WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Dì tôi

“Dì Sáu tôi có nghề thiến heo, Thiến chưa rồi đứt chỉ chết queo”

Hồi ấy mấy anh em tôi thường hay núp sau cánh cửa hô lên đồng thanh như vậy khi thấy dì Sáu Bèo xuất hiện ngoài đường với tiếng kèn thiến heo vang lên từ tay dì những tiếng tít te . . . tít te . . . Có lần bà ngoại tôi xách chỗi chà rượt chúng tôi: Đồ con nít quỷ, nói hỗn không sợ dì Sáu bây buồn.

Nhưng dì Sáu tôi không buồn, dì gỡ cây chỗi trên tay ngoại tôi rồi nhìn chúng tôi cười, nụ cười ngọt ngào và đôn hậu. Dì ngồi xuống bộ ván gõ, nêm cho ngoại tôi mấy miếng trầu, nói vài câu chuyện rồi lại ra đi, tiếng kèn tít te, tít te lại vang lên trong xóm. Dì thường mặc bộ bà ba đen, đội nón lá, tóc bới tròn như trái cam, chân đi dép Nhật, dáng đi nhanh nhẹn, gọn gàng. Tay phải cầm chiếc kèn cứ bóp lia bóp lịa. Tít te, tít te. Trên vai dì quảy cái túi nải nhỏ, trong đó có mấy món đồ nghề gồm dao mổ, thuốc sát trùng, kim, chỉ khâu, tiền bạc và vài món tư trang. Khi có ai gọi thiến heo Sáu ơi thì dì ghé vào, chỉ trong tích tắc, con heo la lên vài tiếng thất thanh là mọi việc đã xong. Dì nhét tiền vào túi nải rồi lại ra đi, những tiếng kèn lại vang lên trong xóm. Hồi ấy dì khoảng bốn mươi tuổi. Một lần tình cờ nghe những mẩu đối thoại thì thầm giữa dì với mẹ tôi trong nhà bếp, tôi mới biết dì Sáu tôi chính là Việt cộng nằm vùng. Còn dượng Sáu tôi thì đang ở tù ngoài Phú Quốc.

Từ đó tôi không còn trêu chọc dì bằng những câu hát đồng dao nữa. Và khi lớn lên, đi góp nhặt những mẩu chuyện đời qua những tiệc tùng trong họ hàng thân tộc, tôi đã chép lại thành câu chuyện sau đây. Dì Sáu tôi tên thật là Dương Thị Cư, nhưng không nghe ai gọi dì là Sáu Cư mà chỉ gọi là Sáu Bèo. Cái tên cúng cơm ấy đã gắn cuộc đời dì như bọt bèo sông nước.

Dì với mẹ tôi là chị em con cô con cậu, dì vai chị nhưng nhỏ hơn mẹ tôi năm tuổi. Trong thân tộc tôi có ít nhất là ba mươi người đàn bà mang nỗi bất hạnh của chiến tranh, như mẹ tôi chẳng hạn, mẹ tôi bị mất đi người chồng và hai người con trai lớn, nhưng bù lại bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi gia đình có một câu chuyện bi kịch khác nhau, nhưng câu chuyện gia đình dì Sáu Bèo cứ ám ảnh tôi nhiều nhất.

Theo mẹ tôi kể, dì lấy chồng hồi năm hai mươi tuổi, không hiểu duyên số nào sắp đặt mà cả hai vợ chồng lại cùng thứ cùng tên – ông Sáu Cư, Tạ Vĩnh Cư.

Đám cưới chưa được bao lâu thì dượng Sáu tôi đi tập kết.

Trong những thước phim tư liệu quay cái cảnh chia ly đầy nước mắt ở bến sông Ông Đốc có hình ảnh dì Sáu tôi úp mặt rung rung trên chiếc khăn rằn. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, dì làm cán bộ giao liên văn phòng liên tỉnh ủy miền Tây. Nhiệm vụ chính của dì lúc bấy giờ là chèo ghe đưa ông Tư Bình – tức ông Vũ Đình Liệu, bí thư liên tỉnh – đi hoạt động công khai trong vùng kềm của giặc từ sông Hậu, Ngã Bảy đến Cà Mau, Rạch Gốc, Ông Trang…

Ông Tư Bình đóng vai ông thầy thuốc Bắc, trong ghe có đủ các loại thuốc thang và cao-đơn-hoàn-tán. Dì Sáu tôi nhỏ hơn ông gần hai mươi tuổi nên không biết đóng vai gì cho phù hợp, vai vợ thì quá nhỏ, vai con thì quá lớn. Cuối cùng hai người nghĩ ra cách, hễ gặp giặc thì dì nói dì là em vợ đi rước anh rể về trị bệnh cho bà nội. Nhiều lần đi qua đồn giặc, lính đồn gọi ông Tư Bình lại nhờ khám bệnh, ông giả vờ khám rồi đoán mò và hốt cho chúng vài thang thuốc, căn dặn đôi điều như một ông thầy chuyên nghiệp rồi lại ra đi, bọn lính rối rít cảm ơn.

Khi Đường lối Cách mạng miền Nam ra đời, dì Sáu Bèo được giao nhiệm vụ vận chuyển tài liệu cho các cơ sở Đảng trong vùng tạm chiếm. Dì nghĩ ra cách giấu tài liệu trong những đòn bánh tét giả rồi để chung với các loại bánh thật cùng với trái cây, nhang đèn như một người đi đám cúng cơm. Cứ thế, Đường lối Cách mạng miền Nam được dì chở đi khắp các cơ sở Đảng trong vùng để góp phần làm nên ngày Đồng khởi.

Có lần đi qua Khâu Bè – Giáp Nước, gặp bọn lính sư đoàn 21, chúng cặp xuồng lại chọc ghẹo và lấy bánh ăn, dì với cô Ba Lộc và cô Năm Nga đã lanh trí ứng xử bằng cách ném các loại bánh khác cho chúng và giựt những đòn bánh tét trở lại, dì nói với bọn lính: Con rễ gì mà hỗn quá, bánh nầy chưa cúng ông bà, không có được ăn, rồi dì xô xuồng ra, rủ chúng chèo đua với điều kiện là các anh chèo kịp em thì tụi em sẵn sàng làm vợ. Nhờ mưu kế ấy mà những đòn bánh tét không lọt vào tay giặc. Ba người lách sang một cua quẹo rồi nhảy lên bờ, ôm tài liệu chạy vô rừng. Bọn lính nghi ngờ bắn theo mấy phát súng rồi thôi.

Năm 1962, dì Sáu tôi chuyển sang làm công tác kinh tài của tỉnh Cà Mau cũng là lúc vợ chồng dì sum họp. Ông Sáu Cư vượt Trường Sơn về Nam với cấp hàm thượng úy, ông được bổ nhiệm làm tiểu đoàn phó Tiểu đoàn U Minh II. Ông Sáu Cư là một sĩ quan phong độ, lại có tài đánh giặc, ông chỉ huy trận nào là thắng gọn trận đó, quân lực lại ít hy sinh, vì vậy mà ông sớm nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ. Chẳng bao lâu, ông được thăng chức lên phó ban, rồi trưởng ban tác chiến của Tỉnh đội Cà Mau. Tuy nhiên, bên cạnh cái tài đánh giặc, ông Sáu Cư lại là con người độc đoán và cao ngạo, dường như ông chẳng biết nể nang ai dù là những người đang ở những cương vị bắt buộc ông phải tuân thủ phục tùng.

Cuối năm 1967, tại căn cứ Xẻo Lá, ông TH – một trong những người lãnh đạo của tỉnh mà tác giả xin miễn nêu tên – đang triển khai kế hoạch tổng tấn công thị xã Cà Mau vào dịp Tết Mậu Thân, cả hội trường đang im lặng lắng nghe thì bất thần Sáu Cư đứng lên hỏi: Xin đồng chí cho biết mục tiêu của trận đánh nầy là gì để tôi lập phương án tác chiến cho phù hợp. Nếu đánh để chiếm Cà Mau thì phương án khác, còn đánh để làm suy yếu kẻ thù rồi rút lui thì sẽ có phương án khác chớ không thể nói chung chung mà không có mục tiêu được. Bị hỏi bất ngờ, ông TH chỉ tay vào mặt Sáu Cư nói: Tôi bảo đánh là đánh chớ không được hỏi lại. Sáu Cư nói: Con c… , vậy thì anh chỉ huy đánh đi! Nói xong, Sáu Cư bỏ ra ngoài, cả hội trường ngơ ngác.

Sau cuộc họp ấy, ông bị đưa vào trại kỷ luật của tỉnh đội. Ở đây tôi không bàn về chuyện Mậu Thân, vì đó là công việc của các nhà làm sử. Tuy nhiên, thắng hay bại của từng trận đánh là điều bình thường của chiến tranh. Nhưng điều phiền hà cho Sáu Cư là sau Tết Mậu Thân, người ta trút cơn giận lên đầu ông, người ta cho rằng ông là CIA nên mới để cho kẻ thù phá vỡ kế hoạch của từng cánh quân giải phóng. Thế là Sáu Cư bị giải từ trại kỷ luật sang trại tù binh ngụy ở Kiến Vàng. Dù là vô tình hay cố ý, cái tin ông Sáu Cư làm tình báo CIA bị bắt giam cứ ngày một rộng ra làm cho chính quyền ngụy và quân đội Mỹ hiểu rằng có một nhân viên CIA bị Việt cộng bắt giam cần phải ra tay giải thoát.

Tháng 3 năm 1969, một tiểu đoàn biệt kích Mỹ được trang bị trực thăng và tàu chiến, nửa đêm đột nhập vào trại tù binh Kiến Vàng để giải tỏa cho Sáu Cư. Viên chỉ huy bước vào trại giam lễ phép hỏi: Xin lỗi các chiến hữu, ở đây ai tên là Tạ Vĩnh Cư? Sau khi Sáu Cư lên tiếng, hắn nói: Xin chào ông, chúng tôi đến đây để giải thoát cho ông, bắt đầu từ bây giờ, ông sẽ được đối xử theo luật quốc tế, xin mời ông xuống tàu cùng đi với chúng tôi. Còn tất cả các chiến hữu hãy lên trực thăng để về vùng tự do. Sáu Cư ngơ ngác theo chúng xuống tàu, chiếc tàu chiến được trực thăng bảo vệ bằng róc-két phóng rạp hai bên bờ sông cho đến khi về tới chi khu Hải Yến. Sáu Cư được chúng đưa lên đó tắm rửa, thay quần áo, nghỉ ngơi, ăn uống hai ngày như thượng khách. Sáng ngày thứ ba, chúng đưa ông xuống tàu ra Cà Mau, đến ở trong một căn phòng sang trọng tại trung tâm quân sự Cao Thắng.

Suốt cả tuần lễ ở đây, bọn sĩ quan ngụy cứ dạ dạ vâng vâng tận tình phục vụ ông như một người khách quý mà chẳng hề hỏi ông một câu nào gọi là có ý khai thác. Một hôm, có một tên sĩ quan cấp tá đến báo tin cho ông biết rằng ông sắp được chuyển về Sài Gòn và hỏi ông có cần gặp vợ con không, ông nói rằng ông rất muốn gặp, hắn hứa rằng hắn sẽ cố gắng giúp ông. Về phần dì Sáu tôi, sau khi chồng bị giam vào trại tù binh Kiến Vàng, dì được tổ chức phân công ra hoạt động hợp pháp ở Cà Mau. Nhưng thật ra đó là một giải pháp để người ta đưa dì ra khỏi vùng căn cứ bởi vì hoạt động nội thành mà không có liên lạc được với ai. Buồn chán, dì ẳm đứa con trai đầu lòng mới lên hai tuổi về quê cất nhà ở vùng ven thị xã.

Khi nghe tin trại giam Kiến Vàng bị giải tỏa, dượng Sáu tôi được đưa về trung tâm Cao Thắng, dù không biết thực hư như thế nào, dì cũng cố dò la tin tức và tìm mọi cách đến thăm. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là lúc dì tìm đến thăm cũng là lúc bọn sĩ quan ở đây cũng đang tìm mọi cách để giúp ngài Sáu Cư gặp vợ con. Thế là, để chúc mừng cho cuộc hội ngộ nầy, một tên sĩ quan đã chụp tặng vợ chồng ông một bức ảnh. Cuộc gặp gỡ cũng chẳng lý giải được điều gì, cả hai người cũng nhận định rằng đây là một sự hiểu lầm nào đó của cả bên địch lẫn bên ta. Mấy ngày sau, ông được đưa lên máy bay về Sài Gòn, lại được đối xử đàng hoàng như thượng khách. Ông cũng chẳng biết nơi ấy là đâu.

Một hôm, có một viên đại tá đến chào ông, hắn tự xưng hắn là Tổng cục phó tình báo Việt Nam Cộng hoà. Cuộc thẩm vấn bắt đầu, ông không thể nào hiểu nổi những điều mà hắn đặt ra. Ví dụ như hắn hỏi ông cộng tác với CIA từ lúc nào? Người ông trực tiếp quan hệ là ai? Đến lúc nầy cả hai mới ngớ ra. Ông thì ngớ ra rằng chúng đã lầm ông với một người cùng tên nào đó. Còn hắn thì ngớ ra rằng hắn đã uổng công với một tên Việt cộng nòi khi ông đã nói rõ về thân thế của ông. Song, sau vài phút ngớ người, hắn thấy rằng đây là một miếng mồi ngon nên chuyển ông sang Trung tâm chiêu hồi để giở trò dụ dỗ. Ngày sau ông được tiếp xúc với một tên sĩ quan tâm lý chiến thuộc loại cáo già. Hắn nói rằng Cộng sản đã đối xử với ông như thế thì không có lý do gì ông không quay lại trả thù, rằng nếu ông chịu hợp tác thì hắn sẽ thăng cho ông vượt lên hai cấp, nghĩa là từ thượng úy lên hàm thiếu tá, chức vụ tiểu đoàn trưởng. Hắn sẽ cấp cho ông một tiểu đoàn tinh nhuệ nhất với đầy đủ phương tiện khí giới để ông kéo quân về dưới mà tha hồ trả thù những kẻ đã ám hại ông… Sáu Cư hẹn trả lời hắn trong ba ngày.

Suốt ba ngày ấy ông có đủ thời gian suy nghĩ. Ông căm giận những người đã hại ông lắm chớ! Nhưng vì họ mà đứng về phía giặc để trả thù thì mình trả thù ai đây? Đảng của mình, đồng bào mình, bà con làng xóm mình, vợ mình, con mình… tất cả là của mình. Không thể vì sự căm giận nhỏ nhen mà quay lưng với tất cả. Ba ngày sau, ông trả lời với hắn rằng ông chán cảnh đánh nhau, ông muốn trở về làm một người nông dân để được sống an nhàn với vợ con. Hắn gia hạn cho ông suy nghĩ thêm một tuần. Và một tuần sau ông cũng trả lời như thế. Hắn doạ nhốt ông, ông cũng trả lời như thế. Ngày sau, chúng đưa ông lên chiếc xe tù và giải ông xuống Cần Thơ. Ở trại giam Cần Thơ sáu tháng, chúng đày ông ra Phú Quốc.

Năm 1973, ông được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Nhưng khổ thay, những người bạn tù của ông thì còn đường tìm về đồng đội cũ, còn ông thì biết tìm ai? Ông tìm về với vợ con. Dì Sáu tôi ngày ngày với chiếc kèn tít te tít te đi thiến heo khắp đầu làng cuối xóm. Ông lặng lẽ ở nhà với tâm trạng ngổn ngang. Ông giữ cái THẺ CĂN CƯỚC TÙ BINH CỘNG SẢN VIỆT NAM của Bộ Quốc phòng ngụy với hy vọng một ngày nào đó gặp lại những đồng đội cũ, may ra nó chứng minh được thân phận của mình để cùng nhau xếp lại quá khứ mà vươn đến tương lai.

Nhưng rồi hai năm sau, ngày miền Nam giải phóng thì cũng là ngày ông bị đưa đi cải tạo cùng với những tên sĩ quan và tề ngụy Sài Gòn! Dì Sáu tôi chạy đi khóc lóc kêu oan khắp nơi, kể cả những người lãnh đạo cũ, người ta nói rằng đây là chuyện bí mật của ngành an ninh, cần phải có thời gian điều tra làm rõ. Mấy năm đầu ông bị giam trong khu chấp pháp, một nhà tù của chế độ cũ ở gần trường học phường Năm, lúc ấy thằng Dũng con trai ông đã học lớp bốn, lớp năm tại trường nầy. Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy nó vào những buổi chiều tan học, nó đứng miết ngoài hàng rào kẽm gai nhìn vô nhà giam mà nước mắt nó rưng rưng.

Chị Huỳnh Thanh Hương – một người bà con xa với tôi – là giáo viên dạy lớp Năm của Dũng nhiều lần nhìn thấy Dũng đứng lặng như thế khi chị đạp xe về muộn, con đường đã vắng bóng học trò, chị dừng lại hỏi thì Dũng chỉ khóc. Hôm sau chị đến trường mở lý lịch Dũng ra xem thì chỉ thấy một dòng ngắn gọn: Cha Tạ Vĩnh Cư, đang học tập cải tạo không rõ lý do. Chị đem chuyện ấy hỏi tôi, tôi kể cho chị nghe, chị đã khóc. Từ đó, chị dành hết tình cảm cho Dũng, những buổi chiều về thấy Dũng đứng ngoài hàng rào trại giam như thế thì chị dừng xe lại dỗ dành và đưa Dũng về nhà.

Sau khi trại giam Cây Gừa ở Bạc Liêu được xây dựng, ông Sáu Cư được chuyển về đó mấy năm. Đến năm 1982, ông được thả về với cái giấy tạm tha. Tạm tha cũng có nghĩa là sẽ bị bắt lại, người cai tù nói với ông như thế để ông đừng hòng kiện cáo. Mà ông nào có kiện cáo với ai, gần mười lăm năm ông như quả bóng chuyền của hai đối phương cứ ném qua ném lại hai bên giềng lưới, cuối cùng ông bị văng ra lề sân cỏ khi thân phận đã nhão nhừ. Ông bị bệnh tê thấp, bị phù thủng khắp người, tinh thần cũng không còn để đi tìm chân lý.

Một lần ông tìm ra Tỉnh đội để hỏi Bộ chỉ huy về tình cảnh của mình. Người ta hứa với ông rằng chuyện của ông rồi sẽ được minh oan, mọi quyền lợi rồi sẽ được phục hồi trở lại, tạm thời ông hãy yên tâm về nhà dưỡng bệnh. Sau đó người ta viết cho ông cái giấy giới thiệu về địa phương nói rằng ông là bộ đội phục viên, trong thời gian chờ đợi giải quyết chính sách, yêu cầu chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho ông sinh sống.

Cái nghề thiến heo không còn nuôi sống được gia đình, dì Sáu tôi chuyển sang làm vườn, trồng chuối, xê-ri và các loại rau cải hàng ngày mang ra chợ bán. Ông Sáu Cư vừa hết chứng phù thủng thì chuyển sang tai biến mạch máu não, nằm liệt mấy năm trời. Dì Sáu tôi phải vừa nuôi bệnh, nuôi thằng Dũng học hành, cuộc mưu sinh gói tròn trong những thúng rau. Quỹ thời gian không đủ để lo cho hiện tại thì lấy gì để lo cho những chuyện đã qua, mà lại là những chuyện ngoài sức vóc của một người đàn bà thiếu chữ nghĩa, sức yếu thế cô.

Cuộc sống cứ thế xoay vần, vật đổi sao dời, kẻ trở về với đất, người trở lại đời thường, người khác lo con đường thăng quan tiến chức . . . ai để tâm nhớ đến những lời hứa suông cho qua chuyện – lại là chuyện phiền hà cần phải cố quên. Ngay cả trong họ hàng thân tộc, chuyện của ông Sáu Cư từng là chuyện thời sự trong tiệc rượu, tiệc trà, đám cưới, đám giỗ, đám tang. Nhưng từ khi ông ngã bệnh, không còn lui tới họ hàng, những người già lần lượt qua đời hoặc không còn khả năng tụ họp trong những lúc có tiệc tùng thì với đám trẻ chuyện của Sáu Cư đã trở thành chuyện cũ, người ta thích nghe những chuyện mới hơn. Vì thế mà chuyện của ông cũng đi vào quên lãng.

Đầu tháng bảy năm nay, bất chợt tôi vác máy ảnh tìm đến ông sau nhiều năm không gặp. Một căn nhà khiêm tốn nằm trong một khu vườn khiêm tốn ven quốc lộ 1A đoạn nối dài xuống Năm Căn, cách thành phố Cà Mau chừng năm cây số. Ông năm nay đã bảy mươi hai tuổi rồi, già cộng với tai biến cuộc đời, tai biến mạch máu não đã làm cho ông trở thành một con người lụm khụm, không còn nghe thấy gì nữa. Dì Sáu tôi phải dìu ông từ trong buồng ra ngoài với từng bước đi loạng choạng. Thằng Dũng bây giờ đã có vợ hai con, cất nhà ra riêng cặp lộ xe làm nghề sửa đồ điện tử.

Tôi hỏi thăm đời sống, dì Sáu tôi nói nhờ nối dài quốc lộ, đất lên giá, dì cắt nền ra bán được vài chục cây vàng, xây lại căn nhà và chừa chút đỉnh dưỡng già, cũng đở. Tôi nhìn lên vách thấy có tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhì của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng cho bà Dương Thị Cư vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dì lấy cho tôi xem quyển sách truyền thống lịch sử của ngành Giao – Bưu – Vận tỉnh Cà Mau, trong đó có mấy trang kể lại chuyện ngày xưa dì chở ông Vũ Đình Liệu đi hoạt động công khai, chuyện dì vận chuyển Đường lối Cách mạng Miền nam trong đòn bánh tét.

Thấy dì đang vui nên tôi không dám hỏi thăm về chuyện cũ, khi mời hai ông bà ra chụp ảnh, tôi chỉ nói dối rằng để dành khi hữu sự. Ngay cả khi ngồi viết lại câu chuyện nầy, tôi cũng không có ý đấu tranh để đem lại cho gia đình dì Sáu tôi một sự công bằng, bởi vì điều ấy nếu có thì nó đã có từ lâu. Mười tám năm trước, khi dượng Sáu tôi mới ra tù, tôi còn nghĩ tới điều ấy. Nhưng sau mười tám năm lăn trải với những va chạm trong đời, tôi đã hiểu rằng, cuộc đời có những sai lầm vô phương chữa.

© Võ Đắc Danh

1 Phản hồi cho “Dì tôi”

  1. quangcaumuoi says:

    1962 mien tay lam gi da thanh lap su doan 21 bo binh.. heeee…. danh’ trai giam giai thoat mot can bo cao cap ” heeeee mot tieu doan linh biet kich my kaaaaa…thoi di tam”’ biet kick thuong thuong ho di rat it’ nguoi.. hon? hop. my va biet kich’ VNCH…thiet tinh` cha’n ghe…

Leave a Reply to quangcaumuoi