WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngã ba cuộc đời

Màn đêm ập xuống. Đâu đây còn những tiếng súng nổ lác đác. Mùi thuốc súng, mùi bom cùng mùi đất bị đạn cầy xéo lên, nồng nặc như nghẹt thở. Những thân cây rừng bị đạn pháo chặt gẫy gập xuống. Đêm tối như mực, cách gang tấc cũng không nhìn thấy nhau. Tiếng những cây xấu hổ khô cháy nổ lép bép, càng làm cho màn đêm rùng rợn. Chiến tranh thật tàn khốc. Hai người quần áo tả tơi, đang dìu nhau, lần mò từng bước trong đêm tối. Họ là hai người lính của binh đoàn Tây nguyên. Trong trận đánh hôm nay, đơn vị họ chết gần hết. Họ cũng không thể hình dung ra được, tại sao họ bị thương và ngất lịm ở giữa rừng sâu này. Cả hai tỉnh dậy trời đã tối. Người cao to bị thương ở tay có lẽ nhẹ hơn, dìu người bị thương ở chân. Bì bõm trong đêm, nhiều khi vướng vào những cây gai mắc cỡ, họ cùng ngã. Mỗi lần như vậy, người bị thương ở chân lại rên rỉ:

- Vương ơi! Tao không thể đi tiếp được nữa. Mày đi tìm đơn vị, sau đó quay lại đón tao

Người tên Vương cũng nhăn nhó:

- Phải cố gắng lên Bồng, tao không nỡ để mày nằm lại một mình ở đây. Tao cũng đau lắm.

Cứ như vậy Vương một tay dìu Bồng, hai chân dò đường. Họ lết thêm được một đoạn nữa. Bồng bắt đầu lên cơn sốt, và ngã vật xuống đất. Vương ngồi xuống cạnh Bồng, buộc lại vết thương cho Bồng và cho mình. Lúc sau Bồng rên rỉ, mê sảng. Vương lay gọi Bồng nhưng không thấy trả lời. Vương nghĩ, không thể đi tiếp được nữa, đành phải nghỉ lấy sức đến ngày mai tìm đường ra. Vương đi vơ những lá khô để cho Bồng nằm. Định nằm xuống cạnh Bồng, nhưng thấy người gai gai sốt, sợ nằm xuống không đủ sức ngồi dậy, Vương đành ngồi tựa vào gốc cây. Tay Vương giữ chặt đầu của Bồng, mỗi khi Bồng mê sảng la hét định vùng dậy….

Trời bắt đầu tảng sáng. Sương mù vẫn còn dầy đặc. Ông mặt trời lấp ló đằng sau những dãy núi xa xa. Những tia nắng yếu ớt chiếu qua từng kẽ lá nhợt nhạt. Những hạt sương đêm, đọng trên cây, thỉnh thoảng nhỏ xuống người làm Vương cảm thấy dễ chịu phần nào.

- Bồng dậy, chuẩn bị đi tiếp!

- Tao khát lắm, có kiếm đâu được chút nước không?

Vương lắc đầu:

-Lấy đâu ra nước bây giờ …,

Chợt nhớ ra, Vương nói tiếp, tao đi ngắt cho mày mấy chiếc lá có đọng sương đêm qua, mày nhấp tạm vậy .

Dường như được mấy giọt sương vào họng, Bồng tỉnh ra đôi chút. Vương xốc nách Bồng dậy:

-  Mày ôm chặt lưng tao.

Bồng gắng gượng:

- Mày vực tao đi cũng được, mệt thì nghỉ .

Họ dìu nhau được mấy bước, chân Bồng bật máu. Bồng đau tím cả mặt, ngồi phịch xuống đất bảo:

- Tao không đi được nữa đâu. Mày đi tìm đơn vị, khi nào thấy bảo họ đến đón tao.

- Tao đi rồi, không biết bao giờ mới tìm thấy đơn vị. Không thể để mày chết ở đây, tao cõng mày, đi đến đâu hay đến đó, chết hai thằng cùng chết.

Bồng bỗng khóc như một đứa trẻ, để Vương cõng trên lưng. Đi một mình đã khó, lại cõng thêm Bồng,Vương cảm thấy dường như đi không vững, có khi đi được mấy bước lại phải nghỉ. Cứ như vậy, đến chiều họ cũng ra đến con đường mòn. Đến đây Vương bảo:

- Thôi! Chúng ta nằm đây chờ người đi qua, nhờ họ đưa đi tiếp, nếu không cùng nhau chết ở đây. Tao không thể đi được nữa.

Cả hai nằm vật xuống đường, họ không nói với nhau được lời nào vì đã kiệt sức.

Khi tỉnh dậy, Vương đã thấy mình nằm trên võng của bệnh xá sư đoàn. Bên cạnh là Bồng chưa tỉnh, ống huyết thanh treo lủng lẳng trên đầu. Vương chưa rõ là ai đã đưa cả hai về đây Lúc sau có người y tá đến, Vương hỏi, anh ta nói rằng, có mấy người cùng đơn vị các anh, hôm qua bị lạc đường. Khi họ tìm đường về gặp các anh, nên họ đưa về đây. Đêm qua chúng tôi đã mổ cho các anh, nếu không thì……

Vương hỏi về Bồng, anh ta bảo:

- Anh đó bị nặng hơn anh nhiều, nhưng không sao, tháng sau có thể về đơn vị tiếp tục chiến đấu được…

Quê Bồng ở tận Miền Tây, nhà nằm cạnh triền sông Hậu. Ba mất tích khi Bồng mới lên năm tuổi. Má bỏ Bồng lại, về Sài Gòn lấy chồng. Bồng sống và lớn lên, nhờ sự đùm bọc của bà con ven sông. Cũng may có một thời gian, Bồng làm thuê cho cho một ông thầy dậy học, ông ta chỉ cho Bồng biết đọc và viết. Trong thời gian này,  Bồng mang lòng thương yêu cô con gái của thầy, nhưng mối tình ấy không được đáp lại. Buồn qúa, năm 1968 Bồng vào rừng theo bộ đội.

Cũng như Bồng, Vương sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ven sông Hồng. Vương đang học đại học tổng hợp năm nhất, thì phải vào lính. Ước mơ trở thành nhà báo, hay người làm công tác văn học của Vương bị dừng lại ..

Tháng tư năm 1975, lúc này Vương và Bồng đều là đại đội trưởng cùng một trung đoàn. Họ được chia làm hai mũi tiến công về Sài Gòn. Sài Gòn hỗn loạn. Sài Gòn đã không còn nhạc và những tiếng ca đêm. Sài Gòn thất thủ, lạc bước trong đêm. Bước chân đi trên đường phố, họ cảm thấy như  đang vào thế giới xa lạ khác. Sài Gòn như một túi mật đối với người chiến thắng. Họ tận lực vơ vét cho bản thân và gia đình. Họ tranh nhau quyền lực ở thành phố bỏ trống này. Chính ủy sư đoàn của Bồng và Vương nhảy sang ban tuyên huấn thành ủy. Bồng nhanh chân theo thủ trưởng về làm trong ban.

Bồng nói với Vương:

- Mày xem chỗ nào ngon nhảy vào lấy chỗ đứng, sau này hãy học tiếp. Với trình độ của mày hy vọng sẽ tiến thủ nhanh, bây giờ không chớp thời cơ, sau này khó đấy.

Nghe Bồng diễn thuyết một hồi, làm đầu óc Vương quay cuồng. Nhưng Vương đã chợt nhận ra, thống nhất sau chiến tranh bao người đã đổ xương máu, rồi để họ vơ vét, tranh giành quyền lực. Một thằng như Bồng, một phép tính cộng làm không được cũng đục nước béo cò nhảy vào ban tuyên huấn.

- Bồng này!  Theo tao mày nên học tiếp văn hoá, rồi làm nghề gì đúng với khả năng của mày. Còn tao, tao sẽ học tiếp đại học.

Vương không trở về trường cũ, anh xin học ngay một trường đại học ở Sài Gòn. Vẫn chiếc balô cũ, anh sống trong ký túc xá của nhà trường. Trở về với cuộc sống sinh viên, Vương cảm thấy đỡ ngột ngạt. Ở đây anh lao vào học tập với cả lòng say mê. Ngoài giờ học, thư viện là nơi đến của Vương. Điều làm Vương thích thú hơn, là thư viện trong này có rất nhiều sách báo qúi hiếm, mà thư viện ngoài Hànội không có, hoặc cấm đọc. Và cũng nơi đây, có một luồng gió mới đã làm xáo động tâm hồn Vương, một tâm hồn đã tàn cỗi trong chiến tranh . Vương đã gặp ánh mắt bối rối, dịu dàng, sâu thẳm của cô gái trông coi thư viện, rất am hiểu về văn học. Nhưng trong ánh mắt đó, Vương cảm thấy có nét buồn thầm kín. Rồi họ thân nhau, tình cảm của họ được nhân lên theo thời gian. Vương hiểu Nga (tên cô gái) trước đây cũng là cựu nữ sinh viên giỏi, được giữ lại trường làm phụ giảng. Nhưng giải phóng về, Nga bị điều về trông coi thư viện, có lẽ vì ba của Nga là sĩ quan cấp tá đang ở nhà tù Sơn la.

Một lần Nga hỏi Vương :

- Là đảng viên, sao anh lại yêu em, anh có sợ ảnh hưởng không?

- Tại sao anh phải sợ? Đảng viên cũng là một con người, cũng phải có tình yêu và gia đình . Nếu vì lấy em mà ảnh hưởng đến đảng, anh xin ra khỏi đảng.

Mùa hè Sàigòn thật nóng bỏng, ngột ngạt. Phố phường tấp nập, nhộn nhạo cũng không che đậy hết những nặng nề gượng gạo của cuộc sống. Sàigòn không còn là đích thực với chính bản thân nó. Sau khi tốt nghiệp, Vương được phân về làm phóng viên cho tờ báo lớn ở Sài Gòn. Và cuộc đời thật là trớ trêu, Bồng lúc này  theo dõi, chỉ đạo mảng thông tin báo chí của ban tuyên huấn thành ủy. Chỉ có Vương mới hiểu hết Bồng. Với trình độ mới biết đọc, biết viết, không hiểu Bồng sẽ huấn thị ai? Bồng sẽ theo dõi ai viết, ai nói. Nhưng bây giờ thực sự một điều hiển nhiên, Vương phải viết theo suy nghĩ của Bồng. Bồng bảo đúng là đúng, bảo sai là sai.

Từ ngày đặc trách theo dõi thông tin, báo chí thỉnh thoảng Bồng có xuống thăm toà soạn. Vương có gặp Bồng, mỗi lần gặp, Vương thấy Bồng một khác. Từ đi đứng khệnh khạng, ăn nói cũng có vẻ bề trên hơn. Nó kịch với dáng dấp lùn tịt, đen đủi của Bồng. Nhiều khi Vương nghĩ, thằng này chỉ cho về Miền tây chăn vịt là hợp với nó. Tháng trước găp ở chỗ tổng biên tập, Vương nghe Bồng nói, mới được phân một biệt thự lớn lắm của một tư sản cũ vượt biên để lại.

Có lần Hạnh cùng làm chỗ Vương hỏi:

- Anh Vương này, có phải ngày xưa anh cùng đơn vị với ông Bồng, anh có biết gì về chuyện vợ chồng ông Bồng không?.

- Hồi vợ chồng nó cưới nhau, mình còn nghỉ hè ở ngoài Bắc, không tới dự. Mình cũng chưa biết mặt mũi vợ nó ra sao.

- Em nghe nói, vợ ông Bồng trước kia là văn thư, thư ký, sau đó là bồ bịch của ông chính ủy sư đoàn của anh. Khi tiếp quản chân phó ban tuyên huấn, ông cũng đưa nàng về làm cùng. Không hiểu do gán ghép, hay mệnh lệnh thế nào, ông Bồng phải đỡ đòn này cho thủ trưởng. Nghe đâu cưới rồi, ả vẫn còn đi lại thì thụp với thủ trưởng. Nhiều lần ông Bồng, bắt gặp thủ trưởng đang ôm vợ mình trong nhà mà không dám kêu, ngậm bồ hòn vẫn phải khen ngọt mà.

Vương nói:

- Mình có nghe chuyện này, song đó là chuyện của người ta để ý làm gì!

- Anh Vương này, hôm qua anh trả lại thẻ đảng cho ban tổ chức thành ủy phải không? Sáng nay ông Bồng xuống toà soạn, bảo anh ngu dốt ầm ĩ cả lên. Là đảng viên cũng khổ anh nhỉ, lấy vợ đảng cũng kiểm tra lý lịch. Thế bao giờ anh chị định tổ chức đây?.

- Tháng sau, nhưng mình đang lo, không biết cơ quan có cho nhà ở không?

… Đổi mới, cởi trói, như một luồng gió mới đảng đã thổi vào tâm hồn những người cầm bút. Những người cầm bút lâu nay bị bịt miệng không được ăn được nói, hôm nay họ được nói được viết. Nhưng còn nhiều người vẫn còn chống bút suy tư, đây thực sự được tự do báo chí, hay một sự tìm để thanh trừng, những người cầm bút đang ngầm chống lại đảng, bằng mặt sau lá bài tự do báo chí. Dù với hình thức nào đi chăng nữa, nó cũng là cơ hội cho những người cầm bút. Cũng như một số đồng nghiệp, Vương lao vào trận đánh mới với đúng nghĩa, một người trinh sát cầm bút.

Sáng nay, Vương đang mải nghĩ về vụ tiêu cực phân phối nhà cửa bất hợp pháp của giám đốc sở nhà đất. Một đống đơn tố giác, kêu cứu và tài liệu Vương thu thập được đang ở trước mặt. Anh giật mình, một bàn tay bóp nhẹ vào vai:

- Nghĩ gì mà thẫn thờ thế hả, vợ con rồi lại còn mèo mỡ gì nữa!

Vương quay lại, thì ra Bồng:

- Hôm nay trời vắng nhà hay sao, ông có thời gian xuống xó xỉnh này. Tôi đang xem hồ sơ của tay giám đốc sở nhà đất. Tay này nhận rất nhiều hối lộ, phân phối nhà đất không đúng đối tượng. Dùng quyền lực cưỡng bức những gia đình có dính dáng đến chế độ cũ lấy nhà, chia cho các cấp lãnh đạo thành phố.

Bồng cười:

- Hôm nay tôi sang trước hết là thăm ông, sau cũng là vì việc đó. Vấn đề có đến nỗi phải căng thẳng như vậy không? Tôi nghĩ có lẽ đơn tố giác của một số phần tử phản động, cái gì mình cũng phải xem kỹ ông ạ.

Vương nghĩ, chắc lại động đến đồng bọn của nó đây, nhìn thẳng vào mắt Bồng khẳng định:

- Đã điều tra rất kỹ, gần đi đến kết luận, chỉ chờ xác minh một vấn đề nhỏ của ngày hôm nay nữa, chúng tôi gửi hồ sơ sang bên công an, viện kiểm soát. Sau đó đề nghị tổng biên tập trả lời trước công luận .

Bồng giãy nảy lên:

- Việc gì cũng phải cẩn thận, đây là việc lớn.

Đặt tay lên vai Vương, Bồng nhỏ nhẹ, chiều qua nhà mình nhé, lâu lắm rồi chúng ta không lai rai hàn huyên.

Vương nửa đùa, nửa thật:

- Thủ trưởng mời tôi với tư cách là bạn hay là gì đây?

- Ông buồn cười thật, chúng ta là những người bạn thân, vào sinh ra tử cónhau, tôi nhắc lại, tôi mời ông với tư cách là bạn.

Chua xót thật, nó lại nhắc đến đồng đội cũ, tình bạn sống chết có nhau. Hoà bình, một thằng thì ở villa, một thằng chui ga ra ôtô cũ để ở. Vương thấy cổ mình nghẹn đắng lại:

- Chiều nay tôi bận rồi, hẹn ông dịp khác vậy …

Bồng cắt ngang lời Vương, tiếc quá nhỉ, sáng mai ông sang chỗ tôi làm việc một chút có được không?  Tôi có một số chuyện muốn bàn với ông.

Vương gật đầu.

… Vương đến phòng làm việc của Bồng, cánh cửa hé mở, Bồng đang nghe điện thoại. Vương đoán, Bồng đang nói chuyện với giám đốc sở nhà đất.

- Anh cứ yên tâm, nó là bạn của tôi mà.

Vương nghe thấy tiếng Bồng đặt máy xuống, mới gõ cửa. Bồng lên tiếng:

- Vào đi!

Thấy Vương vào, Bồng đứng bật dậy, bắt tay, miệng nói luôn:

- Ông đến đúng lúc quá, uống cafe nhé!

Hai người trầm ngâm nhìn phin café nhỏ giọt, làm họ nghĩ lại những ngày cùng nhau nằm dưới rừng đếm từng giọt sương rơi.

- Vương này! Ông đã xem xét kỹ vụ ở sở nhà đất chưa?

Vương chậm rãi nói:

-  Tôi đã xuống tận nơi điều tra xem xét, tất cả đều là sự thật. Ông ta đã cấp nhiều nhà không đúng đối tượng. Ví dụ, một villa ở phố Bà Huyện Thanh Quan, ông ta tự phân cho con ông phó chủ tịch thành phố vừa học ở Liên Xô về. Vụ đuổi một gia đình có dính dáng đến chế độ cũ ra khỏi nhà, phân cho ông giám đốc sở điện lực, mặc dù ông này đã được cơ quan  ông ta cấp cho một căn hộ năm 1980. Căn hộ này hiện con gái ông ta vừa lao động tại Đức về sử dụng. Bản thân ông ta đang làm chủ nhiều căn hộ khác, dưới hình thức tên của người này người nọ. Trong khi đó người dân không có nhà ở, sự việc đã rõ ràng.

Bồng dịu giọng:

- Vương à!  Hôm nay tao bảo mày sang, cũng vì vấn đề này. Thực ra vấn đề không có gì to tát cả. Tao khuyên mày, không nên làm lớn việc này. Bây giờ không riêng một giám đốc sở nhà đất, mà nó động đến tất cả các vị lãnh đạo trong thành phố này. Làm ra cũng không có lợi gì cho mày cả. Nếu như nhân việc này, mày để họ nể mày, họ biết ơn mày, có lợi cho mày rất nhiều.

Nghe đến đây Vương nóng mặt, cắt ngang lời Bồng:

- Nếu tao nghĩ đến cái đó tao đã không làm thằng nhà báo quèn. Cũng như trên mình tao mang bao vết thương của chiến tranh, rồi cuối cùng chui vào gara để ở. Trong khi biết bao nhiêu kẻ  hết villa này đến villa khác. Họ tự đặt cho mình một chế độ riêng.

Bồng nén giận, vừa thủ thỉ, vừa như răn đe:

- Chúng ta đã có tình bạn tình đồng chí lâu năm, vì tao, vì mày, tao mong mày hãy bỏ qua vụ này. Tao nói thật, đây là vấn đề động đến cán bộ từ trung ương đến địa phương. Tao khuyên mày suy nghĩ cho kỹ, kẻo hối không kịp.

Song Bồng nói, càng như lửa cháy, đổ dầu thêm trong con người Vương:

- Mày không thay đổi tý nào, hay mày vì cái villa mày đang ở, cái ghế mày đang ngồi. Theo tao, mày không xứng đáng ở đó, chỗ  đó phải dành cho hàng chục gia đình nhân dân lao động khác đang phải sống chui rúc gầm cầu kia kìa.

Nghe đến đây, Bồng cũng không kìm được nữa:

- Tao đã nói hết tình, mày không thể đem sức châu chấu ra mà đá voi. Để xem, mày còn viết được nữa không? Tao sẽ đề nghị với tổng biên tập của mày, đình chỉ vụ việc này. Nếu cần làm tiếp, tao đề nghị thay phóng viên khác .

Vương đứng bật dậy quát:

- Mày là thằng hèn, thằng cơ hội, mày hãy làm những việc gì mày làm được. Còn tao, sẽ làm đúng lương tâm của tao.

Vương đóng rầm cửa phòng, bước như chạy ra ngoài, còn nghe tiếng của Bồng vọng theo:

- Sướng mà không biết thân, thằng ngu mới làm như mày. Để xem, mày còn ngồi  chỗ đó được nữa hay không!

Đứng trước ngã ba đường phố, Vương cảm thấy lạc lõng, xung quanh trống trải cô đơn. Đầu óc quay cuồng, Vương tự nhủ, có phải mình ngu thật như Bồng đã nói? Phía trước có con đường buộc anh phải lựa chọn. Có những con đường đầy chông gai, nhưng cho ta thanh thản tâm hồn. Có những con đường  nhung lụa, lại đầy rẫy những hôi tanh. Ôi! cuộc đời, đầy tráo trở, lưu manh, có còn con đường nào khác cho anh?

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

 

5 Phản hồi cho “Ngã ba cuộc đời”

  1. Tuong Vy says:

    Xin hỏi ông, Lại Mạnh Cường
    chứ ông đã hô biến rồi còn quay lại làm gì để cho “Chúng’ dũa
    Truyện của người ta ông chưa đọc hết mà dám phê bình chán hơn cơm nếp nát.
    Không biết mấy cái comment, của ông phải gọi là gì đây nhỉ ???

  2. Nguyễn Kiên says:

    Ông Lại Mạnh Cường viết còn cường điệu hóa hơn truyện này. Tôi thấy những câu chuyện như thế này, thường sảy ra ở VN. Đọc phản hồi của ông Cường chúng tôi thấy ông hay đao to búa lớn, nhưng rỗng lắm. Buồn

  3. Chien Nguyen says:

    Ông Lại Mạnh Cường chán truyện nầy như chán cơm nếp, còn tôi và không ít người đọc chán cách viết phản hồi dài lê thê và có lúc tẻ nhạt của ông. Chán
    CN

  4. Nhật Hồng says:

    Đề nghị công an bắt ngay thằng Lú , thằng y tá ,
    Hùng tham và Sang chém gió đưa ra xét xử tội phá hoại đất nước .
    Không dùng súng hoa cải nhé .
    Bắt sống thôi . Kết mỗi đứa 5 cuốn lịch . Cho ăn mì tôm .
    4 thằng này ăn bẩn khoảng 5 tỷ đô . Chia lại cho dân nghèo .

  5. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Truyện chán hơn cơm nếp nát.
    Quá nhiều hư cấu đến cường điệu,ko thật.
    Chưa đọc hết, nhưng đã đoán ra nội dung,

    Kết, chống Cộng hay
    chống tiêu cực …. rẻ tiền !

    Lại Mạnh Cường

Phản hồi