WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Balzac trong vô vàn náo động của mê lộ đau đớn

“Những tính cách của ông ta là tác phẩm của một trí tuệ vũ trụ ! Không phải hơi hướng của thời đại, mà cả hàng ngàn năm bằng sự vật lộn của chúng đã xếp đặt một kết cục như vậy trong tâm hồn con người”  – DOSTOYEVSKI

Trên tấm bản đồ văn học, tuồng như châu Âu cùng thế kỷ thứ XIX đã bị bẻ đôi ra làm hai mảnh trước sau, đông tây, do bốn cơn địa chấn thiên tài tạo ra: mảnh đầu được chế ngự bởi hai đỉnh Olympia Pháp: Hugo và Balzac, mảnh thứ hai thuộc về hai đỉnh Thiên Sơn Nga: Dostoiepski và Tolstoi. Thiên tài Balzac, người được coi như đồng nghĩa với tiểu thuyết (roman), người dường như  đã được Chúa Trời cho mượn ngòi bút thần linh trong hơn hai mươi năm, người đã có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với các nền tiểu thuyết hậu thế, nhất là với những nhà văn của chủ nghĩa hiện thực Nga như hai đỉnh cao vừa kể. Balzac, người sinh cùng năm với mặt trời thi ca Nga Puskin. Cả hai ông trời của văn học này khi được một tuổi, đã tập lẫy, tập bò với năm cuối cùng của thế kỷ, rồi vịn vào năm 1800, hay nói đúng hơn, vịn vào linh hồn  thế kỷ Ánh Sáng để đứng lên tập đi, để có thể chạy bổ vào thế kỷ mới, đặng vụt bay lên chiếm lĩnh vòm trời văn học của tiền bán thế kỷ XIX. Ta có thể mượn lời Chúa nói về Jean Phép rửa như sau để nói về Balzac trong lãnh vực tiểu thuyết của nửa đầu thế kỷ XIX: “Trong các người nam bởi người nữ  mà sinh ra, thì không có ai trọng cho bằng ….H. Balzac”.

Balzac sinh sau Cách Mạng Pháp mười năm. Năm ông sinh ra-1799 cũng là năm con người nhỏ thó đảo Corse chinh phạt Ai Cập, chuồn về chinh phục Paris, làm tổng tài thứ nhất lãnh đạo nước Pháp để vài năm sau, mượn danh Cách Mạng lật nhào Cách Mạng, đặng nhảy tót lên ngai vàng thành hoàng đế Napoléon. Tours quê hương của Balzac, đồng thời từng là quê hương tươi đẹp của Rablais, quê hương của mùa hè sôi nổi với những hương hoa, ong bướm, với vòm trời lưng lửng thiên thần và mây hồng, với quạ đen trên tuyết trắng thi ca… Sinh ra và lớn lên trong những chấn động quái quỷ của lịch sử, trong bão táp của chiến tranh, trong hào quang của lưỡi kiếm chinh phục thế giới của Hoàng Đế, trong vinh quang tột độ và nhục nhã tột độ của vương triều Napoléon, Balzac tuồng như đã biến thành cái chong chóng của nỗi kinh hoàng, của những cảm giác mạnh tạo ra bởi sự va đập vô song của lịch sử, mạnh hơn triệu lần cảm giác do rượu và đàn bà mang đến.

Có thể nói, cuộc Cách Mạng Pháp là một hỏa diệm sơn lịch sử đã phun ra nhiều luồng nham thạch kỳ vĩ, trong đó có hai dòng nham thạch làm chấn động thế giới là Napoléon và Balzac. Thần tượng của Balzac suốt tuổi thơ là Napoléon, kẻ chinh phục thế giới bằng lưỡi gươm. Napoléon, kẻ vô danh, anh lính pháo binh chợt biến thành kẻ thôi miên vĩ đại, thôi miên cả biển Địa Trung Hải, rồi kéo biển quê hương chồm lên núi đồi thảo nguyên miền Midi-Pyrénées, tràn qua nước Pháp, tràn ra cả châu Âu, xâm chiếm các quốc gia như chiếc nĩa đảo Corse xâm chiếm con gà tây quay trên bàn tiệc giáng sinh, kẻ đã cung cấp cho Balzac cảm giác mạnh của niềm chinh phục thế giới. Nước Pháp dưới long bào của Caesar mới này như sông Seine tràn bờ, tràn qua các biên giới châu Âu những cơn sóng thần kỵ binh vũ bão, những đại hồng thuỷ pháo binh chớp giật, tràn qua giấc mơ của cậu bé Balzac niềm mặt trời vô tận mọc lên bởi con gà Gaulois cất tiếng gáy đại bác.

Nuôi trong mình niềm ngùn ngụt chinh phục thế giới của thần tượng Napoléon, Balzac, đứa con trai của người nông dân không chinh phục thế giới kiểu La Mã mà theo gương Chúa Jesus, người đã bị săn đuổi suốt gần ba trăm năm, đã dùng tình thương yêu để chinh phục toàn La Mã và thế giới. Đúng như Balzac đã viết :” Ngòi bút còn mạnh hơn lưỡi kiếm”. Nhà văn từng nói về Napoléon và mình như sau :” Người đã truyền vào cơ thể mình biết bao quân đội…Còn tôi, tôi chứa cả một xã hội trong đầu mình”. Cuối đời, Balzac tự hào viết trong mặc cảm Napoléon thời thơ ấu của mình như sau :” Cái mà ông không thực hiện được bằng lưỡi gươm thì tôi đã thực hiện được bằng ngòi bút”. Balzac mang tinh thần của con sông Loire hiền hòa mà chinh phục Paris và thế giới. Sông Loire bắt nguồn từ núi đồi đông nam nước Pháp chảy lên tới Orleans, không ngược lên vùng Paris làm gì, mà ngoặt xuống tây nam, ghé lại Tours để nuôi dưỡng vùng đồng bằng hoa thơm cỏ lạ mà sinh ra hai thiên tài văn học. Có thể nói, sông Loire đã cử hai nhánh tinh thần của mình là Rablais và Balzac tràn ngập Paris, chảy tràn ra thế giới thông điệp của trái tim con người, của một thế giới được chưng cất thành rượu nho, thông qua hơn hai nghìn hóa thân của Balzac trong bộ “Tấn trò đời”.

Cuộc đời 51 năm của Balzac có ba ám ảnh lớn là Napoléon, Dante và tiền bạc. Chính niềm ám ảnh về Dante, người gõ cửa Phục Hưng với thi phẩm tuyệt diệu “Hài kịch thần thánh” ( La Divina Commedia) đã gợi ý, đã tạo hưng phấn và quyết tâm để ông hoàn thành bộ sách có tên là “Hài kịch nhân sinh” ( La Comédie Humaine ) mà người ta quen dịch thành “Tấn trò đời”. Mở đầu truyện “Cô gái mắt vàng” viết năm 1835, Balzac viết đại ý rằng “địa ngục” Paris, một ngày sắp tới sẽ có một Dante của nó. Vâng, chính ông đã thành Dante của thế kỷ XIX, mở ra cho tiểu thuyết cả một chân trời mới. Cũng như Dante, Balzac đã dẫn một phần nhân loại bắt đầu từ vùng Tours của mình, đi, chạy, bay, nhảy như cào cào châu chấu đến tụ họp lại hầu mong đoạt lấy  một Paris dục vọng đang tư bản hóa, tiền hóa, Juda hóa, Grandet hóa.

Kìa, hãy nhìn xem lão già keo kiệt Grandet chui xuống địa ngục của hà tiện say mê dường nào, hệt như con gái Eugénie của lão mê man sa xuống địa ngục của cuộc tình lừa đảo với chàng trai con ông chú ruột. Với Goriot, chính là tình phụ tử mù quáng đã dắt lão đến lửa luyện tội của tuyệt vọng. Một mình thầy phù thuỷ Balzac hóa thân thành 2009 nhân vật trong 97 cuốn tiểu thuyết của bộ ” Nghìn lẻ một đêm phương Tây – Tấn trò đời”, thành 2009 địa ngục, 2009 Paris, 2009 thiên đường, 2009 con thiêu thân của dục vọng sống và dục vọng chết. Nếu Napoléon đã đẩy cả châu Âu vào cuộc chém giết vĩ đại có tên là chinh phục theo kiểu Alexandre Đại Đế và Caesa, lùa một phần nhân loại vào khói lửa, đau thương, chết chóc để tìm vinh quang, thì Balzac đã dẫn một phần nhân loại được thu nhỏ lại tìm cách chui xuống các tầng sâu chữ nghĩa như chui xuống chiến lũy, như chui xuống các cống ngầm Paris mà sống chết mãi với những đam mê tội lỗi, những thèm muốn thánh thiện, những mưu mô lừa đảo của một thế giới được đúc lại thành từng xâu, từng xâu tiền xủng xoảng như tiếng xiềng xích va nhau.

Paris hóa thành “Miếng da lừa”, thành bùa thiêng cho cả một xã hội Balzac với đủ cả thầy tu, nhà buôn, chủ ngân hàng, điền chủ, nhà văn, nhà báo, triết gia, luật sư, thẩm phán, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, chị hầu phòng, kẻ quét đường, gái điếm, thợ may, bác gác cổng, thợ mộc, phu khuân vác, công nhân nhà in, quân nhân, nông dân, thợ thủ công, kẻ hốt rác, ăn mày, diễn viên, kẻ vô công rồi nghề, tên lừa đảo, cảnh sát, tên móc túi… Trong thế giới mênh mông của “Tấn trò đời” ngay đến cả một con gián cũng biết dạy con người phải bò xuống để tiến thân. Như nhân vật Vautrin vô chính phủ trong “Lão Goriot” đã khuyên mọi người phải bò xuống như chuột cống, rồi chui qua tất cả lổ nẻ của xã hội, vừa chui vừa phun dịch hạch lên tất cả để thỏa mãn tính ác của mình. Vừa là chuột, vừa là gián, vừa là lươn…Vautrin đã chui qua ba cuốn tiểu thuyết của Balzac: “Lão Goriot”, “Ảo tưởng tiêu tan” và ” Vinh nhục của nghề làm đĩ” như chui qua cống rãnh của ô trọc và đê tiện để vụt đứng lên thành ngài chỉ huy ngành cảnh sát (!).

Cũng như nhân vật Rastignac, chàng sinh viên nghèo hãnh tiến đã biến mình thành con rắn của âm mưu và lừa lọc ra sao để trườn lên thành một ngài nam tước bộ trưởng… Rastignac đã leo trèo, luồn lọt qua 23 tác phẩm của “Tấn trò đời”, đã thoắt hiện, thoắt ẩn như ma, đã đeo nhiều mặt nạ khác nhau trên sân khấu lợi danh, làm xiếc uốn lượn linh hồn với một tư duy ở đầu gối, là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, là các mảnh vỡ trí thức, các thủ đoạn lừa đảo rơi vãi khắp Paris và châu Âu được Balzac thu về, kết tinh lại.

Các nhân nhật của Balzac chồm lên nhau, nuốt chửng nhau như những con bọ ngựa sau lúc làm tình, bu vào nhau như ruồi muỗi, lại có khi vuốt ve nhau, phỉnh nịnh nhau như uyên ương trong tổ thèm muốn, rồi tất cả quơ vòi lên, ôm xiết nhau theo kiểu bạch tuộc, rồi tiêu hóa lẫn nhau trước khi tự tiêu hóa mình. Một Paris mưng mủ lên cơn khát tiền bên sông Seine quằn quại, sùi bọt mép, phóng đãng, giằng co, ngã giá với sóng gió trước khi lịm chết trong biển Manche.

Balzac cho đoàn rồng rắn “Tấn trò đời” mỗi kẻ một “Miếng da lừa” làm giấy thông hành ảo tưởng, mặc chúng tỉ mẩn, lững thững, cuồng si đi, ngụp, lặn vào địa ngục của cuộc chinh phục lẫn nhau, rồi lao vào tấn công nhau như diều hâu tấn công quạ. Một thế giới tiểu nông, tiểu tư sản, đĩ điếm, trộm cướp, du thủ du thực muốn lột xác thành tiền, lột xác thành thương gia cho đến khi không còn xác để lột nữa thì chúng mang linh hồn vào ngân hàng cầm cố để đổi lấy vinh quang của thiên đường giả tưởng.

Balzac cũng cầm cố linh hồn mình trong lọ mực. Từ năm 1829, năm ra đời cuốn “Sinh lý học về hôn nhân” và cuốn ” Những người Chouans “, mở đầu cho bộ bách khoa toàn thư của trái tim con người thế kỷ XIX, bộ biên niên sử về thời đại đồng tiền thay Napoléon thống trị thế giới, cho đến năm 1847, ròng rã 18 năm, bằng với số năm quen và yêu bà bá tước phu nhân Hanska ( 1832-1850), Balzac đã viết bình quân mỗi năm hơn 2000 trang sách, mỗi ngày viết từ 16 đến 20 tiếng đồng hồ, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà chỉ có Chúa mới giải thích nổi.

Từng ngày, khoảng tám giờ tối, sau một ngày giam mình trên chiếc ghế để cày nát hàng trăm trang giấy, ông kiệt sức, mệt rũ, lăn ra thiếp ngủ chừng bốn tiếng đồng hồ. Vào giấc quá nửa đêm, khi Paris và sông Seine lịm ngủ, người giúp việc gõ cửa đánh thức con khủng long của chữ nghĩa dậy. Balzac mặc áo choàng thầy tu thùng thình như tu viện trưởng trước khi ngồi vào bàn viết làm dấu thánh giá, đặng theo chân Jesus cầm roi tiến vào đền thờ thiêng liêng Jerusalem-Paris  mà đánh đuổi bọn con buôn ra khỏi thời đại ông. Ngọn bút – cây roi của ông càng quất chữ nghĩa lên bọn con buôn, chúng lại càng điên dại, lồng lên như ngựa, phi nước đại đuổi theo tiền bạc như cả thế giới đã bị ám bởi tên Juda bán Chúa.

Đoạn Balzac  tu một hơi café Thổ Nhĩ Kỳ theo kiểu Vịnh Sư tử (Golfe du Lion ) ừng ực uống nước sông Rhône để được kích thích tối đa mà hưng phấn lao vào cuộc giác đấu với số phận – “Tấn trò đời”. Ngồi một mình trước trang giấy trắng như Thượng Đế cô đơn, Balzac bằng tưởng tượng vô song biến toàn vũ trụ thành đất sét. Ông ngào bầu trời đầy mây trắng cùng biển khơi, ngào rừng núi vào cát bụi như người đàn bà ngào bột, với một chất keo dính là café để đất sét hóa tất cả; rồi dùng niềm đam mê nghịch ngợm thiên sứ nặn lên vua chúa, thần dân, nhà văn, gái điếm, thầy tu, cảnh sát, thương buôn… Ông muốn đứt hơi khi phả dần hơi thở mình vào để bọn hình nhân đất sét sống động mà yêu thương, thù hận, lọc lừa.

Ông lặng lẽ ném những nhân vật vừa nặn lên trang giấy, xô chúng xuống thế giới sột soạt của ngòi bút, rồi tung chúng vào “Miếng da lừa – Paris” như tung quân vào trận đánh để cướp giật số phận nhau, để mỗi hình hài kia được dịp co rút lại với những đam mê chết người của thời đại kim tiền. Ông ngồi đó sao chép xã hội, làm thư ký thời đại để “hiểu thấu nó trong vô vàn những náo động”, trong niềm “say mê là tất cả nhân loại”, trong nỗi đớn đau bị cả và loài người đầy ải như hình ảnh của nhân vật cô Fosseuse (Thầy thuốc nông thôn) và bà Graslin (Cha xứ làng quê) khiến “Chúng ta ngày nào cũng đớn đau như vậy” như lời nói đầu của “Tấn trò đời” ông đã viết. Sáng tạo không chỉ là hạnh phúc mà còn là niềm thống khổ như chính Balzac đã nói:” Tôi chỉ ước mong không bị giày vò bởi các con người và các sự vật như tôi đã từng chịu đựng, từ khi tôi tiến hành công việc đáng kinh sợ này”…”Tôi đã bộc lộ rõ sự hiểu biết của tôi về môn đấu kiếm văn chương”…

May mắn thay cho Balzac khi một mình đơn độc “đấu kiếm văn chương”, ngoài sự hỗ trợ của suối nguồn café và Chúa Trời ra, ông còn được ba người đàn bà quý tộc chia sẻ bằng tình yêu và niềm sùng kính. Tuy nhiên, đam mê viết với ông mạnh hơn đam mê đàn bà rất nhiều, như có lần ông thổ lộ với bạn bè :” Người làm văn chương phải kiêng đàn bà. Họ làm mất thì giờ của anh. Chỉ nên hạn chế trong việc viết cho họ; điều đó giúp luyện phong cách”. Người tình đầu tiên của ông lớn hơn ông những 20 tuổi. Nàng là bà De Berny yêu ông như người đàn bà yêu đàn ông, đồng thời như người mẹ yêu đứa con trai bé bỏng, như một giáo sư về thẩm mỹ yêu, thẩm mỹ sống và thẩm mỹ viết yêu người học trò khổng lồ Balzac. Người đàn bà thứ hai xuất hiện như tiếng sét ái tình, nàng De Castries, vụt qua bầu trời tâm hồn ông như một cú trượt ngã của số phận, như một cơn sóng xoài của bão tố, một vết thương không hề biết lên da non còn tê dại thân xác tới sau này.

Chỉ đến khi bị chìm ngập trong những bức thư tình của “Người đàn bà phương xa” từ năm 1832, nữ bá tước Hanska, người Ba Lan lấy chồng Ukren, tâm hồn Balzac vốn từng khổ đau, thương tổn vì nghề văn  mới được tình yêu nhỏ lên những giọt sương mật ong ngây ngất. Balzac lao vào cuộc tình quý tộc như kẻ tìm chim trong ca dao Việt Nam :” Tìm em như thể tìm chim / Chim ăn bể bắc anh tìm bể đông “. Ông làm kẻ “Gánh vàng đi đổ sông Ngô” văn học để “Nằm đêm tơ tưởng đi mò sông Tương ” cuộc đời. Vậy mà sau 18 năm với bao lần lặn lội sang phương Đông, ông đã mò được vàng ròng của đời mình bên tận nước Nga Chính Thống giáo. Ông đã viết hàng gánh thư tình, đeo đẳng hàng núi sầu thương, nhỏ ra hàng dòng sông nước mắt, vượt qua hàng bao lớp sương mù quý phái e lệ che chắn, trái ngang. Dù sau khi bá tước Hanski qua đời năm 1841, bà Hanska đã giam lời cầu hôn của Balzac tới 8 năm.

Cuối cùng năm 1850, người đàn bà kiêu sa nhất phương Đông mới đồng ý lấy nhà văn để theo ông về Paris, ở ngôi nhà trên phố Fortunée định mệnh. Hanska, như là rốn biển, nơi các dòng sông, những nhân vật phụ nữ của Balzac chỉ được đẹp trong khổ đau, được trinh trắng trong tủi nhục, giày vò, được thắp sáng trong bóng tối chảy về hội tụ thành một người đàn bà cụ thể. Người vợ trong ba tháng này chính là giấc mơ không thể với tới của cuộc đời, như trái cấm trong vườn Eden Chúa Trời cấm ông ăn nhưng ông bất tuân thần linh, để nhận lấy hạnh phúc tình yêu cùng một lần với nỗi chết.

Chỉ ba tháng sau ngày cưới, ngày 17-8-1850, trái tim Balzac đã vỡ ra vì không chịu đựng nổi hạnh phúc viên mãn. V. Hugo, người cùng Lamartine hai lần tiến cử Balzac vào viện hàn lâm nhưng đều bị trượt, đến nhìn ông lần cuối đế thấy “ông giống như vị Hoàng Đế “, khiêng quan tài ông lên xe đến nghĩa trang Père – Lachaise, để viếng ông bằng bài điếu văn vĩ đại, với những lời đẹp hơn nước mắt sau:” Hỡi ôi ! người lao động mãnh liệt và không bao giờ biết mệt mỏi ấy, triết gia ấy, nhà tư tưởng ấy, thi sĩ ấy, thiên tài ấy, đã sống giữa chúng ta cuộc đời đầy bão tố, chiến đấu, tranh cãi, chung cho mọi vĩ nhân ở mọi thời. Giờ đây ông được bình an. Ông ra khỏi những dị nghị và thù ghét. Trong cùng một ngày, ông đi vào vinh quang và cõi chết.”

Balzac – người khổng lồ rơi từ đỉnh trời xuống, do một sự tưởng tượng quá sức của Chúa mà sinh ra vào đầu mùa hè năm 1799 và ra đi theo tiếng gọi của giấc mơ, của tuyệt đối vào đầu mùa thu 1850. Như Napoléon đã sống 52 tuổi để tạo ra lịch sử bão bùng, Balzac cũng chỉ thọ tới 51 tuổi sau khi tạo dựng ra cả thiên đường và địa ngục trong hành trình chinh phục trái tim toàn nhân loại. Ông là Chúa Kito của chủ nghĩa hiện thực trong tiểu thuyết, là người khám phá ra linh giác, một giác quan thuộc loại thần giao cách cảm thông qua sự sáng tạo lại con người trong văn học. Balzac trong vô vàn náo động kiếp người, đã hút theo mê lộ đớn đau, như nước sông Loire quê hương ông từng cuồn cuộn trào sôi vô tận, để cuối cùng bị hút vào quằn quại Đại Tây Dương, rồi được tự dìm chết mình đi mà thành vĩnh cửu.

© T.M.H.

© Đàn Chim Việt

 

4 Phản hồi cho “Balzac trong vô vàn náo động của mê lộ đau đớn”

  1. Ảo vọng says:

    Một tác phẩm vĩ đại là một tác phẩm luôn luôn hấp dẫn độc giả qua mọi tiến trình thời gian, lịch sử. Đọc các trước tác của Banzac, nhiều con người, thời cuộc, vấn đề…vẫn sống động tựa như ông viết cho thời đại hôm nay – thời đại nhân danh việc làm chủ đồng tiền để văn minh , rồi vì đồng tiền mà mất văn minh một cách tất yếu . Đọc ông, nhớ nhiều câu chuyện kinh khủng về ” giá trị thặng dư ” thống soái tâm hồn con người như thế nào… Song thích nhất là những câu, gần như châm ngôn, chẳng hạn trong “thăng trầm của kỷ nữ” có câu : ” Điều đáng ghét nhất của những kẻ tiểu nhân là hắn xem ai cũng tiểu nhân như hắn ” !

  2. mmmm says:

    bài viết của TMH về Balzac rất hay, nhưng dùng từ ngữ, câu chữ ” đầy sức ép ” quá khiến cho người đọc thấy rất mệt !!

    tôi không chê Balzac và Napoleon, thế nhưng cái thiên tài của 2 người này ( kể cả Doitoevsky ) thiên về TÍNH TIÊU CỰC nhiều quá. Cái tiêu cực ở đây là gây ra chiến tranh ( 1 điều không bất cứ 1 người nào muốn ) và dựa vào những điều xấu hiển nhiên của xã hội để làm đề tài viết văn cho mình. Cuộc chiến tranh nào rồi cũng phải kết thúc để có hòa bình, xã hội cho dù nhiều cái xấu đến mấy rồi cũng phải loại bớt đi những cái xấu đó để tiến tới cái tốt.

    nếu như 1 người đã lỡ thích gây ra chiến tranh rồi, hoặc là đã lỡ ” thích ” bám vào cái xấu của xã hội để chửi rủa thì khi không còn chiến tranh nữa, hoặc là xã hội bớt đi những cái xấu rồi thì những người đó sẽ buồn phiền ( và có thể đau khổ ) khi cái mà mình đã thích rồi lại mất đi. Do đó họ có thể sẽ tạo ra chiến tranh lại hoặc là cố tình tạo ra những cái xấu đề tiếp tục cái quán tính của mình.

    có lẽ do hướng về sự tiêu cực nhiều như vậy cho nên Banzac và Napoleon mới chết sớm. Victo Hugo thì ma giáo hơn. Tuy ông ta cũng nói về chiến tranh, sự đau khổ ……….. nhưng chỉ nói theo kiểu chứng tỏ tài năng viết văn của ông ta ( và chỉ chết ở tuổi già 83 tuổi với con đàn cháu đống bên cạnh )

    • Tien Pham says:

      Kô hẳn có “quán tính tiêu cực” là chết trẻ.

      Amadeo Modigliani chẳng có “quán tính tiêu cực” gì cả, mà ông ấy mất khi còn rất trẻ, 32 tuổi đời. Modigliani kô đam mê chiến tranh, cái xấu, và (dễ) bị lôi cuốn theo chủ nghĩa cấp tiến thời đó. Modigliani sống cùng thời với Pablo Picasso, và Picasso, 1 thiên tài về hội hoạ, cũng bị lôi cuốn theo chủ nghĩa Marxist! Hoạ chăng Modigliani chỉ mê vẽ, mê có tiền (vì ông nghèo lắm), và hashish!

      Bình loạn chơi cho dzui.

  3. Tien Pham says:

    Lúc còn sống, hầu như chẳng ai biết tài năng của Balzac, ngoại trừ bà Hanska! Chuyện tình của bà Hanska và Balzac có nhiều huyền thoại. Người ta nói rằng việc bà Hanska chần chừ lấy Balzac là 1 trong những “chiến thuật” của bà (cho Balzac “thèm” chơi! Thử nghĩ coi, 1 người đàn bà không có lí do nào lại đi lấy 1 người sắp chết sau 8 năm dài đằng đẳng!) Khi bà lấy Balzac, ai cũng can, kể cả con gái (với bá tước Hanski) của bà, cho rằng Balzac sẽ chẳng sống được bao lâu nữa. Bà đã giải thích với con gái của bà rằng, chính vì bà biết Balzac sắp chầu trời nên bà mới quyết định lấy cho lẹ. Bà biết rằng sau khi Balzac mất đi, ông ta sẽ nổi tiếng, và tất cả những bản quyền của Balzac sẽ thuộc về bà ta!

Leave a Reply to mmmm