WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nguyễn Tường Tam Nhà chính trị- và sự thất bại của các đảng phái Quốc Gia[2]

Tiếp theo phần I

* Việc ông Nguyễn Tường Tam trốn vào tòa đại sứ Trung Hoa Quốc Gia

Nghi vấn sau cùng cho đến nay nhiều người còn chưa biết rõ ràng là tại sao ông NTT không bị bắt trong khi tất cả đám nhân sĩ thì lần lượt vào tù? Ngoài một số nhỏ quân nhân đã đào tẩu được sang Campuchia, hầu hết các người có tên tham dự đều bị bắt, trừ Nguyễn Tường Tam? Ông trốn ở đâu và tại sao ba năm tiếp theo, ông vẫn được để yên?

Bản thân NTT, ông hoàn toàn dấu kín chuyện này.

Theo Nhật Thịnh, trong Chân Dung Nhất Linh, ông viết:

Lúc đó Nhất Linh phải lánh mặt vào tòa đại sứ Trung Hoa ở Sài Gòn. Ít lâu sau, ông được linh mục Raymond de Jaegher, giám đốc ” Tự Do Thái Bình Dương” tại đây đứng ra bảo đảm để ông ra trình diện với nhà chức trách, ông được trả tự do để chờ ngày ra tòa xử “38

Trong Những Huyền Thoại& Sự Thật về chế đô Ngô Đình Diệm, Vĩnh Phúc theo lời kể lại của bác sĩ Trần Kim Tuyến đã trình bày cặn kẽ hơn như sau:

Bên công an nói rằng trong danh sách những chính khách và đoàn thể tham gia cuộc đảo chánh mà họ bắt được tại nhà ông Hoàng Cơ Thụy, có cả tên ông Nhất Linh. Tuy bác sĩ Trần Kim Tuyến bảo rằng khi đối chất, chính các vị đó nhìn nhận có tham gia với ông Hoàng Cơ Thụy thật. Nhưng người ta vẫn hoài nghi về cung cách làm việc của công an mật vụ. Song le, sự kiện Nhất Linh chạy vào tòa đại sứ Trung Hoa Quốc gia để tỵ nạn, là chứng cớ rõ ràng ông có dính líu líu vào cuộc đảo chính. Đó là lý do khiến những người am tường tình hình lúc đó phàn nàn rằng ông Nhất Linh thiếu thận trọng khi hợp tác với Hoàng Cơ Thụy. (nếu quả có sự hợp tác này),

Sau khi cuộc đảo chánh diễn ra, trong mấy ngày đầu, công an mật vụ vẫn chưa biết những ai dính líu và tham gia đảo chính, còn những ai không. Thế mà ông Nhất Linh lại chạy ngay vào tòa Đại sứ Trung Hoa khiến cho ông đại sứ Vương Tử Kiên lâm vào tình trạng khó xử. Không cho một bạn cùng phe Quốc Dân Đảng kỳ cựu tỵ nạn thì hẹp lượng quá. Mà chứa chấp ông Nhất Linh thì ông Lâm Tử Kiên lâm vào thế kẹt về mặt ngoại giao. Vì hồi đó Việt Nam Cộng Hòa và Trung Hoa Quốc Gia đang có liên hệ ngoại giao khá tốt đẹp, ông đại sứ không muốn cho mối giao hảo đó bị sứt mẻ.

Để có một lối thoát, ông Vương Tử Kiên bèn nhờ tới sự thu xếp của một đệ tam nhân vốn là chỗ quen biết. Đó là linh mục De Jeagher, gốc người Bỉ, thuộc dòng Tên, người hiền lành, từng hoạt động trong Phong Trào Á Châu Thái Bình Dương Chống Cộng, và đã từng ở bên Tầu lâu năm. Ông này cũng thường hay ra vào phủ Tổng thống VNCH. Hồi xưa, khi ông đang ở Tầu thì phe cộng sản chiếm Hoa Lục nên ông bỏ chạy sang Hồng Kông, rồi về sau sang Việt Nam. Đại sứ Vương Tử Kiên nhờ linh mục De Jeagher vào trình bày với tổng thống Ngô Đình Diệm về trường hợp của ông Nhất Linh và xin ý kiến ông Diệm xem phải giải quyết ra sao. Vì cuộc đảo chính mới xảy ra có một ngày nên chính hai ông Diệm- Nhu cũng chưa biết những ai dính líu, những ai không. Các chính khách kia mãi 2-3, có người 5 ngày sau mới bị bắt. Do đó, chỉ lúc nói chuyện với cha De Jeagher, ông Diệm mới biết rằng ông Nhất Linh chạy vào tòa đại sứ THQG. Ông Diệm bảo cha De Jeagher sang nói chuyện với ông Nhu. Ông Nhu cũng chẳng biết gì hơn, bèn gọi điện thoại cho bs Tuyến:

- Nghe nói ông Nguyễn Tường Tam chạy vào tòa đại sứ tầu đó. Ông Vương Tử Kiên nhờ cha De Jeagher vào nói. Toa xem thế nào.. Nếu không có gì thì bảo anh ta về đi, chứ làm gì gây chuyện khó xử …

Được lệnh của ông Nhu, ông Tuyến liền gọi cho công an, bảo xem có tài liệu gì về sự dính líu của của ông Nguyễn Tường Tam không. Công an bá cáo rằng có tên ông Nhất Linh trong truyền đơn ủng hộ đảo chính .. Vốn rất quý trọng Nhất Linh, nên ông Tuyến tìm cách đưa nhà văn về ngay. Trần Kim Tuyến nói với Vương Tử Kiên:

- Tôi xin bảo lãnh cho cho ông Nguyễn Tường Tam. Nhưng cho ông ấy về ngay thì sợ người ta sẽ thắc mắc, không hiểu vì sao có người bị bắt, có người không. Vậy cứ theo thủ tục thông thường mà làm: vì ông ấy đã chót chạy vào đây rồi thì cứ xin trao trả cho bên công an và tôi bảo đảm là không quá 48 tiếng đồng hồ, ông Nguyễn Tường Tam sẽ về nhà ..Tuy nhiên, vẫn phải qua bên Công an làm thủ tục, kẻo người ta bảo tại tôi quen với ông ấy nên tôi can thiệp ..

Và ông Nguyễn Tường Tam đã được công an đối xử lịch sự, rồi ra về sớm nhất. Dĩ nhiên ở bên Công an, họ phải bắt ông làm những tờ khai gì đó, theo đúng cách thức làm việc của họ “39

Câu chuyện tham gia gia đảo chính hụt của Nguyễn Tương Tam cho thấy thực sự ông đã dính dáng vào cuộc đảo chính qua việc ông chạy trốn vào tòa Đại sứ Trung Hoa Quốc Gia .

Có 35 nhân sĩ cùng tham gia đảo chính đã bị bắt và chỉ mình ông đã khôn khéo chạy trốn vào tòa đại sứ lánh nạn. Việc chạy trốn này đối với một lãnh tụ đứng hàng đầu xem ra không mấy tốt đẹp!! Đến độ những người đồng chí thân cận như Trương Bảo Sơn cũng không biết gì và đoán mò về việc được thả của Nguyễn Tường Tam!

Và cũng không lạ gì những người quý mến Nguyễn Tường Tam cũng không muốn nhắc tới chuyện này.

Riêng về bản cáo trạng của Nguyễn Tường Tam đã được luật sư Dương Kiền, chồng của bà Trương Kim Anh cho in lại cho thấy ông đã NTT phủi tay và đổ vấy trách nhiệm cho các đồng chí của ông như Phan Khắc Sửu, Nguyễn Thành Vinh . Những người này thì lại coi như ông là người chủ mưu? Xin tóm lược một vài điểm quan trọng như sau:

- Tôi không bao giờ trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào mưu toan đảo chính ngày 11-11-1960-

- Sáng ngày 12-11, người nhà tôi mua báo “Sài Gòn Mới” để xem thì tôi rất ngạc nhiên thấy có tên trong cột báo và lại có cả tên ông Phan Khắc Sửu, Nguyễn Xuân Chữ, Phan Huy Quát, Nguyễn Đăng Quế.

- Như tôi đã khai, trong những ngày có biến cố, tôi không tiếp xúc với ai. Tôi cũng không bao giờ gặp những người có tên Nguyễn Đình Nghi, Nguyễn Chữ, Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Tường Ninh tại nhà tôi.

- Tôi không bao giờ đến nhà ông Phan Khắc Sửu và cũng không nhận lãnh ấn loát và phổ biến truyền đơn.

-Tôi được biết bác sĩ Phan Quang Đán khoảng 1945-1946. Hồi ấy tôi đã ngưng mọi hoạt động chính trị từ 1948 và đã tuyên bố trên các báo ở Hồng Kông, Ấn Độ và Hà Nội . Vì vậy, tôi không bao giờ thành lập hoặc thảo luận với bất cứ ai thành lập “Mặt Trận Quốc Dân Đoàn kết”.

Trong khẩu cung ở Dự thẩm quân sự đặc biệt lời khai ghi:

- Đương sự là người sáng lập và lãnh đạo và lãnh đạo Mặt Trận này. Y phủ nhận tất cả tội trạng của y, nhưng theo lời khai của bị can như Phan Khắc Sửu, Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Phúc Vĩnh Lợi thì chính đương sự đã thảo truyền đơn của Mặt Trận từ từ 4 giờ chiều ngày 10-11-60 và đã

Truyền đơn của mặt trận này ra sớm nhất vì đã được y chuẩn bị từ trước.40

Viết xong những dòng này, tôi cảm thấy có sự đối chọi chan chát giữa cái thanh cao và tầm thường, giữa lý tưởng và thực tế, giữa con người thực và con người giả…Ai có thể chọn lựa cho đúng con người thật của Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam?

* Nhận định tổng quát về sự thất bại của các đảng phái chính trị ở miền Nam và những hành trạng về con người và cơ hội bị bỏ lỡ của ông NTT

Nhận xét về các đảng phái Quốc gia, xin ghi lại ở đây một số nhận xét của các chính trị gia thuộc đảng phái với tư cách những người trong cuộc. Và sau đây là lời phê phán thẳng thừng và nặng nề của luật sư Trần Văn Tuyên dành cho nhóm Quốc Dân Đảng của Nguyễn Tường Tam :

“Từ khi Việt Nam có những tổ chức chánh trị kiểu mới- 1927 tới nay- trừ đảng cộng sản thành công nắm chánh quyền từ 1945- các đảng phái chánh trị” không cộng sản”chưa hề có dịp gánh trách nhiệm chánh quyền và hưởng phần”xôi thịt”.

Năm 1946, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Cách mạng Đồng Minh Hội đã nhận tham dự chánh phủ liên hiệp Kháng chiến (thực ra được Việt Minh tạo ra để đầu hàng Pháp).

Trong ba tháng”quyền rơm vạ đá”này, không có xôi thịt gì mà hưởng.Trái lại họ đã phải trả rất đắt việc cộng tác với Việt Minh dựa thế Pháp giết hại và một mặt mất chánh nghĩa chống Pháp, vì không còn thế, còn sức lãnh đạo kháng chiến chống Pháp.

Dưới chế độ Bảo Đại, Đại Việt Quốc dân Đảng mang tiếng là thao túng quyền hành ở Bắc Việt khoảng năm 1949-1953, nhưng thực ra chính quyền Nguyễn Hữu Trí và những người được gọi là “Đại Việt quan lại” thực ra không phải là Đại Việt mà chỉ là cảm tình viên của Đại Việt .

Trong thời kỳ ông Ngô Đình Diệm cầm quyền, số phận các chánh đảng chân chánh là máu lệ, tù đầy, ” xôi” là gạo mốc, ” thịt ” là cá thối trong các tù ngục và trại tập trung rải rác trên toàn quốc .

Còn cao lương mỹ vị là độc quyền của cả gia đình họ Ngô và tay sai (đoàn thể hay cá nhân).41

Thất bại chính trị của Nguyễn Tường Tam đi đôi với sự thất bại của các đảng phái chính trị. Nó không phải là thứ thất bại dành riêng cho một cá nhân nào mà của tất cả các đảng phái từ 1930 đến 1975.

Đảng phái Quốc gia đã không đóng nổi vai trò lịch sử của mình trước thời cuộc. Quan trọng nhất là trước 1954, rồi mới đến sau 1954 tại miền Nam. Sau đây là một vài nguyên nhân thường được mọi người nói tới:

- Đảng phái Quốc Gia đã để mất cơ hội bằng vàng khi Nhật đầu hàng và khi chính phủ Trần Trọng Kim từ chức và để rồi rơi vào tay Việt Minh. Và không có thể trách ai được . Ngoại trừ trách chính mình.

- Đã thất bại nhục nhã, tan hàng, mỗi người chạy trốn một nơi và coi như bị loại ra khỏi chính trường Việt Nam khi có chiến tranh Việt Pháp. Hình ảnh tan hàng này nó giống như một đàn bò rừng cả vài chục con đang chạy thục mạng vì bị vài con chó sói săn đuổi. Chỉ vì bò rừng không biết tụ lại với nhau và để cho năm ba con chó sói mà sức nặng chỉ bằng một phần mười bò rừng cắn tỉa từng con một để sâu xé thịt..

Đối với bò rừng là không biết tụ lại. Đối với các đảng phái quốc gia vì không biết đoàn kết vì chia rẽ. Chó sói là cộng sản tinh ma, khôn khéo đã xẻ thịt các đảng phái Quốc Gia..

Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ đã có nhận xét mỉa mai sau đây:

Khi quân tầu rút về nước, Việt Minh thẳng tay tiêu diệt các đảng phái Quốc Gia . Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội bị Việt cộng đẩy lui sang bên kia biên giới Trung Hoa . Đại Việt Quốc Dân Đảng và Đảng Đại Việt Duy Dân cũng bị tiêu diệt”42

Trần Tuấn Nhậm trong bài viết: Bộ mặt thực của chính đảng tại Việt Nam cũng viết :

Tuy nhiên sau mùa thu 1945, khi quốc gia thu hồi độc lập thì những đảng phái này đã không nắm được vai trò lãnh đạo, đã bị loại một cách nhục nhã ra khỏi chiến trường Việt Nam “43

- Không có mục tiêu, đường hướng rõ rệt, chỉ chạy theo thời cơ và trục lợi. Chỉ nghĩ tới xôi thịt như lời luật sư Trần Văn Tuyên.

Đảng phái Quốc Gia không phân biệt được giai đoạn trước 1954 là chống Pháp, chống Việt Minh .. Sau năm 1954 thì chống cái gì? Chống một chính quyền hợp pháp, hợp hiến bằng bạo lực và thừa cơ hội chỉ để cướp chính quyền?

-Phân hóa và chia rẽ đến cùng cực .. Càng chia rẽ, càng phân mảnh, càng thêm nhiều đảng. Chỉ cần một nhóm nhỏ cũng thành một đảng. Tác giả Trần Nhã Nguyên trong cuốn Lịc Sử Việt nam 1940- 2007 đã viết như sau:

Mấy trăm đảng phái Quốc Gia, nhưng chia rẽ .. Từ sau 1964 đến 30-4-19075, Sử gọi là thời lạm phát đảng (..).

Từ 1964,Việt Nam Quốc Dân Đảng chia ra 10 hệ phái. Đại Việt Quốc Dân Đảng chia ra 5 hệ phái, Việt nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội chia ra hai hệ phái (phái Nguyễn Đăng Thục, phái Nguyễn Đăng Đệ) Đại Việt Duy Dân chia thành 3 nhóm( Nhóm Lê Quang Luật,nhóm Nguyễn Xuân Chữ, nhóm Thái Lăng Nghiêm)…44

Sự chia rẽ nội bộ ấy xảy ra ngay trong nội bộ đảng phái của ông Nguyễn Tường Tam trong lúc lưu vong. Đó là sự tranh chấp quyền hành, tranh cái danh hão như lời kể lại của ông Trương Bảo Sơn:

Việc thứ ba nói ra thật buồn cho tôi. Căn lều vách ván, chơi vơi giữa ngọn núi ở Happy Valley cũng là nơi chi bộ Hồng Kông của VNQDĐ tổ chức cuộc họp mặt giữa hai ông Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh, người tôi vẫn coi như thần tượng cách mạng của tôi với hy vọng dàn hòa hai đại lãnh tụ này của mình, nhưng đã thất bại vì sự ngoan cố của một người đặt vấn đề tiên quyếtn là” có chấp nhận ông ta làm bí thư trưởng tức Tổng Thư Ký của Đảng” mới bàn sang vấn đề khác . Điều tiên quyết này không thể chấp nhận được vì toàn ban chấp hành Trung Ương Đảng ở trong và ngoài nước trong số có cả ông Vũ Hồng Khanh đã chấp thuận và ký biểu quyết cử ông Phan Trâm tức bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ làm Tổng thư ký .. Một mình ông Tam không thể tự ý chấp nhận ông Vũ giữ chức vụ bí thư trưởng được. Thế là từ đó sinh xuất ra hai phe, phe ông Vũ và phe ông Tam trong VNQDĐ. Chi bộ Hồng Kông cũng chia thành hai phe, mỗi phe theo một ông, bất cộng tác cho tới ngày hai ông hóa người thiên cổ.”45

Theo ông Trần Văn Tuyên có bốn thành kiến đối với đảng phái là: Quá nhiều đảng, đảng thường là xôi thịt, đảng chia rẽ và cuối cùng là bất lực.

Đảng nào thực sự không có bốn cái tội tổ tông này?

Đó là thứ đảng phải tiêu biểu cho tầng lớp trí thức, thành thị. Nó không đại diện cho ai vì là thiểu số. Nó không nhằm “tranh cử” bằng lá phiếu dân chủ, nhưng nhằm “chia ghế” trong chính phủ đang cầm quyền và nếu không được thì bạo động cướp chính quyền.

Thật vậy thời đệ nhất cộng hòa có những đảng sau đây nhằm cướp chính quyền là:

-Ở miền Tây, Đại Việt Quốc Dân đảng hợp tác với Hòa hảo lập chiến khu ở Châu Đốc, Long Xuyên bị chính quyền dẹp tan.

-Ở miền Trung, Đại Việt Quốc Dân Đảng cũng lập chiến khu ở Ba-Lòng (Quảng Trị) do ông Nguyễn Văn Thành chỉ huy lực lượng võ trang. Hà Thúc Ký điều khiển về chính trị. Ba Lòng cũng bị chính quyền dẹp tan.

-Ngay từ năm 1956, Việt Quốc cũng đã lập chiến khu chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm.

-Năm 1957, đảng Nhân Dân Việt Nam nổi lên chống chính quyền và bị bắt giam ở Phú Lâm.

- Năm 1958, các ông Nguyễn Văn Lực và Nguyễn Xuân Tiếu (Việt Quốc ly khai) đứng ra lập Lực Lượng cách mạng thống nhất âm mưu đảo chính, nhưng bị lộ và một số bị bắt giam.

- Cũng năm 1958, đảng Dân Chủ Tự Do tiến bộ do Phan Quang Đán làm Tổng thư ký với các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Văn, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Hương, Trần Văn Lý, Phan Huy Quát ( thường được gọi là nhóm Caravelle).

- Năm 1960 lại đến lượt Nguyễn Tường Tam cùng với Phan Quang Đán,Trần Văn Lý lập Mặt trận Quốc Gia đoàn kết để lật chính phủ vào ngày 11-11-1960.

- Ngày 27 tháng 2- 1962, ông Nguyễn Văn Lực lại âm mưu với con là thiếu úy Nguyễn Văn Cử và bạn của cử là trung úy Phạm Phú Quốc bỏ bom Dinh Độc Lập. Cuộc bỏ bom dinh độc lập đã không đem lại kết quả mong muốn.46

Ông Nguyễn Văn Lực, thân phụ phi công Nguyễn Văn Cử người bỏ bom dinh Độc lập ngày 27-2-62 khi nói chuyện với đại tá Đỗ Mậu đã đanh thép coi chế độ miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa như những kẻ thù cần tiêu diệt trước khi tiêu diệt cộng sản:

Nếu cuộc ném bom thành công, tiêu diệt được vợ chồng Ngô Đình Nhu thì một trong hai trường hợp có thể xảy ra:

-Một là ông Diệm sẽ vì mất em ruột, cánh tay mặt chính trị mà ông phải nương dựa nên buồn phiền tự ý bỏ đi.

- Hai là ông ta sẽ được người Mỹ khuyến cáo, tiếp tục lãnh đạo Quốc gia trong tư thế lâm thời…47

Theo tác giả A . J. Languth thì ông Nguyễn Văn Lực đã bị bắt vì có hành vi chống chính phủ, nhưng đã được ông Ngô Đình Diệm ra lệnh cho ông Trần Kim Tuyến thả vì ông Lực là người quốc gia, từng bị Việt Minh cộng sản bắt tù tại miền Bắc”.48

Nhưng có thể ông Nguyễn Văn Lực vẫn mang nỗi hận thù oán nên đã tìm cách tiêu diệt Ông Diệm- Nhu.

Luật sư Trần Văn Tuyên, một người cũng của đảng phái đã phải dùng những từ rất nặng để nói về đảng phái trong bài viết: Thực trạng các đảng phái Quốc Gia Việt Nam hiện nay, Đảng phái trước thời cuộc , ông viết :

“Danh từ “đảng phái” thường gợi lên trong trí não mọi người những thành kiến chống đối, khinh miệt, những hành vi tai hại hay bỉ ổi của những nhóm”, những “bè”, những ” khóm”, những “bọn” những “phe”, những “đảng” múa may, quay cuồng trên vũ trường chính trị Việt Nam trong mấy chục năm qua, lợi dụng tình thế rối ren, làm tay sai cho ngoại bang hay phụng sự chính quyền để cầu vinh trục lợi, áp bức bóc lột nhân dân”.49

Nguyễn Khắc Ngữ trong bài viết : Thực chất của các đảng phái chính trị ở Việt Nam đã phải kêu lên rằng: “Chưa bao giờ nước Việt Nam ta lại có nhiều đoàn thể chính trị như lúc này và có lẽ ít nước nào có nhiều đảng phái bằng nước ta”50

Sự thất bại của các đảng phái chính trị trong đó có NTT đã đến lúc cần can đảm nhìn nhận. Ai cũng thấy rằng các đảng phái Quốc Gia đã thất bại liên tiếp về quân sự, chính trị, xã hội từ thời thực dân, qua thời chiến tranh Việt Pháp, đến thời chế độ Ngô Đình Diệm. Không những chỉ thất bại đi đến chỗ phá sản, sa đọa đến nỗi chữ đảng phái chỉ còn nghĩa chia rẽ, thối nát, làm cho dân chúng chán ghét.

Bất luận ông NTT là người như thế nào, thử hỏi từ ngày tham gia thành lập Đảng cho đến khi chết, ông NTT và các đảng của ông đã làm được điều gì cụ thể và tích cực thành công cho quốc gia, dân tộc?

Phần ông Nguyễn Văn Lực là người ” vừa đánh trống, vừa ăn cướp” khi trong Tuyên Ngôn của Lực Lượng Cách Mạng Thống Nhất, Sài gòn 1963, ông đã viết như sau: Hai chữ đảng phái có chứa đựng cái gì xấu xa, quái gở, gớm ghiếc, có cái gì chết chóc ở trong, nghe ghê ghê, ít ai muốn gần, sợ có gì nguy hiểm” 51

Chính ông xúi dục con trai ông đi bỏ bom Dinh Độc Lập để tiêu diệt vợ chồng ông Ngô Đình Nhu lại có thể viết những dòng tự tố cáo mình như trên.

Tất cả những nhận xét trên đây vê thực chất đảng phái Việt Nam phần lớn đều do nhũng người lãnh đạo, những người từ trong cuộc nói ra cả.

Và số phận của những người làm chính trị đảng phái phía Quốc Gia thường rơi vào hai trường hợp: Hoặc trở thành những con người bất lực trước thời cuộc, chờ thời, chịu bó tay đôi khi trở thành vô dụng, cô đơn, trở thành nhà “chính trị, nhà cách mạng” cô độc, có tiếng mà không có miếng.

Nếu không giữ được nhân cách thì ngược lại rất có thể trở thành sa đọa, một thứ đầu cơ chính trị, một thứ con buôn và tệ hơn nữa một thứ lưu manh chính trị.

Về mặt lý tưởng và mặt nguyên tắc, đạo đức cách mạng phải đi đôi với bất cứ cuộc cách mạng nào. Không có đạo đức thì bạo lực giết chết đạo đức con người. Nó sẽ nhân danh cong người giết chết con người . Nó dùng bạo lực trả lời cho bạo lực.

Nhưng nếu không biết xử dụng đúng mức bạo lực thì luân lý đạo đức trở thành bất lực. Gandhi là người duy nhất cùng lúc dung hòa được sức mạnh của bạo lực và sức mạnh tinh thần.

Trong tất cả các lãnh tụ đảng phái quốc gia đều thiếu hai đức tính cơ bản của một người làm cách mạng sau đây:

- Thứ nhất, họ phải biết BẤT NHẪN trước những bất công, những chà đạp lên con người .. Đó là xét ở bình diện NHẬN THỨC.

- Thứ đến, họ phải biết lên tiếng TỐ CÁO. Đó là ở bình diện TRANH ĐẤU.

- Thứ ba, họ cần biết xử dụng sức mạnh của quần chúng. Tất cả các cuộc ngoài cuộc. Riêng biến động Phật giáo 1963 là một phong trào chủ yếu là giới Phật tử miền Trung mà sự tham dự của đảng phái chỉ là phụ trợ.bạo động tại miền Nam đều thiếu vắng quần chúng nói chung. Dân chúng thờ ơ và bàng quang như người

Vì các đảng phái xử dụng bạo lực là chính yếu nên khi thất bại thì tất cả những nhà chính trị đi làm cách mạng trở thành những kẻ phản động .( Réactionnaires) theo nghĩa được làm vua thua làm giặc.

Riêng trường hợp Nguyễn Tường Tam là một người không có duyên với chính trị, vì ông không nắm được thời cơ nên đã để lỡ nhiều cơ hội. (Đúng ra là thiếu viễn kiến chính trị). Ông còn là loại người chính trị thiếu nhạy bén chính trị, “cố chấp” (intransigeant) nên không thể tìm được những thỏa thuận( compromis) trong một xã hội hợp quần (société inclusive)) .. Cho nên ông đi tới cùng của mục đích và đi tới điều mà tôi gọi là cực đoan tuyệt vọng. (Extrémiste désespéré). Cuối cùng ông không có đường lùi, ông mang chính cái chết ra như sự trả giá và đánh cuộc với thời cuộc. Vì chính bản thân ông thì bệnh tật và tinh thần thì suy nhược trầm trọng nên cái chết là một giải pháp dễ dãi và thanh thoát nhất cho ông.

* Con người Nguyễn Tường Tam và những cơ hội b b l

Con người thật của NL-NTT đã bị huyễn hoặc và che đậy nhiều. Những điều khen tụng chưa hẳn là sự thật ..Những danh xưng được dùng để ám chỉ ông chỉ là mặt diện của một con người thật sự đã suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Đúng và phản ánh trung thực thì ít, không thật lại chiếm phần lớn. Sự che dấu tình trạng bệnh tật thể xác cũng như tinh thần hoặc huyền thoại hóa những hoạt động chính trị của ông bằng những ngôn ngữ thời thượng quen thuộc như lãnh tụ, nhà cách mạng, nhà chiến sĩ vv, đôi khi có kết quả tốt truyền miệng mà ai nói khác đi thì không được.

Như Vũ Ngự Chiêu nhận xét chung về các người làm chính trị đảng phái:

“Hội đoàn lan mọc như nấm. Năm ba, vài chục người cũng có thể lập nên một đảng hay mặt trận . Bảng hệu quốc cấm ” Hội kín” ” cách mạng” hay ” làm chính trị” trở thành một thứ thời trang”52

Con người của Nhất Linh vốn được coi là người rất tôn trọng sự thật. Vậy mà chính cuộc đời ấy lại bị người đời khoác nhiều thứ hào quang không thật. Có thể nhà văn Vũ Bằng- một nhà văn đồng thời với NL đã vén màn cho thấy con người thật NL như thế nào? Trong một bài viết tưởng niệm về Nhất Linh với nhan đề: Nguyễn Tường Tam, một nhà văn “đa bất mãn hoài”, ông Vũ Bằng đã viết như sau:

“Nguyễn Tường Tam người gầy, hơi cao, đi đứng khoan thai, từ tốn; thoạt trông ai cũng tưởng anh là một người nhàn nhã, phong lưu. Thực ra, anh không phải là một người sung sướng, nhàn nhã như người ta vẫn tưởng, nhưng là một người “đa bất mãn hoài”, nuôi cao vọng mà không đạt được phần nào; thêm nữa lại mang một thứ bệnh thần kinh (neurasthénie) luôn luôn ở trong người nên ngày vui tương đối ít. Nhưng anh là một người cương quyết và có ý chí Nguyễn Tường Tam bắt đầu ghiền rượu và hút nhiều thuốc lá đen từ đó, nhưng cũng từ đó bệnh neurasthénie của anh nặng hơn lên. Đến lúc vào Nam, bệnh của anh đã vào thời kỳ nặng, mặc dù anh vẫn ði lại, viết lách nhý thýờng. Bởi vì anh có những phút sáng suốt nhưng thường một ngày, có nhiều lúc đã nói năng lẫn lộn một cách nặng gấp mười, gấp hai mươi lần nằm thổi saxophone ở một cái đồn điền nọ tại Vĩnh Yên. Chính trong thời kỳ “tái xuất giang hồ” làng báo ở miền Nam, có người đã thấy Nguyễn Tường Tam lúc như si, như dại. Người ta thuật rằng có một lần có anh bạn rất thân tìm anh để báo cho anh biết một người thân của anh mới qua đời. Nguyễn Tường Tam thản nhiên trả lời: “Chết bỏ!” rồi nằm nhìn lên xà nhà, mở mắt trừng trừng, không nói năng gì thêm nữa. Là vì Nguyễn Tường Tam đã bị sai lệch về thần kinh, sau này lại uống rượu nhiều quá độ, ai cũng sợ có một ngày nào đó anh bị trúng phong mà khuỵu xuống một cách bất kỳ, bất đắc. Thêm vào đó, các tay nhậu nhẹt lại có kinh nghiệm này: phàm những người uống rượu nhiều mà nói nhiều, chỉ ba hoa tợn chớ ít khi có những cử chỉ, hành vi đáng tiếc hay ghê gớm; trái lại, những người uống nhiều mà cứ lì ra không nói thường hay có những quyết định khác thường, đáng sợ và vô phương cứu vãn”53
Bệnh tật thể xác cũng như tinh thần theo đuổi suốt cuộc đời nhà văn Nhất Linh. Ngay từ năm 1954, Nguyễn Ngu Í đến gặp Nhất Linh để thực hiện một cuộc phỏng vấn ở Sài Gòn đã viết:

Nhớ lại bức ảnh in trong một cuốn sách Đời Nay trước kia, so với ông Nhất Linh bây giờ trước mặt mình, Ngu Í ” bùi ngùi vô hạn . Anh dường như yếu nhiều và chẳng những tay anh hơi run, mà phía dưới hai gò má anh cũng giựt lia, giọng anh liu líu, hơi nói chẳng đuọc dài. Và cả người anh một cái gì mệt mỏi, chán chường”. Run rẩy, giật lia, liu líu vv..Bùi ngùi vô hạn là phải….54

Ở một chỗ nào đó tôi đã đọc khi thân mẫu Nhất Linh qua đời, người ta phải vực Nhất Linh đưa ông đến trước quan tài. Thời gian đó chỉ trước ngày ông tự tử không lâu.

Tuổi đời của ông vào năm 1955 là 49- tuổi được coi là trưởng thành và đầy nghị lực thì ông xuất hiện như một ông già bạc nhược, run rảy, giọng nói líu lưỡi không ra tiếng.

Một con người với sự bất mãn kinh niên-bất mãn tất cả- trông mệt nhọc, chán đời như một cụ già. Nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thần kinh bạc nhược nặng. Ngay từ khi trú ẩn ở Hồng Kông, nhiều khi ông nằm bệt một chỗ cả 10, 15 ngày, không nói năng, không ra ngoài.

Uống rượu chỉ để quên, để dỗ giấc ngủ. Cuộc sống nội tâm chắc có nhiều uẩn khúc không nói ra được thành nỗi buồn phiền nặng chĩu.

Một người như thế, chỉ với cái bề ngoài như thế, có thể được coi là người bình thường được không?

Vậy mà không thiếu người vì yêu quý ông, hoặc vì lý do thầm kín nào khác, cứ nhất định bắt ông phải sống kiếp người hùng, người chính trị khôn ngoan cương cường, nhà cách mạng lý tưởng – Một người ” khỏe mạnh”, tinh thần kháng kiện bất kể những ý kiến của giới y khoa bác sĩ, giới bạn bè thân quen của ông coi ông là một người bệnh hoạn cả tinh thần lẫn thể xác.

Tính nết ông cao ngạo – ngay cả những người như Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần cũng bị ông coi thường thì còn ai khác nữa? Ừ thì Nguyễn Hải Thần có thể bị coi  thường, nhưng còn Hồ Chí Minh, không lẽ cũng đáng vứt sọt rác sao? Ông ghét ai, ghét tới cùng như trường hợp Vũ Trọng Phụng. Và có thể cả trường hợp Ngô Đình Diệm?

Tôi không tin là một người làm chính trị thành công lại có thể coi thường các địch thủ của mình như vậy!!!

* Nguyễn Tường Tam và những cơ hội bị bỏ lỡ

Một người làm chính trị có viễn kiến, có quyền biến thì không thể không nhìn xa, chụp bắt được các cơ hội để thành công? Nói như thế thì NTT đã bỏ lỡ nhiều dịp.

Thật vậy, người ta không thấy sự có mặt của NTT trong những biến cố chính trị lớn xảy ra từ chiến tranh 1939-1945, nhất là thời cơ “chín mùi” sau thế chiến thứ hai.

Câu hỏi căn thiết ở đây là NTT ở đâu trong những năm tháng quan trọng ấy?

Năm 1945, khi Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương bằng chiến dịch Meigo vào 09/3/1945? Ông không có mặt ở Hà Nội, không có mặt trong chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt Quốc dân vào ngày 17/4/1945?

15/8. Ngày Nhật đầu hàng, ông đang ở đâu, làm gì để đáp lại những đòi hỏi của tình thế? Đây là “thời cơ vàng” của người làm chính trị để nắm chính quyền.

Khi chính phủ thân Nhật của ông TTK từ chức ngày 25/8/1945 lại một lần nữa cơ hội đến tay !! Ai nhanh tay thì người ấy được.

Vì thế không lạ gì Việt Minh một mình nắm chính quyền.

Cờ vàng quẻ ly từ từ hạ xuống

Cờ đỏ sao vàng được kéo lên

Việt Minh biết lợi dụng tình thế, khi thỏa hiệp thì thỏa hiệp, khi cần nhượng bộ thì nhượng bộ và họ đã nắm chính quyền trong tay trước sự “bó tay” của các đảng phái Quốc Gia.

Khi cần các lãnh tụ Quốc Gia về thì họ về trễ, khi cần họ ở lại thì họ lại chuồn sớm. Về trễ, chuồn sớm là trách nhiệm của họ trước lịch sử.

Vì thế, ông NTT mới có lời phân bua sau đây gửi các người đồng chí của ông, ông Hiếu Chân, đồng thời đổ trách nhiệm cho chính phủ TTK bất lực.

“Riêng tôi cũng biết rõ như thế nhưng xin các đồng chí xét rộng ra mới hiểu nỗi khổ tâm của chúng tôi. Những người cộng sản đã mau tay cướp được chính quyền, trong việc này họ đã được lợi thế rất nhiều vì sự nhu nhược thiển cận của chính quyền Trần Trọng Kim cũng như sự phò trợ gián tiếp của bọn cầm quyền quân sự của Nhật ở đây sau ngày đình chiến. Sau này họ lại mua chuộc được bọn tướng lĩnh Tàu và ngầm kết liên với bọn thực dân Pháp. Tinh thần dân chúng cũng như cán bộ ta tuy có cao nhưng nếu cuộc tranh đấu đi đến nội chiến thì máu đồng bào ta và cán bộ ta sẽ phải chảy rất nhiều, hậu quả tai hại không biết thế nào mà lường được, nhất là dân tộc ta đã phải trải qua bao thảm hoạ chiến tranh, nào bom đạn Đồng minh, nào bệnh tật, nào nạn đói năm ngoái. Bởi vậy tranh đấu quyết liệt, chúng ta lúc nào cũng phải nghĩ đến nhân dân đồng bào. Sự ký kết này cũng có những lý do của nó, xin đồng chí hiểu cho.”55

Bài viết trên đượccho biết là bản thảo viết tay của nhà văn Hiếu Chân. Nội dung lá thư đổ lỗi cho chính phủ TTK bất lực, lên án Việt Minh mượn tay Nhật, rồi Trung Hoa Dân Quốc rồi cuối cùng thỏa hiệp với Pháp.

Nội dung lá thư cho thấy NTT và Việt Nam Quốc Dân đảng “đứng ngoài” tất cả những biến động đó một cách thụ động?

Việc trách cứ chính phủ Trần Trọng Kim có thể đúng mà có thể sai. Thật ra trong suốt thời gian từ tháng 3 đến tháng 8, chính phủ Trần Trọng Kim đã chầu chực Nhật, đã năm lần bảy lượt, Nhật vẫn không trao trả hoàn toàn độc lập cho VN. Cho đến ngày 14 tháng 8, ngày Nhật chịu đầu hàng không điều kiện, chính ngày đó Đặc sứ Yokoyama mới chịu trả Nam Kỳ.

Việc trao trả như thế thật đã quá trễ.

Ký giả Nguyễn Kỳ Nam viết về giai đoạn này như sau: Vẫn chưa chịu buông V.N?

“Ấy vậy từ 9 tháng 3 tới 9 tháng 8, đúng 5 tháng, tại sao nhật không chịu buông VN. Từ bại trận này đến bại trận khác, không một chút hy vọng nào đảo ngược tình thế, Nhựt quyết giữ Đông Dương như một thuộc địa, đủ chứng minh”.” Sự không thành thật giải thoát các dân tộc bị áp bức” .

Trong 5 tháng, Nhựt có bao nhiêu cơ hội để trả lại độc lập cho VN đâu đến ngày đầu hàng không điều kiện? Thế mà họ vẫn giữ Nam Kỳ cho đến giờ chót: ngày 14 tháng 8 là ngày Nhựt “chịu đầu hàng không điều kiện”? Chính ngày đó, đặc sứ Yokoyama mới chịu trả Nam Kỳ .”56

Và việc gì xảy ra đã xảy ra, những ngày rất quan trọng đánh dấu khúc quanh lịch sử VN đã diễn ra trước sự bất lực của chính phủ Trần Trọng Kim lẫn các đảng phái quốc gia. Trách TTK thật ra là nên tự trách mình.

Ngày 19/08/1945 Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội. Và ngày 02/09/1945, ngày HCM đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ông NTT ở đâu?

Những giờ phút quan trọng nhất của lịch sử, những cơ may cần có mặt thì NTT đã không có mặt. Nhiều người trong đó có Đoàn Thêm trách việc NTT đã về Hà Nội quá trễ. Lời trách cứ ấy là có cơ sở.

Chưa kể thời gian ông trốn ra ngoại quốc lánh nạn, lấy cớ đi hoạt động Cách mạng đã có bao nhiêu đảng viên của ông bị Việt Minh Cộng sản sát hại vì kẹt lại ở trong nước. Con số nạn nhân có thể lên đến trên ngàn người .. Quốc Dân Đảng giết được một người của Việt Minh thì Việt Minh giết trăm.

Căn cứ vào vô số tài liệu hiện nay như Hồi ký 1925-1964 của Nguyễn Kỳ Nam, Tiếng súng trừ gian của Bình Sơn, Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp Từ Nhân Dân mà ra vv.. cho thấy đảng cộng sản VN đã ám sát thanh trừng các đảng viên các đảng phái Quốc Gia. Những kẻ theo Nhật, theo Pháp đều bị chung số phận.

Số phận họ có gắn với nghiệp dĩ làm chính trị, từng là đồng chí với NTT hay không?

Vũ Khắc Khoan trong một dịp nói chuyện với Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam về việc làm chính trị của ông. NL-NTT đã trả lời là ông không làm chính trị. Vũ Khắc Khoan trả lời vậy mà có nhiều người liên lụy chỉ vì ông mà họ đã bị giết, bị tù tội! Nguyễn Tường Tam đã im lặng không trả lời và để rơi vài giọt lệ.

Một số những kẻ bị giết đó, một phần là lãnh đạo Đại Việt theo Nhật được coi là những kẻ cộng tác với địch và phần còn lại những thành phần khác được coi là phản quốc vì là tay sai cho Nhật hay Pháp mà dân chúng cũng biết. Họ xếp chung tất cả lại và sát hại Đại Việt nhất là ở Hưng Yên, ở Hà Đông. Nhưng tiếc thay việc hạ sát hại đó một cách nào đó lại được lòng dân chúng.

Sau các cuộc sát hại này, Đại Việt hầu như tan biến.

Thất bại ở Việt Nam, các lãnh tụ Quốc Dân Đảng tính chuyện xây dựng đảng tại nước Tầu thì thật là một công việc “không tưởng”.Trong nước không xây dựng lực lượng đảng thì lấy gì để “tái cơ cấu tổ chức” ở ngoại quốc?

Vậy mà việc trốn ra ngoại quốc trước hết là để cho yên thân của cá nhân cũng tạo được niềm tin của một số thành viên còn kẹt lại trong nước.

Kế đó khi hay tin Nguyễn Tường Tam đã từ bỏ chức vị Tổng trưởng Ngoại giao, ly khai Chính phủ Liên hiệp để trốn sang Trung Hoa đồng thời với cụ Nguyễn Hải Thần để tổ chức lại lực lượng cách mạng quốc gia chống Cộng phản Thực, lòng tôi mừng rỡ khôn xiết. Ngay đêm đó tôi tổ chức một bữa rượu cùng mấy chiến hữu uống cho đến quá nửa đêm”57

Những người còn kẹt lại không trốn đi được trở thành ” con mồi ngon” cho Việt Minh săn đuổi làm thịt.

Điển hình nhất là vụ nhà Văn Khái Hưng bị bọn Việt Minh thủ tiêu một các tàn bạo. Xin ghi lại ít dòng của anh Trần Khánh Triệu, con ruột của NTT và là con nuôi của Khái Hưng trong bài: Papa tòa báo như sau :

Tòa báo dạo này ít người lai vãng, “cậu Hàng Bè (ám Chỉ Nhất Linh) vẫn biệt vô âm tín, chú Long, Hoàng Đạo kẹt ở Vụ Bản, bác Thế Lữ xoay sang diễn kịch, chú Trí vẫn mải mê với tranh sơn mài trên đường Quần Ngựa.. tờ Ngày Nay đóng cửa đã lâu .(..)Tiếp đó, Hiệp định sơ bộ 6-3 ra đời, Pháp đổ bộ Hải Phòng. Hội nghị Đà lạt tan vỡ, “Cậu Hàng Bè” từ chức bộ trưởng rồi sang Tàu lẫn nữa…. Các trụ sở Việt Quốc lần lượt bị tảo thanh. Công an xung phong đột nhập tòa báo lục soát, bắt bớ. Các đảng viên cao cấp như bác Hể, bác Đóa, Trí, Dị .. bị đem đi biệt tích. Tờ Việt Nam đình bản. Tòa báo ngoài Papa chỉ còn lèo tèo vài đồng chí lai vãng: Anh Bảng, anh Kính, anh Cống, bác Thắng .(…). Thấy tình thế không thể ở lại Hà Nội, Papa quyết định tản cư về quê ngoại. Ngay chiều hôm sau chúng tôi xuống phà đen lên tàu thủy xuôi Nam Định. Hôm ấy là ngày 19-12-1946 .(..) Vài hôm sau, một chiều hai thanh niên mặt lạ tới “mời” papa lên huyện. Cả nhà thất sắc, nhưng papa chỉ vào cái phù hiệu của Liên Hiệp Quốc Dân Việt Nam do chính tay Trần Huy Liệu tặng còn gắn ở ve áo, bình tĩnh nói ” Chắc không có chuyện gì đâu, để tôi đi xem sao, bây giờ kháng Pháp là lúc cần đoàn kết, đâu có chuyện bắt bớ bậy bạ “(..) Tôi đi theo đến đầu làng, dáng papa thất thểu vác tay nải mệt nhọc đi trước, tên công an vạm vỡ đi theo sau. Đi mãi, đi mãi rồi khuất hẳn sau dãy tre, chắc là đi về phía sông Hồng xa lắc đằng kia.

Tôi bàng hoàng trở về nhà, miệng còn lẩm bẩm:” Tội nghiệp, không biết papa mình có nhớ ăn cam đường và tụng kinh cứu khổ không ?” .

Từ cái ngày đó về sau, tôi không còn được gặp lại papa tòa báo” nữa”58

Cái chết của Khái Hưng là một cái chết oan nghiệt, một bài học dành cho những người Quốc gia ngây thơ tin tưởng vào sự tử tế của cộng sản. Nó cũng cho thấy một sự thực đau lòng là: thực lực của các đảng phái Quốc Gia là không có gì.

Đụng chuyện thì lãnh tụ lo thoát thân một mình để mặc các đồng chí khác chết oan.”Biệt vô âm tín” và trốn sang Tàu phải chăng là một lời trách móc của Nguyễn Tường Triệu? Chúng ta có đã nhiều dịp, nhiều cơ hội để chứng minh chính sách ” bôn tẩu” biệt vô âm tín này.

Một bằng cớ giết hại người của các đảng phái do chính Võ Nguyên Giáp thuật lại như sau:

“Ngày 11 tháng bảy, Thường vụ được các đồng chí ở Nha Công An Báo cáo: Bọn phản động Việt Nam Quốc Dân đảng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích rất nghiêm trọng dự định cho tay chân phục sẵn, bắn súng ném lựu đạn vào binh lính Pháp.. (..). Mờ sáng 12 tháng bảy, một đơn vị công an xung phong bất thần vào khám trụ sở Việt nam Quốc Dân Đảng tại số 132 phố Minh Khai . Bọn phản động bị bắt tại chỗ cùng với tang vật: một chiếc máy in và những đống truyền đơn còn chưa ráo mực

7 giờ sáng, Công An Bắc Bộ cùng một lúc khám xét nhiều trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội .. Tại căn nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, ta tìm thấy một nơi làm giấy bạc giả và một căn buồng có nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm, búa, cùng với những vết máu trên tường. Công An ta đào ở vườn sau lên bảy xác chết., Có những xác chết bị chặt thành nhiều khúc. Tại trụ sở Trung Ương của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở phố Đỗ Hữu Vị( nay là phố cửa Bắc) . Ta còn tìm được thêm nhiều xác đàn ông, đàn bà và cả tử thi của binh lính Pháp. Trong số kế hoạch tịch thu, chúng ta tìm được một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc”59)

Đoàn Thêm cũng mô tả lại vụ này như sau:

“Một cạnh của thực trạng xứ sở đã được phơi bày ra ánh sáng, ánh sáng rùng rợn trên những vết máu, những đồ kìm kẹp tra tấn mà công chúng được xem trước mặt Võ Nguyên Giáp cùng các nhà báo, tại hai căn nhà đường Bonifacy và bên hồ Halais, hai trụ sở bí mật của hai nhóm “phản động”: Theo nhân viên công an, thì các nhóm này bắt cóc nhiều cán bộ VM về đây hành hạ và thủ tiêu “.

Tuy nhiên một số người đã mục kích vẫn không tin, cho là nhà đương cuộc dàn cảnh hãi hùng đó để hạ uy tín các nhóm quốc gia, vu cho những hành động tàn bạo để rộng tay đàn áp, không còn lo những công luận nghiêm khắc”

Và những người dân bình thường như Đoàn Thêm thì không còn biết tin ai . Ông viết:

“Qua nhiều đồng bào cũng như tôi, biết thế nào mà tin nữa”60

Theo Nghiêm Kế Tổ thì Quốc Dân Đảng cũng bí mật ám sát người của Việt Minh không kém:

“Trong bí mật, Việt nam Quốc Dân Đảng tổ chức trinh sát đối đầu với các bộ phận do thám Việt Minh. Rồi các vụ bắt cóc lẫn nhau bắt đầu một cách kinh khủng. Những vụ ám sát giữa người quốc gia và người quốc tế thi nhau tiếp diễn trong bóng tối. Khủng bố đối với khủng bố”61

Chỉ biết sau đó, súng đã nổ ở Vĩnh Yên, Việt Trì, Lạng Sơn, giữa vệ quốc quân và bộ đội Việt Quốc, Việt Cách .

Theo tác giả Minh Võ trong sách Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp thì:

khi có vụ Ôn Như Hầu xả ra” VNQDĐ đã lên tiếng phủ nhận và tố cáo chính Việt Minh cộng sản đã dàn dựng lên vụ này để có cớ “thanh toán” VNQDĐ. Theo đại tá VNCH Nguyễn Văn Phúc, một người đã thoát được cảnh thanh toán của Việt Minh và trốn vào miền Nam thì lúc bấy giờ có hàng trăm đảng viên VNQDĐ đã bị Việt Minh sát hại”62

Tuy nhiên, người ta thấy rõ một điều là hoạt động chính trị đảng phái của Quốc Dân Đảng và ông NTT chỉ khoanh vùng ở Hà Nội Bắc Việt và rải rác khu vực biên giới VN và Trung Quốc cũng như vài tỉnh bên Trung Quốc .. Cả miền Trung và nhất là Nam Kỳ hầu như không có bóng dáng Quốc Dân Đảng và để cho Việt Minh thao túng hoành hành?

Trong khi đó về chủ trương, về đường lối, Ho Chi Minh lúc đầu còn yếu kém đã khôn ngoan hợp tác với các đảng phái, nhưng bên trong có chủ trương rõ rệt là chống Pháp và đồng thời chống cả Nhật.

Chủ trương của Việt Minh là chống cả Pháp lẫn Nhật và biết đợi thời cơ chính mùi. Ông NTT có nắm bắt được thời cơ chính mùi đó hay không? NTT thì không. Nhưng HCM thì có:

” Ông HCM đã quyết định về nước khi thời cơ “chín mùi” ngay từ năm 1944. Một mặt HCM liên kết với các đảng phái Quốc Gia dưới cái dù Đồng Minh Hội. Nhờ đó nó tạo cho ông một cái tư thế chính trị chính đáng che dấu mục đích chính trị riêng của ông. HCM mời ông Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì cho Việt Minh” dựa vào đó để họ Hồ hoạt động một cách chính danh thì phe Quốc gia khó ăn khó nói, vì Hồ Học Lãm là những lãnh tụ là đồng chí của những lãnh tụ như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Trương Bội Công. Trước khi từ Trung Hoa về nước, tháng 11-1944 Ho Chí Minh đã yêu cầu quân đội Tưởng giúp 1000 cây súng, 6 súng máy, 4000 tạc đạn và 50.000 tiền Trung Hoa ..Tướng Trương Phát Khuê chưa cấp vũ khí, nhưng tăng số tiền lên 76.000 quan kim”63

Vì chủ trương chống Nhật, nên khi về nước HCM chính thức gửi thư sang Đại sứ Hoa Kỳ ở Trùng Khánh xin viện trợ của Mỹ. HCM cũng nhận được sự tài trợ tiền bạc, vũ khí, huấn luyện của quân đội Đồng Minh qua người Mỹ. Một trong những người Mỹ đó là Thomas đã rất cảm kích về sự đón tiếp nồng hậu của HCM :

Ông Hồ cho xây dựng các chòi có sàn cho những người khách này ở. Được uống bia và ăn cả thịt nướng vì ông Hô đã sai giết cả một con bò đãi khách. (.. ) Nhưng một trong số những người khách này có một người Pháp là Trung Úy Monfort .. Ông Hồ nói 10 triệu người Mỹ cũng vần được chúng tôi đón tiếp, nhưng người Pháp thì không .. Sau đó , trung úy Montfort được dẫn độ sang biên giới Trung Hoa.”64

Một nguồn tin khác do Võ Nguyên Giáp kể lại là lúc bấy giờ tình trạng sức khỏe của HCM rất yếu kém, vì ông mắc bệnh lao phổi trong thời gian bị giam tù ở Trung Hoa .. Bệnh sốt rét làm cho HCM rơi vào tình trạng coma vì không đủ thuốc men trị liệu, trừ vài viên kí ninh.

Nhưng sau nhờ một nhân viên tình báo OSS của Mỹ nhảy dù xuống căn cứ vốn là một y tá . Ông này đã trích thuốc trừ sốt rét và chứng tiêu chảy và có thể nhơ đó cứu sống được HCM.65

Chính thiếu tá Allison K. Thomas trong đoàn OSS đã nhảy dù xuống Tuyên Quang giúp huấn luyện du kích và tiếp tế súng đạn cho HCM. Các đảng phái Quốc Gia như NTT có dám vào rừng, có cán bộ khắp nơi như Việt Minh không?

Tháng 8/1944, HCM cùng 18 đồng chí được huấn luyện quân sự đàng hoàng đã lên đường về nước, ở vùng biên giới tại Pac Bo…66

Trong thời gian đó thì NTT nằm chờ thời cơ ở bên Tầu! Những nhận xét về thời gian NTT hoạt động bên Tầu rất là mơ hồ và thực sự nó như thế nào.

Không một ai có thể nêu tên đầy đủ những nhân vật ấy đã hoạt động như thế nào Những cán bộ nòng cốt của NTT hoạt động trong nước là những người nào?

Trong khi đó cũng vào thời gian 1946, theo Philippe Devilliers, Tổng bộ Việt Minh có ít lắm 8 nhân vật chủ chốt có tên sau đây xếp theo thứ tự quan trọng: Hô Chi Minh, Truong Chinh, Vo Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Huy Liệu, Hoàng Quốc Việt, Hồ Tùng Mậu và nguyễn Lương Bằng.67

Số đảng viên hoạt động của Việt Minh ở Bắc Bộ lên đến 5000 người chưa kể trong Nam bộ.

Với những cán bộ chủ chốt như thế, ngay cả khi Ho Chi Minh vắng mặt sang Pháp để ký một thỏa ước tạm, Modus Vivendi với sự thất lợi chính trị đối với người Pháp. Nhưng về phương diện cá nhân thì điều đó chứng tỏ vai vế của Ho Chi Minh như thế nào đối với người Pháp. Ông là đại diện chính thức của Việt Nam

Stein Stevenson viết lại khi chiếc tàu thủy Dumont D ‘Urville chở Ho Chi Minh từ cảng Marseille về đến bến Cam Ranh thì Cao Ủy d’ Argenlieu đã ở đó chờ đón người đại diện chính thức của Viet Nam và bày tỏ cho thấy trong tương lai, ông Ho là người đại diện trong mối liên lạc với Pháp68

Đúng như luật sư Trần Văn Tuyên nhận xét ở trên, chưa bao giờ người của các đảng phái có tư thế lãnh đạo để nói truyện với người Pháp.

Hồ Chí Minh rõ ràng có tư thế chính trị như người đại diện chính thức của một chính quyền VN để “nói chuyện và thương thuyết” với Pháp.. Những nhà chính trị như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh- người của các đảng phái quốc gia chưa bao giờ có được tư thế đó.

Trong khi Ho Chi Minh sang Pháp thì ở nhà, những cán bộ chủ chốt của Ho Chi Minh không ngồi yên. Những người như Võ Nguyên Giáp củng cố lực lượng, tăng cường cảnh giác chuẩn bị cuộc đối đầu một cuộc chiến tranh với Pháp.

“Phần các lãnh tụ đảng phái, trong đó có NTT như Đồng Minh Hội, Quốc Dân Đảng thì biến mất và yếu dần đi”.69

Kể từ lúc này, tất cả những biến cố lớn nhỏ xung đột xảy ra giữa người Pháp và Viet Minh, những thương lượng thất bại cũng như biến cố đẫm máu xảy ra ở Hải Phòng hoàn toàn đặt các đảng phái Quốc gia ra ngoài vòng, bên lề. Họ ở trong thái độ trông chờ. Kẻ khôn ngoan thì tìm cách trốn về các vùng Bùi Chu Phát Diệm. Kẻ uy thế hơn tìm đường sang Trung Quốc. Đảng viên tan hàng, mặc ai nấy chạy, mặc ai nấy sống chết. Phần lãnh tụ Nguyễn Tường Tam thì tìm đường trốn sang Tàu mặc cho số phận những đảng viên còn kẹt lại ở VN.

Chính vì thế, Việt Minh được đồng minh công nhận một cách bán chính thức là một phong trào chống Phát Xít Nhật Bản.

Ông NTT trong lá thư gửi cho Hiếu Chân đổ cho Việt Minh làm tay sai cho Nhật là sai, không có căn cứ.

Theo Stein Tonnesson, ông đã kể lại từng chi tiết sống động những ngày chuẩn bị chiến tranh ở Hà Nội. Ngay từ các ngày 25-27 tháng 11 thì người Pháp đã nhận được những tin tức là Viet Minh sẽ tấn công Hà Nội, phi trường Gia Lâm. Bộ tham mưu chiến lược bao gồm bốn người là lê Đức Thọ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và Ho Chi Minh họp ở Văn Phúc, tỉnh Hà Đông sát Hà nội buổi chiều 19/ tháng 12/ 1946. Bộ tham mưu chiến lược đứng đầu là Ho Chi Minh và người thư ký riêng của ông là Vũ Kỳ. Về quân đội có tướng Võ Nguyên Giáp với các phụ tá của ông là Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Hoàng Hữu Nam ..Khu vực quân sự ở Hà Nội thì đứng đầu có Nguyễn Văn Trấn rồi phụ tá là Vương Thừa Vũ, Trần Độ, Trần Quốc Hoàn, Khuất Duy Tiên, Đặng Việt Châu, Trần Duy Hùng và Lê Quang Đạo.70

Nói tóm lại cuộc đời làm chính trị của Nguyễn Tường Tam là vô duyên với chính trị bằng chập chùng những thất bại. Công bằng mà nó, cái chết của ông một phần do chính những người chung quanh ông trách nhiệm bốc ông lên mà ông đành phải gánh mặc dầu thực sự sức ông không gánh nổi vì ông đã bị huyễn hoặc, huyền thoại rất nhiều.

Thay vì hãnh diện về ông, người ta phải thương cảm cho ông mới phải.

Chỉ rất tiếc cho ông, nếu ông chịu yên phận là nhà văn thì có lẽ hay hơn cho ông. Tuy nhiên cái chết của ông bằng cách tự tử chẳng những nó kết thúc một cuộc đời làm chính trị ” không ra ngô ra khoai” mà còn cứu vãn ông ra khỏi vũng lẫy chính trị mà ông đã lội bì bõm trong đó hầu như suốt cả cuộc đời không thoát ra được?

Nhưng liệu việc tự tử ấy có mang tính toàn vẹn, trong sáng, không tì vết, kết thúc một cách trọn hảo. Hay oan nghiệt thay, cái chết ấy ấy vẫn không giải thoát ông ra khỏi những vướng mắc mang tính hệ lụy uẩn khúc mà buộc người đời sau cần tiếp tục đào xới trên đống tro tàn của quá khứ mù khơi để tìm ra sự thực được che giấu
Viết xong bài này, chỉ hai điều tiếc cho ông:
- Giá ông chịu dừng lại ở nhà văn tiền chiến. Giá ông đừng viết nữa khi vào Nam.
- Giá ông đừng làm chính trị vì ông hoàn toàn không có duyên với chính trị và nhờ đó tránh được cách chết là tự tử.

© Nguyễn Văn Lục

© Đàn Chim Việt

————————————————-

Chú thích:

38 Trích Chân Dung Nhất Linh, Nhật Thịnh, trang 189.

39 Trích Vĩnh Phúc, Ibid, từ trang 220-222

40 Trich tóm lược Nhật Thịnh, IBId từ các trang 189-194

41 Trích Tập san Trình Bày, số 18, trang 7, 1971

42 Trích Nguyễn Khắc Ngữ, Đại cương về các đảng phái Việt Nam, tr 45-46

43 Trích Trình Bày , iBID, trang 28

44 Trích Trần Nhã Nguyên trong Lịch sử Việt Nam 1940-2007,trang 49-51

45 Trích Nhât Linh, Người ng hệ sĩ- Người chiến sĩ, Ibid, trang 73

46 Trích Nguyễn Khắc Ngữ, Thực chất các đảng phái, Trình Bày số 18, trang 20-21

47 Trích Hồi Ký Hoành Linh Đỗ Mậu, trang 390

48 A . J. Languth, Our VietNam, the war 1954-1975, trích tóm lược trang 164.

49 Trích tạp chí Trình Bày, số 18, chủ đề về các đảng phái tại Việt Nam, trang 4-5

50 Trích tạp chí Trình Bày, số 18, chủ đề về các đảng phái tại Việt Nam, trang 4-5

51 Trích báo Hành Trình: Từ sự thất bại của các đảng phái quốc gia đến sự phá sản của tầng lớp trưởng giả thành thị, trang7, số 1 tháng 10-1964.

52 Trích bài của Vũ Ngự Chiêu: Phía bên kia Cuộc Cách mạng 1945: Đế Quốc Việt Nam(((3/8/1945), Hợp Lưu, số 114, trang11)

53 Trích Nguồn: Văn. Tập san Văn chương – Tư tưởng – Nghệ thuật. Năm thứ Bảy, số 156, ra ngày 15 tháng 6 năm 1970. Toà soạn và trị sự: 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. ĐT: 23.595. Tập san xuất bản do nghị định số 64/BTT/NĐ, ngày 4-12-1963. Bìa 1 số này: Chân dung Nhất Linh, vẽ bởi Nguyễn Gia Trí. Chi phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng (chủ nhiệm kiêm chủ bút). Thư từ, bản thảo đề tên ông Trần Phong Giao (thư ký toà soạn). Giao thiệp trực tiếp ông Gia Tuấn (phụ tá thư ký toà soạn). In tại nhà in riêng của báo Văn. Quản lý: cô Nguyễn Thị Tuấn. Giá 280đ. [Chúng tôi nhập liệu nguyên văn từ trang 1 đến trang 78, tập san này dày 125 trang, có bỏ một vài bản tin rao vặt, quảng cáo sách]. Bản điện tử do talawas thực hiện.

54 Trích lại trong bài Đọc bản thảo Nhất Linh, trong Nhất Linh, Người nghệ sĩ- Người chiến sĩ.

55 Trích bài viết của Hiếu Chân đang trên Nhật Báo Tụ Do, trong mục Nói hay Đừng.

56 Trích Hồi ký của Nguyễn Kỳ Nam, Ibid, trang 187

57 Trích Hiêu Chân, Ibid

58 Trich trong Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, trang 161-172

59 Trích sách Võ Nguyên Giáp, Ibid, trang 255-258

60 Trích Đoàn Thêm, Những ngày chưa quên, ký sự 1939-1945, trang 90

61 Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ, trang 102

62 Hồ Chí Minh, Nhận Định Tổng Hợp, Minh Võ, trang 374 .

63 Đảng cộng sản VN , Cao Thế Dung, Tập II, trang 596

64 Ho Chi Minh, William J. Duiker, trang 300 .

65 Trích tóm lược Ho Chi Minh, W. Duiker, Ibid, trang 301-303

66 Trích tóm lược The Communist Road to Power, William J. Duiker, các trang từ 78-87

67 Devillers, Histoire du Viet Nam, trang 232

68 VietNam 1946, How the war began, Stein Tonnesson, trang 88. When the Dumont d’Urville sailed into Cam Ranh on the southeastern coast of Indochina, Admiral d’Argenlieu was there to meet the VietNamese president and to demonstrate that in the future, it was he who would represent France relations with Viet Nam.

69 Stein Tonnesson, ibid, trang 87. “During the absence of Ho Chi Minh, The Viet Minh had strengthened its position considerably. The main Dong Minh Hoi leaders had disappeared from the scene, and the VNQDD had also weakened”.

70 Đọc thêm Stein Tonnesson, IBID từ trang 172- 219

 

14 Phản hồi cho “Nguyễn Tường Tam Nhà chính trị- và sự thất bại của các đảng phái Quốc Gia[2]”

  1. Minh Đức says:

    Trích: Thật vậy thời đệ nhất cộng hòa có những đảng sau đây nhằm cướp chính quyền là: -Ở miền Tây, Đại Việt Quốc Dân đảng hợp tác với Hòa hảo lập chiến khu ở Châu Đốc, Long Xuyên bị chính quyền dẹp tan….

    Thời ông Diệm lên cầm quyền là lúc miền Nam còn loạn. Có nhiều nhóm vũ trang đang tồn tại và ông Diệm dùng quân đội dẹp các nhóm vũ trang này. Ông Nhất Linh lúc đó có chủ trương dùng vũ lực lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm như các nhóm kia không? Ông Nhất Linh ngồi ở Đà Lạt viết truyện về thời hoạt động bên Tàu ngay cả việc cán bộ quốc gia giết cán bộ Việt Minh, cán bộ Việt Minh giết cán bộ quốc gia cũng làm cho ông buồn và muốn rút lui ra khỏi chính trị thì có lẽ nào ông lại hăng hái gia nhập những tổ chức vũ trang lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm? Ông ta không tán thành cả việc cán bộ quốc gia giết Việt Minh thì chắc ông ta cũng không tán thành việc cán bộ đảng phái quốc gia dùng vũ lực giết người của ông Diệm và ngược lại. Ông Nhất Linh đứng ra ngoài các vụ dùng vũ lực đó.

    Trong bài phần lớn là nói về ông Nhất Linh, nhưng cuối bài thì lên án các nhóm vũ trang tìm cách lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Nhưng dùng vũ lực để đi đến chỗ người Việt giết nhau có phải là chủ trương của ông Nhất Linh vào thời đó mà cuối bài lại đem các nhóm vũ trang đó ra mà nói? Nếu nói về ông Nhất Linh và lập trường chính trị của ông ta thì phải đem lập trường của ông không muốn người Việt giết chóc lẫn nhau ra mà bàn. Ông Nhất Linh tuy có phản đối chế độ Ngô Đình Diệm nhưng ông ta đâu có chủ trương các chính đảng dùng vũ lực để đối phó với nhau. Vậy thì phải bàn xem với thái độ của ông Nhất Linh đưa đến việc các chính đảng không dùng vũ lực đối xử với nhau sẽ đưa miền Nam đi đến đâu.

  2. Minh Đức says:

    Nếu đọc truyện Dòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh thì sẽ thấy thái độ của ông đối với chính trị ra sao. Trong truyện đó kể những cảnh cán bộ của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Minh lừa lọc, giết nhau ở bên Tàu. Ông Nhất Linh đi làm chính trị để chống Pháp, cuối cùng ông thấy con đường làm chính trị đưa vào cảnh người Việt giết lẫn nhau. Ông bỏ làm chính trị cũng là để thoát khỏi cái cảnh người Việt giết người Việt hay có thể nói là bỏ cái nghề giết người. Không sống được với CS ông vào Nam thì gặp phải chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp các đảng phái quốc gia, lại cũng là cảnh người Việt giết người Việt, mà lại là người quốc gia giết người quốc gia. Ông phản đối chế độ Ngô Đình Diệm với lập trường không muốn người Việt giết người Việt là không chính đáng chăng? Ông Nhất Linh sau này không thể làm chính trị được vì cách nhìn chính trị của ông cho thấy ông không thể nào làm được việc giết người để phục vụ cho đảng của mình. Ông Nhất Linh có lẽ cũng giống như ông Havel của Tiệp Khắc. Ông Havel chống lại chế độ độc tài CS vì ông muốn có tự do để hoạt động nghệ thuật. Ông Havel không phải là người muốn lật đổ chế độ CS để lên nắm quyền, có quyền sinh sát, sai khiến người khác. Ông ta chỉ muốn viết kịch, viết thơ. Cuối cùng thì có lẽ Nhất Linh cũng thấy rằng ông chỉ là một nhà văn, không phải là một chính trị gia. Nếu làm chính trị mà không giết người thì chỉ có làm chính trị dưới chế độ dân chủ là thích hợp. Chế độ dân chủ là chế độ cho phép nhà văn lên tiếng phản đối sự giết chóc, cho phép chính trị gia được bàn cãi, được trình bày đường lối của mình trước người dân để người dân dùng lá phiếu chọn người nào có đường lối mà người dân thấy phù hợp với quyền lợi của mình.

    • Lâm Vũ says:

      Tôi hoàn toàn đồng ý với phần tích của bạn MĐ. Nhưng không chỉ riêng có Nhất Linh, mà còn nhiều lãnh tụ Quốc Gia đều không muốn cảnh “nồi da xáo thịt”, người Việt giết hại lẫn nhau.

      Sử liệu có ghi nhiều chuyện tương tự.
      - Khi Việt Minh (CS) cướp chính quyền, một số sĩ quân cáo cấp Nhật lúc đó đã đầu hàng Đồng Minh, nhưng vẫn còn đủ vũ khí trong tay đã để nghị với thủ tướng Trần Trọng Kim để họ dẹp dùm đám “giặc cỏ” CS. Cụ TTK từ chối, bảo rẳng không muốn người Việt sát hại lẫn nhau, dù cụ rất hiểu CS, như đã viết trong hồi ký Một Cơn Gió Bụi.
      - Cũng vào thời điểm HCM về nước cướp chánh quyền, cụ Phạm Quỳnh – cựu thủ tướng trước cụ TTK – nói với con cháu trong nhà, cụ hy vọng HCM không phải là Nguyễn Ái Quốc, nhưng nếu HCM chính là (cán bộ CS quốc tế) NAQ thì đại họa đang đến với dân tộc. Đây là lới thuật của một ngưòi con con trai PQ, trong tập CD tưởng niệm PQ, làm tại Mỹ cách đây vài năm.

      Như bạn MĐ nói rất đúng, trong cuốn Giòng Sông Thành Thủy, tác giả Nhất Linh đã bộc lộ sự ghê tởm của mình đối với chuyện giết chóc lẫn nhau giữa hai phe Quốc Cộng. Nhất Linh “đạo đức giả” hay là có hai còn người Nhấ Linh nhà văn và NTT nhà cách mạng?

      Ai có đủ “tư cách” để có câu trả lời rốt ráo, nếu không phải các đồng chỉ thân cận của ông hay gia đình,con cháu ông? Tuy không ai trực tiếp trả lời, nhưng các đồng chí của Nhất Linh NTT đã viết nhiều về ông, nhất là trong những năm tháng trước khi ông qua đời. Nhưng rõ ràng, chi tiết nhất phải là cuốn “Nhất Linh, cha tôi” của Nguyễn Tường Thiết, con út của Nhất Linh (http://nguyentuongthiet.free.fr/NLChaToi/index.html). Chỉ riêng cuốn sách công phu cho ai muốn hiều biết về Nhất Linh NTT có thể tự tìm câu trả lời cho mình mà không phải nghe lời diễn dịch của ai cả.

      Tuy nhiên, vì biết đa số người Việt ít chịu tự mình tìm hiểu, chỉ đợi có ai dọn cỗ sẵng cho mình “sơi”, nên tôi vẫn hằng mong mỏi các đồng chí của NL (có ai còn sống?) và gia đình ông viết hẳn những nhận định về con người chính trị NTT để cho đa số có thể đọc và hiểu dễ dàng, hơn là phải “đọc giữa hai dòng chữ”, một việc mà không phải ai cũng có đủ thời giơ hay khả năng làm được!

      Khổ nỗi, ngưòi Việt “quốc gia” đa số vẫn còn mang máu “quân tử Tầu” trong người, giống như Phạm Quỳnh, TT Kim, Nhất Linh ngày xưa, không muốn làm công việc đứng ra “bào chữa” cho “phe ta”. Làm “quân tử Tâu” thật ra cũng không phải xấu, nhưng cái khổ là để ra một kẽ hở để cho “kẻ địch” (nói rõ đây là bộ máy tuyên truyền ngu dân của CSVN) và những kẻ tiểu nhân vị kỷ thêu dệt ra những điều xấu xa để bôi nhọ những danh nhân của dân tộc.

      Nhưng CS làm điều này thì ta hiểu được vì đó là bản chất, “sứ mạng” và lợi lộc của phe phái của chúng, nhưng cá nhân những người như tác giả bôi nhọ Nhất Linh một cách “say mê” thì thật khó hiểu!

      LV
      TB. Khác những lãnh tu quốc gia có máu “quân tử Tầu”, Trương Tử Anh, người sáng lập ra đảng Đại Việt, chủ trương đối chọi trực tiếp với Hồ Chí Minh và Việt Minh (CS). Trương Tử Anh chủ trương dùng võ tranh để lật đổ Việt Minh, nhưng cụ Nguyễn Tường Tam không đồng ý, cuối cùng chấp nhận đứng chung với Việt Minh trong “chính phủ liên hiệp”, qua Hiệp Ước “Xích Mác” (mồng Sáu tháng Ba, 1946). Kết quả là sau khi “trói được” phe quốc gia vào với mình HCM “đi đêm” hoà hoãn với Pháp – cho quân đội Pháp kéo vào Hà Nội, rảnh tay diệt trừ phe quốc gia. Trong khi Nhất Linh NTT biết mình “hố”, đồng ý với các đồng chí chạy sang Tầu ẩn tránh, Trưong Tử Anh và các đồng chí thân cận vẫn tiếp tục đấu tranh một mất một còn với VM. Dù ông ở ngay Hà Nội, bộ máy công an của Việt Minh phải mất sáu tháng, đến tháng 11/1946, mới bắt được TTA rồi thủ tiêu mất xác… Có lẽ chính vì những lỗi lầm chính trị, không phải vì thiếu thong mình hay hiểu biết mà chủ yếu quá “nhân bản” đối với một đối thủ không từ chối bất cứ một thủ đoạn nào dù vô nhân đạo đến đâu, nhất là sau cái chết “bất đắc kỳ tử” của người em và cánh tay mặt Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long mà Nhất Linh NTT trở thành thất chí, chứ chủ yếu không phải vì có khuynh hướng “thích tự vẫn” nhưng mất tai lang băm, bất tài vô tường thê dệt để tư vuốt ve tự ái của mình!

  3. Nguyễn Hoàng says:

    Bài viết của NVL làm cho tôi liên tưởng đến các đảng phái, phe nhóm hiện nay trong cộng đồng VN hải ngoại. Hơn 70 năm rồi vẫn không khác nhau bao nhiêu. Rốt ráo thì cũng không mấy ai học được bài học lịch sử – nhất là những người muốn làm chính trị.

    Người Việt, ai cũng muốn “làm quan”… Toàn là “tướng không quân” !!!

    • ngọctủn says:

      Người ta gọi nhửng hội,đoàn ,nhóm,liên đoàn,hiệp hội,ái hưủ và cả quân nhân (5,6 tổ chức),chống cộng củng có nhiều tổ chúc,nhiều đảng ,nhiều đoàn,nhiều nhóm..Họ tranh nhau,họ khích bác nhau,là thể hiện dân chủ,tự do (hơn là VC chỉ có 01 đảng CS) và đó là tế mạnh của người quốc gia chống cộng !Ngay cả PG củng phát trển hơn thời VNCH.Nhìn mấy Ông sưlàm businesscó đất rông chùa lớn,quảng cáo rầm rộ trên đài TV radio của chính mình mà thấy “mát mặt”. Có su còn quảng cáo thuốc nghệ,”ấn tống’ phim Phật Đài loan Trung Quốc để bán (không biết có là sang băng lậu cho mục đích vì Phật Pháp không?),làm ca nhạc yêu đương ra rít,rất “nhân bản”,rất người (thì đạo là đời “mờ”)Tất cả đều thẻ hiện tự do dân chủ rất chi làđáng giá phải trả sau khi trốn thoát khỏi sự tàn ác của xứ sở bi VC chiếm.
      Đây là sự thể hiện TỰDO ở trong mộtđất nước TỰDO..
      Người Việt ai củng ,bây giờ thời đổi khác,chỉ muốn làm chủ tit.
      Còn “làm vương làm tướng ” thì ai không muốn.
      Ngay cả nhửng băng nhạcvềlính,các ca sỉ củng khoác nhửng quân phục của nhửng không quân hải quân tqlc..như vậy mới thể hên cái “tướng “oai hùng. Hình như mang bộ đồ binh chủng đó ,khi chạy “di tản” củng oai hùng hơn Bô Binhrất nhiều”Chạy” củng có “tướng” chớ bộ !
      Lịch sử là lập lại đó mà!

  4. Lâm Vũ says:

    Chỉ có thể nói bài viết “công phu” ở thụ thập thật nhiều những câu văn chỗ này một chút chỗ kia một chút, không bao giờ có đầu có đuôi, suy diễn một cách ẩu tả không ngượng ngùng…

    Tôi không bao giờ nghĩ NVL chủ tâm muốn tuyên truyền cho CS. Có nhiều bạn đọc nghĩ mô-típ của NVL vì ông từng là “Cần Lao” (đảng của Ngô Đình Nhu). Theo tôi biết không hề có bằng cớ ông NVL gốc “Cờ Lờ”. Mà “Cần Lao” cũng chưa chắc là xấu, những tay gộc của Cần Lao như cụ Cao Xuân Vĩ, B/S Trần Kim Tuyến (?)… là những người có bản lĩnh chính trị cả…

    Do đó tôi đoán, việc “đánh” NTT tới tập, đồng thời “đánh” toàn bộ các “đảng phái quốc gia” phải phát xuất vì một uẩn khúc cá nhân tuộc loại lớn. Biết đâu, khi ông hô hào ầm ĩ Nguyễn Tường Tam có vấn đề tâm thần, trong vô thức là việc đánh trống la làng để người ta khỏi để ý đến tình trạnh tinh thần của chính mình?

    Sau cùng, trong lúc mặt thật của HCM đang được các nhà nghiên cứu của VN và thế giới phơi bày, thì trong bài này tác giả lại có ý tôn sùng như một anh hùng cái thế. Quả thật là một “ca” lạ, chính mắt tôi chưa từng thấy qua… “syndrome” gì đây?

    Điều này may ra bà Đào Nương giải thích được? Dù sao, bà ĐN, chủ báo SGN, đã từng mời NVL về làm chủ bút tờ SGN rồi lại buông ra sau chừng gần một năm…

  5. D.Nhật Lệ says:

    Loại bỏ đi những tài liệu của phía CS.thì phải nói thẳng thắn thế này về bài viết trên của NVL..
    Xét tổng quát,người quốc gia làm chính trị theo kiểu vừa làm vừa học,chứ không phải học rồi làm như
    người CS.,do đó không đủ kiến thức và kinh nghiệm,nhất là không đủ sự tàn nhẫn vô lương tâm như bọn
    CS.Nhiều tên đảng viên chủ chốt đầu tiên của csVN.toàn là học trường Đông Phương học ở Liên Xô.Từ
    đầu sỏ là họ Hồ đến Trần Phú,Trần Văn Giàu,Lê Hồng Phong,Hà Huy Tập v.v…Do đó,bao nhiêu thủ đoạn
    đều được đàn anh dạy dỗ đến thuộc lòng và đem về VN.áp dụng từ kỹ thuật khủng bố,ám sát,tuyên truyền cho đến thủ đoan cướp chính quyền,cài tình bào,phản gián nhằm làm rối loạn hàng ngũ đối phương !
    Trong khi đảng phái quốc gia chẳng có ai dạy cả (có lẽ trừ ra VNQDĐ.được học từ QDĐ.của T.G.Thạch)
    chỉ mày mò vừa học vừa áp dụng nên chẳng có kinh nghiệm gì và nếu có thì cũng rất ít.Chính vì thế đảng
    phái quốc gia rất khó có cơ hội và điều kiện để thành công như phe CS.,được Liên Xô hổ trợ trong việc sinh sống,có lương bỗng hẳn hoi,lẫn được giúp tiền mua võ khí trong thời gian đầu,còn chân ướt chân
    ráo ở VN.Đó là 1 lý do quan trọng khiến đảng phái quốc gia thua sút CS.
    Thế nhưng,lý do chính yếu là họ không thể nhẫn tâm chém giết theo kiểu khủng bố của phe CS.thường
    làm đối với đồng bào mình.Việc này thì người CS.sẵn sàng lên án bất cứ ai không ủng hộ chúng bằng
    2 chữ Việt gian để rồi chúng cắt đầu,moi bụng,mổ gan v.v.phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật,để làm
    gương khiến người khác sợ hãi mà không dám chống lại chúng,vì bị…mất mạng như chơi !
    Làm chính trị không bao giờ thích hợp với người có máu nghệ sĩ,lãng mạn vì đa tình đa cảm thì rất dễ
    giao động,làm tuỳ hứng và không quyết tâm.Điển hình như nhà văn NL.Dù kính trọng ông nhưng đó là
    sự thực không thể cãi chầy cãi cối quen thói ‘cả vú lấp miệng em’ hay ‘suy bụng ta ra bụng người’ là xong ! Có người đứng ngoài cuộc chỉ biết võ vẽ về chính trị thôi mà cũng bình loạn lung tung theo kiểu
    “mục hạ vô nhân” là điều thiết tưởng nên tránh vì không biết người biết ta !
    Thời lai,đồ điếu thành công dị
    vận khứ,anh hùng ẩm hận đa !
    (Đặng Dung).
    tạm dịch :
    Thời đến,hạng câu cá cũng thành công.dễ dàng,
    Vận hết,dù bậc anh hùng cũng ôm hận nhiều.

  6. tudo says:

    Một xã hội chỉ có tiến bộ trong ý thức văn minh của nhân loại phải luôn không ngừng đi tìm sự thật của lịch sử, phải lật hết từng viên gạch, từng cục đá cho dù nhỏ nhoi thế nào của lịch sử con người và sự việc. Chỉ khi nào con người chấp nhận nhìn lại những gì người ta từng được dạy về lịch sử từ lớp vỡ lòng cho dù không phải là những gì người ta đã từng tin là sự thật, con người và xã hội đó mới có cơ hội tiến bộ. Tôi ủng hộ cao những bài viết này cũa tác giả.

  7. Trần Khang Nguyên says:

    Ông Lại Mạnh Cường chuyên gia của bình luận vớ vẩn- Ông hay khoe kiến thức lòi cái dốt- Câu thơ trên của Phùng Quán chứ không phải Trần Dần- Hãy đọc và học nhiều rồi hãy viết ông cường nhé-

    • thíchđủthứ says:

      Ông ta có lẻ chỉ có ý muốn gới thiệu kiến thức thông kim bác cổ của mình mà thôi. Người ta gọi ông là B/S,có lẻ thờì trước 75 là Bác sỉ,nhưng không có nghỉa là QG/DT và không có nghỉa là không chống đói , theo chân “chuẩn bác sỉ ‘ Huỳnh Tấn Nẩm. .Vậy để cho ông viết bình luân hay góp ý ,biết mô chẳng học hỏi thêm. Ít nhất ở đây củng học được tên của Ông Tam viết bằng chử Tàu ra mần răng.
      Tự tử củng là tự sát,tự vận (tự minh treo cổ chết như bọn CA CS làm với phạmnhân vậy/ hay muốn nói đây củng là CA giúp người bị bắt tự sát?) chớ xưa chưacó B/s TửThần,chỉ có B/S “vôlươngtâm”cho thuốclộn hay mổ xẻ bất cẩn làm chết người .
      Cho là Cụ ThíchQuảng Đức là cao tăng đắc đạo,đả ra khỏi cảnh nhận biết cái đau thân xác,thế cón nhửng vị sư trẻkhác thì sao ? Họ tu đắc đạo theo lớp dạy cấp tóc và đâu bằng cấp như sư cụ TQĐ? Hồi đó người ni cô cuối cùng trong chiến dịch “tự thiêu” cóđơn “tình nguyện” đả tự thiêu,nhưng nóng quá,la lên vàchạy về phiá sông Hương và sau đó bên Ấquang và chính phủ thoả hiệp ngưng tự thiêu.Có lời đồn là vì “cấy thuốc” vào người trước nên không thể không chế không thiêu.,vì sau đó có thêm vài vu nửa .Tátcả các vi tự thiêu đều được phong lên “đại đức”.
      Còn họ được ví với chuá vác thánh giá thì đó là Ông Cường “làm văn chương”…Như tụi thánh chiến bây giờ,chết vì khủng bố củng được lên thiên đường làm con cái thân yêu của môhamét.
      NHLê có viết (dịch) về chuyện một tên cướp khi bị bao vây ,đảchiến đấu chống trả ,giết CS,và cuối cùng ,khi hắn chết,thì nhà báo theo chân CS vào ,thấy dòng chử viết bằng máu;”trái tim ta đập vì nhân loại khổ đau.Ta thuơng họ và ta chết vì họ”..(đác nhân tâm).
      Tên cướp củng có mục đích “cứu nhân độ thế ” vậy
      Két Luân
      a/cu HVLang nói là không có đàn ápPG.Chỉ trừ SG,PG miền Bắc phối hợp với PG TríQuang làm rầm rộ ở chùa Vỉnh Nghiêm (chi nhánh chùa Từ Đàm Huế),còn các tỉnh các chúa và Pt miền Nam sinh hoạt bình thường
      b/ Trụ sở tranh đấu là do NgôĐìnhDiệm tặng cho cụ MTTruyền xây cất chùa Xá lơi
      c/.Cụ Ngô đả trao trọn giải thưởng Macsaysay cho Đức Đạt lailạtma/Tâytạng.
      e/ Và P/đ thanhtra PGQT diềutra,kết luận không có đàn áp PG….
      Nhưng tới bây giờ vẩn có kẻ trí thức học rông (bác sỉ) vẩn một mực tin vào tàiliệu tuyên truyền thời đó để cố tình lăng mạ cụ Diêm. Còn Ông Lục thì lăng mạ các đảng phái.nhất là Ong NTTam vì Ông ta củng là văn sỉ nổi tiếng. Ông ta củng được bao thế hê trẻ miền Nam có học biết đến.
      Ngao Cò tranh nhau ,ngư ông đác lợi.

  8. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    THAM KHẢO THÊM VỀ TỰ TỬ , TỰ SÁT

    1/
    Wikipedia:
    Tự sát (Hán-Việt: 自殺, có nghĩa là “tự giết”, tiếng Anh:suicide bắt nguồn từ tiếng Latin: Suicidium từ chữ sui caedere nghĩa là “giết chính mình”) hay tự tử, tự vẫn là hành động của một người cố ý gây ra cái chết cho chính mình.
    Tự sát thường có liên hệ với trạng thái tuyệt vọng, hoặc do một số rối loạn tâm thần cơ bản bao gồm trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, nghiện rượu và lạm dụng ma túy. Chịu áp lực hoặc gặp những tình cảnh bất hạnh như khó khăn về tài chính hoặc rắc rối với các mối quan hệ giữa các cá nhân (thất tình, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè….) có thể đóng một vai trò quan trọng gây ra quyết định tự sát.

    (…)

    Quan điểm về hành vi tự sát bị ảnh hưởng bởi những quan niệm văn hóa rộng hơn về các khía cạnh như tôn giáo, danh dự, và ý nghĩa cuộc sống.
    Các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham xem tự sát như là một hành vi phạm tội đối với Thiên Chúa do niềm tin tôn giáo về sự thiêng liêng của cuộc sống. Ở phương Tây nó thường bị coi như là một tội ác nghiêm trọng.
    Ngược lại, trong thời kỳ samurai ở Nhật Bản, mổ bụng tự sát (gọi là Seppuku) được tôn trọng như một phương tiện để chuộc tội cho sự thất bại hoặc là một hình thức phản đối.
    Trong thế kỷ 20, tự sát bằng hình thức tự thiêu đã được sử dụng như là một cách để bày tỏ sự phản đối, trong phương thức cảm tử của thần phong và đánh bom tự sát được xem như là chiến thuật quân sự hoặc khủng bố. Sati là một nghi thức tang lễ của đạo Hindu, trong nghi thức này người góa phụ hoặc là tự nguyện, hoặc bị áp lực từ gia đình và luật lệ sẽ phải cùng chịu thiêu chung với xác chồng, nghi thức này cũng được thực hiện tương tự tại Chiêm Thành.

    Tự sát với sự hỗ trợ của y tế (chết tự nguyện, hoặc quyền được chết) là một đề tài gây tranh cãi về đạo đức có liên quan đến vấn đề của những người bị bệnh nan y, phải chịu đau đớn cùng cực, hoặc có (nhận biết và hiểu) về chất lượng cuộc sống cực tệ do bị thương tật hoặc bệnh tật.

    Tự hy sinh mình vì người khác không phải luôn luôn bị xem như là tự sát, vì mục đích không phải là để giết mình mà là để cứu những người khác, tuy nhiên, theo thuyết của Émile Durkheim gọi những trường hợp như vậy là hành vi “tự sát vị tha” (altruistic suicide).

    2/
    Nguyễn Bình Anh : Đọc “Cõi Trời Cõi Ta” của Hoàng Dung (Đàn Chim Việt Canada 31/03/2012)

    Hoàng Dung tên thật là Hoàng Xuân Trường. Ông từng là một đại úy quân y trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi đến Hoa Kỳ, ông học lại và sau đó hành nghề y khoa. Hoàng Xuân Trường được nhiều người nói tới như một bác sĩ tận tâm, một người hiền lành và ít nói.

    Tôi đặt nghề nghiệp và tư cách của Hoàng Dung ngay phần mở đầu là có lý do, vì tôi cho rằng chính tấm lòng “lương y như từ mẫu” của tác giả mà “Cõi Trời Cõi Ta” trở thành cuốn sách đặc sắc, đặc sắc đến nỗi tôi phải bỏ hẳn một ngày chủ nhật đầu Xuân tuyệt đẹp, tự giam mình trong phòng để viết những dòng chữ này.

    (…)

    Để tìm hiểu cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, trước tiên Hoàng Dung nhắc đến David Émile Durkheim (1858-1917) , nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về xã hội, trong đó có tác phẩm “Suicide” . Theo Durkheim, có 4 loại tự tử chính:

    - Tự tử vì mất phương hướng (anomic suicide): xảy ra với những người không thích hợp được với những thay đổi đột ngột của xã hội, lúc đó họ cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng và thường xuyên thất vọng. Như Maiakovski tự tử vì thất vọng với chủ nghĩa Cộng Sản, hay, Mishima (tác giả Kim Các Tự) tự tử vì không chịu nổi sự suy sụp của tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản.

    - Tự tử vì bị áp chế (fatalistic suicide): xảy ra với những người bị áp bức, họ thấy tương lai đen tối không lối thoát, mọi ước mơ đều bị dập tắt. Đây là trường hợp của những tu sĩ Tây Tạng tự thiêu để phản đối sự cai trị tàn bạo của Trung Cộng.

    - Tự tử vị tha (altruistic suicide): xảy ra với những người mà mối quan hệ của họ với xã hội, với cộng đồng quá bền chặt. Những cái chết của Đặng Dung, Hoàng Diệu, Nhất Linh, Nguyễn Khoa Điềm, là những cái chết vị tha. Cuộc đời của họ đã gắn liền với quốc gia, dân tộc, đồng đội. Họ tìm cái chết để giừ gìn khí tiết không nhừng cho bản thân mình mà còn cho tập thể.

    - Tự tử vị kỷ (egoistic suicide): xảy ra với nhừng người gặp khó khăn trong mối giao tiếp với xã hội chung quanh. Ngược lại với “tự tử vị tha”, người “tự tử vị kỷ” thường có thích sống co cụm, tách rời xã hội. Nếu căn cứ trên thi văn, cái chết của Nguyễn Tất Nhiên là một cái chết vị kỷ. Nguyễn Tất Nhiên không bao giờ thích ứng được với xã hội xung quanh.
    [hết trích]

  9. BBT: Phản hồi không được đăng vì lý do không đánh dấu tiếng Việt.

  10. Dat nguyen says:

    Theo tôi thấy bài này và bài trước tác giả viết công phu dẫn chứng nhiều bài vở khác, nhưng công phu không có nghĩa là chứng minh được sự thật.
    Thú thật tôi đọc cả hai bài không kỹ lắm, dù chỉ đọc sơ tôi cũng biết là tác giả cố tình bôi nhọ các lãnh tụ chính trị miền Nam trước 1963 để bênh vực cho một lãnh tụ mà sự thực cũng không hoàn hảo lắm mà ông cho là lý tưởng theo cái nhìn quá chủ quan của ông. Mặc dù vạch lá tìm sâu nhưng cũng không chứng minh được sự thật cho mình. Người đọc chỉ lướt qua cũng dư biết chủ trương của người viết.
    Theo tôi biết số người ủng hộ tác giả qua phản hồi ít hơn là số người phản bác. Riêng tôi thấy tác giả nên stop những loạt bài như thế này, nó có hại cho sự nghiệp viết lách của ông nhiều hơn là có lợi vì ông đưa chính trị vào văn học hơi nhiều và gây chia rẽ nhiều. Vả lại ông phải tự xét xem mình lấy cái tư cách gì mà phế phán các nhà lãnh tụ chính trị tiền bối, trình độ mình tới đâu là dám phán xét người ta ? Ông phê phán bằng những ý kiến một chiều lộ liễu trong khi sự nghiệp chính trị của mình chỉ là con số không to tướng, ông phê phán những nhà cách mạng mà hoạt động của họ có từ thời mình chưa đẻ .
    Sự thực nay có nhưng vấn đề nhậy bén người ta tránh không nói tới vì nó gây chia rẽ chỉ có lợi cho CS, nhiều người mặc dù không đồng ý kiến với bài viết nhưng người ta tránh không muốn nói vì sợ gây chia rẽ, đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, mọi sự chia rẽ vì những lập trường phe nhóm nên tránh
    Cám ơn
    DN

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      Thưa bạn và bà con,

      Theo tôi nghĩ PHÊ PHÁN là vũ khí bén nhọn để TIẾN BỘ, miễn là phê sao cho đúng.
      Nghĩa là phải CHÂN THẬT VỚI CHÍNH MÌNH, không thành kiến, không vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ …
      Vâng cần phải có trước hết cái chân thật mà Trần Dần đã định nghĩa rõ ràng: “dù ai ngọt ngọt nuông chiều, cũng không nói yêu thành ghét, dù ai cầm dao doạ giết cũng không nói ghét thành yêu” !

      Ông Nguyễn Văn Lục đã cố tình BÓP MÉO SỰ THẬT, nói thẳng là BÔI NHỌ tất cả ai hay đảng phái nào mà ông không thích. Viết với thành kiến sẵn trong đầu, cho nên ông đã cố tình tìm những điểm tiêu cực rồi thổi phồng lên cho rõ to (con muỗi thành con voi), trích dẫn lung tung miễn là có lợi cho ông, kể cả từ những thân nhân của đối tượng ông chỉ trích (nhưng không cho biết cụ thể trong bối cảnh nào), cho đến những khảo cứu gọi là khoa học, nhưng giá trị khoa học không bao nhiêu (như luận án tốt nghiệp của bác sĩ Mạc Văn Phước có bổ sung sau này)

      Nói thẳng ra nơi đây, sau những loạt bài thần tượng hóa anh em ông Diệm và Nhu, ông Lục bèn ra tay “TÀN SÁT” những ai đã tham gia vào việc lật đổ hay thảm sát hai nhân vật lịch sử này, đều lần lượt bị ông cho lên đoạn đầu đài, bằng một loạt những bài viết gọi là khảo cứu như trên.

      Con người, dù là một vĩ nhân đi nữa, cũng có điểm mạnh điểm yếu. Chỉ chăm chú soi vào điểm yếu, rồi đánh trống đánh phát cho là tìm ra được cái mới mà chưa ai nhận ra ! Rồi cho đó là góp ý xây dựng, là trả lại sự thật cho lịch sử, theo tôi chỉ là một sự bôi bác lịch sử ! Bởi chỉ mới nói được một nửa sự thật, còn cố tình che dấu nửa (tích cực) kia !
      Nói thực chỉ có bọn Cộng Sản hay độc tài như thời Diệm Nhu, mới cố thần thánh hóa lãnh tụ, tạo nên một con người toàn hảo có một không hai, một á thánh dưới thế. (Tôi đã buồn cười đến chảy nước mắt khi một dúm người manh động muốn vận động làm phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm đã cả gan bảo là trong chủ thuyết Cần Lao Nhân Vị của ông cố vấn Nhu có thắm đượm cả thuyết An Việt của nhà học giả tu sĩ Kitô giáo Kim Định. Vâng nói khơi khơi mà ko chứng minh).

      Điều tệ hại nhất theo tôi là, ông Lục đã mạo hóa qua những giả thuyết không chứng cớ, chỉ xuyên qua tưởng tượng của riêng ông mà thôi. Để từ đó ông bắn phá lung tung. Chẳng hạn căn bản từ luận án của bác sĩ Mạc Văn Phước, cộng thêm lời kể lại của thân nhân, ông cho là Nhất Linh nghiện rượu nặng, nên cơ thể nhất là não bộ có vấn đề, dẫn đến trầm cảm (còn do nhiều nguyên nhân khác nữa), rồi tự tử trong trạng thái điên loạn, vì không còn kiểm soát hành động của mình !

      Tôi đã đọc luận án của vị đàn anh trên, khi ông Lục viết bài có đá động tới, nên cố liên lạc yêu cầu xin bản cóp-pi. Nhân đây xin cám ơn bác sĩ Phước đã nhiệt tình giúp tôi soi sáng sự việc. Và tôi ngạc nhiên vì những võ đoán thiếu khoa học tính trong đó (bởi tôi vốn tùng sự ở khu Cơ Thể Bệnh học trường YSG và từng tham dự và theo dõi vài vụ phẫu nghiệm tử thi; ngay cả khi sag Hòa Lan tôi cũng từng tham dự như thế khi có bệnh nhân chết không/chưa rõ nguyên do / death of unknown origin; nghĩa là không chết bình thường / unnatural death, cần phải tìm cho ra nguyên nhân cái chết đó).
      Trong bài viết được update lại luận án của bác sĩ Phước, lại do chính ông Lục gửi đăng nơi Đàn Chim Việt, để “dọn bãi”, cho cuộc bắn phá Nhất Linh ngay sau đó. Đoán được ý đồ đen tối đó, tôi đã phản ứng lại bằng các góp ý chuyên môn trong hai trường hợp đầu, nhưng để dành lại trường hợp Nhất Linh sẽ phản bác khi cần thiết. Vâng cứ để ông Lục say máu căm thù mà lún sâu vào tội ác, tôi sẽ nhẩn nha “tùng xẻo” bằng những luận cứ khoa học chắc nịch như đinh đóng cột gỗ lim, để làm sáng tỏ vấn đề.

      Tại sao lại làm thế ư ?

      Thưa cái nọc độc ông Lục reo rắc, không chỉ có ông là thủ phạm, mà có một số kẻ khác nữa. Cứ xem ông Lục đánh trống đánh phách ở vụ tự thiêu thượng toạ Thích Quảng Đức nơi Đàn Chim Việt (made in Canada) trong thời gian vài năm trước là ta thấy rõ ngay điều tôi thưa.
      Có những độc giả ăn phải bả Nguyễn Văn Lục, nên hùa vào đặt câu hỏi linh tinh, phải nói ngay là rất ngây thơ, đến vô số tội !
      Chẳng hạn đã gọi là tự thiêu, sao lại để người khác đổ xăng lên người và bật lửa đốt dùm ! Họ muốn bảo là phải tự tay sắm tuồng từ A đến Z mới đúng bài bản !
      Rồi bị phục thuốc (sinh nghiện ? / narcotic addictive drugs) cho nên mất hết sáng suốt, cần có người dìu dắt, đốt cháy bla bla bla.

      Trên DCV đó tôi đã có lần nói rõ, trong Tây y chả có phương thuốc nào hay phương pháp nào giúp cho người tự thiêu không đau đớn, dãy dụa la hét khi bị cháy bỏng toàn thân đến rút cả gân xương co quắp như các trường hợp tự thiêu ở thời Phật giáo tranh đấu dưới thời ông Diệm cả.
      Ngay cả lúc đó có sự tham gia của một vị đàn anh, trên tôi một lớp nickname Nam Định (ông này vốn quê quán ở Nam Định; qua Mỹ 1975, học lại và trở thành bác sĩ giải phẫu thần kinh; lại là tín đồ kitô thuần thành, nên lại học thêm lên đến chức thày sáu / thày phụ tế ?) và tôi cũng hỏi ý kiến là ông ấy có biết gì hơn tôi chăng ? Rất tiếc ko thấy ông ấy phản ứng chi !
      (Tôi cũng trao đổi thư riêng với các bạn học cùng trường cho chắc ăn, nhưng ko ai phản bác điều tôi nêu ra)

      Tôi thấy thật đáng tiếc cho những người, nhất là có những tín hữu Kitô giáo thuần thành vốn là độc giả lâu năm ở cả hai diễn đàn Đàn Chim Việt, không hiểu thấu đáo ý nghĩa cũng như “uy lực” của TỰ THIÊU trong Phật giáo.
      Bởi đó không đơn thuần là tự tử, như người ta tưởng. Mà có tính cách thiêng liêng hướng thiện tiến đến cái cao cả, hy sinh thân mình cho đại cuộc, vì cứu khổ cứu nạn chúng sinh !
      Tôi xin méo mó tạm so sánh, chả khác gì Chúa Con vai vác thánh giá nẵng trĩu cất từng bước nặng nhọc trên đoạn đường Núi Sọ, rồi chịu chết bởi hình phạt ác nghiệt đóng đinh câu rút trên thập ác !
      Ôi đó là cái chết vô cùng thiêng liêng và cao cả, mang nặng tính cách răn đời, để đạt mục đích cứu nhân độ thế !
      Chỉ có những vị cao tăng đắc đạo mới có đủ uy lực thần thông đó mà thôi.
      Nói thêm có những cao tăng Phật giáo tự định đoạt số phận mình, bằng dự trù sẵn tới một lúc nào đó rút vào mật thất, ngồi thiền, rồi tự làm cho tim ngưng đập và phổi ngưng thở mà tự diệt.

      Xin tạm biệt và hẹn dịp khác.

      Lại Mạnh Cường

Leave a Reply to Minh Đức