WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Miền hư ảo [11]

 

Tiếp thep các chương: IIIIIIIVVVIVIIVIIIIXX.

Chương 11: Pháp sư blog – Lời đứa sinh viên mê gái

Em Hoài Bắc, em làm ơn đạp xe chậm lại một chút, được không? Để anh thở ra vài hơi rồi kể chuyện cười cho em cười. Em thuộc loại khó cười, đúng không? Loại mà thằng Khánh ghét cay ghét đắng, nó hay gọi là “loại người đẹp không có óc khôi hài”.

Ê, thằng Khánh ngồi im nghe, mầy. Nhấp nhổm yên sau coi chừng té. Để tao tán em giùm cho. Bao giờ hai đứa bây lấy được nhau rồi nhớ đừng quên ơn tao.

Em Hoài Bắc, tối hôm qua, thằng Khánh nhớ em trằn trọc năm canh, thở ngắn thở dài như bò kéo xe, anh không cách gì ngủ được. Buổi sáng nó lết ra quán ăn hết ba tô hủ tiếu, uống ba ly cà phê sữa. Buổi trưa nó ăn bốn dĩa bánh ướt, xơi năm chén chè chuối. Bây giờ nó nặng như đá đeo. Anh chở nó đuổi theo em muốn vẹo xương sống. Em làm ơn đạp xe chậm lại một chút, được không? Anh hỏi, được không? Không trả lời. Con gái gì lì quá. Không biết mở miệng trả lời người lớn, mà cũng không biết nghe lời đàn anh.

Em Bắc ít nói. Bà Nội em Bắc lại càng không chịu nói gì, bà chỉ im im trợn mắt nhìn hai đứa cháu. Thằng Khánh sợ quá, lần nào tới thăm em nó cũng cạo râu cắt tóc gọn gàng, đi đứng khúm núm. Anh hỏi, mày đi thăm Bắc hay đi thăm Nội? Nó cười, thăm Bắc, thương Bắc nhưng… ghét Nội.

Em Bắc,

hỏi lần cuối, đạp xe chậm lại giùm, được không? Em không biết điều gì hết. Lẽ ra, tụi anh cỡi xe cúp áp tải em, lạng qua lạng lại trước đầu xe đạp của em để cản đường. Nhưng thằng Khánh nói, làm vậy trưởng giả, làm vậy phân biệt giai cấp, làm vậy ức hiếp kẻ yếu. Ha, ha, cái thằng con quan này dối trá có hạng.

Em Bắc,

lẽ ra, hai thằng cỡi hai chiếc xe đạp, kè sát em vô giữa không hở tấc nào. Nhưng thằng Khánh nói, chơi kiểu dã chiến với em thấy tàn nhẫn quá. Lẽ ra, thằng Khánh to xác phải chở anh. Nhưng nó quá mê mẩn nhan sắc em, nó vừa chạy vừa ngó em ngơ ngẩn kiểu này, chắc là đâm đầu vô xe tải. Có nhiều thứ “lẽ ra” mà anh phải gạt bỏ để hy sinh tấm thân ngà ngọc tơ liễu của anh cho em với thằng Khánh, cho cái cuộc tình éo le sắp bốc mùi cải lương này. Cẩn thận, anh rất ghét cải lương. Ờ, chỉ thích phim hoạt hoạ, mèo với chuột. Tom and Jerry. Hic hic.

Ê, em coi chừng!!! Trời ơi, mấy thằng xe tải này không biết nể nang Thuý Vân Thuý Kiều gì hết. Đã ép con gái người ta lại còn xịt khói đen mù trời. Em, em chạy sát vô trong dùm đi. Con gái đẹp gì mà liều mạng như Từ Hải. Con gái đẹp gì lầm lì khó coi quá. Thôi được rồi, em chạy phía trong này đi, để anh chạy tuốt bên ngoài này. Anh với thằng Khánh nhát gan lắm, thấy xe là né chứ không liều mạng như em. Ủa, mà em sợ tụi anh hay sợ xe tải?

Em Bắc,

anh kể cho em nghe nỗi niềm bi thương của thằng Khánh. Buổi tối hôm kia ở lâm trường, nửa đêm khuya khoắt, gió núi thổi từng cơn qua vách nứa kẽo kẹt não nùng. Anh bỗng giật mình tỉnh tỉnh giấc, sương lạnh ùa vô trắng xoá căn láng. Thằng Khánh ngồi giường bên, mền trùm kín tới cổ. Đầu nó dài ra, chúc xuống bụng, lắc lư như đầu gà lôi. Ánh đèn dầu lung linh chực tắt, soi nửa khuôn mặt đen đủi hốc hác như khoai mì nướng, soi cái bóng lù lù như mả đá ong. Cái miệng kỳ nhông đỏ hỏn đang lảm nhảm những câu ma quái rùng rợn.

Nó có hai đầu, bám sâu vào hút máu… Chặt đầu này thì đầu kia… càng cắm sâu vào. Không… chặt đầu này, nó mọc đầu khác…”

Trời ơi. Thật là kinh khủng. Anh biết là thằng này bị ma núi nhập. Hồi chiều anh mới nhậu với ông già Hăng Rết, nghe ổng kể chuyện ma núi nhập xác trai tơ đi hút máu người. Rùng rợn. Nhưng chuyện này không kể lại cho em Bắc nghe được, bậy bạ lắm, sẽ làm hư hỏng đầu óc măng non trắng nõn nà của em. Anh định thần nhìn kỹ mặt thằng Khánh, thấy thần sắc nó bị bao bọc bởi một làn hơi lạnh lùng yêu mị. Em mà thấy đám râu ria dựng đứng cắm trên củ khoai mì nướng, cặp mắt đờ đẫn gắn trên bản mặt con thằng lằn là em chết khiếp, không bao giờ còn dám yêu con ma núi đó. Ờ, trong đám đệ tử của anh không có đứa nào xấu trai như thằng Khánh, lúc đó, trong đêm tăm tối nhìn nó càng xấu hơn. Chẳng lạ lùng gì mà mỗi lần gặp nó cứ thấy em quay mặt đi nghiến răng ken két.

Thằng Khánh ngồi im nghe chưa. Mày ngọ ngoạy kiểu đó là tao quay xe về.

Ê, tới ngã tư. Chỗ này nguy hiểm, chạy chậm chút, em. Ngó bên phải. Ngó bên trái. Cẩn thận, rồi, đạp qua đường. Được rồi, ngoan lắm.

Ờ, kể tiếp nghen. Anh len lén leo xuống giường, thi triển khinh công bò tới bên thằng Khánh, bò thật chậm. Vận hết nội lực để bụng lướt đi trên đất mà không phát ra tiếng động. Em học hai khoá quân sự rồi, nên cũng biết cách bò tiếp cận mục tiêu. Bụng ép sát xuống đất. Hai đùi choãi ra, thân trườn lên phía trước, hai mắt mở to như đèn xe tăng nhằm thẳng mục tiêu mà bò tới. Mục tiêu của anh là cây củi dựng ở chân giường. Trong giây phút cận kề cây củi, anh bất ngờ chồm dậy, nắm lấy cây củi hùng hổ hét to để hớp hồn thằng ma nhập.

“Thằng Khánh. Ngồi im, mày nhúc nhích là chết liền.”

Vừa hét anh vừa thi triển Lạc hoa công, tung cánh hoa nhảy ào lên giường, bay luôn lên lưng nó. Thằng Khánh té chủi nhủi ra phía trước. Anh cưỡi trên lưng nó, hai tay anh bóp cổ nó, hai chân anh đè chặt hai góc mền để nhốt con ma núi lại. Cũng may cho anh, thằng Khánh lúc đó tự nhiên sực tỉnh, hiểu rõ sự tình nguy hiểm, nên nó sợ quá chổng mông nằm im thin thít. Anh giơ cây củi lên, giật tung mền ra, nghiến răng lấy hết sức. Định quật một đòn chí tử vô con ma núi. Nhưng… Bắc ơi. Kinh khủng. Kinh khủng không thể tưởng, cái đang nằm trong lòng thằng Khánh. Kinh khủng lắm, nó nằm sờ sờ ở đó. Em có biết cái gì không? Dưới anh đèn dầu leo lét, anh nhìn nó nằm đó ngọ ngoạy mà choáng váng mặt mày, nghĩ đến thân phận mình. Đêm đêm anh cũng vẫn phải ôm ấp nó trong lòng. Vậy là nước mắt anh trào ra. Cây củi rớt cái độp xuống đất. Trời ơi.

Bắc, em. Đạp xe chậm lại thì anh mới kể tiếp. Làm gì mới nghe tới nỗi đoạn trường của hai thằng con trai là em đạp xe trối chết.

Em nghe đây.

Cái con quái vật hai đầu nằm trong lòng thằng Khánh chính là con đỉa tư bản chủ nghĩa. “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có hai cái vòi, một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi còn lại kia sẽ tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt sẽ lại mọc ra”. Hic hic. Ghê rợn quá. Em ơi, tuần tới tụi anh thi môn chủ nghĩa cộng sản rồi, đêm nào cũng phải ôm Mác vô lòng tụng kinh, nam mô Mác ô rô cứu khổ cứu nạn. Ha ha, thằng Khánh mày cười to quá nghe. Thấy chưa, em Bắc cũng cười tủm tỉm. Khánh, mày thiếu sư phụ chầu nhậu đó. Cần gì xé mấy trăm thước lụa mua nụ cười mỹ nhân. Chỉ cần nhờ Pháp sư dùng ba tấc lưỡi là dụ dỗ được nàng cười… khì khì.

Em Bắc,

thật tình, em cười rất đẹp. Ờ, thì đẹp hơn lúc không cười.

Em thông cảm, thằng Khánh lo tụng Mác Lê riết rồi gặp gái là líu lưỡi. Cái thứ triết này không những không để tán gái mà còn huỷ hoại nam tính, thành ra gặp em là thằng Khánh ẹo qua ẹo lại, rồi lỏn lẻn cười. Nó nguy hại vậy nhưng vẫn phải học, em à, thi rớt môn Mác Lê này là khỏi ra trường. Anh tự hỏi, trên thế giới này còn chuyện gì phi lý hơn nữa không? Năm năm đại học, ra trường chỉ phải thi một môn, chủ nghĩa cộng sản. Loại như thằng Khánh chỉ cần ba nó gọi điện thoại hỏi thăm một câu là hiệu trưởng sợ vãi đái, vậy mà đêm đêm nó cắm cúi ngồi học. Chuyện nó chăm chỉ học hành cũng phi lý như chuyện nó yêu em tới mòn râu. Thằng Khánh ngồi im, nghe chưa. Trình độ triết học của mày chưa đủ để nói chuyện với em Bắc đâu. Để tao. Thôi thì, coi như thằng Khánh vì em mà… hướng thiện, đỡ tốn công anh dạy dỗ. Chuyện này cũng nên cám ơn em. Nhờ em mà lúc này nó chịu khó chở anh đi lùng mua sách cũ, đọc nghiến ngấu đủ loại sách không ai thèm đọc. Thấy tội. Tán gái là khiếu trời cho, đâu có sách nào chỉ dẫn cụ thể. Lỡ yêu thì nói phắt lỡ yêu, cứ ngồi xoa cằm hút thuốc cả đêm làm người khác muốn ho. Ừ thôi, chết mày rồi. Sét đánh cháy đen thui như khoai mì nướng rồi. Hết đứa cho mày yêu, lựa ngay con nhỏ khó chịu này.

Khánh con, muốn biết gì cứ hỏi sư phụ mày. Thằng Khánh, chấp tay than thở.

“Tại sao em Bắc không đoái hoài gì tới tao.”

“Có hai lý do. Thứ nhất, là cái mặt mày xấu xí dễ ghét và cái thói hoang đàng phóng đãng của mày đã tới tai em Bắc. Thứ hai, em Bắc đã có người yêu.”

Giả thuyết thứ hai của sư phụ làm thằng đệ tử choáng váng. Cái thứ hàm hồ như nó, coi trời bằng vung, cứ tưởng mình là trung tâm vũ trụ. Sự thật phũ phàng gõ cái bốp xuống đầu nó. Hà hà, cái mặt thất vọng của nó thật dễ ghét. Thôi được, để sư phụ ra tay giúp con, kiểm tra tình cảm của em Bắc.

Em Bắc,

anh kể chuyện này cho em nghe, phản ứng của em sẽ quyết định cuộc đời tình ái bi luỵ và cải lương của thằng Khánh.

“Có đôi tình nhân tâm tình trong vườn dừa. Đêm không trăng không sao, hiu hiu gió mát. Chàng và nàng hôn nhau đắm đuối. Trái dừa trên cao sút cùi, rớt ngay đầu nàng. Chàng đứt lưỡi lăn quay ra chết.”

Khánh, mày nhìn kỹ mặt con nhỏ đi. Coi thái độ của nó ra sao.

Ha ha. Dĩ nhiên là chuyện cười. Tại sao dừa rớt trúng đầu nàng mà chàng lăn ra chết. Em… Nhìn em ngơ ngác định cãi lời… tim anh thắt lại. Vậy là sao, em không hiểu chuyện này thật sao, Bắc? Ê, Khánh, có lẽ tụi mình đùa giỡn quá mức. Những chuyện dung tục kiểu này đêm đêm tụi mình vẫn kể cho nhau nghe, cười hô hố, cười sặc sụa. Dân Lâm Nghiệp ở rừng nhiều hơn ở trường, hoang đàng mọi rợ đã quen. Tao với mày cũng chẳng lạ gì chuyện đời, chuyện tục, càng tục càng cười to. Có lẽ Bắc thuộc về một thế giới khác. Thế giới không có những thằng con trai nham nhở như tụi mình.

Bắc sẽ không cãi. Bắc sẽ không hỏi vì sao câu chuyện phi lý, vì sao dừa rớt trúng đầu người này mà người kia chết vì bị cắn đứt lưỡi. Thằng Khánh cũng đã biết điều nó muốn biết, Bắc chưa hôn ai bao giờ. Còn anh, anh đang tự trách mình. Thôi để anh tìm những chuyện vui vẻ đàng hoàng nghiêm túc nói với em. Hơi khó, Bắc à. Chuyện vui bao giờ cũng… bậy.

Bắc mến,

thả hết con dốc này, qua khỏi cánh đồng kia thì đến nhà của Bắc. Chạy chậm chậm một chút để anh còn thời gian kể chuyện khác cho Bắc nghe. Tới nhà Bắc là hết chuyện! Chỉ dám đứng bên gò mắt mèo, ngơ ngác nhìn đồng nước bao la. Căn nhà lá nhỏ xíu của hai bà cháu nằm chơ vơ giữa cù lao. Anh với Khánh quần thảo suốt mấy buổi chiều mà không sao leo được tới thềm nhà Bắc. Lỡ quẹt trúng mắc mèo ngứa rát da. Bắc ơi! Ruộng nước không sâu mà không sao lội hết. Con mương không rộng mà không thể nhảy qua. Anh đứng giữa đồng không, chẳng biết đâu là bờ. Thằng Khánh té giữa mương cạn cứ tưởng mình lại nhảy trượt chân. Ráng chiều tắt trên đầm nước rộng mênh mang, hai cái bóng đen ướt loi ngoi nhìn nhau cười như khóc. Ểnh ương ếch nhái oàm oạp cười vang. Ánh đèn dầu heo hút khi xa khi gần. Căn nhà trơ trọi, đêm hôm có chuyện gì, hai bà cháu biết kêu ai. Hỏi Bắc, Bắc cười. Hỏi Nội, Nội trợn mắt nhìn. Anh tự hỏi mình, tại sao số phận xui khiến cho anh và thằng mắc dịch kia quen Bắc.

Tụi anh đạp xe ra tới thị trấn thì áo quần vừa ráo. Hai đứa ngồi uống “sinh tố cao cẳng”, nhìn con đường dốc từ trường trung học đổ quanh qua những hàng cây sao cao vút. Chỉ có những người đã từng sống ở Thủ Đức qua những năm tháng êm đềm này mới biết tên quán “sinh tố cao cẳng”. Anh không muốn giải thích, xem như một kỷ niệm chua ngọt mà chỉ người Thủ Đức mới có thể chia sẻ cho nhau. Thằng Khánh ngồi im không nói gì, cũng không rõ nó nghĩ gì. Ở thị trấn này Bắc đã lớn lên. Con đường này đã đưa Bắc đi qua những năm tháng ấu thơ. Đêm Thủ Đức, khu làng Đại Học mênh mang mùi hoa sứ.

Anh nói với thằng Khánh.

Khánh, chiều mai tao với mày tìm cách đột nhập đầm nước nhà Bắc chơi.

Tự nhiên rồi anh muốn trở lại thăm Bắc, thật tình, không phải vì thằng Khánh.

Hai đứa đổ bộ xuống bưng Sáu Xã lúc trời còn nắng rát. Nắng trải vàng trên mặt nước bưng thành những mảng lấp lánh xen giữa những cụm bình bát dừa nước thẫm đen. Ngôi nhà của bà cháu Bắc không biết ở chỗ nào, chỉ thấy mặt nước đầm loang loáng bốc hơi như hồ nước nóng. Thằng Khánh nhớ rõ, từ cây dừa bị sét đánh cụt ngang đầu này đi qua cái gò mối khổng lồ nằm trên doi bình bát là chỗ Bắc lủi xe vô rồi mất dấu.

Hai đứa đẩy xe đạp vô đầm, loay hoay hết hai giờ đồng hồ thì hai thằng tiến vô trận địa được hơn ba mét. Ba mét là nhiều lắm rồi. Thằng Khánh xắn quần đi giáp lùm năng thì về lại chỗ cũ. Anh nhìn cái mặt đầy sình của nó mà cười muốn sặc nước, chắc nó mới lọt xuống mương.

Ê, Khánh. Hai đứa mình phải tấn công đồng bộ mới mong tiến thêm được vài mét nữa. Cứ mỗi chiều dò được vài mét là tháng sau tụi mình vô tới giữa bưng. Mày lấy cái sào tre này dò bên mé ruộng nước đó. Dò chỗ đất cứng mà đi, nhớ cắm lại mấy cành tre khô làm dấu. Tao dò bên ruộng cỏ. Coi chừng mấy cành mắc mèo. Đụng vô ngứa thấy ông bà. Cứ từng bước mà tiến vô, nhắm căn nhà trên gò nước nổi. Ủa, căn nhà biến đâu rồi, mới thấy lấp ló sau rặng dừa nước mà. Ê, Khánh, chỗ này là chỗ nào, sao mắc mèo mọc dày đặc. Làm sao quay trở ra. Cha mẹ ơi, ngứa quá, càng gãi càng ngứa rát da, chắc tao với mày chết ngứa chết khô trong rừng mắc mèo.

Ê, ê, Khánh, nhón gót nhìn phía kia coi. Hình như là bà Nội của Bắc. Bà già gánh hàng đi băng băng trên nước, lạ chưa. Khánh, lẹ lên, quăng mấy cái cây đi, nhanh nhanh, thủ tiêu tang chứng. Giọng mày lớn, la cho hoành tráng coi. Khoan. Đừng. Cái thằng cù lần này, sửa giọng Nam dùm cái, dân vùng này mà nghe cái giọng Bắc giấm phèn của mày không thương nổi. Tao mà còn ghét nữa, nói gì ai.

Ê, làm mặt hiền lành nghen.

Thưa Nội. Nội ới. Con là Khánh.

Dạ…! Thưa Nội. Nội đi chợ chiều về?

Nội ơi. Hai đứa con xin phép Nội được ghé vô thăm bạn Bắc. Tụi con là sinh viên khoá trên. Tới trao đổi bài vở với bạn, có một số đề cương ôn thi mới. Làm sao băng qua bên đó hả Nội. Chỗ nào? Bước đâu? Á. Thôi chết con rồi. Khánh, kéo tao lên, mày, thằng vô duyên ngậm miệng lại, cười cái gì. Dạ, Nội ơi, ướt hết hai ống quần rồi. May quá, có Nội qua dẫn đường.

Thưa Nội. Nội khoẻ không? Để bạn Khánh gánh hàng phụ Nội. Khánh à, bạn đi sau cẩn thận nghe, nhìn cho kỹ, bám cho sát.

Trời ơi, sao Nội già cả mà ở chỗ hẻo lánh hoang vu giữa bưng biền như vầy. Dạ, xin phép Nội cho bạn Khánh vô học bài với bạn Bắc. Con ở chơi ngoài vườn với Nội. Dạ, không sao, thưa Nội, quanh quẩn ngoài đây cho mát. Ủa, Nội xách nước hả? Nội để con, để con xách nước cho Nội. Đổ nước đầy lu này cho Nội nghen. Mấy đám rau thơm này be bờ lên liếp, phải không Nội? Để con. Ủa, Nội đi đâu rồi ta. Trời! Nội vác chi nặng vậy? Để con. Ủa, cánh cửa nhà mình sút bản lề nè, Nội ơi. Để con. Chẻ đống củi này luôn nghen, Nội. Để con. Khiêng hết vô bếp cho Nội, nghen. Sợ tối nay mưa ướt rồi Nội không có củi nấu xôi. Để con.

Thằng Khánh ôn dịch kia, tại vì mày mà sư phụ làm muốn cụp xương sống. Mày nói chuyện gì với em lâu lắc trong đó. Ngồi gần người đẹp là quên trời quên đất nghe. Thằng cù lần, vô đề được chưa? Lẹ lên. Bóc lột sức lao động từ thiện của tao quá nghen, mày.

Dạ, đúng rồi đó, Nội. Nhà có con gái lớn, ai mà để hai thằng tướng tá không đàng hoàng lấp ló cả buổi chiều ngoài mé ruộng. Hàng xóm dị nghị chết. Lần sau tụi con tới, không thèm gọi tên em Bắc nữa, cứ kêu “Nội ơi, Nội à”. Kêu vậy cho đàng hoàng tử tế, danh chánh ngôn thuận. Mà sao mấy bờ ruộng nhà Nội khó đi quá. Tụi con quần thảo hết mấy buổi chiều cũng không vô được. May mà có Nội thấy tội nghiệp dắt vô. Nội thật là tốt bụng. Nội thật là tử tế. Ngồi đây mát ghê. Nhà Nội mát ghê, ngồi hoài không muốn về.

Khánh ơi, đi về. Đủ rồi, để hôm khác tới nữa. Tao làm việc từ chiều tới giờ đói muốn chết. Học hành gì cái bản mặt mày mà ngồi lì trong đó.

Dạ, bạn Khánh học giỏi lắm Nội à. Trong lớp, con học giỏi nhất rồi tới bạn Khánh. Học kỳ vừa rồi hai đứa con đều là sinh viên tiên tiến. Con chỉ thiếu một điểm bên môn “Chế biến gỗ” nữa là được sinh viên giỏi rồi. Cứ chiều giờ này, ăn uống xong là hai đứa lấy sách ra đọc. Đọc một mạch tới khuya là đi ngủ, không chè chén nhậu nhẹt, không đánh bài hút sách, không cãi lộn chửi thề. Dạ, hai đứa đều vinh dự là Đoàn viên ưu tú, thưa Nội. Năm ngoái suýt nữa là tụi con ra ứng cử ban chấp hành Đoàn trường, nhưng lo học quá nên không có thời gian làm chuyện ruồi bu. Dạ, dạ, tụi con gần ra trường rồi, còn mấy tháng nữa thôi, học cho có mà cũng ra trường. May quá. Ra trường là về Cao Nguyên làm việc, Nội à. Tới chừng đó bận rộn phá rừng sợ ít còn dịp tới đây cuốc cỏ tưới rau phụ Nội. Mà, Nội trồng cây thuốc làm gì nhiều ghê. Thơm ghê. Mùi thơm này, mùi thuốc này, quen lắm. Cánh đồng nước này… mặt trời lặng phương Quái Khảm…

Nguyễn Hộ Pháp! cẩn thận! cẩn thận, chậm lại, có điều gì không ổn.

Khánh, mày có thấy gì lạ không? Bà cụ bán xôi từng tuổi này mà lội băng băng trên đầm nước. Đứa con gái đẹp như Tây Thi sống giữa đồng hoang. Có cái gì phi lý ở đây. Họ là ai? Mùi cỏ thuốc, đầm nước mênh mông, bờ bụi vây phủ, một cõi trời riêng biệt. Con đường vào theo phương Quái Khôn lạnh lẽo, nhìn về Quái Ly giữa lúc hoàng hôn, đầm lầy như bốc lửa… Trời ơi, đâu phải cỏ thuốc, toàn là loại độc dược hung hiểm. Mạn đà la, mã tiền, nam hương sơn… Mấy loại cây này đâu có ưa đất ngập, bỏ công đem giống về đầm lầy chăm sóc như vầy chắc phải có dã tâm lớn lắm. Có cái gì đó bất thường… Cái cổ tay của một bà già sao lại tròn trịa mịn màng. Không, chưa về được đâu. Tao muốn biết, họ là ai, những con người kỳ bí này là ai.

Nội đãi đậu nấu xôi hả Nội. Để con sàng nếp cho Nội. Con làm được hết, không phải là loại công tử con nhà giàu đâu. Bản thân con đi từ nghèo đói mà lên. Con làm việc quen rồi.

Nội bào dừa hả Nội. Cái này thì con chịu thua. Ngồi một chân nạo rồn rột như vầy, té chết. Dân lâm nghiệp làm gì biết bào dừa, đốt rừng thì dễ chứ bào dừa thì khó. Để con kêu hai đứa tụi nó. Khánh ơi, chiều nay học vậy đủ rồi. Ra chẻ hết đống củi này cho Nội. Để Bắc bào dừa. Con nói cho Nội nghe, cái thằng Khánh này hơi công tử bột nhưng được cái dễ dạy, sai đâu làm đó. Không sai thì không làm. Nội ngồi nghỉ lưng chút đi. Đây, ghế đây. Trời, ghế gì long chân long cẳng hết vậy nè. Nhà Nội cái gì đụng vô cũng lung lay, nhà thiếu đàn ông là nó vậy. Khánh, lần sau chở mấy cái ghế gỗ cẩm lai xuống cho Nội, nghe chưa. Ba nó là quan lớn ngoài Bắc vô, má nó thuộc hàng trưởng lão bên Bộ Hình, nó chở gỗ xuống đây xây nhà thuỷ tạ cho nội còn được, xá gì mấy cái ghế. Chà, Bắc bào dừa giỏi quá nghen, con gái hiền lành nết na học giỏi lại đảm đang. Bắc nói gì. Nói nhỏ xíu vậy ai mà nghe được. Chỉ anh bào dừa với nghen.

Ờ, tuần sau tụi anh thi rồi, học không vô nổi. Mấy cặp phạm trù triết học Bắc còn nhớ không, tụi anh học lâu quá, quên hết rồi, có người ôn lại dùm dễ thuộc hơn. Ngày mai Bắc rảnh, ghé qua giảng đường học chung với anh. Chán cũng phải học, Bắc à. Bắc hỏi sao? Môn chủ nghĩa cộng sản ai dạy? Trời ơi, còn ai trồng khoai đất này, thầy Tấn, diễn viên diễn cương số một của đoàn kịch nói Bộ môn Triết Học Mác Lê. Có lần thầy giảng hăng sùi bọt mép. “Cuối thế kỷ thứ mười sáu, vì sự lớn mạnh và trưởng thành ào ạt của giai cấp công nhân, giáo hội Thiên Chúa La Mã đã phải nhân nhượng đi tới thoả hiệp sửa đổi thánh kinh: Chúa Giê-su sanh ra trong gia đình thợ rèn, nghĩa là cũng thuộc về giai cấp công nhân vô sản.” Ha, ha. Bắc cũng… biết cười sao? Bắc cũng có óc khôi hài à. Anh cố nín cười, nhìn qua thấy thằng Khánh đang chúi nhủi trong góc ngủ ngon lành. Anh tự hỏi, sinh viên tụi mình đi thi thì phải viết sao đây? Cái thứ triết học Mác Lê bị nhào nặn méo mó, bị cắt xén cụt què để cho tụi mình làm hành trang vào đời. Ờ, cười thì cười chứ tủi nhục lắm.

Bắc nói sao? Nhà thầy Tấn nghèo lắm, tội nghiệp lắm. Anh xin lỗi Bắc, anh hoàn toàn không có ý định chế nhạo gia cảnh thầy. Cái nghèo với cái dốt tuy có mối tương quan triết học với nhau nhưng cần phân định rõ ràng cái nào là nguyên nhân cái nào là nguyên cớ. Có lần  anh ghé thăm, thấy vợ chồng thầy giấu vội vàng nồi cơm độn với dĩa rau luộc, anh xúc động lắm. Lúc đó anh cứ nghĩ, nếu sau này thành đạt anh sẽ quay lại trường tìm cách giúp đỡ thầy. Nhưng đó là chuyện khác, Bắc à. Giảng viên đại học như thầy, trình độ văn hoá bổ túc chỉ vừa đủ để biết đọc biết viết, mà viết cũng còn sai chính tả lung tung làm sao đủ sức đưa tụi mình vào đời. Thương binh xuất ngũ như thầy, ăn cơm độn để hò hét tuyên truyền dùm người khác lý tưởng, những thứ mà bản thân thầy chắc cũng không còn tin. Nhìn thấy cái phi lý của cuộc đời là một lẽ, đi tìm nguồn gốc của sự phi lý là một lẽ khác. Anh biết, nói chuyện với anh chán lắm, anh xin lỗi Bắc, thằng Khánh cũng than hoài.

Ờ, Khánh ơi, chẻ củi xong chưa? Cái thằng kỳ cục này, mới chẻ mấy cây củi mà xong. Đang vui sao đòi về.

Thôi, thưa Nội tụi con về. Chiều rồi, để Nội nghỉ ngơi. Nhà còn chuyện gì, Nội cứ để đó, hôm sau tụi con tới làm luôn. Bờ mương bên này thấy lở lói hết, để bữa nào con be lại. Mấy hàng rào chuồng gà cũng ọp ẹp quá. Trong xóm có tre hay tầm vông thì con đốn về dựng lại. Xin phép Nội tụi con về, tối nay tụi con phải học bài chuẩn bị thi tốt nghiệp.

Ê, Khánh ghé bùng binh Thủ Đức kiếm gì ăn đỡ đi. Vụ này tao thấy phức tạp quá. Tao không chắc tụi mình tới thêm vài lần nữa sẽ tìm được đường vô. Nếu tao giả bộ vô xóm chặt tre về làm chuồng gà, may ra, hỏi được tin tức từ hàng xóm chung quanh. Nhưng tao không tin, họ có vẻ lập dị, chưa chắc hàng xóm đã biết gì nhiều. Chuyện tình yêu của mày hơi sức đâu sư phụ è cổ ra gánh. Tao chỉ tò mò. Bà già im im không nói thì tao không đoán được. Nhưng mày có nghe giọng nói của Bắc không. Cách con nhỏ phát âm, không phải là giọng vùng bưng. Tao là dân Thủ Đức, sanh ra lớn lên ở Thủ Đức, nghe giọng là biết liền. Người ở thị trấn, ở làng Đại Học, ở Cư xá Kiến Thiết nói giọng thành phố, dân ruộng dân bưng quanh vùng nói giọng nhà quê. Ờ, cái xứ này kỳ vậy đó. Mày là dân Hà Nội biết gì. Hơn nữa, dân vùng này đâu bao giờ đặt tên con là Hoài Bắc. Chỉ có người Bắc di cư mới có tên đó, nhưng giọng con nhỏ này không có vẻ gì pha giọng Bắc di cư. Cách ăn mặt của bà già này cũng không có vẻ gì là người gốc Bắc.

Nếu hai bà cháu này là ai, sao lại giấu tung tích ra bưng sống ẩn dật, chắc phải có điều gì bí ẩn. Điều bí ẩn có thể nằm ở chỗ, bà già định giết mày.

Ờ, bà già định giết mày. Thù oán gì mà ra tay tàn độc dã man như vậy.

Con đường vô nhà chỉ có bà già và Bắc biết, lẽ nào bà ấy không biết cái giếng hoang đó. Nó nằm trong đám cỏ năng um tùm, tao đi ngang qua miệng giếng mà không hề hay biết, mày đi sau chỉ chệch một bước mà trượt chân xuống đó. Bả thừa biết đoạn đường này có giếng hoang mà không báo trước, lại dắt tụi mình lội ngang qua miệng giếng. Nước xoáy kéo mày mất hút, chỉ còn thấy cánh tay. Nếu tao không đẩy đại bánh xe đạp xuống cho mày bám vô. Nếu trong lúc hoảng loạn đó, mày không nắm được cái bánh xe. Nếu tao không sẵn dắt theo chiếc xe đạp. Nếu tao không bình tĩnh mà hoảng hốt, nhảy tới kéo mày rồi hai đứa sa luôn xuống giếng. Nếu… nếu… Khánh, liệu bà già đó có cứu tụi mình không? Trong lúc nguy khốn đó, tao kêu lên thất thanh mà bả vẫn dửng dưng đi tiếp. Lòng người độc địa tàn nhẫn vậy sao. Mày hỏi, tại sao tao cứu mày. Tao cũng không biết. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh để tao còn kịp nghĩ, cái chết của mày là cơ hội để cho lòng thù hận của tao được siêu thoát. Giữa tao và mày là mối thù giai cấp, mối thù xương máu đâu có dễ mà tha thứ cho nhau. Khi tao kéo được mày lên, thân hình mày đã mềm oặt không sự sống. Đứng trước cái chết của mày, lẽ ra tao phải sung sướng nhưng thật tình tao chỉ thấy tuyệt vọng. Tao kêu réo tên mày, gọi ba hồn chín vía mày về ăn cơm với cá. Thê thảm tới mức Trời Đất cũng phải động lòng. Dĩ nhiên là tao không đóng kịch, có ai ở đó coi đâu mà diễn tuồng. Chỉ có bà già mà bả te te đi luôn không thèm dòm lại. Bỗng nhiên rồi tay mày quờ quạng tìm nắm tay tao. Tao cười sặc ra nước mắt. Thằng chó chết mắc dịch dài hơi. Được rồi, lần này kể như tao vì hoảng hồn mà quên đi hận thù, nhất định phải có lúc nào đó tao với mày thanh toán nợ nần với nhau..

Cái chết đi qua trong gang tấc. Nó không xảy ra lần đó thì sẽ xảy ra lần khác, nếu tao với mày còn mon men theo con đường cũ mò vô. Có bao nhiêu cái giếng hoang trên đồng này? Chẳng lẽ người quanh đây không ai biết? Tao để ý coi trên miệng giếng có gì khác lạ không, chỉ thấy một cụm mạn đà la đang ra bông trắng. Nhìn ra cánh đồng, hoa trắng lô nhô. Có bao nhiêu cái giếng độc địa nằm ẩn trên đồng? Tao hỏi Bắc, nó quay mặt đi, giọng nó vô cảm kỳ dị.

“Năm ngoái con bò nhà anh Cu Lớn cũng xảy chân, chết chìm dưới giếng.”

Tao hỏi.

“Giếng nào.”

Bắc chỉ bâng quơ về bên trái. Con đường tụi mình vô bên phải.

“Mấy cái giếng của ai?”

“Của mấy chủ nhà cũ. Hồi xưa họ sống ở đây. Mùa nước lên ngập lút hết miệng giếng hoang. Con bò sa chân xuống mà không kéo xác lên được, xác nó nằm trong giếng hôi thúi suốt hàng tháng. Thành ra, dân vùng này ít ai dám đi băng qua đầm.”

Khánh, đó có phải là cách giải thích hợp lý không? Bắc biết gì về mày, bà già biết gì về tụi mình. Tao cũng giả cách nói bâng quơ.

“May mà đầm này không có đỉa.”

Bắc tái mặt, rùng mình. Rõ ràng là nó rất sợ đỉa, và bị ám ảnh.

Khánh, chiều nay mày có ăn uống gì ở đó không? Một ngụm nước của họ cũng không được uống. Quanh nhà trồng toàn cây cỏ độc. Bà già này chắn chắn rành về độc dược, bả muốn giết mày – có khi sẵn trớn giết oan luôn tao – thật là chuyện dễ như trở bàn tay. Có những thứ độc dược không màu, không mùi, không vị, chỉ cần chạm tay vô là chết ngủm. Người đàn bà này, đứa con gái này làm tao nhớ tới… phải rồi, có hai mẹ con từng sống trong Đường Sơn gia trang. Họ không là kẻ thù của tao. Họ là kẻ tử thù của gia đình mày.

 

Nhưng có bao nhiêu người trong căn nhà này, trên đầm lầy này? Cảm giác bị theo dõi thật là bất an. Cái nhìn bám theo dai dẳng phía sau lưng, có những lúc, tao bất ngờ quay lại, tưởng bắt quả tang bà ấy đang nhìn mình. Nhưng bà già vẫn ngồi yên như vậy, cắm cúi làm việc, dường như không quan tâm gì đến sự hiện diện của kẻ khác. Cảm giác bị nhìn, bị biến thành vật thể, bị biến thành đối tượng cho một chủ thể khác là cơn ác mộng. Nhưng mọi thứ không chỉ dừng lại ở đây. Chủ thể đó là ai? Bạn hay thù? Có một kẻ thứ năm, cả tao và bà ấy, cả mày và Bắc đều lọt vào tầm quan sát của nó. Ở đây, trong thể bị động chúng ta là những kẻ thua thiệt. Họ là ai? Mình là ai, trong mắt họ?

Chắc tối hôm qua tao nhậu nhiều quá, cả ngày nay chập chờn. Con gà trống đứng bên bờ mương nhìn tao lom lom. Con gà kì dị chỉ có một chân. Tao hỏi Bắc, tại sao con gà chỉ có một chân. Con nhỏ xanh mặt, lắp bắp không thành tiếng: “Gà… gà nào… mà một chân”. Lúc tao quay sang, con gà bên bờ mương đã biến mất như từ lúc nào.

Mày cứ hỏi, tại sao người đàn bà đó lại định giết mày. Chứ không lẽ định giết tao? Tao có gây thù chuốc oán với ai đâu mà bị giết. Chuyện này không hay đâu. Con gái thiếu gì, sao cứ đâm đầu yêu nó. Quên mấy chuyện này đi, được không? Tán tỉnh chơi qua đường vậy là đủ rồi. Tao bận lắm, đang lo nối đường dây chuyển gỗ từ cao nguyên về đồng bằng. Tao lo tới phờ phạc, không có thời gian để yêu đương đâu, chỉ tập trung vô chuyện kiếm tiền. Làm sao để kiếm được thật nhiều tiền. Thật nhiều tiền. Thật nhiều tiền. Quên những chuyện nhảm nhí khác đi. Ờ, tao đang đánh hơi được mùi tiền bạc, Thủ Đức đang căng phồng ra cho tiền bạc tràn vô. Quên đi, ờ, quên cái chuyện tình tào lao, quên mấy cái kỷ niệm đời sinh viên nhỏ nhặt.

Mà, sao chớ? Vẫn cứ không quên được, đúng không? Bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu thăng trầm. Giờ đây ngồi bên máy tính gõ những dòng chữ này, con tim tao lại mềm yếu xôn xao.

Comments (15 total)

 

Duyên

Anh Pháp! Cô Hận, bà nội Bắc, bà lao công… chỉ là một người thôi, đúng không?

Còn Pháp sư? Thật sự anh là ai? Có liên quan gì tới những cái chết? Mà hình như, anh biết hết những người trong diễn đàn này? Trời Đất, lại có chuyện huyết hải thâm thù gì với anh Khánh nữa.

 

Pháp

Sao Duyên không tự hỏi mình là ai?

 

Duyên

Duyên chỉ là người tình cờ đi ngang qua Miền Hư Ảo, trong một phút dừng chân bỗng bàng hoàng nhận ra mình. Mình – của ngày xưa trong ngổn ngang kỷ niệm yêu thương và cay đắng.

Mà thôi, anh kể tiếp đi. Nhưng đừng kể theo kiểu độc thoại nội tâm với quá nhiều đối tượng, Duyên thấy khó theo dõi quá.

Pháp

Anh không tin, “Duyên chỉ là người tình cờ đi ngang qua Miền Hư Ảo”, chẳng lẽ vì tình cờ mà Duyên ở lại quá lâu trong diễn đàn này, chẳng lẽ vì tình cờ mà chọn tên Duyên.

Hồi đó, thằng Khánh yêu một cô sinh viên con gia đình sĩ quan cao cấp chế độ cũ. Chuyện tình dang dở làm thằng Khánh đau khổ tới bây giờ, không thể nào nguôi ngoai. Không biết người đó có phải là Duyên không?

 

Duyên

Hồi đó, Duyên yêu một anh sinh viên con gia đình cán bộ cao cấp chế độ mới. Chuyện tình dang dở làm Duyên đau khổ tới bây giờ, không thể nào nguôi ngoai. Không biết người đó có phải là anh Khánh không?

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát 

 

Pháp

Cảm ơn Duyên đã thẳng thắn trả lời và cóp tặng mấy câu thơ họ Đoàn :-) Để anh gửi qua cho thằng Khánh, nó về Cao Nguyên từ mấy tháng nay không thấy liên lạc. Anh mới ghé qua thăm blog của Duyên, chẳng thấy viết gì, chỉ có mấy tấm hình xứ tuyết trắng xoá, buồn thênh thang. Ờ, sao Duyên không tự kể chuyện tình của mình. Thời gian chưa đủ dài để tụi mình xoá bỏ hận thù và cảm thông cho nhau hay sao?

 

Duyên

Ba em chết thảm trong lao. Mẹ em vì đau khổ qua đời một năm sau đó. Ba anh Khánh cũng đã bất đắc kỳ tử. Những người thế hệ trước đã lần luợt ra đi, mang theo ân oán và thù hận. Cái còn lại cho tụi mình chỉ là niềm thương đau và mất mát.

Thời gian đã đủ dài để tha thứ cho nhau, nhưng quá dài để còn có cơ hội quay lại.

 

 

Vũ Văn Thung

Hê hê. Ban quản trị ngó lại dùm coi. Chơi gì kỳ vậy, chơi ngang phè phá luật kiểu này thì chơi với ai? Em Duyên đang là người trong mộng của tui tự nhiên rồi lỡ bước sang ngang với người khác, lãng một cái. Cha nội Khánh đang theo đuổi Hoài Bắc, sao lại lằng nhằng tình cảm với em Duyên? Sến gu Hàn quốc vừa thôi nghe.

Rồi tui cặp với ai mà viết tiếp đây? Tui không viết chay được đâu, phải yêu đương mặn mà mới có rung động sáng tác chớ.

(Ai thích thơ tình, mời qua blog tui thưởng thức nghen.)

 

 

Pháp

Gửi Thung:

Xin nhắc lại. Diễn đàn chỉ có một luật chơi duy nhất. “Người tham gia diễn đàn không được phép tiết lộ công khai trên mạng bất cứ “thông tin cá nhân” nào của chính bản thân, của các thành viên khác và của những nhân vật liên quan. Thông tin cá nhân bao gồm: tên thật, tuổi tác, niên học, địa chỉ nơi ở,  địa chỉ e-mail, số tel., chức vụ hiện tại, hình ảnh.”  Ngoài quy định này, các thành viên của diễn đàn không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì – kể cả yêu đương ảo :-)

Câu hỏi thứ nhì của Thung, xin trả lời như sau: Bắc là em cùng cha khác mẹ với Khánh. Trong suốt thời gian đóng kịch theo đuổi em Bắc, thằng Khánh – cũng như mẹ con cô Hận – đều biết rõ cuộc chơi và đối thủ của mình. Chỉ có Pháp Sư là… vô tư.

Gửi Duyên và các bạn:

Mình đang định viết tiếp một entry về vụ án mạng trên đầm nuôi đỉa, nhưng diễn dàn vừa có thêm một blogger mới, cái tên rất ngộ mà bài viết cũng ngộ. Mời mấy bạn kéo qua “M. blog” xem thử.

 

Vũ Văn Thung

Được rồi. Tui cặp với Thanh Mai viết tiếp. Dạo này cảm hứng ghê gớm, không viết là không được.

 

Thanh Mai

Thung@ á à…

Xin miễn. Ai mà chịu nổi.

 

Châu

Duyên @:

“Cái còn lại cho tụi mình chỉ là niềm thương đau và mất mát.”

và một mảnh sơn hà tơi tả nữa chứ :-)

Mình vừa về công tác ở đồng bằng sông Cửu Long, có dịp gặp lại nhiều bạn cũ. Rất vui. Các bạn vẫn đang thực hiện ước mơ của người kỹ sư nông nghiệp, đưa kiến thức về giúp đỡ bà con nông dân. Tuy nhiên các bạn ở những vùng sâu xa lại không có nhiều điều kiện tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Chúng ta có thể lập một diễn đàn trao đổi thông tin và kiến thức để giúp đỡ nhau. Các bạn nghĩ sao?

 

Thuý

Thuý ủng hộ Châu. Hiện thời Thuý đang làm việc với các chuyên gia thuỷ nông Hoà Lan trong chương trình chống nhiễm mặn vùng Duyên Hải. Bạn nào cần thông tin về thuỷ nông xin liên hệ Thuý. Nhờ ban quản trị chuyển địa chỉ mail dùm.

 

Phú

Các bạn! Mình vừa bò lên núi thăm Đặng Thị Sầu. Định chụp vài tấm hình chúa ngục (ngôn từ của Vũ Văn Thung) để hù bạn bè chơi, không ngờ chuyến đi để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Mình tới nông trường mía nhằm trúng mấy ngày vào vụ. Cả nông trường đang tất bật vận chuyển hom và xuống hom mía. Những cánh đồng mía vừa qua đợt rạch hàng bón lót, những cánh đồng bạt ngàn vượt qua tầm mắt, chạy suốt từ triền núi đá tới tận bờ sông xa tít mù.

Sầu bận rộn tối tăm mặt mày, một mình vất vả xoay trở giữa trăm ngàn khó khăn, giữa ngổn ngang công việc. Mình thương bạn mà không nỡ ra về, đành ở lại cho Sầu bóc lột sức lao động hai tuần.

Sầu vẫn như xưa, nhỏ nhắn và nghiêm nghị. Tụi con nít phạm nhân thân mật kêu Sầu là cô Sáu Sậu. Mấy đứa này nhìn qua đố ai biết tụi nó là loại tội phạm cướp của giết người không gớm tay. Sầu còn dặn mình, ban đêm nhớ khoá kỹ cửa phòng, đừng để ý tới những tiếng động bên ngoài, có nghe gì cũng đừng bước ra. Hè hè, chuyện dặn dò này hơi thừa, cả ngày làm việc như trâu, chạy ngược chạy xuôi hò hét khan cổ, buổi tối đặt lưng xuống là mình ngủ như chết. Súng bắn ngay bên lỗ tai cũng mặc kệ.

Lúc chia tay, mình nói vui với Sầu câu này:

“Sầu vẫn lý tưởng như hồi đó.”

Không ngờ Sầu trầm ngâm đáp:

“Bởi vì đánh mất lý tưởng và niềm tin mà mình phải bám vô một cái gì khác để tiếp tục sống, tiếp tục đi tới.”

Mình về lại thành phố, mang theo mãi bóng dáng nhỏ nhoi của Sầu chạy tất tả qua những cánh đồng khô. Lại nhớ câu nói ngày nào của Duyên: “Cuộc đời không cho thế hệ tụi mình nhiều sự chọn lựa.”

Một thế hệ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong đói nghèo và trưởng thành trong bất công.

Dẫu mất niềm tin, vẫn tiếp tục sống và tiếp tục đi tới.

 

Cảm động. Cảm động.

Thằng Phú thi sĩ ngày xưa chỉ biết làm thơ con cóc để đăng báo tường, tưởng như cả đời an phận cạo giấy và quét màn nhện trong viện nghiên cứu thổ tả, bỗng vì lên núi thỉnh kinh ba ngày mà được Thần Sầu giác ngộ. Nên nhớ, chụp hình đăng trên diễn đàn là phạm luật chơi. (Bên blog của Phú thi sĩ còn giữ rất nhiều bài thơ thời sinh viên cầm cuốc, ai thích thì qua đọc lại).

Phú @:

“Một thế hệ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong đói nghèo và trưởng thành trong bất công.”

Ê, Phú. Tao đọc câu này suýt nữa khóc rống lên. Đoạn trường!!! Ủa, mà tư tưởng này của mày hay chôm chỉa ở đâu ra?

Mày gửi riêng cho tao địa chỉ nông trường của Sầu đi, có dịp tao ghé qua xem có liên kết, đối tác hay giúp đỡ gì được không.

 

Phú

Ê Lũ mập! Hình như lớp mình có đứa nào mạnh tay chi viện cho Sầu. Tao thấy xe chở phân bón và thuốc trừ sâu vô nông trường nườm nượp. Hỏi Sầu, Sầu chỉ cười. Hiện nay nông trường đang muốn chuyển sang trồng lúa cạn vụ hè thu. Mày, hay đứa nào làm bên nghiên cứu giống, ráng tìm cho Sầu giống lúa ngắn ngày chịu hạn. Sầu dự định năm năm nữa, nông trường có thể tự túc lương thực.

Bạn nào muốn liên hệ với Sầu, mình gửi đường dẫn riêng.

 

Ê Phú! Tao vừa đọc bài mới bên M. blog xong, nhớ trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè quá xá. Mày qua đó đọc thử rồi làm mấy câu thơ tặng blogger M.

Đã liên lạc được với Sầu! Chuyện cô Sầu này có nhiều điều bí ẩn, tạm thời chưa thể công khai trên diễn đàn.

 

© Lưu Thủy Hương

© Đàn Chim Việt

Phản hồi