WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Truyện Kinh Kha Sang Tần trong phim ảnh

Một nét dao bay ngàn thuở đẹp
Dù sai hay trúng cũng là dư
Kià uy dũng kẻ sang Tần không trở lại
Đã trùm lấn Yêu Ly, hề át Chuyên Chư
Ôi Kinh Kha
Hào khí người còn sang sảng
Nước sông Dịch còn trôi hay đã cạn
Chí anh hùng vằng vặc sáng thiên thu!
Vũ  Hoàng Chương

Tại các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa như Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản đây là một sự tích rất phổ thông hầu như ai cũng đều biết đến. Truyện Kinh Kha sang Tần đã được nhiều người say mê, yêu thích nhất trong số các tuồng tích cổ của Trung Hoa.

Giai thọai này có thật đã được ghi trong sử sách tự hơn hai ngàn năm qua, trước hết đó là lịch sử sau được các văn nhân đem viết thành dã sử như trong Đông Chu Liệt Quốc. Dã sử là tiểu thuyết, văn chương mà người ta thêm nhiều chi tiết sống động biến nó thành truyện linh hoạt lôi cuốn. Sự tích Kinh Kha trong Sử Ký của Tư Mã Thiên chỉ được ghi chép văn tắt chừng mươi trang ở mục Thích Khách Liệt Truyện nhưng khi biến thành dã sử trong Đông Chu Liệt Quốc nó đã được mô tả kỹ lưỡng dài dòng văn tự và trở thành áng văn chương tuyệt tác.

Theo như trong Sử Ký, Kinh Kha thích đọc sách đấu gươm, bản tính thâm trầm.. một con người can đảm, anh hùng, có chí khí cao, mưu đồ đại sự. Mặc dù thất bại trong cuộc mưu sát Tần Thủy Hoàng người ta vẫn ca ngợi nghĩa khí, lòng dũng cảm của chàng như một tấm gương cao cả nhất. Một sự tích có thật trong lịch sử đã được bao người say mê vì nó sống thực và tràn đầy nhân bản. Mưu đồ đại sự của tráng sĩ nhằm mục tiêu lớn lao cứu vớt hàng vạn, triệu sinh linh và cũng nhằm thay đổi cả  một dòng lịch sử.

Người ta cũng đặt nhiều giai thọai truyền khẩu tô điểm cho sự tích thêm muôn phần diễm lệ. Kinh Kha sang Tần đã trở thành một huyền thọai được truyền tụng sâu rộng trong nhân gian.

Tôi xin sơ lược giai thọai này dựa theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên mục Thích Khách Liệt Truyện:

Khoảng năm 242 trước Tây lịch

Kinh Kha người nước Vệ thích đọc sách đấu gươm, Vệï Nguyên Quân không dùng, bèn sang nước Yên. Tính tình chàng thâm trầm, đến đâu cũng kết bạn với người hiền trưởng giả ở đấy. Ẩn sĩ Điền Quang nước Yên biết Kinh Kha không phải là người tầm thường nên rất trọng đãi chàng.

Thái tử Đan nước Yên làm con tin ở Tần  trốn về, lúc nhỏ vua Tần chơi thân với Đan, khi lên làm vua đối đãi với Đan không tốt nên Đan trốn về, trong lòng thù hận vua Tần. Tần đem binh chiếm các nước Tề Sở, Tam Tấn… y như tầm ăn dâu, sắp  đến lượt nước Yên. Tướng Tần là Phàn Ô Kỳ phạm tội với vua chạy trốn sang Yên. Thái tử Đan dung nạp cho ở (tỵ nạn). Thái tử cho mời Điền Quang đến bàn việc nước, Điền Quang tiến cử Kinh Kha, Thái tử nhờ Điền Quang tìm gặp Kinh Kha và dặn Điền đừng tiết lộ với ai. Điền Quang gặp Kinh Kha tỏ ý nhờ chàng giúp Thái Tử rồi đâm cổ tự vẫn để Thái tử yên chí Điền không tiết lộ với ai và cũng để khuyến khích Kinh Kha làm chuyện lớn.

Gặp Kinh Kha Thái tử cúi lạy rồi nói.   

- Nay Tần tham lam hung ác chiếm Hàn, đánh Sở, Triệu rồi sẽ đánh Yên. Nếu có kẻ dũng sĩ sang Tần dùng lợi to nhử nó, nếu có thể uy hiếp nó để bắt nó trả lại đất cho các chư hầu nếu không được thì đâm chết nó. Thái tử khẩn khoản cúi đầu xin Kinh Kha giúp cho, Kinh Kha nhận lời. Thái tử Đan khi ấy tôn Kinh Kha lên hàng thượng khách dâng của ngon vật lạ, ngựa xe, gái đẹp để làm vừa lòng chàng.

Kinh Kha tìm gặp Phàn Ô Kỳ xin cái đầu của Phàn để dâng vua Tần hầu làm vua Tần tin chàng. Phàn ô Kỳ nhận lời đâm cổ tự vẫn. Thái tử bỏ đầu của Phàn vào hòm niêm phong lại rồi mua một con chủy (dao găm) sắc bén mất một trăm lạng vàng, con chủy có tẩm thuốc độc hễ chạm vào da thịt người là chết ngay.

Kinh Kha lên đường tại bờ sông Dịch thủy, Thái tử và tân khách mặc áo tang trắng tiễn hành , Cao Tiệm Ly thổi sáo, Kinh Kha cất giọng ca:
     ‘Gió thổi hiu hiu, Dịch thủy lạnh lùng.
      Tráng sĩ  ra đi chẳng hẹn ngày về.’

Sang Tần Kinh Kha đem vàng bạc đút lót một viên quan thân cận của Tần thủy Hoàng xin được yết kiến nhà vua để dâng thủ cấp Phàn ô Kỳ và bản đồ nước Yên. Vua Tần cả mừng tiếp sứ giả nước Yên tại cung Hàm Dương. Kinh Kha bưng hòm đầu lâu, dũng sĩ Tần Vũ Dương bưng bản đồ sợ quá tái mặt, Kha xin lỗi Vua Tần, nhà vua sai Kinh Kha cầm bản đồ lên bệ rồng, vua Tần mở hết địa đồ  thì con dao chủy  lòi ra. Kinh Kha đưa tay trái nắm tay áo Tần Thủy Hoàng, tay phải cầm con chủy chĩa vào người vua khiến ông ta khiếp đảm vùng chạy, Kinh kha đuổi theo vua Tần chạy quanh các cột trụ. Tần Thủy Hoàng tuốt kiếm mãi không được, các quan không ai được mang gươm đao nên không làm gì được, lính gác ở phía dưới không có chiếu chỉ gọi không được lên.

Sau vua Tần tuốt được gươm chém đứt chân Kinh Kha, chàng cầm con chủy phóng vua Tần không trúng nhưng trúng cột đồng tóe lửa, Tần Thủy Hoàng chém Kinh Kha tám nhát, Kinh Kha chưa chết tựa vào cột cười rằng:

- Việc không thành chỉ vì ta muốn uy hiếp nó lấy giấy cam kết về đưa cho Thái tử…   

Rồi tả hữu tiến lên giết Kinh Kha”

Tự hai ngàn năm qua Kinh Kha sang Tần cũng đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho giới văn thơ, các nhà làm phim, soạn tuồng kịch… vì ý nghĩa của nó cao đẹp tuyệt vời.

Năm 1961 thi sĩ Vũ Hoàng Chương viết vở kịch thơ Tâm Sự Kẻ Sang Tần.

Thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, đầu thập niên 50 người Trung Hoa soạn vở kịch Bài Ca Sông Dịch (Song of the Yi river).

Sự tích phổ thông này đã được đưa lên màn bạc  nhiều lần, thập niên 1960 tôi đã được xem Vạn Lý Trường Thành, một cuốn phim mầu của Nhật, màn ảnh đại vĩ tuyến. Nội dung kể lại truyện Kinh Kha sang Tần, cũng Phàn ô Kỳ đâm cổ tự vẫn, con chủy, bức bản đồ, cảnh ám sát hụt Tần Thủy Hoàng…  Phim hay, công phu vĩ đại nhưng trang phục và diễn xuất có vẻ Nhật hơn là Tầu, những cảnh đấu gươm giống với võ sĩ đạo hơn là kiếm khách Trung Hoa…Cuốn phim không nổi tiếng lắm.

Năm 1979, nhà đạo diễn Hồng Kông  John Woo thực hiện phim The Last Hurrah For Chivalry, Hoan Hô Hiệp Sĩ  Lần Cuối Cùng với các tài tử Damian Lau, Wei Pai. Nội dung phỏng theo sự tích Kinh Kha (Jing Ke).

Năm 1996 đạo diễn Trung Quốc, Xiaomen Zhou thực hiện Emperor’s Shadow với các  tài tử Jiang Wen, Ge You một cuốn phim rất tốn kém, vĩ đại nói về Cao Tiệm Ly (Gao Jianli, người bạn Kinh Kha) và vua Tần, cũng  ám chỉ sự tích Kinh Kha.

Năm 1998 Nhà đạo diễn nổi tiếng quốc tế Trần Khải Ca (Chen Kaige)  đưa sự tích Kinh Kha Sang Tần lên màn bạc: The Emperor and The Assassin, Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách, một cuốn phim vĩ đại giá trị.

Năm 2000 Đạo diễn Mỹ Douglas Aarniokoski hoàn thành bộ phim nhiều tập Highlander:Endgame film serie dành cho truyền hình, phỏng theo sự tích Kinh Kha với các tài tử Adrian Paul, Christopher Lambert.

Năm 2002 đạo diễn Trương Nghệ Mưu hoàn thành cuốn phim vĩ đại The Hero cũng ám chỉ sự tích Kinh Kha thích khách vua Tần.

Năm 2004, đạo diễn Hoa lục Raymond Lee thực hiện The Assassinator Jing Ke, Kinh Kha Thích Khách, bộ phim nhiều tập dành cho truyền hình (32 tập, mỗi tập 45 phút), các tài tử Liu Ye (vai Kinh Kha)  Peter Ho (vai Cao Tiệm Ly)

Trong phạm vi bài này tôi chỉ đề cập cuốn phim nổi bật nhất The Emperor and The Assassin, Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách quay 1998 của Trần khải Ca, cũng gọi là The First Emperor, Vị Hoàng Đế Đầu Tiên.. Đây là cuốn phim tốn kém nhất của Hoa Lục thời đó : 20 triệu Mỹ Kim, có thể coi là vĩ đại nhất Á châu từ xưa cho tới thập niên 90 với  những thành quách đồ sộ, cao ngất, mênh mông bát ngát, những tam cung lục điện nguy nga tráng lệ, những mặt trận trải dài như vô tận, cuốn  phim đã làm sống lại một thời huy hoàng của nền văn minh cổ Trung Hoa. Nếu nói về tầm vóc The Emperor and The Assassin cũng tương đương ngang ngửa với phim Ben Hur, Spartacus của Hollywood, nói chung vĩ đại hơn những phim Á châu thập niên 60, 70 của hãng Run Run Shaw (Thiệu Thị) hoặc Shaw Brothers Hồng Kông.

Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách khá nổi tiếng được dư luận phê bình Tây phương tán thưởng (The film was well received critically), được giải thưởng kỹ thuật (Technical prize) tại Đại hội điện ảnh Cannes năm 1999, một giải nhỏ.

Đại Hội Cannes năm 1999 đã phát 9 giải thưởng: thứ nhất giải Nhành dương liễu vàng (Palme d’or) dành cho phim Rosetta, rồi giải ưu hạng, giải nam, nữ  xuất sắc, giải đạo diễn… . .    và cuối cùng giải kỹ thuật.

Phim Rosetta do Pháp Bỉ hợp tác đã đoạt giải nhất (Palme d’or) chỉ là cuốn phim vô danh không ai biết tới, mặc dù được giải thưởng lớn vinh dự nhưng hầu như đã không được giới phê bình nhắc tới. Một cuốn phim ngắn ngủi, nghèo nàn cả về hình thức lẫn nội dung với vài ba nhân vật, truyện phim quá đơn sơ, nhạt nhẽo, vô vị. .. đã làm mất ý nghĩa của giải thưởng, nó cũng cho thấy nghệ thuật thứ bẩy của Âu châu đã tụt dốc nhiều hơn xưa. Nhìn chung giải thưởng của Đại hội quốc tế không được khách quan và công bằng như giải Oscars của Hàn lâm viện Mỹ.

Trần Khải Ca và Trương Nghệ Mưu là hai nhà đạo diễn quốc tế nổi tiếng nhất của Hoa Lục. Họ Trần được Tây phương biết tới và ca ngợi qua cuốn phim nổi tiếng Farewell My Concubine (Hạng Võ Biệt Ngu Cơ) quay năm 1993, được giải Nhành dương liễu vàng tại Đại Hội điện ảnh Cannes cùng năm và giải Golden Globe (Quả cầu vàng) của Mỹ, được hơn 60 bài phê bình điện ảnh Mỹ xếp hạng trong số 10 phim hay nhất trong năm.

Ngoài ra năm 1996 nhà đạo diễn này thực hiện Temptress Noon (Vầng trăng quyến rũ), được vào chung kết giải Nhành dương liễu vàng, đề tài lạ, truyện phim hay, lãng mạn, cảm động …  cả ba phim kể trên đều do Củng lợi (Gong li) thủ vai chính. Phim của họ Trần có nhiều nét độc đáo, nghệ thuật cao gần với Tây phương, có khuynh hướng lãng mạn. Họ Trần đã thực hiện được hơn mười phim từ 1984 đến 2010, có chừng bốn phim của ông được chiếu tại Mỹ.

Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách dài gần ba tiếng đồng hồ, chia làm bốn phần:
1-Thái tử Đan làm con tin bên nước Tần
2- Lao Ái
3-Lã Bất Vi.
4-Kinh Kha

Phần cuối cũng lấy tên phim là đoạn sôi nổi kinh hoàng nhất, nói chung toàn bộ phim quay sát theo truyện nhưng có nhiều đoạn đã được viết lại và làm khác đi, truyện phim cũng do chính Trần Khải Ca biên soạn. Phần nói về Lao Ái, Lã Bất Vi giống như trong truyện nhưng hơi khó hiểu, nếu chưa đọc truyện hoặc là người ngọai quốc sẽ cảm thấy bối rối vì phức tạp.

Như ta đã biết trong truyện không có vai nữ, nhà đạo diễn đã viết lại một phần rồi thêm vào một nhân vật nữ, tạo cho nữ minh tinh Củng Lợi một vai chính trong phim để thu hút nhiều khán giả. Củng Lợi, nhan sắc tuyệt trần, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế là nữ tài tử nổi tiếng và ăn khách nhất của Hoa Lục thập niên 90. Nàng thủ vai Triệu phu nhân (Lady Zhao) bạn của Thái tử Đan và của Tần Thủy Hoàng từ nhỏ, sau này lớn lên là người yêu của Tần Thủy Hoàng. Triệu phu nhân cùng Thái tử Đan trốn về nước yên và phu nhân đã khám phá ra Kinh Kha để tiến cử chàng với Thái Tử. Cảnh cuối phim, Triệu phu nhân xin Tần Thủy Hoàng cho đem xác Kinh Kha về chôn cất tại nước Yên.

Đưa Củng Lợi vào phim đã tạo lên không khí tươi mát, một chút lãng mạn Tây phương qua hình ảnh người giai nhân tuyệt sắc, quí phái nhưng nó cũng tạo thêm khuyết điểm vì những truyện cổ đã được viết có nghệ thuật cao khi sửa sẽ lại làm hỏng, làm mất cái hay của tác phẩm rất nhiều. Thí dụ như trong truyện Notre Dame De Paris của văn hào Victor Hugo, đoạn kết bi thảm và tuyệt diệu: người ta thấy dưới hầm bộ xương anh gù và người đẹp Esmeralda ôm nhau. Năm 1939 nhà đạo diễn William Dieterie đã sửa lại như:

Esmeralda được nhà vua tha bổng rồi lấy anh thi sĩ triết gia trước bộ mặt đau khổ của anh gù, có thể nói ông đã phá hỏng một tác phẩm văn chương bất hủ.

Điều đáng tiếc hơn là họ Trần lại sửa hẳn những chi tiết liên hệ tới tráng sĩ Kinh Kha, theo sách Sử Ký như đã nói trên chàng ta là người thâm trầm, thích đọc sách, đấu gươm, mưu đồ đại sự… không phải phường lục lục thường tài. Để tăng phần hấp dẫn, họ Trần đã đưa vào nhiều cảnh chém giết tàn bạo, tưởng là thu hút được khán giả nhưng thật ra thất bại vì nay người ta không thích những cảnh tàn bạo gớm ghiếc. Một sai lầm tai hại nữa là Kinh Kha được biến thành kẻ giết mướn có lần giết nguyên cả một gia đình, lớn bé, già trẻ giết sạch. Từ một người thâm trầm, có trình độ văn hóa đã biến thành tên đâm thuê chém mướn, hình ảnh cao đẹp của Kinh Kha đã bị bóp méo làm cho khán giả am tường sự tích thất vọng.

Cảnh tiễn đưa tráng sĩ tại bờ sông Dịch thủy đã được truyền tụng tô điểm vô cùng diễm lệ nhưng trong phim chỉ được dàn dựng ngắn ngủi đơn sơ làm mất hay đi nhiều và cũng làm người xem không thỏa mãn vì nó không giống như trong  trí tưởng tượng của họ.

Mặc dù có một số khuyết điểm như trên nhưng Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách  đã kéo lại được nhờ phần kết thúc quá hay qua tài dàn cảnh vô cùng điêu luyện của họ Trần cũng như diễn xuất tuyệt vời của các vai chính. Cảnh rượt đuổi, đâm chém nhau quanh cột đồng trên bệ rồng thật là kinh hoàng sôi nổi, nhà đạo diễn có sửa đổi đôi chút song đa phần theo y như chính truyện. Ta có cảm tưởng như Trần Khải Ca đã ra sức trổ hết tài nghệ của mình trong tác phẩm mà ông kỳ vọng nhất. Giá trị của cuốn phim phần lớn nhờ đoạn  thứ tư mang cùng tên The Emperor and The Assassin.

Nhà đạo diễn có phạm một số sai lầm như đã nói trên nhưng Vị Hoàng Đế và Kẻ Thích Khách vẫn là cuốn phim dã sử giá trị nhất, vĩ đại nhất của điện ảnh Á Châu từ xưa đến nay. Một sự tích quá hay, cao đẹp tuyệt vời được lồng trong một cuốn phim vĩ đại vô cùng tốn kém do nhà đạo diễn nổi tiếng quốc tế rất lành nghề thực hiện, nó hội đủ các yếu tố để trở thành siêu phẩm giá trị nhưng trên thực tế không thành công gì nhiều cho lắm. Phim không được phát giải thưởng lớn, vinh dự  tại các  Đại hội điện ảnh mặc dù đã được Tây phương đón nhận, nó cũng không được khán giả Á đông và người mình ưa thích cho lắm.

Thật khó mà lường trước thị hiếu của đám đông, có lẽ nhà đạo diễn Trần Khải Ca chưa gặp thời.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

Phản hồi