WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Những tòa đại sứ

 

Đối với đa phần người Việt ở nước ngoài, đại sứ quán Việt Nam là một khái niệm dễ gây phản cảm. Là một thực thể đại diện cho nhà nước, nhưng đại sứ quán Việt Nam hầu như không đuợc một người Việt nào coi là một nơi phục vụ và chở che cho lợi ích và hạnh phúc của mình.

Hầu hết những người miền Nam rời nước ra đi kể cả trước và sau năm 1975 đều coi đại sứ quán Việt Nam là biểu hiện, là đại diện cho cái chế độ đã cướp đi của họ một quốc gia, đã phá tan đi của họ gia đình, hạnh phúc và những ước muốn tương lai. Vì chế độ này, họ đã mất đi bao người thân trong chiến tranh và trên con đuờng đi vượt biển. Nhiều người trong số họ vẫn còn nhìn đại sứ quán Việt Nam bằng những con mắt hận căm. Và ngược lại, chính quyền và các đại sứ quán Việt Nam cũng nhìn những người này nói riêng và những người Việt không đồng chính kiến nói chung như một khối địch thù. Đối với những người này, chính sách phổ biến của chính quyền Việt Nam là biến các tòa đại sứ thành những trạm gác. Rất nhiều người Việt đã bị từ chối cấp thị thực về Việt Nam khi họ chỉ muốn nhìn lại quê hương bản quán hay thăm hỏi gia đình.

Đối với đa số người Việt Nam xuất thân từ miền Bắc, hoặc đã từng là du học sinh hay công nhân hợp tác lao động được nhà nuớc CHXH Việt Nam cử đi nước ngoài, và những người tỵ nạn mới, những người đi định cư ở nước ngoài theo diện kinh doanh, thì đại sứ quán Việt Nam là những pháo đài của cửa quyền và tham nhũng. Người Việt ở nước ngoài hay truyền miệng nhau câu nói: “Muốn xem Việt Nam nhếch nhác ra sao thì cứ đến tòa đại sứ là sẽ biết”.  Từ vài năm nay, nhà nuớc và bộ ngoại giao Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho các cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài. Nhiều toà đại sứ đã được xây cất hoặc chuyển đến ngụ tại những nơi khá khang trang. Các nhân viên sứ quán trẻ hơn, có khả năng chuyên môn và ngoại ngữ cao hơn. Bộ ngoại giao cũng đã quy định niêm yết công khai bảng giá dịch vụ tại các Toà lãnh sự. Và trong thực tế, nhiều dịch vụ lãnh sự đã được giải quyết gọn nhẹ và nhanh chóng hơn, thái độ giao tiếp cuả đa phần cán bộ lãnh sự cũng hòa nhã, lịch sự hơn. Đáng tiếc là những điểm tích cực trên đây đã chỉ biểu hiện phần lớn là trong tiếp xúc với khách bản xứ, khách nước ngoài. Tuy làm việc ở nước ngoài, nhưng đại sứ quán Việt Nam vẫn biểu hiện một cách xuất sắc cho một cơ quan nhà nước Việt Nam trong việc khinh thường và hiếp đáp đồng bào cuả mình.

Điều khá dễ nhận thấy là sự khác biệt giữa những cán bộ ngoại giao Hà Nội trước đây 20-25 năm và các cán bộ ngoại giao Việt Nam hôm nay. Người ta thấy rằng cán bộ ngoại giao Việt Nam trước đây khả năng chuyên môn thường thấp, nhưng họ lại khá tự hào (có thể là do ngây thơ) khi đại diện cho tổ quốc và quan tâm một cách thực lòng (có thể là với thái độ cuả cha, chú) đối với đồng tộc cuả mình. Ngày nay, hình như vẫn có một vài cán bộ ngoại giao đang gắng sức tự hào khi cho rằng Việt Nam vẫn là một điểm hấp dẫn lớn đối với thế giới. Nhưng với đầu óc tỉnh táo, tinh khôn hơn lớp đàn anh của họ, trong thực tâm, hầu hết các cán bộ ngoại giao Việt Nam đều không thể, và không muốn tự hào về cái quốc gia Xã hội chủ nghĩa của mình. Và, cũng như các quan chức khác trong nước, đại đa số các cán bộ ngoại giao Việt Nam đều coi tòa đại sứ nơi họ làm việc chỉ đơn giản là một nơi họ phải kiếm tiền thật nhiều và thật nhanh. Quy luật phổ cập cuả Việt Nam đương đại là tất cả các vị trí xã hội, chỗ làm việc và kể cả bằng cấp đều phải được mua bằng tiền đã không dừng lại trước cửa các tòa đại sứ. Để được đảm nhận một nhiệm kỳ công tác tại nước ngoài, tất cả các nhân viên sứ quán, từ vị đại sứ cho đến người làm bếp, đều phải chi ra một lượng tiền không nhỏ. Do đó, điều dễ hiểu là khi đã đi ra nước ngoài thì mối quan tâm chính cuả họ là phải nhanh chóng thu hồi lại “vốn” và tích cực “làm ăn có lãi”. Hiện nay, khái niệm “công bộc” chỉ là một cụm từ ngộ nghĩnh đáng thương. Trước các cơ quan tiếp dân tại Việt Nam cũng như trước các tòa lãnh sự Việt Nam, người dân Việt vẫn chỉ là những con dân đến xin ân huệ và là những đối tượng để cho các quan chức nhà nước từ lớn tới nhỏ “làm tiền”. Không kể đến các phi vụ làm ăn khác mà người ngoài cuộc khó biết, biểu hiện nhãn tiền mà ai cũng thấy là cán bộ sứ quán Việt Nam hầu như công khai lạm thu lệ phí trong các dịch vụ lãnh sự. Mặc cho các quy định, chỉ thị cuả bộ ngoại giao, các nhân viên lãnh sự vẫn  điềm nhiên thu tiền không có hóa đơn, hoặc có thì hóa đơn không có số, không có dấu, và số tiền thực thu thì bao giờ cũng quá cao so với quy định vì những lý do vô cùng biến hoá. Hơn nữa, hiện tượng phổ biến ở các nước Đông Âu là lãnh sự quán Việt Nam bao giờ cũng được bao bọc bởi hàng loạt các đuờng dây dịch vụ, mai mối tư nhân khác nhau. Rất nhiều người Việt giải quyết thủ tục lãnh sự thông qua các đường dây này. Giá dịch vụ tất nhiên cao hơn nhiều so với giá quy định. Theo biểu giá cuả bộ ngoại giao, lệ phí thay một quyển hộ chiếu là 50 USD, nhưng giá thực mà người Việt phải trả cho đường dây dịch vụ tại Tiệp là xấp xỉ 200 USD và tại Đức là trên 100 Euro. Điều dễ hiểu là các đường dây dịch vụ không thể trả các nhân viên lãnh sự số tiền trùng khớp với bảng giá cuả bộ ngoại giao. Số tiền chênh lệch dư ra là một nguồn thu nhập không nhỏ cho bản thân các nhân viên sứ quán.

Rõ ràng, mặc cho những tuyên truyền nức lòng về sự phát đạt kinh tế của quốc gia, chính phủ Việt Nam- thông qua các chính sách nhà nước, và các toà đại sứ Việt Nam- thông qua cách hành xử trong công tác lãnh sự, vẫn coi những đồng bào ở nuớc ngoài là những con bò sữa phải đuợc bóp nặn. Cho đến nay, đã có một vài cố gắng nhỏ cuả một số ít người Việt phản đối lại hiện tượng này. Nhưng vì nhiều lý do, những cố gắng này đã hoàn toàn không mang lại những kết quả mong muốn.

Nhưng nhìn xa, chính quyền Việt Nam và các đại sứ quán Việt Nam không thể ngủ yên trên tình trạng hiện nay. Họ có thể sẽ phải đối phó với những phản kháng dữ dội hơn nhiều nếu như người Việt ở nước ngoài, kể từ những người mang quốc tịch nước ngoài không thân thiện với chính quyền Việt Nam đến những người còn mang hộ chiếu Việt Nam,  tiến những buớc mạnh hơn và hành xử của nhà nước vẫn không có những thay đổi cơ bản. Lý do đơn giản là người Việt ở nước ngoài không phải là người Việt ở trong nước!

Tuyệt đại đa số nguời Việt hải ngoại mà chính quyền trong nước không ưa thích là những người có quốc tịch nước ngoài. Cho đến nay, sau khi bị từ chối cấp thị thực về thăm Việt Nam, họ hoặc là im lặng, hoặc là chỉ lên tiếng một cách nhỏ nhẹ trên một vài trang mạng tiếng Việt. Công luận nuớc bản xứ và quốc tế hoàn toàn không biết đến hiện tượng này. Nếu có sự tập trung tiếng nói và chuyển tải sự thật đã xảy ra lên truyền thông quốc tế thì chính quyền Việt Nam khó có thể được ngồi yên. Các quốc gia bản xứ sẽ có nhiều lý do để không chấp nhận tình trạng công dân cuả họ bị trù úm, bị mất tự do, và bị thiệt thòi (kể cả về kinh tế) khi những công dân này đã chỉ phát biểu một cách hoà bình chính kiến cuả mình hay là đã có các hành vi đóng góp cho những giá trị lương thiện tại quê nhà. Chính quyền Việt Nam cũng khó có lý cớ để xếp hàng nghìn người Việt ở nước ngoài vào một danh sách khủng bố mơ hồ.

Các Đại sứ quán cũng không thể tiếp tục coi những người mang hộ chiếu Việt Nam là những con bò sữa hiền lành. Tuy cầm hộ chiếu Việt Nam, nhưng khi sống ở nước ngoài, họ được luật pháp của nước sở tại bảo vệ, và ý thức về luật pháp, về nhân phẩm cũng sẽ thấm dần vào họ không nhiều thì ít. Thời gian gần đây, một số công dân Việt Nam ở nước ngoài đã công khai biểu lộ sự phẫn nỗ cuả họ tại lãnh sự quán Việt Nam bằng thái độ phản đối và có lúc, bằng cả sự thách thức, dọa dẫm dùng bạo lực của những người bị dồn vào bước đường cùng. Sẽ đến lúc, sự bất bình cuả họ trước hành vi cửa quyền và nhũng lạm cuả các toà đại sứ sẽ bung ra, và vấn đề sẽ không còn là chuyện nội bộ cuả Việt Nam. Hình ảnh một người đàn ông Việt Nam, anh Đỗ Xuân Cang, bất chấp giá rét, quấn quanh mình những biểu ngữ, cùng một vài người bạn đứng biểu tình tố cáo những hành vi bất chính cuả lãnh sự quán Việt Nam tại Praha vào cuối tháng 11 năm vừa qua có thể là biểu hiện cuả một hình thức phản kháng mới. Hình ảnh này mang vóc dáng những buổi ban đầu phong trào biểu tình cuả dân oan tại Hà Nội. Nhưng khác với ở Hà Nội, chính quyền Việt Nam sẽ hầu như hoàn toàn không có khả năng dẹp yên hình thức phản kháng này.

Giải pháp tốt nhất là chính quyền Hà Nội phải chấm dứt việc coi các Toà đại sứ của họ là những tiền đồn để ngăn chặn những người bất đồng chính kiến, và phải coi các cơ quan nhà nước nói chung và những toà đại sứ nói riêng là những nơi thực thi những gì mà công dân giao phó, trong đó, nhiệm vụ cao nhất là bảo vệ chứ không phải là cắt xén quyền lợi của đồng bào. Với thực tế tư duy và cơ chế xã hội Việt Nam hiện nay, giải pháp này có vẻ chỉ là điều viễn tưởng, và sắp tới, có thể các cơ quan ngoại giao Việt Nam sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề mới không dễ giải quyết.

01.2012

Nguyễn Đức

(Bài do tác giả gửi tới)

© Đàn Chim Việt


7 Phản hồi cho “Những tòa đại sứ”

  1. Minh Pham says:

    Đây là một bàu rất đúng đắn và tôi thấy khá đúng khi nhìn vào tòa LS ở Houston. Xin DCV cho phép chúng tôi phổ biến rộng rãi bài viết.

    Trân trọng.

  2. Tinana Tran says:

    Đây là một bài viết đúng đắn và đúng cả với tâm trạng của bà con người Việt tại hải ngoại.
    Xin DCV và tác giả cho phép tất cả những ai muốn phổ biến và truỳen đạt bài viết này được tự do trích đăng lại trên báo chí hay cho các thân hữ.
    Vô cùng cảm khích.

  3. black_boy says:

    Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn quốc là một ví dụ điển hình nhất cho sự quan liêu, tham nhũng, ăn chặn tiền của nhân dân. Sau loạt bài trên báo Dân trí, tình hình ở đây không những thuyên giảm mà con phức tạp hơn. Những người dân đến đại sứ quán làm giấy tờ đều bị gây khó dễ va nhận những lời chửi mắng từ nhân viên ở đây, đặc biệt là anh Bí thư thứ nhất Mạc Minh Học. Chị Liễu thì lấy tiền cắt cổ, nhưng chẳng bao giờ đưa hóa đơn. Ngay cả khi tôi đưa bảng cước phí qui định ra hỏi, thì chị ấy chỉ bảo, cậu cứ đi ra ngoài kia, khi nào tôi goi thì vào giải quyết, mà đợi mãi có thấy chi ấy goi đâu. Chán nản phải đi về. Về quan liêu thì không thể kể xiết. Vào trong đó làm giấy tờ, người thì bảo làm thế này, người thì bảo làm thế này, người thì bảo làm cái kia, trái ngược nhau. Làm không đúng ý người nào đó là bị ăn chửi cả buổi.
    Tại sao nhà nước lại cuer những người vô văn hóa như thế làm đại diện cho 1 quốc gia chứ.

  4. Bao Tran says:

    Chuyện này cũ như chuyện cổ tích. Còn lâu mới sửa được các bạn ơi. Nói ra tốn giờ, mà không thay đổi được gì hết. Trong nước ăn cắp từ trên xuống dưới, thì ngoài này củng vậy thôi. Tốn tiền chạy chọt ra ngoài này thi phải gở vốn chứ. Việc không khó cũng làm cho khó để có lý do lấy tiền. Phải nhớ trong tiếng Việt nghỉa chữ lương lậu. Lương là phụ, lậu mới là chính. Chuyện lãnh sự ăn cắp là chuyện hàng ngày ở huyện. Bọn lảnh sự không ăn cắp mới là chuyện lạ.

  5. Thới says:

    Việc cán bộ sứ quán Việt Nam hầu như công khai lạm thu lệ phí trong các dịch vụ lãnh sự có thể ” Trị ” được bằng cách khai 1 bản ” complain ” lên co quan : http://www.bbb.org/
    Cơ quan này sau khi nhận được 1 khiếu nại, nó sẽ làm trọng tài: nhẹ nhàng bắt lãnh sự VN phải trả lại tiền chênh lệch, không giải quyết thỏa đáng là nó chuyển lên Court of Justice, lừng chừng nó đá ra 1 Justice enforcement order…
    Khoảng năm, mười cái ” complain” loại liên tiếp là lôi thôi với Bộ Tư Pháp rồi, rất rắc rối nhức đầu. Bảo đảm các cán bộ sứ quán ê tay. Ở Mỹ nha, không đùa được đâu.

  6. nói thật says:

    Các tòa đại sứ VN là các cơ quan công quyền ở nơi mà pháp luật (của VN) không thể với tới. Ngay ở VN nơi pháp luật ngự trị mà nhân dân còn khốn khổ vì nạn sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng nữa là ở những nơi này. Bà con ta khi nói chuyện với nhau về VN thường bảo cứ lên sứ quán thì biêt ngay VN ta như thế nào.
    Ngay trong nội bộ sứ quán cũng rất lắm chuyện, chủ yếu là do khuất tất từ việc thu lệ phí lãnh sự mà ra. Có khi ông đại sứ muốn trị lắm nhưng lại sợ vì cấp dưới toàn con ông cháu cha, động đến chúng thì chẳng phải đầu cũng phải tai nên cuối cùng thành cái đám bung xung không sao dẹp nổi.
    Việc này lại phải chờ “nghị quyết của bộ chính trị” thôi.
    Tôi đã chứng kiến cảnh đánh nhau giữa nhân viên sứ quán với người đến xin đổi hộ chiếu làm mấy ông tây bà đầm có mặt hết sức kinh ngạc.Thật không thể hiểu nổi nữa. Cảnh như thế chắc cũng ít xẩy ra ở một ủy ban xã của VN.

  7. Pham Ngoc Anh says:

    Đợt trước tôi đã đề cập tới vấn đề nhức nhối của người Việt tại nước ngoài. Đó là giá cửa lệ phí hành chính quá cao.

    Vậy tôi đề nghị DCV nên lập một bảng để tất các các độc giả tại các nước đều có thể ghi vào giá của các giấy tờ hành chính mà họ phải nộ ở các DSQ ở nước họ. Về nguyên tắc thì tất cả các giá ấy đều phải được niêm yết ở các cơ quan ngoại giao, các trang web của các đại sứ, nhưng trên thực tế giá này chẳng bao giờ được công bố cả. Đây là việc cấp thiết để người VN ở nước ngoài không phải đóng quá mức phí quy định.

Leave a Reply to Tinana Tran