WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Obama: Một cơn bão được dự báo?

Reng-Reng!

“Mẹ à? Mẹ có khoẻ không?”

“…”

Thảng thốt vì vửa gọi mẹ cách đây hai hôm chúc mừng sinh nhật thứ 85 của bà, không ngờ mẹ mình lại gọi lại sớm thế. Không chờ tôi dứt lời vấn an thăm hỏi, bà đã đi ngay vào vấn đề:

“Này, con nhất định phải bầu cho ông Obama nhé! … Ông ấy là người tốt và hiền đức đấy…xứng đáng làm tổng thống… đưa nước Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay…”

Sau 15 phút hàn huyên, câu chuyện của mẹ con chúng tôi không đi xa hơn vấn đề bầu cử. Đúng hơn, đây là câu chuyện của bà đôn thúc thằng con trai bỏ phiếu cho ông Barack Obama, ứng cử viên da đen đầu tiên đang thắng thế trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, nếu đắc cử ông Obama sẽ là tổng thống thứ 44 của Hợp Chủng Quốc. Hai trăm mười chín (219) năm kể từ ngày George Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đắc cử.

“Sao, mẹ đã hỏi bác Bách về chuyện con muốn phỏng vấn bác vào dịp Thanksgiving này chưa?”

“Xong rồi. Này, cậu có biết mẹ đã thuyết phục bác bỏ cho ông Obama không? Bác cũng chịu mẹ rồi đấy! (Thôi chết – tôi chợt nghĩ thầm – cả bác Bách cũng chịu bầu cho ông Obama à? Hy vọng bác ấy chỉ nói thế để lấy lòng mẹ tôi thôi.) Cứ thế, tôi cố tìm cách thoái thác, bà lại cố thuyết phục, phân giải hơn thiệt.

Tôi chỉ chống đỡ lấy lệ vì không muốn đi sâu vào chuyện chính trị Cờ Huê với mẹ để bị lôi cuốn vào một ngõ cụt không lối thoát. Hay là trong thâm tâm tôi cho mình hiểu biết về chuyện chính trị Mỹ hơn bà? Hôm sinh nhật mẹ, bà chị tôi cũng đã giành lấy phone của mẹ rao giảng cho tôi mấy phút vì sao tôi cần bỏ phiếu cho Obama thay vì McCain. Tôi cũng phản bác chị một ít, nhưng thật tình không muốn tranh cãi với gia đình. Đã có những vụ tranh luận hồng hào, phùng mang trợn mắt, gây gỗ tổn thương với bạn bè.

Đây cũng là một chuyện hơi nghịch lý vì mẹ con tôi thường nói chuyện rất tương đắc với nhau về nhiều vấn đề. Chính ra tôi là người thường gọi cầu cạnh, học hỏi bà về chuyện các văn nhân thi sĩ đồng thời của bà hoặc các giai thoại của cái xứ ngàn năm văn vật Hà Thành. Nhưng có lẽ vì xa cách nhau trong nhiều năm nay –  tôi cư ngụ ở vùng Vịnh San Francisco, thuộc Bắc California, bà lại ở Minnesota, Trung phần nước Mỹ với người chị — nên tôi cũng không muốn mất nhiều thì giờ bàn cãi những chuyện sẽ không đi về đâu. Thật ra, mẹ con chúng tôi có nhiều điểm tương đồng, nhất là về vấn đề văn nghệ, quốc hồn quốc túy.

Thời son trẻ ở Hà Nội bà cũng là một người văn nghệ, năm 15 tuổi đã xuất hiện trên sân khấu Nhà Hát Lớn Hà Nội trong vở kịch Sầm Sơn của Nguyễn Nhược Pháp do Tổng hội Sinh viên tổ chức. Năm 1942 cùng với Thế Lữ, Song Kim và Kỳ Ngung thành lập Ban kịch Thế Lữ… “Nhưng thôi mẹ à, chuyện chính trị Việt Nam từ thời vàng son, thuở cơ hội ngàn năm một thuở của dân tộc thiếu may mắn của chúng ta, từ đời ông ngoại đến đời mẹ đời con vẫn chưa ra đâu vào đâu, nay ta còn hơi sức không để tranh đấu cho nước Mỹ?” Tôi định bụng nói với mẹ như thể tìm cách chấm dứt câu chuyện ông Obama.

May thay, một cú điện thoại cầm tay trỗi lên: Tính-tình-tinh-tang-tính tinh…”Hi, yes, this is Thai, hold on please… tôi lại thoái thác với mẹ: “Mẹ ơi, con lại có chuyện dịch thuật, con nói chyện với mẹ sau nhé!”

“Nghe lời mẹ đi,” mẹ tôi nói thêm: “Ông McCain lớn tuổi rồi, chọn bà Palin vớ vẩn, chả biết gì đâu…”  Vì sao, mẹ tôi một người ít hăng say về chính trường tranh cử Huê Kỳ, (đương nhiên bà chị đã ít nhiều chi phối mẹ, nhưng chưa khi nào trong một cuộc bầu cử Mỹ mà mẹ tôi lại nhiệt tình đến như thế!)

Hiện tượng Obama (mặt nổi)

Vì sao mà Obama trở thành một hiện tượng kinh thiên động địa như vậy, chiếm được hậu thuẫn của cả một phong trào bao gồm nhiều thế hệ trẻ cũng như đứng tuổi? Chỉ nội trong tháng Chín vừa qua, tiền đóng góp của các cử tri đã lên đến hơn $150 triệu Mỹ kim cho quỹ tranh cử của Obama, nghĩa là trung bình một ngày ông Obama nhận được 5 triệu Mỹ kim. Ngày chủ nhật, 19 tháng 10 (’08), đại tướng Powell Colin, thành viên đảng Cộng hòa, cựu Bộ trưởng Ngoại Giao (ngày trước có tham chiến ở Việt Nam) đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu ủng hộ Obama.

Trên nhiều bình diện, có nhiều nguyên do và giả thiết hầu có thể giải thích cho cao trào của Obama.

Tâm lý chiến trận Iraq

Thông thường bản chất người Mỹ háo thắng (không đồng nghĩa với háo chiến) và tự phụ, một khi tham chiến thì phải dành chiến thắng một cách mau chóng, gọn gàng. Họ thiếu kiên nhẫn không thích kéo dài một cuộc chiến hao tổn nhân mạng, gây ra nhiều thâm thủng và tốn kém cho ngân sách quốc gia. Qua bài học Việt Nam vừa qua, người ta có thể thẩm định rằng người Mỹ đã chán ngán với chiến tranh nói chung, nhất là những cuộc chiến không thấy hồi kết.

1) Có lẽ cơn địa chấn chính trị này đầu tiên phải được nhắm vào 8 năm tri ̣vì sai lạc của chính quyền Cộng hòa do Bush lãnh đạo. Nguyên do bắt đầu với cuộc chinh phạt Iraq, với sự lạm quyền của nhóm Dick Cheney (phó tổng thống), Donald Rumsfeld (bộ trưởng quốc phòng), Paul Wolfowitz (thứ trưởng quốc phòng, chủ tịch World Bank 2 năm), John Ashcroft (bộ trưởng Tư pháp) được Quốc Hội Mỹ biểu đồng tình (Hạ viện: 296 phiếu thuận, 133 chống, 3 phiếu trắng; Thượng viện: 77 phiếu thuận, 23 phiếu chống) với trận chiến ở Iraq, đẩy mạnh chủ thuyết ‘”shock and awe”, “kinh hoàng và thán sợ” của nhóm này.

2) Những hạn chế về nhân quyền đối với những địch thủ tham chiến (enemy combatants) được ấn định bởi sắc luật hiện hành như Patriot Act/Đạo Luật Chí sĩ Yêu Nước, những cơ quan mới được thành lập như Homeland Security và quyền hành bành trướng của họ, đã có những sự lạm quyền bất cập như nghe lén điện thoại và dò thám e-mail của những kẻ tình nghi; và 3) những vụ tham nhũng,  thí dụ như trong các vụ thầu khoán quân sự và dầu hỏa ở Iraq có những vụ việc thái quá dính líu đến công ty Halliburton của ông Phó Tổng thống Cheney.

3) kể cả vụ án mang tính chất phản quốc, trả thù tiết lộ tên tuổi của nhân vật tình báo CIA Valery Plame và vụ án sa thải 7 bộ trưởng tư pháp tiểu bang mang chỉ dấu bàn tay lông lá của phó tổng thống Dick Cheney….

Kinh tế theo Obama

Nếu xét theo hệ thống lưỡng đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thì sau 8 năm trị vì của Cộng hòa, mang lại một nền kinh tế Hoa Kỳ đang bị suy thoái, do đó sẽ được Đảng Dân chủ trục lợi nhược điểm này để tấn công, ông Obama hứa hẹn sẽ cắt thuế cho 95% dân số có mức thu nhập thấp, và tăng thuế những thành phần có thu nhập trên $250.000 Mỹ kim, định nghĩa lại giai cấp trung lưu là những người có lợi tức dưới $250.000 Mỹ kim một năm và giảm thuế cho những người có mức thu nhập dưới mức này, kể cả 44% dân số Hoa Kỳ là những người không thiếu thuế lợi tức. Làm cách nào để giảm thuế lợi tức cho những người không phải đóng thuế thu nhập?

Obama lý luận rằng những người không đóng thuế vẫn được nhà nước bù vào số ttền họ sẽ được lãnh (tax credit) trong quỹ an sinh xã hội (social security fund) (1) tức là nhà nước phải khấu trừ một số tiền lấy từ tu nhập của người khác để cấp cho họ. Thường đây là khoản tiền của những người đi làm được chủ và chính phủ cấp cho trong những năm họ còn đi làm, số tiền này được bỏ vào một quỹ sinh lời cho đến khi họ về hưu thì số tiền sẽ được cấp cho họ mỗi tháng cho đến chết. Trường hợp những người không đi làm mà vẫn lãnh được tiền an sinh xã hội là nhờ đạo luật đã được sửa đổi, họ vẫn được hưởng cùng một quy chế như những người đã đi làm. Đến nay ông Obama lại muốn chính phủ và những người đi làm san sẻ thêm cho những người này một số tiền riêng cho họ gọi là social security payroll tax!

Một điều cốt lõi mà nhiều người cũng như ông Obama đều biết: sự phân phối tài khoản trong một quốc gia như Hoa Kỳ thì chỉ có khoảng 5 phần trăm là thuộc thành phần thượng lưu, giàu nứt ván đổ vách, thành phần được ông Obama chiếu cố, nhằm đánh thuế cao. Trên thực tế, tổng số tiền thu nhập hàng năm từ thuế lợi tức của quốc dân là ngân khoản lớn nhất trong ngân sách quốc gia của Hoa Kỳ. Do đó, không có phương cách nào khác để cân bằng ngân sách quốc gia, nếu ông Obama giữ lời hứa chi tăng thuế với thành phần 5% có lợi tức cực kỳ cao này trong khi sẽ giảm thuế cho 95% dân số, một tỉ số lớn rường cột, to tát và đáng kể nhất trong khâu thu thuế cho ngân quỹ quốc gia.

Hơn nữa, theo tâm lý học thì cử tri Mỹ thích ngã theo phe đang thắng thế, nhất là những người còn do dự, không thu thập đủ dữ kiện hoặc hiểu biết  tường tận về hai ứng cừ viên, nên chưa biết mình sẽ bỏ phiếu cho ai. Nhiều người đang mong đợi một chuyện gì mới mẻ, kỳ vọng vào một sự đổi mới, một hướng đi tách bạch với đường lối của chính quyền Bush, và cho rằng ông McCain, một nghị sĩ cùng Đảng Cộng hòa với Bush sẽ tiếp tục đường lối này, trong khi những điều hứa hẹn của ông Obama có vẻ thích hợp với tâm lý trông đợi vào một ngày mai tươi sáng (có thể sẽ chỉ là bánh vẽ!) hơn.

Thống kê và khảo sát có thể sai

Cho đến ngày hôm nay, phần đông các thống kê đều cho thấy ông Obama đang dẫn đầu. Tuy nhiên, dữ kiện gần đây nhất tiên liệu ông Obama sẽ thắng trong cuộc bầu cử vòng đầu ở New Hampshire 2008, kết cuộc bà Hillary đã thắng vẻ vang trong kỳ bầu sơ bộ đó. Trong lịch sử Hoa Kỳ đã có những vụ khảo sát sai lệch khiến các người làm thống kê bị nhiều vố ê ẩm mặt mày, như vào năm 2000, nhân kỳ tranh cử giữa Bush và Gore, thống kê lấy khảo sát sai tại nhiều  địa điểm bỏ phiếu đã khiến các hệ thống truyền hình tuyên bố trong đêm là Gore đã thắng, rồi phải đính chánh tới lui để rốt cuộc phải tuyên bố là Bush đã thắng.

Nhưng chuyện thống kê và tra khảo sai lầm tai hại nhất phải kể vào năm 1948, trong cuộc tranh cử giữa Thomas E. Dewey, thống đốc tiểu bang New York, thuộc đảng Cộng hòa, và tổng thống Harry S. Truman, Dân chủ. Các nhà chuyên môn cả tín vào con số thẩm định sự thắng thế của ông Dewey, đã ngừng khảo sát quần chúng mấy tuần trước ngày bỏ phiếu, bỏ mất cơ hội đo lường sự chuyển hướng muộn màng cho ông Truman. Ngay cả trong đêm bầu cử, nhiều chính trị gia và phân tích gia chuyên môn vẫn tiên đoán chắc nịch là ông Dewey thắng cử. Hình ảnh tổng thống Truman cầm tờ báo với hàng tít lớn Dewey Defeats Truman và nụ cười rạng rỡ vẫn là biểu tượng xấu hổ cho các nhà thống kê, nhắc nhở chuyện sai lầm của các con số khó ngờ này. Năm nay, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã cho bỏ phiếu sớm hơn trong kỳ bầu cử sơ bộ vì lý do e ngại kết quả của một số tiểu bang có số cử tri lớn và then chốt sẽ làm nao núng khiến quần chúng không đi bầu nữa vì cho rằng người bình chọn của mình sẽ không vào được vòng đầu, do đó nay vòng đầu (sơ bộ) đã qua,vòng  chung kết đã đến, người ta lại càng khuyến khích dân chúng các tiều bang miền Tây Hoa Kỳ vì múi giờ chênh lệch với các tiểu bang miền Đông, đừng vội thất vọng vì ứng cử viên tổng thống của mình có vẻ lép vế.

Câu chuyện Obama

Thân phụ của Barack Hussein Obama II (tên chính thức của Obama) Ià người Hồi giáo ở Kenya (Phi Châu), mẹ là Ann Dunham, một thiếu phụ da trắng quê quán ở Wichita, Kansas. Hai bố mẹ gặp nhau ở (đại học) University of Hawaii khi bố ông Obama du học ở đó. Bố mẹ ly thân khi ông mới 2 tuổi và ít lâu sau hai người chính thức ly dị. Bố ông trở về Kenya và chỉ gặp lại con trai mình một lần nữa năm 1971, cho đến khi ông mất vì tai nạn xe hơi vào năm 1982. Mẹ ông tái giá với Lolo Soetoro, một người Hồi giáo khác ở Nam Dương (Indonesia) Năm 1967, hai mẹ con theo bố dượng về Jakarta, Nam Dương nơi ông Obama đi học ở các trường địa phương (và có lẽ tại đây ông đã chính thức được tiêm nhiễm với Hồi giáo) Đến năm ông 10 tuổi ông trở về Hawaii sống với ông bà ngoại ở Honolulu. Ông ra trường trung học năm 1979. Ông về Los Angeles, theo học Occidental College rồi chuyển sang Columbia University ở thành phố New York. Sau đó Obama về Chicago làm việc trong một tổ chức thiện nguyện cộng đồng trước khi theo học Luật ờ Harvard vào cuối năm 1988. Được bầu vào làm tổng biên tập của  tạp chí danh giá Harvard Law Review năm 1990.

Qua những năm làm nghị sĩ của tiểu bang Illinois, Obama được chọn đọc diễn văn chính thức trong Đại hội Đảng Dân Chủ vào năm 2004, ông mượn cơ hội này lên án chính quyền Bush trong cuộc chiến Iraq, gây được sự chú ý trong chính giới Đảng Dân Chủ, đánh dấu bước đi của mình trong chính trường quốc gia Hoa Kỳ. Cùng năm đó, ông ứng cử và đắc cử vào Thượng Viện Hoa Kỳ. Trong 4 năm làm nghị sĩ, Obama được đồng nghiệp và tờ National Journal bầu là người liberal cực tả nhất…

Qua những năm hoạt động từ thiện và tổ chức cộng đồng của Obama ở phía Nam thành phố Chicago, ông Obama đã có nhiều quan hệ mật thiết với những nhân vật đối kháng chính quyền kỳ cựu của thời đấu tranh phản chiến (Việt-Nam) và dân quyền (Civil Rights) hoặc những nhân vật tiến bộ khác của thời nay. Từ 1991 đến cuối 2002, ông ngồi chung trong Ban Quản Trị của The Woods Fund với William C. Ayers, tài trợ cho các tổ chức giáo dục, cộng đồng và đẩy mạnh các chuyện đấu tranh chống những chuyện họ cho là bất công trong xã hội. Giáo sư Rashid Khalidi thuộc Đại học Columbia, một người tranh đấu chống áp lực Do Thái cũng nhận tài trợ của The Woods Fund này. Trong khi đó, báo chí đã phát hiện vụ mua bán nhà rẻ hơn giá thị trường 300.000 Mỹ kim của Obama ở Chicago và một dãi đất tiếp giáp nhà của vợ chồng ông Rezko. Ông Obama cũng xác nhận mối hiệp thông “mà tôi hối tiếc” với ông Tony Rezko, một người bị kết án đút lót cho quan chức và chính trị gia trong năm nay, và chính là người đã ủng hộ hơn $60.000 Mỹ kim cho cuộc vận động tranh cử của Obama.

Obama được Bill Ayers mướn, đảm trách chương trình Annenberg Challenge. Năm 1995, Obama được bà nghị sĩ tiểu bang Illinois Alice Palmer, một người có đường lối chính trị cực tả, chính thức công nhận là người sẽ thừa kế mình trong chức vụ này, và bà đã giới thiệu ông Obama trong một buổi tiệc ra mắt quan chức và giới hoạt động xã hội ở Hyde Park tại tư gia của William C. (Bill) Ayers, một người đã được FBI coi là khủng bố quân, chống chính quyền với những vụ đánh bom. Năm 2002, nhiều người còn nhớ đến câu tuyên bố bất hủ của ông: “I don’t regret setting bombs, I feel we didn’t do enough!” “Tôi không hối hận vì đã đánh bom, chỉ tiếc là mình không làm nhiều hơn!” Bill Ayers và vợ Bernadine Dohrn là hai nhân vật nổi tiếng và đắc lực trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh Việt Nam, họ lãnh đạo phong trào Weather Underground (Thời Tiết Ngầm) chống chính phủ và các định chế chính phủ mà ông cho là đầu xỏ chuyện tiếm quyền của người da trắng.

ACORN (Association of Community Organizations for Reform Now/Hiệp hội Các Tổ chức Cải tổ Cộng đồng Hôm nay) là một tổ chức hoạt động cộng đồng toàn quốc, thành lập từ 1970, đấu tranh nhằm cải tổ xã hội, áp lực các ngân hàng cho người nghèo, không đủ điều kiện, vay mượn tiền để tậu nhà (những chuyện tạo cơ hội cho vay như vậy cũng như các sắc luật liên bang như Community Reinvestment Act được tổng thống Carter thông qua 1997, đã phần nào tạo nên chuyện vỡ nợ của hệ thống tài chánh Hoa Kỳ vì những vụ cho vay mua nhà với lãi suất thấp và điều kiện dễ dãi (subprime loans) Acorn cũng có nhiều nỗ lực ào ạt giúp những người nghèo, đẩy mạnh những người không có phương tiện đăng ký đi bầu. Trong kỳ vận động bầu cử này họ đã giúp ghi tên hàng ngàn người, kể cả những kẻ sa cơ lỡ vận, màn trời chiếu đất ghi danh chuẩn bị cho kỳ bầu cử sắp tới. Nhiều vụ đăng ký đi bầu do Acorn đảm trách không hợp lệ đã được báo chí phanh phui và phe ông Mc Cain lên án Acorn đã đăng ký ma giúp cho phe ủng hộ Obama bỏ phiếu gian lận.

Chính sách xã hội của Obama

Trong một buổi nói chuyện với NAACP nhân dịp đại hội thứ 99 của hiệp hội này (National Association for the Advancement of Colored People/ Hiệp hội Quốc gia Cho Sự Thăng Tiến của Người Da Màu) trong tháng Chín vừa qua, ông Obama nhấn mạnh “Cả một cuộc đời trưởng thành của mình, tôi đã nỗ lực để xây dựng một nước Hoa Kỳ mà công lý về kinh tế sẽ được phục vụ.” Nhiều người cho rằng ‘economic justice’ (công bằng về kinh tế) mà ông nhắc đến đồng nghĩa với lý thuyết của Xã hội chủ nghĩa.

Một mặt nữa nhiều người cũng lo ngại rằng chính sách và lập trường của ông Obama sẽ giúp cho xã hội Mỹ càng ngày càng trở thành một chủ nghĩa xã hội “nhân vị” hơn, tạo ra một hội chứng ỉ lại trong các thành phần vô công rỗi nghề. Sau đây là những dự án đầu tư cho Hoa Kỳ mà ông Obama chủ trương:

* Bảo hiểm y tế cho mọi người dân

* Đại học miễn phí

* Dịch vụ đóng góp toàn quốc (mọi người dân phải tham gia tình nguyện cho một chương trình nào đó)

* Bảo đảm một số tiền hưu trí 401 (K) cho mọi người (một chương trình mà chính quyền sẽ tài trợ một tài khoản bằng số tiền đóng góp của các người có lợi tức ít hoặc thấp)

* Chương trình huấn nghệ miễn phí, cho cả các phạm nhân

* Bảo hiểm lương bổng

* Chăm sóc trẻ em miễn phí và chương trình vườn trẻ cho mọi gia đình

* Chính phụ tài trợ và tăng thêm nhà trợ cấp

* Số tiền phụ cấp nhiều hơn cho cho lương bổng

* Sắc luật Giảm Nghèo (tương đương với Kế Hoạch Marshall Plan sau đại chiến thứ II) cho các quốc gia thứ ba (các nước đang phát triển), nhất là các nước Phi châu.

* Giao Kèo Mới của Obama bảo đảm một mức lương có thể sống được, với lương tối thiểu là $10 được tính bù trừ theo vật giá leo thang kể cả các khoản giao thương và chuẩn mực lao động “công bằng”, có phần thưởng cho các chủ nhân (công ty)  ái quốc biết “phục tòng” các nghiệp đoàn, và trừng phạt những công ty nào không theo.

Có nghĩa là nước Mỹ với mực độ lạm phí trên $455 tỉ Mỹ kim hiện nay, chương trình của ông Obama sẽ có xảo thuật tìm ra cách cân bằng ngân quỹ quốc gia nhằm tài trợ cho các chương trình ông dự hoạch định trên đây.

Sự lớn mạnh của Obama (mặt chìm)

Những lý do nêu trên chỉ là bề nổi của tảng băng, nhưng chính ra mặt chìm của tảng băng sẽ có cơ may gây ra một cuộc thay đổi không tiền khoáng hậu trong lịch sử Hoa Kỳ. Nếu Obama thắng cử kỳ này đó sẽ là một hiện tường cải tổ xã hội một cách to tát. Nói một cách chính xác hơn, đây là cuộc cách mạng của tầng lớp bị trị không tìm thấy cơ hội trong xã hội Mỹ trong vòng nửa thế kỷ qua. Có thể nói, qua Obama, một cuộc chiến tranh giai cấp sâu rộng nhất xưa nay, được hun đúc, tôi luyện từ những thập niên 50, 60 và trước đó sẽ được hình thành mà không cần dùng đến vũ lực, đổ máu hay đánh bom.

Người Mỹ và thế giới không còn lạ gì với các cuộc tranh đấu dân quyền (Civil Rights Movement) bất bạo động của Martin Luther King Jr. của những năm 50′s và 60′s cùng với những cuộc tranh đấu đẫm máu của Black Panther Party (Đảng Báo Đen), của SDS (Students for a Democratic Society/Sinh viên cho Một Xã Hội Dân chủ) của Weather Underground, của Black Liberation Theology (Thuyết Giải Phóng Sắc tộc Da Đen) 60 và 70, của Nation of Islam v.v.., giành tiếng nói và chỗ đứng cho người da đen trong những thập niên 70 và gần đây.

Lấy công minh mà xét tuy rằng mục tiêu của cuộc tranh đấu dân quyền trong những thập niên trước chú tâm vào lý tưởng nâng cấp cho người da đen, chính ra đó là những cuộc tranh đấu và xuống đường được sự ủng hộ và chủ động của nhiều người da trắng tử tế và hiếu hòa (Bill Ayers của Weather Underground chỉ là một trong số này) và âm hưởng cũng như chấn động tâm lý đó đã gây nhiều tác động tích cực cho các sắc dân thiểu số khác. Cho nên, nếu Obama đắc cử kỳ này, ông ta cỏ thể lãnh đạo được một cuộc cách mạng da màu được sự ủng hộ của nhiều thành phần cấp tiến các sắc tộc khác nhau của các thế hệ đương kim một cách quang minh.

Đây là lần đầu tiên trong lich sử Hoa Kỳ, một người da đen đang có cơ hội làm tổng thống nước Mỹ, lãnh đạo cả thế giới, ông ta không phải là một người như Louis Farrakhan (Nation of Islam) hay Jeremy Wright (Black Liberation Theology và mục sư của Obama), Stokely Carmichael, hay Huey Newton, Bobby Seale, hay Malcolm X, được coi là những người phản động ở nhiều mức độ, chính sách cũng như chiến lược chừng mực hoặc hung hãn khác nhau, một số những nhân vật này đã có lúc sống ngoài vòng pháp luật Mỹ.

Ngược lại, Obama được coi là một lãnh tụ quan trọng và nổi bật, đang được sự ủng hộ và phò tá của Đảng Dân chủ, kể cả hai Viện của quốc hội Mỹ. Nếu đắc cử, Obama sẽ có cơ hội bổ nhiệm các đại thẩm phán của Tòa Tối Cao Pháp Viện (trong thành phần 9 thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện hiện nay, đã có 5 người quá tuổi 70 và cao niên hơn, sắp đến tuổi hưu trí) để thay thế những người thuộc phe Cộng hòa, làm chủ được tình hình cai trị lưỡng đảng (hiện thời Đảng Dân chủ đã chiếm được đại đa số ở hạ viện (235 – 199), qua kỳ bầu cử sắp tới, Dân chủ cũng sẽ chiếm đa số tuyệt đối ở thượng viện, có thể lên đến 60/40, một tỉ số để loại bỏ biện pháp filibuster của đối phương, để thông qua tất cả các đạo luật phe Dân chủ muốn).

Nghĩa là ông Obama sẽ là một người cầm đầu trọn vẹn quyền hành pháp, ngành lập pháp  lẫn tư pháp trong một thể chế tam quyền phân lập. Một hiện tượng hiếm có trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ. Ông sẽ là một nhà lãnh đạo đậm nét, chiếm được cảm tình của nhiều tầng lớp quan yếu trong xã hội Mỹ, nhất là được nhiều quốc gia trên hoàn cầu cảm mến, trong đó phải kể những nước – kể cả các quốc gia thù địch – trong đệ tam thế giới đang chán ghét chế độ đối ngoại của chính quyền Bush hiện nay. Người ta sẽ không quên câu tuyên bố của Obama: “Nếu là tổng thống tôi sẽ tìm cách đối thoại vô điều kiện với các lãnh tụ của Bắc Hàn, Nam Tư và Syria…

Ông Obama đi theo cấu trúc của một đường lối chính đại: Đắc cử tổng thống của Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ. Từ trên xuống dưới. Thay vì tìm cách lật đổ chính quyền từ dưới lên trên. Ngày trước, những người phản động, manh nha tranh đấu cho sắc dân da màu không thể nào tưởng tượng được là một ngày kia họ sẽ tìm ra một người đại biểu không giống họ, thay vì phải mai phục, trổ lên từ các đường hầm bí mật của quốc gia, người đại biểu của họ đã chọn con đường chính đại, đi cổng trước vào Tòa Bạch Ốc.  Ông Obama, một người đã chính thức thâm nhập vào chính quyền Hoa Kỳ từ hơn 4 năm nay, sẽ giành lấy một quyền thế và chủ lực của tư bản để tiếp tục cuộc cách mạng đại đồng hóa.

Có phải đây là điều mà mọi người bỏ phiếu cho ông Obama đang mong đợi không? Chúng ta hãy chờ xem.

(1) Quỹ An sinh Xã hội (Social Security Fund)  Nói một cách giản tiện, là một chương trình pay-as-you-go/đóng-vào-và-lãnh-ra. Tức là tiền công nhân viên đang làm việc đóng vào quỹ này được trích và phát ra cho những người đang nghỉ hưu hay mãn việc đồng thời. Nghĩa là mỗi người đi làm đều đóng một số tiền cộng với số tiền tương đương của chủ đóng góp cho quỹ về hưu của mình. Khi nào đến phiên mình về hưu thì tiền sẽ được chia ra và gởi đến mỗi tháng.

Số tiền tồn quỹ thặng dư được chính phủ đầu tư kiếm lời hoặc mượn xài đỡ. Nếu bạn may mắn thì đến khi mình về hưu số tiền còn, hoặc số tiền chi ra cho hưu trí thấp hơn số tiền thu vô của những người đang đi làm lúc đó.

© 2008 www.danchimviet.com

Phản hồi