn’t look upon it as largely a civil war, and we weren’t measuring our progress as one would have in what was largely a civil war,” he told CNN.”

Phản hồi