WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thương tiếc Bác Chín

LM Chân Tín

Bác Chín là tên gọi thân thiết riêng tư trong nhóm bạn hữu chúng tôi ở Saigon sau năm 1975 để gọi Bác Chín Tân (Chân Tín) – nhằm tránh sự theo dõi của mấy người công an mật vụ vốn thường bám sát những “đối tượng khả nghi”. Còn thông thường, thì mọi người đều gọi ông là Cha Chân Tín – nguời Mỹ thì gọi ông là Father Chân Tín.

Ở vào tuổi 92 (1920 – 2012), theo đúng với quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử”, thì sự ra đi của ông vào ngày 1 tháng 12 vừa rồi tại Saigon là điều không mấy ai ngạc nhiên. Mặc dầu vậy, tôi cũng đã nhận được điện thư của mấy người bạn – họ bày tỏ “sự bàng hòang” (anh Nguyễn Xuân Sơn ở New York, bào đệ của họa sĩ Thái Tuấn) hay: “đó là sự mất mát lớn cho Việt nam” (chị Sophie Quinn-Judge ở Philadelphia).

Là người có duyên được quen biết gần gũi với ông từ trên 40 năm nay, tôi xin được ghi lại một số kỷ niệm thân thương với ông qua một số bạn hữu và một số chuyện, đặc biệt là sau năm 1975.

1 – Trước hết là nhóm người cùng bị bắt với ông vào tháng 4 & 5 năm 1990.

Trong đó có những người đã ra người thiên cổ như Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ, Nguyễn Ngọc Lan, Đỗ Trung Hiếu và Roxanna Brown. Còn anh Đỗ Ngọc Long, Lê Văn Trinh và tôi, thì hiện đang sinh sống trên đất Mỹ. Mike Morrow hiện còn làm ăn ở Hongkong. Nhóm chúng tôi bị bắt giữ trong đợt này là do chính ông Mai Chí Thọ Bộ trưởng Nội vụ hồi đó là người đứng ra chỉ đạo chiến dịch mẻ lưới lớn “bắt giữ để phòng ngừa” (preventive arrests).
2 – Kỷ niệm với Mục sư Tullio Vinay (1909 – 1996) ở Italia.

Vào năm 1989, mục sư TullioVinay ở thành phố Turin Italia đã chuyển tòan bộ giải thưởng ông nhận được từ bên nước Đức cho cha Chân Tín, số tiền lên đến trên 11,000 US dollar. Và dĩ nhiên là cha đã chia hết cho những dự án xã hội ở Saigon và ở Cần Giờ. Bây giờ, thì ông cha có thể đi gặp lại người bạn mục sư thân thương và rất mực tốt bụng đó thôi.

3 – Chuyến viếng thăm của Nghị sĩ George McGovern năm 1972.

Thượng Nghị sĩ McGovern là ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ trong cuộc bàu cử Tổng thống năm 1972. Trong chuyến viếng thăm Saigon vào giữa năm đó, ông dành thời gian để đến thăm Linh mục Chân Tín. Nhưng ông lại bị lực lượng an ninh tìm cách cản trở, nên cuộc thăm viếng đã không thể thực hiện được. Sự kiện này đã gây sôi nổi trong công luận ở Mỹ lúc đó. Vài tháng trước đây, thì Nghị sĩ McGovern cũng vừa mới qua đời – như thế thì hai ông lần nay sẽ dễ dàng gặp lại nhau, khỏi bị ai đó ngăn cản nữa.

4 – Câu chuyện xung quanh vụ Phong Thánh Tử Đạo năm 1988.

Suốt trong hai năm 1987 – 88, Nhà nước cộng sản mở chiến dịch chống phá việc Giáo hội Công giáo tổ chức Phong Thánh Tử Đạo cho những vị bị sát hại trong thời cấm đạo ở Việt nam thời trước. Trong hàng ngũ tu sĩ và giáo dân có can đảm đứng ra bênh vực lập trường của Giáo hội, thì có Linh mục Chân Tín và Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan là hai vị viết những bài có sức thuyết phục cao đối với quần chúng giáo dân, nên được phổ biến cùng khắp cả nước – khiến gây e ngại cho giới cầm quyền, vì họ sợ chuyện “già néo bứt giây”.

Vì thế, mà trong dân gian bà con đã ví von gọi hai ông là “cặp kiện tướng Gullitt/Van Basten” của đội bóng tròn Hòà Lan là vô địch Âu châu năm 1988.

5 – Cuộc thẩm vấn của Đại tá Quang Minh tại trại giam B34 ở Saigon.

Trong suốt 3 tháng 5,6 và 7 năm 1990, tôi bị Đại tá Quang Minh Ngô Văn Dần thẩm vấn liên tục. Ông này là thủ trưởng của bộ phận Phản gián ở miền Nam. Ông tra hỏi tôi rất kỹ về mối liên hệ giữa tôi với linh mục Chân Tín và ông Tám Cần Tạ Bá Tòng. Ông còn nói với tôi : Ông Chân Tín là người bạn lớn của ông mà ! (nguyên văn tiếng Pháp : votre grand ami). Trong thời gian thẩm vấn dài ngày đó, cũng ông Quang Minh này đã tặng cho tôi một danh hiệu dữ dằn khác nữa, đó là : “ kẻ sát nhân ngọai hạng “(assassin de génie).

Tôi còn rất nhiều kỷ niệm vui buồn khác nữa với Bác Chín. Đại khái như lúc bác rưng rưng nước mắt xác nhân với anh em chúng tôi là cháu Thiên Hương ái nữ của nhà văn Duyên Anh và chồng là David người quốc tịch Anh đều đã tử nạn máy bay ở Bangkok năm 1988. Và vào cuối năm 1974, nhân dịp đến thăm các tù nhân chính trị đang tá túc tại chùa Ấn Quang, tôi còn dẫn Bác đến thăm Thày Trí Quang tại đây nữa. Đây có thể là lần duy nhất mà Bác Chín trực tiếp chuyện trò trao đổi với Thày Trí Quang.

Vào năm 1989, một số anh chị em giáo dân chúng tôi đã hội họp tại văn phòng của Bác để sọan thảo Thư Ngỏ gửi đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và cả đến Tổng Giám Mục Saigon Nguyễn Văn Bình nữa.

Nhưng vì khuôn khổ của bài báo có giới hạn, nên tôi xin tạm ngừng tại đây.

Nay thì Bác Chín đã lìa xa cõi tạm này để đi gặp lại, quây quần xum họp với bao nhiêu người thân thiết yêu thương của Bác.

Xin vĩnh biệt Bác Chín với lòng quý mến muôn vàn
Và xin cầu chúc Bác luôn thanh thản nơi cõi Vĩnh Hằng.

Westminster California, tháng 12 năm 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

Phản hồi