WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ăn năn vì Tổ Quốc

 

Tôi rất không bằng lòng, và nghĩ rằng có người đã phẫn nộ có lý khi đọc những dòng sau đây:

Nhân danh tổ quốc họ phát động cuộc chiến thôn tính miền Nam làm hàng triệu người chết và đất nước kiệt quệ. Tổ quốc đồng nghĩa với chiến tranh và chết chóc.
Toàn thắng rồi, tổ quốc xã hội chủ nghĩa quên phắt cam kết thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tổ quốc bỏ tù và hạ nhục hàng triệu người. Tổ quốc đánh tư sản, tống cỗ con cái ngụy quân, ngụy quyền ra khỏi trường học và lùa đi vùng kinh tế mới. Tổ quốc khống chế và hăm dọa bằng công an thành, công an tỉnh, công an huyện, công an phường. Biết dân chúng không còn chịu đựng được nữa và muốn bỏ nước ra đi, tổ quốc đứng ra tổ chức vượt biên bán chính thức để lấy tiền chuộc mạng của những người muốn chạy trốn nanh vuốt của mình. Tổ quốc hành động như bọn giặc cướp. Đến khi bị dư luận thế giới lên án dữ dội vì hành động bỉ ổi này, tổ quốc dẹp luôn đợt vượt biên bán chính thức và dĩ nhiên không trả lại tiền. Tồ quốc đểu cáng và lật lọng.
Đối với những người ra đi, tổ quốc là sóng gió, hải tặc, là cái chết trong bụng cá, may mắn hơn là những ngày ê chề trong những trại tập trung trước khi tìm được một quê hương mới. Tổ quốc là một dĩ vãng cần quên đi. Đối với những người ở lại, tổ quốc đổi tiền mấy lần để cướp giật, tổ quốc sách nhiễu từng ngày. Tổ quốc nói trắng cũng được, nói đen cũng xong, cấm rồi lại cho phép, cho phép rồi lại cấm, muốn bắt hay tha tùy ý, người dân phải chịu đựng hết. Vì tổ quốc có súng” (1).

Để biện minh cho bản cáo trạng nặng nề vô lối đó, Nguyễn Gia Kiểng giải thich:
“Người dân có thể cảm nhận về tổ quốc thế nào tuỳ ý, nhưng họ chỉ tiếp xúc thực sự với tổ quốc qua các chính quyền” (1).

Làm gì có sự tách bạch hoàn toàn giữa tiếp xúc với cảm nhận trong khi cảm nhận chỉ là hệ quả tổng hòa của tiếp xúc.

Thế mà, cùng cảm nhận và tiếp xúc nhưng, Tổ Quốc khi hiện lên trong tâm khảm người ta với “Những cánh đồng quê chẩy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều” thì vẫn nghe “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” kia mà.

Tổ quốc, “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở (dẫu trong ngày ta ở có bao nhiêu điều phũ phàng, chua xót, thì)/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” kia mà.

Và, trong lòng ta, “Xưa yêu quê hương (đâu chỉ vì) có chim có bướm/ (mà còn vì) có những ngày trốn học bị đòn roi” kia mà.

Tổ quốc, ngay khi tưởng như: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu” thì vẫn có những “Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông/ Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả ” (2) kia mà.

Phải chăng chỉ NGK đã cả giận mất khôn !

Tuy nhiên, nỗi bất bình dường như tiêu tan khi ta nghe ông tâm sự:

Trước hết mỗi người Việt nam phải ăn năn và sám hồi. Ăn năn vì chúng ta, mỗi người chúng ta, đã ngây thơ coi tổ quốc như là vô tận, không thể hao mòn và đã không quan tâm làm cho tổ quốc ngày một vững mạnh hơn và đáng yêu hơn. Hay vì chúng ta đã khờ khạo nghĩ rằng mình có thể tự giải quyết các vấn đề cá nhân của mình bằng những giải pháp cá nhân như luồn lách, móc ngoặc, hối lộ, bỏ nước ra đi, v.v…” (1)

Đấy không chỉ là lời “hiệu triệu” mà còn là lời tự phê rất nghiêm khắc vì chính NGK “đã khờ khạo nghĩ rằng mình có thể tự giải quyết các vấn đề cá nhân của mình bằng những giải pháp cá nhân như … bỏ nước ra đi” (1).

Phải nói NGK là người dũng cảm và chân thành. Tuy nhiên, tai vạ thường đến với ông chỉ vì ông chủ trương:

“Quan niệm của tôi là không nhắc lại những gì mình nghĩ là đa số đã đồng ý để chỉ tập trung thảo luận về những gì mà nhiều người chưa đồng ý và nhất là những gì mà đa số không chấp nhận. Tôi nghĩ nên cố gắng đề nói ra những điều mới, và nếu trong mười điều mới nói ra có tới chín điều sai và chỉ một điều đúng thì cũng còn có ích hơn là nói mười điều đúng cả mười nhưng đều là những điều đã biết. Khi không chấp nhận một ý kiến, người ta hay cho rằng ý kiến đó là sai, là dở. Nhiều độc giả sẽ thấy nhiều điều nói ra trong những trang sau là sai và đánh giá tác giả là dở. Tôi chấp nhận sự kiện đó. Tôi cho rằng nói ra những điều mình nghĩ là đúng dù biết rằng sẽ có nhiều người cho là sai và đánh giá thấp mình là một thái độ khiêm tốn. Đó là cách khiêm tốn của tôi ” (1).

Có lẽ thần tượng của NGK là Socrates. Theo truyền thuyết, Socrates đã tuyên bố khi phiên tòa Athens kết thúc rằng: “Bây giờ chúng ta chia tay, quí vị để tiếp tục sống còn tôi để chết. Ai đúng chỉ có Trời biết, nhưng một cuộc đời không suy luận là một cuộc đời không đáng sống”.

Dường như NGK có ý thức phấn đấu làm một trí thức kiểu như thế, và thực tế ông đã là một trí thức tên tuổi, theo cái định nghĩa của chính ông:

“Tóm lại nếu phải định nghĩa người trí thức thì ta có thể nói: trí thức là những người do được đào tạo hay tự học đã đạt tới một trình độ hiểu biết và lý luận trên trung bình, quan tâm tới những vấn đề chính trị và xã hội, suy nghĩ một cách lương thiện, biết tự đặt cho mình những câu hỏi và tìm câu trả lời của mình cho những câu hỏi đó và sẵn sàng thách thức mọi thế lực để bảo vệ quan điểm của mình. Người trí thức phải suy nghĩ một cách độc lập và do đó không thể chấp nhân một sự chỉ đạo tư tưởng nào cả” (6).

Cho nên tôi đồng ý với nhà văn Nhật Tuấn khi ông đánh giá:

“Nhưng nhìn chung, tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn đã đưa ra nhiều cách nhìn táo bạo và đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ. Có những phát hiện của ông, có thể mang tác dụng uốn nắn được cách nhìn, cách suy nghĩ, cách hành xử của một số người. Nhưng cũng không thiếu những điều sẽ làm cho người đọc phẫn nộ. Bởi vì ông đã đi quá đà khi đưa ra nhiều kết luận liều lĩnh dựa trên những tiền đề chưa đủ tầm vóc để có sự thuyết phục” (3).

Tôi ngạc nhiên khi thấy NGK dám bác bỏ một nhận định đã thành chính thống rằng Nhật Bản đã vượt lên trên Phương Đông được là nhờ Minh Trị Thiên hoàng, và đã phải ngẫm nghĩ khi ông suy luận:

Xã hội Nhật do các lãnh chúa thống trị dựa trên giai cấp hiệp sĩ. Các lãnh chúa và các hiệp sĩ cực kỳ kiêu căng không thèm hòa trộn với dân chúng mà để mặc quần chúng tự tổ chức lấy cuộc sống của mình, miễn là nộp đủ thuế. Trong tình trạng ấy, quần chúng Nhật tuy ở sát nhưng thực ra lại sống rất xa giai cấp thống trị. Họ không thể tổ chức thành chính quyền nếu không muốn lãnh búa rìu và họ phải tìm cách sinh sống với nhau trong đồng thuận để tránh những can thiệp của bọn hiệp sĩ. Một cách tiệm tiến và thầm lặng, một sinh hoạt tự do đã hình thành giữa quần chúng với nhau, dưới sự giám sát từ xa của các lãnh chúa. Đó là lý do khiến xã hội Nhật đã phát triển, rồi chính sự phát triển này đã tạo ra áp lực buộc giới cầm quyền Nhật nhượng bộ dần dần” (4).

Tôi thường tâm niệm cái điều nhiều người đến nay vẫn tâm niệm rằng: Chủ nghĩa Marx ít ra cũng còn được cái lõi Biện chứng pháp, nhưng NGK thì xổ toẹt:

“Tuy không định nghĩa một cách chính xác thế nào là một tiền đề, một phản đề và một tổng hợp nhưng Hegel còn ý thức được sự mơ hồ của mình và biết dừng lại ở chỗ chỉ sử dụng biện chứng để giải thích lịch sử. Marx đã liều lĩnh hơn, coi vai trò của biện chứng không phải chỉ là để giải thích mà còn là để thay đổi lịch sử, nghĩa là để hành động” (5).

Tôi không đủ trình độ phán định khi nghe ông lên án:

“Điều thực sự mới của Marx so với Hegel là về mặt đạo đức, Hegel tuy không bàn tới đạo đức nhưng cũng không phủ nhận các giá trị đạo đức. Khi Hegel nói rằng kết quả của mỗi giai đoạn biện chứng đều là một tình trạng hoàn chỉnh hơn trước, khái niệm “hoàn chỉnh” còn có một ý nghĩa bởi vì các giá trị đạo đức vẫn còn đó để có thể được sử dụng như những tiêu chuẩn đánh giá, Marx trái lại phủ nhận hoàn toàn các giá trị đạo đức như là sản phẩm của giai cấp thống trị; như vậy khi Marx nói rằng mỗi kết thúc của một giai đoạn đấu tranh giai cấp – từ xã hội cộng sản nguyên thủy đến xã hội cộng sản qua các chế độ nô lệ, quân chủ, phong kiến, tư bản – đều là những tiến bộ, khái niệm “tiến bộ“ này hoàn toàn mơ hồ vì không có những tiêu chuẩn để định nghĩa.

Đó là một sự tùy tiện tuyệt đối, với hậu quả là kẻ có bạo lực có thể làm tất cả. Mọi đảng cộng sản vì thế đều có bản chất khủng bố, đó là lý do chính tạo ra sức mạnh của chúng. Cũng nên lưu ý là sự phủ nhận các giá trị đạo đức của Marx đã đạt tới mức độ lạnh lùng dễ sợ. Marx không coi việc giai cấp thống trị bóc lột giai cấp bị trị là một tội ác, trái lại ông coi nó là một lẽ tự nhiên, cũng tự nhiên như việc giai cấp bị trị phải vùng dậy tiêu diệt giai cấp thống trị (5).

“Triết lý Mác-Lênin quan trọng ở chỗ nó tạo ra cả một văn hoá và một tâm lý cộng sản. Biện chứng duy vật là một lối lý luận rất sơ đẳng. Nó tạo ra ảo tưởng rằng ngay cả những người vô học cũng có thể lý luận trên tất cả mọi vấn đề, và do đó đảm nhiệm những vai trò lãnh đạo, nếu biết biện chứng duy vật. Từ đó hình thành một tâm lý võ biền coi thường kiến thức. Chính Lenin cũng đã có tâm lý này” (5)

Tôi ngỡ ngàng để thích thú trước những phát hiện nhờ sức tổng hợp khái quát cao:

“Trong suốt lịch sử của phong trào cộng sản thế giới chưa hề có một đảng cộng sản nào thắng một cuộc bầu cử lương thiện nào. Cũng chưa hề có một đảng cộng sản nào đem lại phồn vinh cho một quốc gia nào. Không hề có một phát minh hay sáng tác thực sự đáng kể nào trong các chế độ cộng sản, một vài tác phẩm văn học lớn đều là của những người đối lập (7).

“Ở mọi nơi mà nó đã được thử nghiệm chủ nghĩa cộng sản đã chỉ là nghèo khổ, khủng bố và tội ác. … Chế độ cộng sản khác với mọi chế độ bạo ngược đã có trong lịch sử thế giới, nó là chế độ duy nhất bách hại và tàn sát nhân dân của chính mình. Tuyệt đại đa số nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản là những người dân của các chế độ cộng sản (7).

Và đây nữa:

“Chế độ này chắc chắn sẽ bị đào thải. Không phải chỉ vì đàn áp và bóc lột tự nhiên làm nảy sinh ra chống đối. Có những chế độ bạo ngược kéo dài rất lâu. Nó sẽ sụp đổ nhanh chóng hơn vì một lý do khác. Đó là vì không một đoàn thể nào có thể tồn tại nếu không có một mục tiêu chung hoặc những giá trị đạo đức chung. Đảng cộng sản không có cả hai. Nó sẽ nhanh chóng trở thành một đấu trường hoang dại. Chính những đảng viên cộng sản sẽ xâu xé nhau” (5).
Và đây nữa:

“Coi nhẹ các giá trị dân chủ và nhân quyền còn là một sai lầm lớn nếu hoà bình là điều cần được trân quý nhất. Trong lịch sử thế giới các cuộc chiến đã chỉ xảy ra hoặc giữa các nước độc tài với nhau hoặc giữa một nước độc tài và một nước dân chủ. Chưa có trường hợp hai nước dân chủ chiến tranh với nhau. Dân chủ và nhân quyền là nền tảng của hoà bình (8).

Song, đôi khi tôi cũng đã sửng sốt trước sự hồ đồ và tự mâu thuẫn của NGK:

“Phải nhìn nhận rằng trên thế giới này khó tìm ra một dân tộc bạc nhược như vậy. Mà có phải con người Việt Nam bạc nhược đâu. Cũng những con người ấy khi được tổ chức và chỉ huy đã đánh bại quân Tống, quân Nguyên, quân Thanh, đã từng chiến thắng vẻ vang tại Điện Biên Phủ” (4).

Không thể không bảo NGK là thiếu chín chắn khi dám tuyên dương:

“Tôi biết hai ký giả Pháp khá nổi tiếng. Họ không phải là những nhà văn nhà báo lớn nhất của nước Pháp, nhưng trình độ nhận thức của họ cao hơn hầu hết các chính trị gia Việt Nam. Đặc điểm chung của họ là rất tha thiết đối với đất nước và con người Việt Nam, do đó họ hiểu biết đất nước Việt Nam hơn hẳn các chuyên gia về Việt Nam khác” (4).

Một trong hai ký giả đó tên là Michel Tauriac, đã nói rất lếu láo:

“Chế độ cộng sản Việt Nam chẳng mạnh gì, vấn đề là người Việt Nam không có ý chí tranh đấu gì cả, người ta có cảm tưởng đó là một đàn cừu” (4).

Gần đây NGK còn phóng tay mạc mặt cho chủ nghĩa cá nhân:

“Chủ nghĩa cá nhân coi mục đích của tổ chức xã hội, trong đó quan trọng nhất là chính quyền, là tạo điều kiện để mỗi cá nhân xây dựng hạnh phúc của mình. Nói cách khác, cá nhân là cứu cánh, mọi tổ chức trong xã hội kể cả nhà nước chỉ là phương tiện … Bản tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc 1948 chỉ qui định những bổn phận của nhà nước đối với cá nhân chứ không qui định một bổn phận nào của cá nhân đối với nhà nước. Tài liệu này mặc nhiên coi cá nhân là giá trị cao nhất; tổ chức xã hội, trong đó có nhà nước, có mục đích sau cùng là phục vụ cá nhân; nó có thể được coi như là bản tuyên cáo của chủ nghĩa cá nhân và đem lại cho chủ nghĩa cá nhân một nội dung cụ thể ” (15)

Chủ nghĩa cá nhân biểu hiện tư tưởng triết học Max Stirner và Nietzche. Nó đã góp phần giải phóng con người khỏi những xiềng xích của chủ nghĩa phong kiến và của giáo hội cổ đại. Hết cái sứ mệnh giai đoạn lịch sử, cá nhân chủ nghĩa hoặc dẫn đến vô chính phủ, hoặc dẫn đến độc tài.

Ở đây, khi NGK nói: “Cá nhân phải được hiểu là con người được nhìn một cách độc lập với tư cách thành viên của một tập thể nào đó. Con người này vừa trừu tượng vừa phổ cập, vì không là riêng ai cả nhưng lại hiện diện trong mọi người, nó được coi là giá trị cao nhất. Mỗi cá nhân là một thể hiện cụ thể của con người này …” (15) thì đối tượng nói đến không phải là cá nhân cụ thể từng người mà là con người chỉ mang đặc tính bất biến của con người mà ta phải viết hoa: Con Người. Con Người này là sự trừu tượng hóa con người, siêu thoát khỏi mọi ràng buộc của kết cấu chính trị, xã hội như: mầu da, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch …

Tuyên ngôn Nhân quyền đặt vấn đề đối với “Con Người” (chứ không phải cá nhân), nhà nước có trách nhiệm với “con người” trong quốc gia mình (chứ không phải với từng cá nhân)

Song, vì Tuyên ngôn Nhân quyền đặt vấn đề đối với “Con Người” nên các nhà nước đã ký vào Tuyên ngôn không thể ngụy biện rằng họ chỉ cần ban phát quyền “con người”.

(Năm 1999 khi thấy tôi công khai xiển dương “Nhân quyền cao hơn chủ quyền”, ông Đỗ Mười – tổng bí thư ĐCSVN lúc ấy – đã ra lệnh tống tù tôi !)

Như tất cả những ai vượt thoát được khỏi mụ mị lú lẫn do bị tuyên truyền nhồi sọ quá lâu, NGK chua xót ngẫm lại nguồn cơn những cuộc chiến tranh đã xẩy ra trên đất nước Việt Nam suốt thế kỷ qua:

“Mọi người đều biết nó không cần thiết và hơn nữa còn là một thảm kịch cho đất nước nhưng nó đã diễn ra vì độc lập không phải là mục tiêu của đảng cộng sản, lực lượng áp đảo lúc đó. Độc lập chỉ là một biện minh, mục tiêu thực sự của đảng cộng sản là áp đặt chế độ cộng sản. Mục tiêu này không chấp nhận được cho nhiều người Việt Nam và cũng là một thách thức đối với khối dân chủ tư bản, do đó chiến tranh là điều không tránh khỏi. Ngày nay, khi chủ nghĩa cộng sản đã hiện nguyên hình như một sai lầm đẫm máu và hơn thế nữa một chủ nghĩa tội ác về bản chất, cuộc chiến này phải bị lên án, ít nhất như một sự cuồng dại … Họ đã hành động vì chủ nghĩa cộng sản, độc lập dân tộc và quyền lợi đất nước không phải là động cơ của họ” (9).

Cuộc chiến 1954 – 1975, mà đảng cộng sản gọi là cuộc chiến tranh chống Mỹ lại càng vô lý hơn. Đứng trên quan điểm dân tộc, nó là một sự ngu xuẩn tuyệt đối. Mỹ hoàn toàn không phải là một đế quốc thực dân, trái lại còn là một cường quốc chống chủ nghĩa thực dân. Từ ngày lập quốc họ chưa hề đánh chiếm để sáp nhập hay thống trị một nước nào. Mỹ là một cường quốc không gian, hàng hải và thương mại cần thị trường chứ không cần thuộc địa. Cho tới nay họ vẫn từ chối sáp nhập Porto Rico dù không ai, kể cả người Porto Rico, chống lại; họ trả độc lập cho Philippines sau khi mua lại quần đảo này từ Espana. Sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam đáng lẽ đã phải được coi là một may mắn lớn, nó đem lại cho chúng ta sự hợp tác tận tình của cường quốc mạnh nhất, giầu nhất, tân tiến nhất và sáng tạo nhất thế giới mà không hề có nguy cơ mất nước. Cuộc chiến này đã chỉ xảy ra vì quyền lợi dân tộc không phải là ưu tư của đảng cộng sản. Ưu tư của họ là áp đặt chế độ cộng sản trên cả nước” (9).

Tuy nhiên, khác với những ai hận thù mù quáng, giận cá chém thớt, căm ghét tất cả những người từng ở bên kia chiến tuyến, dù là đồng bào mình, NGK thật thấu tình, thật bao dung:

“Phải nói thật rõ: đại bộ phận những người đã chiến đấu dưới lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc chiến này đã chiến đấu vì lòng yêu nước, họ phải được tôn vinh; những người phải bị lên án là những người đã quyết định cuộc chiến này” (9)

“Chúng ta vẫn không được quên là đã có hàng trăm nghìn người lương thiện, yêu nước và dũng cảm đã hy sinh dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ trong niềm tin rằng mình đang chiến đấu cho một tương lai Việt Nam tự do và dân chủ. Cờ vàng vì vậy phải được tôn trọng, không phải vì những người đã tạo ra nó, hay vì chế độ Việt Nam Cộng Hòa, mà vì những người đã hy sinh cho đất nước. (Một lý luận tương tự cũng phải được áp dụng cho lá cờ đỏ sao vàng của chế độ cộng sản Việt Nam)” (10).

“Hãy trả lại cho lá cờ vàng ba sọc đỏ chỗ đứng đúng đắn của nó. Nó có thể có chỗ đứng trong gia đình để ghi nhớ một quãng đời. Đối với nhiều người, trong đó có kẻ viết bài này, nó là kỷ vật của một ước vọng ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và xây dựng một nước Việt Nam có tự do và dân chủ, có chỗ đứng và tiếng nói ngang nhau cho mọi người và được quản trị một cách hợp lý. Giấc mơ dù không thành nhưng vẫn đáng tự hào. Chỗ đứng của cờ vàng là chỗ đứng của một kỷ niệm của một giai đoạn lịch sử đau buồn vừa phải quên vừa phải nhớ. Nhớ đến những người đã hy sinh vì đất nước, nhớ đến những nạn nhân của cuộc chiến, nhớ để lịch sử đừng lặp lại. Và quên đi những thù hận đã tàn phá đất nước và còn có thể giam hãm chúng ta trong chia rẽ và bất lực” (10).

Ông cũng tỏ ra thật khách quan, thật công tâm, không chỉ thấu tình mà còn đạt lý:

“Chúng ta có thể, và phải, tôn trọng cờ vàng vì những người đã hy sinh dưới lá cờ này, nhưng không phải vì thế mà gán cho nó một ý nghĩa mà trong suốt thời gian tồn tại nó chưa bao giờ có, nghĩa là dùng nó làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì dân chủ. Nếu coi cờ vàng là tiêu biểu cho dân chủ thì phải hài lòng với một thứ dân chủ giả dối và bệnh hoạn. Cờ vàng càng không thể dùng làm biểu tượng cho cuộc đấu tranh cho dân chủ vì một lý do khác: cuộc đấu tranh nào cũng đòi hỏi ý chí, quyết tâm, lòng tự hào và lòng tin vào thắng lợi, do đó không thể lấy lại lá cờ của một chế độ bạc nhược đã thất bại và đầu hàng” (10).

“Vả lại, trên thực tế, cờ vàng cũng chưa bao giờ là một quốc kỳ Việt Nam mà chỉ là cờ của một trong hai phe trong một cuộc nội chiến, cũng tương tự như cờ đỏ sao vàng trước năm 1975, nhưng với một sự chính đáng kém hẳn (cờ đỏ sao vàng vào lúc ra đời đã được hầu hết mọi thành phần dân tộc nhìn nhận)” (10).

Không chỉ tỏ ra sáng suốt khi đứng nhìn hai đại khối dân tộc đã từng chia thành địch thủ mà ông còn rất thấu tình khi nhìn vào trong lòng đảng Cộng sản Việt Nam:

“Mà đảng cộng sản cũng không phải là của hai triệu đảng viên cộng sản. Những đảng viên, ngay cả các đảng viên cao cấp, cũng không tự do hơn người khác, có khi còn bị trói buộc hơn, càng cao cấp lại càng phải phục tùng đảng hơn trong lời nói và hành động. Đảng là một cái gì đó rất vô hình vì không là ai cả, nhưng lại rất cụ thể như công an, tòa án và nhà tù” (4).

Đây chính là cơ sở hình thành tư tưởng Hòa Giải Hòa Hợp Dân tộc rất đáng trân trọng của Nguyễn Gia Kiểng.

Tôi tìm đến ông để khai sinh Tập san Tổ Quốc có phần hướng theo tư tưởng đó.
Trong đấu tranh vì sự nghiệp dân chủ hóa chúng tôi cùng có mối tâm giao ở chủ trương rằng kích động quần chúng nổi dậy phải hết sức thận trọng, để bảo vệ quần chúng, đặc biệt để tránh nguy cơ hy sinh oan uổng những phần tử tiên phong đầy nhiệt huyết:
“Kêu gọi quần chúng đứng dậy khi chưa có tổ chức sẽ không được hưởng ứng, như một vài lời kêu gọi vừa chứng tỏ, mà còn có tác dụng ngược là làm mất lòng tin của quần chúng vào sự nghiêm chỉnh của phong trào dân chủ, chưa kể là còn có nguy cơ hy sinh oan uổng những phần tử nhiệt thành quí hiếm” (11).

Chủ trương “cao biền dậy non” khuyến khích anh em trẻ trống dong cờ mở, công khai xưng hùng xưng bá khi lực lượng quá mỏng, thậm chí chưa có gì, là sự dại dột tội lỗi.
Đấu tranh lý luận-tư tưởng dù hết sức khó khăn, phức tạp vẫn phải làm trước một bước dù vô cùng gian khó, dù phải kiên trì đến bao lâu. Dù bị hiềm khích dè bỉu là “chính trị sa lông” thì cũng phải quyết làm vì chính đấy là sứ mệnh thiêng liêng.
Để giành thắng lợi dứt khoát về mặt tư tưởng và lý luận Nguyễn Gia Kiểng chủ trương:

“Chúng ta phải đập tan lập luận xuyên tạc cho rằng dân chủ sẽ đưa tới hỗn loạn. Chúng ta sẽ chứng minh rằng dân chủ là điều kiện căn bản để bảo đảm không có hỗn loạn, là phương thức sinh hoạt cho phép xã hội tiến hóa và đổi mới không ngừng trong trật tự.

Chúng ta phải đập tan lập luận cho rằng muốn phát triển cần có kỷ luật và muốn có kỷ luật cần hy sinh dân chủ, giới hạn tự do và nhân quyền.

Chúng ta phải đập tan lập luận cho rằng xã hội phương Đông khác với xã hội phương Tây, và do đó không thể chấp nhận những giá trị của phương Tây như tự do cá nhân, dân chủ và nhân quyền. Chúng ta cần phơi bày sự sai trái của lập luận cho rằng các giá trị văn hóa châu Á có lợi cho phát triển hơn các giá trị văn hóa phương Tây.
Chúng ta cũng cần phải cực lực bác bỏ một thứ “chủ nghĩa kinh tế” mà một số chính quyền muốn che dấu quyền lực độc tài, trong đó có Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, đang lấy làm lý cớ để phủ nhận hoặc giới hạn tự do, dân chủ và nhân quyền.

Một cố gắng khác, rất quan trọng, là chứng minh cho những đảng viên cộng sản và cán bộ của nhà nước còn đang phân vân và ngờ vực, rằng họ hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để lo ngại sự cáo chung của chế độ độc tài đảng trị cả. Trái lại họ còn có mọi lý do để vui mừng trước những thắng lợi của dân chủ. Danh dự, nhân phẩm và những quyền lợi hợp pháp của họ sẽ được tôn trọng” (12).

Tôi gọi công cuộc này là đấu tranh cải tạo nhận thức xã hội. Đấu tranh tư tưởng-lý luận tốt để cải tạo nhận thức xã hội thật triệt để (trong quàn chúng, trong đảng viên, trong BCH TƯ, trong Bộ Chính trị …) thì sẽ có diễn biến hòa bình êm đẹp, chẳng những không cần đổ máu mà cũng không cần quần chúng nổi dậy.

Nếu vì nhà cầm quyền quá lì lợm ngoan cố, không thể không nổi dậy thì cũng phải bất thình lình tổng nổi dậy mới mong giành thắng lợi. Nổi dậy manh mún, lẻ tẻ chỉ tổ làm mồi cho chính quyền đàn áp, như đã thấy, dễ như trở bàn tay.

Hô hào chống tham nhũng nhưng chỉ hướng quần chúng trút căm phẫn lên đầu mấy ông cán bộ xã, cán bộ huyện hay đến cả trung ương … thì chỉ có biểu tình cỡ trăm, cỡ nghìn người là cùng, nhưng nếu làm cho quần chúng hiểu chính là đường lối sai lầm của Đảng đã và đang mở đường và bao che cho tham nhũng thì quần chúng sẽ hiểu: muốn chống tham nhũng phải chống Đảng.

Cho rằng đất nước tụt hậu, đời sống đói nghèo, xã hội đầy tệ đoan … vì đất nước trải qua quá nhiều chiến tranh do Đảng có công giành độc lập, thống nhất nên dẫu thế nào đi nữa cũng phải đời đời nhớ ơn Đảng. Nhưng, nếu làm cho quần chúng hiểu đúng bản chất phi lý, vô nghĩa của các cuộc chiến đó thì quần chúng ít ra cũng đồng lòng khẳng định phải có đảng khác có đường lối đúng đắn hơn.
V v …

Công tác Tư tưởng-Văn hóa phải làm sao đủ tốt để đạt được mộng ước của Nguyễn Gia Kiểng, và cúng là của chúng tôi:

“Mộng ước của mọi người Việt Nam hôm nay là đổi hướng đi của lịch sử và mở ra một kỷ nguyên của tiến bộ và hạnh phúc. Đó là một cuộc đổi đời rất lớn. Nhưng có cuộc đổi đời nào không đòi hỏi một thay đổi lớn về tâm lý? Nếu biết nhỏ lệ xót thương cho số phận của đất nước ta, biết dứt khoát tiêu diệt cái bản năng chiến tranh trong con người của mỗi chúng ta, biết lấy đối thoại, tương kính, tương nhượng làm căn bản dựng nước mới là chúng ta đã rút được bài học lịch sử quí giá nhất và đã vượt được trở ngại kinh khủng nhất” (13).

Và chúng ta tâm niệm rằng:
“Hạnh phúc của một dân tộc không phải chỉ là lợi tức trung bình trên mỗi đầu người, càng không phải là tỷ lệ tăng trưởng 5 hay 10% mỗi năm. Còn những điều cao hơn, và cao hơn nhiều. Đó là phẩm giá, là quyền được nói và làm điều mình muốn, là quyền được sống mà không sợ bị bắt giam vô cớ, được phát triển khả năng của mình mà không cần đút lót, và được tham dự vào những quyết định quan trọng cho cộng đồng” (4).
Với tất cả những ưu, khuyết, nhược điểm có trong Nguyễn Gia Kiểng, tôi vẫn nghĩ như học giả Trương Nhân Tuấn:

“Riêng tôi nhận thấy ông Kiểng là một người yêu nước nồng nàn. Ông đã cống hiến rất nhiều thời gian trong đời mình, cống hiến rất nhiều trí tuệ của mình cho đất nước. Tư tưởng của ông đã được rất nhiều thành phần người Việt đón nhận. Tổ chức do ông sáng lập (Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên) là một tổ chức có tầm vóc, kỳ cựu, có kinh nghiệm đấu tranh, tập hợp nhiều người có tư cách và tận tụy với đất nước. Tổ chức của ông Kiểng cũng là một tổ chức trong sáng, chưa hề gạt gẫm một ai, chưa hề quyên góp, lem nhem tiền bạc với người nào” (14).

Tiểu sử Nguyễn Gia Kiểng tìm được trên Google như sau:

“Nguyễn Gia Kiểng sinh ngày 8 -11-1942 tại Thái Bình trong một gia đình nông dân, cha và các chú bác đều là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, một đảng chống Pháp giành độc lập đã thất bại trong cuộc tổng khởi nghĩa 1930 với hậu quả là các lãnh tụ chính bị chế độ thuộc địa Pháp hành quyết. Sau Cách Mạng tháng 8 đảng CSVN mở đợt khủng bố tiêu diệt VNQDĐ, hai người chú bị thủ tiêu, cha bỏ trốn. …

Trong thời gian tại Pháp Nguyễn Gia Kiểng làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris năm 1965 và chủ tịch Liên Minh Sinh Viên và Công Nhân Việt Nam tại Châu Âu năm 1968. Ông là người lãnh đạo sinh viên và công nhân Việt Nam có ảnh hưởng lớn nhất tại Pháp cho đến khi về nước. Về nước ông làm chuyên viên ngân hàng và dạy môn kinh tế chính trị tại đại học Minh Đức Sài Gòn rồi làm phụ tá bộ trưởng kinh tế với hàm thứ trưởng cho đến ngày 30-4-1975.

… Nguyễn Gia Kiểng viết rất đều trên nguyệt san Thông Luận và trang Web Thông Luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ hơn hai mươi năm qua chung quanh các chủ đề triết lý chính trị, kinh tế, vận động dân chủ, và đôi khi lịch sử. Nguyễn Gia Kiểng đặc biệt chú trọng hô hào cho văn hóa tổ chức, coi xã hội dân sự với những tổ chức không thuộc chính quyền như một điều kiên bắt buộc cho tiến trình dân chủ hóa. Ông là tác giả cuốn sách chính trị bằng tiếng Việt được đọc nhiều nhất trong những thập niên gần đây: Tổ Quốc Ăn Năn (đã được Nguyễn Ngọc Phách dịch sang tiếng Anh: Whence… Whither… Viêtnam?). Dù luôn luôn tự khẳng định là một người hành động, Nguyễn Gia Kiểng là một trong những nhà lý luận chính trị có ảnh hưởng nhất Việt Nam hiện nay và đã đem lại cho tiếng Việt nhiều từ ngữ chính trị đã trở thành quen thuộc. Tổ chức mà ông lãnh đaọ, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, được coi là tiêu biểu cho khuynh hướng hoà giải dân tộc.

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH” 

(Tác giả gửi đăng)

————————————————-

Ghi chú:
1- Nguyễn Gia Kiểng – Tổ Quốc ăn năn
2- Bình Ngô Đại cáo
3- Nhật Tuấn – Vài nhận xét về cuốn “Tổ Quốc ăn năn” của Nguyễn Gia Kiểng
4- Nguyễn Gia Kiểng – Đi tìm một mô thức phát triển đất nước
5- Nguyễn Gia Kiểng – Chúng ta đang ở giai đoạn hậu cộng sản?
6- Nguyễn Gia Kiểng – Trí thức là một khái niệm chính trị
7- Nguyễn Gia Kiểng – 1989, thế giới và Việt Nam
8- Nguyễn Gia Kiểng – Chủ nghĩa thực tiễn và trường hợp Obama
9- Nguyễn Gia Kiểng – 35 năm sau ngày 30-4-1975: Vài khẳng định cần thiết
10- Nguyễn Gia Kiểng – Tình cảm và chỗ đứng nào cho cờ vàng?
11- Nguyễn Gia Kiểng – Thân chào và cảm tạ
12- Dự án Chính trị Dân chủ Đa nguyên
13- Nguyễn Gia Kiểng – Mở mắt và nhỏ lệ
14- Trương Nhân Tuấn – Về những “Xét lại” của Nguyễn Gia Kiểng
15- Nguyễn Gia Kiểng – Vài ghi chú về chủ nghĩa cá nhân

 

 

 

53 Phản hồi cho “Ăn năn vì Tổ Quốc”

  1. CôngĐài says:

    Cám ơn sự biện-minh của VHT với phản-hồi ngày 28/05 lúc 22:09, dưới tiêu-đề ‘ Chỉ cần nói cho gọn lại ‘ . Dù có ít điểm tôi không đồng-ý, nhưng không tiện lạm-dụng diễn-đàn này để trao-đổi dài giòng, nhưng về toàn-thể thì cũng lô-gíc, tạm cho độc-giả một cái nhìn khái-quát về biện-chứng theo Marx và Hegel. Tiện thể, tôi cũng khuyên VHT đừng dễ-dãi và vội-vã cho một nhận-xét, ví dụ, minh-họa của LPN về một dialogue có tính-cách biện-chứng (được LPN cho là vậy). Lần nữa, cám ơn VHT.

  2. Trần Hữu Cách says:

    Bài của ông Nguyễn Thanh Giang chỉ toàn dẫn chứng mà không hề có biện luận, chứng tỏ ông không đủ sức, và cũng không nên, bình luận về cuốn sách của ông Nguyễn Gia Kiểng. Nực cười nhất là trải nghiệm của ông về “Tổ Quốc” cũng chỉ bao gồm những cóp nhặt từ những tác phẩm văn chương!

    Phương pháp của ông NTG là bộc lộ thái độ của mình trong một hai câu mào đầu, mong khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc. Cách viết này không đủ để chứng minh sự thẩm thấu của ông đối với những luận điểm quan trọng trong cuốn sách mà ông đã đọc. Nó cũng không cho phép người viết tự phản tư trên những nhận định của chính mình.

    Riêng tôi, ở đây chỉ xin nói vắn tắt là suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị và thời cuộc đã thay đổi nhiều sau khi đọc xong Tổ Quốc Ăn Năn, dù tôi có nhiều điểm không thích hoặc không đồng ý với tác giả.

    Nếu quý vị muốn phê bình cuốn sách một cách nghiêm túc, thì cuốn sách nằm ở đây, quý vị có thể bấm nút Download và lưu lại trong máy của mình để đọc lai rai.
    http://ethongluan.org/index.php?option=com_docman&task=cat_view&Itemid=0&gid=61

    Còn trang web của nhóm Thông Luận là ethongluan.org có bài mới nhất được đăng nhằm ngày Chủ nhật 27 tháng 5, năm 2012, nghĩa là vẫn còn… hoạt động! Ở cuối trang đầu còn có đường kết nối đi đến hai tài liệu hay đến đáng kinh ngạc là “Cửu bình – chín bài bình luận về đảng Cộng Sản” (ở đây là ĐCSTQ) và “Từ chế độ toàn trị sang thế chế dân chủ” của Gene Sharp, một cẩm nang cho các nhà tranh đấu cho dân chủ trên khắp thế giới.

    • Lâm Vũ says:

      Tôi rất tâm dắc với những đánh giá của bác THC về cuốn TQĂN cũng như về bài viết của t/s NTG, nhưng phần liến hệ tới “Nhóm Thông Luận” có thể gây hiểu lầm.

      Lịch sử của “nhóm TL” khá phức tạp, nên tôi chi xin phép nói là, theo tôi, “nhóm” TL ngày xưa và “nhóm TL” bây giờ không có liên hệ chi nhiều. Còn chăng là ở cá nhân NGK và tên tờ báo, “Thông Luận”. Danh từ “nhóm Thông Luận” cũng không còn được chính “nhóm NGK” dùng nữa.

      Đã đành, thay đổi nhân sự là chuyện thường tình, huống chi “nhóm TL” qua đã tồn tại tính đến nay đã đúng 30 năm. Tuy nhiên, sự thật của sự chuyển đổi này không bình thường, mà là sự “đổi chủ”, hơi giống như từ Đệ Nhất (VN) Cộng Hòa sang Đệ Nhị Công Hòa! Sự chuyển đổi này lại có liên hệ đến cuốn TQĂN…

      Xin phép chỉ nói đến thế thôi.

      LV
      TB. Từ ngày cuốn TQĂN ra đời, tôi vẫn tránh phê phán nó. Lý do cũng hơi phức tạp, nhưng lý do chính là: cuốn sách tuy mang tiếng là của tác NGK, nhưng nó chứa đựng suy từ của hàng trăm người (sic), đa số là thành viên và “cảm tình viên” của nhóm TL ngày xưa, tuy ý nghĩ của tác giả NGK vẫn chiếm phần lớn.

      Đây là lý do khiến ai đọc TQĂN đều thấy những điều hay ho, mới mẻ trộn lẫn với những điều “ngang dạ” đọc thấy tức anh ách! Đó chính vì thật sự TQĂN có nhiều tác giả, trong số có cả NGK. Chính ông cũng là người chấp bút! (Độc giả thật tinh ý có thể nhận ra đâu là TQĂN-NGK và TQĂN-ngoài-NGK!).

  3. CôngĐài says:

    Đọc lại phản-hồi hôm qua của tôi, mới thấy phản-hồi này bị BBT/ĐCV cắt đi phần ‘ một phần định-nghĩa của biện-chứng-pháp ‘. Thôi thì tôi tạm vắn-tắt như thế này : Biện-chứng-pháp khác với một cuộc tranh-luận, và cũng không có tính-cách hùng-biện. Phương-pháp của nó nhằm tìm lẽ thật của vấn-đề bằng những luận-cứ có lý-lẽ ; không là quan tòa để xử ai là kẻ thắng người thua. Dĩ nhiên lẽ thật của vấn-đề nói ở đây thuộc về mặt logic, không thuộc đạo-đức-học. Minh-họa của LPN đưa ra với câu trả lời của A và B không giải-quyết được vấn-đề. Vấn-đề là : Có phải người ăn cơm xong trước, có quyền ưu-tiên chọn phần tráng miệng không ? Sự-kiện trên về mặt hiện-sinh – theo sự suy-diễn của tôi – cũng ngụ ý B là kẻ mạnh có quyền (ưu-tiên) tồn-tại. Nghĩa là chúng ta trở về với natural selection trong ‘ naturalistic evolution ‘ của Darwin, mà thuyết này cũng đã gặp biết bao là khó-khăn và nay đã lỗi thời. Có phải câu trả lời của A nói lên một lẽ thật cho người – chưa có cơ-hội chọn-lựa vì luôn luôn là kẻ đi sau – về mặt hành-vi, tâm-lý hay chỉ là một sắp-đặt nhằm áp-đảo đối-phương về mặt lý-luận. Xét về mặt tâm-lý, A hẳn đã có phản-ứng chỉ sau vài lần vì dùng bửa sau B mà không chọn được phần tráng miệng. A đã suy-nghĩ kỷ-càng và cuối-cùng một dialogue xảy ra giữa A và B với câu trả lời của A và lời kết-thúc của B, nghĩa là, những lẽ thật như được suggested ở trên đã không được giải-quyết mà chỉ đặt nặng vào cuộc debate, trong đó những nhân-vật tìm sơ-hở của đối-phương để bắt-bẽ mà tìm phần thắng (lý-lẽ) cho mình. Những ý này bổ-túc cho phản-hồi hôm qua của tôi.

    • Lâm Vũ says:

      Trao đổi ở cái góc này thật “ấm cúng”, đến nỗi tôi phải mất cả ngày mới tìm ra nó ở đâu!
      Vài ý kiến đóng góp… cuối:
      - Có thể túm lại, biện-chứng-pháp (dialectics) là một – trong nhiều – phương pháp để đi tìm “sự thật”. Tùy vài cái “sự thật” muốn tìm, mà BCP được coi là p/p hữu hiệu hay không.

      - Ngay chính BCP cũng có nhiều loại, ngoài BCP của Hegel và (Duy vậy) BCP của Marx, còn có BCK Hindu (Ấn giáo), BCP Phật Giáo v.v.

      - Thông thường nhất – không bắy buộc là “đúng” nhất – vẫn là BCP Hegel và BCP Marx. Hai BCP này ngược nhau nhưng thật ra là một. Một cách thật giản lược, chúng gồm có: chính đề (thesis) – phản đề (anti-thesis) – tổng đề (synthesis).

      - Theo tôi, cả hai đều có chung một vấn đề là bị giới hạn trong một khuôn khổ A-B-C (Abstract-Negative-Concrete) định sẵn, do đó tổng đề (synthesis) cũng giới hạn trong khuôn khổ đó. Rõ ràng nhất là ở Marx, khi ông đi đến một “tổng đề” có tính cách “gọt chân cho vừa giầy”…

      Điểm mấu chốt là: phương pháp nào dẫn đến kết quả đó… “nồi nào vung nấy”! Dân tộc VN đã gượng ép chấp nhận (ban đầu có lẽ chỉ nghĩ là “tạm thời” – interim) thứ biện-chứng-pháp-kiểu-Marx-bị-tục-hóa của ông Hồ và đảng CSVN, với một hậu quả thảm khốc ít ai lường trước được (*), như hiện nay và vẫn còn đang tiếp diễn.

      Cho thấy, mỗi dân tộc đều có một tư-tưởng-nguồn uyên nguyên hướng dẫn sử mệnh của dân tộc đó. Ở một giai đoạn nào đó, dân tộc đó có thể bị quyến dụ đổi chác, chấp nhận một ý-thức-hệ ma quái nào đó để đổi lấy một món hàng hấp dẫn, – tỉ dụ như “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Vấn đề là: cái giá mang ra đổi chác lại chính là cả gia tài tổ tiên để lại cho cả dân tộc. Một sự đổi chác ngu muội như ngày này mọi người đã thấy nhưng không biết cách nào để đảo ngược! Bới chưng, cái mà dân tộc mang ra đổi chác đó bao gồm cả “trí khôn”!

      LV
      (*) Thật ra thời kỳ xẩy ra cuộc đổi chác “bịp bợm” đó, có không ít người Việt “uyên bác” đã thấy trước hiểm nguy. Chẳng hạn như học giả Phạm Quỳnh, người nói với con cháu (một người con nay ở Hoa Kỳ kể lại): “Bố hy vọng chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc, nguời mà bố đã gặp ở Paris, hơn 20 năm trước. Nếu HCM chính là NAQ thì đúng là đại họa cho dân tộc ta”. Ít ngày sau, PQ được Việt Minh (CS) đến nhà “mời” đi, từ đó mất tích luôn. Những chuyện tương tự cũng đã xẩy ra với những người yêu nước, thức thời khác (như Lý Đông A, Trương Tử Anh, Phan Văn Hùm…) tất cả đều “mất tích” trong khoảng thời gian này.

  4. CôngĐài says:

    Tôi, nhân rảnh, đọc lại những phản-hồi – tôi không đề-cập đến bài chủ nữa, vì hình như đã bị closed rồi, nên tạm dùng chỗ trống này để bàn hươu tán vượn – thấy có vài phản-hồi dính chùm với nhau một dilemma. Đó là từ một ví-dụ minh-họa của Lê Phương Nguyên về hai nhân-vật tranh-luận, với hai trái chuối – một to một nhỏ – với lời khen của Đại Ngàn ‘ Đúng phóc ‘ v.v… Tôi góp ý như sau :
    (1) – Về cơ-bản của ‘ duy-vật biện-chứng ‘ thì với phản-hồi ngày 24/05, tôi có trao đổi với Lâm Vũ và Đại Ngàn – chỉ có Lâm Vũ reply – nên ai cần thì xem lại phản-hồi đó.
    (2) – Tôi muốn viết lại ở đây một phần định-nghĩa của biện-chứng (dialectics) ‘… Đây là một viện-dẫn. Tôi sẽ thêm một viện-dẫn nữa trước khi mổ-xẻ vấn-đề. Đó là biện-chứng về mặt triết-học. Về mặt thần-học, thì tôi đã có mượn một ý của Berkouver trong phản-hồi ngày 24/05 của tôi vừa nói trên. Ở đây, tôi sẽ không dài-dòng với ‘ dialectical theology ‘ của nhóm Karl Barth, Brunner v.v… Họ dùng thần-học biện-chứng này để lý-luận đối-nghịch với phái thần-học tự-do (liberal theology)…Tôi chỉ dùng một ý của Paul Tillich, một triết-gia cùng là thần-học-gia vào những thập-niên-giữa của thế-kỷ 20. Tillich viết ‘ When I am asked, What is wrong with the ‘ dialectic ‘ theology ? I reply that it is nót ‘ dialectic ‘. A dialectic theology is one in which ‘ yes ‘ and ‘ no ‘ belong inseparably together…’ ( Paul Tillich, The Journal of Religion, Vol.15, No.2 [April, 1935], pp.127-145], University of Chicago). Nói như vậy, khái-niệm về biện-chứng-pháp được thể-hiện trong ý trên cùng với ý mà tôi đã mượn của Berkouver trong phản-hồi đề-cập ở trên.
    (3) – Từ định-nghĩa và khái-niệm của biện-chứng như trích-dẫn trên cho thấy ví-dụ minh-họa của LPN không ăn-nhập gì với biện-chứng-pháp cả, nhất là duy-vật-biện-chứng.
    (4) – Vậy, Motkhucruot cũng đúng khi viết ‘ nhưng không giải-thích ý-nghĩa thực-sự của 4 chữ…’.
    Và nvtncs thì rõ-ràng quá đúng, vì biện-chứng chẳng có bà con gì với luân-lý, đạo-đức-học gì cả, mà thuần là logic. Không biết Bui lan có ý-kiến gì nữa không ?

    • Builan says:

      Da thưa !
      Tôi rất khoái caí minh hoạ “duy vật biện chứng” A& B cuả Lê Phương Nguyên

      Tiêu biểu
      “….B cười đểu trả lời:
      -Thế tớ luôn chiều theo ý bạn, bạn còn muốn gì nữa!

      Ai dám bảo cái lý luận này của B là sai. Tuy nhiên chỉ có kẻ ngây thơ, hay bị bùa mê thuốc lú mới gật đầu bảo đúng.,
      Cái lý luận này chẳng những sai mà nó còn tệ hơn là sự dối trá, lường gạt và phi nhân.
      Sai ở chỗ nào tôi xin dành cho quý bạn đọc. ”

      * ĐÚNG PHÓC !
      Biết hiểu làm sao đây ????????- về cái ĐÚNG PHÓC nầy !!!!

  5. Thất học says:

    Tôi xin hoan hô tinh thần vì dân tộc của hai ông NGK và NTG . Lời thật gây mất lòng là điều không thể tránh khỏi . Cả hai ông đều chán ngán cái Đảng ta và cái chế độ CS hiện nay cũng như những người VN chống Cộng khác ở trên khắp thế giới . Vậy tại sao lại có quá nhiều người có học lại nặng lời phê phán và chỉ trích hai ông tác giả này ?

    Ai là người ngồi ghế salon làm chính trị ? Không khéo lại là bản thân của những người tự cho mình có học có tri thức , có hiểu biết rồi tiếp tục có quyền bơi móc chỉ trích người khác . Lợi dụng hai từ CHỐNG CỘNG để khoe mã , lợi dụng hai từ DÂN TỘC để lấp liếm sự yếu kém thua cuộc , không phải là việc làm của người trí thức .

    Lịch sử sẽ phán xét Công và tội , lẫn kẻ bất Tài . Trong những kẻ bất Tài này chắc chắn có tôi .

  6. Trực Ngôn says:

    Ông Nguyễn Gia Kiểng nên viết lại tựa đề và nội dung cuốn sách: “CSVN nên hay phải sám hối ăn năn” cho phù hợp, vì họ là đã lạm dụng Tổ quốc để lừa gạt nhân dân cả nước trong hơn 60 năm qua.

    Còn không thì hãy sửa lại tiêu đề, thay vì “Tổ quốc ăn năn” thì “Nguyễn Gia Kiểng ăn năn” vì đã xúc phạm “Tổ quốc”, và vì Kiểng là loại người ăn cháo đá bát, ăn cơm quốc gia thờ mà cộng sản, và viết bố láo!

    • Lâm Vũ says:

      Tên của cuốn sách không bắt buộc đại diện duy nhất cho nội dung của nó.

      Theo tôi, rất có thể ý của tác giả khi đặt tựa để cuốn sách là muốn “nhái” chế độ. CSVN luôn luôn lạm dụng những danh từ thiêng liêng nhất để chỉ chính họ. Thí dụ:
      - “Mặt Trận Tổ Quốc”: chính là đảng CSVN
      - Bàn thờ Tổ Quốc”: bàn thờ ông Hồ, “ông tổ” của đảng CSVN v.v.

      Đàng khác, phải công nhận là tác giả cuốn TQĂN rất là “cunning” khi chọn cái nhan đề đó: hiệu quả đầu tiên là nó khiến người ta tò mò, tìm hiểu cuốn sách nói gì! Nhờ thế mà 5000 cuốn TQĂN trong kỳ xuất bản đầu tiên bán hết trong vòng ba tháng. Chắc chắn là kỷ lục của vận tộc tiêu thụ sách tiếng Việt ở hải ngoại!

      Nhưng cuốn sách và tựa đề “kỳ dị” của nó có “vấn đề” khác, trầm trọng hơn nhiều: sau khi cuốn sách ra đời thì nhóm Thông Luận, tên mới lúc đó là THDCĐN, bắt đầu lủng củng nội bộ và xuống dốc không phanh! Uy tín của chính NGK cũng… trôi theo dòng nước.

      Phải chăng bài học chính là “đừng giỡn mặt với… tổ quốc”?!

      LV

      • Trực Ngôn says:

        Nhưng cuốn sách và tựa đề “kỳ dị” của nó có “vấn đề” khác, trầm trọng hơn nhiều: sau khi cuốn sách ra đời thì nhóm Thông Luận, tên mới lúc đó là THDCĐN, bắt đầu lủng củng nội bộ và xuống dốc không phanh! Uy tín của chính NGK cũng… trôi theo dòng nước..

        Vì thế mà ông Kiểng mới phải “ăn năn”, chứ không phải “tổ quốc”!

  7. CôngĐài says:

    Kính bạn Lâm Vũ, VHT (hay Đại Ngàn, v.v…), tôi có đọc trình-bày của VHT – được LV phân từng đoạn cho đễ đọc – về cái gọi là duy-vật biện-chứng. Về cuốn Tư-bản-luận thì tôi cũng đã đọc khá lâu – khoảng hơn 50 năm trước (dĩ nhiên đọc lén, vì cũng là loại sách mà VNCH hạn-chế, hình như cấm phổ-biến), vì vậy còn nhớ lờ-mờ. Tôi chỉ biết và hiểu một ít về từ-ngữ đó qua ‘ Theology ‘, trong đó đôi khi có nói về Dialectical Theology . Sự trình-bày của VHT khá chi-tiết, nhưng tôi e rằng phần chính là những explications, nên những người khác khó mà hiểu được, nhất là những từ-ngữ tiếng Việt – nhiều từ cũng có vẻ lạ đối với tôi – Tôi ao-ước người đọc hiểu về cơ-bản trước, sau mới tìm hiểu những phân-tích. Về biện-chứng, khái-niệm đã có từ lâu như trình-bày của VHT. Tiện đây, tôi xin trích một đoạn bằng tiếng Anh và nhờ bạn nào nắm vững những từ-ngữ tiếng Việt dịch giùm
    K.Marx bắt đầu như sau : ‘ My dialectic method is not only different from the Hegelian, but is its direct opposite. To Hegel, the life-process of the human brain, i.e. the process of thinking which, under the name of ‘ the idea ‘, he even transform into an independent subject, is the demiurgos of the real world, and the real world is only the external phenomenal form of the idea. With me, on the con- trary, the ideal is nothing else than the material world reflected by the human mind, and translated into forms of thought (Capital, Afterword, 2nd German Ed., Moscow, 1970, vol 1, p.29).
    Cơ-bản Marxist Dialectics là vậy, còn bọn CSQT hay CSVN sau này có áp-dụng, thì VHT một vài nét đại-cương đã nói ở trên. Về cơ-bản của Dialectical Theology thì tôi mượn một ý của G.C. Berkouver, trong tác-phẩm của ông, Man :The Image of God (p.37) như sau ‘ An dialectical answer is not given in terms of a simple ‘ yes ‘ or ‘ no ‘, bút is given with many explications and qualifications which at first hearing may produce an impression of hesitation and uncertainty ‘.
    Materialism và Idealism trái ngược nhau, tuy cùng chủ trương Monism. Idealism lấy Idea làm chính, từ đó có vật-chất, ngược lại, Materialism lấy matter làm chính, từ đó sinh ra idea. Tựu-trung cơ-bản về Theology là vậy, dĩ nhiên về philosophy thì có khác. Vậy thôi. Chào.

    • Lâm Vũ says:

      Cám ơn bác Công Đài đã trình bày lối nhìn “thần học” về Biện chứng pháp. Có thêm một góc cạnh của vấn đề bao giờ cũng tốt. Về chuyện dịch đoạn văn trên của Marx, theo cái nhìn tôi, thật không giản dị tí nào, vì nhiều lý do:
      - thứ nhất, nếu dịch thì phải dùng những tư ngữ Việt “chuyên môn”, mà tôi thì không sẵn như bác Đại Ngàn
      - thứ hai, đoạn trên đã được dịch từ tiếng Đức, nên đã mất tính chính xác đi nhiều.

      Lấy thí dụ từ ‘idea’ – được viết trong ngoặc đơn chứng tỏ chỉ là từ ngữ dùng tạm. Quả thật, tôi đoán, trong nguyên bản tiếng Đức là “Bewusstsein”, vốn khác xa với nghĩa thông thường của ‘idea’.

      “Bewusstsein” hình như thường được dịch sang tiếng Việt là “ý thức” (?) khác với ‘idea’, (không phải ‘ideal’) dịch sang tiếng Việt là “ý tưởng” và là một từ ngữ mấu chốt trong biện chứng pháp của Hegel.

      ‘Bewusstsein’ (ý thức) không chỉ là kết quả của quá trình suy tư (thinking process) mà còn mang ý nghĩa ‘kinh qua’ (belebt-sein). Có nghĩa, ‘ý thức’ được thế giới (thực) không thể chỉ bằng suy tư mà phải sống trong nó, với nó… (Con người không thể nào ‘ý thức’ được cuộc đời của con dơi, con chuột…).

      Vì sống với “nó” chủ thể mới ‘ý thức’ được thế giới và qua đó thế giới trở thành một phần của ‘ý thức’. Nếu không thế giới đó kể như không hiện hữu đối với chủ thế, như vũ trụ bên ngoài vụ trụ của con người (coi như là) không hiện hữu vậy (Đó là cách giải thích của tôi thôi, không bắt buộc phải đúng với ngưòi khác, kể cả Hegel).

      Nhưng Marx lại cho rằng: “Với (Marx) thì ngược lại, ‘ý thức’ (Bewusstsein) không là cái gì khác hơn là thế giới vật chất phản ánh trên trí tuệ của con người và được (bộ óc của con người) chuyển dịch thành ý tưởng”. Đây cũng là câu chót trong đoạn Kết từ của cuốn Tư Bản Luận (bộ Một?) của Marx, mà bác Công Đài có nhã ý trích lại ở trên.

      Thân kính

    • VHT (Non Ngàn) says:

      CHỈ CẦN NÓI CHO GỌN LẠI

      Chỉ cần nói gọn lại như sau : biện chứng theo Hegel là quy luật vận động khách quan của bản thể Tinh thần (Geist, Esprit, Spirit). Trong khi đó quan niệm biện chứng theo Mác là quy luật vận động của lịch sử vật chất, của lịch sử xã hội. Có nghĩa khái niệm “biện chứng” của Hegel là mơ hồ, không lấy gì làm cơ sở để chứng minh được một cách hoàn toàn cụ thể, chính xác. Còn khái niệm “biện chứng” của Mác thực chất chỉ là khái niệm NHẢM NHÍ. Bởi vật chất (Materie, matter, matière) mà biện chứng được đúng là cương đại, ẩu tả, dốt nát, vô lý. Cái mơ hồ phi cơ sở, ức đoán trong khái niệm “biện chứng” của Hegel chính là như thế. Còn cái ấu trí, tầm thường, nông cạn, phi lý, cương đại trong ý niệm “biện chứng” nơi Marx cũng chính là như thế. Tôi không có thời gian ở đây để tìm trích lại câu nguyên văn tiếng Đức của Mác trong Tư Bản luận. Song tạm dùng ý dịch sang tiếng Anh được trích ở trên là như thế này : “To Hegel, the life-process of the human brain, i.e. the process of thinking which, under the name of ‘ the idea ‘, he even transform into an independent subject, is the demiurgos of the real world, and the real world is only the external phenomenal form of the idea. With me, on the con- trary, the ideal is nothing else than the material world reflected by the human mind, and translated into forms of thought (Capital, Afterword, 2nd German Ed., Moscow, 1970, vol 1, p.29)”. Qua câu trên cho thấy Mác chỉ hiểu Hegel theo ý của Mác mà không hiểu Hegel theo ý của Hegel. Điều này Mác hoàn toàn giống với Engels khi ông này cho rằng não bộ tiết ra tư tưởng chẳng khác gì gan tiết ra mật. Thật là một quan điểm duy vật hết sức tầm thường, ấu trĩ, thơ ngây, khờ khạo cũng như nông cạn. Bởi sự tồn tại của vật chất là điều hiển nhiên, nhưng sự tồn tại của ý thức, tư duy con người cũng là điều hiển nhiên khác. Đó là hai phạm trù hoàn toàn biệt lập, song nối kết nhau. Thiếu phạm trù này cũng không thể có phạm trù kia. Đây là vấn đề ý nghĩa triết học cần phải xem xét sâu sắc. Kiểu Mác và Engels là kiểu duy vật gán ép, tức cái gì mình không suy nghĩ ra được thì cứ phán bừa, kiểu vật chất có trước, vật chất sinh ra tinh thần. Song không đặt lý do tại sao có trước, tại sao sinh ra, và bản thân những cái đó là gì. Đây đúng là các quan điểm triết học nửa mùa, cùn cởn kiểu váy ngắn đàn bà. Nhiều người thần thánh quan điểm duy vật, quan điểm biện chứng của Mác, tức quan điểm duy vật biện chứng, quan điểm duy vật lịch sử, thảy đều là bọn ăn theo, bọn điếu đóm ăn tàn, chẳng có chút đầu óc phê phán khoa học hay triết học gì hết. Sự tầm thường hóa kiểu xã hội thông tục, sự chính trị hóa triết học theo kiểu hạ cấp, phi trí thức, phi khoa học chính là như thế. Nói chung lại sự phê phán của Mác đối với Hegel chỉ là sự phê phán mang tính càn dở, gản bướng, thù đoạn, thông tục, không rốt ráo về mặt khoa học, triết học cũng như lịch sử và xã hội. Chuyện râu ông nọ cằm bà kia là điều tôi đã từng nói nhiều. Các Mác thực chất là kiểu tư tưởng áp đặt, võ đoán, tiên kiến, nông nỗi, cạn hẹp, gàn bướng, ẩu tả, phiến diện mà bất kỳ ai nếu hiểu biết và chịu đọc kỹ cũng như nghiền ngẫm câu trên cũng đều có thể thấy rõ được. Đầu sai thì đuôi cũng sai, sai một ly đi một dặm cũng chính là như thế. Khi Mác quan niệm sai lầm hay phi cơ sở về biện chứng luận, thì cái kéo theo sau đó là cơ sở của duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Mác cũng chỉ là những tư tưởng phóng đại, ức đoán, áp đặt, hoàn toàn phản thực tế, phản cơ sở khách quan, phản lịch sử, nên cuối cùng cũng là phản con người và phản xã hội, thế thôi. Người có quan điểm triết học thật sự, người có quan điểm khoa học thật sự không bao giờ nhất trí hay mặn mà với nó. Trừ ra kiểu chính trị gà mờ, triết học gà mờ, khoa học gà mờ, hay nói chung lại là xã hội và lịch sử gà mờ mới xiển dương, tâng bốc và huyễn hoặc thêm một cách trái khoáy và phi lý về chúng. Mác đã dựa vào cái mơ hồ để quảng diễn ra thành cái huyễn hoặc, đó là trách nhiệm tinh thần vô cùng tai hại từng có một không hai trong lịch sử nhân loại của chính bản thân Các Mác.

      ĐẠI NGÀN
      (29/5/12)

Leave a Reply to Thất học