WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thấy gì qua việc một website VN bảo vệ chủ quyền TQ về Hoàng Sa?

Mấy ngày qua, dân cư mạng  xôn xao bàn tán, phẫn nộ về chuyện một website Việt Nam ngang nhiên đăng tải quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền với những vùng biển đảo mà 2 nước đang  tranh chấp.


Từ một đường link được dẫn trên trang web http://viet-studies.info, sau đó được BBC và một số trang báo trong đó có VietNamNet, Sài gòn Tiếp Thị đưa tin, trong thời gian ngắn sự kiện này đã thu hút một số lượng lớn người quan tâm. Chỉ vài ngày, đã có tới hàng  ngàn ý kiến, bình luận trên các trang mạng cũng như các blog cá nhân. Điều này cho thấy mối quan tâm rất lớn của dân chúng trong và ngoài nước tới chủ quyền quốc gia nhất là vùng biển và hải đảo đang tranh chấp với Trung Quốc.

Web Việt Nam ca ngợi và bảo vệ Trung Quốc

Trang web gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng là một trang song ngữ http://www.vietnamchina.gov.vn.

Trong phần tiếng Việt, ngoài những thông tin thuần túy thương mại là những bài mang tính chính trị ca ngợi đường lối, thành tích của Trung Quốc, giới thiệu những hoạt động của giới lãnh đạo Trung Quốc theo kiểu khuyếch trương.

Nếu như đó là một website Trung Quốc thì chuyện này đã chẳng có gì đáng bàn nhưng website này mang tên miền “gov.vn“ là tên miền “độc quyền“ của chính phủ Việt Nam. Đương nhiên, theo cách hiểu thông thường, những website sử dụng tên miền này là những trang “web ruột“ của nhà nước, được nhà nước tài trợ và  thể hiện quan điểm của quốc gia

Website “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung quốc”. Hình: NV

Điều đáng nói hơn cả, ngoài việc ngợi ca những thành tựu của Trung Quốc, phần tiếng Việt đã đăng tải những quan điểm khẳng định chủ quyền của nước láng giềng khổng lồ này với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà sử sách đã ghi nhận thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ 17 và mới bị Trung Quốc cưỡng chiếm trong vòng vài chục năm trở lại đây.

Nói về Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa), ngày 29/4/2009, trang này đưa nguyên văn tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc – bà Khương Du – như sau:

Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.

Một bài báo khác, khi nói về vụ tầu Ngư Chính Trung Quốc tuần tra tại biển Đông  hồi tháng Ba, trang này đã dùng chữ “chủ quyền“ (trong ngoặc kép như một sự mỉa mai) khi nói tới tuyên bố của người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam – ông Lê Dũng – và ngay sau đó là nguyên văn tuyên bố của bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi với 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa! Đoạn văn tiếp theo này không dùng ngoặc kép cho chữ “chủ quyền“.

Của mình nhưng do Trung Quốc quản lý?

Theo thông tin trên chính trang web này, thì đây là một địa chỉ cung cấp tin tức về thương mại được khai trương năm 2006 nhân chuyền  thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Trang web song ngữ được hình thành với mục đích thúc đẩy thương mại giữa 2 nước, giúp các doanh nghiệp hai bên tìm kiếm thông tin, hợp tác.v.v… Mang tên miền “gov.vn“ trang web này do bộ Thương Mại Việt Nam quản lý.

Theo bài viết trên  trang Sài Gòn Tiếp Thị (nay không còn truy cập được nữa) của tác giả Huy Đức – người đã trực tiếp phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Hưng, cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, thuộc bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web này – khi được hỏi về nội dung trang web ông Hưng đã cho rằng, “không có gì quá ghê gớm cả”.

Khi được hỏi tiếp về tuyên bố của bà Khương Du mà trang này đã đăng tải, ông Hưng  thản nhiên “phủi tay“: “Đó là trang web của Trung Quốc chứ có phải của mình đâu“.

Huy Đức vặn hỏi về tên miền “gov.vn“ sao lại do Trung Quốc quản lý, ông Hưng cho biết thêm: “Của mình nhưng mà là phía Trung Quốc phụ trách. Tiếng Việt do phía Trung Quốc phụ trách để họ đăng trực tiếp bằng tiếng Việt giúp doanh nghiệp Việt Nam“.

Than ôi, quan chức Việt Nam phát biểu nghe mới ngon làm sao! Hóa ra web của mình, tên miền của chính phủ nước mình nhưng cho “nước bạn“ muôn viết gì thì viết! Còn cơ quan chủ quản thì sao? Ai là người sẽ chịu trách nhiệm, liệu có ai bị kỷ luật hay bị bãi miễn chức vụ không?

Một quan chức khác, ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, phát biểu trên BBC rằng, đã xem trang web www.vietnamchina.gov.vn và nhận định những thông tin trên đó không có lợi. Tuy vậy, theo ông Hải, cần phải “điều tra, tìm hiểu nội dung  và chờ báo cáo“ rồi mới có thể xử lý được.

Kiểm duyệt kiểu khôn nhà dại chợ

Việc một trang web của chính phủ Việt Nam đăng thông tin và quan điểm của Trung Quốc làm người ta nhớ lại cuốn sách Ma Chiến Hữu gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng cách đây vài tháng.

Quyển sách của một nhà văn Trung Quốc – Mạc Ngôn – được dịch và xuất bản tại Việt Nam đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới Việt Trung. Điều trớ trêu là, trong lúc truyền thông Việt Nam (phải) giữ thái độ hoàn toàn im lặng trước sự kiện này thì cơ quan kiểm quyệt lại để “lọt lưới“ một tác phẩm ca ngợi cuộc chiến hoàn toàn theo cái nhìn của Trung Quốc. Đó thực sự là sự sỉ nhục với quốc gia và xúc phạm tới vong linh của những người đã ngã xuống để bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.

Quyển sách đã gây ra sự phẫn nộ trong dân chúng và đăt dấu hỏi lớn cho công tác kiểm duyệt xuất bản tại Việt Nam.

Tương tự như lần này, trong lúc trang web ủng hộ Trung Quốc còn đang trong quá trình “chờ báo cáo“ để xử lý [1] thì 2 bài báo  trên VietNamNet và Sài Gòn Tiếp Thị liên quan tới sự kiện trên đã bị cơ quan kiểm duyệt của nhà nước nhanh tay gỡ bỏ.

Và, khi hàng loạt các trang web của người Việt hải ngoại – khúc ruột không thể tách rời của dân tộc (theo nghị quyết 36) – bị tường lửa vì truyền tải những tư tưởng không/chưa phù hợp với quan điểm của đảng thì một trang web với tên miền chính phủ mang nội dung bán nước lại ngang nhiên hoạt động  từ nhiều tháng dưới sự tài trợ của nhà nước.

Trong khi lãnh đạo của một vài tờ báo như Đại Đoàn Kết, Tuổi Trẻ, Thanh Niên bị kỉ luật vì một số bài báo liên quan tới những vấn đề nhạy cảm; báo Du Lịch bị đình bản vì bài thơ khóc Ải Nam Quan; nhà xuất bản Đà Nẵng bị (tạm) đóng cửa vì xuất bản thơ Trần Dần, Rồng Đá của Vũ Ngọc Tiến vậy mà một website như trên lại tồn tại nhiều tháng nay.

Kiểm duyệt như vậy thật là hết ý!


[1] Khi đang viết bài này, người viết thử truy cập thì không thấy địa chỉ http://www.vietnamchina.gov.vn hoạt động nữa.

©  Đàn Chim Việt Online

Phản hồi