WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nghĩ về những đất nước không thành

30 tháng 4 – 2012. Tôi đang ở trên Quảng Trường Hiến Pháp, Plaza de la Constitucion, trung tâm thủ đô Mexico của nước Mexico. Người Mexico (phát âm Mê-hi-cô) gọi là Socalo, có nghĩa là “nền tảng”. Mỗi thành phố lớn của nước Mexico đều có một socalo làm trung tâm quyền lực. Chung quanh quảng trường này có tất cả. Dinh tổng thống, tòa thị chính thành phố Mexico, trụ sở quốc hội và dĩ nhiên một nhà thờ lớn rất đồ sộ. Ở góc quảng trường, bên cạnh nhà thờ lớn, qua một song sắt người ta có thể nhìn thấy một vài di tích của kinh thành Tenochtitlan bị tàn phá và san phẳng năm 1521. Tenochtitlan là tên cũ của thành phố Mexico.

Tôi không quen biết ai tại nước Mexico này và cũng không có nhu cầu du lịch. Tôi đến đây vì từ nhiều năm rồi tôi vẫn tự nhủ thế nào cũng phải đi Mexico ít nhất một lần cho biết. Vì hai lý do. Lý do thứ nhất là để được nhìn tận mắt một kỳ quan của sự nghịch lý. Tại sao một thành phố thành lập trên cao độ hơn 2000 mét, không gần bờ biển và cũng không có dòng sông nào chảy qua lại có thể là thành phố lớn nhất, ít nhất đông dân nhất, thế giới từ hơn sáu thế kỷ qua? Lý do thứ hai, quan trọng hơn nhiều, là để tìm câu trả lời cho một câu hỏi tình cờ nẩy ra trong óc tôi và ngày càng gây khó chịu: tại sao nhiều người, nhà báo cũng như nhà chính trị, lại nói Mexico là một failed state?

Cụm từ failed state có lẽ đã xuất hiện vào đầu thập niên 1990 để chỉ nước Somalia, lúc đó rơi vào tình trạng nội chiến vô chính phủ và không giải pháp bởi vì có quá nhiều phe lâm chiến. Đó là kết quả của hai mươi năm phiêu lưu chính trị của những tướng lãnh quá dốt đến nỗi không biết là mình dốt. Họ thử nghiệm một tổng hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin và Hồi Giáo, sau đó chuyển sang một chế độ độc tài quân phiệt, làm nước Somalia tan vỡ trong nội chiến. Đến nay Somalia vẫn chưa có chính quyền. Cụm từ failed state có khi được dịch sang tiếng Việt là “quốc gia thất bại”. Cách dịch này không đúng. Một quốc gia có thể thất bại trong một hay nhiều mục tiêu (thí dụ như một giải bóng đá) mà vẫn là một quốc gia, trong khi một failed state là một quốc gia không còn là một quốc gia nữa. Có lẽ nên dịch những failed states là những “đất nước không thành” thì đúng hơn? Đó là những quốc gia mà nhà nước không còn giữ được độc quyền bạo lực, không đảm bảo được công ích và trật tự an ninh, cũng không còn thẩm quyền để thảo luận và thỏa hiệp với các nước khác nữa. Bởi vì chính quyền không được sự hợp tác của người dân và cũng không kiểm soát được người dân nữa. Tổ chức Quỹ Hòa Bình (Fund for Peace) công bố hàng năm một danh sách các quốc gia xếp hạng theo “chỉ số không thành” (failed state index) trong đó Somalia đứng hạng nhất, Việt Nam được xếp vào loại warning, nghĩa là đáng lo ngại. Bảng xếp hạng này chỉ có một giá trị rất tương đối vì nó làm quá nhiều tính toán trên một khái niệm định tính về bản chất.

Lần đầu khi đọc một nghiên cứu nói Mexico là một đất nước không thành tôi ngạc nhiên. Làm sao có thể thế được? Mexico là nước độc lập từ gần hai thế kỷ qua với một hiến pháp dân chủ ổn định từ gần một thế kỷ. Một nước lớn với 110 triệu dân sống trên một diện tích bao la gần hai triệu kilomét vuông mở ra cả Đại Tây Dương lẫn Thái Bình Dương. Hơn nữa Mexico còn có cả một vịnh lớn của riêng mình, vịnh California. Mexico đứng đầu thế giới về mỏ bạc và cũng là nước xuất cảng dầu lửa thứ năm trên thế giới. Thu nhập bình quân trên mỗi đầu người của Mexico là trên 10.000 USD mỗi năm, gấp 10 lần Viêt Nam. Nhưng rồi tôi tiếp tục đọc nhiều tài liệu khác đánh giá Mexico là một đất nước không thành đồng thời phơi bày tình trạng bạo loạn. Mới đây tôi lại được đọc bài phỏng vấn ngoại trưởng Mexico trong đó người ký giả đặt thẳng câu hỏi Mexico có phải là một đất nước không thành không và ông bộ trưởng trả lời một cách lưỡng lự.

Chỉ vài ngày sau khi tới Mexico tôi đã hiểu quả thực có lý do chính đáng để coi Mexico là một đất nước không thành. Vợ tôi, thường hay về Việt Nam, quả quyết rằng theo sinh hoạt hàng ngày thì thu nhập của một người Mễ cùng lắm chỉ gấp đôi Việt Nam chứ không thể gấp mười được. Mexico trên thực tế chỉ là một thuộc địa trá hình. Phần lớn của cải tập trung trong tay một thiểu số. Cụm từ “thu nhập bình quân trên mỗi đầu người” không có nghĩa gì cả. Mexico có rất nhiều tỷ phú, kể cả người giàu nhất thế giới Carlos Slim, nhưng dân chúng thì rất nghèo. Tình trạng bất công này tự nhiên dẫn tới hỗn loạn và trộm cướp. Chiến tranh giữa các băng đảng với nhau và với cảnh sát hàng năm làm từ 5000 đến 10.000 người chết. Cướp bóc và buôn lậu bạch phiến không bị coi là có tội nếu do người trong gia đình hoặc đồng hương làm. Các du khách được khuyên là không nên đi dạo khi chiều tối ngoài trung tâm thành phố. Ngay bên cạnh khách sạn mà tôi ở, khá gần trung tâm thành phố Mexico, có một tiệm tạp hóa nhỏ với một người bảo vệ mang súng; cô hướng dẫn viên du lịch nói như thế là bình thường. Hành động dũng cảm được mọi người thán phục là vượt biên giới qua Mỹ sống ngoài vòng pháp luật và làm những công việc lặt vặt để có tiền gửi về quê hương.

Các tài liệu thống kê cho thấy Mexico có khoảng 75% người lai, số 25% còn lại một nửa là người gốc Espana một nửa là “thổ dân thuần túy”. Nhưng ngay khi tới đây tôi khám phá ra rằng mình lầm to. Người Espana rất ít pha trộn với thổ dân; “người lai” chỉ là những thổ dân có khả năng trả lời bằng tiếng Espana những câu hỏi trong cuộc kiểm tra dân số. Như vậy phải hiểu rằng gần 90% dân Mexico, mà người Việt tại Mỹ gọi là người Mễ, là những người có tổ tiên sinh sống ở Châu Mỹ trước khi người Châu Âu tới. Điều này rất dễ nhận thấy bởi vì người Mễ có đặc tính là họ mang lịch sử dân tộc trên cơ thể. Cho tới khi người Châu Âu tới đây, đầu thế kỷ 16, họ chưa biết sử dụng bánh xe và kim loại, cũng chưa biết thuần hóa súc vật cho việc chuyên chở. Họ chỉ dùng sức người. Dầu vậy họ đã mang hàng triệu tảng đá nặng để xây những kim tự tháp và đền đài. Và họ xây cất rất nhiều, trên những qui mô lớn một cách kinh ngạc. Kinh thành Teotihuacan chẳng hạn, dựng lên cách đây hơn hai ngàn năm, có Kim Tự Tháp Mặt Trời gần bằng kim tự tháp Kheops lớn nhất của Ai Cập và một đường chính rộng mênh mang dài gần 3 Km. Người ta không thể đếm hết những công trình xây cất đồ sộ như vậy và tất cả đều làm bằng sức người. Di sản lịch sử nhọc nhằn một cách kinh hoàng đó còn thấy được trên cơ thể người Mễ. Họ lùn và mập, chân tay to và ngắn. Những hài cốt tìm lại được cho thấy trước đây họ không cao quá 1,45m, ngày nay người Mễ cũng ít khi cao hơn 1,60m. Những người Mễ chính thống này hầu như không có tài sản nào trên đất nước họ. Trước một sự bất công thách đố như vậy bạo lực gần như chính đáng, nhất là khi chính công an nhà nước cũng ám sát, thủ tiêu, cướp bóc.

Khó có quốc gia nào có thể có một lịch sử hung bạo như Mexico. Cả thế giới biết và lên án hành động diệt chủng của những đoàn conquistadors (quân chinh phục người Espana) đối với thổ dân Châu Mỹ, nhưng những tàn sát này không thấm vào đâu so với sự tàn sát lẫn nhau của các sắc tộc thổ dân trước đó. Giết người tế thần là phong tục của mọi sắc dân. Để khánh thành cung điện Tenochtitlan, người Aztec đã giết trong một ngày hai chục ngàn người, và giết theo một nghi thức ghê rợn: mổ sống để móc trái tim còn đập. Khi tấn công Tenochtitlan đoàn quân conquistador của Cortès chỉ có vài trăm người nhưng họ đã huy động được 150.000 người thổ dân cùng chiến đấu với họ để trả thù người Aztec. Đế quốc Aztec bị tiêu diệt sau vài tháng và kinh thành Tenochtitlan bị san phẳng. Kế tiếp là hai thế kỷ thống trị và bóc lột dã man của đám thực dân Espana. Mexico được độc lập năm 1821 chỉ để chịu đựng những chế độ độc tài cướp bóc của các tướng lãnh. Ngoại trừ một giai đoạn bình yên khoảng 20 năm do Lazaro Cardenas mở ra năm 1934, lịch sử Mexico cho tới nay là một chuỗi đàn áp, bóc lột, cách mạng, bạo loạn và ám sát, nhiều khi cùng một lúc. Mexico đúng là một quốc gia không thành.

Từ năm 2000 dân chủ được vãn hồi và ngày càng được củng cố. Những tranh luận chính trị ngày càng tỏ ra nghiêm chỉnh và có phẩm chất. Mexico có nhiều triển vọng ra khỏi danh sách những đất nước không thành, và có một tương lai.

Nhưng tại sao Mexico lại là một đất nước không thành?

Chính trong khi đi thăm viếng các nhà thờ lớn nguy nga, đặc biệt là nhà thờ Đức Mẹ Guadalupe (nơi Đức Mẹ Maria hiện ra với một thổ dân và in hình mình vào áo của người này) mà tôi nghĩ là đã tìm ra câu trả lời. Người Espana sang chinh phục Châu Mỹ tàn nhẫn với thổ dân bao nhiêu thì họ rộng rãi bấy nhiêu trong việc xây dựng những nhà thờ thật nguy nga, có phần hơn cả những nhà thờ lớn tại Châu Âu. Và người thổ dân đã chấp nhận đạo Công Giáo theo cách của họ, nghĩa là lấy các thánh công giáo thay cho các vị thần trước đó. Tại làng Chamula gần Palenque tôi được thăm một giáo đường trong đó rất nhiều người thổ dân Chiapas đang cúng các thánh công giáo như những thần linh, thí dụ như cắt tiết gà mái để xin cho con khỏi bệnh. Có những vị thánh không đáp ứng lời cầu khẩn nên đang bị phạt, không được thắp sáng và cũng không có lễ vật. Sự chắp nối lạ đời này chứng tỏ lý luận không có chỗ đứng đáng kể nào tại Mexico và khiến tôi chợt nhận ra là Mexico hầu như hoàn toàn không có một tác phẩm tư tưởng nào, dù đã có một nhà văn được giải Nobel về văn chương năm 1990. Mexico không có tư tưởng và vì thế đã là một đất nước không thành. Lý do là vì mọi quốc gia đều phải đặt nền tảng trên một tư tưởng chính trị đúng đắn nếu không muốn rơi vào bạo quyền và bạo loạn. Quốc gia là một khái niệm chính trị phức tạp đã gây tranh cãi dữ dội, nhiều khi đẫm máu.

Tư tưởng, kể cả tư tưởng chính trị, là con đường tới sự hiểu biết thấu đáo thay vì những xác quyết chắc nịch của sự nông cạn dẫn thẳng tới xung đột. Nhưng muốn suy nghĩ thì trước hết phải hiểu rõ các từ ngữ và khái niệm. Trong một nước nếu mỗi người hiểu quốc gia, dân tộc, tự do, dân chủ, pháp luật, chính quyền v.v. một cách khác nhau thì không thể có thảo luận và do đó không thể sống chung. Phương pháp duy nhất để hiểu như nhau là cố gắng học hỏi để hiểu đúng, và các khái niệm này phức tạp lắm chứ không đơn giản.

Sau đó cần đầu tư thời gian và cố gắng tìm giải đáp cho một số câu hỏi. Thế nào là một quốc gia lành mạnh? Cứu cánh của nhà nước là gì? Nhà nước có vai trò gì? Nhà nước quan trọng hơn hay cá nhân quan trọng hơn? Quyền hạn của nhà nước phải dừng lại ở chỗ nào để tự do cá nhân có thể bắt đầu? Có thể kiểm soát hoạt động kinh tế tới mức độ nào mà không triệt tiêu những quyền tự do chính trị? Một đại biểu quốc hội có quyền bầu theo lập trường mà mình nghĩ là có lợi cho cử tri hay phải bầu cho điều mà mình nghĩ rằng đa số cử tri muốn? Những mầm mống chia rẽ trong dân tộc xuất hiện như thế nào và phải được giải quyết như thế nào? v.v. Những câu hỏi này nhiều lắm và khó lắm nhưng nếu không trả lời được thì không thể xây dựng được quốc gia. Không có tư tưởng chính trị thì không thể có cảm thông giữa chính quyền và nhân dân, và giữa nhân dân với nhau.

Đó là điều đã xảy ra cho Mexico. Bằng chứng rõ rệt của sự thiếu vắng tư tưởng chính trị là một đảng với danh xưng ngớ ngẩn “Đảng Định Chế Cách Mạng ” đã có thể cầm quyền liên tục trong hơn một nửa thế kỷ và có nhiều triển vọng sẽ trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 7 sắp tới. Các định chế là gì? Cách mạng là gì? Làm sao có thể vừa bảo thủ vừa cấp tiến, vừa bảo vệ các định chế vừa làm cách mạng? Trong suốt lịch sử của nó, có lẽ chỉ trừ một trường hợp Lazaro Cardenas, không có chính khách nào hiểu rằng quốc gia là một tình cảm, một không gian liên đới và một đồng thuận chia sẽ một tương lai chung. Tất cả những người đã thay nhau cầm quyền đều đã chỉ coi dân tộc như một khối người để đàn áp và thống trị. Và họ đã khiến Mexico trở thành một failed state.

30-4 cũng là ngày kỷ niệm sự cáo chung của một nhà nước không thành: Việt Nam Cộng Hòa. Cùng với chế độ này đã sụp đổ giấc mơ của những người muốn từ đó xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ và anh em. Chế độ này tồi dở nhưng không gian ác. Lý do khiến nó bại vong cũng là vì nó thiếu hẳn một tư tưởng chính trị. Nó không thiếu các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, cử nhân, tiến sĩ nhưng nó không có những trí thức chính trị. Đó chỉ là những người học lấy bằng cấp để tiến thân, nghĩa là để vượt lên trên và tách ra khỏi quần chúng và hội nhập vào một thiểu số ưu thế. Và họ cũng chỉ học những ngành chuyên môn. Kiến thức chính trị của họ không hơn quần chúng, sự hiểu biết về thực tại xã hội thì chắc chắn không bằng. Những người cầm quyền như vậy không thể tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng vì họ xa lạ với quần chúng, không biết cách tranh thủ và cũng không muốn phục vụ quần chúng; họ chỉ muốn quần chúng phục vụ họ. Từ Bảo Đại đến Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu không ai thực sự cố gắng tranh thủ hậu thuẫn quần chúng cả, trái lại vì thiếu văn hóa chính trị họ còn có những thái độ, ngôn ngữ và hành động khiêu khích đối với quần chúng. Và dù muốn họ cũng không biết phải làm gì để tranh thủ quần chúng vì họ không hiểu quần chúng. Các bộ thông tin, công dân vụ, dân vận v.v. của họ chỉ có để mà có, vì không lẽ không có. Một chế độ như vậy không thể tồn tại nếu bị tấn công, và họ đã bị tấn công. Trước mặt họ là những người cộng sản tuy động cơ có thể không trong sáng và văn hóa không cao nhưng biết cố gắng vận dụng quần chúng và đã tranh thủ được một phần quần chúng. Như vậy sự thất bại của chế độ Việt Nam Cộng Hòa là lẽ dĩ nhiên, phe cộng sản dù có thua bao nhiêu trận cũng vẫn còn đó để phục hồi trở lại vì vẫn còn quần chúng.

Việt Nam Cộng Hòa đã là một đất nước không thành vì không đủ thì giờ để hình thành. Nó còn cần thì giờ để có được một tư tưởng chính trị và những người lãnh đạo có bản lĩnh chính trị xuất phát từ quần chúng và vẫn là những đứa con của quần chúng. Nhưng thời gian này nó đã không có bởi vì nước đồng minh nắm vận mệnh của nó đã mất kiên nhẫn.

Đó là quá khứ, chỉ nhắc lại nhân ngày kỷ niệm. Điều đáng quan tâm hơn là Việt Nam hiện nay cũng đang tiến tới rất gần tình trạng của một đất nước không thành. Trong thực tế nước ta cũng chỉ là một thuộc địa trá hình trong đó một thiểu số cường hào chiếm đoạt đất nước làm của riêng, bất chấp quần chúng. Đảng cộng sản cư xử không khác một lực lượng chiếm đóng. Người dân không còn quan tâm tới đất nước vì đất nước không còn là của họ. Tư tưởng chính trị duy nhất được phép truyền bá là chủ nghĩa Mác-Lênin mà ngay cả những người áp đặt cũng biết là bệnh hoạn và nhàm chán. Đặc tính của những đất nước không thành: quan hệ chính quyền – nhân dân bị cắt đứt, thậm chí trở thành thù địch. Đã thế chính quyền còn liên tục nhục mạ người dân bằng những quyết định thách đố như cho Trung Quốc thuê rừng ở thượng nguồn, khai thác bôxit tại Tây Nguyên, chuẩn bị xây 14 lò phản ứng hạt nhân, bao che cho các đại gia cướp đất cướp nhà của dân chúng một cách công khai, trắng trợn, hàng ngày.

Còn lại sinh hoạt kinh tế. Nhưng kinh tế cũng sẽ rất bi đát trong những ngày sắp tới khi sự thực không còn che đậy được nữa. Và đàng nào thì mô hình kinh tế hướng ngoại cũng không thể tiếp tục khi các quốc gia phát triển đã đặt thăng bằng cán cân mậu dịch làm mục tiêu hàng đầu. Thử thách đặt ra cho sự sống còn của đất nước sẽ rất lớn vì chúng ta kiệt quệ, căm hờn và bất lực. Thảm kịch lớn nhất hiện nay của chúng ta là thảm kịch của ý chí và niềm tin.

Cũng như Mexico hiện nay chúng ta rất hụt hẫng về mặt tư tưởng chính trị, nhưng khác với họ chúng ta chưa bắt đầu khắc phục. Trí thức Việt Nam vẫn còn rất kém về kiến thức chính trị và vẫn còn nghĩ rằng chính trị không cần phải học. Một cuộc thảo luận gần đây còn cho thấy họ cũng không biết chính họ là ai vì nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là một trí thức. Đất nước Việt Nam cần tìm ra một lối thoát nhưng đôi mắt của Việt Nam lại chưa chịu mở ra.

Một trong những khái niệm bị xét lại một cách gay gắt nhất trong thế giới toàn cầu hóa này chính là khái niệm quốc gia. Số lượng các đất nước không thành sẽ ngày một gia tăng. Sẽ chỉ còn lại những quốc gia được quan niệm một cách đúng đắn và được bảo vệ một cách thông minh. Không có gì là quá nếu nói rằng đất nước đang lâm nguy. Thiểu số ít ỏi những người hiểu biết và có lòng yêu nước, những trí thức đúng nghĩa, cần hiểu rằng họ không có chọn lựa nào khác hơn là tìm đến với nhau trong một ý chí chung.

Theo Ethongluan

14 Phản hồi cho “Nghĩ về những đất nước không thành”

  1. Quang Minh says:

    Ông NGK viết nhiều bài rất hay, nhưng tại sao ông lại có những bài như bài này hoặc như quyển ” tổ quốc ăn năn” ! Đọc đến đâu thì thấy trong lòng mình trỗi lên sự phản kháng ! Ông đừng nên tự cho ông và nhóm của ông quá cao và lại có vẻ xem thường mọi người. Thực chất những gì ông viết chưa đủ thuyết phục ai , vì bản thân những tư tưởng của ông lập dị 1 cách quái gỡ và không có gì để hấp dẫn người đọc., ngược lại người ta lại tìm thấy nhiều sai sót trong tư tưởng của ông, đó là lý do tại sao đọc giả thường hay phê bình những bài viết của ông. Ngược lại dù bị phê bình, nhưng ông chưa bao giờ chấp nhận. Vì thế ông cứ viết và đọc giả cứ tiếp tục phê bình.Vua Quang Trung là niềm tự hào của dân Việt mà ông còn viết được như vậy thì tôi chịu thua ông.

  2. iBi says:

    Tôi không hề đọc thấy cái “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị” của ông NGKiểng tròn, méo ra làm sao; nhưng đọc thấy ông dùng nhóm từ đó hơi bị nhiều. Cái này gọi là đọc tiêu đề mà không thấy nội dung. Bài viết của ông NGKiểng có quá nhiều fallacies. Vài ví dụ:

    1. Ông sửa “nhà nước thất bại” thành “nhà nước không thành” làm cho ý rối rắm thêm. Vì rằng, nhà nước không thành là nhà nước chưa bao giờ thành ra cái gọi nhà nước; ấy vậy mà nhà nước Mexico đã tồn tại hàng ngàn năm, đang tồn tại, và còn tiếp tục tồn tại, tuy là có rối beng.

    2. Việt Nam đã tồn tại như một thực thể nhà nước qua hơn bốn ngàn năm, đang còn tồn tại, và sẽ tiếp tục tồn tại, tuy là có thay đổi chính quyền rất nhiều lần, và cũng từng thay tên rất nhiều lần. Không hề có chuyện nhà nước VNCH không thành, mà chỉ có chuyện chính quyền VNCH bị chính quyền CS thay thế bằng bạo lực, bằng sự trợ giúp của khối CS quốc tế, và bằng sự bỏ rơi vì quyền lợi của đồng minh (Mỹ). Nhà nước Cộng Sản Tư Sản hiện thời chắc chắn sẽ bị thay thế trong tương lai gần bằng lực đối kháng của dân tộc Việt.

    3. Không phải nhà nước nào cũng được dựng lên bằng “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị”. Chẳng hạn, hồi xưa cả nước Mỹ là thuộc địa của Anh, rồi vì các tiểu bang chống lại chính sách thuế nặng nề của King George III mà đứng lên tiến hành cuộc cách mạng lật đổ chế độ thuộc địa và vương quyền Anh ở Mỹ để lập thành nhà nước riêng là nước Mỹ ngày nay. Đâu có “tư tưởng” hay “tư tưởng chính trị” nào dẫn dắt dân Mỹ thời đó đâu ?! Cách đây hơn bốn ngàn năm, các bộ lạc tộc Việt sống ở vùng sông Hồng tập hợp lại để lập thành một Vương quốc, lúc đó làm gí có “tư tưởng” hay “tư tưởng chính trị” nào dẫn dắt dân Việt ?! v.v…

    3. Ông NGKiểng bấy lâu nay cứ cổ súy cho một nhóm tinh hoa (elite) mà ông gọi là các nhà trí thức có “tư tưởng chính trị” – không biết tư tưởng chính trị gì ? – để dẫn dắt dân Việt qua cơn lầm than, u tối … hiện nay. Không phải hễ có trí thức là biết nhận thức về chính trị, và không phải hễ cứ mở miệng ra nói về chính trị hoặc “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị” như ông Kiểng thì trở thành người trí thức có nhận thức và biết làm chính trị. Ông cho rằng phần đông người trí thức Việt không có “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị” là ông quá hợm mình; ông có “tư tưởng” gì thì xin hãy nói, viết ra cho cụ thể (concrete), không thể cứ bô bô “tư tưởng” và “tư tưởng chính trị” rỗng không v.v…

    Ông nên nhớ là bọn CS từng hô hào chủ thuyết Mác Lê hão huyền, rỗng tuếch, mị dân, và không tưởng v.v.. để hớp hồn và khủng bố người dân đen và bọn ngu xuẩn bám theo, chứ thật ra đó không phải là “tư tưởng” hay “tư tưởng chính trị”. Chủ thuyết CS là trò gian xảo, lừa dối có hệ thống và tinh vi nhất trong lịch sử loài người. Thời ông Diệm, nghe nói ông Nhu cũng có hô hào chủ thuyết “Cần Lao Nhân Vị” để đối nghịch lại với chủ thuyết CS đó chớ, mà rồi cũng …toi. Thời gian đầu của tỵ nạn, có ông Cao Thế Dung cũng ráng mầy mò viết học thuyết gì gì … đó để làm chủ thuyết cho đảng ông ta đối nghịch lại với chủ thuyết CS, mà rồi cũng chẳng tới đâu, và cũng…toi. Nay, nghe ông NGKiểng lại hô hào là cần phải có “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị”, và cần phải có tầng lớp trí thức có mấy món đó nữa thì mới được việc cho VN, vậy mà không thấy ông Kiểng trình bày cái “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị” của ông ra làm sao, làm người ta hồi hộp quá. Nhưng nếu có chăng nữa, không chắc chắn lắm đâu nhen, thì chắc cái “tư tưởng” của ông Kiểng cũng sẽ…toi như cái của ông Nhu, của bọn CS, của ông Cao Thế Dung, của vài người khác nữa v.v…

    Tôi, lớp hậu sinh của ông Kiểng, không hề có “tư tưởng” hoặc “tư tưởng chính trị” gì đó như ông NGKiểng đòi hỏi, nhưng chắc chắn là tôi nhận thức về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, lịch sử, quân sự v.v… hơn ông Kiểng. Tôi không hề viết lăng nhăng quàng xiên như ông Kiểng. Tôi cũng chắc là có nhiều người Việt khác cũng ngon lành như tôi vậy, nhưng phần đông đang nhẫn nhục chờ thời cơ. Thế giới ngày nay không đơn giản như thế giới thời Trịnh, Nguyễn phân tranh; mọi quốc gia đều có quen hệ chồng chéo lẫn nhau về quyền lợi.

    • Builan says:

      Hôm nay ông iBi hứng chí thế nào mà viết cái COM dài hơn noị làn !

      DAÌ mà tỏ ra kiến thức, trí tuệ…hay ra phéch ! Chứ khộng phaỉ DAÌ dai dỡ ! Chúc mừng.

      Chào!

    • Minh Đức says:

      Trích: “Không hề có chuyện nhà nước VNCH không thành, mà chỉ có chuyện chính quyền VNCH bị chính quyền CS thay thế bằng bạo lực”

      Đúng thế! Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa xây dựng theo đường lối dân chủ pháp trị, cho phép đa đảng. Như vậy chưa phải là tư tưởng chính trị hay sao mà ông Nguyễn Gia Kiểng nói là VNCH thiếu tư tưởng chính trị? Dù là chế độ dân chủ pháp trị đó chưa được hoàn thiện thì việc nhiều người ở hải ngoại tiếp tục tranh đấu cho chế độ dân chủ đa đảng, trong đó có cả ông Nguyễn Gia Kiểng, đó chẳng phải là hiện tượng nếu có tư tưởng chính trị nên dù có bị thua nhưng vẫn tiếp tục tranh đấu và có khả năng thực hiện lại tư tưởng chính trị của mình như ông Nguyễn Gia Kiểng đem CS ra mà ví von hay sao. Những cái đa nguyên, đồng thuận mà ông Nguyễn Gia Kiểng đưa ra nào phải là điều gì mới mà cũng chỉ là tư tưởng dân chủ. Mà từ thời xưa ông Trần Trọng Kim đã nói đến dân chủ khi ông viết trong Một Cơn Gió Bụi vào năm 1949 là ông thấy đến lúc đó ông Hồ Chí Minh đã thắng được Pháp rồi thì ông Hồ nên đi theo con đường dân chủ, để cho các đảng phái được tự do hoạt động, bầu cử, còn cứ nhất định phải Cộng Sản hóa Việt Nam thì Mỹ, Anh họ sẽ ngăn cản và gây ra chiến tranh. Từ thời đó đã có người biết chế độ dân chủ là gì nhưng ông Nguyễn Gia Kiểng thì cứ chê mọi người là chẳng biết gì, ngoại trừ nhóm của ông ta. Những cái falacies ông iBi nêu ra trong bài này và cũng tìm thấy vô số nhiều bài khác chỉ chứng tỏ là ông Nguyễn Gia Kiểng là người “hay chữ lỏng”, thiếu cách suy luận một cách chính xác, có căn bản.

  3. Minh Đức says:

    Giữa Nam Hàn và VNCH thì Nam Hàn tồn tại là nhờ Mỹ đem quân đội giúp trong khi Mỹ bỏ rơi VNCH chứ thật ra tư tưởng chính trị của Nam Hàn thì có gì khá hơn VNCH. Khi Mỹ đánh Bắc Hàn đuổi đến tận biên giới Trung Quốc làm cho đám CS Bắc Hàn phải chạy qua Trung Quốc, nếu Trung Quốc không nhảy vào giúp Bắc Hàn thì chế độ Bắc Hàn cũng tiêu mặc dù Bắc Hàn có tư tưởng chính trị. Các nước phe Trục là Đức, Ý, Nhật mặc dù có tư tưởng chính trị rất hăng hái chiến đấu mà vẫn bị thua phe Đồng Minh là vì Mỹ có lực lượng quân sự quá hùng hậu. Nhật có tinh thần chiến đấu cao mà vẫn thua Mỹ là vì sức sản xuất của Mỹ quá kinh khủng, thua mất tàu này thì sản xuất ra tàu khác, máy bay, súng ống sản xuất ào ạt. Mỹ nhân danh dân chủ mà không có quân đội với tiềm lực kinh tế hỗ trợ thì cũng chẳng bao giờ đánh đổ được các chế độ độc tài như Phát xít Ý, Đức Quốc Xã, quân phiệt Nhật, Saddam Hussein… Điều làm cho một số trí thức Việt Nam Cộng Hòa chỉ có nói mà không có sức mạnh là vì không gắn liền phong trào chính trị với sức mạnh. Cộng Sản quan niệm sức mạnh dựa trên bạo lực nên họ tuyên truyền theo lối nào để lôi kéo những kẻ sử dụng bạo lực trong khi trí thức VNCH chỉ lý luận xuông. Khi nước Thụy Sĩ tuyên bố trung lập trong Thế Chiến 2 thì họ vũ trang toàn dân để chống Đức vì thế Đức tránh không đánh Thụy Sĩ còn trí thức VNCH cũng muốn bắt chước Thụy Sĩ mà trung lập giữa hai khối Cộng Sản, Tư bản nhưng lại từ chối không cầm súng đánh nhau. Nếu Mỹ không có khả năng quân sự thì Mỹ sẽ bị Trung Quốc đè bẹp mặc dù Mỹ chẳng thiếu gì tư tưởng dân chủ. Người Mỹ và người Tây phương họ bảo vệ được chế độ dân chủ của họ là vì họ biết chính trị phải đi với sức mạnh thì mới bảo vệ được đường lối của mình.

  4. Minh Đức says:

    Đọc bài này thấy ông Nguyễn Gia Kiểng chê Việt Nam Cộng Hòa rất muốn cãi nhưng nhìn lại thì ông Nguyễn Gia Kiểng sờ sờ ra đấy lại là trí thức Việt Nam Cộng Hòa chuyên viết nhảm, nên không thể nào cãi là ông ta nói sai được. Ông ta chính là bằng chứng bằng xương bằng thịt của sự thất bại của Việt Nam Cộng Hòa mà ông ta nói trong bài.

  5. nvtncs says:

    “Nó không thiếu các bác sĩ, kỹ sư, luật sư, cử nhân, tiến sĩ nhưng nó không có những trí thức chính trị. Đó chỉ là những người học lấy bằng cấp để tiến thân, nghĩa là để vượt lên trên và tách ra khỏi quần chúng và hội nhập vào một thiểu số ưu thế. Và họ cũng chỉ học những ngành chuyên môn.

    Ce que vous avancez, affirmez est faux, et d’une impertinence, d’une prétention! Et quelle généralization élémentaire!

    Vous avez montré que votre éducation secondaire n’était probablement pas formée dans un lycée francais, et que votre baccalauréat probablement n’était pas un baccalauréat francais.

    Premièrement, il existe des vietnamiens beaucoup plus instruits et bien plus intelligents que vous, non seulement dans le domaine technique, mais sur le plan politique tout aussi bien.
    Nos ainés tels M. PHạm Quỳnh, l’historien Trần Trọng Kim, le prof. Vũ Quốc Thúc, mon prof, de physique, l’ingénieur Hoàng Cơ Nghị, et maintenant des hommes de ma génération, vous dépassent d’une tête.

    Si vous étiez élève dans un lycée francais, vous auriez été imbu, imprégné de la culture non seulement littéraire francaise, mais surtout de la pensée politique francaise depuis la plus tendre jeunesse: Vous auriez été initié à Voltaire, Rousseau, l’Encyplopédie, “l’Esprit des Lois ” de Charles de Momtesquieu, “De La Démocratie en Amérique” d’Alexis de Tocqueville, jusqu’à la devise” Liberté, Égalité, Fraternité” de la Révolution Francaise de 1789 que le monde connait.

    C’est grâce à cette culture politique francaise , que nous sommes conscients de notre soif d’une indépendance vietnamienne, car, déjà, depuis notre adolescence, nous rêvions de Liberté, d’Égalité, pour nous mêmes, vietnamiens, rêvions de nous débarrasser du joug francais, rêvions d’ instaurer une république vietnamienne indépendante, basée sur la conception d’égalité, de liberté, de fraternité, et sur le modèle poiltique francais, mais gouvernée tout simplement par des patriotes vietnamiens, dans l’intérêt du peuple vietnamien, et en tenant compte des particularités et du caractère de notre peuple vietnamien.

    Vous parliez autre part, avec arrogance et sans connaissance de cause, d’étude politique et du manque d’une instruction politique chez les intellectuels VN:

    “Trí thức Việt Nam vẫn còn rất kém về kiến thức chính trị và vẫn còn nghĩ rằng chính trị không cần phải học.

    Ici, en Amérique, nous vivons, mangeons, respirons de la politique quotidiennement avant les élections du 6 Novembre prochain; Nous téléphonons, frappons aux portes, assistons aux meetings, affichons, planifions, voiturons les gens âgés le jour de vote, discutons les projets et directions, la politique à suivre, du parti, élisons nos représentants à la convention, organisons notre approche , tout ceci sur le plan local.

    Je dis “nous” pour indiquer qu’il existe des vietnamiens actifs dans la politique; j’utilise le pronom “nous” aussi par modestie.

    En terminant, je voudrais vous dire que vos écrits manquent de modestie et que votre style m’agace dans le même sens qu’on caresse à rebours le poil d’un chat.

  6. Lâm Vũ says:

    Ông NGK vần thường cho rằng người Việt “không biết đọc, không biết viết” và nhất là “không có tư tưởng”. Nhưng vấn đề là, điều này có đúng sự thật hay không, hoặc đúng bao nhiêu?

    Trước tiên, chiếu theo con số người phản đối điều ông viết, tôi có cảm tưởng là đa số người có đọc không hiểu ông muốn nói gì. Hẳn nhiên, ông sẽ bảo đa số người đọc ông “rất kém về kiến thức chính trị”, nên không hiều hay hiểu sai ông. Dù sao đi nữa, là người “làm chính trị” mà ông không biết viết cho người khác hiểu được ông, thì cũng có thể kết luận ngược lại là chính ông “không biết viết”?

    Ông cũng có thể cho rằng ông đã vượt xa và cao hơn mọi người, hay nói cách khác là người đọc thiếu kiến thức chính trị nên không hiểu “kịp” điều ông nói! Điều này, cũng khó chấp nhận. Lấy trường hợp Phan Chu Trinh, ai cũng công nhận sinh thời cụ Phan đã đi xa hơn đa số người Việt về mặtg tư tưởng – kể cả những nhà tranh đấu cũng thời với cụ như Phan Bội Châu – vậy mà đa số người Việt vẫn “hiểu” cụ, bằng chứng là khi cụ chết (vì bịnh) thanh niên cả nước để tang cụ. Như vậy, cụ Phan là người biết đọc, biết viết, biết nói và nhất là biết “tư tưởng”…

    Chỗ này, ông NGK có thể lý luận rằng cụ Phan (Tây Hồ) là một ngoại lệ! Nhưng điều này theo tôi cũng không đúng nốt, vì dù cụ Tây Hồ là một ngoại lệ, nhưng không phải duy nhất. Thời cụ – và liền sau cụ – VN ta có nhiều “ngoại lệ” lắm! Chỉ nói riêng về mặt “tư tưởng học thuật” có không biết bao nhiêu là tờ báo, “nhóm”, văn đoàn, phong trào v.v. mà mỗi “phong trào” đó đều có rất đông người ngưỡng mộ, đi theo…

    Ý kiến đã quá dài, nhưng cũng chưa nói tới những vấn đề chính, nhất là chuyện “tư tưởng”. Tôi biết anh NGK hay nói vòng vo – có thể vì ông thường bị hiểu lầm nên đâm ra “rụt rè” chăng – nhưng điều chính là vấn đề Tư Tưởng, mà ông cho rằng người Việt ta thiếu. Dù đúng hay sai, có thể nói ngay là ông NGK can đảm, dám nói lên điều mà ông biết trước sẽ bị đa phần trăm người đọc ông phản đối!

    Bị phản đối không hẳn là dở, nhưng cũng không bắt buộc là điều hay! Vấn đề là chính người nói ra đã suy nghĩ đến nơi đến chốn chưa khi viết một câu “nặng ký” như thế. Từng quen biết và thường trao đồi ý tưởng với ông NGK một thời gian khá lâu, tôi biết ông không chỉ nói điều đó vì “lập dị” hay để được nhiều chú ý, mà ông thật sư tin đây là mấu chốt của vấn đề hiện nay của dân tộc Việt Nam.

    Cá nhân tôi không phản đối quan điểm này và nghĩ rằng, trong giai đoạn cực kỳ gian nguy của đất nước hiện nay, người Việt – nhất là hàng ngũ “trí thức”, bất cứ theo định nghĩa nào – cần phải chấn chỉnh lại vấn đề “tư tưởng” – gồm cả kiến thức, suy tư và tấm lòng thủy chung. Không thể ào ào này chạy theo đám này, mai đám khác là được việc. Khác với thời Lê Lợi, Quang Trung… lúc đó sự chọn lựa tương dối dễ dàng, ngày nay thế giới lớn, phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi mọi người sự hiểu biết thực sự sâu rộng hơn.

    • Lâm Vũ says:

      TB. Phải công nhận NGK có lối viết rất lôi cuốn, nhờ có phương pháp riêng (không phải là đề tài tranh luận ở đây). Vấn đề là: “thủ pháp” đó (*) là con dao hai lưỡi, nó cho thể mê hoặc một độc giả, đàng khác lại tạo ra mội giới độc giả riêng, cũng thích đọc NGK, nhưng luôn luôn chống lại những điều ông viết.

      Cả hai giời này – chiếm đa số độc giả của NGK – có một điểm chung: nói chung họ “chống” hay “mê” ông đều không thật sự để ý đến nội dung và lý luận trong những bài của ông. Người chống ông, thì luôn luôn tìm ra những chi tiết – họ cho là sai – để đả kích, người thích ông thì thường biết thích.. là đủ rồi!

      Điều này, nếu đúng, thì có hại cho cả người đọc lẫn tác giả. Tác giả không mang được những điều chính mình muốn nói đến cho người đọc, và người đọc khó nhìn ra những ý tưởng hay ho của (những) bài viết.

      Đó là cái nhìn của tôi về “hiện tượng” NGK!

      LV
      (*) “Thủ pháp” của NGK, ngoài sự đi thẳng vào tâm điểm của vấn đề, chính yếu là đưa ra những chi tiết hoặc suy luận ít người nói (hay biết) tới trước đó. Thì dụ thì nhiều vô số kể, bài viết nào cũng hàng tá! Từ “Khổng Tử chỉ là một ông thầy cúng” cho đến”Quang Trung chỉ là một tên tướng cướp ít học, võ biền, khát máu”, “Chiến công Kỷ Dậu – QT đại phá quân Thanh – chỉ là trận đánh nhỏ, mỗi bên vài trăm hay nhiều lắm vài ngàn quân lính ô hợp” v.v. Những khẳng định này thường dựa trên chứng cớ đàng hoàng, nhưng hoặc không thể kiểm chứng hoàn toàn hay chỉ là một phần của sự thực. Do đó, có thể nói thường là “ngụy biện”…

  7. vinh says:

    Môt bài viết quá thuyết phục.

  8. QTN says:

    “Người dân không còn quan tâm tới đất nước vì đất nước không còn là của họ”

    Thật sự là chỉ còn những người Việt Nam bên ngoài Việt Nam còn quan tâm đến đất nước mà thôi … bởi vì bên ngoài Việt Nam không (chưa) có đảng lo … còn ở trong nước, việc quan tâm đến đất nước đang là độc quyền của ĐCSVN.

    Không biết từ khi nào, người ta bắt đầu sử dụng chữ “toàn trị” thay cho “độc tài”. “toàn trị” vừa mới, vừa khó hiểu và cũng không diễn tả được thực trạng của Việt Nam. “toàn trị” làm cho người ta có cảm giác Việt Nam chỉ bị chiếm đóng về mặt hành chính, nhưng thật ra Việt Nam hiện đang bị chiếm đóng về nhiều phương diện khác: tư tưởng, hành vi, tư duy, và thái độ đối với chính quê hương của mình. Mong quí vị xem lại cách dùng chữ “toàn trị” …

  9. Trần Hữu Cách says:

    Đất nước không thành vì không… đủ thì giờ?

    Với tất cả lòng kính trọng dành cho tác giả thuộc loại yêu mến nhất của tôi, tôi xin thưa rằng bài viết này có một số thiếu sót quan trọng.

    1. Theo như gợi ý nằm trong đoạn cuối bài, thì trí thức là “những người hiểu biết và có lòng yêu nước”? Định nghĩa quá mơ hồ này làm tôi thất vọng, nhất là trước đó tác giả đã gieo ít nhiều kỳ vọng nơi người đọc: “Một cuộc thảo luận gần đây còn cho thấy họ cũng không biết chính họ là ai vì nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là một trí thức.” Lẽ ra tác giả nên tham gia vào cuộc “thảo luận gần đây” để vạch ra cái “chưa hiểu” ấy. Còn không, ông nên tham dự đầy đủ hơn ngay trong bài này, giải thích rõ tại sao ông đưa ra một mệnh đề kiểu phán quyết như thế này: “nhiều người vẫn chưa hiểu thế nào là một trí thức”.

    2. Trong khi nhấn mạnh đến trí thức như một thành phần thiểu số ít ỏi, tác giả dường như muốn yêu cầu họ phải sản xuất ra một hệ tư tưởng chính trị như là một sản phẩm.

    Nhưng đứng trước giả thiết là họ không sản xuất được một hệ tư tưởng cho quốc gia mình, thì phải chăng câu trả lời sẽ là: Hãy du nhập một hệ tư tưởng có sẵn? Như vậy thì có khác gì điều mà đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm?

    Chấp nhận như vậy, tôi thấy lẽ ra tác giả nên có nhiều thiện cảm hơn với chế độ cộng sản hiện nay mới phải, bởi vì nó lúc nào cũng nỗ lực thực hiện những điều sau đây (trích ý từ một đoạn trong bài): giữ độc quyền bạo lực, đảm bảo công ích và trật tự an ninh, và khẳng định thẩm quyền để thảo luận và thỏa hiệp với các nước khác. Thậm chí nó còn đi quá xa trong các khoản này.

    3. Tôi cho rằng cách người dân bản xứ Mexico biến các thánh Công giáo thành các thần linh của họ cho thấy thật ra họ đã có một hệ tư tưởng sâu xa!

    Tương tự, cách mà Lenin du nhập tư tưởng Marx vào nước Nga, Mao Trạch Đông – Trung Quốc, và Hồ Chí Minh – Việt Nam đều chứng tỏ các lãnh tụ này hoặc quần chúng của họ đã có sẵn một hệ tư tưởng riêng.

    Nếu vậy thì không phải là vì thiếu hệ tư tưởng mà một quốc gia sa sút. Mà sự sa sút xảy ra khi có hiện tượng trật chìa không được sửa chữa: Nhân dân trật chìa lãnh đạo, hay lãnh đạo trật chìa thời đại.

    Hiện tượng trật chìa thời đại tươi rói nhất là các quan huyện, tỉnh Việt Nam mới đây xổ toẹt giá trị của những đoạn phim trên YouTube!

    Còn người dân trật chìa lãnh đạo? Đa số người dân Việt Nam đang sống như những thành viên của một xã hội tư bản tiêu thụ, trong khi chính sách kinh tế của nhà nước chưa thoát ra khỏi chỉ huy tập trung.

    4. Kinh tế bi đát sẽ xảy ra với nhiều nước tưởng là ổn định hiện nay. Trong đó, cái bi đát của Việt Nam chưa chắc đã là lớn nhất. Bài toán kinh tế cũng chưa chắc được giải thành công chỉ đơn thuần bằng cán cân mậu dịch hoặc xoay hướng của mô hình kinh tế thiên vào nội địa một chút.

    5. Thay vì kêu gọi tầng lớp trí thức “ít ỏi” một lần nữa, như thể là để làm nên một siêu phẩm về tư tưởng như Marx đã làm — trước khi, ừm, hết… thì giờ — tôi thấy tác giả nên kêu gọi cái tri thức bình thường trong mỗi công dân.

    Hãy gọi ra lương thức, lòng quả cảm, đức công bằng, trí biện biệt của mỗi người. Phải chăng thế giới vẫn có những quốc gia hùng mạnh không nhờ có nhiều nhà trí thức nổi danh mà chính là nhờ ở khối quần chúng có nhận thức tương đối đủ cao cho thời đại của mình?

    • TĐKSG says:

      Đồng ý với Trần Hữu Cách ở nhiều điểm, nhất là đoạn cuối (5). Đây chính là Chấn dân khí của cụ Phan ngày xưa.

      Bên cạnh đó, Nguyễn Gia Kiểng cũng rất vội vã khi đánh giá về chủng tộc ở Mexico, một chuyện không hề dễ dàng, để từ đó nói rằng họ không có “Chính Trị”, rồi dẫn đến failed state.

  10. bui le says:

    Mexico tham nhũng xêm xêm đất nước việt cộng. failed state chỉ định về an cư/cuộc sộng
    của dân Mễ .

    ViệtNam cọng hòa thất bại vì quá lệ thuộc vào Mỹ. Hay nói đúng hơn là Mỹ bỏ rơi vì quyền
    lợi của Mỹ và Tàu (cùng nhau làm xụm Nga sô). Đánh nhau mà tất cã đều le6. thuo6.c vào
    người ta khi mà họ “cúP” thì che6′t là cái chắc . Việt cộng bây giờ cũng thế, le6. thuộc Tàu
    rồi cũng sẽ bị Tàu thôn tính dận

Leave a Reply to vinh