WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đến tuổi già sao Việt Nam vẫn chưa sáng sủa?

Vừa tạt vào lề phải, được chia ranh bằng lằn sơn trắng, tôi đã có cảm giác bất an, đây là thông lộ đưa ra khỏi phi trường MSP, có an toàn cho mình dừng xe không? Đằng trước khoảng 100 thước, biển chỉ đường xa lộ 494, 77 và 35W bắt ngang trên cao, thách đố. Còn đang làu bàu nguyền rủa cái máy chỉ đường của Bác và Đảng thì y như rằng (điều mình ngán ngẩm đã đến), đèn xanh, đèn đỏ đã chớp loạn xạ trên kính chiếu hậu. Tôi ngồi im, bấm nút cho kính cửa quay xuống, tim đập mạnh trong lồng ngực, đằng sau lưng một cảnh sát công lộ tiến lên, đèn pha của xe tuần chiếu sáng chói phía sau:

“May I see your driver license and car registration please?”

Người cảnh sát công lộ cầm bằng lái rồi hỏi giấy xe, tôi bảo đây là xe thuê, rồi đưa cho anh ta giao kèo mướn xe. Anh ta xem giấy tờ rồi rọi đèn pin vào trong xe, trên đùi tôi cái Garmin GPS (Global Positioning System mà tôi thường gọi đùa là máy chỉ đường của Bác và Đảng) vẫn nằm gọn lỏn, màn hình vẫn hiện nguyên hình bản đồ đường xá.

“You’re from California?”

“Yes, sir! And my GPS doesn’t work…”

Sau khi cho tôi biết là đậu như vậy không an toàn, người cảnh sát hỏi tôi muốn đi đâu? Tôi cho anh ta coi máy GPS còn hiển thị bản đồ địa điểm đến, có xa lộ số 10 chạy ngang qua, rồi vội phân bua: “Nảy giờ, tôi không hiểu sao cái máy chỉ đường này cứ vừa nói vừa chỉ đường ở California, tuy rằng bản đồ trên màn hình là nơi đây.” Anh ta dặn dò: “Anh nên tìm exit ra rồi chỉnh lại cái navigator, còn nếu muốn đi đến freeway 10 thì lấy xa lộ 494 rồi đổi sang 35 West sẽ gặp 10.”  Tôi chép vội vào giấy.

Tôi vừa lái xe theo lời chỉ dẫn của anh cảnh sát, vừa bực dọc vì sao (Bác) trên vệ tinh cao chín từng mây không bắn xuống kích hoạt máy, vì từ khi ở phi trường Minneapolis-St. Paul ra mình đã bao lần bấm chọn Minnesota làm tiểu bang, và lấy tên thành phố và địa chỉ khách sạn để định hướng cho máy, thế mà Bác vẫn không thông cảm cho người lữ thứ xa nhà trong đêm tối, cứ một mực chỉ cho mình đường về nhà (ở California) và để cho giọng vi tính của cô phát ngôn viên (chính thức) trêu chọc: “Make a left turn then an immediate left on Terrabella Way (Đường vào Đất Đẹp)…”

Chiếc xe nhỏ vẫn chạy bon bon trong đêm tối, vượt qua nhiều xe khác trên đường, làm người lữ khách chùn chân, chẳng lẽ cư dân Minnesota lại sống một cuộc sống nhàn hạ, chậm rãi đến thế à? Chiếc xe KIA Allante 4 máy lại có thể qua mặt nhiều loại xe Hoa Kỳ 8 máy. Tánh nóng vội của dân phồn hoa đô thị có khác. Trong 50 tiểu bang của Hoa kỳ, có lẽ California, ngoài New York ra, là tiểu bang phóng túng, mau mắn nhất, Minnesota không hẳn là một tiểu bang ruộng rẫy, quê mùa – nhất là trong thời buổi toàn cầu hóa mà Hoa Kỳ điển hình là nước chủ xướng, dẫn đầu, mang nhiều tiện nghi tiến bộ đến nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở nước họ – nhưng cư dân Minnesota  có ít nhiều từ tốn trong công việc hàng ngày.

Cô gái Hà Nội năm xưa: Giáng Kiều 1953. Ảnh: Tác giả cung cấp

Ngẫm nghĩ về chuyến đi và nhiều chuyện còn bề bộn đang chờ ở nhà, xe chạy mãi mà vẫn chưa thấy 35 West, tôi bắt đầu chột dạ, thêm 15 phút nữa trôi qua, xe vẫn phom phom trong đêm vắng, nhìn đồng hồ đã gần 12 giờ rưỡi khuya. Bảng bên đường cho thấy mình đã vào địa phận thị trấn Maple Grove, tôi tìm lối ra (exit) xa lộ. Ghé một cây xăng có hàng quán bên trong, tôi vào hỏi đường và mua một bản đồ Minnesota mới biết ra rằng mình đã đi chệch qua hướng Tây, xa điểm đến khoảng 12 dặm. Bất ngờ khi ra xe rồ máy lên thì bỗng nhiên tiếng nói quen thuộc của GPS trỗi lên, hỏi có muốn lấy địa chỉ khách sạn làm điểm đến cuối cùng không? Tôi bấm Yes. Còn hồ nghi, thì những lối dẫn đường do xướng ngôn viên của Bác lần lượt xướng lên. Đúng là tên của những con đường xa lạ của Minnesota (chứ không phải của California như khi nãy), xem lại bản đồ thì cũng đúng hướng. Về đến hotel thì đã gần 1 giờ sáng. Chị Nga nghe lọc cọc ngoài cửa, cũng đã thức dậy.

Trong hai tuần liền sau đó, máy của Bác đã hoạt động bình thường trở lại, nghĩa là nó đã biết chúng tôi ở Minnesota, chỉ dẫn đường xá tử tế. Kể cả hôm đi thăm Audio Research Corporation, một hãng chuyên chế tạo preamp và ampli bóng nổi tiếng của Mỹ ở Plymouth, cách hai thành phố song sinh Minneapolis – St. Paul khoảng 15 dặm về phía Tây. Ở một nơi không thân thuộc nên gần như tôi đặt toàn niềm tin vào máy dẫn đường của Bác. Cô xướng ngôn viên với giọng nói vi-tính quen thuộc (không giống Phan Thúy Thanh lắm) với những tiên đoán (nói trước) đường đi nước bước, làm một người ngoại đạo (với Bác) ngày nào cũng mở Bác lên, trông cậy và chực chờ những lời phán xét, dặn dò của Bác.  Có phải cứ như thế mà Bác đã từ từ, như thuốc phiện, lấn vào hồn, đi vào đời sống của những người sùng bái Bác không?

Đúng hay sai, đây là thói quen của những người đi đường. Những kẻ tha nhân đến một nơi lạ, không biết phương hướng, không biết ứng xử ra sao trong tình huống mới, cũng lại lôi Bác ra, như món bùa thần chú, nghe những lời tâm niệm tưởng như bất di bất dịch (do xướng ngôn viên Bác) thốt lên, hướng dẫn lối đi. Tôi cũng thế, sống ở thế kỷ 21 rồi nên cũng tin gần như tuyệt đối vào món bùa hộ mạng này. Chỉ khác là nó do đế quốc Mỹ phát minh, thay chỗ cho một thần tượng như Bác và Đảng mà nhiều người vẫn tôn thờ. Ít ra, cái sai của nó không nhiều, không tai hại bằng Bác và Đảng. Tuy thế, tôi vẫn thích nhìn vào bản đồ, như những người chấm số tử vi, xem tổng thể hướng đi của cuộc đời.

Tôi vốn là người khoa học, không tin vào khoa tử vi bói toán, nhưng càng sống càng cảm thấy bất lực, thảm sầu trước những vô vọng miên man của cuộc đời, ước gì có những ứng nghiệm, những chỉ dấu báo hiệu – giống như máy chỉ đường – báo trước cho một ngày mai sáng sủa và sớm sủa trên đất nước.

“…Mẹ ơi, có thật tuổi Quý Hợi là số tốt, nhàn hạ không?”

“Đúng, Quý Hợi không vất vả như Đinh Hợi, là tuổi chị Nga đấy…”

“Nhàn hạ, tốt gì con không biết, nhưng thấy mẹ án binh bất động trên ghế xe lăn, có vẻ đúng tuổi con lợn đấy, mẹ nhàn nhã thật!” Tôi cắt lời, bông lơn cho mẹ vui. Vì hai tuần nay, hai chị em tôi, một người từ Bruxelles, Bỉ, một người từ Oakland, California, sang thăm bà cụ, hiện ở trong một viện dưỡng lão thuộc thành phố Coon Rapids, Trung Đông Minnesota – buồn như chấu cắn – không có lấy bóng dáng một người Á châu nào, nói chi đến Việt Nam.

Mẹ tôi năm nay đã 86 tuổi (tuổi Quý Hợi), gần đất xa trời, sống xa quê hương, gia đình và con cái, ngoài một bà chị đã tái giá theo chồng, sống ở tiểu bang Minnesota đã ngót 5 năm nay. Trước khi theo chị về Minnesota, mẹ tôi sống ờ Westminster thuộc quận Cam, gần những người bạn văn nghệ thâm niên của bà. Mấy tháng trước mẹ còn ở chung với bà chị và ông chồng chị ở Ramsey, một vùng ngoại ô của thủ đô Minneapolis-St. Paul.  Nhưng sau một lần bị ngã phải vào nhà thương cấp cứu, sức khoẻ bà sa sút hẳn, nên bốn tháng nay cần được sự chăm sóc của các cô nhân viên và y tá trong nhà bô lão.

Trong hai tuần lễ thăm nom mẹ, ngoài chuyện đưa bà đi đến hai quán ăn, Kim Anh và Phở Tân Phát gần nơi bà ở, còn một thú tiêu khiển nữa mà tôi hay thường làm là ngâm thơ hay đọc cho bà nghe những bài viết về Việt Nam. Phần đóng góp của bà là kể lại cho chúng tôi những nhân vật và giai thoại lịch sử mà bà đã sống qua, đương nhiên chuyện này cần chúng tôi hỏi han, khơi dậy hứng thú cũng như trí nhớ của bà. Tin tức việt Nam có nhiều bất cập, từ nạn Tàu phỉ quấy phá làng xóm Việt Bắc, đến chuyệnTrung quốc cấm cản ngư dân Việt Nam đánh cá trong hải phận mình, đến chuyện nhà nước Việt Nam – bất kể chuyện phẫn nộ và can gián của nhiều người – vẫn tiến hành khai thác Bô xít, đến chuyện bắt bớ Lê Công Định, tôi đều tường thuật cho bà nghe.

“Thôi đừng kể cho mẹ nghe làm gì những chuyện Việt Cộng nữa, buồn thảm quá!”

“Con tưởng lâu nay ở chốn khỉ ho cò gáy này buồn tẻ, mẹ thiếu tin tức Việt Nam chứ!”

Bà chỉ nhìn tôi, lặng thinh không nói. Một người lưu luyến, mến yêu quê hương mình, ngay cả những lúc ở Cali gọi điện đến, muốn cho bà lên tinh thần tôi thường nói đến chuyện đưa bà về Việt Nam, thăm Hà Nội (tuy chuyện này không khả thi) là mẹ tôi giọng nói đã tươi rói, phấn chấn thấy rõ. Đã có một năm chuẩn bị hành trang cho mẹ về sống luôn ở Hà Nội, thế rồi chuyện sắp đặt không thành, bà thất vọng, phải trở về Minnesota thui thủi sống trong căn nhà, chung quanh gần như bao bọc giữa rừng cây. Mùa Đông, tuyết rơi ngập đường, gần nửa năm sống quanh quẩn trong nhà, buồn tẻ, xa bạn bè văn chương, không ai đến thăm. Chẳng bù với những khi sống ở quận Cam, thường có hội hè mời bà đến ngâm thơ hay xem trình diễn văn nghệ, hay ra mắt sách.

Giờ đây, tình cảnh bà lại xuống cấp hơn, đi đứng khó khăn, phải cậy vào chiếc xe lăn, lại ở trong một trung tâm tịnh dưỡng của người già. Tôi hiểu rằng, người lớn tuổi khi vui vầy thì sẽ khoẻ khoắn hơn, nếu có chuyện hữu ích cho mình đeo đuổi họ sẽ sống cuộc sống nghĩa lý cho nên có thể thọ hơn. Thật vậy, ở đây đi ra đi vào khu tịnh dưỡng, chỉ thấy phấn hoa (cotton wood) bay đầy trong gió. Đường xá chạy xuyên qua những khu rừng cây xanh um tùm, ngút ngàn. Hôm nào trời âm u thì còn đỡ oi một chút, mấy hôm trời xanh không mây, nắng nôi đến rát cả da. Mưa xuống đất xông lên hơi nóng hừng hực, gợi nhớ những mùa Hè oi bức ở Việt Nam, chắc cũng không thua kém gì những cơn nóng ẩm thấp của Hà Nội, nám cả thịt da.

Chỉ riêng các cô gái tóc vàng mắt xanh da trắng, gốc Bắc Âu (Scandinavian và Đức) là mát mắt (đẹp), nhất là tỉ số dễ nhìn lại trên trung bình! Có lẽ ít có tiểu bang nào ở Mỹ mà nhiều người da trắng đến như vậy. Nhưng ngược lại, người Mỹ ở đây thân thiện, hiền hòa, và tử tế. Họ thường nhoẻn miệng cười mỗi khi mình đi qua, thăm hỏi và xã giao. Ở khách sạn ít lâu, đã có một cô ở lễ tân tỏ ra thân thiết với mình. Một người như tôi, nếu phải về đây sống, lẽ nào sẽ dan díu với một nàng tóc vàng mắt xanh rồi xa lánh chuyện đất nước mình? Huống hồ mẹ tôi, không hội nhập được với cuộc sống thuần thục của Mỹ, chẳng nhẽ sẽ lãng quên đi chuyện quê hương mình cho đến chết?

Hôm đầu đến nhà dưỡng lão Park River Estate Care Center nhằm lúc bà và những người đồng trang lứa đang sinh hoạt thể thao trong một phòng rộng. Khoảng ba mươi người ngồi trên xe lăn kết thành một vòng tròn chung quanh một nhân viên đứng ở giữa với một quả bóng bể (beach ball) bằng nhựa, bà này đi vòng quanh những người già, thẩy quả bóng cho mỗi người đánh qua đánh về dăm ba cái. Trong lúc nhiều bô lão chăm chú chờ đến lượt mình để đánh banh, thì mẹ tôi ánh mắt nhìn xa xăm, thần hồn như lạc tận phương trời xa xưa nào. Có lẽ bà đang ở một thế giới ảo không liên can gì đến thực tại, ánh mắt vẫn đăm chiêu, soi rọi như muốn đâm thủng khoảng không gian quanh mình.

Hình ảnh chuyến tàu suốt (xe lửa) xuyên đêm trong phim Dr. Zhivago chợt đến với tôi: ánh mắt trừng trừng, bỏng cháy của một người tù phản loạn, chân tay bị xiềng xích, nhìn như xuyên thủng tim đen những tên cai tù Bosheviks. Khi bác sĩ Zhivago mở ô cửa nhỏ trong toa tàu chật ních những người ngợm đang cố vươn lên tìm cách vượt thoát thân phận mình, nhìn ra màn đêm tìm ánh trăng xanh thì anh tù phản động bỗng cười khảy một tiếng như hiểu được ý định của nhà thơ muốn tìm đến một chân trời mới, tự do hơn. Có thể nào mẹ tôi trong những năm cuối của cuộc đời đang bị giam lỏng vì không sống đúng môi trường của mình?

“Mắt trừng gởi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội Giáng Kiều thơm”

Hai câu này nhà thơ Quang Dũng viết đã hơn nửa thế kỷ trước (và bị trù dập nặng nề sau đó) thay cho người bạn thân tên là Chiêu Dương (Nguyễn Ngọc Chương) chỉ vì ông này lỡ yêu thầm nhớ trộm mẹ tôi, nay cả Quang Dũng và Chiêu Dương đều đã trở nên người thiên cổ. Bao giờ đến phiên mẹ?

Oái oăm thay mắt trừng gởi mộng ngày nay không phải của những người trai chinh chiến, hướng về ánh sáng kinh kỳ Hà Nội dấu yêu ngày nào, cũng chẳng phải của một nhi nữ tuổi mộng mơ, sống cho lý tưởng của một thời son trẻ vàng son, dấn thân vì nghệ thuật mà chính là ánh mắt thất thần của một người đến tuổi già phẫn chí, lạc lõng trên một đất nước to lớn mà không lúc nào bà thật sự hội nhập, hay phù hợp bằng nếp sống yêu chuộng, thân thương, xưa cũ của mình.

Đây là phần số của những người lớn tuổi, còn những người trẻ hơn không mang nặng hành trang của đất nước thì sao, rồi đây sẽ thế nào? Họ là con dân ưu tú của một đất nước bao dung hơn, tử tế hơn, số phận họ ắt sẽ tươi sáng, nhưng có một ngày nào họ chợt bừng tỉnh, nhận thức rằng mình còn giòng máu Việt trong tim, hay sẽ phiên phiến quên đi gốc gác tang thương của dân tộc mình để hòa quyện trở thành một công dân gương mẫu của Mỹ và thế giới?

Tháng Sáu, 2009

© 2009 Đàn Chim Việt Online

Phản hồi