WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tự do ngôn luận và tự do báo chí trong đời sống cộng đồng

 

LTS: Thẩm phán Toà án di trú San Francisco trong bài nói chuyện tại St.Paul, Minnesota, ngày 22 tháng 7, 2012 nhân dịp kỷ niệm một năm phát hành báo Người Việt Minnesota và Ngày Truyền Thông Báo Chí Việt Nam tại Minnesota đã nói rằng, “Không ai phủ nhận là cộng đồng người Việt được hưởng hoàn toàn và được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ hoàn toàn trong việc sử dụng quyền tự do ngôn luận.

Vấn đề là có những cá nhân và tổ chức trong cộng đồng muốn sử dụng tự do ngôn luận của họ để dập tắt tự do ngôn luận của những ai không đồng chính kiến với họ.

Đăng một bài phỏng vấn hay một lá thư có thể gây phẫn nộ cho độc giả. Sự phẫn nộ có thể được chia sẻ bởi rất nhiều người, và được xem là một sự phẫn nộ chính đáng.

Câu hỏi cần được đặt ra là đây có phải là lý do chính đáng để kêu gọi tẩy chay tờ báo, làm áp lực đóng cửa toà báo. Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tiêu diệt!

Dưới đây là nguyên văn bài nói chuyện:

—————————————–

Thẩm phán Phan Quang Tuệ

Kính thưa Quý Vị,

Khi chọn đề tài Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí cho buổi nói chuyện hôm nay, tôi chỉ nhằm mục đích chọn một đề tài thích hợp với ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm một năm phát hành báo Người Việt Minnesota và Ngày Truyền Thông Báo Chí Việt Nam tại Minnesota. Tôi không ngờ đã vô tình mở cánh cửa bước vào một vũ trụ bao la vô tận. Một biển cả mà càng đi tới, chân trời càng xa. Tôi xin giải thích tại sao tôi có cảm tưởng như vậy. 10 ngày trước đây tôi khởi sự ngồi xuống để soạn bài nói chuyện. Tôi vào Google và đánh hai chữ:”free speech”. Trên màn ảnh của máy computer hiện ra con số 63,100,000 tài liệu liên quan đến đề mục tôi muốn tìm hiểu. Con số tài liệu lớn lao này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề tự do ngôn luận và tự do báo chí.

Năm 1993, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 3 tháng 5 hàng năm là ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới hầu cổ võ cho quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trên toàn cầu. Thomas Jefferson, tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ công bố vào ngày 7 tháng 4, năm 1776 và là vị Tổng Thống thứ 3 của Hoa Kỳ, đã tuyên bố như sau:

The basis of our government being the opinion of the people, the very first object should be to keep that right; and were it left to me to decide whether we should have a government without newspapers, or newspapers without a government, I should not hesitate a moment to prefer the latter. But I should mean that every man should receive these papers and capbable of reading them.” “Nền tảng của các chính quyền của chúng ta đặt trên lòng dân, vì thế quyền phát biểu phải là đối tượng được bảo vệ trên hết. Nếu phải chọn lựa giữa một chính quyền không có báo chí và một tình trạng báo chí không có chính quyền, tôi sẽ chọn tình trạng thứ hai. Nhưng tôi cần nói thêm là với điều kiện mọi người đều có cơ hội đọc báo và có đủ hiểu biết để đọc và hiểu các bài báo!” Và đó là lời phát biểu 236 năm trước đây của tác giả Bản Tuyên Ngôn Độc Lập!

Câu tuyên bố của Thomas Jefferson chỉ nhằm nhấn mạnh đến vai trò không thể thiếu trong một xã hội không có báo chí, không ngờ lại đã xảy ra trong thực tế hơn hai trăm năm sau, không phải tại Hoa Kỳ, mà là tại một quốc gia ở Âu Châu!! Đó là Vương Quốc Bỉ. Thực vậy, sau ngày bầu cử Quốc Hội Bỉ vào tháng 6, 2010 đã không có một đảng phái nào hội đủ túc số để thành lập nội các. Các cuộc thương thuyết nhằm thành lập nội các giữa 11 đảng phái đã kéo dài từ tháng 6, 2010 cho đến khi đạt được thỏa hiệp và một nội các đã được thành lập ngày 5 tháng 12, 2011. Tổng cộng nước Bỉ và dân tộc Bỉ đã có một đời sống quốc gia 540 ngày mà không có một chính quyền. Nhưng tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông, hệ thống Internet tại quốc gia này vẫn tiếp tục trong suốt thời gian gần hai năm đó!! Đời sống quốc gia, sinh hoạt hằng ngày của người dân, các phương tiện giao thông, chuyên chở công cộng vẫn tiếp tục trong vòng trật tự cho thấy tầm quan trọng của dân trí và ý thức trách nhiệm của người công dân Vương Quốc Bỉ.

Tuy tự do ngôn luận và tự do báo chí có một vị thế quan trọng như vậy trong đời sống con người, quyền tự do này lại không phải là một quyền sở hữu, gắn liền với con người như con người có tay và chân cùng các bộ phận khác! Tự do ngôn luận quan trọng vì con người là một con vật xã hội. Khi chúng ta sống một mình cô quạnh như Robinson Crusoe trên một hoang đảo chơi vơi giữa biển cả mênh mông xung quanh không có gì khác hơn là một cây dừa lẻ loi thì quyền tự do ngôn luận không cần thiết phải đặt ra.

Theo cuộc kiểm kê dân số vào năm 2010 thì dân số Minnesota hơn 5,300,000 triệu người mà trong đó dân số người Việt có hơn 27,000 người, đứng hạng thứ 13 về dân số người Việt so với toàn quốc. Twin Cities, mà tôi thấy có quý vị địa phương dịch là Song Thành có dân số gần 2,500 người ở St.Paul và 2,000 người ở Minneapolis. Dẫu tỷ lệ dân số nhỏ so với dân số toàn tiểu bang, báo Việt ngữ vẫn là một nhu cầu cần thiết vừa để thông tin, vừa làm nhịp cầu liên lạc giữa cộng đồng người Việt, đồng thời nhằm nuôi dưỡng tiếng Việt, vốn là một nét đặc thù của văn hoá Việt Nam.

Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí được xem là đệ tứ quyền trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, sau quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy gọi là đệ tứ quyền nhưng tự do ngôn luận, tự do báo chí lại không được quy định trong 7 điều khoản chính của Hiến Pháp. Thực vậy tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong nửa phần thứ hai của Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ:

“Congress shall make no law…abridging the freedom of speech, or of the press…” “Quốc Hội sẽ không làm luật…hạn chế tự do ngôn luận, hay tự do báo chí”

Chúng ta cần lưu ý đến kỹ thuật thảo hiến điêu luyện của những nhà lập hiến Hoa Kỳ mà các tài liệu lịch sử đều nhắc đến họ như là: the Framers of the Constitution, những con người đã gầy dựng nên nền móng khuôn khổ của Hiến Pháp. Phần lớn các bản Hiến Pháp của các quốc gia trên thế giới đều viết đại loại như: Quốc Gia công nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hay: Công Dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin theo qui định của pháp luật như điều 70 trong Hiến Pháp 1992 của Cộng Sản Việt Nam. Tu Chính Án thứ nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ qui định một cách rõ ràng và vắn tắt: Quốc Hội sẽ không làm luật…hạn chế tự do ngôn luận, và tự do báo chí.

Kỹ thuật thảo hiến của các nhà lập hiến Hoa Kỳ 225 năm trước đây đưa đến hai hệ quả song hành: thứ nhất, xác nhận ý chí của nhà lập hiến không cho cơ quan lập pháp, nghĩa là Quốc Hội Liên Bang, quyền làm luật hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí. Thứ hai, đặt nguyên tắc căn bản cho việc giải thích tính cách hợp hiến đối với những văn kiện luật pháp hay lập qui, cho dầu trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Hệ thống công quyền của Hoa Kỳ được đặt trên nguyên tắc căn bản checks and balances, kiểm soát và cân bằng. Cả ba ngành luật pháp, hành pháp, tư pháp đều có mối liên hệ hỗ tương, ngành này kiểm soát ngành kia. Thí dụ Lập Pháp có quyền làm luật, biểu quyết ngân sách, phê chuẩn các hiệp ước quốc tế. Hành Pháp có quyền đề nghị các dự luật, phủ quyết các đạo luật do lập pháp biểu quyết. Tư Pháp có quyền giải thích Hiến Pháp, tuyên bố tính cách hợp hiến hay không của các đạo luật của ngành lập pháp.

Nhưng còn tự do ngôn luận, tự do báo chí vốn được xem như là đệ tứ quyền thì sao? Ngoài điều khoản công nhận tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Tu Chính Án Thứ Nhất, không có một giới hạn hiến định nào khác được trù liệu để giới hạn hay kiểm soát quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Một sử gia Anh Quốc, Lord Acton, trong thế kỷ 19 đã từng nói:”Power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely”. Quyền hạn dễ đưa đến lạm dụng, và quyền hạn tuyệt đối sẽ đưa đến lạm dụng tuyệt đối.

Quyền lực, hay quyền hành, tự bản chất thực ra không hẳn đối ngịch với đời sống dân chủ. Vấn đề là làm sao để điều hành quyền lực như thế nào cho phù hợp với sinh hoạt dân chủ. Chúng ta đã thấy các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được giới hạn và kiểm soát hỗ tương như thế nào. Trong lãnh vực tư, chúng ta cũng thấy mối tương quan hỗ tương giữa các công ty sản xuất và nghiệp đoàn nhân công, và những giới hạn của cả hai bên bởi luật pháp và các cơ quan hành chánh. Nhưng còn tự do ngôn luận, tự do báo chí được công nhận trong Tu Chính Án Thứ Nhất thì sao?

Ai cũng đồng ý tự do báo chí là điều cần thiết cho tự do chính trị, và nơi đâu mà con người không được chuyển đạt, bày tỏ tư tưởng giữa con người với con người, nơi đó không có tự do. Nhưng nếu tự do này bị lạm dụng thì sao? Và phải chăng tự do bị lạm dụng sẽ đưa đến sự hủy diệt của tự do? Nhưng câu hỏi trên chính là vấn đề khó xử khi thảo luận về tự do ngôn luận, tự do báo chí. Và đâu là ranh giới phân biệt giữa những điều có thể chấp nhận và những điều không chấp nhận được mỗi khi hành xử quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Không ai có thể nghĩ rằng qua Tu Chính Án Thứ Nhất, những nhà thảo hiến có thể chủ trương rằng tất cả mọi người dân đều có quyền tự do phát biểu không giới hạn về bất cứ vấn đề gì theo ý muốn, bất cứ ở đâu và bất cứ vào lúc nào. Thí dụ, khai gian trước toà hay phổ biến tài liệu khích dục có được bảo vệ như là một phần của tự do ngôn luận hay không? Thí dụ viết bài đặt điều nói xấu người khác, phỉ báng (libel) hay phát biểu nói xấu gây thiệt hại cho người khác (mạ lỵ, slander) có phải là tự do ngôn luận được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ hay không?

Khi giải thích những vấn đề liên quan đến tự do ngôn luận và tự do báo chí, án lệ Toà Án thường đối chiếu quyền tự do ngôn luận với những quyền khác cần được bảo vệ trong một xã hội tự do dân chủ. Đó là những quyền như quyền được sống an toàn, quyền được bảo vệ trong đời sống riêng tư, quyền của những người khác trong một xã hội mà mọi người đều có quyền được đối xử bình đẳng. Khi mang đối chiếu với các quyền lợi khác, Toà Án thường đặt quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí vào một điạ vị ưu tiên, preferred position vì đây là hai quyền tự do căn bản cho đời sống dân chủ. Đặc biệt toà án có khuynh hướng bảo vệ tự do ngôn luận trong lãnh vực các phát biểu về những vấn đề chính trị.

Trong lãnh vực này, phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong vụ án New York Times v. Sullivan (1964) là một án lệ căn bản trong lãnh vực tự do báo chí. Trong phán quyết này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán rằng giới chức chính quyền phải chứng minh là người chủ nhiệm hay chủ bút tờ báo đăng bài chỉ trích phải biết là điều chỉ trích không đúng với sự thật và người chủ nhiệm có ác ý (malice) khi đăng bài báo chỉ trích. Trách nhiệm dẫn chứng (burden of proof) này đặt một tiêu chuẩn quá cao khó cho các nguyên đơn có thể đạt được. Từ tiêu chuẩn áp dụng cho các giới chức chính quyền (government officials) lý luận của án lệ Sullivan đã dần dà nới rộng cho những người tuy không phải là giới chức chính quyền nhưng vì điạ vị và hoạt động của họ, được xem như là những khuôn mặt công cộng (public figures).

Ngoài tiêu chuẩn “preferred position”, vị trí ưu tiên, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ còn áp dụng 4 tiêu chuẩn khác cần phải chứng minh trước khi một đạo luật giới hạn tự do ngôn luận được công nhận là hợp hiến.

Tiêu chuẩn thứ nhất, luật giới hạn tự do ngôn luận phải không là một luật nhằm mục đích ngăn chận trước, prior restraint. Điều này nhằm tránh tình trạng kiểm duyệt và tiêu chuẩn này được xem như là trách nhiệm dẫn chứng khó khăn nhất trong phạm vi luật pháp.

Thứ hai, luật giới hạn tự do ngôn luận, tự do báo chí phải có nội dung vô tư, neutral. Thí dụ, nếu một thành phố ra quyết định cấm dán giấy quảng cáo trên các cột đèn, thì quyết định này phải nhằm cho tất cả các quảng cáo, không phải cho một loại quảng cáo nào đặc biệt.

Thứ ba, điều giới hạn phải không quá bao quát, too vague, khiến cho ai cũng ngần ngại. Một đạo luật như vậy sẽ có thể gây một tác dụng mà án lệ gọi là chilling effect sẽ làm tất cả mọi người ngần ngại, chùn bước không dám hành xử quyền tự do ngôn luận.

Tiêu chuẩn thứ tư là khi một đạo luật hay một nghị định đi quá xa trong mức giới hạn tự do ngôn luận thì đạo luật hay nghị định có thể bị xem là bất hợp hiến. Thí dụ tất cả mọi người đều có thể đồng ý là trật tự và an toàn lưu thông là cần thiết cho ích lợi chung. Nhưng khi một thành phố quyết định cấm hết tất cả mọi cuộc diễn hành hay biểu tình trên đường phố thì quyết định hành chánh này có thể bị xem là bất hợp pháp. Thành phố có thể giới hạn cuộc diễn hành vào một thời gian và trên một số đường phố thì giới hạn này có thể được xem là không vi phạm quyền tự do ngôn luận.

Những tiến bộ trong kỹ thuật thông tin ngày nay, đặc biệt là Internet, cho thấy những khó khăn mà Toà Án gặp phải khi phân biệt thế nào là tự do ngôn luận khả chấp và tự do ngôn luận bất khả chấp. Khi Tu Chính Án Thứ Nhất ra đời 221 năm trưoóc đây nào đâu đã có Internet!! Ngày nay qua Internet, hệ thống liên mạng, tất cả mọi công dân bình thường đều có thể nhận được vô vàn tin tức trong đủ mọi lãnh vực và liên lạc hầu như ngay tức khắc với một số người hầu như không giới hạn mà không cần phải rời nhà của mình. Trong số lượng những tin tức thông tin này có cả những tài liệu, hình ảnh khiêu dâm, bạo hành rất có hại cho trẻ em. Năm 1995, Quốc Hội liên bang đã biểu quyết đạo luật Communications Decency Act, gọi tắt là CDA, xem việc xử dụng Internet để chuyển các tài liệu “indecent material”, xúc phạm công sĩ, là tội hình sự có thể bị phạt 2 năm tù và phạt vạ $250,000 Mỹ kim cho mỗi vi phạm.

Đạo luật CDA đã bị Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tuyên bố bất hợp hiến trong phán quyết Reno v. ACLU (American Civil Liberties Union), 521 U.S.844 ((1997). Phán quyết này được biểu quyết thuận bởi tất cả 9 thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, với thẩm phán John Paul Stevens là tác giả thảo ra phán quyết. Reno v. ACLU là phán quyết quan trọng đầu tiên của Tối Cao Pháp Viện đối với những luật lệ quy định cách thức và nội dung các tài liệu gửi qua trên hệ thống Internet. Trong phán quyết này, TCPV đã phán đạo luật CDA bất hợp hiến vì đã không tôn trọng các tiêu chuẩn quá mơ hồ (too vague), nội dung không khách quan (content not neutral), vì đã gộp chung tài liệu khiêu dâm với những tài liệu thuộc loại khác dưới một danh xưng quá rộng “indicent material”, và sau cùng đã không tìm những biện pháp ít cực đoan hơn nhằm bảo vệ các trẻ em không được xem các tài liệu khiêu dâm.

Mặc dầu có phán quyết Reno v. ACLU, án lệ về tự do ngôn luận trong lãnh vực Internet vẫn chưa rõ ràng và TCPV và các toà án còn nằm ở giai đoạn dò dẫm trong lãnh vực mới mẻ này.

Nói chung, luật lệ giới hạn quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí có thể được xếp vào 3 loại: giới hạn về nội dung, content restriction, giới hạn về nơi chốn, place restriction, và tự do ngôn luận có tính chất biểu tượng, symbolic speech. Cộng thêm vào đó là loại phát biểu gây nên mối nguy hiểm rõ ràng và tức khắc, clear and present danger. Thí dụ giới hạn về nội dung là những tài liệu khiêu dâm. Giới hạn vì lời phát biểu có thể gây nên mối nguy cơ rõ ràng và tức khắc là trường hợp trong một rạp hát đông nghẹt có một người đứng lên hô to “cháy, cháy” tạo nên hỗn loạn. Giới hạn về biểu tượng, symbolic speech, như khi chống chiến tranh bằng cách đốt thẻ động viên. US v. O’Brien, 391 U.S.367 (1968) là một phán quyết liên quan đến phong trào phản chiến. Trong phán quyết này, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán rằng hành vi đốt thẻ động viên không phải là một hành vi có tính cách tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Tu Chính Án Thứ Nhất.

Các mục quảng cáo trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh được xếp chung vào loại commercial speech. So với political speech được luật pháp bảo vệ nhiều thì commercial speech được bảo vệ ít hơn. Nói thế không có nghĩa là các mục quảng cáo không được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ. Nhưng nếu quảng cáo sai lạc, thổi phồng quá đáng, gây nên thiệt hại cho người tiêu thụ thì lại là vấn đề khác.

Bài nói chuyện của tôi sẽ thiếu sót nếu tôi không đề cập đến tự do ngôn luận trong công tư sở, hãng xưởng. Đa số chúng ta thường hay nói: tôi có quyền tự do của tôi khi phát biểu về vấn đề gì. Điều này đúng nhưng không đúng cho nơi làm việc, work place. Nguyên tắc chung là quyền tự do ngôn luận rất giới hạn tại nơi làm việc, nhất là khi nơi làm việc là một hãng xưởng hay công ty tư, không phải công sở. Mục đích của chủ nhân thâu nhận chúng ta vào làm việc là để làm việc, không phải để xử dụng tự do ngôn luận. Tu Chính Án Thứ Nhất quy định: Quốc Hội không làm luật … hạn chế tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tu Chính Án này không hề quy định là chủ nhân không được sa thải một nhân viên khi nhân viên này nói quá nhiều, không chịu làm việc!

Tôi vừa trình bày cùng quý vị về tự do ngôn luận và tự do báo chí dưới khía cạnh hiến pháp, luật pháp, trong đời sống quốc gia. Bây giờ chúng ta thử xét vấn đề trong đời sống cộng đồng. Cộng đồng đây là Cộng Đồng người Việt tại Hoa Kỳ, không phải là cộng đồng người Việt tại Twin Cities Song Thành ở đây.

Theo cuộc kiểm tra dân số thực hiện năm 2010 vừa qua thì dân số người Việt tại Hoa Kỳ là 1,548,449 người, xếp hạng thứ tư trong dân số người Á Châu. Bốn thành phố có người Việt đông nhất là San Jose, Garden Grove, Westminster và Houston.

Tôi sẽ đơn cử 4 trường hợp liên quan đến quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trong đời sống cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Bốn trường hợp này đều xảy ra tại 4 thành phố nói trên.

Trường hợp đầu tiên là trường hợp tờ Thời Báo xuất bản ở San Jose, California. Vào khoảng đầu năm 1984, tờ Viêtnam, nhật báo đầu tiên của người Việt tại hải ngoại ra đời. Sau đó, người chủ báo tách ra làm tờ Thời Báo, phát hành 5 số một tuần, số báo ra cuối tuần có trên 80 trang. Năm 1986, số Xuân Thời Báo đang hai bài phỏng vấn xếp cạnh bên nhau, một bài phỏng vấn thẩm phán Phan Quang Tuệ, một người quốc gia, một bài phỏng vấn Nguyễn Xuân Phong, lãnh sự Cộng Sản tại San Francisco. Ngay lập tức có phản ứng chống đối tờ Thời Báo vì đã đăng bài phỏng vấn viên lãnh sự Cộng Sản. Các người chống đối tổ chức biểu tình 86 lần, kéo dài hơn 100 ngày. Ngày ngày họ kéo đến trước toà soạn tờ Thời Báo chửi rủa. Họ điện thoại đến toà báo chửi rủa. Họ làm áp lực với các thân chủ quảng cáo trên tờ Thời Báo chấm dứt quảng cáo. Họ đòi hỏi tờ báo phải công bố tên người ký giả đã phỏng vấn trực tiếp 2 nhân vật cho hai bài phỏng vấn. Tờ Thời Báo cho tới nay vẫn còn tồn tại nhưng không còn mạnh mẽ như trước.

Vụ thứ hai xảy ra gần đây tại Houston, Texas. Luật sư Hoàng Duy Hùng nộp đơn kiện cựu Đại Tá Trương Như Phùng đã phỉ báng ông qua những lời tố cáo LS Hùng đã thụt két công quỹ Fema, đã liên lạc với Toà Lãnh Sự Việt Nam tại Houston và đã làm ăn với Việt Cộng. Tin mới nhất cho biết vụ kiện đã được Toà Án bãi nại chiếu theo đạo luật Anti-Slap. Anti-Slap là một đạo luật ở Texas và ở 26 tiểu bang khác cộng với vùng Hoa Thịnh Đốn nhằm mục đích giảm thiểu các vụ kiện về phỉ báng, mạ lỵ giữa các người tố cáo và các nhân vật có khuôn mặt công chúng (public figure).

Trường hợp thứ ba lại cũng xảy ra ở San Jose. Tháng Sáu vừa qua một số người đứng ra tổ chức mời ông Bùi Tín, cựu Đại Tá Cộng Sản, đã ly khai đảng Cộng Sản và từ năm 1990 là một nhà báo sống tại Paris, đến nói chuyện. Một số người Việt tổ chức biểu tình phản đối. Xem cuộc biểu tình trên YouTube, còn thấy một người đi dự buổi nói chuyện bị một người biểu tình nhổ nước miếng vào mặt.

Trường hợp thứ tư là trường hợp mới nhất xẩy ra tại quận Cam vào đầu tháng 7 này. Báo Người Việt phát hành tại Westminster, đăng một lá thư của một độc giả đã viết “..ngày 30 tháng 4 là ngày vui mừng của dân tộc và Việt Nam Cộng Hoà là bè lũ tay sai của giặc Mỹ”! Lập tức có phản ứng ngay từ các cá nhân, hội đoàn, và ngay cả các báo khác. Chủ nhiệm của báo Người Việt quận Cam có thư xin lỗi ngay trên trang đầu, công nhận “đã phạm lỗi nặng nề nên xin lỗi toàn thể cộng đồng”. Thư xin lỗi cho biết tờ báo đã điều tra và cho nhân viên phụ trách chọn đăng bức thư độc giả nghỉ việc. Ban Điều Hành báo Người Việt Westminster đã tổ chức một cuộc tiếp xúc giữa Ban Điều Hành và đại diện cộng đồng để trình bày những biện pháp kỷ luật mà tờ bào đã áp dụng với những nhân viên trách nhiệm trong việc đăng lá thư nói trên.

Khi các nhà thảo hiến soạn thảo Tu Chính Án Thứ Nhất vào năm 1791, hơn 200 năm trước đây, họ nhằm bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của người công dân đối với với nhà cầm quyền. Tu Chính Án nhằm đến chính quyền và quy định: Quốc Hội sẽ không làm luật hạn chế tự do ngôn luận và tự do báo chí. Các nhà thảo hiến đã xem chính quyền là nguồn gốc chính đe dọa quyền tự do báo chí.

Trong 4 trường hợp đơn cử, không có một trường hợp nào có sự can thiệp của chính quyền, dẫu cho là cấp liên bang, tiểu bang, quận hạt, hay thị xã, để giới hạn tự do ngôn luận, tự do báo chí của cộng đồng người Việt. Không ai phủ nhận là cộng đồng người Việt được hưởng hoàn toàn và được Tu Chính Án Thứ Nhất bảo vệ hoàn toàn trong việc xử dụng quyền tự do ngôn luận. Vấn đề là có những cá nhân và tổ chức trong cộng đồng muốn xử dụng tự do ngôn luận của họ để dập tắt tự do ngôn luận của những ai không đồng chính kiến với họ. Đăng một bài phỏng vấn hay một lá thư có thể gây phẫn nộ cho độc giả. Sự phẫn nộ có thể được chia xẻ bởi rất nhiều người, và được xem là một sự phẫn nộ chính đáng. Câu hỏi cần được đặt ra là đây có phải là lý do chính đáng để kêu gọi tẩy chay tờ báo, làm áp lực đóng cửa toà báo. Và chúng ta có muốn tiếp tục theo con đường và áp dụng những biện pháp tương tự cho đến khi tất cả chúng ta chỉ còn những tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu, một ngôn ngữ với một lời cảnh cáo: ai nói khác sẽ bị tận diệt!

Và nếu như thế thì lợi ích và mục tiêu chính đáng của Tu Chính Án Thứ Nhất có còn cần thiết nữa hay không?

Ngày 3 tháng 5 năm 2012 vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã tổ chức mừng ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc và bà Irina Bokova, Giám Đốc UNESCO đã ra một tuyên bố chung có đoạn như sau: Freedom of Expression is one of our most precious rights. It underpins every other freedom and provides a foundation for human dignity. Free, pluralistic and independent media is essential for its exercise. Tự do ngôn luận là một trong những quyền quý báu nhất của chúng ta. Nó là căn bản cho các quyền tự do khác và đặt nền móng cho phẩm cách của con người. Tự do, đa dạng và độc lập của báo chí là điều tối cần thiết cho việc thực thi quyền tự do ngôn luận.

Tôi xin mượn đoạn trên trong bản tuyên bố chung làm kết luận cho bài nói chuyện hôm nay.

Xin cám ơn quý vị!

Theo Chuyển Hóa

_________________

(Thẩm-phán Phan Quang Tuệ tốt nghiệp Trường Luật Sài Gòn năm 1965, lấy bằng Tiến-sĩ Luật-khoa tại Trường Luật Viện Đại-học Drake vào năm 1985.Trước đó, từ năm 1986 đến 1988, ông là Thẩm-phán về Luật Hành-chánh rồi Phụ-tá Bộ-trưởng Tư pháp Tiểu-bang Iowa ở thủ-phủ Des Moines, Iowa. Đến năm 1995 ông được bà Tổng-trưởng Tư pháp Janet Reno chỉ-định làm Thẩm-phán Di Dân. Ông là thẩm-phán gốc Việt đầu tiên được cử vào chức-vụ này. Thân phụ ông là Phó Thủ Tướng Phan Quang Đán; trước 1975 ông là Trung Úy của Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa. Ông có một người em phi công bị mất tích trong một phi vụ ở Cam Lộ miền trung VN.)

43 Phản hồi cho “Tự do ngôn luận và tự do báo chí trong đời sống cộng đồng”

  1. Tị nạn VN says:

    Người sống ở đất nước tự do và dân chủ , chưa hẳn là người có tinh thần tôn trọng tự do dân chủ một cách đúng đắn .

    Sức mạnh của tự do dân chủ đôi lúc bị hiểu lầm , là sức mạnh của đám Đông nhằm buộc đối phương phải khiếp sợ , phục tùng ý kiến của mình . Rồi từ đấy , cho rằng mình đã thể hiện Công việc bảo vệ tốt đẹp tự do và dân chủ của Cộng đồng , của nước Mỹ và cho cả thế giới , trước tội ác và tham vọng dã man của CS .

    Tránh vỏ dưa lại đạp vỏ dừa . Tránh độc Tài CS lại gặp độc Bá Cộng Đồng . Độc Tài tự do , độc Tài dân chủ .

    Thẩm phán khi nói về luật đương nhiên phải chính xác hơn những người không học luật , chúng ta nên lắng nghe để rút kinh nghiệm khi hành động .

    • iBi says:

      Quan điểm đối lập trên phương tiện truyền thông khác xa lắm với chuyện lên tiếng sỉ vả, nhục mạ người khác trên báo chí. Tự do ngôn luận không phải là tự do nói bậy làm tổn thương một hoặc nhiều người rồi núp vào tự do ngôn luận để la làng kêu oan. Bất cứ quyền tự do nào cũng bị hạn chế bởi các quyền tự do của người khác để sinh hoạt cộng đồng xã hội được hài hòa.

      Bất cứ luật nào cũng có thể được diễn giải và bẻ cong theo ý đồ của người nắm luật. Ông bạn tin theo kinh, theo nhãn hiệu… thì OK phần ông, chẳng phiền ai hết, nhưng khi ông kêu gọi mọi người tin theo kinh bừa bãi như vậy là ông bạn… vô duyên lắm.

    • iBi says:

      Quan điểm đối lập trên phương tiện truyền thông khác xa lắm với chuyện lên tiếng sỉ vả, nhục mạ người khác trên báo chí. Tự do ngôn luận không phải là tự do nói bậy làm tổn thương một hoặc nhiều người rồi núp vào tự do ngôn luận để la làng kêu oan. Bất cứ quyền tự do nào cũng bị hạn chế bởi các quyền tự do của người khác để sinh hoạt cộng đồng xã hội được hài hòa.

      Bất cứ luật nào cũng có thể được diễn giải và bẻ cong theo ý đồ của người nắm luật. Ông bạn tin theo kinh, theo nhãn hiệu… thì OK phần ông, chẳng phiền ai hết, nhưng khi ông kêu gọi mọi người tin theo kinh bừa bãi như vậy là ông bạn… vô duyên lắm. Cái lối kêu gọi hàm hồ như ông vậy thì có khác gì “nhằm buộc đối phương phải khiếp sợ, phục tùng ý kiến của mình”. Sống theo luật không có nghĩa là làm y chang theo lời luật sư, thẩm phán, ông có biết không ?

  2. Thach Le says:

    Báo Người Việt có quyền tự do ngôn luận thì người Việt có quyền tẩy chay họ ,
    không có ai phạm luật hết , việc gì mà ông thẩm phán này làm “thầy dùi “??
    ông có giỏi thì về VN tranh đấu cho Tự Do , Nhân Quyền , chứ đừng ở đây nói
    tào lao , tôi kính trọng BS Phan quang Đán và cũng thấy tôi nghiệp cho BS Đán có
    người con như ông .

    • Hoàng Lan Chi says:

      Chính xác. Ông Tuệ hãy về VN mà sống. Tội nghiệp cho ô Đán!

  3. Võ Đình Tuyết says:

    Khi ngài thẩm phán Phan Quang Tuệ viết một bài về chiến tranh Nam Bắc của Mỹ.Thái độ cao thượng và nhân bản của quân,tướng, miền Bắc sau khi quân miền Nam thua trận đã khiến cho bao người đọc xúc cảm cao độ và thấy rõ sự trả thù hèn hạ chế độ cộng sản Việt Nam khi họ thắng trong ngày 30 tháng 04 năm 75,cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam và trả thù cho tới…bây giờ dù đã qua 37 năm.
    Những người đó đã liều chết vượt thoát dù đã phơi thây trên biển trong rừng,làm mồi cho cá cho người cho vật,kế tiếp là những người tù mang tên cải tạo thoát vòng lao lý đến bến bờ tự do,thì cho dù cách gì thì họ cũng lên tiếng khi những kẻ lợi dụng tự do ngôn luận củaTu chính án thứ nhất bôi bẩn phỉ nhổ lên đời sống tâm linh của họ.
    Tất cả hành vi luật pháp của thời xa xưa đến bây giờ ngài thẩm phán đều phán đúng,nhưng trong những con người bình thường cũng có riêng phản ứng của từng cá nhân và nếu không đúng luật thì sẽ ngồi tù như ông …Lý Tống.
    Họ có quyền lên tiếng nói của họ.
    Tờ Thời Báo đến nay vẫn còn tồn tại,tờ Người Việt chỉ sợ…bán báo không được nên vụng về xin lỗi, sa thải nhân viên, chứ có ai phá sập tiếng nói của họ đâu mà ngài thẩm phán khéo lo.
    Nước Mỹ hay các nước tự do sẽ không bao giờ có các tờ báo đồng một tiếng nói, một luận điệu,một ngôn ngữ mà những ai nói khác sẽ bị tận diệt. Những cái đó xin gởi về nước Việt Nam cộng sản.Họ đã là như vậy từ muôn đời.
    Không ai nói đúng luật cho bằng các ngài thẩm phán.
    Cám ơn bài viết của ngài.

  4. lêquan says:

    tôi hỏi một ký giả lão thành khi tôi gửi bài phản bác một bài viết của một tờ báo thì bài viết của tôi thường bị bỏ vào thùng rác . Tại sao vậy , ký giả lão thánh trả lời , nhà báo có quyền đăng hay không . Tôi lại hỏi nhà báo luôn đòi hỏi quyền tự do ngôn luận vậy đâu là quyền tự do ngôn luận của đôc giả , nhà báo lão thành không trả lời .Vậy phải chăng tư do ngôn luận chỉ có với người có quyền lực . Tôi chăng có thể hài lòng về sụ im lăng của nhà báo lão thành .
    Trường hợp cộng đồng người Việt nam Cali và báo Người Việt . Cuộc chiến VietNam châm dứt 30/4/75 nhưng thực tế cuộc chiến đó vẫ tiếp diễn với hình thái khac , cuôc chiến cho dân chủ tự do cho VietNam . Do vậy cộng đồng không thể chấp nhận sự nhân danh tự do tại Mỹ để tư do tuyên truyền cho công sản . Không thể chấp nhân Trần Trường nhân danh tư do để treo lá cờ csvn trong địa bàn công đồng cũng như ngưới Do Thái không chấp nhân treo hình Hitler hay các biểu tương Đưc quôc xã trong công đồng củ họ . Mọi xã hội đều cân có tự do nhưng không phải tư do làm bậy .Trước 1975 nhiều phong trào nhân danh tự do đấu tranh mục đích chỉ tạo bất ổn làm suy yếu chính phủ , sau 1975 những phong trào này hiện rõ chỉ là những lá bai của csvn . Những gì đang xảy ra tại cộng đồng nam Cali cũng vậy chỉ nhăm phân hóa công đồng . Chính quyền CSVN đã sai lầm khi thống nhất đất nước bằng bạo lực nay họ lai tiếp tục sai lầm khi muốn nhuộm đỏ người Việt hải ngoại .

  5. Trần Hữu Cách says:

    Cám ơn ĐCV đã chọn đăng bài nói chuyện này của Thẩm phán Phan Quang Tuệ, một thành viên ưu tú của cộng đồng người Việt tị nạn, một công dân Mỹ gốc Việt xứng đáng làm tấm gương cho các thế hệ từ 1.5 trở đi noi theo về cách thế hội nhập, tiến thân, và phục vụ cho xã hội ở đất nước sở tại. Nếu có người Việt Nam nào đầy đủ thẩm quyền nhất để diễn giải ý nghĩa các điều khoản về tự do ngôn luận trong Hiến Pháp Hoa Kỳ, thì người đó chính là Thẩm phán Tuệ!

    Thì ra tự do ngôn luận là điều hết sức mỏng manh mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã phải cố công bảo vệ bằng rất nhiều sự cân nhắc.

    Nói chung, người Việt Nam sống trên đất Mỹ còn phải học lâu dài về những thành tựu cấu thành xã hội Mỹ với các quyền tự do và các định chế nhằm bảo vệ các quyền đó.

  6. G Phan says:

    Nếu luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ hoàn toàn Tự Do Ngôn Luận và Tự Do Báo Chí,thì luật pháp Hoa Kỳ cũng bảo vệ quyền Biểu Tình, nó cũng là 1 phần cuả những tự do trên.
    Nếu những người biểu tình đã vi phạm hiến pháp bằng cách “dật tắt tự do ngôn luận cuả những ai không đồng chín kiến với họ”, thì những người biểu tình này đã bị chính quyền “hỏi thăm” từ lâu rồi,không đợi đến lúc Ô.Thẩm phán nhắc nhỡ
    Nếu Thẩm phán vào Google và tìm được 63,100,000 tài liệu liên quan đến “free speech”,thì vào thùng rát Google tôi tìm được 159,000,000 tài liệu liên quan đến “demonstration” !
    Khá khen cho nhật báo Người Việt đã mời được vị Thẩm phán này đến nói chuyện nhân 1 năm ngày phát hành báo này ở Minnesota.Bài nói chuyện này Người Việt nên gửi về xin đăng ở các báo trong nước.
    Sự phản ứng cuả 1 số người với báo NV đúng là có khi quá gay gắt,nhưng cũng phải thông cảm cho họ,vì đối phó với CSVN đầy quyền lực họ chẵng có 1 vũ khí nào khác,dù sao họ cũng làm trong khuôn khổ luật pháp,và đó cũng là hình ảnh muôn mặt cuả nước Mỹ.

  7. Dân Việt says:

    Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên , đa đảng . Việt Nam không cần tự do ngôn luận , tự do báo chí . Ở VN cấm tuyệt đối người dân nêu những vấn đề trên . Đây là thông điệp của Bộ Chính trị Đảng CS VN gửi Quốc dân , đồng bào trong nước . Anh Đinh Thế Huynh dõng dạc tuyên bố với thế giới hôm nào . VN yêu cầu các nước không can thiệp vào công việc nội bộ của VN . Người Dân trong nước hiện nay trình độ nhận thức còn thấp nên không có nhu cầu . Đề nghị các nước trong khi ký kết về thương mại , đầu tư không được ràng buộc các điều trên . Việt Nam là vô địch . Đảng CS VN do Hồ Chí Minh sáng lập có bản sắc riêng . VN sẽ tiến lên CSCN trong nay mai . Nhà nước chuyên chính VN sẽ trừng trị đích đáng bất kể người nào không tôn vinh sự lãnh đạo tài tình của ĐCS VN .

  8. Vũ duy Giang says:

    Tác giả bài viết đúng rằng:”Vấn đề là có những cá nhân và tổ chức trong CỘNG ĐỒNG muốn xử dụng TỰ DO ngôn luận CỦA HỌ để DẬP TẮT Tự do ngôn luận của những ai KHÔNG đồng chính kiến với họ”
    thì HỌ cũng GIỐNG như CSVN, nên”mở mồm, mắc quai” khi họ chỉ trích CSVN về QUYỀN tự do này.

    Hoặc họ cũng chỉ biết”nói một đằng, làm một nẻo” (như TT.Thiệu đã dậy họ rằng”Đừng nghe những gì VC nói,phải nhìn những gì VC làm”) , thì cũng như HCM đã “nói một đằng” rằng:”Tự do là cho DÂN MỞ MỒM”,mà các hâu duệ của ông lại tiếp tục”làm một nẻo”khác, là BỊT MỒM dân VN, và cũng tự BỊT MẮT (để không nhìn thấy Tầu Quen bắt nạt tại Biển Đông!), và BỊT TAI (để tránh nghe nhân dân ta thán!) đúng như 4 CON KHỈ”Tứ Trụ Triều Đình” của các”Vua Tập thể” ở VN hiện nay !

    • Vân Nam says:

      Thưa ông Vũ Duy Giang,
      Thế nào là dập tắt tự do ngôn luận? Là họp báo phản đối, là biểu tình, là kêu gọi tẩy chay…Cái đó là hành xử quyền tự do ngôn luận đấy chứ?
      Hãy xem xét ” tương quan lực lượng” hai bên, một phía là một “công ty” truyền thông chuyên nghiệp, có dư thừa phương tiện, một phía chỉ có “loa miệng”( mà có “ới nhau” thì cũng chỉ có mấy anh già rảnh rỗi), thì nếu muốn, bên nào áp đảo bên nào? Ai có thể “dập tắt” ai?

      Ông ví người Việt tỵ nạn CS chả hơn gì người CS trong việc “dập tắt” những chính kiến bất đồng thì tôi cho rằng ông vừa hồ đồ vừa…trí trá!( xin lỗi ông nếu tôi nói quá). Người Việt tỵ nạn CS có guồng máy công an, viện kiểm sát, toà án, nhà tù để triệt tiêu những người bất đồng chính kiến như chính quyền CSVN đang làm? Nếu nói một cách tổng quát thì c/q độc tài, bán nước hại dân đứng về phiá cái ÁC, là cái ÁC, người Việt HN CHỐNG lại cái ác. Vậy theo lý luận cuả ông là người Việt cũng “giống” như CSVN, nghĩa là cái ác cũng xêm xêm như cái “không ác”, thì lập luận cuả ông phải được gọi là kiểu lập luận gì? Tốt nhất nên tự vả vào cái “alô” cuả mình!

      • Vũ duy Giang says:

        Đúng là VC có”guồng máy CA..etc..để triệt tiêu những người bất đồng ý kiến”, và “một phía chỉ có cái”loa miệng”, mà có”ới nhau”thì cũng chỉ có mấy anh già rảnh rỗi”(nhàn cư,vi bất thiện!),như trên hình ảnh,và video(đăng trên ĐCV) quay chụp họ đem cái”loa miệng”để tiếp đón ông Bùi Tín ở Cali, và”ới”cả nước miếng lên cô nhà báo(ĐCV?) !!

        Ở đây chỉ NHẮC lại dòng viết của ông Vân Nam(?)để áp dụng vào cuộc tiếp đón ông Bùi Tín, cũng như đã NHẮC lại dòng viết của Thẩm phán Phan Quang Tuệ là:

        “VẤN ĐỀ là có những CÁ NHẬN,và TỔ CHỨC trong cộng đồng muốn xử dụng Tự do ngôn luận CỦA HỌ để DẬP TẮT Tự do ngôn luận của những ai KHÔNG đồng chính kiến với họ”

        Như vậy không nên tự so sánh với VC để làm”cái ÁC”, vì”Đừng bắt chước những gì VC làm, mà phải NÊU gương TỐT cho VC bắt chước! “, và hình như VN có câu “Ác báo giả Ác báo” cho đến bao giờ nữa?

        Trên diễn đàn ĐCV,khi phản hồi, thì thường viết”thẳng và thật”, mà “Sự THẬT mất lòng”của VC(đọc lại ở trên),và cả người chống đối VC! Nên nếu những người này “có tật,giật mình”thì tự tắt cái”alô” của họ, chớ không cần”tự vả”để thú tội để được ân xá !!

  9. iBi says:

    Nghe Luật Sư nói chuyệ̣n luật thì rất hay và đúng. Nếu đem bài này cho CSVN đọc và bắt chúng phải làm theo đúng như luật, như tự do ngôn luận, tự do báo chí v.v… thì càng hay hơn nữa. Tiếc thay, CSVN luôn xài luật của chúng – luật rừng – cho nên bài viết của Luật Sư là mớ chữ nghĩa vô nghĩa với chúng. Không thế đem tự do ngôn luận, tự do báo chí, và bài viết này của Luật Sư ra xài ở VN được.

    Bây giờ ta nói chuyện về người văn minh, người biết luật, biết tự do ngôn luận, tự do báo chí v.v… ở các xứ như Mỹ, tây phương v.v.. Tôi không muốn dây dưa với những mớ luật, lý thuyết … đẹp đẽ. Tôi chỉ muốn hỏi rằng ở xứ văn minh như Mỹ có thật là có tự do ngôn luận trên truyền thông, báo chí hay không ? Có thật là những quan điểm đối lập nhau được tự do lên tiếng trên các phương tiện truyền thông Mỹ hay không ? Tôi xin thưa rằng: không. Chuyện này đã cũ và có người viết thành bài bản khoa học hẳn hoi từ xưa rồi. Xin mời quý vị hãy gõ vào Google tìm đọc “Manufacturing Consent” của Noam Chomsky và “Engineering Consent” của Edward Bernays. Nếu không có thì giờ nhiều thì đọc bài tóm lược ở: http://hope.journ.wwu.edu/tpilgrim/j190/Chomsky.summary.html

    Đọc xong hai bài đó thì người ta sẽ hiểu hệ thống truyền thông báo chí ở Mỹ được kiểm soát và khuynh loát ra làm sao. Từ đó, chúng ta mới biết rằng cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tu chính án số một v.v.. chỉ là những hư từ rỗng ruột…. dùng ̣để giảng dạy cho học trò ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin. “The public” được coi như là “the herds”, và phải làm sao mà dẫn dắt chúng theo ý muốn của những người kiểm soát và khuynh loát ngành truyền thông.

    Lý thuyết nào, thoạt nghe qua, cũng đều xuôi tai và… đẹp; nhưng đụng vào thực tế thì lý thuyết nào cũng thành xấu xa và bất lực trước những trò ma, chước quỷ của những kẻ trục lợi. Ngây thơ, nhẹ dạ, và cả tin với những lý thuyết đẹp thì cả đời bị lợi dụng, bị dẫn dắt theo ý muốn của những chủ nhân giấu mặt đằng sau hậu trường.

    Những người thành tâm, thiện ý với tự do ngôn luận, tự do báo chí, chấp nhận quan điểm dị biệt v.v.. thì họ lại không hành nghề báo, mà họ thường hành nghề… luật. Cho nên truyền thông, báo chí cứ tự do làm theo ý họ, và các nhà làm luật mới có cơ hội mà giảng bài cho công chúng nghe để công chúng biết cái đẹp; riêng báo chí thì luôn luôn điếc tai trong vụ này vì họ không cần đẹp, họ chỉ cần tiền và tờ báo là nơi làm ra tiền cho họ.

    Tôi không tin là truyền thông, báo chí sơ sót khi bán ra sản phẩm cho công chúng. Họ có chọn lựa cẩn thận khi tung ra món hàng tới công chúng. Họ nói sơ sót là khi họ bị công chúng phản đối làm lung lay nồi cơm của họ.

    Tôi tin là tự do ngôn luận, tự do báo chí v.v.. còn lâu lắm mới thành hiện thực đẹp trong xã hội. Nếu các nhà làm luật cũng làm luôn báo thì hay quá ! Vì thế, chúng ta vẫn còn phải tranh đấu dài dài để vươn tới cho được cái đẹp đó.

    Tôi tin là

    • Minh Đức says:

      Trích: “Tôi chỉ muốn hỏi rằng ở xứ văn minh như Mỹ có thật là có tự do ngôn luận trên truyền thông, báo chí hay không ? Có thật là những quan điểm đối lập nhau được tự do lên tiếng trên các phương tiện truyền thông Mỹ hay không? Tôi xin thưa rằng: không

      Nếu tự do ngôn luận không có ở Mỹ thì vào thời chiến tranh Việt Nam những người phản đối chiến tranh là vì chính quyền bắt họ phải phản đối hay sao? Lúc đó cũng có những người bào chữa cho chủ trương tham chiến của Mỹ, những người đó cũng bị chính phủ Mỹ bắt phải nói như thế hay sao? Còn bảo rằng những người phản đối chiến tranh là bị ảnh hưởng của giới truyền thông thì hóa ra là giới truyền thông dám đi ngược lại chủ trương của chính phủ Mỹ. Giới truyền thông dám đi ngược lại chủ trương của chính phủ mà bảo là không có tự do ngôn luận? Cũng có những người bào chữa cho chủ trương tham chiến là họ dám đi ngược lại ảnh hưởng của giới truyền thông. Nếu giới truyền thông độc đoán thì sao họ nói ngược lại được?

      • iBi says:

        Ở Mỹ, chính phủ không ghê gớm như ở VN của ông bạn đâu để ông bạn lo sợ là “giới truyền thông dám đi ngược lại với chủ trương của chính phủ…”. Các tập đoàn tài phiệt làm chủ, nắm và điều khiển ngành truyền thông theo ý họ, khuynh loát truyền thông theo những cuộc mạo hiểm kinh doanh và quân sự ở ngoại quốc của họ. Giới chức chính phủ câu kết chặt chẽ với giới tài phiệt để thi hành các chính sách mà họ mong muốn để đem lại nhiều lợi nhuận cho các bên. Khi muốn công thì họ – qua ngành truyền thông do họ nắm – gióng trống khua quân ầm ĩ, khi muốn lui thì họ – cũng qua ngành truyền thông – phản đối rầm rĩ. Truyền thông, báo chí là con rối của họ, được mang nhãn hiệu “tự do ngôn luận” “tự do báo chí” v.v.. Phải sống “kỹ”, phải hiểu nhiều, phải đọc nhiều… thì mới “ngộ” ra những xảo thuật của các phương tiện truyền thông đại chúng ở các nước tự do. Khi nào có dịp, tôi sẽ viết một bài về các hệ thống thông tin ở Mỹ và ai là chủ nhân đích thực của các hệ thống thông tin đó. Mà thật ra, Bernays và Chomsky đã viết vấn đề đó rất rõ rồi; viết lại chỉ là nhai lại.

    • Timsuthat says:

      Ông Chomsky viết cuốn “Manufacturing Consent” không cáo buộc có những âm mưu (conspiracy) từ phía chính quyền hay giới tư bản, mà chữ “tuyên truyền” (propaganda) thường được hiểu một cách rất tiêu cực trong phạm vi đó.

      Trong cuốn sách đó Chomsky chỉ lý luận nêu ra những “thiên vị” (? bias) có tính cách hệ thống vì những lý do từ cấu trúc kinh tế, đưa tới những gì ông cho là “tuyên truyền”. Những biện luận của ông ta đọc thấy có vẻ hợp lý, nhưng thực ra cũng đã trật đường rầy, cáo buộc vô lý, chỉ thấy những “lỗ hổng” của hệ thống nhưng chẳng thực sự chứng minh cái gì sai và làm sao sửa đổi. Ông ta chỉ là thuyết gia bất mãn với thực tế, không có tư tưởng gì xây dựng hơn ngoài lãnh vực ngôn ngữ học của ông.

      Do đó khi iBi viết: “Đọc xong hai bài đó thì người ta sẽ hiểu hệ thống truyền thông báo chí ở Mỹ được kiểm soát và khuynh loát ra làm sao. Từ đó, chúng ta mới biết rằng cái gọi là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tu chính án số một v.v.. chỉ là những hư từ rỗng ruột…. dùng ̣để giảng dạy cho học trò ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin. “The public” được coi như là “the herds”, và phải làm sao mà dẫn dắt chúng theo ý muốn của những người kiểm soát và khuynh loát ngành truyền thông.” … là do thành kiến tiêu cực của ông iBi về sách này.

      Tôi không cho là hệ thống truyền thông Mỹ không có những bias từ phía chính quyền và đại tư bản (tôi còn cho rằng, conspiracy và propaganda vẫn có thể có hoặc đã xảy ra, nhưng không có institution nào mang trách nhiệm khám phá nó và có thể chứng minh điều đó cho dân chúng); dù vậy, những ý kiến của Chomsky không thuyết phục và rất lỗi thời trong hoàn cảnh hiện nay! — The truth is somewhere in between!

      Xin chứng minh vắn tắt qua thực tế: ông đã thấy hệ thống chính trị và kinh tế Mỹ đã đưa đến kỹ thuật mạng internet với đủ mọi kỹ nghệ thông tin, từ cá nhân (blogs) cho đến các user-generated content websites: videos, audios (youtube, podcasts), đến các mạng thông tin truyền thống của các báo chí, đài TV lớn trước đây. Ông nghĩ “tuyên truyền” thế nào khi tất cả các doanh nghiệp mới đều có quyền cạnh tranh, gây kinh tế khó khăn cho những hãng truyền thông xưa, vì mọi người đều có thể là “nguồn” thông tin và quá nhiều doanh nghiệp thông tin như hiện nay? Đây là một chứng cớ cho kết luận của ông: “Truyền thông báo chí là con rối của họ.”? Có thể nào mớ con rối đó – dù là lớn và mạnh – đắc lực với hệ thống mạng mở rộng cho tất cả mọi tầng lớp, khuynh hướng, ý kiến với giá “mở tiệm” hầu như “free” và giá vào cửa cũng “free” (không những thế, các dịch vụ truyền thông có uy tín thì quần chúng lại phải thường tốn tiền mới được vào cửa!). Nếu hệ thống truyền thông quan trọng trong việc “manufacture consent”, thì tại sao họ lại có thể để nó “run loose” như thế?

      Hệ thống tự do ngôn luận của Mỹ không bảo đảm công bình “cho mọi ý kiến”, chỉ bảo đảm cho công bình trong “quyền tham gia cho đóng góp và tìm ý kiến” (participation and access), với những điều kiện giới hạn bởi các quyền lợi khác. Nói một cách khác: “công bình cho mọi ý kiến” là một oxymoron.

      Dĩ nhiên là nó vẫn có những lạm dụng về quyền tự do này, nhưng nếu có chính thể nào trên thế gian làm tốt hơn được thế – không cần “định hướng dư luận” – thì xin cho tôi và các độc giả khác hay để đến đó lập nghiệp!

      Trong chiến tranh VN, chính phủ Mỹ đã có “tuyên truyền” trước khi vào VN (đưa đến việc đảo chánh ông Diệm), và cũng đã “tuyên truyền” để rút ra, nhưng chính quyền Mỹ phải trả lời trước công luận, không lẽ họ làm không cần cho dân biết như các chế độ độc tài? Tôi khẳng định rằng phong trào chống chiến tranh từ dân chúng – một tự do ngôn luận không lèo lái bởi báo chí hay chính quyền – là lý do chính khiến Mỹ rút khỏi VN; nó còn nặng ký hơn cả lý do Nga-TQ chia rẽ (vì nếu chấm dứt xâm lăng của CSBV rồi, Mỹ còn dễ dàng bắt tay làm hòa với TQ hơn nữa), và cũng chẳng phải vì chính quyền VN yếu kém, tham nhũng (đó chỉ là cớ để tuyên truyền biện hộ cho chính đáng, đỡ xấu hổ vì chiến lược quân sự không hiệu quả trong gần 10 năm chỉ vì CSBV “lì lợm”; Mỹ đâu có bỏ Afghan, Iraq vì tham nhũng – mức độ tham nhũng bạc tỉ còn hơn thời VNCH tính theo mức lạm phát từ thời đó; google một tí sẽ thấy ngay!). Chính Kissinger đã phát biểu ý tương tự về sự phân tâm của xã hội Mỹ ở giai đoạn đó.

      Còn về sai lầm trong chính sách của Mỹ thì nếu là do yếu tố hệ thống thì ông Chomsky có tư tưởng gì thay thế cho mô hình chính thể của Mỹ? Tôi không nghĩ những triết thuyết của ông Chomsky về chính trị có tí giá trị gì với chủ nghĩa “libertarian socialism” hoặc “anarchism” – đúng là một thuyết gia về một xã hội không tưởng! Thời 60-70 ông còn tiếng nói chứ bây giờ tôi không hiểu tại sao ai còn muốn nghe ông ta!

  10. ĐẠI NGÀN says:

    NÓI THÊM VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ TỰ DO BÁO CHÍ

    Tự do ngôn luận và tự do báo chí có thể nói là quyền cơ bản nhất của cá nhân con người và xã hội con người. Vì xã hội tự do có nghĩa cá nhân tự do cũng như ngược lại. Không thể có cá nhân tự do nếu xã hội không tự do, hay ngược lại cũng thế, vì xã hội là tập hợp, là môi trường của cá nhân và mỗi cá nhân chỉ là đơn vị.
    Con người khác loài vật vì con người có ý thức, có giáo dục, có hiểu biết, có ý chí, có mong muốn, có các ý nghĩa và nhu cầu tinh thần, có tình cảm, cảm xúc mọi loại, có khoa học, có văn hóa, có đời sống xã hội văn minh, đó là những gì xã hội loài vật hoàn toàn không thể có.
    Tất cả mọi quá trình phát triển, tiến hóa, hay bề dày giá trị đó là từ đâu, chính là từ việc trao đổi tiếng nói, ngôn ngữ, tư tưởng giữa những cá nhân con người hay trong toàn xã hội nói chung.
    Vậy ngôn ngữ, tư tưởng chính là nền tảng của tự do báo chí, tự do ngôn luận mà không là gì khác.
    Báo chí là phương tiện, là công cụ hiệu quả nhất mà loài người đã khám phá, đã thấy được các giá trị trong quá trình phát triển văn minh của mình. Như thế tự do báo chí cũng đồng nghĩa với nhu cầu chính đáng, cần thiết, tự nhiên nhất mà không là gì khác. Bởi báo chí cũng là nền tảng của tự do ngôn luận, vì báo chí mở rộng, phổ quát hóa mọi mặt về tự do ngôn luận mà không còn cách nào khác. Tự do ngôn luận chính là nhu cầu trao đổi quan niệm, trao đổi ý kiến công khai một cách thiết yếu, hiệu quả nhất của xã hội. Đó là nền tảng của mọi sự phát triển, mọi sự tiến bộ, mọi sự tiến hóa của cá nhân và xã hội nói chung không thể nào phủ nhận. Bởi ngôn luận và báo chí chính là phương tiện của thông tin đại chúng, mà thông tin chính là huyết mạch tin tức, suy nghĩ, tư duy, nhận thức nói chung của toàn thể xã hội.
    Cũng chính trong ý nghĩa đó mà mọi xã hội tự do, dân chủ đích thực luôn luôn đề cáo, bảo đảm, bảo vệ, khuyến khích tự do ngôn luận, tự do báo chí, mà không hề ngăn cản, không thể ngăn cản, hay cũng không có quyền ngăn cản. Điều đó hoàn toàn khác với các chế độ độc tài mọi loại, độc tài toàn trị theo kiểu cá nhân, tập thể, theo kiểu đảng phái hay theo kiểu ý thức hệ nào đó cũng vậy. Có nghĩa đã độc tài là phản cá nhân, phản con người, phản xã hội, vì cơ bản nó phản lại, ngăn cấm, khống chế, tiêu hủy hay triệt hạ mọi tự do ngôn luận, tự do báo chí.
    Bởi trong các chế độ độc tài độc đoán nói chung, toàn thể nhân dân không có quyền, chỉ có thiểu số hay cá nhân cầm quyền cao nhất mới có quyền, do vậy mọi tự do ngôn luận hay báo chí chỉ có thể nằm trong tay lực lượng hay cá nhân thống trị, không nằm trong tay mọi người hay toàn thể phần xã hội còn lại hoàn toàn bị trị. Một xã hội không có tự do ngôn luận, tự do báo chí như vậy cũng chẳng có điều gì còn để đáng nói. Bởi ngôn luận phải ngôn luận theo khuôn khổ, báo chí phải là báo chí được phép nói điều gì và không được phép nói điều gì, tức hoàn toàn không có tự do một cách tuyệt đối. Đó chính là điều phi lý, khốn nạn nhất của mọi xã hội, mọi con người ở trong những môi trường xã hội kiểu như vậy. Bởi vì chính quyền làm người của cá nhân và của toàn xã hội đều bị vi phạm, tướt đoạt, đều bị thủ tiêu tất cả.
    Nhưng ngược lại, trong những xã hội tự do dân chủ thật sự, nếu vì những lý do nào đó mà nhóm người này không muốn hay cấm cản, đả kích nhóm người kia muốn nói điều gì họ muốn, đó cũng là tính nghịch lý, tính tự phơi bày cái mâu thuẫn của mình khi lên tiếng hô hào tự do dân chủ, ca ngợi tự do dân chủ.
    Tại vì sao ? Vì xã hội là môi trường chung, chủ thể chung, giá trị và mục đích chung. Trong xã hội đó mọi người đều tự do, dân chủ, bình đẳng, không ai được lấn lướt, áp đặt ai một cách phi pháp hay phí lý, nên cũng không bất kỳ ai được phép cấm người khác, nhóm khác tự do báo chí hay tự do ngôn luận.
    Có nghĩa tòa án cuối cùng là tòa án của nhận thức, của lương tâm, của khách quan và sự thật, không thể kiểu cả vú lấp miệng em theo hướng này hay theo hướng khác. Mọi sự độc tài đều khốn nạn và vô lý, nếu mình nhân danh bảo vệ tự do lại tỏ ra ý thức, tinh thần độc tài độc đoán để bảo vệ tự do kiểu đó, chẳng khác gì tự mình cũng thủ tiêu tự do, dân chủ, thủ tiêu mục đích chống độc tài, độc đoán của mình. Có nghĩa chính ngôn ngữ phi lý, hành động phi lý nơi lên tất cả trước mọi người, trước xã hội cũng thế. Những người độc tài chính hiệu hay những người chống độc tài bằng chính hành vi, thái độ độc tài cũng đều cho thấy cùng sự ấu trí, sự dốt nát, thậm chí cả sự khốn nạn như nhau cả. Cho nên con người khác con vật ở chỗ sự biểu hiện thái độ trong văn minh, văn hóa. Chính hành vi văn minh, văn hóa mới tố giác được cái sai trái của người khác. Ngược lại, nếu hành vi phản văn minh, phản văn hóa, chỉ có thể tự tố giác chính mình và nối dài thêm bàn tay thô bạo, độc đoán độc tài của người khác, vì vô hình chung đã tạo nên những loại đồng minh tệ hại nhất, hoặc vô tình hoặc hữu ý trong xã hội luôn đòi hỏi phải có văn hóa, có ý thức lành mạnh của loài người.

    Võ Hưng Thanh
    (24/7/12)

    • DâM Tiên says:

      Non Ngàn lại Võ hưng Thanh
      Loanh quanh lại có lanh chanh Đại Ngàn…

      Qua sông không chuyến đò ngang
      Bèo trôi lớp lớp…đại ngàn dìa đâu?

      Nhìn ông viêt lách thêm,..dầu
      Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai…

      Ô hay ý ngắn lời dài…

Phản hồi