WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hai năm sau sự kiện biểu tình: Khi tình yêu nước bị kiểm duyệt

Tháng 12 năm nay đánh dấu 2 năm sự kiện học sinh, sinh viên Việt Nam xuống đường biểu tình chống Trung Quốc sau khi Quốc Vụ Viện Trung Quốc tuyên bố thành lập thành phố huyện Tam Sa quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Biểu tình diễn ra đồng thời ở Hà Nội và Sài Gòn. Giới trẻ thời “a còng” đã sử dụng internet và điện thoại di động làm phương tiện kêu gọi để cùng xuống đường bày tỏ lòng yêu nước.

Theo hẹn, đúng sáng ngày chủ nhật, 9/12/2007 các bạn trẻ, chủ yếu là sinh viên của các trường đại học với khí thế hừng hực đã tiến tới bao vây Đại sứ quán Trung Quốc và lãnh sự tại Sài Gòn.

Các trang báo chính thức của nhà nước – như thường lệ – hoàn toàn im lặng trước những sự việc “nhậy cảm” nhưng trên các blog tràn ngập thông tin, dồn dập hình ảnh cập nhật về cuộc biểu tinh hy hữu này. Blog “Nhân chứng và Lịch sử” cho biết, khoảng 500 người đã tập trung trước cửa Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Sài Gòn. Cùng với họ, là cờ Tổ quốc, là băng rôn biểu ngữ, là lòng nhiệt tình, hăng say của tuổi trẻ và hơn cả là tình yêu đất nước.

Mặc dù do học sinh, sinh viên khởi xướng nhưng thấp thoáng trong đoàn biểu tình là một số gương mặt của văn nghệ sỹ, một số em nhỏ theo cha mẹ và cả những người đi đường dừng lại xem rồi tham gia luôn cùng. Cũng trong những bức ảnh được công bố sau này, người ta thấy, hình ảnh của những bà mẹ Việt Nam, những người tưởng như chỉ loanh quanh với đồng ruộng hay bếp núc đã sát cánh cùng con em mình bày tỏ lòng yêu nước.


Cuộc biểu tình đã bị cảnh sát cơ động 113 dẹp vài tiếng sau đó, Những người tham gia bị “lùa” vào nhà Văn Hóa thành phố và một cuộc đối thoại có thể nói là chất vấn của học sinh sinh viên đã diễn ra sôi nổi với lãnh đạo thành phố. Phản ảnh của những người tham gia cho biết, lãnh đạo đã “lúng túng ra mặt”.

Cũng sáng ngày hôm đó, Đại sứ quán Trung Quốc nằm trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội đã bị bao vây bởi hàng trăm người cùng rừng cờ, tiếng hò hét phản đối, tiếng hát Quốc ca… Chừng 2 tiếng sau, cảnh sát cũng đã dẹp xong cuộc biểu tình ở Hà Nội.

Những người biểu tình hẹn nhau tiếp tục vào chủ nhật kế tiếp. Nhưng ngay sau đó, bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã ra chỉ thỉ tới các trường cấm sinh viên tham gia biểu tình và đe dọa đuổi học với những người tham gia.

Chủ nhật tuần sau, 16/12 chỉ còn lác đác một số bạn trẻ.

Hơn 30 năm kể từ sau chiến tranh kết thúc, lần đầu tiên, người ta được chứng kiến cuộc biểu dương lòng yêu nước hào hùng như vậy, sinh động như vậy. Cuộc sống bon chen của kinh tế thị trường với nỗi lo cơm áo gạo tiền, thời buổi mà “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “chân lý không bằng chân giò”.v.v., lòng yêu nước tưởng như bị lãng quên. Vậy mà nó đã trỗi dậy như hào khí quật cường mà ông cha ta đã có từ ngàn năm nay. Giới trẻ Việt Nam dường như chỉ mê game, chat chít, đua xe, lắc nhảy, sành điệu với hàng hiệu.v.v. đã chứng tỏ trong huyết quản của mình vẫn giần giật chảy dòng máu Lạc Hồng.

Thiết nghĩ, nhà cầm quyền của bất kỳ quốc gia bình thường nào cũng phải hãnh diện vì có một nhân dân như thế, một giới trẻ sẵn sàng với vận mệnh của đất nước như thế.

Nhưng không. Trên các blog, người ta ngơ ngác hỏi nhau. Điều gì đang xảy ra?


Sau công văn “Hỏa Tốc” của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là hoạt động rà soát và xiết lại trật tự tại các trường đại học, là đe dọa kỷ luật và đuổi học. Không khí e dè, lo ngại bao trùm trong các trường Đại học, Những người được cho là “cầm đầu” bị công an thẩm vấn, blog bị kiểm soát chặt hơn. Blogger Điếu Cày, thành viên câu lạc bộ Dân Báo, người đã  tích cực tham gia, viết lách kêu gọi biểu tình phải chịu án tù 2,5 năm với tôi danh “trốn thuế”.

Gần đây, người ta biết thêm một thành viên tích cực khác mà hành vi bị xem là “kích động biểu tình” sẽ làm dày thêm hồ sơ “tội phạm” khi anh ra trước vành móng ngựa, đó là Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung.

Người khác, đạo diễn Song Chi đã phải xin tị nạn chính trị và hiện đang sống ở Na Uy sau những “khó ở” vì hơn chục lần bị thẩm vấn.

Hóa ra, yêu nước không phải đơn giản. Trong một xã hội mà mọi hoạt động (từ thanh thiếu niên, phụ nữ, phụ lão, công đoàn, các hội nghề nghiệp, các hội thể thao.v.v.) đều nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng; đảng kiểm duyệt mọi sinh hoạt văn hóa, truyền thông .v.v. thì đương nhiên lòng yêu nước cũng không thể thoát khỏi sự kiểm duyệt. Mọi hoạt động mang tính quần chúng có tổ chức hay tự phát mà nằm ngoài sự kiểm soát, chỉ đạo của đảng xưa nay đều bị  cho là nguy hại, có thể tạo ra tiền lệ làm lung lay vị trí lãnh đạo độc tôn của ĐSC.

Trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã bao giờ tình yêu nước trong sáng của nhân dân lại bị kiểm duyệt một cách nghiệt ngã như vậy? Những con cháu Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo oanh liệt ngày nào giờ đây phải câm nín, không được phản kháng khi Trung Quốc bắn giết ngư dân (1), đánh đập tàn nhẫn, tịch thu tầu bè dù đang đánh cá trên vùng biển do ông cha để lại. Báo chí phải im lặng khi “Nam Quốc Sơn Hà” bị mất dần biển đảo, bị lấn chiếm cả những địa danh đã đi vào lịch sử như thác Bản Giốc, ải Nam Quan?

Nhất định một ngày nào đó, lịch sử sẽ trả lại sự công bằng cho những người tham gia biểu tình hôm đó. Họ sẽ được ghi nhận như những người con ưu tú của đất nước. Những hình ảnh về họ sẽ mãi mãi được lưu giữ không chỉ trên các trang mạng mà trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam.

Rồi lịch sử sẽ làm công việc của nó, sẽ phán xét những kẻ vì quyền lợi của đảng mình, của phe nhóm mình mà xem nhẹ lợi ích dân tộc, chà đạp lên tình yêu nước của nhân dân.

© Đàn Chim Việt Online 2009

—————————————————

Chú thích:

(1) Năm 2005, Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân đang đánh bắt cá trên vùng biển gần Thanh Hóa. Báo chí hoàn toàn tim lặng. Việt Nam cũng không có phản ứng chính thức nào. Sau này, một số người, trong đó có Phạm Thanh Nghiên và sinh viên Ngô Quỳnh tới gặp nhân chứng tìm hiểu sự việc và viết bài đã gặp sự ngăn cản, dọa dẫm của chính quyền.

Phản hồi