WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Huyền thoại bị đánh cắp

Bây giờ thì tôi chẳng còn gì ngoài căn phòng hai mươi mét vuông và cây đàn guitar gẫy khóa khi lên giây phải dùng kìm để vặn.

Nhìn lại tuổi mình, đã hơn ba mươi, cái tuổi không còn trẻ nhưng vẫn chưa già, giá như ngày ấy tôi học dốt, hoặc gặp phải một chuyện rủi ro nào đó thì có lẽ cuộc đời sẽ chuyển sang hướng khác.

Ngay từ thuở ấu thơ, tôi luôn bị lũ trẻ cùng phố bắt nạt, chúng nó đánh “hội đồng” mà lý do rất khó giải thích, người lớn hỏi: Tại sao các cháu lại bắt nạt bạn? Chúng trả lời: Mặt bạn ấy sinh ra là để cho chúng cháu áp bức.

Sau những lần như thế, bà ngoại lại lấy rượu ngâm gừng xoa vào những chỗ thâm tím trên thân thế. Tôi nằm yên trong lòng bà nghe lời bà ru:

Đừng ngộ nhận sức mạnh là cơ bắp

Ông Thiện đứng trước cổng chùa

Trong tay ông cầm sách

Quyển sách đó viết rằng

Yêu thương sẽ thủ tiêu cái ác

Ông Ác đứng trước cổng chùa

Tay cầm thanh long đao

Nhưng chẳng ai sợ ông

Ngoài những đứa trẻ sợ ma và mắc bệnh đái dầm…

Tôi không quan tâm tới ý nghĩa triết lý của lời ru, tôi chỉ thấy mình vô tội mà cứ bị bắt nạt, thế rồi số phận cho tôi gặp được Già Triệu.

…Nghe kể, lúc còn trẻ Già Triệu từng sang tận Trung Quốc mở đài đấu võ, thầy dựng lá cờ chữ đại có tên : Việt Võ Đạo và được bạn hữu trong giới giang hồ đặt cho biệt danh Triệu Tử Long ( một hổ tướng thời Tam Quốc). Già Triêu nói với tôi: Võ là đạo, không nên dùng võ để làm điều xấu. Tôi không dám cãi thầy, vì thấy mình có làm điều gì xấu đâu mà toàn bị ức hiếp. Học hết phổ thông, thi đại học tôi đủ điểm đi nước ngoài, học xong được phân công về viện nghiên cứu, mọi sự sui xéo bắt đầu từ đây, nói theo ngôn ngữ phổ cập là: Đời tôi ra tóp nhưng là tóp con phù du (không ăn được). Giá trị duy nhất của kiếp phù du mang ý nghĩa thẩm mỹ ở giai tầng khác trong cách cảm thụ triết lý nhân sinh ở lĩnh vực văn chương. Ngắn ngủi, nhưng đẹp. Tôi không nghĩ như thế, theo tôi, phù du hay lầm lẫn giữa hai khái niệm: hiến dâng và cống nạp. Khi tôi bầy tỏ quan điểm này, anh Nhẫn về nước trước tôi hai năm cười nhạt: Đừng đào xới những quy ước truyền thống, nên tập trung vào công việc. Tôi nghe lời anh, tập trung vào công việc. Tôi chất vấn ông viện trưởng về việc chi tiêu số tiền làm đề tài nghiên cứu nhập nhèm, bí hiếm. Tôi phản đối việc tuyển chọn nhân viên không có chuyên môn. Tôi khó chịu ra mặt vì thời gian làm việc rất cao su không chỉnh chu, nặng về tào lao và ngồi “buôn dưa lê” …chính vì như thế, tôi bị thuyên chuyển lên nông trường chăn nuôi tận vùng cao làm đề tài khoa học cấp vĩ mô có tên: Tìm nguyên nhân gây bệnh viêm nhiễm ở vú bò sữa.

Tôi làm bạn với lũ bò, chúng hiền lành và cam chịu (thỉnh thoảng cũng có lúc ầm ĩ vì những lý do tranh chấp đực cái hết sức dở hơi), nhưng tôi cho qua vì ý nghĩ cảm thông, nhân bản: nơi khỉ ho cò gáy, bò cái nhiều hơn bò đực thì việc đó là tất nhiên theo quy luật tạo hóa. Tôi chưa thấy có đôi mắt nào đẹp như mắt bò. Đôi mắt dịu dàng, cam chịu, ướt át với hàng mi cong vút tự nhiên.

Sống nơi rừng xanh núi đỏ cũng buồn. Buổi chiếu khi ngâm mình vào con suối Hương Tiên cho bớt mùi bò, ngắm nhìn rặng núi mờ xa, tôi sực nhớ tới câu chuyện Già Triệu kể về bộ lạc “Lá Vàng”. Bộ lạc này dùng lá rừng lợp lều, khi lá ngả vàng họ lại di cư tới vùng khác. Già Triệu đã lạc vào nơi họ ở và được họ đón tiếp chu đáo. Sau ba ngày, khi tỉnh rượu thấy mình nằm trên bãi cỏ và ông nhận ra cả bộ lạc đã di chuyển. Già Triệu kể tiếp: “…ba ngày ấy tôi được sống thoát tục, hình như đang trên cõi tiên. Các cô gái ở bộ lạc này, xinh đẹp hồn nhiên như cây cỏ, họ săn bắn có chừng mực chỉ để đủ ăn, không phá rừng chặt cây vô tội vạ, hình như họ sợ làm cho thiên nhiên đau đớn và thần rừng sẽ trừng phạt.

Không có gì buồn và xấu xí như mưa rừng. Người ta không thể đem mưa rừng vào các trung tâm khí tượng và viện thẩm mỹ để tân trang nó. Những ngày ấy, tôi tự đào thoát khỏi nỗi buồn bằng cách cắt rừng đi bộ khoảng năm cây số tới nhà thầy giáo Nghiêm để trò chuyện. Thầy Nghiêm người Hà Nội, lịch lãm, kiến thức rộng lên vùng cao dạy học từ những năm sáu mươi. Nhìn chiếc quần Jeans tôi mặc, thầy hỏi: Em thích quần Jeans lắm phải không? Vâng! Quần Jeans lâu rách phù hợp với địa hình rừng núi. Thấy Nghiêm bảo: Phải hiểu như thế này mới sâu sắc. Mốt thay đổi thường xuyên, nhưng quần Jeans rất ít thay đổi, sự ù lì này không làm ảnh hưởng tới sự vươn lên của nền văn minh trang phục mà trái lại, nó còn nâng quần Jeans lên vị trí kỳ quan. “Còn gì nữa không?”, tôi hỏi thầy.

- Còn chứ! Quần Jeans mang giá trị phổ cập trên toàn thế giới, nó đi qua các châu lục không cần xin visa. Theo con số thống kê, cứ mười người có tám người mặc quần Jeans. Quần Jeans không rụt rè vì hàng rào ngôn ngữ, không kiêu hãnh khi được các nhân vật nổi tiếng mặc vào, cũng không xấu hổ khi thuộc quyền sở hữu của cô gái điếm.

Thầy Nghiêm nuôi rất nhiều mèo, vào nhà thầy có cảm giác như vào hang động phù thủy. Nhìn lũ mèo vật vờ, hóng hớt, thò tay trắng trợn bốc đồ ăn trên mâm và nhạo báng cả chủ lẫn khách, tôi hỏi: Thầy không  dạy được chúng nó chăng? Bầy tiểu hổ này quên rằng chúng đang được một nhà mô phạm nuôi dưỡng.

Thầy Nghiêm cười: “Dao sắc không gọt được chuôi”. Tôi nói: “Chó treo mèo đậy” thầy Nghiêm bảo: Che đậy, bưng bít không giải quyết được gì, con người cũng như súc vật đều có năng lực khám phá, tìm tòi, chính năng lực ấy đã tôn vinh một gã thủy thủ quèn trở thành vĩ nhân vì có công tìm ra Châu Mỹ.

Thầy Nghiêm hỏi: Em đã đọc truyện cổ tích chưa? Tôi trả lởi: Em có đọc nhưng quên hết rồi. Thấy Nghiêm bảo: Em nên hệ thống lại, tôi nuôi mèo vì bị ảnh hưởng câu chuyện “Con mèo đi hia” trong chuyện cổ Grim. Mặc dù trong một số chuyện sự trả thù hơi tàn bạo, có lẽ vào thời điểm ấy đạo Phật chưa giao du thuyết giảng về thuyết luân hồi, về nhân, quả trong cách hành xử. Nhìn vẻ mặt buồn bã của tôi, thầy Nghiêm nói: “Hát nhé!…”

Những hợp âm gam thứ ùa ra, phóng túng, hoang dại như tiếng suối, tiếng mưa rơi trên lá, cao trào như tiếng đá lở trong cơn mưa rừng xối xả. Lời bài ca nghe  trần trụi:
Đừng e ấp nữa em

Đêm nay bên bãi cỏ giữa rừng

Anh sẽ làm đứa trẻ

Vùi đầu vào ngực em

Ngực em vun đầy như đỉnh núi

Quằn quại và đam mê…
-Em thấy lời bài ca của người vùng cao như thế nào? Thấy Nghiêm hỏi.

- Đó là bài ca được sinh ra từ thuở hồng hoang, nó rất bản năng, mộc, mà đẹp không cần phải dùng tới nhiều mỹ từ. Tình dục là bản năng gốc, là nét đẹp của tạo hóa và đáng được tôn vinh. Tình dục chỉ đẹp khi có tình yêu, còn nếu không nó trở thành thấp hèn. Tôi trả lời.

-Em là người mộng mơ mà mộng mơ được khởi nguồn từ sự thánh thiện. Thầy Nghiêm nói.

“Nhà Văn Hóa Thiên Sơn” cũng là nơi tôi hay lui tới vào dịp cuối tuần. Say sưa bên vò rượu cần, ngồi nhìn các cô gái trong vũ điệu múa xòe cũng là điều thú vị. Anh Sản chồng chị Nông chủ quán hay sang bàn tôi trò chuyện. Lúc trước anh Sản làm nghề sơn tràng, sau đổi nghề làm quán kinh doanh, anh nói: Rừng càng ngày càng hẹp lại em ạ! Lưỡi rìu của những kẻ chỉ biết lợi nhuận vô tình đã gây ra di chứng khiến thiên nhiên nổi giận. Anh sám hối bằng cách chuyển nghề, anh là cuốn gia phả của rừng, anh rất hiểu điều này và lo sợ ở thì tương lai. Tất cả sẽ ra sao khi không còn rừng, khi không còn cánh cò, những câu ca dao sẽ bị hủy diệt, con cháu chúng ta sẽ không thể nào hình dung nổi và cảm thụ được vẻ đẹp thiên nhiên. Khi cái đẹp cảnh quan không tồn tại chúng nó sẽ không còn biết rung động và tình yêu lúc ấy có khác gì thịt hộp và mì ăn liền.

Tôi nói với anh Sản: Anh quá lo xa, thế hệ @ sẽ tìm cảm hứng trên Internet trong các cuộc chiến ảo, tình yêu ảo của Games.

-Thế như vậy, tất cả chỉ là thế giới ảo. Bi kịch, một ngàn lần bi kịch anh không muốn điều đó xẩy ra. Anh Sản thốt lên hồn nhiên…

- Nào bà chủ mang cho chúng tôi hai vò rượu. Tôi ngẩng nhìn lên, thằng Lược con ông Thao giám đốc nông trường cùng lũ bạn ào vào quán. Bằng cái thứ ngôn ngữ của kẻ lắm tiền ngạo mạn coi khinh tất cả mọi người, lũ chúng ồn ào, cợt nhả, thô bỉ. Thằng Lược kéo cô gái múa xòe vào lòng: Nào sơn nữ anh xin em hai cặp đào tiên. Nhìn thấy tôi, thằng Lược tiến lại gần, nó hất hàm giống hệt mấy gã chăn bò trong các cuốn phim Mỹ: Thằng cận, mày đứng lên hầu rượu và nói chuyện chữ với tao. Tôi nói: Xin lỗi, tôi cũng là khách. Thằng Lược trả lời: Nhưng mày là thằng khách hạ lưu, mày có chữ nhưng không xe máy làm phương tiện phóng vào tình yêu mang tiếng đi học nước ngoài nhưng vẫn là thằng mạt rệp. Tôi im lặng (một sự nhịn chín sự lành). Thằng Lược kéo khóa quần tay cầm chai rượu dài giọng (tụi này chắc đã uống nhiều ở một quán nào đó, tôi thầm nghĩ vậy): Nếu mày không thích hầu rượu thì uống rượu pha với nước đái của tao. Nó đái vào chai rượu dí vào miệng tôi: Uống! Không tao cho mày vỡ kính. Anh Sản rên rỉ: Anh xin các chú, tối nay các chú muốn dùng gì anh cũng không tính tiền. Thằng Lược gạt anh Sản dúi vào tường, nó đưa chai rượu: Tao đếm, một hai…

- Già Triệu ơi! Con đành phải phá môn quy. Đòn đánh tôi bung ra rất nhẹ nhàng chỉ mang tính cảnh cáo, chai rượu bắn lên cao rơi xuống vỡ tan. Thằng Lược xông vào, con dao quắm vung lên nhằm vào đầu tôi bổ xuống. Tôi nhập nội tay bấm mạnh vào huyệt khúc trì kết hợp với đòn chân từ dưới thúc lên, nó đổ vật. Lũ bạn nó ào vào, côn, nhị khúc…tới lúc này tôi mới sử dụng tới chiếc khăn quấn cổ làm vũ khí, rất nhanh tất cả vũ khí của lũ này bị tôi hóa giải…cảnh sát đã vào cuộc, mọi chuyện kết thúc chẳng có gì vui vẻ lắm. Làm biên bản xong, anh Sản nói với tôi: Em phải thận trọng chúng nó sẽ chơi đòn bẩn…

Ngày nào cũng chết một con bò trong đàn bò tôi quản lý để làm đề tài cấp vĩ mô mà không tìm ra nguyên nhân. Bác Linh phụ trách kỹ thuật chăn nuôi nói với tôi: Có kẻ muốn hại cậu…

Tôi bị tạm đình chỉ công tác vì lý do thiếu trách nhiệm. Tôi chẳng căm giận ai, chẳng trách cứ ai. Tự nhiên tôi muốn tìm bộ lạc lá vàng xin họ cho nhập cư. Thiên nhiên, và cuộc sống quả đang gánh chịu nhiều áp lực nhọc nhằn. Nhưng rừng cứ thu hẹp lại như thế kia thì biết tìm đâu vẻ đẹp thiên nhiên nay chỉ còn trong huyền thoại. Tôi muốn đi về nơi hoang dã khi con người bắt đầu mới tìm ra lửa và hát khúc hoang ca tha thiết. Rừng ơi!

© Trần Ngọc Tuấn

© Đàn Chim Việt

 

 

1 Phản hồi cho “Huyền thoại bị đánh cắp”

  1. sinh viên Praha says:

    Chú Tuấn cũng hay chơi ghitar và chơi hay phết, nhiều tài lẻ, lâu lâu mới đọc truyện của chú.

Phản hồi