WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thời sinh viên ở Sài Gòn

Sài Gòn xưa. Ảnh Google

Nhân dịp đọc bài viết của Hoàng Thanh Trúc trên Dân Làm Báo và qua đó đọc thêm các bài viết khác Không hổ thẹn về một thời trai trẻ của một nhóm tác giả và Cuộc họp mặt “có một không hai” của Huỳnh Tấn Mẫm trên báo Tuổi Trẻ sau buổi hội thảo “tầm vóc và ý nghĩa của phong trào đấu tranh của sinh viên – học sinh trí thức, văn nghệ sĩ… tại các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975” được tổ chức tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) trong hai ngày 19 và 20-5-2012, tôi chợt nhớ lại một bài thơ tôi viết từ lâu lắm cũng có nhắc đến các anh chị này.

Bài thơ Đêm cuối đi qua trường Luật viết ra trong những ngày mới đến Mỹ nhưng bắt nguồn từ những ý hiện lên trong một đêm mưa tháng Sáu 1981 ở Sài Gòn. Tôi không ghi lại ngày tháng viết bài thơ nhưng có in trong tập thơ đầu tay ở Mỹ năm 1991. Bài thơ khá dài, dưới đây là một đoạn có liên quan đến bài viết này:

Trời Sài Gòn tháng Sáu mưa đêm
Như từng nhát dao chém xuống đời vội vã
Tôi ra đi dặn lòng quên tất cả
Những hẹn thề toan tính thuở hoa niên
Bốn phương trời lưu lạc một bầy chim
Đã lạc lối về sông Dương Tử
Tổ quốc Việt Nam
Bốn nghìn năm lịch sử
Còn lại hôm nay là những tang thương
Tôi nhìn qua bên góc kia đường
Tấm bảng Hội Liên Hiệp Sinh Viên
Vẫn còn đong đưa trên vách
Chợt nhớ ra tên các chị các anh
Những Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban
Những Nguyễn Hoàng Trúc, Võ Như Lanh
Các anh, các chị
Giờ nầy chắc vẫn còn đang thức
Để viết xong bài tự kiểm trước nhân dân
Nhớ viết thật nhiều về những chiến công
Đã đốt bao nhiêu xe Mỹ Ngụy
Đã bán đứng bao nhiêu bè bạn anh em
Đã cắm được bao nhiêu cờ mặt trận
Tôi không hề trách các anh
Vì chẳng bao giờ ai trách
Những tên cầm cờ, khiêng kiệu
Hãy cố cong lưng và thu mình thật nhỏ
Hãy biết dại khờ và biết ngây ngô
“Độc lập, Hòa Bình, Thống Nhất, Tự Do”
Phải nhớ luôn luôn là tất yếu
Kể cả chuyện tình yêu trai gái
Cũng phải học thuộc lòng
Định nghĩa mới hôm nay
Đừng bao giờ nhắc những chuyện không may
Như những Ủy Ban Đòi Quyền Sống
Những Phong Trào Dân Chủ Tự Do
Dân Việt Nam bây giờ
Không có gì đáng để lo
Hơn những chuyện cháo rau, khoai sắn
Và không có một chút quyền
Dù chỉ là quyền để than thân trách phận.

Tôi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn cuối tháng Tám 1972. Nơi tôi ghi danh học đầu tiên là trường Luật. Có thể nói tôi là một trong những tân sinh viên nộp đơn vào năm thứ nhất niên khóa 1972-1973 trễ nhất. Ghi danh vào trường Luật không cần phải thi, chỉ cần trình bằng tốt nghiệp Tú Tài phần hai là đủ. Phòng ghi danh là một khu nhà lụp sụp phía sau trường chung một hàng rào với đại học Kiến Trúc. Tôi được phát một thẻ sinh viên tạm. Số sinh viên của tôi dài tới năm số. Tôi không nhớ chính xác nhưng hai số thứ tự đầu đã lên đến trên mười ngàn. Trường Luật, được chính thức thành lập dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, là một trong những trường già nua về cả hình thức lẫn chiều dài lịch sử, trong số các trường đại học thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Trường không có nhiều đất trống ngoại trừ khoảng sân không mấy rộng giữa trường. Cổng trường còn lại những viên ngói đỏ rêu phong từ khi mới thành lập. Giảng đường chỉ là những phòng học dài nối nhau. So với các trường trung học như Gia Long, Petrus Ký, trường đại học Luật Khoa Sài Gòn nhỏ hẹp và chật chội hơn nhiều. Vì số thẻ sinh viên của tôi cao trên mười ngàn nên có lần tôi viết câu thơ mô tả trường Luật “mười ngàn sinh viên trong giảng đường vài trăm chỗ / học suốt năm không thấy mặt thầy”.

Công việc đầu tiên của một tân sinh viên sau khi ghi danh, nhận lớp, là đi mua “cua” tức sách giáo khoa giảng dạy của các thầy, từ dân luật, hình luật đến cổ luật. Vì hiếm khi gặp mặt thầy, không có “cua” là rớt. Sau khi ghi danh ở Luật, tôi sang ghi danh Ban Kinh Tế khoa Khoa Học Xã Hội ở đại học Vạn Hạnh. Khoa Khoa Học Xã Hội ở Vạn Hạnh phải thi vào nhưng cũng chỉ thi cho đúng thủ tục vì tôi không nghe ai thi rớt vào khoa Khoa Học Xã Hội ở đại học Vạn Hạnh bao giờ.

Trường Luật chật hẹp mà sinh viên lại quá đông, chúng tôi thường la cà trong những quán cốc. Nhiều nhất là chung quanh công trường Quốc Tế, thường gọi là Hồ Con Rùa, bên ngoài trụ sở “Tổng Hội Sinh Viên” số 4 Duy Tân hay góc Thư Viện Quốc Gia trên đường Gia Long. Các quán cà phê thường không có tên. Ngoài quán cà phê Bà Vú bên ngoài đại học Vạn Hạnh, phần lớn các quán chung quanh trường Luật do sinh viên tự đặt tên bằng địa điểm để dễ hẹn nhau. Số sinh viên ghi danh vào Luật cao nhưng bỏ trường ra đi sớm rất đông và thi rớt cũng nhiều. Trong số những người bỏ cuộc có tôi. Tôi học cả hai trường và vì kỳ thi cuối khóa cùng ngày nên tôi không theo đuổi việc học Luật hết năm thứ nhất. Bạn bè tôi phần đông học Luật nên mỗi tuần tôi đều trở lại trường. Ở đó, dưới những gốc me, vỉa phố, bên những ly cà phê đen, cà phê sữa, trên những ghế thấp, cạnh những chiếc bàn vuông, chúng tôi để cho những thao thức về chiến tranh và số phận đất nước có dịp tuôn trào. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng chiến tranh đã làm chúng tôi già sớm hơn tuổi mười tám của mình.

Khi sang Vạn Hạnh tôi có dịp học với thầy Trần Văn Tuyên môn Chính Trị Quốc Nội và thầy Vũ Quốc Thông môn Luật Hiến Pháp Đối Chiếu. Đây là hai môn học tôi thích nhất. Luật Sư Trần Văn Tuyên không mang theo sách vở hay tài liệu giảng dạy gì và những bài giảng của thầy là kinh nghiệm sống trong thời hoạt động chính trị. Vì thầy dạy không theo giáo khoa nên giảng đường lúc nào cũng đông. Sinh viên phải có mặt để ghi lời thầy giảng. Tôi thường tìm cách gần gũi thầy Trần Văn Tuyên để hỏi những chuyện đất nước trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954. Thầy Trần Văn Tuyên đơn giản, tóc cắt cao và thường mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay. Thầy Vũ Quốc Thông thì khác, lúc nào cũng đường bệ, chuẩn bị kỹ càng và luôn đến lớp với một cặp-táp (le cartable) đầy tài liệu giảng dạy. Tôi hay thắc mắc với thầy Vũ Quốc Thông về cách dùng chữ. Ví dụ thầy dùng chữ “Chủ nghĩa Tập Sản” thay cho “Chủ nghĩa Cộng Sản”. Tôi cho rằng khái niệm “Chủ nghĩa Tập Sản” hay “Chủ nghĩa Bình Sản” được nhắc đến nhiều trước năm 1975, chỉ là một phạm trù thuần kinh tế, nghĩa hẹp nhiều so với chủ nghĩa Cộng Sản vốn là cả một hệ thống triết học giải thích toàn bộ đời sống con người, xã hội và vũ trụ. Thầy chăm chú lắng nghe ý kiến nhưng không thay đổi cách gọi “tập sản” của mình. Thầy Vũ Quốc Thông dạy tận tụy và trích dẫn nhiều từ các sách Pháp, trong đó có cả Tuyển tập Marx-Engel. Thầy chúng tôi, Giáo sư Trần Văn Tuyên chết trong tù Cộng Sản năm 1976 và Giáo sư Vũ Quốc Thông chết năm 1987, chỉ một thời gian ngắn sau khi ra khỏi nhà tù. Tình nghĩa thầy trò ở miền Nam, dù tiểu học, trung học hay cả đại học đều thắm thiết, thân thương, đáng kính, đáng yêu và đáng nhớ. Tôi cố gắng rất nhiều nhưng không phải là người tự học. Kiến thức của tôi là của các thầy cô trao lại. Đứa sinh viên năm thứ nhất ngày xưa không còn trẻ nữa nhưng mỗi khi nghĩ đến các thầy cô tự nhiên thấy mình nhỏ lại thật nhiều.

Thời gian từ năm 1973 đến năm 1975 là thời gian yên tỉnh. Chương trình bình định đại học khá thành công. Mùa hè năm 1973, một nhóm sinh viên chúng tôi đại diện cho trường tham dự trại hè sinh viên toàn quốc do Bộ Giáo Dục và Thanh Niên tổ chức ở Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Đông sinh viên du học cũng về tham dự trại. Dĩ nhiên không có “lãnh tụ sinh viên” đường phố nào. Đó là những ngày vui nhất của mùa hè. Không chỉ sinh viên Sài Gòn, Vạn Hạnh, Minh Đức mà cả Huế, Cần Thơ, Đà Lạt và các trường đại học tư mới thành lập cũng cử phái đoàn tham dự. Buổi tối chúng tôi quây quần trong sân cờ của trường Thiếu Sinh Quân trao đổi kinh nghiệm học hành, chuyện đất nước và hát nhạc Du Ca như có lần tôi đã kể lại trong bài viết Khi bài hát trở về. Ngoại trừ các nhóm chống chính phủ bốn mùa của các bà Ni Sư Khất Sĩ Huỳnh Liên, Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành, năm 1973, các phong trào sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn do Cộng Sản tổ chức phần lớn đã được dập tắt. Các “lãnh tụ sinh viên học sinh” mặt nổi như Huỳnh Tấn Mẫm, Trịnh Đình Ban, Trần Thị Lan, Lê Văn Nuôi, Võ Như Lanh, Nguyễn Xuân Lập v.v. đã bị kết án và vừa được trao trả tù binh.

Nhắc đến chuyện trao trả tù binh không thể quên tác phẩm Tù Binh và Hòa Bình của nhà văn Phan Nhật Nam, trong đó anh dành trọn một chương để viết về những người mà anh gọi là “Những người lỡ làng”. Hôm đó, buổi chiều ngày 27-3-1973, những “lãnh tụ sinh viên” sắp được trao trả về phía Cộng Sản đang tụm nhau ngồi trong một chiếc lều để chờ được nhận. Những bài hát của Phạm Thế Mỹ, Trịnh Công Sơn được cất lên từ chiếc lều nhỏ. Họ gồm Võ như Lanh, Trịnh đình Ban, Cao thị quế Hương, Trần thị Lan, Trần thị Huệ, Nguyễn thành Công. Không ai biết họ hát để nung cao khí thế hay hát để che đi sự lo âu trước tương lai mờ mịt núi rừng đang chờ đợi họ. Trong quan điểm đấu tranh giai cấp, dù các anh chị là đảng viên Cộng Sản cũng chỉ là đảng viên thành phố, gốc tiểu tư sản, vừa gia nhập và không được tin tưởng hoàn toàn. Nhà văn Phan Nhật Nam tả cảnh anh Nguyễn Thành Công khi tiếp xúc với viên Đại Tá Hungary trong “đôi mắt có vẻ lạc thần, giọng nói đã đượm màu mệt mỏi”. Anh Phan Nhật Nam viết đoạn đó thật cảm động. Anh không giận hay trách móc những tù binh gốc sinh viên anh sắp sửa trao trả mà cảm thông cho sự bồng bột tuổi trẻ của họ nhiều hơn:

“Phải, tôi hiểu rằng nhóm sinh viên đang ngồi ở dưới tàn cây cao su, đang gảy nên những âm thanh trầm lắng với tiếng hát nhiệt thành trong sáng kia quả tình không thể nào là những người cộng sản được. Họ không thể nào là những người cộng sản chuyên chính, dù cho họ đã vào khu học tập, dù đã là cán bộ nội thành làm nhiệm vụ sinh viên vận theo đường lối và kỹ thuật đấu tranh phát xuất từ Cục R, kiểm soát và điều hành bởi ủy viên thanh niên thuộc thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Họ cũng không phải là cộng sản dù có chứng minh thư xác nhận là thành viên của đảng lao động, hoặc thành viên của đoàn thanh niên trong mặt trận giải phóng…Vì tiếng hát, điệu đàn, nét mặt và lời nói tất cả vẫn là phản ảnh của một hoài bão, hoài bão bất diệt của tuổi trẻ. Muốn thoát khỏi hoàn cảnh bít bùng của đời sống hiện tại, đấu tranh và xây dựng một quê hương rạng rỡ tốt đẹp hơn. Và chính phát xuất từ ý định đẹp đẽ mơ tưởng này, hoài bão của họ đã được đồng hóa với mục tiêu chiến thuật đoản kỳ của cộng sản. Và họ trở thành loại cán bộ tiền phong đắc lực thực hiện những mục tiêu hạn chế trong đường phố Sài Gòn, nơi Giảng Đường, trong lòng cộng đồng tuổi trẻ Việt Nam.”

Trong bài viết Những người đi tìm tổ quốc trên talawas năm 2006, tôi cũng viết về các anh chị đó:

“Thời sôi nổi trong giảng đường đại học, trên đường phố Sài Gòn đã là dĩ vãng, giữa rừng cao su Lộc Ninh họ là những thanh niên thành phố đang bước vào một cuộc đời mới ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Như những con cá bị vớt khỏi sông và bỏ vào trong chậu, ngơ ngác, rụt rè, sợ hãi. Họ không còn là bè bạn của nhau, không còn gọi nhau bằng tên, bằng thứ mà sẽ là đồng chí. Đồng chí cũng đồng nghĩa với nghi ngờ, kiếm soát và dò xét lẫn nhau. Họ hối hận không? Họ thật sự có phải là Cộng sản không? Họ có phân biệt được, dù chỉ là căn bản, những điểm khác nhau giữa xã hội mà họ vừa bỏ lại và xã hội mà họ đang tìm đến không? Không ai hỏi và họ cũng sẽ không trả lời thật với lòng. Có những tâm sự, sống giữ kín chết mang theo, chứ không bao giờ chia sẻ với ai. Hồi xưa tôi cũng có cái nhìn khắt khe về những người bỏ đi. Các anh có quyền biểu tình, có quyền chống độc tài, chống tham nhũng, chống độc diễn nhưng khi bỏ đi sang hàng ngũ của những người ném lựu đạn vào quán ăn, pháo kích vào trường học, đặt mìn trên quốc lộ, các anh đã phản bội quyền sống trong hoà bình của nhân dân miền Nam. Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và còn một bầy em nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình.”

Ngày nay, các tài liệu của Đảng đều xác nhận hoạt động của các phong trào chống đối chính quyền VNCH chẳng phải là tự phát chống bất công, độc tài, độc diễn gì mà đều được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành Đoàn Thanh Niên Cộng Sản trực thuộc Thành ủy Sài Gòn Gia Định nhắm vào mục tiêu duy nhất là đánh sụp chế độ Cộng Hòa non trẻ ở miền Nam và áp đặt chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị trên phạm vi cả nước. Tất cả tổ chức, phong trào, tôn giáo, đoàn thể đều được Đảng khai thác, vận dụng một cách tinh vi để phục vụ cho mục đích cuối cùng của đảng Cộng Sản.

Những tên tuổi, hình ảnh được báo chí đối lập và thân Cộng ở Sài Gòn đánh bóng mà nhà văn Phan Nhật Nam nhắc đến chỉ là những khuôn mặt đấu tranh công khai trên đường phố Sài Gòn. Họ không biết những đảng viên Cộng Sản nòng cốt thực sự điều khiển phong trào từ bóng tối là ai. Những kẻ mài dao giết người thường trốn kỹ trong rừng. Những kẻ trao lựu đạn cho sinh viên để ném vào nhà hàng, trường học, chợ búa thường giấu mặt. Họ không gọi nhau bằng tên thật, bằng mày tao thân tình trong quán cà phê bên ngoài khuôn viên đại học Văn Khoa, Luật Khoa mà gọi bằng bí danh, bằng thứ tự.

Những “anh ba”, “chị năm” đó bây giờ đang sống trong những biệt thự cao sang, có kẻ hầu người hạ và những chàng sinh viên một thời bồng bột nay chỉ là những “kẻ lạ của hoàng hôn” “lặng nghe những dư âm sâu lắng của quá khứ đọng lại, rồi trôi theo những món ăn với một vị đắng đắng” như anh Hạ Đình Nguyên, một trong những “lãnh tụ phong trào sinh viên” đã viết trong bài Về một vị đắng sau buổi họp mặt kỷ niệm “Phong trào Đấu tranh của Thanh niên-Sinh viên-Học sinh Sài gòn” năm ngoái.

Khi tôi vào năm thứ nhất, nhiều trong số anh chị tham gia xuống đường vài năm trước vẫn còn học năm thứ ba, thứ tư, và qua họ tôi biết con số sinh viên tham gia biểu tình không đông như báo chí thân Cộng mô tả và cũng không mang tầm vóc “quốc tế” chỉ với vài chàng thanh niên phản chiến Mỹ như bài ký thổi phồng của anh Huỳnh Tấn Mẫm. So với nhiều chục ngàn sinh viên liên khoa thuộc đại học Sài Gòn và các đại học tư tại miềm Nam thời đó, vài trăm anh chị bị xúi giục xuống đường chỉ là con số nhỏ. Thành thật mà nói, phần đông những sinh viên đi biểu tình là những người nặng tình cảm dành cho đất nước nhưng vô cùng nông nỗi. Các anh chị bất mãn trước các bất công trong xã hội và phẩn uất khi nhìn cảnh điêu tàn đổ nát do cuộc chiến gây ra nhưng không nhận thức đúng nguyên nhân sâu xa của thực trạng bi thảm đang diễn ra trên đất nước và không đủ trưởng thành để cân nhắc trước một chọn lựa sinh tử của đời mình.

Tuổi trẻ ở đâu cũng thế, nhiệt tình, phản kháng, cương trực, vô tư, nhưng như tôi có lần đã viết, tại Việt Nam những đặc tính đó của tuổi trẻ bị Đảng Cộng sản lợi dụng tận cùng, không chỉ tiếng hát lời ca, mà còn cả thịt xương và từng giọt máu.

Bài hát quen thuộc trong giới sinh viên trước năm 1975 nói lên một mơ ước chân thành của thế hệ trẻ “Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt, đôi bồ câu trắng rủ nhau về làng xưa…”, nhưng sau năm 1975, đàn bồ câu đã biến thành bầy kiến gặm nhấm vết thương dân tộc đang mưng mủ. Tiếng hát của các anh chị trên đường phố được thay bằng những tiếng rên của những bà mẹ đang bán máu ở các nhà thương. Lời ca của các anh chị sau được thay bằng là tiếng khóc của em thơ trên các vùng kinh tế mới. Đất nước chìm đắm trong độc tài và đói khát. Hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, chết trên biển cả, chết dưới bàn tay hải tặc.

Các anh các chi, có thể không phải là thủ phạm nhưng không thể phủ nhận là những người đã góp phần gây ra những điêu tàn đổ nát hôm nay. Xin đừng im lặng nữa. Nếu không đủ sức để hành động, hãy viết, hãy nói, hãy kể lại cho các thế hệ trẻ những bài học dù thất bại, những ước mơ dù bị phản bội, những kinh nghiệm dù được đổi bằng xương máu của mình. Là những người có lương tâm, hôm nay, không có tòa án nào kết án các anh chị nặng bằng tòa án lương tâm của chính các anh chị. Là những người vốn nặng tình cảm, hôm nay, không có tình cảm nào cấu xé các anh chị bằng tình cảm các anh chị đã từng dành cho đất nước. Xã hội Việt Nam băng hoại, trụy lạc, tha hóa ngày nay là chiếc gương, các anh chị hãy soi vào đó để thấy lại chính mình.

Chế độ dân chủ non trẻ mà các anh chị góp phần đánh gục, đã quỵ xuống sáng ngày 30-4-1975 nhưng không chết. Và tại Việt Nam hôm nay, các gía trị dân chủ quý giá đó không chỉ là của miền Nam thôi, không chỉ là của Việt Nam Cộng Hòa thôi mà đang là tài sản, hành trang và mục tiêu chung của cả dân tộc.

Dân chủ là khúc khải hoàn ca đang được nhân loại cất vang trên mọi nơi của quả địa cầu, từ Bắc Phi sang Đông Á nhưng không có nghĩa chỉ mới bắt đầu vài năm qua mà từ nhiều ngàn năm trước. Có người bàn về dân chủ như một mục đích đòi hỏi nhiều tiền đề và điều kiện. Điều đó không đúng. Dân chủ không phải là hải đảo xa xôi phải cần ghe tàu, lương thực, thời gian mới đạt tới nhưng là một thực tế gần gũi trước mắt và thậm chí có thể nắm bắt trong tay. Dân chủ không phải món quà của ai ban cho khi đến tuổi trưởng thành mà là quyền làm người bắt đầu từ trong bụng mẹ.

Quốc gia Mông Cổ, một quốc gia không có truyền thống dân chủ, là một ví dụ. Nhiều người cho Mông Cổ khó có thể trở thành một nước dân chủ sau một giai đoạn phong kiến hàng ngàn năm nối tiếp bằng một chế độ Cộng Sản chuyên chính chư hầu Liên Xô suốt hơn bảy chục năm. Khi tôi viết bài này, nhân dân Mông Cổ đánh dấu tròn 20 năm được sống dân chủ. Đôi cánh thiên thần đó đã giúp đưa Mông Cổ từ một quốc gia cô lập, bất ổn cùng hạng với Afghanistan, Nigeria và Somalia trở thành một trung tâm du lịch an toàn và đầy hấp lực văn hóa. Hai mươi năm trước đường phố thủ đô Ulaanbaatar gần như hoang vắng nhưng ngày nay tấp nập và phồn vinh. Theo tạp chí Economist, dù kinh tế thế giới còn đầy khó khăn, mức phát triển kinh tế của Mông Cổ trong ba tháng giữa 2011 đã tăng 21% so với cùng thời kỳ trong năm trước đó. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán kinh tế Mông Cổ sẽ tăng trung bình 14% từ 2012 đến 2016. Là một quốc gia trong vị trí trái độn với vỏn vẹn 2.5 triệu dân và không có chiều dày truyền thống dân chủ như nhiều quốc gia khác, Mông Cổ sẽ còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ chế chính trị mới giúp cho người dân sống yên tâm trong tự do, thanh bình, no ấm và nỗ lực vì một tương lai tươi đẹp cho con cháu họ.

Việt Nam thì khác.
Sau 37 năm, tiếng súng đã vắng đi trên đất nước Việt Nam, non sông liền một dải nhưng người dân vẫn sống trong nỗi bất an lo sợ, hàng trăm ngàn người con gái Việt phải rời bỏ quê hương đi ăn mày, làm điếm, ở đợ khắp thế giới, phần lớn trong số hơn hai triệu người Việt hải ngoại vẫn còn bị xem là “thành phần phản động bám theo chân đế quốc”, và trong nước, những quyền căn bản như ngôn luận, đi lại, thờ phụng của người dân vẫn chưa có được, hàng ngàn người yêu nước vẫn còn bị tù đày. Đó là sự thật, không ai tuyên truyền ai, không ai xúi giục ai.

Sau 37 năm, mấy chục ngàn thân xác thanh niên làm bia đở đạn cho đảng CSVN trong chiến tranh biên giới năm 1979, hàng ngàn xác thanh niên Việt Nam bị đốt cháy thành than trong trận Lão Sơn 1984, hàng trăm xác thanh niên Việt chìm sâu quanh bờ đảo Gạc Ma năm 1988, hàng trăm ngư dân Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi bị bắn thủng ngực, hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu như đôi mắt Việt Nam bị đã bị kim Trung Quốc tẩm thuốc độc đâm sâu và đang chảy máu. Đó là sự thật, không ai tuyên truyền ai, không ai xúi giục ai.

Nhìn những gì đang xảy ra trên thế giới đã làm những người Việt đang quan tâm đến vận mệnh đất nước không khỏi cảm thấy thẹn thùng. Dù ban ngày vẫn phải sống bằng thái độ tích cực, trả lời phỏng vấn bằng ngôn ngữ tự tin nhưng ban đêm thế nào cũng gác tay lên trán âm thầm tự hỏi tại sao Liên Xô, Đông Âu cho tới Bắc Phi, Miến Điện nhưng viễn ảnh một Việt Nam tự do, dân chủ, hùng mạnh vẫn còn là một mục tiêu chưa đến. Nỗi lo lắng và niềm đau xót này không phải của riêng ai mà của tất cả người Việt Nam còn biết xót xa, còn biết hổ thẹn trước sự lạc hậu của Việt Nam so với đà tiến quá nhanh của nhân loại.

Một câu hát trong bài Tự Nguyện quen thuộc trong giới sinh viên trước năm 1975 “nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa Hướng Dương”, chưa bao giờ hơn lúc này Việt Nam cần những người yêu nước biết vươn cao, đứng thẳng như những cành Hướng Dương Dân Tộc. Con người đến và đi nhưng lịch sử Việt Nam như dòng sông không ngừng chảy. Đất nước sẽ vượt qua và lớn lên như đã từng vượt qua và lớn lên sau ngàn năm Bắc Thuộc.

© Trần Trung Đạo

44 Phản hồi cho “Thời sinh viên ở Sài Gòn”

  1. Dao Cong Khai says:

    Thì ra tác giả là dân Đà Nẵng… Ở trường Luật thì đông quá nên tôi không rành lắm, năm thứ I chỉ có 2 lớp buổi sáng và buổi chiều học riêng, tổng cộng là 18 ngàn sinh viên. Nhưng ở đại học Văn Khoa thì tôi biết cái khu vực đông VC nhất là nơi tôi thường lui tới, ban Văn Chương VN. Khoa này đông SV nhất và đa số dân miền trung, yêu nước, đặc biệt là dân Huế và Đà Nẵng. Sau 75 mới thấy lòi ra mặt chuột, chung quanh mình toàn là VC; mấy đồng chí đó cũng đa số cũng là dân Quảng Nôm, Đà Nãng. Sau này tôi vào toà báo SG Giải Phóng ở đường Hồng Thập Tự (sau đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh) để xin làm phóng viên báo SGGP cũng gặp anh chàng Cung Văn, nghe giọng nói cũng là dân Quảng Đà, hắn bắt 2 đứa tôi phải về trường xin giấy giới thiệu, cuối cùng thằng Quảng Nam đi chung với tôi được nhận vì đám VC trong trường tôi toàn dân Quảng Nam Đà Nẵng. Tôi không được nhận nên tôi bất bình, bọn nó trả lời tôi rằng “tôi chỉ có thể giới thiệu những người cùng quê hương với tôi thôi, tôi không biết anh là ai.” Bởi vì VC họ kỳ thị chủng tộc như vậy nên sau đó tôi về vườn và quyết chí đi vượt biên, 14 năm sau mới đi lọt.

    GS Vũ Quốc Thông cũng dạy bên trường Luật, môn Pháp Chế Sử. Sư phụ Vũ Văn Mẫu giọng bắc lanh lảnh, dạy Dân Luật và Cổ Luật, tới 75 mới thấy thầy chễm chệ ngồi ghế thủ tướng tuyên bố Mỹ phải cút khỏi VN trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Tăng Kim Đông dạy Quốc Tế Công Pháp. Tôi khoái nhất là cua Diễn Tiến Kinh Tế Xã Hội của gs Nguyễn Cao Hách. Còn luật sư Phan Tấn Chức thì dạy môn Kinh Tế Học, ông ngày nghe nói sau 75 phải đi đạp xích lô. Giờ luật Hiến Pháp VNCH thì được nghỉ tới tháng 2 năm 73 mới bắt đầu học, GS Trần Độ chờ ký xong hiệp định Paris mới mang vào lớp dạy cho sinh viên thay thế cho môn Luật Hiến Pháp VNCH. Ngày đầu tiên GS Trần Độ vào dạy làm tất cả SV căng thẳng vì gs nói về thời sự VNCH cần phải dạy Hiệp Định Paris cho sinh viên thay vì môn Luật Hiến Pháp. Cả lớp im phăng phắc khi nghe thầy phác hoạ tương lai vô cùng đen tối của đất nước, và sinh viên sẽ là những người đấu tranh chính trị với CS sau khi hiệp định Paris được thi hành. Nhưng thực tế sau đó còn đen tối hơn những gì chúng tôi được hiểu biết hôm đó nữa và cũng tôi đã không bao giờ có cơ hội đấu tranh chính trị với VC ở trong nước. Tôi cũng khoái Trường Luật là vì con gái bên đó… đẹp. Biết vậy thôi, nhưng mà lúc đó tôi còn nhỏ quá chưa đủ sức cua mấy chị đó.

    • Ngàn Khơi says:

      HÓA RA

      Hóa ra trự đó dân Trường luật
      Có nhớ hồng tươi khóm trúc đào
      Trường luật ấm như căn bếp nhỏ
      Hành lang chen chúc bước lao xao …

      Non Ngàn

    • Khánh Đỗ says:

      Tôi có đọc vài bài của ông Trần Trung Đạo tôi rất có thiện cảm, cách viết của ông ta rất thành thật và rộng lượng. Phải nói là rất có hồn, lôi cuốn…
      Thành thật cám ơn những bài viết của ông Trần Trung Đạo.

      • Người Việt tha hương says:

        Tôi lại không nghĩ vậy. Chờ xem. cái này giống ngụy quân tử, mị dân

  2. Minh Đức says:

    Trích: “Ngoại trừ các nhóm chống chính phủ bốn mùa của các bà Ni Sư Khất Sĩ Huỳnh Liên, Phong Trào Phụ Nữ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành, năm 1973, các phong trào sinh viên tranh đấu ở Sài Gòn do Cộng Sản tổ chức phần lớn đã được dập tắt.”

    Những kẻ như Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành tổ chức biểu tình được vì biểu tình là hợp pháp tại miền Nam và chính quyền chưa nắm được bằng chứng họ hoạt động cho Cộng Sản hoặc họ biết là họ hoạt động cho Cộng Sản nhưng bằng chứng chưa đủ để đưa ra tòa mà kết án. Các sinh viên hoạt động cho Cộng Sản mà chính quyền VNCH có bằng chứng thì bị bắt hoặc phải bỏ thành thị chạy trốn vào chiến khu của Cộng Sản. Những kẻ chỉ là thiên tả hoặc tuyên bố là thành phần thứ ba, nghĩa là không đứng về phía chính quyền thì vẫn được quyền tuyên bố, được quyền ứng của vào quốc hội. Chính quyền VNCH phải làm một việc khó khăn là vừa tôn trọng quyền của người dân, vừa cấm Cộng Sản lợi dụng các quyền của người dân để lật đổ chính quyền mà thiết lập một chế độ độc tài rồi cấm tất cả quyền của người dân.

    Trong hoàn cảnh đó, những kẻ như Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Thích Trí Quang … và các cán bộ Cộng Sản nằm vùng quậy phá miền Nam là những kẻ lợi dụng dân chủ theo đúng nghĩa của chữ đó.

    • le lac thanh says:

      Ngô Bá Thành được cho ứng cử “quôc hội”, làm phó ban pháp luật , sau đó bị cơ cấu để” thất cử”. Bất mãn tuyên bố um sùm trên BBC câu “ ở VN có cả rừng luật nhưng chỉ xài luật rừng”. Tuy vậy cũng được trả công, được hưởng xái, con cái được dạy đại học , được dể dàng du học làm ăn…Không biết bà ta đã ” đòi được quyền sống” đã bị mất dưới thời VNCH chưa (?)

      • Non Ngàn says:

        ĐÀN BÀ

        Có những bà một thời oanh liệt lắm
        Ni Huỳnh Liên, rồi tới Ngô Bá Thành
        Thật rộn ràng đái tràn lên vạt cỏ
        Bão qua rồi mới hết những hôi tanh …

        Ngàn Khơi

    • Thượng Ngàn says:

      NGHĨ MÀ VUI

      Nghĩ mà vui cuộc đời như cơn lốc
      Gió vờn qua những chiếc lá bay vèo
      Từng một thuở bao tiếng gà chen gáy
      Lốc qua rồi tất cả cũng im theo …

      Non Ngàn

  3. Trung Kiên says:

    Bây giờ có nói nhiều chăng nữa thì cũng không thể làm thay đổi lịch sử VN.

    Điều mà chúng ta có thể làm được, là hãy góp những ý kiến thiết thực để cùng nhau làm thay đổi hiện tại. Nhà cầm quyền csvn đã trị vì VN (từ Bắc chí Nam) cũng đã hơn 37 năm kể từ ngày 30/4/1975, nếu chế độ csvn tròn 40 năm thì chuyện gì xảy ra?

    Có nên dựa vào Mỹ để cứu Đảng?

    Gabriel Kolko viết từ Amsterdam rằng; “Nếu lịch sử có chứng minh được điều gì, thì đó là luôn phải sẵn sàng cho sự thay đổi…/…Lãnh đạo và các đảng cai trị đều đến lúc sụp đổ – như ta chứng kiến ở phần lớn quốc gia ở Trung Đông, khu vực một thời tưởng là ổn định“.

    Đồng ý với tác giả Gabriel Kolko! Ở đời không có cái gì gọi là bền vững, hay bất biến!

    Đâu ai có thể ngờ rằng “CNCS” đã một thời mạnh như vũ bão, thế mà sau 71 năm tưởng như kiên vững ấy, nó đã sụp đổ một cách nhanh chóng và hầu như hoàn toàn, Liên-Xô là cái rốn vũ trụ, nơi sản sinh ra CNCS đã thẳng tay vứt bỏ nó vào hố rác lịch sử từ những năm 1990-1991!

    CNCS đã bị cả Hội Đồng Châu Âu lên án và đồng nhất chủ nghĩa này với tội ác chống lại loài người qua Nghị Quyết 1481 vào ngày 25.1.2006 tại thành phố Strasburg.

    Vậy thì VN còn níu kéo nó làm gi, để bị TQ ức hiếp và lũng đoạn?

    Tuy nhiên, như TK đã từng góp ý trước đây, vẫn còn một cách duy nhất để cứu đảng csvn ra khỏi vũng bùn lầy lịch sử trong danh dự, đó là thực hiện chính sách “Hoà giải – Hoà Hợp và Đoàn Kết Dân Tộc” một cách thành thật và nghiêm chỉnh.

    Những việc cần phải làm ngay là:

    – Trả tự do ngay lập tức cho tất cả những tù nhân chính trị, bất đồng chính kiến!
    – Làm lễ cầu siêu cho tử sĩ hai bên và tất cả nạn nhân chiến tranh,
    – Hãy đưa thương phế binh VNCH vào danh sách “Thương binh xã hội”, những người cần quan tâm, chăm sóc…

    Đảng trao quyền lãnh đạo đất nước, quân đội, Công an cho nhà nước (chính quyền)

    – Nhà nước có thời gian 5 năm để chuẩn bị, từng bước DÂN CHỦ hoá Việt Nam
    – Tôn trọng tự do ngôn luận, tự do Tôn giáo, chấp nhận đa nguyên đa đảng
    – Thu nhận người tài đức (không phân biệt nguồn gốc) vào làm việc trong chính quyền
    – Huấn luyện, đào tạo cán bộ, học hỏi dân chủ, nâng cao dân trí
    – Khuyến khích, tạo cơ hội thành lập chính đảng = (với chủ trương đường lối rõ ràng, phải sinh hoạt thường xuyên).
    – Có từ 30’000 đảng viên mới được coi là chính đảng (các đảng nhỏ có thể liên kết thành đảng lớn)
    – Bầu cử QUỐC HỘI với sự tham gia của các chính đảng (tối đa 5 chính đảng)
    – Số đại biểu của các “ĐẢNG” được ấn định theo tỉ số đảng viên.
    – QUỐC HỘI soạn thảo và trưng cầu dân ý về “Hiến pháp” mới.
    – QUỐC HỘI nghiên cứu, đề nghị về quốc kỳ, quốc ca mới cho Việt Nam
    – Nhân dân bầu chọn người lãnh đạo trực tiếp qua một cuộc bầu cử tự do
    – “Đảng lãnh đạo” chịu trách nhiệm trực tiếp với nhân dân và đất nước, và bị chế tài bởi luật pháp
    – 4 Chính đảng còn lại sẽ theo dõi, kiểm soát, và chỉ ra những sai lầm của “đảng lãnh đạo”.
    – Những kẻ chủ trương phá hoại bằng bạo lực, vu khống, bịa đặt để bêu rếu sẽ bị luật pháp trừng trị đích đáng!

    Chỉ có DÂN CHỦ, ĐOÀN KẾT DÂN TỘC thì mới có thể tạo được NỘI LỰC, như vậy thì BẠN mới nể, kẻ THÙ mới kiêng, và chúng ta mới có thể bảo vệ và xây dựng đất nước…Mong thay!

  4. nguyen sa says:

    Hyunh tan Mam, ,Nguyen thành Công gio là nhũng kẻ thất sủng bi ” vắt chanh bỏ vỏ” ngay từ sau 75..Thế mới thẫy sự nộng nổi bồng bột,của tuoi trẻ đã gop phần đẩy đất nuoc vào con đưởbg độc tài độc đảng ( Độc hơn nhiều so với độc diển của Tong thống Thiệu trươc đây )
    Chính phủ Nam Triều Tiên đả học được bài học quí giá này từ Vn,Còn sinh viên Nam Triều Tiên giơ họ đả” sáng mắt sáng lòng”với cái chế độ Cộng Sản bạo tàn ,ngèo đói lạc hậu ngay trên quê hương Bắc Triều Tiên của mình

  5. Bich Dang says:

    Trần Trung Đạo , là một cựu SV Vạn Hạnh mà tôi có dịp tiếp xúc đôi lần . Bài viết cho chúng ta có cái nhìn bớt khắc khe hay độ lượng hơn về những người bạn đã một lần phản bội chúng ta và chối bỏ chính nghĩa quốc gia .

    Một thời SV đã qua , chúng ta cũng đã bao lần nhìn lại cho chính mình , cho trách nhiệm cũng như thờ ơ mà chúng ta hình như không có một lựa chọn nào để làm khác hơn tốt hơn , để rồi cuối cùng phải cùng nhau rồi xa một miền quê hương yêu dấu .

  6. Minh Đức says:

    Trích: “Ngày nay, các tài liệu của Đảng đều xác nhận hoạt động của các phong trào chống đối chính quyền VNCH chẳng phải là tự phát chống bất công, độc tài, độc diễn gì mà đều được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thành Đoàn Thanh Niên Cộng Sản trực thuộc Thành ủy Sài Gòn Gia Định”

    Bài viết này của ông Trần Trung Đạo nói lên 2 điểm: phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh tại miền Nam là do đảng CSVN tổ chức và số sinh viên, học sinh tham gia phong trào này chỉ là thiểu số.

    Đa số không tham gia vì họ thấy các chiêu bài của CS tung ra như phải đuổi Mỹ đi, phải để cho miền Nam có quyền tự quyết là không phù hợp với thực tế. Sau 1975, khi các trí thức, sinh viên miền Nam phải học chính trị thì chương trình học đề cao sự ưu việt của đường lối xã hội chủ nghĩa đều bị những người trí thức phản bác và cho rằng đường lối theo mô hình Liên Xô có nhiều cái dở. Điều này cho thấy kiến thức phổ thông của giới trí thức miền Nam không phải là dở. Họ không trực tiếp tham gia hoạt động chính trị nhưng họ cũng có ý niệm tổng quát những gì là hay, những gì là dở trong các khuynh hướng phát triển trên thế giới. Điều này khiến cho đa số trí thức không đi theo Cộng Sản mà chỉ có thiểu số, do hoàn cảnh nào đó đưa đẩy hay do cách suy nghĩ nào đó mới ngả về phía Cộng Sản. Vì chỉ là thiểu số nên khi số sinh viên bị Cộng Sản giựt dây bị chính quyền bắt thì phong trào tranh đấu ở thành phố bị xẹp đi, như tác giả Trần Trung Đạo cũng nói.

  7. NON NGÀN says:

    MỘT THỜI ĐÃ QUA

    Cả một thời rồi cũng đã qua đi
    Nay còn lại những gì đây để nói
    Những năm tháng đạn bom cày nghiệt ngã
    Như còn vương những khẩu hiệu mịt mùng

    Qua lâu rồi những ngày tháng sinh viên
    Họ đã xuống đường để tìm dân chủ
    Ý thức hồn nhiên thoạt trông đã thấy
    Hay những cái đầu tổ chức trong bưng

    Một thời vàng thau lẫn lộn bừng bừng
    Yêu nước thật hay nằm vùng cũng có
    Đâu có khác bị lùa khi xung trận
    Hoặc có khi vì ý thức xông pha

    Thật đắng cay bao lớp trẻ đã già
    Còn vướng vất chưa bao giờ tỉnh mộng
    Khoảng trống bao la vẫn còn hứa hẹn
    Nhiễm sâu nhiều các khẩu hiệu tuyên truyền

    Giai cấp đấu tranh thực tế kinh hoàng
    Lao động cần cù oái ăm tập thể
    Hay chỉ kiểu toàn quang vinh ca ngợi
    Rặt hứng tung những hệ lụy Mác Lê

    Năm tháng qua đi dĩ vãng phai mờ
    Nhận thức rồi cũng làm thinh kín tiếng
    Nói với ai đây sự tình cho hết
    Giống kiểu bèo dâu giạt nước theo dòng

    Quả đúng rồi thời quốc tế hân hoan
    Cũng cứ làm như đấu tranh vì tổ quốc
    Giờ kiểm lại đã tan tành vô sản
    Chỉ còn kia những hụt hẫng dâng trào

    Tội nghiệp thay bao lớp trẻ qua mau
    Sao hơn được những tay già khôn khéo
    Tuổi hồn nhiên cũng phôi pha ngày tháng
    Lớp già chết đi lớp trẻ mới sổ lồng

    Rồi tháng ngày tàn cả những niềm tin
    Rất ngu ngơ như một thời háo hức
    Thực tế phũ phàng có gì sót lại
    Chuyện quả xưa rồi cá đã cắn câu

    NGÀN KHƠI
    (14/6/12)

    • Lâm Vũ says:

      Thập niên ’60 là những năm “bản lề” đã thay đổi hoàn toàn ý thức của những thế hệ thanh niên kế tiếp, từ đó biến đổi bộ măt của thế giới. Nhờ những bồng bột say mê của thế hệ thanh niên của thời kỳ đó, chủ nghĩa Marx đã lên ngôi bá chủ ý thức chính trị của nhân loại, nhưng chỉ để phơi bày tính huyễn hoặc, đồng bóng, giả hình, đầu voi đuôi chuột của chủ nghĩa CS.

      Trong cái nhìn lịch sử toàn cầu, vào cuối thập niên 60s – chính xác 1968-69 – những thanh niên đã đưa chủ nghĩa CS lên đài danh vọng, thì chính họ đã giựt xập khối CS Đồng Âu, đúng 20 năm sau đó, 1988-89.

      Nói cách khác, đó chính là bản chất của “ý thức”, hay của vũ trụ: khởi đầu là những giấc mơ, căng phồng cực độ, vỡ ra thành những tinh thể, kết tụ thành khối ý thức tinh hoa. Một điều khác của bài học lịch sử đó, là đừng tưởng lầm đó là giai đoạn cuối của ý thức – như Marx tưởng tượng – là chỉ là một khoảng khắc. Con người chỉ làm chủ được lịch sử – và vận mạng – của chính mình khi ý thức vai trò của mình như một hạt bụi, một hạt bụi lúc nào cũng mở mắt tiến bước về tương lai. Không thể đi giật lùi. Giật lùi là bị đào thải, là cái chết.

      Về mặt chính trị, đúng hay sai, cũng trong thời thanh niên miền Nam đã nhập cuộc, xuống đường y như những người cùng trang lứa ở Tây Âu… Nếu ai muốn có kết luận, có thể bảo là họ đã thất bại nặng nề, bị những tay phù thủy ở Hà Nội, Bắc Kinh hay Hoa Thịnh Đốn bịt mắt dẫn đi thì cũng không sai. Nhưng vấn đề không ở chỗ đó, bởi vì nếu họ không “xuống đường, nhập cuộc” mà ngồi nhà cắm đầu vào sách vở hay cần súng bắn lung tung thì họ vẫn chỉ là những con cờ thí.

      Nhưng đó là nói về mặt chính trị thực tiễn và ngắn hạn. Dài hạn, đáng lẽ 20 năm sau những người trẻ của thế hệ 60s, phải ý thức được cái thế giới mới của thập niên 80s, và chổ đứng mới của mình. Vào thập niên 80s, những người lứa tuổi 40s ở Âu Châu đã trở thành những kẻ dẫn đường cho lớp trẻ, không chỉ ở Tây Âu mà quan trọng hơn là của cả lớp thanh niên ở Đông Âu, dẫn đến cuộc cách mạng dân chủ làm xụp đổ chủ nghĩa CS ở đó….

      Nhưng ở VN điều đó đã không xẩy ra. Lớp trẻ “tiến bộ” của miền Nam những năm 60s – những Huỳnh Tấn Mậm, Võ Như Lanh, Đỗ trung Hiếu (vừa qua đời), Tiêu Dao Bảo Cự, HPNT, PHNP… đã đứng ỳ một chỗ hoặc, tệ hại hơn, trở thành những ông đầu rau, hòn đá vô tri vô giác, chĩ mong đảng phát cho một cỗ ngồi yên thân, hay – huy hoàng hơn nhưng hiếm hoi – lâu lâu được mang ra chùi bóng trưng bày trong những dịp lễ lạc… Nếu không thì chính họ cũng lâu tự mang mình ra đánh bóng, để vênh nang với chòm xóm láng giềng…

      Thật ra ai cũng hiểu, rằng họ đã là cá nằm trong rọ. Nhưng đó chỉ là vấn đề thể xác. Không ai có thể nhốt được tinh thần! Sự bệ rạc của giới thanh niên thiên tả miền Nam sau 20 năm chỉ chứng tỏ một điều: vốn dĩ họ chỉ có tiếng mà không có miếng, chỉ có cái vỏ mà thiếu thực chất.

      Nếu so với những người đồng trang lứa, nhưng đã cưỡng lại sự quyến rũ của chủ nghĩa CS hư vô, phải nói lớp thanh niên thiên tả miền Nam của thập niên 60s đã thua xa về cả bản lĩnh lẫn ý chí. Đó cũng là sự khác biệt giữ lý tưởng thật và lý tưởng giả.

      Ngay lúc này là cơ hội cuối cùng cho lớp thành niên “thiên tả” của miền Nam, hiện tại đang ở lứa tuổi 60, đứng lên làm cuộc cách mạng bản thân và để cứu dân tộc, chuộc lại những sai lầm của thời xưa. Nhưng cho đến nay, tôi chưa thấy một dấu hiệu nào khả dĩ hy vọng họ có ý định làm chuyện đó… Có lẽ, giấc mơ của họ là có thể biến mất khỏi trần gian một cách yên ổn, tốt hơn là không ai để ý đến họ nữa… bây giơ cũng như mãi mãi về sau…

      Lâm Vũ
      (14/06/2012)

      • THƯỢNG NGÀN says:

        HỌ ĐÃ SỐNG

        Họ đã sống đời bằng cả một niềm tin
        Một niềm tin được truyền từ nơi ảo giác
        Họ phấn chấn vì tưởng mình là khối óc
        Họ say sưa như có được quả tim hồng

        Họ tự tin hay ngụy tín kiểu nhiệt nồng
        Bởi tất cả như cuồng say đi cứu nước
        Toàn khẩu hiệu và niềm tin phía trước
        Tin vào thần và ý nghĩa quang vinh

        Họ có hiểu gì đâu giai cấp đấu tranh
        Nó thực tế như củ khoai hạt đậu
        Hát và hát toàn nhịp nhàng háo hức
        Lửa đốt tràn và mong đến thành công

        Nhưng có ngờ đâu con nước xuôi dòng
        Tất cả chỉ đều là sợi dây quốc tế
        Sợi chỉ đỏ hay chỉ xanh cũng thế
        Bởi khù khờ họ tự vỗ ngực xưng tên

        Cả những vầng thơ, điệu nhạc bồng bềnh
        Như thể tự minh hoàn toàn xông xáo
        Họ cũng muốn được trở thành bất tử
        Những anh hùng mã thượng kiểu chơi rơm

        Tàn cuộc rồi, cũng danh lợi, bát cơm
        Tất cả đều vụng về và im tiếng
        Họ trở lại như những con người ngáo
        Và trở về đúng con chốt tự nhiên

        Ôi ngậm ngùi thay đã hết tuổi thanh xuân
        Họ đã sỗ sàng lộ hình như con rối
        Con rối cả tin bằng niềm tin rực lửa
        Nhưng nào có anh hùng, khí phách cho cam !

        NGÀN KHƠI
        (15/6/12)

      • Lâm Vũ says:

        Tuổi 20 ai cũng lột xác một lần trở thành con bướm đầy mầu sắc huy hoàng. Đến 30 rồi 40 phần hương dân dà phai mất, trở thành những sâu róm, giun dế… Chỉ có rất ít hóa thân thành đại bàng bay tít mù khơi…

      • Đại Ngàn says:

        TUỔI VÀ ĐỜI

        Tuổi hai mươi anh lột xác một lần
        Hóa con bướm huy hoàng đầy màu sắc
        Rồi ba mươi bốn mươi dần cũng đến
        Chí phai tàn thành sâu róm, dế giun
        Đời là thế mỗi loài đều như thế
        Chỉ trời cao bay vút cánh đại bàng …

        Non Ngàn

  8. NON NGÀN says:

    MỘT THỜI ĐÃ QUA

    Cả một thời rồi cũng đã qua đi
    Nay còn lại những gì đây để nói
    Những năm tháng đạn bom cày nghiệt ngã
    Như còn vương những khẩu hiệu mịt mùng

    Qua lâu rồi những ngày tháng sinh viên
    Họ đã xuống đường để tìm dân chủ
    Ý thức hồn nhiên thoạt trông đã thấy
    Hay những cái đầu tổ chức trong bưng

    Một thời vàng thau lẫn lộn bừng bừng
    Yêu nước thật hay nằm vùng cũng có
    Đâu có khác bị lùa khi xung trận
    Hoặc có khi vì ý thức xông pha

    Thật đắng cay bao lớp trẻ đã già
    Còn vướng vất chưa bao giờ tỉnh mộng
    Khoảng trống bao la vẫn còn hứa hẹn
    Nhiễm sâu nhiều các khẩu hiệu tuyên truyền

    Giai cấp đấu tranh thực tế kinh hoàng
    Lao động cần cù oái ăm tập thể
    Hay chỉ kiểu toàn quang vinh ca ngợi
    Rặt hứng tung những hệ lụy Mác Lê

    Năm tháng qua đi dĩ vãng phai mờ
    Nhận thức rồi cũng làm thinh kín tiếng
    Nói với ai đây sự tình cho hết
    Giống kiểu bèo dâu giạt nước theo dòng

    Quả đúng rồi thời quốc tế hân hoan
    Cũng cứ làm như đấu tranh vì tổ quốc
    Giờ kiểm lại đã tan tành vô sản
    Chỉ còn kia những hụt hẫng dâng trào

    Tội nghiệp thay bao lớp trẻ qua mau
    Sao hơn được những tay già khôn khéo
    Tuổi hồn nhiên cũng phôi pha ngày tháng
    Lớp già chết đi lớp trẻ mới sổ lồng

    Rồi tháng ngày tàn cả những niềm tin
    Rất ngu ngơ như một thời háo hức
    Thực tế phũ phàng có gì sót lại
    Chuyện quả xưa rồi khi cá đã cắn câu

    NGÀN KHƠI
    (14/6/12)

  9. Dao Cong Khai says:

    Hình như, nếu tôi không lầm thì tác giả Trần Trung Đạo ngày xưa cũng là VC nằm vùng trong hàng ngũ sinh viên học sinh thì phải. “phần đông những sinh viên đi biểu tình là những người nặng tình cảm dành cho đất nước nhưng vô cùng nông nỗi”. Điều đó rất đúng, chính tôi hồi đó cũng có xu hướng ủng hộ những sinh viên học sinh phản kháng chính quyền đó.

    Sau 75 thấy mấy ông sv tranh đấu đó ra vỗ ngực họ đã nằm vùng với nằm giường từ lâu rồi. Tới đó tôi mới biết kinh tởm mấy cái phong trào tranh đấu đó. Hồi còn học ở trung học, tôi rất ủng hộ phong trào đốt xe Mỹ. Có lần tụi tôi vừa tan trường thì thấy bà con xôn xao, người đông nghẹt,… té ra là một vụ ném bom xăng để đốt xe Mỹ ở ngay trước cổng trường tôi. Đốt hụt, bom xăng nó cháy trên đường khoảng 20 phút mới tắt. Sau này mới biết, tụi Đại Học Vạn Hạnh ở gần đó nó tới xách động học sinh trường tôi. Tới 30/4/75 thì tôi mới hiểu, đại học Vạn Hạnh chính là cái ổ VC, ban giám hiệu trường đó là những kẻ thân cộng và tay sai của VC.

    Ở SG có trường Luật, Văn Khoa, Y Khoa và Vạn Hạnh là hay có biểu tình chống chính phủ nhất. Sau đó thì tới đại học Khoa Học. Đó là những trường có đông sinh viên và không chuyên môn đào tạo ra nghề nghiệp rõ ràng. Y khoa thì có nghề hẳn hoi, nhưng lại có đồng chí Huỳnh Tấn Mẫm ở đó nên bên đó cứ quậy phá quanh năm. Tới 1972 thì trong trường Luật vẫn còn bàn thờ có hình sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật. SV này vừa mới đắc cử vào chủ tich ban đại diện SV Luật thì biểu tình rầm rộ bên ngoài, và ngay sau đó Lê Khắc Sinh Nhật bị ám sát bằng súng chết. SV giết anh ta chính là VC nằm vùng trong trường Luật, bị bắt và đưa ra toà án quân sự; kết án tử hình.

    Sau 72 thì Bửu Uy đắc cử vào Ban Đại Diện sinh viên Văn Khoa SG. Chính tôi cũng bầu cho anh ta; hồi đó tôi rất ghét chính quyền và ghét họ can thiệp vào sinh hoạt của sinh viên học sinh. Tuy nhiên bây giờ đọc internet tôi mới biết sau 75 thì Bửu Uy bị đi cải tạo và bị đưa ra Bắc. Té ra là vì VC trà trộn quá nhiều vào đại học và các sinh hoạt đại học, nhất là gây ra những vụ biểu tình với mục đích chính là phá rối trật tự an ninh; do đó chính quyền VNCH cũng gài nhiều công an chìm vào đại học và các ban đại diện sinh viên để khống chế sự tuyên truyền của CS. Và Bửu Uy chính là công an chìm của VNCH được đem vào đại học Văn Khoa để ứng cử vào chủ tịch Ban Đại Diện SV.

    Sau 75, tôi quay lại đó thì gặp lại Từ Huy, trước 75 thường đi cắm trại chung với tôi, anh ta ngồi trong bàn giấy của ban Văn Nghệ, té ra hắn cũng là VC nằm vùng. Sau GP hắn ta sáng tác bài “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng là chấu ngả ai ngờ xe lăn”… Sau này tôi không còn điều kiện đến trường nữa, rồi bây giờ mới biết Từ Huy đã là… nhạc sĩ, của VC. Từ Huy cũng mới chết khoang 5 nam roi.

    • Khinh Binh says:

      Ông Dao Cong Khai này xem cách nhớ dai. Ông cũng thuộc thành phần sáng mắt sau 75 thì phải?

      Tác giả TTĐ viết hay như thường lệ. Lý luận vũng vàng, có tình có lý. Nhưng xin hỏi nhỏ, ông ngày cũng thuộc loại…trốn lính có “license” ? Lý do tôi hỏi vì dân học Luật không xong rồi chạy qua Vạn Hạnh thì…nghi lắm! Như ông DCK nói, đó là cái ổ CS và trốn lính chớ học thì hơi bị ít! Kiên cường trả lời thành thật với lương tâm nghe! :-).

      • D.Nhật Lệ says:

        Không biết dựa vào tài liệu nào mà bác Dao Cong Khai nhận định qúa mức,
        có thể vô tình bôi đen tất cả giới sinh viên ? Tôi thử xét lại như sau.
        -đại học Vạn Hạnh : đồng ý với bác Khai là VH.đa số sinh viên thiên tả,ngay
        cả nằm vùng.Thế nhưng,không phải là TÂT CẢ.Cũng như đa số thầy giáo có
        quan điểm thiên tả,trừ một số thầy nổi tiếng thì có tinh thần quốc gia như PCT,
        B.Giáng và ĐVHoạt v.v.Như thế,học VH.không đồng nghĩa với VC.nằm vùng
        để gán cho nhà thơ TTĐạo.
        -Bửu Uy làm chủ tịch Tổng hội Sinh viên SG.(từ đại diện Văn Khoa) nhưng vì
        thời Uy giữ chức chủ tịch thì phong trào sinh viên bị ảnh hưởng,do đó sinh viên
        nằm vùng đã tố cáo BU là công an chìm khiến đưa đến việc bắt BU.bỏ tù.Mặt
        khác,sinh viên quốc gia nào dám làm chủ tịch cũng dễ bị nghi ngờ là công an
        vì phải can đảm và có sự hổ trợ của công an mới dám làm chủ tịch.Lý do là bị
        VC.nằm vùng thanh toán như Lê Khắc Sinh Nhật nhưng Ngô Vương Toại may
        là thoát chết trong đêm sinh hoạt văn nghệ ở trường Dược.

      • ĐẠI NGÀN says:

        BẠO LỰC GIỮA CON NGƯỜI

        Cách mạng thắng nhờ dựa vào bạo lực
        Như Ăngghen từng nói những ngày xưa
        Sự tàn bạo làm người đời run sợ
        Tội nghiệp thay như thế cũng là vừa
        Đời mềm yếu như cành hoa trước gió
        Bão bùng lên non nước xối cơn mưa
        Mưa xối xả thành bùn lầy nước đọng
        Ai quang vinh ai căm khổ cùng thừa
        Cuộc lịch sử như cổ xe sấn tới
        Có khi nào dừng lại nắng lưa thưa
        Người với người tựa trò chơi bày sẳn
        Say tỉnh rồi để thấy được hay chưa !

        Thượng Ngàn

      • Dao Cong Khai says:

        Tôi biết một số sự kiện thì vào đây kể thôi, không hề ám chỉ Trần Trung Đạo là VC. Tuy nhiên tôi thấy trong trường tôi thì đám sinh viên Quảng Đà là nằm vùng nhiều nhất; sau 75, nhìn khung cảnh trong trường thấy những ban Y Tế Xã Hội, ban Văn Nghệ… hầu hết là dân Quảng Nam. Chính Trần Trung Đạo đã viết “phần đông những sinh viên đi biểu tình là những người nặng tình cảm dành cho đất nước nhưng vô cùng nông nỗi”, và tôi biết chắc rằng hôm nay tư tưởng anh ta đang ở vị trí đối diện với VC. Tôi biết danh những trường nổi tiếng xuống đường là do báo chí chứ không phải tôi có mặt ở đó; ngoại trừ một lần tôi chứng kiến SV ĐH Vạn Hạnh ném bom xăng đốt hụt xe Mỹ ở trước cổng trường tôi, một trường Trung Học ở gần ĐH Vạn Hạnh. Hồi đó tôi cũng không nghĩ họ là CS, nhưng bây giờ thì tôi hiểu khi họ đã hành động và có bom xăng như thế thì họ đã là tay sai của VC rồi. Hồi đó tôi chỉ mới có tư tưởng ghét chính quyền và ủng hộ sinh viên tranh đấu thôi. Ghét là ghét mấy ông Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng 63, mấy thằng tay sai của Mỹ; ghét những bộ mặt trong chính quyền chứ không có nghĩa là ghét quân đội hay chế độ VNCH.

        Ngày xưa, lúc đó là năm 72, đa số sinh viên cũ đã bị động viên vào quân trường hết rồi, tôi tới trường Luật chỉ thấy chiếc bàn thờ cua anh Lê Khắc Sinh Nhật với cây đèn cầy lớn trong phong ban đại diện SV. Tôi không hề chứng kiến biểu tình gì nữa.

        Tôi không nói SV Vạn Hạnh là CS, nhưng tới 30/04/75 thì tôi biết rõ ràng trường ĐH Vạn Hạnh là cái ổ VC. Sau khi tìm hiểu lý lịch của ban giám hiệu trường đó đa số là người theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì tôi càng thấy chính xác hơn. Tôi không nói những sinh viên đến đó học là CS, nhưng có cái ổ VC nằm trong trường đó, và đầu não ở ngay trong ban giám hiệu trường. VC đó là VC Mặt Trận Giải Phóng, vài năm sau khi bị đá đít thì quay lại chống bọn Hà Nội. Tôi không tin Đinh Viết Hoạt (GS ở Vạn Hạnh) là người QG (chống cộng), ông ta bị CS bắt bỏ tù sau vụ Giáo Hội PGVN Thống Nhất. Nhưng sau khi được quốc tế can thiệp cho sang Mỹ tôi thấy tư tưởng ông ta vẫn hơi giống nhóm Giao Điểm. Có những ông gốc Mặt Trận Giải Phóng sau nay thực sự trở về hành ngũ quốc gia, nhưng có những ông sau này không theo VC nữa nhưng tư tưởng vẫn thân cộng. Rất khó hiểu, có nhiều ngôi chùa VN ngay ở đất Mỹ, không ai biết họ là QG hay VC?

      • D.Nhật Lệ says:

        Viết “không hề ám chỉ TTĐ.là VC”,bác đã chứng tỏ sự thành
        thật không cố ý “chụp mũ” nhưng nếu đọc lại câu bác viết trên
        kia “…nếu tôi nhớ không lầm thì TTĐ.ngày xưa cũng là VC…”
        thì chắc chắn sẽ gây hiểu lầm bác Khai ạ ! Thế nhưng tôi hiểu
        rằng bác không cố ý mà chỉ là vô tình ! Bút sa gà chết (?).
        Nói chung,bác nói gần như đúng với thực tế.Đa số sinh viên
        Quảng Nam thiên tả-thân cộng,nhất là ở Luật khoa có Nguyễn
        Đăng Trừng nằm vùng cho VC.là “chuyên viên xuống đường”,
        hoạt động một thời gian lâu mới bị cảnh sát VNCH.khám phá ra là cảm tình viên đang phấn đấu vào đảng CS.! Bị phát hiện
        sớm nhất là Lê Hiếu Đằng,khiến đương sự phải cao chạy xa bay vào bưng để tránh án phạt (tử hình vì LHĐ.vắng mặt,trốn
        vào mật khu,đúng là VC.).Hai người trên với Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt) đều là dân Quảng Nam cả.
        Có điều là dân QN.ở bên nào cũng đều cực đoan,quá khích vì
        họ thường thích thế công (đối phương) hơn thế thủ,dù là quốc
        gia hay cộng sản.(QDĐ.phát triển rất mạnh ở Quàng Nam).
        Thế nhưng,hiện nay cũng là dân QN.vẫn dám nói như giáo sư
        Hoàng Tụy,nhà văn Nguyên Ngọc,LHĐằng,Hạ Đ Nguyên,Huỳnh Ng.Chênh v.v.trong khi đa số “trâu đánh” khác nhục nhã…ngậm miệng ăn tiền như HTMẫm,LVNuôi,NHThái,TTLập v.v. !
        Xin phép sửa bác 2 tên người.Đó là Gs.Nguyễn Độ thay vì Trần
        Độ và Đoàn Viết Hoạt,chứ không phải Đinh VH.của Vạn Hạnh
        và nhân tiện cũng nói thẳng luôn Viện trường VH.sư Thích Minh Châu là đảng viên CS.Đinh Văn Nam (theo Phusa.net hay org của sư thiên tả Thích Nhất Hạnh).

        .

      • Dao Cong Khai says:

        Thành thật cảm ơn, những phần you sửa tôi nhận thấy có lý; tôi vẫn phân vân có một nhân vật Trần Độ là nằm vùng của VC, và tôi không biết có phải ông “Trần Độ” ở trường Luật SG hay không; khi ông ta giảng bài thì thấy ông ta rõ ràng là người QG. Bây giờ you sửa là Nguyễn Độ thì tôi mới hiểu mình lầm ở chỗ đó. Tôi nhớ được cái gì thì vào đây kể ra để chia sẻ với bà con, nhất là những thanh niên VN sinh ra sau 75 ở trong và ngoài nước. Phải công nhận là you nhớ đúng nhiều chi tiết về về hoạt động của CS thời đó quá.

        Tôi không nhớ rõ mình đã đọc về Trần Trung Đạo trước đây rồi hay không, và tôi nhớ rằng nhân vật này trước 75 theo CS rồi sau này hối cải và phản kháng lại chế độ. Có lẽ tôi lộn với Tiêu Dao Bảo Cự. Nhưng bài sau, tôi xác nhận ngày nay Trần Trung Đạo là đối nghịch với VC, đó là tôi dựa trên tư tưởng của ông ta trong trang web này. Cảm ơn you nhắc tôi nhớ nhân vật Thích Minh Châu, tên CS; nhưng tôi nghĩ thượng toạ Tuệ Sĩ hình như cũng đã từng làm viện trưởng ĐH Vạn Hạnh, và tôi muốn ám chỉ ông này. Ông này sau vài năm bị VC bắt bỏ tù chung thân trong vụ PGVN Thống Nhất; và tôi nhớ có đọc một số tài liệu nói rằng trước 75 ông ta là CS, phe Mặt Trận Giải Phóng. You có ý kiến hay tin tức gì khác không?

      • Dao Cong Khai says:

        You nói về tôi chưa hoàn toàn đúng. Nói chung thì hầu hết dân miền Nam mới hiểu rõ được VC từ sau 30/4/75. Trước đó thì họ ghét, chống, hoặc nếu gia đình có người bị CS giết hoặc bách hại (như dân Bắc 54) nghĩa là đã từng nếm mùi VC và Việt Minh rồi, thì họ mới thực sự thù VC thôi. Sinh ra và lớn lên dưới thời VNCH thì ai mà không thù ghét VC, tuy nhiên cũng nhiều người gặp phải môi trường hoặc bị VC tuyên truyền dụ dỗ thì vẫn có thể làm tay sai cho VC. Trừ những người đã bị VC nợ máu! Ngay cả một thiểu số lính VNCH lúc mới GP thấy cán bộ VC sống ngô nghê, đần độn; họ còn tưởng lầm là chế độ VC đó mọi người đều tương tự như nhau, công bằng như nhau!!!

        Khác với you nghĩ, gia đình, cha mẹ tôi là thành phần chống cộng thứ thiệt 100%. Lý do đơn giản là vì môi trường tốt, thế thôi. Hồi nhỏ gia đình tôi sống ở ngoại ô SG, gần những xóm đạo của dân Bắc 54, và tôi đi học từ nhỏ trong những trường công giáo của các xóm đạo đó. Vì thế bây giờ nghĩ lại tôi thán phục những trường công giáo ở VN, nó huấn luyện tâm hồn tôi có tinh thần xã hội và thương yêu đồng loại, nó xây dựng cho tôi tình cảm yêu nước rất nghiêm chỉnh. Vì ảnh hưởng gia đình nên hồi nhỏ tôi cũng tuyệt đối tin tưởng Mỹ Ngụy. Thế nhưng nhờ giáo dục của nhà trường thời đó, tôi dần dần mất thiện cảm với Mỹ và ghét Mỹ. Hệ luận sau đó là tôi ghét luôn chính quyền VNCH, nhưng cái ghét của tôi lúc đó là ghét phê bình, xây dựng chứ không phải ghét để chống phá và đạp đổ. Xu hướng của tôi ủng hộ sinh viên học sinh biểu tình chống chính phủ VNCH cũng là vì thế, vô tình tôi cũng đã bị tuyên truyền gián tiếp bởi VC.

        Chính những ông thầy trong trường học đã ý thức tôi nhìn chính trị bằng cặp mắt khác với cha mẹ tôi. Nhờ họ mà tôi biết ghét Mỹ, và ngay từ nhỏ tôi đã hiểu rằng ngoài VC đã gây điêu linh cho dân miền Nam, còn có Mỹ nữa. Họ xen vào nội bộ VNCH, phá hoại tình đoàn kết trong hàng ngũ VNCH, họ còn che giấu VC để phá hoại chính phủ VNCH.

        Mặt khác, hồi nhỏ tôi quan niệm quan trọng nhất là đất nước và dân VN, cho nên mỗi bữa cơm tôi thường tranh luận với cha tôi rằng tôi ghét Mỹ hơn là VC. Nhưng điều đó KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ TÔI MỚI SÁNG MẮT TỪ SAU 75. Sinh viên học sinh chúng tôi ngày xưa thường thiên tả là vì chúng tôi chán ghét chiến tranh, và người Mỹ không giúp dân VN tránh né chiến tranh, nhưng họ đã gây chia rẽ tôn giáo ở VN để đổ dầu vào lửa mở rộng cuộc chiến tranh đó để họ mang quân vào VN như là một tên SEN ĐẦM QUỐC TẾ. Họ mang quân vào VN không phải để diệt CS mà là để thực hiện mục tiêu quân sự toàn cầu của họ, chọc chỗ này rồi lại rút ra đánh chỗ kia, vào VN để họ xây dựng căn cứ quân sự họ ở đây chứ không phải vì họ muốn tiêu diệt CS Bắc Việt.

        Nhưng đến sau 75 thì không còn gì để nói nữa, dù sao lúc đó những phong trào Sinh Viên Học Sinh chống chính phủ đã lộ nguyên hình là tay sai của VC. Tới đó họ công khai vỗ ngực nói rằng cảnh sát VNCH bắt bớ họ rất chính xác, họ nằm vùng lâu rồi. Chính tôi cũng đã lầm (hồi 04/75 tôi có cơ hội đi di tản qua Mỹ nhưng đã từ chối), cho nên sau khi gặp VC tôi phải vượt biên qua Mỹ, và điều đó không có nghĩa là Mỹ tốt với dân VN chúng tôi. Lọt được khỏi VN thì dân tị nạn chúng tôi bị xua đuổi, người Mỹ đã vào trại Bidong hứa hẹn bằng đô la để dụ dỗ chúng tôi hồi hương để trở lại với VC.

        Hồi nhỏ, khi học trong những trường công giáo, tôi không hiểu gì cái đám ở Vạn Hạnh. Nhưng đến 30/4/75, đi ngang qua đại học Vạn Hạnh tôi thấy ngoài cổng treo băng đỏ, đề chữ “Vùng Phi Quân Sự”. Tới đó tôi mới hiểu được sự thực, CS Bắc Việt có thể bắn phá tất cả mọi thứ trong SG, ngoại trừ chùa Ấn Quang và đại học Vạn Hạnh. Khi có đầy đủ tài liệu để tìm hiểu mới biết chỗ đó là cái ổ VC. Ngày 30/4/75 họ cầm cờ VC ra đón bộ đội Bắc Việt là một logic dễ hiểu.

        VC trong đại học Vạn Hạnh (và Ấn Quang) là VC Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vài năm sau GP thì đám này hết chống Mỹ Nguỵ, họ quay lại đòi chống cộng, nhưng đã too late rồi. Kết quả là một mớ đám này bị VC hốt vào khám chí hoà, và thượng toạ Thích Thiện Minh bị VC tra tấn tới chết. Thượng Toạ Tuệ Sĩ (viện trương ĐH Vạn Hạnh), và TT Huyền Quang bị kết án tử hình, nhưng sau đó Mỹ can thiệp nên ông ta được giảm án.

        Cái đám Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt cũng trong nhóm này, luôn luôn có Mỹ đứng sau lưng nên Đoàn Viết Hoạt sau khi bị VC bỏ tù đã được Mỹ can thiệp và đưa sang Mỹ. Nhóm Mặt Trận Giải Phóng ở Vạn Hạnh này bây giờ không chống QG nhưng không có nghĩa là họ theo QG (hiểu theo quan điểm tổng hợp những người yêu nước chống cộng). Tư tưởng Đoàn Viết Hoạt sau khi sang Mỹ vẫn còn mùi vị thân cộng, chia rẽ giống như nhóm Giao Điểm, khả nghi lắm. Đa số đám ban giám hiệu của ĐH Vạn Hạnh cũ là do Mỹ đào tạo.

      • Khinh Binh says:

        “you” viết dài thườn thuợc, nội dung như thế mà bảo là “không sáng mắt sau 75″ sao? You đọc you lại coi me nói đúng không?

        Còn đám SV tranh đấu thì chỉ số ít là CS nằm vùng, đa số là a dua, trốn lính, biểu tình để trốn học rồi tới kỳ thi thì xin điểm thôi.

      • con . . .! says:

        Xin được thay chữ….GP ( gần cuối hàng thứ 7 ) thành : Cướp..cướp..chử nầy ngày xửa ngày xưa ông CỤ dùng đó nhé…phải trung thành đi đúng đường…Bác đi… ! .

  10. ĐĂNG says:

    ” Tầm vóc và ý nghĩa của phong trào SV, HS, nghệ sĩ …. ”
    Tầm vóc và ý nghĩa của phong trào đến nay đã thể hiện rõ nét , lẽ ra ông Huỳnh Tấn Mẩm phải thấy nhục nhã cho những năm tháng ông gọi là đấu tranh đó. Hỏi ông vậy thời đó ông đấu ai ? cho VN hay cho thằng Tàu ? Vậy mà ông múi mặt làm 1 cuộc thảo luận với đại học Duy Tân tại Đà Nẵng để thêm 1 lần lường gạt giới trẻ chỉ đáng tuổi con ông ? Sao ông tàn ác và vô liêm sĩ như vậy ? Phá nát 1 chế độ, đưa dân tộc đến tử lộ, nay ông lại muốn đầu độc thế hệ trẻ tương lai của đất nước hay sao ? Đúng với 1 câu ông Hoàng Thanh Trúc viết : ” nó đã HÈN rồi thì thời nào nó cũng HÈN “.
    Xin hỏi ông đây là tầm vóc gì ? và ý nghĩa gì ? nó chỉ mang 1 ý nghĩa là BÁN NƯỚC 1 cách thô bỉ thôi ông à ! Sau 1975 là một chuổi biển, đảo . biên giới, tài nguyên bị bọn CS bán đứng cho Tàu.Báo Tàu hăm he đánh VN, lộ rõ mưu đồ xâm lược, bao cảnh đau thương đến với dân tộc ông không thấy xót xa và ân hận vì việc làm của mình ? Thà hắn ta câm họng TỊNH KHẨU như Trí Quang ! Một phường bất lương !

    • Ngàn Khơi says:

      THÔI ĐI TÁM

      Đời là vậy có gì mà thắc mắc
      Dễ gì đâu chuyện nghĩa khí anh hùng
      Như gió nổi huyên thiên cây đá chạy
      Như mưa rào bùn nước bắn lung tung …

      Đại Ngàn

Leave a Reply to Trung Kiên