WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một ít kỷ niệm với Bác sĩ Văn Văn Của.

Sài Gòn xưa

Tôi vừa mới viết một bài về Chương trình Phát triển Cộng đồng tại các quận 6, 7 & 8 Saigon, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 45 kể từ ngày thành lập (1965 – 2010). Bài này có nhan đề là “ Làm Men trong Bột”, đã được phổ biến rộng rãi trên các báo giấy, cũng như báo điện tử. Nay tôi muốn viết thêm về một ít kỷ niệm thật là sâu đậm giữa cá nhân tôi với bác sĩ Văn Văn Của, là vị Đô trưởng mà đã tận tình giúp đỡ cho anh chị em chúng tôi, trong những năm chương trình mới khởi sự hoạt động tại quận 8. Ông đã qua đời ở bên Pháp từ mấy năm trước rồi, nhưng đối với riêng tôi, thì không bao giờ tôi lại có thể quên được cái tình cảm thân thương quý báu, mà ông dành cho bản thân mình, ngay từ hồi tôi có duyên được gần gũi, sát cánh với ông tại Tòa Đô chánh Saigon vào giữa năm 1965 trở đi.

Đang là một Y sĩ trưởng của Sư Đoàn Dù, thì vào đầu năm 1965, bác sĩ Văn Văn Của được bổ nhiệm giữ chức vụ Đô trưởng thành phố Saigon. Hồi đó, tôi là một sĩ quan làm việc trong phòng pháp chế & tố tụng thuộc Bộ Quốc phòng, nên có điều kiện giúp các em sinh viên trong công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là trong khuôn khổ của Chương trình Công tác Hè 1965. Do vậy, mà có vài ba lần tôi phải đến gặp vị Đô trưởng, để xin ông giúp đỡ sinh viên trong một số công tác từ thiện nhân đạo, cụ thể như khám bệnh phát thuốc cho bà con bệnh nhân tại các khóm hẻm ở vùng ngoại ô thành phố. Vì là một bác sĩ, nên ông Đô trưởng rất thông cảm và yểm trợ hết mình cho loại công tác y tế xã hội này của giới thanh thiếu niên ở Saigon hồi đó. Lại có một sự trùng hợp may mắn khác nữa, đó là vị ân nhân vẫn hay cấp phát thuốc cho đoàn y tế chúng tôi chính là dược sĩ La Thành Nghệ, thì lúc đó lại được bàu làm Chủ tịch Hội Đồng Đô Thành. Cho nên, tại Tòa Đô chánh, chúng tôi được cả hai vị lãnh đạo về hành chánh và đại diện dân cử đều có thiện cảm với anh chị em chúng tôi.

Kịp đến khi Chương trình Phát triển Quận 8 được Phủ Thủ tướng chấp thuận, và trao cho Tòa Đô chánh và Bộ Thanh niên đứng ra bảo trợ, thì tôi được anh em trao phó cho nhiệm vụ đứng ra liên lạc với Tòa Đô chánh, để chuẩn bị sắp xếp cho việc khởi sự công tác tại địa phương này. Mà nhờ có sẵn sự tiếp súc quen biết trước với bác sĩ Của, nên công chuyện liên lạc này đã được tiến hành một cách êm thắm tốt đẹp. Hơn nữa, các anh em làm phụ tá chuyên môn cho bác sĩ Đô trưởng lại phần đông là chỗ quen biết của tôi, cụ thể như bác sĩ Bùi Thế Cầu, bác sĩ Nguyễn đình Mão, giáo sư Lê Công Truyền, đốc sự Bùi Thế Cảnh…, nên bất cứ lúc nào mà tôi có việc phải tới Tòa Đô chánh, thì cũng đều được anh em đối xử thân tình, cởi mở như là với một nhân sự cơ hữu của cơ quan vậy.

Dĩ nhiên, Chương trình Quận 8 chúng tôi lúc đó là một thứ ngoại lệ, như là một ”dự án thí điểm” (pilot project) của giới thanh niên tự nguyện đứng ra mà hợp tác với cơ quan chánh quyền, chứ đó không phải là một cơ sở hành chánh thuần túy, thuộc quyền điều động trực tiếp của nhà nước. Do đó mối liên hệ của Chương trình Phát triển với Bộ Thanh niên, cũng như với Tòa Đô chánh, là hai cơ quan bảo trợ, thì lúc đầu phải có tính cách mềm dẻo, tế nhị, chứ không thể cứng nhắc, cố định theo một khuôn mẫu nào đã có sẵn được.

Và chúng tôi thật có may mắn, vì được cả hai vị Bộ trưởng Thanh niên lúc đó là bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, cũng như bác sĩ Đô trưởng Văn Văn Của đều có sự thông cảm và yểm trợ tối đa cho việc làm thiện nguyện của giới trẻ trong Chương trình chúng tôi. Các vị coi chúng tôi là lọai “con nhà lành” chỉ biết làm việc xã hội từ thiện, chứ không phải là thuộc nhóm “quá khích, chuyên môn xuống đường hoan hô, đả đảo thế này thế nọ” như vẫn thường thấy vào cái thời xáo trộn, bất ổn các năm 1964,65,66 lúc đó.

Qua nhiều năm tháng gần gũi sát cánh với bác sĩ Của ở Tòa Đô chánh, tôi nhận thấy rõ ràng ông là con người có tính tình thật là xuề xòa, đơn sơ, chân chất bình dị, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Nơi ông, tôi thấy có sự thông cảm nồng ấm và gắn bó thân tình với tất cả anh em binh sĩ, các cộng sự viên cũng như gia đình của họ. Khác với bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng và dược sĩ La Thành Nghệ là những người có dáng dấp thư sinh nho nhã, trắng trẻo, bác sĩ Của có nước da ngăm đen, luôn mặc quần áo nhà binh, nên coi vẻ lam lũ dày dạn sương nắng, và gần gũi với binh lính luôn bận rộn với các cuộc hành quân chiến đấu ngòai mặt trận nhiều hơn. Có thể nói ông có sự gắn bó sâu đậm với anh em đồng đội, vì tại binh chủng nhảy dù, ông luôn phải chứng kiến rõ ràng những sự tổn thất nặng nề về mạng sống, cũng như về thương tật của anh em binh sĩ, mà ông có trách nhiệm phải chăm sóc phần y tế cho họ. Bù lại, tôi cũng thấy các sĩ quan, binh sĩ, hạ sĩ quan thuộc quyền rất là quý mến và trung thành với ông, mà điển hình là Trung sĩ Trâm, người sau này bị sát hại vào năm 1968 tại trường Phước Đức ở Chợ lớn, trong lúc làm cận vệ cho ông. Tình cảm cao quý này vẫn được giới quân nhân đề cao là “tình huynh đệ chi binh”.

Ông làm việc miệt mài ngày đêm, thường xuyên ở văn phòng, coi như “cấm trại 100 %” vậy. Nhất là vào lúc xảy ra những cuộc xuống đường biểu tình chống chánh phủ, do nhóm “Phật giáo Miền Trung chủ xướng vào năm 1966”, thì Đô trưởng rất là vất vả, mệt nhọc đến độ thần kinh rất căng thẳng. Ít nhất là 2 lần, khi ngồi tại văn phòng Đô trưởng vào buổi chiều sau giờ làm việc, tôi đã phải đích thân chứng kiến, có lần thì ông bực bội quá sức chuyện gì đó, mà tháo cả chiếc giày đi trận “botte de saut”, đem ném thật mạnh vào cánh cửa ra vào, đến nỗi lảm bể hết cả tấm kính khiến mảnh vỡ bắn tung tóe ra hết sàn nhà. Lần khác, thì trong lúc tôi đang ngồi nói chuyện với ông, với sự có mặt của ông Tổng thư ký Đòan Văn Bích, bác sĩ lại bất mãn sao đó, mà rút khẩu súng lục ra bắn lóp bóp lên trần nhà liên hồi đến 4-5 phát, làm vỡ cả một bóng đèn néon. Cả ông Bích với tôi đều thất kinh luôn, vì sợ nhỡ bị đạn lạc mà trúng vào mình, thì thật là oan uổng. Chứng kiến mấy chuyện như vậy, và lại còn được nghe kể về chuyện ông bị rắc rối sao đó với toán Quân cảnh Mỹ vào một đêm khuya, tôi lại càng thông cảm và đâm lòng thương mến ông hơn.
Bác sĩ Nguyễn Đình Mão, Chánh sở Y tế Saigon có cho tôi biết là : “Nguy quá anh ơi, anh Của xài nhiều thuốc an thần lọai barbiturique, thì sẽ có hại lắm, vì một là nó làm giảm sút trí nhớ, hai là nếu mà xài lâu ngày sẽ thành ra nghiền, khó mà dứt bỏ đi được…”

Ông rất xông xáo, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để thăm viếng dân chúng, nhất là các khu nhà “ổ chuột”, lầy lội chật hẹp ở miệt ngọai ô. Có lần, tôi dẫn ông đến thăm mấy khu phố bị ngập lụt ở Xóm Giá, ở Cầu Tre – Phú Lâm, thì ông xăm xăm lội ào ào vào chỗ ngập sâu đến sát đầu gối, khiến cho cả đòan tùy tùng cũng phải lội theo sau, mà tức cười là nhiều người lại mang giày dép, quần áo đi làm việc văn phòng, nên bất ngờ bị ướt như chuột lột cả lũ. Thấy việc của bọn chúng tôi ra sức phục vụ bà con nghèo túng ở địa phương như vậy, nên ông luôn tìm cách khôn khéo bênh đỡ cho chương trình phát triển, trước sự chỉ trích gắt gao, nặng nề của một số nghị viên đô thành, vốn không có sự thiện cảm nào với anh chị em chúng tôi. Nhờ có sự bênh đỡ đó, mà chúng tôi mới có thể tiếp tục theo đuổi công trình xây dựng trong cả ba quận 6,7 và 8, cho đến khi được lệnh phải chấm dứt vào năm 1971. Mà vào lúc đó, thì bác sĩ Của đã rời khỏi chức vụ Đô trưởng từ 3 năm trước rồi.

Năm 1967, cơ quan USAID có tổ chức cho Tòa Đô chánh gửi một phái đòan trên 10 nhân viên đi Mỹ trong 3 tháng để quan sát, tìm hiểu vấn đề phát triển đô thị tại một số thành phố lớn tại đây, thì ông Đô trưởng cũng cho đến 3 người trong số anh em chúng tôi cùng đi chung với phái đòan, mặc dầu chúng tôi không phải là nhân viên cơ hữu của Tòa Đô chánh. Cũng trong năm đó, khi chánh phủ cho sát nhập mấy xã bên phía Thủ Thiêm để lập thành Quận 9 thuộc thành phố Saigon, thì bác sĩ Của bảo tôi rằng : “Tôi muốn cử anh giữ chức vụ Quận trưởng tại quận mới này, để anh lo giúp việc phát triển ở đây, như các anh đang làm ở bên quận 8. Ý kiến của anh Liêm ra sao?” Tôi một mực từ chối, viện lẽ ở Thủ Thiêm, vấn đề an ninh là quan trọng hơn, do đó thiết nghĩ nên bổ nhiệm một vị sĩ quan có kinh nghiệm nhiều về quân sự, thì thích hợp hơn. Nghe tôi nói vậy, ông gật gù tỏ vẻ đồng ý, và không hề ép buộc tôi phải đảm nhiệm công việc này.

Cũng trong năm 1967, vào lúc có cuộc vận động tranh cử vào Thượng Nghị Viện, thì có một số người rủ rê, lôi cuốn bác sĩ Của ra đứng đầu một liên danh để nạp đơn ứng cử. Vốn tính cả nể, ông đã nhận lời. Chuyện này mấy người bạn chúng tôi thấy phiêu lưu quá, nhưng chẳng một ai dám lên tiếng can ngăn với ông. Biết vậy, tôi phải tìm cách nói riêng với chị bác sĩ Hồng là bà xã của ông và cũng là người chị của Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Tôi nói với chị Hồng : “Mấy anh em chúng tôi nghĩ chỉ có chị mới có đủ uy thế để can ngăn anh Của mà thôi. Vậy xin chị tìm cách thuyết phục anh ấy không nên vì tính hay vị nể, mà ngả theo sự lôi cuốn phiêu lưu chính trị như thế này…” Chị Hồng nói cũng đồng ý với tôi như vậy, cho nên rút cục là bác sĩ Của đã từ bỏ ý định ra ứng cử Thượng Nghị Viện năm 1967 đó. Và chúng tôi đã thở phào nhẹ nhõm.

Dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968, ông thật vất vả, mệt nhọc với việc phải đối phó triền miên trước các cuộc tấn công của bộ đội cộng sản, xâm nhập từ phía Long An, Rạch Kiến vào các quận 6,7,8 nơi chương trình chúng tôi họat động. Thấy ông bơ phờ, hốc hác cả người, trông thật tội nghiệp. Mà rồi chính ông lại bị trọng thương trong vụ máy bay trực thăng Mỹ bắn lầm vào nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy an ninh thành phố, làm thiệt mạng bao nhiêu sĩ quan cao cấp khác nữa, trong số này có cả Trung tá Nguyễn Bảo Thùy là em của Tướng Nguyễn Bảo Trị. Và sau thời gian chữa bệnh, ông được cho giải ngũ và được cử đi Mỹ để học chuyên về ngành Y tế công cộng (Public Health).

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp với văn bằng Ph D, ông trở về nước. Và rồi ông được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Y tế Công cộng có trụ sở trong Khu Lò Heo Chánh Hưng cũ, phía bên kia Cầy chữ Y thuộc quận 8. Có lần ông rủ tôi với mấy bạn trẻ sinh viên đến nhà riêng, để ăn bữa cơm với gia đình ông.

Đây là lần đầu tiên tôi được mời ăn cơm tại nhà riêng của ông bà. Chứ hồi ông còn bận rộn với công việc ở Tòa Đô chánh, thì dù là một người rất gần gũi thân quen với ông, tôi chưa hề được ông dẫn về nhà chơi bao giờ. Mà hồi đó, ông cũng chẳng dọn gia đình đến cư ngụ trong tư thất khang trang dành riêng cho chức vụ Đô trưởng. (Tôi nhớ chỉ có một lần làm đám tang cho bà cụ thân sinh, thì bác sĩ Của mới cho sử dụng ngôi nhà đó trên đường Hai Bà Trưng, để bà con, các đòan thể cơ quan và công chúng đến viếng thăm linh cữu bà cụ và bày tỏ sự phân ưu với gia đình mà thôi).

Và sau đó không lâu, cũng trong năm 1974, tôi có dịp mời ông cùng với chị Jackie Bông đi thăm lại mấy quận do chương trình phát triển chúng tôi phụ trách xây dựng và tái thiết, đặc biệt sau Tết Mậu Thân. Bác sĩ Của đã tỏ vẻ thật vui mừng, khi thấy bà con ở vùng ven đô này đã xây dựng lại được những căn nhà khang trang, tươm tất từ khu vực bị tàn phá nặng nề năm xưa, giữa thời ông còn giữ chức vụ Đô trưởng Saigon.

Sau năm 1975, gia đình ông đi thóat được, mà riêng ông bị kẹt lại ở Saigon và phải đi tù cải tạo mãi tận ngòai Bắc mất mấy năm. Khi ông được thả về, chúng tôi đã có nhiều lần gặp lại nhau tại nhà ông Văn Văn Đây là bào đệ ở Gò Vấp Gia Định. Ông phải đi làm tại bệnh viện chuyên chữa về bệnh truyền nhiễm và được mở phòng mạch châm cứu tại nhà với rất đông bệnh nhân đến xin chữa trị. Bác sĩ Của tâm sự với tôi : ” Bây giờ, tôi phải dùng lối châm cứu để chữa trị cho bệnh nhân, vì hầu hết họ không có tiền để mua thuốc uống cho hết bệnh. Thành ra cái khoa châm cứu theo lối đông y lại đắc dụng hơn là khoa tây y đấy…”

Kể từ năm 1990 lúc tôi bị công an cộng sản bắt giữ, thì tôi không còn có thể liên lạc trực tiếp với ông, cũng như với gia đình. Tôi chỉ nghe có bạn nói là : Bác sĩ Của có một người con trai học rất giỏi ở Pháp, và đã có những công trình nghiên cứu khoa học được đánh giá là xuất sắc. Điều này thật đáng mừng, vì với người cha, người mẹ tài ba như thế, thì cháu phải được truyền thừa với cái “gene” quý báu rất mực như thế chứ.

Bác sĩ Văn Văn Của chẳng phải là một vĩ nhân kiệt xuất, cũng chẳng phải là một nhân vật chính trị ngọai giao lẫy lừng gì, mà cũng không phải là một nhà hành chánh tài ba lỗi lạc nữa. “Nhân vô thập toàn”, ông cũng mắc phải những sai lầm, khuyết điểm thường tình, như bất kỳ ai trong chúng ta vậy. Nhưng mà trong mấy năm giữ chức vụ Đô trưởng Saigon, giữa thời kỳ bất ổn rối lọan, tôi thấy ông đã hết sức tận tâm với công việc phục vụ người dân thành phố, điển hình là ông đã khích lệ và hỗ trợ rất nhiều cho chương trình phát triển cộng đồng của nhóm anh chị em thanh niên tự nguyện chúng tôi tại các quận 6,7&8 Saigon. Và riêng đối với cá nhân mình, thì tôi luôn luôn có thiện cảm và có lòng quý mến sâu xa đối với bác sĩ Của.

Kể ra, thì tôi còn rất nhiều kỷ niệm vui có, buồn có chung với vị bác sĩ đã có thời làm Đô trưởng Saigon trong mấy năm, giữa thời chiến tranh xáo trộn với khói lửa tàn phá kinh hòang. Nhưng bài viết đến đây kể ra cũng đã dài rồi, nên tôi phải tạm ngừng lại ở đây. Và xin hẹn đến dịp khác thuận tiện hơn, tôi có thể viết thêm chi tiết cho đày đủ hơn vậy.

Bạn đọc cần biết thêm nữa, thì có thể tìm đọc trong cuốn Hồi ký của bác sĩ Văn Văn Của viết với nhan đề là “Mộng Không Thành” xuất bản vào năm 2001-2002, ít lâu trước khi ông từ giã cõi đời này ở bên nước Pháp vậy nhé.

California Tháng Tám 2010

© Đòan Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

2 Phản hồi cho “Một ít kỷ niệm với Bác sĩ Văn Văn Của.”

  1. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa bà con,

    Riêng tôi lại xin cám ơn ông Đoàn Thanh Liêm ở nhiều điểm:

    1/
    “Ôn cố tri tân” theo tôi là điều cần làm.
    Riêng tôi có nhiều điều chưa rõ về “Chương trình Công tác Hè 1965″ (hình như gọi tắt là CPS ?). Lúc đó tôi cũng biết ít nhiều, nhưng rồi có những lời bàn ra tán vào, khiến mình rối rắm không biết thực hư ra sao, nên không dám tham gia. Trong khi mấy đứa em họ của tôi theo chân anh là Hà Quốc Bảo (sinh viên trường Công Chánh) tham dự tích cực vào đoàn văn nghệ học sinh sinh viên Nguồn Sống !
    Lúc đó đã có tin đồn, chính người Mỹ bỏ tiền đầu tư để lôi cuốn thanh niên học sinh sinh viên tham gia vào các công tác xã hội, hoạt động văn nghệ (như đoàn Nguồn Sống sau vài năm đổi tên thành Tiên Long, có sự phụ giúp chuyên môn của Phạm Duy …), để không tham gia chính trị, như xuống đường biểu tình chống chính phủ ….

    Tôi cũng đọc Hồi Ký Võ Long Triều để biết về Chương trình Phát triển quận 8 thời Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, nhưng lại chưa tin lắm, bởi theo tôi VLT hơi bị bốc phét về cái tôi đáng ghét.
    Đến nay tôi mới rõ, chương trình trên thật hữu ích. Thật đáng tiếc là những cơn lốc chính trị ở miền Nam thời đó đã làm nhạt nhoà thành quả đáng kích lệ trên !
    Nói đâu xa, chính những “cơn bão (nhuốm màu chính trị) trong ly nước” hiện nay ở cộng đồng người Việt hải ngoại đã nhận chìm nhiều điều đáng chú ý khác !

    2/

    Lúc còn sinh viên năm thứ tư, tôi học vài giờ môn Vệ sinh Phòng dịch (Médecine préventive) với ông Của, nhưng tôi không đến lớp mà chỉ lấy “cua” (cours) học, nên không biết gì về ông Của. Bài vở của ông cũng như các thày dạy môn này thường không có gì lôi cuốn và thực tình chúng tôi cũng xem nhẹ môn này, bởi nó không thuộc lãnh vực điều trị bệnh nhân (nên không hấp dẫn, bởi sinh viên không đi thực tập môn này do hoàn cảnh chiến tranh và thứ nữa nó cũng không giúp gì cho việc … kiếm ra tiền nơi phòng mạch tư) !

    Sau này tôi có nghe ông Của đậu Ph.D. về môn này và sẽ có thể về trường Y khoa làm trưởng bộ môn Y Khoa Phòng ngừa (phòng dịch); trong khi giáo sư khoa trưởng Vũ Qúi Đài sẽ làm xếp một cơ sở lớn mới xây gần trường Y khoa, hình như mang tên Trung tâm Y khoa Nhiệt đới ! Cuối năm 1974, VNCH có tổ chức đại hội Y học Nhiệt đời vùng Đông Nam Á ở trường Y SG và tôi có may mắn tham dự một vài buổi (vì mở cửa tự do nhằm khuyến khích cho sinh viên Y tham dự)

    Phải nói là nhờ sự hổ trợ tích cực của Mỹ mà ngành Y và trường Y SG ngày một phát triển mạnh mẽ. Chẳng hạn như song song với việc mở rộng trường Y, đào tạo thêm nhân sự cho ban giảng huấn, lại còn khai trương Phòng Thí nghiệm Y khoa Chuẩn thức Trung ương, do dược sĩ Tự làm giám đốc ở đường Trần Hoàng Quân (nay là Nguyễn Chí Thanh) rất hiện đại ! (Dược sĩ Tự vốn làm cũng khá to trong ngành Y tế chính quyền, nhưng ông chịu khó học thêm Y khoa và ra trường năm 1974 cùng với chúng tôi, mặc dù lúc đó ông đã ngoài bốn mươi)

    3/

    Mối liên hệ gia đình giữa ông Của với tướng Sáu Lèo Nguyễn Ngọc Loan. Đồng thời qua đó tôi biết rõ hơn về nhân sự cùng tính khí của cánh Nguyễn Cao Kỳ trong đảng kaki ra sao. Sáu Lèo ai cũng rõ coi như cánh tay mặt của Kỳ và tính khí bốc đồng chẳng khác gì đàn anh, mặc dù có tiếng là “bàn tay sạch”, “thủy chung có trước có sau” (bắn chết tươi tên đặc công Bảy Lốp, để trả thù cho gia đình đồng đội bị thảm sát) !

    Theo tôi SẠCH cũng như NHIỆT TÌNH mới chỉ là điều ắt có, chứ CHƯA ĐỦ để làm nên quốc gia đại sự. Cũng như có TÀI có CÔNG, mà cậy tài cậy công làm láo, làm bậy, coi thiên hạ như cỏ rác là thất nhân tâm !

    (Một số người đề cao tài năng, nhân cách ông Hồ ông Diệm không vợ con, có tâm huyết với đất nước, bàn tay sạch … để tôn vinh họ lên như thần thánh, mà quên đi sai lầm chết người của họ là độc tài, háo sát !)

    4/

    Vụ một số ông tá thân cận với tướng Kỳ bị sát hạt thê thảm ở trường Tàu Phước Đức trong Chợ Lớn bởi trực thăng Mỹ bắn lầm trong đợt hai (?) tổng công kích Tết Mậu Thân còn là một dấu hỏi bỏ ngỏ !

    Mỗi lần vào nghĩa trang “đất thánh Tây” gần nhà để thăm mộ ông thày Trần Anh, bị Vixi hạ sát lúc đi bộ từ trường Y về nhà gần đó, là tôi thường ghé thăm luôn ngôi mộ vô danh không bia nghe nói là của hai anh em ông Diệm và Nhu, mộ của hai ông đại tá cùng tên Trụ bị thảm sát về vụ trên và mộ thống tướng Lê Văn Tỵ gần đó. Lúc ấy lòng mình dạt dào cảm khái về cuộc đời và thân phận con người!

    Kính cáo.

    Lại Mạnh Cường

  2. Vu Duy Giang says:

    Hình như tác giả ĐTL cũng đã viết 1 bài cám ơn tướng NCK về sự trợ giúp chương trình phát triển cộng đồng tại 3 quận Saigon này?Và bây giờ thì cám ơn ông y sĩ”dù”VVC,cũng”cao bồi”(thep bài viết tả này)như ông tướng,hay đàn em như tướng NNL(cũng là anh vợ của ông VVC).

    Thật đúng như Pháp có câu”Ceux qui ressemblent,s’assemblent”(=những ai giống nhau,hội tụ với nhau),và những người về già,thích vọng về quá khứ đã kết liễu,cũng như cuộc đời họ tàn lụi! Còn người trẻ hướng về tương lai,mà họ có thể ảnh hưởng được phần nào.

Leave a Reply to LẠI MẠNH CƯỜNG