WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trần Dần trong công cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ (2)

(Phần 1)

Viễn kiến Trần Dần

Sau 1954, trước hiện tượng từng dòng người bỏ Miền Bắc di cư vào Nam, báo chí của Đảng lên án họ là những phần tử phản động theo địch phản bội tổ quốc, là bị lừa gạt theo Chúa, là ngại khó ngại khổ bỏ quê đi tìm bơ thừa sữa cặn của tư bản, đế quốc …. nhưng Trần Dần thì đã nhìn thấy cái nguyên nhân sâu xa tự bên trong.

“Tôi muốn khóc giữ từng em bé
Bỏ tôi ư? — từng vạt áo — Gót chân
Tôi muốn kêu lên — những tiếng cọc cằn …
- Không ! Hãy ở lại !
Mảnh đất ta hôm nay dù tối
Cũng còn hơn
…. non bồng Mỹ triệu lần …
Mảnh đất dễ mà quên?
Hỡi bạn đi Nam
Thiếu gì ư? Sao chẳng nói thực thà?
Chỉ là :
- thiếu quả tim, bộ óc !
Những lời nói sắp thành nói cục
Nhưng bỗng dưng tôi chỉ khóc mà thôi
Tôi nức nở giữa trời mưa bão .
Họ vẫn ra đi” . 

(Nhất định thắng)

Cái nguyên nhân sâu xa ấy càng được chứng thực, càng hiển hiện qua đợt di cư ào ạt hơn sau thống nhất đất nước 1975.

Đánh thắng đế quốc Mỹ. tổng bí thư Lê Duẩn huyênh hoang tuyên bố: Đất nước từ nay vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Nhưng Trần Dần tiên đóan:

“Mỗi bước đi lại một bước trưởng thành
Thắng được Chiến tranh
… Giữ được Hòa Bình
Giặc cũ chết — lại lo giặc mới
Ðoàn quân ấy kẻ thù sợ hãi
Chưa bao giờ mất bụng dân yêu
Dân ta ơi! Chiêm nghiệm đã nhiều
Ai có Lý? và ai có Lực?
Tôi biết rõ đoàn quân sung sức ấy
Biết nhân dân
… Biết Tổ quốc Việt Nam này
Những con người từ ức triệu năm nay
…. Không biết nhục
…….. Không biết thua
………….. Không biết sợ
!”

(Nhất định thắng)

Quả nhiên, năm 1979 Đặng Tiểu Bình đã dạy cho Lê Duẩn một bài học, và ngày nay rõ rang ai cũng thấy: “Giặc cũ chết … lại lo giặc mới”. Chúng đang trắng trợn xâm lăng Biển Đông. Bọn giặc mới này còn đáng lo hơn, đáng ghê tởm hơn, đáng khinh bỉ hơn bất kỳ bọn giặc cũ nào.

Cho nên ngay từ chuyến đi làm thuyết minh cho bộ phim “Điện Biên phủ”, được tiếp xúc với nền văn hóa và xã hội Trung Quốc, trở về ông đã nói lên dự cảm này: “Chớ nên theo đường lối văn nghệ của Trung Quốc”.

Trần Dần đã vạch rất đúng nhiều nguyên nhân sâu xa tự bên trong của các sự kiện trong và ngoài nước:

Hồi ấy mọi chính sách và nhận định về thời sự của Đảng ý kiến của tôi đều đối lập. Ví dụ: Cải cách ruộng đất ruộng đất theo tôi không thể gọi là thắng lợi căn bản. Vấn đề Hung-ga-ri, tuy công nhận địch là nguyên nhân trực tiếp, song tôi nhấn mạnh đến nguyên nhân sâu xa là tập đoàn Racôxi. Vấn đề tự do và chuyên chính, tôi nói: Ta thừa chuyên chính bố láo rồi, chỉ thiếu tự do thôi. Nhất là trong địa hạt văn nghệ thì không thể nào dùng biện pháp hành chính được”. (**)

Tổng bí thư Lê Duẩn không chỉ huênh hoang tuyên bố vĩnh viễn sạch bóng quân thù mà còn hợm hĩnh cho rằng đã lãnh đạo đánh thắng được đế quốc trùm sò thì sẽ lãnh đạo làm cái gì cũng được. Nhưng ngay trong “Trần Dần ghi” khi chiến tranh vùa kết thúc, Trần Dần đã tiên liệu và nhắc nhở:

“Cho nên bạn nói Chiến tranh là rèn luyện;- bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa”

“Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng [...] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhung bạn đừng lầm bảo rằng bộ xương đó là người, hình cốt và cái khung là tâm hồn rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá”

“Hoà Bình rồi, người ta mới có thể biết trong chiến tranh người ta đã mất mát và thu hoạch được những gì. [...] Tôi nói rằng chúng ta mất nhiều hơn. Tại vì tôi nghĩ tới chiến tranh và tội ác của nó. Và tại vì tôi so sánh những cái thu hoạch 9 năm chiến tranh vừa qua với những cái thu hoạch lớn hơn gấp bội nếu 9 năm qua là 9 năm kiến thiết Hoà Bình. [...] Vì thế tôi muốn viết nhiều, muốn viết những cái tôi chưa dám viết. Và tôi muốn viết không có kiểm duyệt”.

Cho nên sau chiến tranh Trần Dần càng háo hức sống, để được sáng tạo cật lực hơn, để được bù đắp những gì ông chưa tọai nguyện.

Hãy đọc đoạn thư ông gửi lãnh đạo sau kết thúc chiến tranh năm 1975:

Rồi đám cháy tắt. Đất nước dập tắt cái đám cháy ngoại xâm ấy. Mỹ cút…Tôi hy vọng…vấn đề cuộc đời tôi lại đặt ra, ít nhất cũng với tôi, vợ con, gia đình, ở ngưỡng cửa của Đất nước chiến thắng…Tôi vẫn hy vọng. Tôi còn ít nhiều năm tháng. Còn một phần đời. Một phần đời, một ngày cũng đáng sống. Dù một buổi chiều. Nhất là trong khi ngày ấy, buổi chiều ấy, phần đời ấy dù là bé bỏng nhưng nằm ở ngưỡng cửa Khải hoàn môn. Tôi hy vọng. Tôi còn một phần đời. Để sống nó. Để làm việc.Con cái. Sự gây dựng. Sự chuộc lại…Tôi xin sự giúp đỡ. Sự rộng lượng. Ở các anh. Ở tổ chức”.

… Và những dòng thơ bi tráng này:

“Dù bị vứt bên lề đường

Dù bị tàn tật

Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng

Dù manh tải đùm thân

Bị gậy bơ vơ trời không che đất không chở

Dù đêm nghe gió quét gậm cầu

Chỉ vài ánh sao lu làm củi lửa

Ta vẫn khăng khăng yêu Tổ quốc thật lòng

Dù chỉ còn một bên tai

Tai sẽ đón tiếng chim ru

Còn một bên tay – tay sẽ quờ quào

Vục một chút màu xanh quê cũ

Cho đôi môi khô uống một hụm trời”

(Hy vọng)

Cảm phục biết bao nhiêu! Thương xót biết bao nhiêu! Phẫn hận biết bao nhiêu!

Di sản lớn của Trần Dần

Nhờ lao động cật lực, lao động có năng suất, Trần Dần đã để lại cho đời một kho tác phẩm đồ sộ. Ngoài “Về nẻo thanh tuyền” (Dạ đài) 1946. Phạm Thị Hoài trong bài “Trần Dần: cuộc đời, tác phẩm, thời đại” (in trongTrần Dần ghi) đã điểm danh những tác phẩm sau đây:

1954: Anh đã thấy, Tiếng trống tương lai (trường ca).

1955: Cách mạng tháng Tám, Nhất định thắng (bản Hoàng Văn Chí, in lại trong Trần Dần thơ, nxb Nhã Nam Đà Nẵng, 2007)

1957: Hãy đi mãi, Đi! Bài thơ Việt Bắc (trường ca), (nxb Hội Nhà Văn 1991)

1959: Sắc lệnh 59 (thơ), Con tàu xã hội (thơ), 17 tình ca (thơ).

1959-1960: Cổng tỉnh (thơ), (nxb Hội Nhà Văn 1994)

1961: Đêm núm sen (tiểu thuyết)

1963: Jờ Joạc (thơ) (in trong Trần Dần thơ, 2007)

1964: Mùa sạch (nxb Văn học 1997), Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết)

1965: Một ngày Cẩm Phả (tiểu thuyết)

1967: Con trắng (thơ văn xuôi, in trong Trần Dần thơ, 2007)

1968:177 cảnh (hùng ca lụa)

1974: Động đất tâm thần (nhật ký thơ)

1978: Thơ không lời – Mây không lời (thơ – hoạ)

1979: Bộ ba: Thiên Thanh – 77- Ngày ngày

1980: Bộ ba: 36 – Thở dài – Tư Mã dâng sao.

1987: Thơ Mini. (in trong Trần Dần thơ, 2007).

Đấy mới kể về số lượng. Mà chỉ là phần nổi của số lượng. Nhà thơ Dương Tường cho biết: “Tôi nhớ khi đám tang anh Trần Dần xong, tôi soạn lại di cảo của anh. Bề bộn. Một mình tôi làm vài ngày đầu không xuể. May quá nhờ được Phạm Thị Hoài vốn học ở Đức, khoa Thư viện, tôi gọi đến soạn cùng. Thưa với các anh chị và các bạn là hơn 200 hồ sơ di cảo còn nằm đấy. Còn nhiều thứ ở Trần Dần mà chúng ta chưa biết lắm. Thơ thì còn Tư Mã dâng sao177 cảnh Jờ Joạcx, rồi 36 thở dài… Tiểu thuyết còn Đêm núm senMột ngày Cẩm PhảNhững ngã tư và những cột đèn… Đúng là phần chìm của núi băng”.

Song le, còn một phần chìm thiêng liêng nữa, phần chìm tinh túy nữa, phần chìm nằm trong chất lượng tác phẩm, trong lõi cứng của sáng tạo.

Nhà thơ Nguyễn Duy suy tôn: “Nếu đời viết của đa số người cầm bút là công cuộc tìm tòi, gom nhặt, sàng lọc chữ nghĩa, thì Trần Dần là người chế tạo ra hệ ngôn ngữ mới”. “Trần Dần lặng lẽ mài giũa ngôn ngữ, là tấm gương, là người thầy của tôi”.

Nhà lý luận văn học Phạm Xuân Nguyên: “…những con chữ Trần Dần sẽ khuấy động, khuấy đảo tâm cảm mỗi người đọc và gây ra những phản ứng thơ mạnh mẽ có thể khiến bàng hoàng trước một khối năng lượng sáng tạo cực mạnh, cực lớn từ gần nửa thế kỷ trước soi chiếu và phóng nổ vào hôm nay” (***)

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Ngọc Vương: “Sáng tạo đích thực bao giờ cũng cô đơn và không được chia sẻ. Một sự sáng tạo được mọi người tung hô ngay thì chắc chắn sau đấy sẽ bị quên rất nhanh. Chúng ta ngồi đây, ít nhiều đều là độc giả có chuyên môn, nhưng liệu chúng ta có đủ tinh để cảm nhận và hiểu biết những gì Trần Dần viết cách đây 3-4-5 chục năm về trước? Không có chuyện tất cả đọc và hiểu đúng Trần Dần ngay được. Tập thơ vừa rồi tôi đã mang về đọc một cách cẩn thận, nhưng cũng có những chỗ bị bần thần, không hiểu nguyên ý tác giả thế nào. Nhiều chỗ tôi không hiểu và tôi kính cẩn sự không hiểu ấy. Bởi ít nhất người ta cũng làm cho một đầu óc không đến nỗi mít đặc như mình không hiểu được, mà còn phải tìm để hiểu cho ra được lâu lâu nữa. Thế là sáng tạo, thế là cái gì đó mới”

Nhà bình luận văn chương xuất sắc Thụy Khuê: “Trần Dần thơ, ngoài những tác phẩm tạm gọi là classique đã in như Bài thơ Việt Bắc và Cổng Tỉnh, còn có những tác phẩm mới hơn. Những thử nghiệm thơ độc âm Mùa sạch, biến tấu âm con OEE, và thơ bè Con I, còn nhiều cường điệu và nệ hình thức, hoặc lập dị như Jờ Joạcx. Ngược lại, với Sổ bụi và thơ Mini, Trần Dần thực sự đã thành công, hai tác phẩm này xác định tinh thần cách tân thơ của Trần Dần, khác với Đặng Đình Hưng và Lê Đạt. Vậy lần công bố này, tầm quan trọng và sự độc đáo nằm trong Sổ bụi, và thơ MiniSổ bụi, tập hợp lối ghi chép đặc biệt Trần Dần: đó là những bài thơ văn xuôi cô đọng, mới, đầy biến ảnh, thể hiện cái mỹ học khổ đau của ông một cách toàn diện. Thơ Mini, là những triết luận thu gọn đến cạn kiệt. Một Trần Dần đi từ thực tại thi nhân để đến với tâm linh hiền triết”.

Giáo sư Phong Lê, “Trần Dần vẫn cứ là một ẩn số đối với lớp người đọc như tôi, muốn biết nhiều hơn về sức sáng tạo của ông, nói đúng hơn về một khát vọng sáng tạo không ngớt hành hạ ông, đến là quyết liệt và dai dẳng. Dai dẳng cho đến ngày ông qua đời ở nhà riêng số 5 phố Vũ Hữu Lợi…” …..

Di sản Trần Dần không chỉ có tác phẩm văn học, ông còn để lại cho đời một tấm gương, một tấm gương lớn về nhân cách, nhân phẩm, về ý chí. Trong nỗi nhớ Việt Bắc của Tố Hữu ta chỉ thấy chủ yếu những “Trung ương Chính phủ luận bàn việc công”, những ”Người đi rừng núi trông theo bóng người”, nỗi nhớ trong Trần Dần mới thật sâu đậm nghĩa tình, thật da diết:

Ở đây

ta mắc nợ

núi rừng.

Một món nợ

khó bề trang trải.

Việt Bắc

cho ta vay

địa thế!

Vay từ

bó củi

nắm tên.

Vay từ

những hang sâu

núi hiểm.

Cả

trám bùi

măng đắng

đã nuôi ta.

Ta mắc nợ

những rừng sim bát ngát.

Nợ

bản mường heo hút

chiều sương.

Nợ củ khoai môn

nợ chim muông

nương rẫy.

Nợ

tre vầu

bưng bít

rừng sâu.

Nợ con suối

dù trong

dù đục,

Nợ

những người

đã ngã

không tên!

Ôi

thế kỉ muôn quên ngàn nhớ!

Nợ này

đâu dễ trả

mà quên!

Đi!

Tất cả!

Dù quen tay vỗ nợ,

cũng chớ bao giờ

vỗ nợ

nhân dân!”

(Bài thơ Việt Bắc)

Ôi, nếu ta biết nhớ bằng nỗi nhớ Trần Dần thì ngày nay cách biệt giầu nghèo đâu đến nỗi lớn như thế này. Đâu đến nỗi hùa nhau mua quan bán chức đê tiện đến thế này. Đâu đến nỗi tham nhũng tàn bạo đến thế này …!

Trần Dần vốn là người có tinh thần phản kháng hơi quá mạnh mẽ, mạnh mẽ đến mức như thiền sư Quảng Nghiêm:

Nam nhi tự hữu xung thiên chí

Hữu hướng Như lai hành xử hành

(Thanh niên tụ nó có cái chí hướng tung thẳng trời xanh. Há có phải đi theo con đường mòn của Đức Phật).

Lời lẽ ông đôi khi dữ dằn như là ác khẩu:

Yêu là chết: hai điều đó đã hòa hợp với nhau từ ngàn năm nay. Muốn yêu chính là sẵn sàng để chết. Tôi nói với các bạn như vậy đó, hỡi những người khiếp nhược” 

“Tôi thích những cuộc đối thoại với nhau như tra tấn. Ðọc là tra tấn có một chiều. Ðối thoại là tra tấn lẫn nhau.”

“Thơ là mạng sống, là lý lịch thực của đời tôi”….

Trách làm chi cái sự đại ngôn ngay từ “Bản Tuyên ngôn Tượng trưng”, khi Trần Dần chưa đầy 20 tuổi:

Thế cho nên chúng tôi – Thi sĩ Tượng trưng – chúng tôi đón về đây tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi ……và một bài thơ phải vô cùng linh động

Song le, bao quát hơn cả, bản chất hơn cả, ta vẫn thấy ông là người có một niềm tin vừa đáng kính nể, vừa đáng cảm thương. Nièm tin vừa sắt đá, vừa ngây thơ, vừa sáng suốt, vừa dại khờ …

Mấy lần rồi nhưng cứ đọc lai đọan văn sau đây trong bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm tôi vẫn không cầm được nước mắt:

“…….Lần đầu tiên tôi vào thăm anh, với một món quà nhỏ: Một túm nhãn tôi mua ngoài phố. Anh vồ lấy ăn ngấu nghiến rồi cười oang oang: “Thi đua với các cậu làm thơ nhé!”.

Thấy tôi rơm rớm nước mắt, anh bỗng hạ thấp giọng:

“Đừng buồn cho mình. Mình cũng nhiều khuyết điểm lắm: có tự kiêu, có nóng nảy, có tự do vô kỷ luật thật. Nhưng không bao giờ không trung thành với Đảng, dù bị mắc tiếng oan, dù bị kỷ luật. Và mình tin những cái độc đoán của một vài cá nhân rồi đây sẽ không còn nữa. Đảng là một khối sáng suốt. Tương lai chúng mình, Đảng sẽ đảm bảo, dù bây giờ Đảng có thể chưa hiểu mình.”

……..Mùng hai Tết, tôi ăn bữa cơm cuối cùng với Trần Dần. Giữa hai tợp rượu, đã thấy những cơn bão đe doạ, mà lần này chắc ghê hơn lần trước. Chị K. không biết gì vẫn vui vẻ ngồi bóc bánh, rồi xếp dọn ba lô cho chồng để anh ăn xong thì lại đi công tác.

Không khí văn nghệ như sắp sửa có trận bão. Không biết từ đâu cái tin “Trần Dần phản động” “Trong Giai phẩm có mấy tên phản động” bỗng truyền ra rất nhanh. Những tin không hay dồn đến, bổ vây tôi và anh Trần Dần còn đang ăn dở miếng bánh chưng Tết. Chị K. tái mặt, để rơi đôi đũa, nước mắt đã vòng quanh:

“Thế là thế nào hả các anh? Phen này lại bị bắt nữa thì tôi sống thế nào được? Các anh rủ nhau làm những chuyện gì mà khổ sở thế không biết!”

Trần Dần cũng tái mặt, anh cắn chặt môi, xốc ba lô lên vai, an ủi vợ:

“Em đừng lo. Tin đồn bậy bạ đấy thôi. Anh đi công tác đây, gần đến tháng đẻ, em đừng lo nghĩ gì cả.”

Nhưng chị K. không thể bình tĩnh được. Chị tiễn chồng ra cửa khóc oà lên:

“Anh ơi… Anh có về nữa không, anh ơi!” ”

……

Trần Dần cứ thế mà tin yêu, mà mong ước, mà chờ đợi, mà vật vã vươn tới.

Và, ông đã để lại cho đời không chỉ một tài sản văn học lớn, một tinh thần cách mạng sáng tạo mà còn một tấm gương học hỏi, lao động cần cù. Nguyễn Trọng Tạo kể:

“Tôi khâm phục sự học của ông. Ông học bằng cách đọc thế giới (sách), đọc và quan sát suộc sống, học làm người nghĩa là làm một nhân cách cá biệt, đôi khi như kẻ lập dị giữa đời, giữa đám đông. Học bằng cách làm việc cật lực cho văn thơ. Học bằng cách ngồi dịch sách, dich tài liệu để kiếm sống. Năm 1983, nhạc sĩ Văn Cao nhờ tôi sang nhà Trần Dần mời ông đến nhà uống rượu nhân 60 tuổi, tôi chú ý vết đen trên tường sau chiếc ghế ông ngồi. Cái vết đen như một hình nhân, như cái bóng của ông. Ông đã ngồi dựa tường như vậy suốt mấy chục năm, để đau khổ, để cô đơn toàn phần, để suy nghĩ, để đọc và để viết”.

*

Năm 1997, một ngày Hà Nội âm u giá buốt, nhà thơ Khương Hữu Dụng khi ấy đã gần trăm tuổi đến bên quan tài Trần Dần khóc và đọc hai câu thơ cổ:

Nhất thất cước thành thiên cổ hận                                                                                                     Tái hồi đầu thị bách niên thân

(Lỡ một bước nghìn năm ân hận. Quay đầu lại đã thành người trăm năm).

Tôi rất kính và yêu nhà thơ Khương Hữu Dụng. (Trong thập niên 60 thế kỷ trước, sau một buổi tọa đàm thơ ở báo Văn Nghệ, tôi đèo cụ về (bằng xe đạp). Đến cổng, cụ níu lại trò chuyện. Đứng lâu mỏi chân, cụ lôi tôi lên nhà đàm đạo đến gần hai giờ sáng, để tiếp tục giảng giải rằng cụ khen mấy bài thơ vừa đăng trên “Tác Phẩm Mới” của tôi là khen thật. Về nhà, tôi phải khóa xe để ngoài, trèo tường vào). Tuy nhiên, ở chỗ này, tôi không đồng ý với Cụ.

Tôi cũng rất nể phục nhà bình luận văn chương Thụy Khuê, nhưng tôi cũng không đồng ý nhận xét này: “ Tháng 12 năm 1959, Trần Dần thốt lên: “Chao ôi! Con đường để đi tới chỗ “Ðúng” mới nhiều máu làm sao”.  Con người “ Nhất định thắng ấy, đã thua, đã hàng, chấp nhận ly khai những lý tưởng ngày trước của mình”.

Trần Dần không lỡ bước, không thua, không đầu hàng cái gì cả.

Cho đến bây giờ, nhìn lên trờì sao đất nước, nhìn vào lịch sử văn học Việt Nam, tôi vẫn thấy một Trần Dần rất đáng mãn nguyện.

“Tôi có nghèo đâu, trăng sao lủng liểng. Mây phơi dằng dặc khắp chân trời. Hương hỏa của tôi, kho nào chứa xuể? Ê hề vũ trụ sao bay. Tôi di lại cho ai giờ? Tầng tầng mây, lục địa lục địa của cải”. (Sổ bụi 1979).

Kỷ niệm 85 năm ngày sinh Trần Dần

Hà Nội 23 tháng 8 năm 2011

© Nguyễn Thanh Giang

Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay

Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội

Mobi: 0984 724 165

© Đàn ChimViệt

—————————————————

(*) Tố Hữu – “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”.

(**) Tạp chí Văn nghệ số 12, tháng 5 năm 1958 – “Những lời thú nhận bước đầu của một số phần tử trong nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm”.

(***) Phạm Xuân Nguyên – “Trần Dần – Thơ ở đâu?”
 

 

 

 

 

Phản hồi