WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Miền hư ảo [20]

Tiếp theo các chương:  IIIIIIIVVVIVIIVIIIIXXXIXIIXIIIXIVXVXVIXVII, XVIII, XIX.

 

Chương 20: Ngã blog – Ván cờ lưỡng bại câu thương

Lại kể tiếp câu chuyện án mạng trên đầm nuôi đỉa xảy ra hai mươi lăm năm về trước.

Hai ngày trước khi quan tổng đốc nhận lấy cái chết thảm khốc trong nhà thuỷ tạ thì ngã có khách viếng thăm.

Buổi chiều hôm đó, ngã ngồi xới đất cho mấy gốc trang. Lóng rày tụi sùng lộng hành quá ể, quỡn chút ngó lại là thấy cây cối rau cỏ vườn mình tiêu điều vàng vọt. Con Cụt xớn xác đứng ngay bên lưỡi cuốc, cứ chờ thấy con sùng trắng hếu ễnh ra là xông vô bất kể mạng sống. Mồ tổ cha con tham ăn.

Người khách lạ tới sau lưng từ lúc nào mà ngã không hay, con Cụt tham ăn cũng không hay, tới chừng nghe thằng cha Thể la lên:

- Thích khách, thích khách.

Ngã mới múa cuốc quay lại, giật mình nhận ra cái thằng hay theo con trai quan tổng đốc lội bưng ve gái. Nó đứng im đó, không tránh né, không hoảng hốt, cặp mặt nó nhìn con Cụt lom lom. Ngã bỗng thấy chột, mèng, thằng này bản lãnh khôn lường. Lưỡi cuốc bất ngờ xớt qua mặt mà nó vẫn đứng yên điềm nhiên không biến sắc. Ngã mới hỏi:

- Quý khách vô đây có chuyện gì?

Thay vì trả lời câu hỏi của ngã, thằng nhỏ nhảy tọt một cái vô thấu vấn đề:

- Làm cách nào để đi qua đầm lầy?

Ngã không tỏ đầu đuôi, cứ tưởng thằng này hỏi chuyện lội bưng ve gái nên nói tránh đi:

- Đã vô nhà bà cháu họ chơi mấy lần rồi sao không chịu nhớ đường?

Thằng nhỏ hỏi lại.

- Làm cách nào đi qua đầm lầy để vào được Đường Sơn gia trang?

Mèng ơi, hoá ra nó hỏi đường qua trại đỉa, vậy mà cứ nói chung chung, ai mà đoán ra. Chưa biết thằng này tà chính ra sao, ân oán gì mà muốn mò vô trại đỉa. Ngã không trả lời nó mà đi luôn vô nhà. Không ngờ nó cũng mần thinh đi theo, không thấy hỏi han gì thêm nữa. Trong nhà còn bàn cờ tối hôm qua ngã bày thế trận đánh dở chừng với ông Tám. Ngã dồn ông Tám vô thế cờ hiểm Ái tử Pháo Xe phong Tốt cuộc, vừa ra quân là động thủ liền, cho xe càn qua sông tiến vô tử địa, rồi dùng thế Ái tử Pháo cho quân pháo hữu thoái lui về sau rồi cho quân pháo tả tấn sang hãm xe cánh tả.

Ông Tám ngồi tới nửa đêm, bị vây trong bàn cờ không thoát đi đâu được, đành ngửa mặt nhìn trời than.

- Bại tướng, đành thất thủ cầu an.

Bàn cờ còn để nguyên đó, chưa đi hết nước cuối cùng. Thiệt ra, ngã không bao giờ xuống tay tàn độc hại ai mà không chừa cho người ta một lối thoát. Ông Tám bỏ cuộc đúng lúc là vì biết cái nhơn tình của ngã.

Thằng nhỏ mới bước chân ướt chân ráo vô nhà là nhìn lom lom bàn cờ như bị thôi miên. Chẳng nói chẳng rằng nó tới ngồi đúng ngay chỗ ông Tám. Ngã tính cảnh báo nó, đừng liều mạng nghen con, nội công non nớt như con mà để nhập vô ván cờ này là hộc máu như chơi. Mà thôi, thây kệ nó, cuộc đời này có duyên có nghiệp.

Lúc mấy con gà lục tục kéo vô chuồng, thằng nhỏ đã nhập vô thế trận không thoát ra được, trên trán nó mồ hôi đọng thành giọt. Ngã pha ấm trà cam thảo đất, thắp ngọn đèn dầu bên cạnh bàn cờ, rồi ngồi xuống phía đối diện. Duyên nghiệp tới nước này thì khó mà gỡ nổi. Cái bóng của nó, cái bóng của ngã từ bàn cờ toả đi hai hướng tử sinh. Gió đồi đêm mùa hè bỗng trở lạnh bất thường.

Đèn dầu

Thét rồi thằng nhỏ gạt mồ hôi trán, nó khoát tay cho con pháo hữu của nó thoái lui một bước. Con pháo hữu vừa lùi lại là chiếu ngay con xe của ngã đang nằm trong đất nó. Thằng này đa mưu túc kế, quỷ quái khôn lường, nó chịu lùi một bước mà biến đổi cả thế cờ. Ngã cũng buộc lòng rút quân, cho con xe tiên phong của ngã thoái lui một bước. Cầm binh trên đất người mà thảng thốt quay đầu nhìn lại cố hương là điều tối kỵ.

Nỗi đau tha phương chưa dứt lệ đã thấy bên quân địch đổi sang thế Xe phong truy kích, dùng xa luân chiến đánh đòn trực diện truy bức ngã liên hồi kỳ trận. Thời gian không biết kéo dài bao lâu, trán ngã dần toát mồ hôi lạnh, tay chân bủn rủn, tâm thần bấn loạn, tự mình lạc vô cõi hoang mê hồn ngất máu say. Quân binh trùng trùng vây bủa, cửa phía bắc Triều cung Mã đối, cửa phía Nam Kim câu Pháo tấn, cửa phía Đông Bình phiên Tượng sát, cửa phía Tây Tuần hà Tốt hãm. Hồn ngất máu say. Ôi Ngưu lang hỡi Ngưu lang. Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây. Một mình vùng vẫy giữa vòng vây. Quân xanh phất cờ ào ạt, tướng giặc đưa tay lên đánh ra nước Tốt cuộc cuối cùng. Ta biết biết vận mạng ta chấm dứt ở đây, máu nóng trào lên miệng. Mấy cái ngón tay xanh lè của tướng địch nhấc quân tốt lên, chuẩn bị đánh xuống tử huyệt.

Bàn tay phải quái khách từ từ hạ xuống, quét ngang mặt bàn. Một trận cuồng phong ập tới, cờ xí hai bên đổ gãy tan tành. Mấy quân binh gỗ văng tứ tán, đứa chết tức tưởi, đứa lăn long lóc trên mặt đất. Thế cuộc hung sát trong chớp mắt mà tan rã. Ngã bị chấn động, hét lên một tiếng rồi té xuống đất, khí huyết nhộn nhạo tâm mạch bấn loạn. Huyệt Can du thương tổn đau đớn như bị chém ngang thắt lưng. Ngã bám tay vô cạnh bàn lảo đảo đứng lên, nhưng rồi không gượng nổi, lại té quỵ xuống. Máu đỏ hộc ra nửa ngụm, nửa ngụm còn lại chạy ngược vô huyệt Cưu vĩ náo loạn tâm can. Ngã ôm ngực thều thào hỏi:

- Quý nhơn là ai? Tại sao lại muốn đi qua đầm đỉa?

Thằng kia không trả lời, nó ngồi im nhắm nghiền hai mắt, dưới ánh đèn dầu leo lét, sắc diện nhợt nhạt như không còn chút khí huyết, cả thân hình run lẩy bẩy. Hoá ra nó cũng bị trọng thương, đang cố ngưng tụ khí lực điều hoà kinh mạch. Tại sao nó liều mạng tới độ không biết nội công ngã ra sao mà dám chơi đòn Lưỡng bại câu thương? Kẻ đâm đầu vô tử lộ để tìm đường sống, ắt phải có điều gì bi thương bất tuyệt. May mà cái tâm của nó nhơn từ, tới giờ phút cuối còn tự mình thoát được khỏi vòng vây, phá huỷ thế trận, thành ra ngã với nó không ai thiệt mạng. Chuyện này ngã vừa cảm kích vừa thấy mình có duyên nợ với nó, phải hỏi căn cơ câu chuyện rồi mới biết có ân oán gì không.

Ngã cũng ngồi xệp trên đất, nhắm mắt điều tức. Tới khi mở mắt ra, trời đã tối mịt, muỗi từ đầm trai bay vô từng đàn vo ve. Cặp mắt của thằng nhỏ sáng rực trong bóng tối, sức trai trẻ của nó hừng hực toả ra làm ngã rùng mình khí huyết lại nhộn nhạo. Ngã hít một hơi rồi hỏi lại.

- Quý nhơn là ai? Tại sao muốn đi qua đầm đỉa?

- Tiểu tử là Đường Sơn Tấn Pháp con trai nối dõi của Đường Sơn Tấn Phong. Xin tham kiến cô cô.

Không ngờ nó dùng ngôn ngữ võ lâm mà đối đáp với ngã, lại còn gọi là cô cô. Ngã tứ cố vô thân, một mình bôn tẩu giang hồ nay bỗng dưng có thằng nhỏ mặt mày sáng sủa gọi là cô cô, thấy lòng cảm khích bội phần. Câu hỏi thứ nhất nó trả lời như vậy thì câu thứ hai hoá ra không cần nữa. Đường Sơn Tấn Pháp là người thừa kế chính thức phần tài sản chôn dấu trong nhà thuỷ tạ, nếu nó có tìm cách quay lại gia trang âu cũng là lẽ thường.

Bây giờ, để ngã kể sơ qua chuyện Đường Sơn Tấn Phong.

*

Thời nhớ lại chuyện trước đó, hồi ngã thân tàn ma dại phiêu dạt về đồi Thủ Đức thì Đường Sơn Tấn Phong đã lừng lẫy tiếng tăm trong giang hồ rồi. Không rõ Đường Sơn tên thật là gì, chỉ nghe nói, y xuất thân từ Cao Nguyên, thiếu thời làm nghề bán than. Khi y với hai bàn tay trắng làm nên cơ nghiệp thì danh thương Đường Sơn đại huynh cũng đã gắn bó với cuộc đời y. Đường Sơn đại huynh còn được giới thương nhân gọi là Đường tổng tiêu đầu. Những năm chiến tranh tàn khốc, Nam Thương tiêu cục do Đường Sơn làm tổng tiêu đầu cũng ào ạt phất lên theo những biến động thời cuộc. Đường tổng tiêu đầu buôn bán vận chuyển lương thực, thuốc men, xăng dầu dọc suốt tuyến đường từ Trung vô Nam. Ở Sài Gòn, bàn tay quyền lực của họ Đường lại thao túng hầu hết các thương cuộc cờ bạc, vũ trường lớn nhỏ trên đất Chợ Lớn. Tài sản, đất đai, cơ ngơi của Nam Thương tiêu cục như củi trên rừng, như cỏ ven sông, phân bố dày đặc từ Quảng Trị vô tới Sài Gòn. Tuy nhiên, trong chốn võ lâm Nam Phần thời đó, Đường Sơn lại nổi tiếng là người bặt thiệp trọng nghĩa khinh tài, kết giao rộng rãi với đám giang hồ nghĩa hiệp bất kể Hắc – Bạch.

Trong số bằng hữu của Đường Sơn, người được y trọng vọng nhất là một tay đại ma đầu hành tung vô cùng tà độc mang tên Mã Tiền. Mã Tiền là một loại độc dược không màu, không mùi, không vị, lặng lẽ giết người trong chớp mắt. Người mang tên Mã Tiền ngoài tài ám độc thần sầu quỷ khốc lại là kẻ có hành tung bí ẩn bất minh vô định, trôi nổi nay đây mai đó. Có lúc nghe đồn gã xuất hiện trên đường buôn bạch phiến từ Tam giác vàng về Nam Vang, lại có lúc lộ mặt trong các thương cuộc thanh trừng đẫm máu của làng cờ bạc ở Thượng Hải, về sau gã tới Ma Cao rồi mất dấu một thời gian dài. Khi Mã Tiền tái xuất giang hồ, hiện diện bên cạnh Đường Sơn Tấn Phong trong các thương cuộc làm ăn, những lời đồn đãi về tên đại ma đầu lại rộ lên như cỏ sau cơn mưa, toàn những tin tàn khốc ghê rợn mà không rõ thật hư. Mã Tiền không đính chánh, sự im lặng của gã lại làm người ta khiếp sợ hơn.

Năm 62, Đường Sơn Tấn Phong mua vùng đất trũng dưới chân đồi Thủ Đức lập nhà thuỷ tạ. Đó là khu đất trũng bị vây giữa đồi Nông Lâm, ngã tư Xuân Hiệp, dốc Gà Quay và dốc Chợ Chiều. Nếu coi theo phong thuỷ, đất Thủ Đức toạ trên khúc ruột của con rồng chín đầu thì cái lỗ rún là vùng đầm lầy này đây. Âm hàn tụ hết vô đó, phước lộc không biết bao nhiêu nhưng hiểm hoạ thì khôn lường. Đường Sơn vốn giỏi thuật Âm Dương Ngũ Hành, quán thông Đạo Dịch, y cho xây nhà thuỷ tạ theo bát quái đồ, gồm sáu mươi bốn phương vị, có cửa sinh cửa tử thoát vây, có cửa âm cửa dương hung cát, nhằm để bảo vệ cho vùng Long Mạch. Người bình thường muốn vô Đường Sơn gia trang chỉ có thể theo một con đường đắp đất duy nhất hướng bắc, nằm trên Quái Khôn lạnh lẽo, con đường chạy dài theo mấy hàng cây thiết mộc lan gầy guộc. Khẩu truyền, Đường Sơn xem bói biết được mình đoản mạng nên cũng lo tìm nơi chôn cất của cải cho con cháu trong đầm. Bốn mươi tuổi đầu y mới sanh được thằng con trai nối dõi, thân mẫu của nó lại qua đời ngay sau khi khai hoa. Hôm thôi nôi thằng nhỏ, chính tay Mã Tiền mặc áo đạo sĩ trắng bồng thằng quý tử đi trên con đường Quái Khôn dẫn vô nhà thuỷ tạ, chính tay Mã Tiền thắp nhang cầu khẩn âm binh, gởi gắm kẻ thừa kế. Suốt ba ngày liền, Đường Sơn gia trang treo đèn đỏ sáng rực cả mặt đầm. Hồi đó ngã mới về đây, ngọn đồi này còn hoang vu trống trải ghê lắm. Đứng trên đồi trọc nhìn xuống thấy Đường Sơn gia trang đèn đóm sáng loáng, xe cộ dập dìu, hương ngói nghi ngút, thiệt là khác xa cái không khí u tà của đầm lầy, cái lâm hôn ám chướng của rừng cao su.

Cuối năm 74, Đường Sơn gia trang bị Việt Cộng đánh mìn, gian nhà hướng nam đổ sụp hoàn toàn. Đường Sơn lập tức cho xây dựng lại, nhưng nó chỉ là phần chấp vá không liền lạc được như xưa. Nơi bị đánh mìn đó lại chính là tử huyệt.

Biến cố tháng 4 – 75 xảy ra sau đó, Đường Sơn không di tản ra nước ngoài mà ở lại thành phố. Ngay từ những ngày đầu chuyển giao, Đường Sơn đã có mặt trong Uỷ ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, thường xuyên xuất hiện bên cạnh một nữ biệt động thành mang bí danh Sáu Hận, trang tuyệt sắc giai nhơn có thành tích tiếng tăm lừng lẫy. Khi đó thân hữu của Đường Sơn mới giật mình té ngửa, hoá ra Đường Sơn lâu nay làm kinh tài cho Mặt Trận, nuôi dưỡng Việt Cộng nằm vùng, nên an tâm ở lại Sài Gòn chờ một thời cơ mới. Đường Sơn tiêu cục không chỉ buôn bán vận chuyển lương thực, thuốc men, xăng dầu cho Mặt Trận mà còn tham gia điều phối nhân lực, tiền bạc và vũ khí. Chỉ không ngờ, chỗ là cơ sở lớn của Mặt Trận, có công trạng hiển hách với Cách Mạng mà trong chiến dịch thanh trừng tư sản mại bản, Đường Sơn vẫn bị quy ra thành phần có tội với nhân dân. Người ra lệnh bắt giam và tịch thu toàn bộ tài sản của Đường Sơn chính là Tư Trung, kẻ sau này lên nắm chức quan tổng đốc. Đường Sơn Tấn Phong chấm dứt sứ mạng lịch sử của mình bằng cách treo cổ tự ải. Trong bầu không khí cướp bóc, khủng bố và trả thù thời hậu chiến đó, cái chết tức tưởi của Đường Sơn như một tiếng kêu khốc hãi lan đi trong chốn võ lâm và thương trường. Những kẻ tự bại lúc đó nghẹn ngào hiểu ra một điều, đừng trông đợi gì vô cái gọi là thiện chí hoà giải và lòng nhơn đạo của bên chiến thắng.

Ngã còn nhớ, Đường Sơn gia trang bị bỏ hoang từ một năm, có một đêm bỗng nhiên leo lét ánh đèn. Tới sáng hôm sau thì mới biết, tối hôm đó Đường Sơn vượt ngục, ôm thằng con trai trốn về Đường Sơn gia trang, treo cổ tự tử trong phòng ngủ. Đó là căn phòng treo màn nhung đỏ nhìn ra con đường đất hướng bắc. Thằng con trai có lẽ nằm ngủ say nên tới sáng hôm sau nó mới phát hiện ra xác cha. Tiếng khóc kinh hoàng của nó tràn qua đầm lầy đánh động âm binh, thức tỉnh dân chúng trong vùng. Thiên hạ hốt hoảng đoán biết có chuyện không lành, nhưng tuyệt nhiên không ai mon men tới gần đầm lầy. Con đường duy nhất vô Đường Sơn gia trang đã bị họ Đường treo bản “Có chôn mìn”. Giữa trưa, một toán bộ đội tới gỡ mìn tiến vô nhà thuỷ tạ thì thằng con của Đường Sơn đại huynh đã biến mất một cách kỳ lạ. Không ai biết thằng nhỏ chín, mười tuổi làm cách nào vượt qua được đầm lầy hiểm trở để ra khỏi Đường Sơn gia trang.

Sau khi Đường Sơn tự ải, ngôi nhà thuỷ tạ trên đầm lầy bị Chính phủ Lâm thời tịch thu rồi giao lại cho mấy quan lớn. Nhưng không một ai ở được trong ngôi nhà oan khốc đó quá nửa năm. Những người chủ mới tới ở được vài tháng là gặp hoạ bất đắc kỳ tử, chết bờ chết bụi thê thảm không toàn thây. Ngôi nhà vì vậy mà đổi chủ liên tục, toàn những loại quyền thế, toàn những loại gian tham nghe tin đồn về của cải của Đường Sơn mà liều mạng. Thời ban đầu, người Cộng Sản đả kích tín ngưỡng, nhất nhất không tin vô ma quỷ thần thánh, nhưng dần dà rồi hương khói toả mờ mịt Đường Sơn gia trang. Hương khói càng dày đặc, oan hồn càng hung linh, những cái chết càng oái oăm kỳ dị.

Tới khi Sáu Hận, người tình của Đường Sơn, dọn về gia trang thì mọi chuyện ân oán tưởng như là êm xuôi. Gia đình Sáu Hận sống trong nhà thuỷ tạ hơn sáu năm yên thấm không thấy chuyện gì xảy ra, đùng một cái, Bảy Tốt, chồng Sáu Hận  bị tố cáo tham nhũng lũng đoạn thị trường, cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Thời đó, quan nhỏ ăn kiểu nhỏ, quan lớn ăn kiểu lớn, có bị phát giác thì cũng là kỷ luật sơ sài, thuyên chuyển công tác, không ngờ, Bảy Tốt lại bị kết án tử hình. Sự kiện cán bộ nhà nước, lần đầu tiên, bị đưa vô trường bắn làm dư luận xôn xao hả hê ghê lắm. Bởi vì xôn xao hả hê mà không ai chú ý tới kẻ chủ mưu. Kẻ đứng sau vụ bắt giam và ra khởi tố Bảy Tốt chính là quan tổng đốc. Mấy năm sau cái chết của Bảy Tốt, khi đất đai vùng Thủ Đức rục rịch lên giá, căn biệt thự bị bỏ hoang trên đầm lầy bỗng  thuộc về quan tổng. Nhưng quan lớn là người khôn ngoan cơ trí. Quan cho mời thầy phong thuỷ về xem địa hình, địa lý rồi ký lịnh cho Ủy ban nhân dân huyện Thủ Đức thành lập trại nuôi đỉa xuất khẩu. Máy cày trên huyện kéo về quần thảo ba tháng trời trên đầm, phá nát trận đồ bát quái của Đường Sơn, đào bốn cái hồ nuôi đỉa rộng bát ngát tạo thế Tứ Trượng âm hàn hung hiểm bảo vệ nhà thuỷ tạ. Lẽ ra ở địa vị của quan chẳng ai bỏ công lấy căn nhà đầy oan hồn tử khí đó làm gì, nhưng tin đồn về nơi chốn dấu tài sản và tài liệu bí mật của nhà Đường Sơn làm quan động lòng.

Không chỉ quan lớn thèm thuồng số tài sản cất giấu tại Đường Sơn gia trang, trên giang hồ cũng lan truyền vô số lời đồn đãi. Bọn giang hồ thảo khấu kéo về đồi Thủ Đức ngày càng đông, mở quán xá quanh vùng, nhăm nhe tìm kiếm kho tàng bí ẩn. Ai từng sống ở Thủ Đức thời đó chắc còn nhớ, trên đồi Nông Lâm toàn một đám sinh viên nghèo kiết xác, nhưng quán xá dưới chân đồi thì mọc lên không ngớt. Đêm đêm, bọn cao thủ lượn lờ vây quanh đầm lầy, nhưng không kẻ nào vượt qua được bốn cái hồ nuôi đỉa rộng thênh thang có đám bảo vệ dữ dằn canh gác nghiêm ngặt. Thỉnh thoảng, có buổi sáng sớm nghe chộn rộn bên đó, lão Thể hớn hở chạy đi, lúc về là hả hê kể, đêm qua có kẻ liều mạng vượt qua hồ đỉa, xác bị đỉa hút cạn máu nổi bập bềnh trên nước. Mấy cái xác vô thừa nhận này thường được tụi bảo vệ kéo lên, chôn sau nhà thuỷ tạ. Hồn ma kẻ tham của lại biến thành âm binh hung hãn canh giữ châu báu trong đầm lầy.

Đám đỉa đói quen hút máu người lại càng dữ tợn thèm khát hơi người.

Quan tổng đốc tuy ở ngay trong nhà thuỷ tạ nhưng cũng không cách nào tìm ra kho tàng. Những hôm quan về Đường Sơn gia trang, tiếng đập tường, tiếng đào bới lại vọng ra không dứt. Tuy là người chỉ đạo công việc truy tìm kho báu nhưng quan tổng không bao giờ dám ngủ qua đêm trong đầm.

Khi trăng vừa lên tới hàng tràm, khi âm binh vừa thức giấc, xe hơi vội vã chở quan ra khỏi Đường Sơn gia trang. Quan không đi đâu xa, cách đó hơn năm trăm mét, ngoài phạm vi đầm lầy có chốn lầu xanh mang tên Đường Sơn quán. Chuyện hầu hạ cho quan qua đêm bên đó đã có một người đờn bà mang tên Tứ Xuân đảm nhận. Đó là người phụ nữ tứ tuần đẫy đà, ngồn ngộn xác thịt, loại tú bà đỏ chuyên dựa thế quan quyền kinh doanh ngành lầu xanh cao cấp. Tứ Xuân dựa thế quan tổng đốc mở Đường Sơn quán trong rừng cao su, ngay cạnh Đường Sơn gia trang, phục vụ cho quan tổng cùng các quan lớn khác từ đàng ngoài vô. Trong đó bày đủ kiểu dâm ô, đủ kiểu trác táng truỵ lạc. Suốt mấy năm trời dâm khí từ Đường Sơn quán toả ra khỏi rừng cao su, lan trên đầm lầy làm ô đen cả mặt nước. Đỉa trên đầm càng hung tợn hơn. Âm binh càng cuồng nộ hơn.

Không ai ngờ, kẻ đa mưu túc trí như quan tổng đốc cuối cùng cũng không thoát khỏi nghiệp chướng. Đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, khi ngã vô tới căn phòng ngủ treo màn đỏ thì quan tổng đốc đã là cái xác không hồn, không quần áo. Một cái chết thảm khốc. Nhát cuốc hung hãn xẻ đôi xương sọ, xé toạt cả một vùng bả vai, máu me lênh láng.

Khi đó, trăng đã lên cao quá khỏi hàng tràm từ lâu.

 

*

Lại kể tiếp chuyện thằng con trai nối dõi của Đường Sơn Tấn Phong. Buổi tối hôm đó, hai ngày trước khi quan tổng đốc bị chém chết trên giường, thì thằng con trai của Đường Sơn tìm tới ngã quyết hỏi cho ra cách đi qua trại nuôi đỉa.

Ngã biết, họ Đường Sơn có mối oán thù không đội trời chung với quan tổng đốc. Duyên nghiệp éo le, hai đứa con của hai kẻ tử thù không biết vì cớ gì lại thành bạn thân của nhau. Câu chuyện này quả có nhiều điều kỳ bí bất minh, phải hỏi cho ra gà ra vịt đã, rồi mới tính tiếp. Ngã mới hỏi nó:

- Hồi bữa đó, làm sao tiểu hiệp thoát khỏi Đường Sơn gia trang?

Nó hiểu liền, “hồi bữa đó”  là hồi cách đây hơn mười năm, hôm cha nó tự vẫn trong nhà thuỷ tạ, nhưng nó không nói ngay mà suy tính rất lâu, chừng hết tiếng gà gáy, nó mới nhìn ngã. Trong bóng đèn dầu mà cặp mắt Đường Sơn quang đãng không phủ sương đêm, ngã biết, nó sẽ nói ra một phần sự thật.

- Đêm đó còn có một người thứ ba trong gia trang.

- Ai?

- Mã đại hiệp.

Ngã nghe tới tên Mã Tiền bất giác sống lưng lạnh toát.

—————————————————–

Comments (2 total)

 

Thám tử Conan

 

Khoan đã, cô Năm!

 

“… khi ngã vô tới căn phòng ngủ treo màn đỏ thì quan tổng đốc đã là cái xác không hồn… Nhát cuốc hung hãn xẻ đôi xương sọ, xé toạt cả một vùng bả vai, máu me lênh láng”

 

Làm sao cô Năm nhìn thấy được vết thương để biết là do cuốc xẻ? Vậy thì, cái xác quan tổng đốc nằm xấp hay nằm ngửa? Theo entry “Lời quan tổng đốc”, cái xác này ngay sau khi chết đã bị Sáu Hận lật ngửa ra. Vết thương nằm bên dưới thân thể người chết, kẻ đến sau không thể nhìn thấy được. Nếu entry Lời quan tổng đốc nói đúng thì chỉ có hai khả năng:

 

  1. Cô Năm có mặt ngay thời điểm gây án.
  2. hoặc… chính là thủ phạm.

 

Ngã

Thằng nhỏ Conan này không sợ chết hay sao mà vô đây hỏi xách mé kiểu đó? Từ từ nghe cho thủng chuyện đã chớ.

 

Phản hồi