WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một mình trên đường

LTS: Tác giả Lệ Tân Sitek (tên thời con gái là Bùi Lý Lệ Tân) sang Ba Lan năm 1955. Bà thuộc lứa lưu học sinh đầu tiên đặt chân tới Ba Lan. Mới đây, nghỉ hưu sau 40 năm hành nghề kiến trúc bà đã xuất bản 2 cuốn tự truyện về cuộc đời mình, gắn với một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió của dân tộc. 

“Một mình trên đường” (Sama na drodze) và “Giữa ngã 3 đường” (Na rozdrożu) được độc giả Ba Lan đón nhận nồng nhiệt. Cuốn thứ nhất đã được xuất bản tại Việt Nam, cuốn thứ 2 sẽ được ra mắt trong thời gian ngắn nữa.

Theo đề nghị của chúng tôi, tác giả đã gửi tới một số trích đoạn của cuốn “Một mình trên đường”. Mặc dù rất muốn giới thiệu tới bạn đọc nhiều hơn nữa, nhưng do yêu cầu giữ bản quyền từ phía nhà xuất bản, nên chỉ có thể “bật mí” một số đoạn trích.

Ấn bản tiếng Việt bán tại nhà sách Vinabook. Ấn bản tiếng Ba Lan có thể mua tại empik.com hoặc weltbild.pl

——————————————-

Một mình trên đường

Lời nói đầu

Cuộc sống của mỗi chúng ta là một cuốn sách, khi được biết tới, được in lại không những trong trí nhớ của mình mà cả của người. Có lúc trở thành đề tài một tiểu thuyết hoặc một cuốn fim, lại có lúc được truyền miệng từ người này qua người nọ nhưng rất nhiều trường hợp chỉ tồn tại một cách im lìm…

Cuộc đời, dù có sóng gió hay êm ả, phức tạp hay đơn thuần, đều mang những kho tàng phong phú, cá biệt.

Với cái tuổi bảy mươi của tôi hôm nay, chỉ có mười năm tôi được sống ở Quê cha Đất tổ, năm sáu năm ở nơi chôn rau cắt rốn vùng sông Dương Tử, còn nữa là ở châu Âu. Cả thời gian đó, ngoài hình thức trao đổi thư từ với gia đình và những người thân – tôi không dùng tiếng mẹ đẻ nhất là thời gian hơn bốn mươi năm sống ở Nauy, quan hệ với người đồng hương cũng như với báo chí sách vở bên đó bị hạn chế vì những lý do khách quan, và do chiến tranh đã tạo ra.

Khi tôi đầy năm mươi tuổi – thấy sức sống của tuổi trung niên sao mà mạnh mẽ thế, đã có vốn nghề nghiệp, vốn kinh nghiệm, động đến việc gì gần như được việc đó, tôi nghĩ rằng đây là đỉnh cao rồi, từ nay là đồng bằng, cứ đi thẳng, không cần và chắc cũng không còn sức để trèo giốc nữa mà chỉ chờ một ngày nào đó bắt đầu xuống thang.

Khi đến tuổi sáu mươi – nhiều người cho đây là thời gian rất mờ ảo, không biết vẫn nên nhìn về tương lai hay là đến lúc nghỉ ngơi, ôn lại quá khứ?

Với tôi, một phần của tuổi năm mươi và những năm của sáu mươi lại là những năm đặt đỉnh cao nhất, đa dạng nhất, phong phú nhất không chỉ về nghề nghiệp mà một phần không ít thuộc về tâm linh và ngôn ngữ của tôi được dần dần hồi trở lại với Cố hương sau gần nửa thế kỷ xa Việt Nam mà trong thời gian đó có những nguồn tình cảm, tư duy của gốc rễ đã bị lùi vào quá khứ, vào quên lãng bởi khoảng cách, thời gian và cuộc sống bận rộn, ồ ạt của hiện thực hàng ngày với gia đình, với nghề nghiệp.

Trước tuổi bảy mươi vài ba năm, tôi quyết định chia tay thật sự với nghề kiến trúc của mình mặc dầu tôi rất yêu nghề của mình để thực hiện những mong muốn đã có từ lâu, đó là tập trung vào việc viết sách, dựa trên vốn đời của mình làm đề tài
Một mình trên đường được xuất bản năm 2009 tại Việt Nam. Tôi rất muốn quyển sách này được phát hành tại Ba Lan, vì vậy mà tự tôi dịch ra tiếng Ba Lan. Tôi cảm thấy một sự gắn bó sâu sắc với nước này. Đây là tuổi trẻ của tôi và nơi tôi đã tìm được người bạn đời. Ở đây tôi có gia đình và rất nhiều, rất nhiều bạn bè thân thiết.

Số phận của nhân vật chính trong quyển sách này, An – tôi sẽ viết bằng tiếng Ba Lan trong quyển thứ hai mang tên Ngã ba đường. Sự việc xẩy ra từ năm 1955 – 1979 – nhân vật chính đi du học sang Ba Lan, lấy chồng rồi cùng gia đình sang định cư tại Na Uy. Đây là quyển sách nói về tuổi trẻ của cô và tình yêu đối với một chàng trai Ba Lan và cuộc đời của cô đã gắn bó với người đó. Tình yêu đó phải trả một giá rất cao – hai mươi năm trời cô không được về thăm nước, thăm nhà. Mãi đến năm 1979, cô mới được phép về thăm đất nước và gia đình của mình.

Hôm nay, một phần của ý định đã được thành hình qua quyển “Một mình trên đường”. Đây không hoàn toàn là một hồi ký, càng không phải là một quyển sách lịch sử. Địa danh cũng như nhân vật nơi thực nơi không, có thêm có bớt.

Trước hết, tôi viết cho những người thân nhưng cũng cho cả những người tôi không quen biết.
Tôi viết cho những người vẫn còn và những người đã mất.
Tôi viết cho Quê cha Đất tổ, nơi đã tạo ra con người mình hôm nay.
Tôi viết cho cả chính mình để ôn lại một quãng đời đã thuộc về quá khứ…
Lệ Tân

——————————————-

Những đoạn trích từ cuốn “Một mình trên đường” để giới thiệu

 

Bố qua đời

Hôm ấy mưa lất phất, trời hơi lạnh, An đi đôi ủng cao đến đầu gối, mặc áo bông, quàng khăn len – tất cả màu hồng, đầu đội mũ len, hình như màu trắng. Ba của An đi đôi ủng màu đen cũng cao đến đầu gối, cầm cái ô to màu xám giống như áo khoác dài mùa đông. Nắm tay Ba, An vừa đi vừa nhảy, ríu ra ríu rít hỏi hết cái này đến cái nọ, được Ba đưa vào nhiều nơi xem súc vật, mua đồ chơi, mua bánh kẹo.

Hình ảnh ngày hôm đó đã trở thành một cuốn fim theo đuổi An suốt cả đời cho mãi đến hôm nay – khi tóc An đã bạc, thế mà mắt vẫn mờ đi vì xúc động khi ghi tả lại ngày đó. Hồi ấy An bao nhiêu tuổi – bốn hay năm? Thế mà nhớ rõ như vậy, tưởng như mới hôm qua.

Ba An lần này đi vắng lâu mới về, lại bị ốm, người gầy và xanh xao, phải nằm nhiều. Thầy thuốc đến hàng ngày. An hỏi Mẹ thì Mẹ chỉ hôn An bảo Ba sắp khoẻ, nhưng phải nằm nghỉ, uống thuốc một thời gian, con phải ngoan, đừng ồn ào vì Ba phải được yên tĩnh và ngủ nhiều.

An lén mở cửa xem Ba ngủ hay thức, mấy lần được Ba bảo vào, An chẳng biết nói gì với Ba cả chỉ thoa trán Ba rồi khi thấy mắt Ba thiu thiu, An hỏi:

- Con ru Ba ngủ nhé? Ba gật đầu…, rồi An thấy Ba ngủ thật.

An thương Ba nhất, thương hơn cả Mẹ, hơn cả em, hơn ca cô vú và con chó trong nhà. Ba cao lắm, không ai cao bằng mà cũng không ai đẹp bằng, hùng tráng trong những bộ quần áo thường mặc hằng ngày, trong những bộ comlê cũng như trong những quân phục, An thích nhất là khi Ba mặc cái quần với hai bên mông quần phồng ra, ống quần ghép chặt lại trong đôi dày da cao ống. An vẫn còn một bức ảnh Ba mặc bộ quần áo này khi Ba bế An chụp với Mẹ và em đang ở trong bụng.

Mỗi lần Ba đi xa về, đều có quà cho hai chị em. Khi Ba ở nhà, tối nào An cũng được Ba bế vào giường cùng với em, kể chuyện cổ tích rồi An ngủ lúc nào không biết. Sáng An dậy sớm, vào phòng ngủ của Ba Mẹ, chui vào giường nằm ngay bên cạnh Ba, Ba thoa đầu, An ngủ tiếp.

An ít khi khóc, khác hẳn với em, nó được mọi người bổng bế suốt ngày, luôn luôn nũng nịu, nó xinh vô cùng, da trắng như bông – ai cũng bảo vậy, có một cái nốt ruồi đỏ trên cổ và hai nốt cũng đỏ bé tý ở gần tai, khi nó cười – có hai cái lỗ trên má – lúc đó nó giống như bông hoa Hồng, đây cũng là tên của nó.

An rất thương em vì An là chị cả, ai cũng bảo An phải làm gương cho em, phải chiều em, phải săn sóc em, nhường nhịn em, bảo vệ em… Nhiều lúc An dận Ba Mẹ đã đẻ An ra trước. Mỗi lần An ốm mà phải uống thuốc đắng – vẫn không được kêu ca nhăn nhó. Chỉ lúc nào Ba ở nhà là An được Ba bế nhiều, được ngồi lên đùi Ba phi ngựa, được Ba chiều và An làm nũng, có khi lại khóc chẳng vì một lý do gì đặc biệt chỉ thấy không bị chê mà lại được Ba dỗ dành. Ba chắc cũng thương An lắm – An cảm thấy như vậy mãi đến hôm nay. Ba nói với An một lần:

- Con là con gái, nhưng là con cả của Ba, là Tộc Trưởng của gia tộc mình, con phải can đảm.
- Tộc Trưởng là gì hả Ba ?
- Giống như vua, chỉ có vua là của cả quốc gia, mà Tộc Trưởng là vua của gia đình…

An đã từng được Ba kể nhũng chuyện cổ tích về vua, hoàng tử, công chúa…

- Thế Ba là ai ?
- Ba cũng là Tộc Trưởng.
- Nhưng vua và Ba là đàn ông, vậy con là công chúa chứ?

Có những điều Ba nói mà An không hiểu lắm, hỏi lại thì Ba bảo khi nào lớn hơn Ba sẽ nói thêm.
An không để tâm những việc này, chỉ tiếc Ba không phải là vua – An sẽ là công chúa.

Ba An ốm rất lâu, nhưng dần dần thấy Ba khoẻ lại, Mẹ sắc thuốc bắc cho Ba bốn năm lần một ngày, trong bếp có những mùi thơm lạ, Ba cũng không ăn những món ăn thường, Mẹ phải nấu riêng, toàn là cháo, giống như những bát cháo An ăn mỗi lần ốm, nhưng dần dần Ba ăn những món như mọi người trong nhà, đã đi lại bình thường mặc dầu vẫn phải nằm nghỉ luôn. An lại được ngồi lên đùi của Ba, Ba bảo khi nào Ba khoẻ hơn sẽ đưa An ra phố chơi, muốn gì Ba mua cho cái ấy.

…”Hôm ấy mưa lất phất…”, chính là ngày mà Ba đưa An đi ra phố. Đây cũng là lần cuối cùng An được nắm tay Ba vừa đi vừa nhảy trên những con đường của Quế Châu.

——————————————————-

Gặp Bà nội

Từ ngoài đường, An thấy một bà già đi vào cổng, người mảnh dẻ, với khuôn mặt đầy dấu vết của thời gian, tóc vẫn đen, chít khăn bằng tấm vải lụa đen giống như những bà ở Hà Nội, mắt Bà rim rim, răng Bà đen bóng, đều đặn. Bà mặc váy đen dài, hai cái tai trịu xuống bởi hai cái hoa tai nặng bằng vàng, áo Bà màu nâu mở cúc, dưới áo là một cái yếm trắng tinh, chân Bà mang một đôi dép cao su mỏng.
Bác Ngọc ra tận đường đón, chị Lê lấy cái rổ Bà đang cầm bên nách, trong nhà mọi người yên lặng đứng chờ, ngoài đường đông chật người nghó nhòm vào, họ chen lẫn nhau. Mai đứng bên cửa với hai đứa con.

Bà già đi qua không để ý đến mẹ con An. Bác Ngọc đưa Bà vào ngồi bên bàn rồi nói với Bà:

- Bà ơi, vợ con chú Hải hôm nay tìm về Quê nội.

Nói xong, bác dắt An lại gần Bà:

- Đây là cháu An, con đầu của Hải.

An đến trước mặt Bà, Bà chăm chú nhìn, An nhìn lại không dám chớp mắt… Hai tay Bà cầm lấy hai cánh tay An – không nói một câu. Đoạn, tay Bà đặt lên lưng An, Bà vừa vuốt vừa như nói với mình:

- Lưng nó cũng còng còng như lưng thầy nó.

Bà vuốt lên, vuốt xuống lưng An nhiều lần một cách âu yếm, nhẹ nhàng, An càng còng lưng lại cho thật giống Ba mình – đây là lần đầu tiên An được biết lưng mình còng.

Mẹ An đưa Hồng đến bên Bà, ngồi xụp xuống một bên rồi hai tay Mai cầm lấy bàn tay phải của mẹ chồng đưa lên má:

- Thưa mự, con là vợ của anh Hải, đây là cháu Hồng, còn cháu Lan sẽ về sau…

Bà rút bàn tay trái từ lưng An rồi đặt lên tay Mai, vợ Hải:

- Chị…, chị Hải. Bà nhìn Mẹ An với nét mặt vô cùng phúc hậu, đầy trìu mến, đầy tình thương của một người mẫu tử đối với một đứa con long lạc trở về. Đột nhiên Bà rút tay khỏi tay Mai hỏi:

- Cha hắn đâu?, anh Hải đâ ? Giọng Bà vẫn thủ thỉ nhưng căng thẳng.

Mọi người trong nhà lúc đó mới khóc oà lên, chỉ có Bà không cử động, nhìn ra ngoài trời lơ đãng, xa vời, vô vi như người đang nhập thiền, như đang lục tìm trong trí nhớ bóng dáng của một thời xa xưa, bóng dáng của đứa con trai cả. Nét mặt Bà như một bức tượng, một phiên đá đã được thời gian gò mài đã mòn nhẵn và câm lặng.

An thấy trong người lao xao, bồn chồn, một cảm giác rất lạ – mới gặp Bà một lúc thôi mà An cảm thấy như mình đã từng ở với Bà, biết Bà từ khi mới mở mắt chào đời, với An, Bà không phải là người xa lạ một tý nào, Bà là Mẹ của Ba, có một cái gì toả ra từ Bà làm An cảm thấy mình được Bà rất thương, rất ruột thịt, bà chính là của An.

Bà rời tay con dâu cả, vuốt lên đầu Hồng, vuốt lên lưng An một lần nữa:

- Mự đã khóc anh Hải mấy chục năm nay rồi, bây giờ không còn nước mắt nữa, anh Hải dù không còn nhưng đã để lại cho mự vợ con, để lại giọt máu của mình như thế là phúc đức quá, quý hoá quá.

Nói xong, Bà dần dần đứng dậy:

- Bây giờ ta về bên nhà.
——————————————————-

Chuyện với chú Mộng

…. Chú bảo chú rất thương và quý Mẹ, chú cũng giải thích tại sao lần trước sau khi thăm Mẹ xong chú không kể với An về việc Mẹ lấy bác Lương…

An chen vào:

- Bà đã nói chuyện này rồi, chú không cần nói thêm, cháu chỉ không hiểu tại sao Mẹ không về thăm cháu vì Thanh Hóa không có kháng chiến.

- Đấy, chú về hôm nay chính là muốn nói với cháu lý do vì sao.

An ngạc nhiên là hôm nay chú nói đến Mẹ mà An không thấy tủi, không muốn khóc.

- Chú nói đi – An thản nhiên bảo chú.

- Mẹ cháu không về được vì lý do chính là các em đang nhỏ, không gửi lại được cho ai, Mẹ bây giờ không làm việc ở Hà Nội nữa mà tản cư về làng Bèo, bác Lương ra mặt trận, Mẹ mở một quán nước kiếm ăn. Ngoaì ra…, chú dừng một lúc nhìn An ngần ngại….., ngoài ra Mẹ đã đẻ một đứa em gái nữa rồi.

An thờ thẫn cả người, từ chân lên đầu cảm thấy lạnh dần, mắt An nhắm lại, đầu cúi xuống, ngực nặng chĩu, khó thở… An chống hai tay lên cằm, chẳng nghĩ ngợi gì, không cảm giác gì, cả người như thụt xuống, mềm đi…

Chú Mộng cũng im lặng, im lặng hôì lâu…

Đột nhiên không biết từ đâu, An ngạc nhiên nghe chính tiếng của mình hỏi chú:

- Mẹ phải mở quán nước để kiếm ăn….?

An bùng lên khóc nức nở, không nghĩ đến ai, đến gì hết chỉ thấy thương Mẹ nhức nhói cả người, Mẹ chẳng bao giờ phải đi bán nước kiếm ăn… An nghĩ đến các em, Lan và Hồng và con bé mới sinh… Mẹ lấy tiền đâu ra để nuôi chúng nó, không có vườn, không có đất trồng rau, trồng khoai, không có cá thu để ăn như cô Hiền…, không có Bà, có chị em gì cả…

Đầu An như một quả bóng, chét đầy bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu câu hỏi, không biết trả lời chỉ biết trút ra bằng nước mắt…
An gật đầu vào ngực chú, người run rẩy:

- Mẹ cháu khổ quá, làm sao bây giờ ? Chả trách gì mà Mẹ không viết thư về, không về, có khi không có tiền mua vé… Tiếng khóc của An cứ to lên dần. An cảm thấy trên đầu có những giọt nước nóng chảy xuống và tiếng xút xít của chú. Chú vừa vuốt tóc An vừa nói:

- Cháu đừng lo, Mẹ đã quen gian nan từ hồi nhỏ, từ những năm hoạt động cách mạng ở Trung Hoa, Mẹ có kinh nghiệm và sẽ vượt qua. Ngoài ra việc Mẹ mở quán bán nước chắc không phải chỉ để kiếm ăn thôi đâu mà cũng có thể là nơi trao đổi tin tức, nơi hoạt động bí mật. Đây là chú cháu mình nói với nhau thôi, chuyện bí mật, rất bí mật – cháu phải nhớ, không được nói với bất cứ ai. Chú lần này không ra Thanh Hoá được, nhưng chú sẽ tìm mọi cách liên lạc với Mẹ qua những đồng chí đi công tác ra ngoài đó và giúp Mẹ được gì chú sẽ giúp. Cháu viết một lá thư cho Mẹ đi để chú nhờ người đưa tận tay. Mẹ không viết thư chính vì để khỏi lộ bí mật, Mẹ phải đổi tên của Mẹ, của các em…, còn việc vào thăm cháu là không được rồi, cháu phải chấp nhận, tình hình nguy hiểm lắm, nhiều mật thám, việc đi lại bây giờ chỉ có những người cán bộ công tác mà cũng phải cải trang. Bây giờ ai cũng phải biết hy sinh, cháu dù nhỏ cũng phải biết hy sinh, biết chịu đựng.

Chú làm An yên tâm hơn, việc Mẹ sinh thêm một em gái, con bác Lương cũng không quan trọng nữa mà An lại cảm thấy như thương nó sống ở một nơi nguy hiểm, thiếu thốn như thế, không biết có sữa để uống không ? An nhớ Mẹ không có sữa cho Hồng bú, phải có cô vú, phải uống sữa dê.

An viết thư cho Mẹ ngay, chú ngồi bên cạnh, sửa lại lá thư của An trước khi An chép lại. Chú bảo nội dung của thư là chỉ báo tin sức khoẻ của cháu, việc học hành của cháu, của Bà và các cô, cũng đừng viết về các chú, cháu đừng nhắc đến tên bác Lương mà chỉ viết Bố Mẹ.

- Chú biết cháu không muốn gọi ai bằng Bố, nhưng bây giờ phải nghĩ đến những gì có thể động viên, giúp Mẹ và các em, những cái khác đều không quan trọng. Cháu nhớ – không quan trọng . Chú nhấn mạnh câu này.

An nuốt nước miếng, cắn răng lại viết như chú bảo, mở đầu lá thư “Bố Mẹ và các em thương yêu “.

Ngay bây giờ An chỉ lo cho Mẹ và các em thôi. An đưa cho chú tất cả số tiền được mừng tuổi:

- Chú bỏ cả số tiền mừng tuổi này của cháu vào thư cho Mẹ, cháu không cần vì dượng Khánh đã mua cho cháu tất cả những cái cháu muốn.

Chú cầm lấy một bó tiền trong tay, nhìn An thật lâu, mắt chú nhem nhép như muốn khóc:

- Mẹ mà nhận được số tiền này thì Mẹ sẽ mừng lắm, không những vì Mẹ có tiền tiêu mà vì biết cháu rất thương Mẹ… Giọng chú run run.

- Cháu không thương Mẹ thì thương ai? Cháu chỉ không muốn Mẹ lấy bác Lương mà thôi.

Chú hứa sẽ đổi ra tiền chẵn để thư khỏi nặng.

An cảm thấy sung sướng trong người, cứ hình dung khi Mẹ nhận được thư và nhận được tiền mừng tuổi của An, Mẹ sẽ biết An thương nhớ Mẹ đến mức độ nào, không cần phải viết, phải nói gì thêm.

Sau lần nói chuyện với chú Mộng và sau khi gửi thư và tiền cho Mẹ – An có cảm giác một cái gì không yên ổn đang chờ mọi người, An cũng thấy mình bị lôi vào một hoàn cảnh khác – việc giữ bí mật, việc nghĩ đến sự yên ổn của Mẹ, việc phải biết hy sinh …. Nghĩa là An cũng có một trách nhiệm gì rồi, không phải là An trước Tết nữa mà lại càng không phải là An hồi mới về Quê. An cảm thấy mình không còn là trẻ con nữa.

Bà bảo An phải làm quen nghe những gì An không thích nghe, cô Hiền bảo việc Ba bất bình vì Ông nội đi lấy vợ hai, rồi việc cô chống đối lại Bà để đi lấy dượng… An tự hỏi tại sao Bà Cát không ở chung với Bà nội ? Nghĩa là không thích nhau hoặc Bà không đồng ý để Ông lấy thêm vợ hồi đó? – mặc dầu Bà bảo chính Bà đã đi tìm vợ hai cho Ông để có người trông nom đồn điền… Bây giờ An phải giữ bí mật về quán nước của Mẹ, không được viết tên bác Lương, không được nhắc đến hai chú, Mẹ và các em phải đổi tên…., rồi An nghĩ xa hơn, tại sao Ba phải xuất dương ra nước ngoài để viết những bài thơ buồn bã như thế, để Ba nhớ nhà như thế? Tại sao chú Hữu lại bị bắn chết vì muốn được tự do, muốn đuổi Pháp ra khỏi nước Việt Nam ? Đáng ra đây là việc dĩ nhiên, Pháp có nước của họ sao lại vào nước người ta chiếm quyền làm chủ….? An lắc đầu, nhắm mắt lại thấy bao nhiêu thứ lộn xộn trong đầu.

Từ trước, An chỉ lắng nghe, chẳng hỏi han, chẳng thắc mắc gì mà cũng không ai giải thích cho An cả. Bây giờ An có những suy nghĩ, có những so sánh, có những băn khuăn, có nhiều câu hỏi không dễ gì cắt nghĩa nổi.

———————————————

Bà kể chuyện về Ba.

… Một hôm, có thầy Nho đến làng, mặc quần đen, áo dài đen, đội khăn xếp, chống gậy. Hành lý của ông là một cái bị vải khoác trên vai. Ông vào cổng, Bà thấy người lạ đến xin cốc nước đúng vào buổi trưa nồng nực nên mời ông vào nhà Trên. Ông nội đang ở đồn điền. Ông hỏi chuyện Bà mấy câu, khi biết chắc chắn đây là Mẹ của Ba – ông mới thì thầm nói với Bà:

- Tôi có tin của anh Xuân, xin Bà gọi cậu Nghĩa sang, để đọc tin của anh Xuân. Bây giờ tôi xin nghỉ lại ở đây, khi nào trời tối, tôi sẽ đi.

Bà nội nghi ngờ, biết là bọn mật thám tìm mọi cách để bắt Ba, tìm tin tức nên Bà rưng rưng khóc:

- Thưa thầy, anh Xuân nhà tôi chắc chết lâu rồi, đã hơn một năm nay mất tích, tìm kiếm khắp nơi không thấy, nếu thầy biết anh ở đâu thì xin thầy mách hộ hay nhắn anh về. Trời nóng nực, mời thầy cứ ở lại nghỉ ngơi, ăn cơm với mẹ con tôi…
Thầy Nho như không để ý đến những lơi Bà vừa nói:

- Anh Xuân nhắn là ở góc nhà Thờ, phía bên phải, đằng sau nhà, có hai tấm ván trần không viên đinh, trên đó có cái áo bông dài mùa đông của anh Xuân, ở dưới viền áo, phía tay phải có hai tờ 100 đồng tiền Đông Dương viên lại – hồi đó 100 cân gạo giá 1,8 đồng. Ngoài ra có một bản đồ may kẹp vào dưới nách áo. Bà cho người nhà tin cậy lấy xuống, nếu đúng như tôi diễn tả thì Bà sẽ tin tôi là người anh em đồng đội với anh Xuân.

Bà không nói gì thêm, vào nhà ngang gọi cậu em họ sang mở ván ra thì quả là có cái áo mùa đông nằm trên đó, dưới viền áo thấy có một tờ giấy bọc xung quanh hai tờ 100 đồng viên tròn lại và một bản đồ dưới nách áo. Bây giờ Bà mới yên tâm và bảo cậu em đi mời ông Nghĩa sang.

Thầy Nho, kéo ra một câu đối từ túi vải. Câu đối dán vào hai ống tre nhỏ, ông nấc một miếng tre tròn như mắt tre từ ống phía trên, rút ra một tờ giấy trắng được cuốn tròn:

- Đây là thư của anh Xuân, nhưng phải bôi nước thuốc vào mới hiện ra chữ.

Thầy báo với Bà là Ba hiện ở cảng, làm công nhân gánh vác đang chờ dịp lên tàu thuỷ sang nước ngoài hoạt động.

- Anh Xuân nhắn để nhà khỏi lo vì có Đoàn Thể tổ chức chuyến đi này. Anh Xuân cũng nhắn là mỗi lần Tết đến, anh sẽ gửi tin về cho gia đình hoặc bằng bài viết hoặc bằng bài thơ với mục đề là ” Xuân” đăng trên báo Phụ Nữ Thời Đàm và cũng sẽ ký tên là Xuân.

Khi ông Nghĩa đến, thầy Nho lấy tờ giấy ra, lấy lọ nước hoá học ra và một miếng bông quẹt vào, những chữ trên tờ giấy dần dần hiện lên. Trong thư, Ba bảo Ông Bà đưa số tiền dưới chân áo và bản đồ cho người mang thư này. Ba xin Ông Bà tha tội là không chăm nom săn sóc được Ông Bà khi tuổi già. Ba cũng nhắn chú Hữu bằng ba câu:

“Đường thẳng chú cứ bước.
Lẽ phải chú cứ làm.
Dù chết cũng can tâm”….

Bà kể những chuyện đó không hề rơi một giọt nước mắt, ngay cả những lần An thấy Bà rất xúc động – những lúc ấy, Bà nghỉ nói một lúc hoặc Bà đứng dậy làm một cái gì rồi Bà lại kể tiếp.
………………………………………………………………………………………………………………………

Bộ đội đóng quân tại làng.

Cả một trung đoàn đến đóng quân tại làng Phổ Đông và làng Thọ Toán gần đấy.

Đình và sân làng, sân Chùa, nhà ông Trường và một số nhà to rộng trong đó có sân và nhà Trên của gia đình An đều làm nơi tạm trú, cắm trại cho các anh bộ đội.

Làng An nhộn nhịp, vui hẳn lên.

Gần như tất cả mọi gia đình trong và ngoài làng – kẻ nhiều người ít mang đến sân Đình lợn, gà, khoai, ngô, gạo, sắn, mít, hoa quả và những thực phẩm khác để bồi dưỡng thêm cho các anh bộ đội đang chuẩn bị ra chiến trường.

Chỉ sau một ngày – xung quanh Đình làng, cây đa và một phần của sân trường đã lập những trại to, trại nhỏ làm bếp, kho chứa vũ khí, lương thực, được hoá trang bằng những cành cây, cành lá để máy bay địch không phát hiện ra.

Sáng sớm khi gà gáy canh ba, canh tư – đã nghe tiếng còi của bộ đội, rồi tiếng ca đều ” một hai, một hai..” vang lên cả vùng. Họ luyện tập trên các đường làng, sân trường, sân Đình và cả bên soi.

Trước khi ăn cơm tối vài ba tiếng đồng hồ, các anh, các chú giúp đỡ công việc sản xuất cho dân. Nhà An được người ra giếng gánh nước đổ đầy bể, trèo lên cây cau cắt hộ những chùm cau, sửa chữa giàn trầu, mái nhà sau bếp, sang soi với thím với Bà hái dâu gánh về nhà, bửa củi cho Bà. Họ gọi Bà bằng Mẹ, gọi thím bằng chị, bằng cô, gọi An bằng em, bằng cháu…Chuyện trò thân thiết như người trong nhà. Ở sân trường, các anh đá bóng với các em thiếu nhi, chơi đùa với chúng nó. Tất cả dân làng có một cảm giác đây là con cháu xa gần về thăm quê nhà.

Chỉ hai ba ngày thôi mà mọi người đã biết tên nhau, trẻ con trèo lên đùi, lên lưng các anh, các chú. Các bà, các chị tranh nhau dặt quần dặt áo. Các cô gái hẹn nhau đi từng cặp hai, cặp ba để nhìn những chiến sĩ anh hùng rồi nhí nhỏm tán tụng với nhau…

Những người bộ đội hồi đó là đối tượng, là mơ ước của mỗi một người con gái. Bao nhiêu bản ca lãng mạn về tình yêu, về lòng nhớ thương, hãnh diện của mình đối với họ. Những người lính của bác Hồ lại rất thân mật nhưng đứng đắn, chân tình. Nhiều cha mẹ lúc đầu áy náy, băn khuăn cho con gái của mình – bây giờ không những yên tâm mà càng quý mến, tin cậy hơn.

Buổi tối, sau khi bộ đội đã ăn xong – gần hết mọi người từ trẻ đến già tập trung lại bên sân Đình, nghe kể chuyện về các chiến dịch, nghe tin tức, ca hát, đánh đàn, thổi sáo với các anh.

Trong quân đội có một số người chuyên môn văn nghệ, chắc là bộ phận của Đoàn Văn Nghệ Quân Đội mà anh Lộc đã mơ ước được vào phục vụ. Lần này anh tranh thủ mang máy phát điện của anh ra trang trí và đội nhạc ba người của anh biểu diễn cho mọi người. An mang đàn manđôlin của mình cho các anh mượn, có vài người đánh rất sành, rất hay. Trong bộ đội đầy đủ các thành phần, nông dân, công nhân, sinh viên, nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, hoạ sĩ…, ai cũng trẻ trung, ai cũng tươi cưòi đầy nghị lực.

Sự có mặt của bộ đội không tạo nên cảm giác chiến tranh, nguy hiểm mà một không khí êm ả, đầm ấm, lãng mạn.

An và Tâm hát đôi hay hát một mình những bài ca kháng chiến, đầy tình cảm, đầy cương quyết trong những tối liên hoan. Có những bài được mọi người hát theo, có những bài làm cho không khí từ vui trở nên thương nhớ, buồn hay ngược lại. Nội dung cũng như nhạc điệu của bài nào cũng mang đầy ý nghĩa, đầy nỗi nhớ thương…, như bài “Quay Tơ” chẳng hạn:

Chiều không hương buông mây lắng xuống đồng Quê
trời mênh mông tím ngắt thoi thóp pha hồng…
Hàng nước mắt lã rơi bên thềm, vun vút bóng cau khắp trời, bát ngát khói sương…
Thì thào lá biếc, cỏ vương lá vàng
Tre ngà đưa võng, heo may hoa đàn
Ngập ngừng xa quay rung rinh lên bóng giáng người…
….

Hoặc:

Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vị sao
Uốn khúc đương đào. Mưa trời bùn sâu
Đoàn quân đi dưới nắng gắt gao mình đậm mồ hôi
Thép súng say đời, Vai nặng chĩu căm thù lòng sôi..
….

Bộ Đội đến đóng quân một cách đột ngột và cũng ra đi một cách đột ngột.

Một buổi sáng An thức dậy, thấy ở sân, ở nhà Trên không có dấu vết nào của các anh, các chú nữa, chỉ thấy trên bàn chiếc manđôlin của An.

An chạy ra Đình – cũng trống teo, những kho, những trại đã biến mất cùng với những hoá trang cành cây, cành lá.

Một số người thơ thẩn, đi quanh quẩn xung quanh Đình Chùa, có người rưng nước mắt. Phổ Đông lại như xưa, như không hề có một thay đổi nào đã xẩy ra.

An quay về nhà, thấy nhớ cái nhộn nhịp vừa qua, thấy nhoi nhói trong lòng vì biết là trong các chú, các anh ấy, có những người sẽ không bao giờ quay lại với gia đình của mình. Các anh, các chú đã đi ra trận…An nghĩ đến anh Han, anh Đạm, chú Lâm…, An nhớ đến một thiếu sinh quân ghi cho An hai câu thơ:

Mười hai Bến không bằng Bờ Ngư Hải
Bốn Bể Trời so lại Phớ Đông hơn…

Anh ấy có quay trở lại Phổ Đông không như anh đã hẹn?

- Bộ đội ra đi trước nửa đêm con ạ. Bà nghe tiếng động nên mới biết. Anh đơn vị trưởng ở nhà ta nói chuyện với Bà một tý. Họ rất khẩn cấp. Anh chỉ nhắn lại là sau khi quân đội rời làng, mọi người phải cảnh giác, có thể địch sẽ khủng bố, bỏ bom…

- Thế các anh ấy đi ra mặt trận hay vì bị lộ bí mật ở đây?

- Bà không hỏi, nhưng có thể là lộ bí mật, nếu không thì sao lại dặn Bà phải cảnh giác?

- Lộ bí mật? Chả nhẽ có gián điệp ở làng mình?

- Có thể lắm, trước đây vẫn có người làm bù nhìn cho Pháp chứ con! Vẫn có những người muốn Pháp cai trị.

- Thế thì ai?

- Không nhất thiết là người làng mình. Dọc đường xe hoả người đi lại nhiều.

- Chắc là được lệnh ra mặt trận thôi, bộ đội đến đây có phải tập là chính đâu, chẳng thấy các anh ấy trườn bò gì cả, chắc là chuẩn bị tinh thần, huấn luyện, nghỉ ngơi trước khi đi chiến đấu.
………………………….

…… Hai ngày sau, máy bay còn quay trở lại ném bom một lần nữa, lần này bị tấn công vào vùng làng gần đường tàu hoả và làng Thọ Toán – nghĩa là hai làng mà bộ đội đóng quân cách đây một thời gian.

Phổ Đông điêu tàn. Bãi soi vẫn như trước, cầu không bị phá, nước sông Lam vẫn chảy như xưa.
…..
Ôi thôi biết làm sao?
Đã rả rời tất cả
Quê Hường tàn theo ngọn lửa chiến chinh!
Nước mắt em rung rinh
Em muốn xông ra giết giặc
San phẳng đồn trại giặc
Để em tìm đến Đô Thành…
…………………………………………………………………………………………………………………………………….

Lòng An bồi hồi

Lòng An bồi hồi, bâng khuâng, cả thân thể như bị kích thích, như say, như tỉnh và cũng thêm vào cả sự lo sợ hãi hùng…. Hôm qua, ngày cuối tuần, khi học xong đã ra đến sân, thì nghe tiếng thầy Thiết gọi, An dừng lại. Thầy đưa cho An một quyển sách, khẽ nói:

- Trong sách có mấy bài thơ của anh viết tặng em. Chắc em cũng đoán được tình cảm của anh đối với em rồi, anh không định bộc lộ, nhưng anh không kìm hãm được nữa, ít ra anh phải chia sẻ với em.

An thấy tim đập mạnh, mặt nóng lên như lửa đốt, may là ban đêm không ai nhìn thấy. An bỏ quyển sách ngay vào cặp, bước nhanh ra phía đường, bảo với Tâm:

- Mình phải về nhà nhanh, không chờ Tâm được. An vừa đi vừa chạy. Trời mát, trăng liềm. Một mình đi xa dần các bạn đồng hành. Đến nhà, không ngồi xuống bên niêu cơm và chảo đồng và bát canh ngay mà hồi hộp mở sách ra, thắp đèn lên, mọi người đã ngủ. Trong quyển sách mỏng – tập thơ của Lưu Trọng Lư thấy mấy tờ giấy trắng đầy những giòng thơ của thầy.

Thầy tự gọi mình là anh và đặt cho An một cái tên mới: Giang Đông!

- Giang Đông? sao lại Giang Đông? Có lẽ hai chữ cuối của Lam Giang và Phổ Đông! Tôi chắc như vậy.

Bài thơ đầu thầy viết chỉ vài tháng sau khi đến trường:

Anh chỉ nói một câu,
Yêu em đến bạc đầu
Thương em thề vạn kiếp
Tình anh đã khắc sâu
Dù em có xa anh
Hay quên dần chăng nữa
Dù gặp ngàn trắc trở
Tình anh vẫn như xưa!
Vì anh là nguồn thơ…
Mà em là suối mộng
Ngàn đời thơ vẫn sống
Triệu kiếp cũng chẳng mờ…

Hoặc một bài khác:

Tôi đứng ở đầu làng,
Ngước mắt trông mòn mỏi
Phía đường tàu gần gủi,
Bóng của em Giang Đông
Ngước mắt trông mòn mỏi
Mòn mỏi ngước mắt trông
Phía đường tàu chẳng thấy
Chỉ thấy ở trong lòng…
….

Một bài khi mùa đông đến:

Bỗng nay trời trở lạnh
Giào giạt gió đông sang
Xác xơ vòm tre nhỏ
Lác đác lá dâu vàng…
Ta khoác nhẹ nhàng manh áo vá
Từ từ hơi sẽ ấm tràn thân
Tuy ấm tràn thân lòng vẫn lạnh
Cửa lòng không cánh khép phong trần
…..
—————————————–

Cải cách ruộng đất

Hôm đó chủ nhật, mọi người đã dậy, vừa ăn sáng xong, chú có chương trình sửa lại xe từ sáng thì đột nhiên anh Nồng đến. Nhìn mặt anh hoảng hốt, An tưởng có viêc gì xẩy ra với cậu mự:

- An ơi, em phải đi với anh sang hội trường bên kia. Chiều nay bố Cường sẽ bị đốt…

Mọi người sững sờ:

- Đốt ???, ai bị đốt, ai đốt ai?

- Bố Cường, lão Nam bị dân kết án tử hình chiều hôm qua, sau đó dân bắt dam lão tại Đình, mấy chục người đứng trước cổng Đình để giữ, một số người khác đưa tre, đưa giây đến hội trường để xây cột treo lão… . Loa công cộng kêu gọi dân chiều nay đến để chứng kiến việc xử án đối với một phần tử gian ác cướp của, giết người. Chắc người ta sẽ đốt lão.

Giọng anh ngắt đi từng đợt, anh lắc đầu nhìn mọi người rồi anh ngồi sụp xuống thềm nhà, ôm lấy đầu…

- Ai ra lệnh kết án ông ấy bằng cách này hả cháu? Chú hỏi.

- Cuộc đấu lão ấy đã kéo dài bảy tám ngày rồi, các đồng chí cải cách luôn có mặt ở đấy, điều khiển các cuộc đấu, nhưng hôm qua khi cán bộ hỏi dân phải xử án lão như thế nào thì cả hội trường hét lên: “tử hình, tử hình, treo cổ nó, đốt nó, chặt cổ nó…”. Thế là cả hội trường tống đến lão, kéo lão vào Đình, đóng cửa dam lại, không cho ai vào, ngay cả cán bộ cải cách cũng không được vào, nói không ai nghe. Cháu không biết ai ra lệnh, cả hội trường ra lệnh, cả hàng ngàn người từ mọi nơi đến ra lệnh… Hiện nay chỉ có quân đội mới gỡ được việc này!

- Cháu ra giếng rửa mặt đi rồi vào nhà nghỉ một tý. Cháu đã ăn gì chưa? Bà hỏi.

- Cháu ăn rồi, cháu cám ơn Bà.

- Anh chỉ rửa mặt thôi, lấy vài củ khoai ăn dọc đường để đi cho kịp. An bảo.

- Con đừng đi, xem những việc ấy làm gì? Bà lên tiếng rồi quay sang chú:

- Đức bảo nó đừng đi, cả hai anh em ở lại nhà! Giọng Bà cương quyết.

- Con đi, con gọi cả Tâm nữa ! Anh chờ em ở đây, em chạy sang Tâm rồi quay lại ngay.

- Con muốn đi thì đi, nhưng Tâm không nên đi, con đừng báo cho nó. Con phải tâm lý ! Chú nói rồi hỏi tiếp anh Nồng:

- Có thể dân quân, bảo vệ làng can thiệp, cháu nghĩ sao?

- Không ai can thiệp được đâu chú ạ. dân quân cũng là dân chứ ai, lòng căm thù của dân bây giờ cao lắm, phải mắt thấy tai nghe mới thật sự biết được không khí bên đó hiện nay. Từ tối hôm qua đến sáng nay đầy người ở hội trường, không ai dám phản đối, cháu có cảm giác là tình hình hiện nay không kiểm tra được. Không quản lý được! Ngay cả mấy cán bộ cải cách cũng khoanh tay, nhiều người từ vùng khác đến, có biết mặt mũi các đồng chí cải cách ấy đâu!

Trời nóng nực, không có gió. An và anh Nồng đi qua những cánh đồng lúa đã vàng. Lâu lắm An không đến nhà cậu mự. Giá như không có việc hôm nay, anh em An sẽ ghé vào bãi lúa đuổi theo những con bướm đang đua nhau bay bổng khắp nơi như mấy năm trước…

Tính trên ngón tay, chỉ có mấy năm thôi, khi hai anh em thả diều, bắt bướm, đánh dậm…. Một quảng đời ấu trĩ ngây thơ, vô tư âý sao mà ngắn ngủi như vậy ! Thế mà bây giờ hồi tưởng lại, An thấy những ngày đó đã xa lắc xa lơ như đã mấy chục năm trước, Bao nhiêu sự việc đã xẩy ra trong đời… mà đời này đã được mấy tuổi đâu ! Chỉ có mấy năm thôi mà không còn thời gian để chơi bướm, chơi chuồn chuồn, chơi chim nữa, đã biết sợ hãi là gì, biết đói lạnh là gì… Rồi bao nhiêu lo lắng đáng ra là được người lớn lo cho, bao nhiêu khao khát, ước mong đáng ra là phải đến với tuổi trẻ này một cách tự nhiên…. Chiến tranh, cuộc sống, sự gian khổ hàng ngày, hàng giờ đã bắt buộc những đứa trẻ này phải lớn nhanh hơn, già nhanh hơn, cứng cõi nhanh hơn, can đảm hơn, liều lĩnh hơn, để có khả năng đối chọi, nếu không thì sẽ bị gục xuống, sẽ phải đầu hàng….

Anh Nồng còn học một năm nữa là xong Cấp Ba, anh bảo anh sẽ vào bộ đội.

- Cậu mự có đồng ý cho anh đi không?

- Anh quyết định rồi, cậu mự phải chấp nhận, đây là nhiệm vụ của người dân, bao nhiêu người tham gia kháng chiến cũng chỉ có một đứa con thôi, cậu mự muốn anh cưới vợ trước rồi mới vào bộ đội…, nếu anh lấy vợ sau khi học xong thì anh chỉ mới mười tám, mười chín tuổi…, nhỡ ra anh hy sinh thì khổ cho vợ con, nhưng cậu mự may ra có đứa cháu…

An bùi nguì, nước mắt chảy ra, chưa bao giờ anh em An nói chuyện với nhau như hôm nay, như hai người lớn với nhau, anh như cần tâm sự, anh khác trước nhiều, không còn là đứa con hiếm muộn, được chiều chuộng, được nâng niu như quả trứng ngày xưa nữa. An thấy anh lớn hẳn lên, không chỉ thân thể to cao mà nội tâm, tinh thần của anh, ngay những lời anh nói, rất minh bạch, rất cương quyết, rất đàn ông. An thấy nể anh một cách lạ lùng và rất tự hào có một người anh họ như thế!

- Vậy anh đã có đối tượng chưa, đã yêu ai chưa hay cậu mự đã để ý ai cho anh rồi?

- Cậu mự đã để ý cho anh và anh cũng mến cô ấy.

- Thế là tốt nhất. Hay là xong Cấp Ba, anh đi học nghề, anh vẫn muốn trở thành bác sĩ mà, hay là anh đi học y tế chẳng hạn, chỉ nửa năm hay một năm là có thể phục vụ được rồi.

- Ý của em hay, để anh tìm hiểu thêm. Ngày mai em học ban ngày hay ban đêm?

- Ban ngày, tối nay em phải về, có thể ăn cơm ở nhà anh rồi em về.

- Ăn sớm rồi anh đưa em về nửa đường.

An muốn tâm sự với anh, thấy không khí giữa hai anh em hôm nay rất đặc biệt, rất cởi mở, thành thực…Giá như anh hỏi An một câu gì hợp với đề tài An đang cần bộc lộ thì chắc An sẽ nói…

Nhưng cả hai đều im lặng. Hội trường đã hiện lên trước mặt. Thôi, lần này không kịp rồi, có thể lần sau tâm sự với anh.

Cả một sân trường đầy chật người. Tiếng nói, tiếng kêu, ồn ào, người đi kẻ lại, không ai để ý đến ánh nắng mặt trời đang đốt lên người… Anh em An chen vào trong, nơi đã xây dàn. Bốn cột tre to được chống xuống lỗ đất, đắp lại, bắt chéo thành hai cột chéo, cuốn buộc lại bằng dây tre. Một ống tre cũng to như vậy đặt qua hai cột chéo buộc lại. Xung quanh ống tre ngang, treo hai giây to, phía dưới đất là một đống củi đặt trên một đống rạ…

- Họ định thế nào đấy? Hai cái dây ấy để làm gì?
- Để buộc vào chân và vào tay của lão, họ sẽ đốt ông, sẽ quay thịt ông!

An nhắm mắt lại, ngoảnh mặt đi rồi kéo tay anh ra ngoài:

- Kinh khủng quá, dã man quá, không thể như thế được! Chắc anh nhầm! Em không ở lại xem đâu…, rồi mắt An nặng chĩu, đầu nặng chĩu, hai đầu gối mềm không đứng vững được phải dựa vào tay anh. Anh em An ngồi xuống bên ven đường, dưới gốc cây.

- Em bình tĩnh, đừng cho người ta thấy mình khóc, ngoảnh mặt ra phía ruộng đi.

An làm như anh nói.

- Anh Cường có đến trường bình thường không?

- Gia đình Cường đi di tản rồi, anh nghe đồn là đã vào Nam, vào vùng vẫn bị Pháp cai trị.

- May là còn có nơi như vậy để tránh nạn! Chị em anh ấy có tội lỗi gì đâu!

- Gia đình Tâm phải biết chuyện này chớ? Chắc cũng có người chạy đến báo tin. Hai gia đình gần như thông gia rồi. Thế ông Trường thì sao? Ông ấy giầu lắm cơ mà!

- Nhưng ông không phải là điạ chủ, ông chẳng có một mét ruộng nào, ông là tư sản, cũng bị một số người làm thuê cho ông meo móc ông rồi, có thể sẽ căng thẳng, có thể sẽ bị đấu.

An nhìn anh một lúc lâu rồi thì thầm:

- Em thấy hoang mang, em nghĩ là Ba Mẹ em, chú Hữu và Ông của chúng mình hoạt động cách mạng, hy sinh cả người cả của để giành độc lập, để đuổi bọn thực dân ra khỏi nước chứ đâu phải để như thế này? Em biết cải cách ruộng đất, trị những bọn cướp của giết người, lấy đất chia cho người nghèo là đúng, là phải nhưng không như thế này!

- Chính sách là đúng em ạ, nhưng hoàn cảnh này là đặc biệt vì lòng căm thù của dân bùng nổ lên không quản lý được. Cải cách ruộng đất sẽ góp phần không nhỏ cho việc cổ vũ, động viên tinh thần binh sĩ, dân công đang trên khắp các chiến trường. Nước mình là một nước nông nghiệp, chín mươi phần trăm nông dân, những người tham gia kháng chiến gần hết là nông dân. Đấy, em không nên hoang mang, phải tuyệt đối tin vào Đảng vào Chính phủ…

- Em chẳng tin ai tuyệt đối cả! Không thể đòi hỏi người ta tuyệt đối tin mình, em chỉ tin những gì em thấy. Anh nói như chú Đức, như những Đảng viên!

- Anh chưa là Đảng viên, nhưng đang phấn đấu và sắp được kết nạp vào Đảng. Anh bây giờ là Đoàn viên của Đoàn Thanh Niên Lao Động.

An nhìn anh, cảm thấy hơi áy náy, nhưng không nói thực với anh thì nói với ai?

- Nếu anh là Đảng viên thì trách nhiệm của anh là phải nói thực, anh phải can đảm góp ý kiến nhất là những việc anh thấy sai. Vấn đề khó khăn là nếu anh phải tin tưởng tuyệt đối thì không làm được những việc đó, nếu anh làm là anh không tin tưởng tuyệt đối! Có đúng không? Chính vì vậy mà em không chấp nhận việc đòi hỏi em phải tin tuyệt đối. Vừa nguy hiểm, vừa siêu thực.

An dựa vào cây phượng, có tý gíó thoảng qua, Anh em An nói chuyện với nhau rất lâu, từ chuyện này đến chuyện nọ. An kể chuyện ở nhà, việc học hành, làm ăn và cả những phản ứng trước đây của An khi Mẹ lấy bác Lương… xem như là An tâm sự với anh, chỉ trừ một đề tài là muốn rồi lại thôi không động chạm đến.

Anh Nồng và cậu năm nào cũng đến chúc Tết, An chỉ thăm cậu mự nhân ngày giỗ Ông ngoại. Những lần gặp nhau ấy, thường chỉ nói chuyện qua loa, chưa bao giờ chi tiết, sâu sắc như hôm nay, An cảm nhận anh thực là một người anh ruột thịt, gần gũi mà An có thể nói hết những ý nghĩ của mình sai cũng như đúng mà không phải đắn đo, ngại ngùng.

Một mảng mây đến dần phủ đầy hội trường, trời mát mẻ hẳn, trên những nẻo đường ruộng từng đoàn người kéo đến. Sắp đến giờ dịch hành đây… An nhìn anh một cách buồn bã:

- Em về đây, em là người nhát, ngay đến hôm nay em vẫn sợ con đỉa…, anh nhớ không ? Em không chờ xem…, chỉ tưởng tượng thôi cũng đã quá kinh khủng rồi! Em sẽ đến thăm cậu mự sau hè.

Anh dẫn An đi một đoạn rồi anh quay trở lại.

Một mình An đi ngược dòng những đoàn người đang kéo nhau đến hội trường. Người ta nhìn An, tưởng An nhầm đường, có người nhắc, An gật đầu, lẩm bẩm vài câu. Trên cánh đồng lúa mênh mông vàng ói cuốn theo làn gió nhẹ, An không nghĩ gì cả, đầu óc trống tuênh. Cứ thế một mình trên đường, đôi chân đưa An về đến làng, rồi đến nhà, rôì đến sân.

Dưới hành lang, chú đang chữa xe, An ngồi xuống bên chú, không chờ chú hỏi:

- Con về trước khi xử hình, con không có can đảm để chứng kiến. Tất cả đã chuẩn bị xong…. như anh Nồng nói. Khi con đi, hội trường đã đông chịt, hàng loạt người tiếp tục từ bốn phương kéo đến. Không biết ngoài chiến trường khi tấn công vào đồn địch như thế nào, nhưng chắc không khí cũng căng thẳng, kích thích như ở đó hôm nay.

An ngạc nhiên nghe giọng mình rất bình tĩnh.

- Lão này chắc tàn nhẫn lắm mới bị dân căm thù như vậy. Chú nói.

- Dân cũng tàn nhẫn, cũng gian ác, cũng mọi rợ không kém. An lạnh lùng trả lời lại chú.

An im lặng ngồi bên chú, tránh mắt chú đang nhìn rồi đứng lên vào nhà lên phản nằm. Bà cùng thím và cô Nhị đang ra soi hái dâu.

————————————————-

An đi gặp Mẹ

Người An uể oải khi thức dậy – cả đêm hôm qua trằn trọc không ngủ được, nghĩ đến cuộc gặp gỡ Mẹ sáng hôm nay… Mẹ ở ngay gần đây rồi, đang chờ An – đứa con gái đầu lòng của mình, Mẹ đang nghĩ đến An, đang chờ mong An, đang hình dung giây phút gặp lại sau bao nhiêu năm xa biệt, đang hồi hộp để nhìn tận mắt con mình dạng mạo mặt mũi ra sao…, giống như An đang nghĩ, đang hồi hộp, đang bị kích động. Cái khao khát của An hơn chín năm nay không còn là ảo mộng, nó đang trở nên sự thực đây, không những chỉ được nhìn mà còn được động chạm đến Mẹ, ôm lấy Mẹ, cầm lấy tay Mẹ, gục đầu vào ngực Mẹ, vào vai Mẹ… An bàng hoàng, vừa sung sướng, vừa ngại ngùng.

An uống cốc trà tươi, thấy tỉnh táo hơn, cố ăn bát bún rồi cùng chú Đức sang chú Mộng để đến gặp Mẹ.

Đi về phía Ba Mươi Sáu phố phường, qua hàng Đào, đến Hàng Nón, giọc đường mua một gói kẹo to cho em … Khi gần đến nhà người em gái của Bố Lung – nơi Mẹ ở, tôi dừng chân lại, phân vân:

- Con thấy thế nào ấy… Hay là hai chú đến gặp Mẹ rồi bảo Mẹ đến nhà khách gặp con?

- Ơ kìa, Mẹ đi tìm con suốt ngày hôm qua, quay lại chỗ chú Mộng lúc chín giờ đêm, con còn đòi hỏi gì nữa ? Thôi, ta đi lên nhà. Chú Đức vẻ bực bội.

Chú Mộng lên trước, An đi ở giữa, chú Đức đi sau lên tầng hai… Chưa đến nơi đã nghe tiếng gọi tiếng kêu:

- Đến rồi, chị ơi, đến rồi…

Ngực An đập như trống, nặng nề đến ngắt thở, chân thấy hơi run, mắt không nhìn lên. Gần đến sàn nhà, thấy phần dưới của quần lụa đen ngay trước mặt. An gọi nhẹ:

- Mẹ!

- Đây là cô Y, em của Bố, Mẹ cháu đàng kia kìa… An nhìn theo ngón tay cô chỉ, bây giờ mới ngửng đầu lên. Mẹ ngồi trên giường với đứa bé bồng con mèo trắng, con mèo với thằng bé đều có con mắt như ngái ngủ, một mí! Lạ thật, ngay phút giây này An lại để ý đến chuyện này!

An liếc qua mặt Mẹ, thấy vừa thất vọng vừa ngạc nhiên vì tưởng tượng của An hoàn toàn khác hẳn. Mẹ An không thay đổi lắm, vẫn đôi mắt ấy, vừng trán ấy với những sợi tóc mai quăn, phơ phất mảng tóc hơi bạc bên tai, vẫn cuốn tóc về phía sau cổ tạo thành một bắp ngô cong, không mặc bộ quần áo Thượng Hải như xưa mà chiếc quần đen, áo vải trắng… Mẹ ngồi với cốc nước trên tay, không động đậy, như bị thôi miên, như một bức tượng. An cảm thấy đôi mắt của Mẹ nhìn mình, An tránh đi rồi lại nhìn đến. Mẹ không nói gì, cũng không một giọt nước mắt, giống như An. An nhớ gói kẹo cầm trên tay, cúi xuống đưa cho thằng bé, nó bỏ cả bánh, cả mèo trên giường nhảy xuống ôm lấy chân An:

- Chị An, Chị An, Chị An đã về…

An quàng hai cánh tay lên ngực Việt, thoa đầu nó, có nó bên cạnh, An cảm thấy như có nơi dựa, can đảm hơn. Bây giờ An mới ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt Mẹ:

- Mẹ không thay đổi lắm, giống ngày xưa…

An oà lên khóc, ngồi xụp xuống sàn nhà ôm lấy thằng Việt, người run rẩy, nước mắt tuôn ra…An cảm thấy hai cánh tay của Mẹ ôm lấy đầu mình, thoa đầu An, hôn An, nước mắt chảy lên đầu lên cổ An… An không đáp lại những vuốt ve âu yếm của Mẹ, vẫn ôm lấy Việt, cảm thấy lạ lẫm, ngượng ngùng. Đã chín năm rồi, An được thương yêu bằng một cách khác, An đã quen rồi. Không có một cảm giác sung suớng, một xúc động đặc biệt như An đã tạo ra trong tưởng tượng của mình ngày gặp gỡ. An phải cuốc đào để tìm lại những cảm xúc ngày xưa khi được Mẹ âu yếm…mà không thấy, biến mất rồi! Cũng bàn tay ấy, cũng hơi ấm ấy thế mà sao xa lạ đến kinh người! Tại sao An khóc? Chắc vì An dùng hai chữ “ngày xưa”?…
“Ngày xưa đã chết đâu rồi…?” – chỉ còn lại dư âm.

An chùi nước mắt, đứng dậy ngồi bên giường, Việt trèo lên đùi An, ép đầu vào bụng chị. Hai chú, cô Y ngồi ở phòng bên cạnh, nước mắt Mẹ vẫn tràn trùa, Mẹ ngồi sát An, vuốt trán, vuốt mặt, hôn An lên má, lên đầu, lên tay…An như một khúc gỗ nhưng bên trong đang có ngọn lửa âm ỷ cháy.

- Con cả của Mẹ lớn lên, trưởng thành lên nhiều hơn Mẹ tưởng tượng. Mẹ mang ơn Bà, các cô chú….

- Bà và các cô chú xem việc nuôi dạy con là trách nhiệm, là dĩ nhiên…, con cũng nghĩ vậy.

- Không phải gia đình nào cũng thế…

- Con biết, đây là một gia đình đặc biệt, rất đặc biệt. Chú đã thay Ba, Bà đã thay Mẹ…

…………………………..
Sáng hôm sau, chị em An không nói gì với nhau nữa. An đạp xe ra phố mua ít thức ăn, hoa quả cho em. Đến giờ ra ga, An đi trước, Mẹ đi cùng Tùng và mọi người. Trên ga đầy người đưa tiễn và những học sinh quần xanh áo trắng khăn quàng đỏ. Chúng nó mới xa nhau một tháng mà chào đón nhau như đã xa nhau hàng năm, đứa cười đứa khóc.

Mẹ ôm lấy Tùng hôn hết đầu hết má…An đứng nhìn Tùng lên toa, lòng xôn xao một cảm xúc. Mẹ vẫn cố nhún lên cầm tay nó. An thấy mặt em bên một cửa sổ, thấy nó khóc.

Tiếng còi rít lên, người trên ga xốn xáo. Tàu chuyển bánh rồi từ từ chạy, mọi người chạy theo còn nhắn thêm, nói thêm một vài lời….

An giơ tay vẫy cho đến khi bóng tàu đã mất hút. Sân ga hết náo nhiệt, người lại bước ra ga…Bây giờ An cảm thấy cái nhớ thấm thiết đang đến dần…

Nhìn theo phía tàu. Giá như An cũng có một hành trình như thế.
© Lệ Tân Sitek

 

 

3 Phản hồi cho “Một mình trên đường”

  1. khanh vinh says:

    Cám ơn bà Tân đã giới thiệu những đoạn trích, Tôi sẽ mua sách khi về vnam.

  2. Hoang Tưởng says:

    Tệ nạn Cộng sản làm cho người trong nước phải điêu linh, trốn chạy, người tha hương xa xứ phải sầu đắng ưu tư, thế giới phải rùng mình lên án. Thật buồn cho đất nước Việt nam !!!

  3. hạt bụi says:

    Đọc lướt qua một vài đoản truyện ngắn, đoán rằng tác giả sinh ra ở miền bắc khoãng từ trước 1955(?) độc giả có đôi điều chia sẻ:
    1.Cảm phục tác giả xa nhà đã lâu mà còn nhớ và viết về quê hương bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, khi mà người Việt thời ấy rất ít.
    2.Tựa bài “Bố qua đời” nhưng đối thoại trong bài lại gọi Bố là Ba. Người Hà nội thời trước 1955 đã gọi ba theo cách gọi của người miền nam ư?
    3.Chúng tôi vốn gốc dân Bưởi, nhưng tất cả anh chị em được sinh và lớn lên ở SG.Theo tôi hiểu thì Bà nội tôi thường gọi mẹ tôi là “mợ” theo kiểu khách sáo Hà Nội chứ chưa bao giờ nghe gọi “mự” như tác giả viết trong bài.
    4.Thương thay cho thế hệ của Bà và Mẹ ở miền bắc đầu thế kỷ 20 phải chịu đựng quá nhiều hy sinh vật vã.
    Phải chăng nếu không có lực lượng Cách Mạng rỗng do HCM khởi xướng mang về từ Tàu phù thì người dân miền bắc nói chung và cả phụ nữ nói riêng đã được Giải Phóng, sống đời sống đích thực của một con người đúng nghĩa như hiến chương LHQ quy định.

Leave a Reply to Hoang Tưởng